Thứ Ba, tháng 5 07, 2013

Hoa Kỳ và Đồng Minh


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt 130506
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Chẳng nên chống Mỹ mà cũng đừng vội phục Mỹ

 * Sự nhất quán huê dạng và vô lường *


Thứ Ba mùng bảy này, khi hội kiến Tổng thống Hoa Kỳ, hiển nhiên Tổng thống Nam Hàn là bà Phác Cận Huệ đã nhớ đến một quy luật về đối sách của nước Mỹ: thêm bạn bớt thù. Với hậu quà là bạn thù gì đều thấy ngại.... Ngẫu nhiên lý thú, ngày này cũng là kỷ niệm trận Điện Biên Phủ năm 1954 của "phe chiến thắng"!


Hoa Kỳ có một quy luật bất thành văn về đối ngoại. Bất thành văn vì chẳng ghi trong Hiến pháp hay các pho sách hàn lâm của nhiều đời về chiến lược an ninh.

Đó là sau khi bảo vệ được sự vẹn toàn của một lãnh thổ phì nhiêu, vuông vức mênh mông, rồi kiểm soát được hai đại dương ở hai hướng Đông Tây, ai lên lãnh đạo cũng đều trước sau đảm bảo là không cường quốc nào trên địa cầu có thể thách đố hay uy hiếp quyền lợi của nước Mỹ. Muốn vậy, Hoa Kỳ phải có sức mạnh quân sự khả dĩ can thiệp được ở mọi nơi. Mà đó chỉ là phần tiêu cực. Phần tích cực là chánh sách kết ước với đủ loại đồng minh bằng kinh tế, ngoại giao và quân sự để bớt hao tốn công sức.

Mặt trái đầy tính chất thực tiễn của chánh sách kết ước đó là không cho phép hình thành những liên minh có thể đe dọa chiến lược và quyền lợi Hoa Kỳ. Đi vào vận hành trong một thế giới nhiều thay đổi là sự biến hóa vô lường, hay sự lật lọng vô đạo, ngược với lý tưởng của nước Mỹ.

Trên mặt địa cầu, đại lục địa Âu Á tiếp cận với Trung Đông, Phi Châu và Úc Châu, là khu vực rộng lớn, đa diện và phức tạp, nơi duy nhất mà một đại cường có thể xuất hiện với tiềm năng trở thành đối thủ của Hoa Kỳ. Nôm na cho dễ nhớ có bốn nước là Đức, Nga, Trung Quốc và Nhật. Chung quanh là một chuỗi quốc gia hạng nhì, có mối hiềm khích hay lo ngại về các lân bang. Chính là loại mâu thuẫn địa phương ấy được Hoa Kỳ vận dụng để hoàn thành mục tiêu của mình.

Xin rất sơ lược nhắc lại các trường hợp tiêu biểu về mâu thuẫn này: Pháp và Đức; Nga và Đức; Georgia với Nga; Turkey với Nga; Israel với khối Á Rập; Saudi Arabia và Iran; Iran với Iraq; Jordan với ba lân bang Israel, Syria, Iraq; hai hệ phái Sunni và Shia trong khối Hồi giáo; Pakistan với Ấn Độ; Mông Cổ giữa Nga và Trung Quốc; Thái Lan với Trung Quốc, Miến Điện và Việt Nam; Nam Hàn bên  Bắc Hàn, Trung Quốc và Nhật Bản; Đài Loan với Trung Quốc; Úc với Nam Dương (Indonesia) và Trung Quốc, v.v...

Nói cho đơn giản – nên sai – đấy là chuyện "chia để mà trị".

Hoa Kỳ khỏi cần chia vì các nước trên đã sẵn chia rẽ và không khắc phục nổi mâu thuẫn riêng. Mà hầu như nước nào cũng cần đến Mỹ để giải quyết nhu cầu của họ. Hoa Kỳ thì cần thêm bạn bớt thù nên kết ước với mọi phe. Lâu lâu thì đổi để ki nào nước Mỹ cũng giữ thế thượng phong.

Thuần về lý trí, Hoa Kỳ có cách hành xử như một đế quốc nhưng không là đế quốc theo lối nhìn thông tục và tiêu cực.

Trong nỗ lực mở vòng giao kết, nước Mỹ không có chánh sách xâm chiếm và khai thác như các đế quốc thời "hiện đại", từ thế kỷ 15 đến sau này. Hoa Kỳ đề cao tự do và phát huy phong cách làm ăn như Mỹ, để xứ nào cũng thấy có lời khi kết ước với Hoa Kỳ. Mối lợi của họ có thể là kinh tế, ngoại giao hay an ninh, nhưng là loại mục tiêu đồng quy, cùng hướng vào điểm chính là quyền lợi của Hoa Kỳ. Mặt lý tưởng của chiến lược đó là những giá trị tinh thần của tự do kinh tế, chính trị dân chủ và cởi mở xã hội theo hướng đa nguyên.

Nhưng lâu lâu nước Mỹ lại đổi ý vì những chuyển biến trong tương quan quyền lợi.

Hoa Kỳ có thể đề cao dân chủ mà lại liên minh với Liên bang Xô viết để chống Đức quốc xã trong Thế chiến II. Sau Thế chiến II, nước Mỹ cổ xuý phong trào giải thực để xoá bỏ chế độ thực dân của Âu Châu, nhưng lại ủng hộ Âu Châu khi Liên Xô bành trướng thời Chiến tranh lạnh và yểm trợ các chế độ độc tài. Hoa Kỳ có thể cùng Pháp be bờ chống cộng, nhưng ngồi trên đôi tay khi Trung Cộng yểm trợ Bắc Việt trong trận Điện Biên Phủ 1954. Nghi ngờ Ngô Đình Diệm là người của Pháp xong lại đề cao ông Diệm là anh hùng chống cộng Á Châu, rồi Kennedy cũng lật ông Diệm....

Trước đó, nước Mỹ là đồng minh của Trung Hoa Dân Quốc, mà bỏ rơi Trung Hoa Quốc dân đảng trong nội chiến quốc-cộng tại Hoa Lục. Mà sau này cũng vậy, khi giải vây Trung Cộng để làm suy yếu Liên Xô thì Mỹ sẵn sàng cho Đài Loan hay Việt Nam Cộng Hoà vào loại "trương mục lời lỗ" – xoá sổ cho tiện việc sổ sách của một chiến lược lớn lao và quan trọng hơn.... Nóng hổi là việc dẹp bỏ phe Sunni tại Iraq hay Taliban tại Afghanistan xong thì Mỹ có thể lại đàm phán với hai đối thủ cũ và ồn ào công kích đồng minh là làm không nên chuyện, tham nhũng, hoặc lãnh tụ nằm trong sổ lương của CIA!

Một trong các động lực thay đổi này chính là nền dân chủ của Hoa Kỳ.

Từ một siêu cường có sức mạnh rất lớn qua lịch sử quá mỏng, dân Mỹ có sự hồn nhiên của trai trẻ. Họ thực tin vào định mệnh ưu việt của quốc gia, nghĩ rằng xứ nào cũng phải học gương Hoa Kỳ và việc gì nước Mỹ cũng thực hiện được. Tinh thần lạc quan đến độ chủ quan có thể dẫn họ đến sự kiêu mạn ngây thơ và nhất là máu nóng vội. Họ muốn chính quyền phải can thiệp ngay và sớm có kết quả trong nỗ lực kết ước trên thế giới.

Vì vậy, cả nước có thể ủng hộ việc can thiệp vào Việt Nam hoặc tấn công Iraq, nhưng đổi ý trong vòng bốn năm! Phản ứng của lòng dân là một mệnh lệnh trong bầu cử khiến lãnh đạo mà không lật lọng là mất lọng.

Nhưng cũng người dân lạc quan đó lại hốt hoảng khi gặp chấn động bất ngờ và lập tức phản ứng cũng thái quá như sự hồ hởi ban đầu. Vụ Nhật Bản tấn công Trân châu cảng năm 1941 hay vụ khủng bố 9-11 của al-Qaeda là hai thí dụ kinh hoàng nhất trong ký ức tập thể. Người tin vào sức mạnh vô biên của nước Mỹ đòi hỏi một cuộc tổng phản công rồi sau dăm ba năm thì hoài nghi thế giới bên ngoài và hết muốn Hoa Kỳ cáng đáng thiên hạ sự!

Cũng vậy, chấn động chính trị tại Bắc Phi được dán nhãn Mùa Xuân Á Rập và sự trỗi dậy tất yếu của phong trào dân chủ. Chế độ độc tài bị lật đổ mà cây dân chủ chưa mọc, chỉ có phong trào Hồi giáo quá khích nổi lên xây dựng một chế độ độc tài thần quyền của đạo Hồi. Nếu tuột tay thì chơi trò khủng bố, và coi Mỹ là thủ phạm chính! Người ta tái diễn cuộc Cách mạng Iran năm 1979....

***

Tháng Tư vừa qua, người Việt nơi nơi đều nhớ đến biến cố 1.9.7.5 và ngậm ngùi hoặc hồ hởi về cái lẽ thắng bại oan uổng. Kẻ thắng hay người bại đều không đáng. Một trong nhiều lý do chứ không duy nhất lại là đối sách của Hoa Kỳ. Vào hay ra đều vì các động lực bất ngờ - và thay đổi.

Bài học ở đây là... không nên chống Mỹ.

Là siêu cường ở xa, Hoa Kỳ không có chủ đích xâm lược hoặc chiếm đóng Việt Nam theo lý luận có dụng ý kiểu Lenin hay Mao. Hoa Kỳ chỉ can thiệp và đổ quân vì tai nạn nội bộ của chính trường Mỹ, rồi khi đã vào thì sớm nghĩ đến ngày ra! Vì vậy, phục Mỹ hoặc phó thác sinh mệnh quốc gia cho chính trường Hoa Kỳ cũng là điều dại dột. Hay hơn cả có lẽ là phát huy những giá trị tinh thần đã làm nên sức mạnh của Hoa Kỳ cho sự thịnh vượng của chính mình.Nhưng cực kỳ thận trọng để không thành quân cờ trên bàn cờ của thiên hạ - rồi lại trông chờ vào việc nước Mỹ "chuyển trục" về Đông Á. 

Quá trễ rồi chăng?

19 nhận xét:

  1. Bác Nghĩa cho Mèo hỏi mâu thuẫn giữa Miến Điện và Việt Nam là mâu thuẫn gì ạ?
    Cảm ơn bác

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mèo Lười ơi,

      Loạt bài này có hạn định là chỉ trong vòng 1.500 chữ (để khỏi nói không bãi đáp!) nên có khi quá cô đọng.

      Cả đoạn ấy có nghĩa là nhiều quốc gia e ngại hay cạnh tranh, thậm chí đã từng giao tranh với các lân bang khác nên cứ muốn liên kết với Hoa Kỳ, hoặc vận dụng nước Mỹ. Thí dụ như Jordan đối với ba nước Israel, syria và Iraq, hoặc Thái Lan đối với ba nước là Trung Quốc, Miến Điện và Việt Nam. Trong quá khứ, sau 1975, khi Việt Nam đưa quân vào Kampuchia thì Thái Lan ngồi trên lửa! Câu đó không hàm ý là có mâu thuẫn giữa Miến Điện và Việt Nam. Chưa.

      Xin lỗi nếu làm độc giả hiểu lầm!

      NXN

      Xóa
    2. Mèo đã hiểu ra, có lẽ do Mèo đọc cái ngắt câu Thái Lan với Trung Quốc, Miến Điện và Việt Nam Mèo lại tưởng là Thái Lan -Trung Quốc là 1 cặp, Miến và Việt là một cặp.
      Có lần Mèo nhớ bác bảo nên gọi là Trung Hoa, không nên gọi là Trung Quốc.
      Mèo cũng tập dần, tập dần, nhưng tại từ này dùng nhiều quá.

      Xóa
  2. Có lẽ là đã khá trễ với những cái đầu ảo tưởng và vọng ngoại. Dù VN có vào TPP hay các cơ hội hợp tác tích cực, thì quan trọng vẫn là ở nội lực và khả năng thẩm thấu cơ hội.
    Cháu thấy, nội lực của xứ Việt đã khá kiệt : tình người, niềm tin, kiến thức và bản lĩnh.
    Bây giờ để tổ chức một mô hình làm việc trên 02 người mà không nghi kỵ và cũng nhìn về một hướng thực sự khó khăn. Cộng thêm yếu tố tinh nhuệ nữa thì gần như không tưởng.
    Nhìn ra ngoài thì thật là bi quan, vậy mỗi cá nhân tự nhìn vào bên trong và thay đổi mình.
    Thank bác về các bài viết rất cô đọng. Luôn mong được học hỏi từ bác !

    Trả lờiXóa
  3. "Hoa Kỳ không có chủ đích xâm lược hoặc chiếm đóng Việt Nam theo lý luận có dụng ý kiểu Lenin hay Mao". Câu nói này của tác giả đủ để biết tác giả chẳng biết cái cho gì rồi, Mỹ từ xưa đến nay vẫn không nguôi ý định xâm chiếm nước ta, luôn tìm cách chống phá nhà nước ta bằng nhiều thủ đoạn, phương tiện. Chúng ta phải hết sức đề phòng bọn Mỹ này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vui thật! Mấy con vẹt của Hà Nội cũng len vào đây chơi! NXN

      Xóa
  4. Nước mỹ là kẻ luôn đứng đằng sau các cuộc nổi dậy ở các nước Á Rập hay như libia ..nhưng nhưng người dân đã được gì sau khi hi sinh biết bao xương máu cái mà ho có được chỉ là bất ổn chính chị bạo động giết tróc đánh nhau giữa cac phe phái trong nước . nhưng người mỹ lại hưởng lợi lớn từ nhưng cuộc chiến nay họ có trong tay nhưng mỏ dầu mỏ nhưng tài nguyên quý hiếm ..

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái này lại trật rồi! Xin đọc kỹ lại xem. Hoa Kỳ không muốn dính vào Libya - và cũng chẳng khai thác dầu khí của xứ này như các nước Âu Châu - rồi cũng bị kéo vào và vội chạy ra thật nhanh mà vẫn bị u đầu về vụ Benghazi. Sự đời nó rắc rối hơn lý luận tư bản gây chiến để chiếm tài nguyên...

      NXN

      Xóa
    2. Xin được phép bổ sung với bác Nghĩa: không chỉ có vẹt mà còn có cả cừu nữa ạ!!

      Xóa
    3. Độc giả Huy Tuấn ơi. Xin cám ơn lời bổ sung.

      Chắc là HT muốn nhắc đến lời bình của tho nguyen duc ở trên, rằng "Mỹ từ xưa đến nay vẫn không nguôi ý định xâm chiếm nước ta, luôn tìm cách chống phá nhà nước ta bằng nhiều thủ đoạn, phương tiện. Chúng ta phải hết sức đề phòng bọn Mỹ này."

      Vì cần đề phòng, con cháu các cụ lớn đều qua Mỹ học, thậm chí chỉ cần hơi hướng của Mỹ, với bằng giả mà có vẻ "made in America" thì cũng OK!

      Bố khỉ!

      Xóa
  5. bài viết của bác cô đọng quá, nên nhiều khi dễ gây hiểu lầm. nền dân chủ Mỹ làm ảnh hưởng đến cục diện nhiều quốc gia trên TG là ý xuyên suốt bài báo này. Vd, khi thay Tổng thống thì chính sách quân sự với 1 số quốc gia khác lại thay đổi, mà ông Tổng thống lại do dân bầu ra. Chính sách này cũng đã được thể hiện khi ông này& đảng phái của ông ra tranh cử.tóm lại, đừng chờ đợi vào Mỹ rồi sẽ đến khi Mỹ lại quay lưng lại cứ sau chuỗi 4 năm, dân Mỹ bầu Tổng thống mới. Mỹ chuyển trục về Châu Á, đó chỉ là về an ninh, quân sự thôi. mà tất cả cứ xoay quảnh TQ, đó là sự bất ổn giữa TQ với Đài Loan, Nhật, VN, Philippine, Ấn độ...
    .Chứ đối tác kinh tế lớn của Mỹ vẫn là Châu Âu hiện đang lâm vào suy thoái, bất ổn của Dồng EURO.EU suy thoái thì hàng của Mỹ bán cho ai? lại làm cho Mỹ gia tăng thất nghiệp.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin cám ơn hanoi về lời bình.

      Sự thật thì từ 1983, luồng hàng hóa của Hoa Kỳ trao đổi qua Thái Bình dương (với Á Châu) đã vượt số hàng hóa buôn bán qua Đại Tây dương (với Âu Châu). Hoa Kỳ chuyển trục từ lâu rồi.

      Thứ hai, sau Thế chiến II, Hoa Kỳ mở cửa mua hàng của xứ khác, một trong nhiều cách huy động đồng minh hay đối tác, còn chấp nhận cho Nhật Bản duy trì chính sách bảo hộ mậu dịch và kiếm lời trên lưng nước Mỹ. Vì họ nhắm vào những mục tiêu lâu dài và rộng lớn hơn là bán hàng.

      Đề tài của một cuốn sách mà viết trong 1.500 chữ thì... hiểu lầm là phải!

      NXN

      Xóa
  6. Các bạn bị báo đảng gây nhiễu nên hay hiểu lầm,

    Mỹ mạnh bởi vì họ có nhiều đồng minh chứ không phải vì họ đứng một mình. Dân Mỹ giàu là bởi vì số đông cùng hưởng sự thịnh vượng chứ không phải chỉ là một thiểu thiểu số ăn trên ngồi trốc.

    Bản thân nước Mỹ ngày nay cũng chỉ là một liên minh 50 tiểu bang. Liên minh này được mở rộng từ 13 tiểu bang ban đầu.

    Ngụ ý của tác giả là: Nên kết bạn với Mỹ chứ đừng dựa vào Mỹ.

    Có bạn đặt vấn đề với tôi rằng Kinh tế VN bị thua thiệt khi gia nhập WTO. Ô hay, bạn tự nguyện xin vào người ta mới kết nạp, bạn muốn ra khỏi chẳng cần phải làm đơn. Có ai cố giữ bạn trong đó đâu mà than với vãn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Độc giả Lý Toét mới là người sáng! Không phản ứng hấp tấp mà còn giải ra nhiều chuyện cho người khác. Xin cảm tạ.

      Về chuyện WTO, Việt Nam mất 16 năm đàm phán mới vào được. Trong giai đoạn đằng đẵng ấy, lãnh đạo không tự sửa soạn cho một thế giới mới và càng không chú ý đến việc trình bày hai mặt lợi hại để doanh nghiệp Việt Nam biết khai thác cơ hội và giảm thiểu rủi ro! Họ còn đầu cơ kiến thức để trục lợi.

      Khi gặp bất lợi thì lại có "hội chứng nạn nhân", kết án xứ khác có âm mưu bóc lột hoặc than là VN bị thua thiệt!

      Buồn!

      NXN

      Xóa
  7. Bác Nguyễn Xuân Nghĩa !

    Có thể như Bác nói là đúng khi khuyên Việt Nam nên kết bạn với Mỹ chứ đừng dựa vào Mỹ ! Nhưng cháu nghĩ điều ngược lại là Việt Nam muốn vậy nhưng thực tế có như vậy không là chuyện khác ! Nhìn chính sách ngoại giao của Mỹ với Pháp, Trung Quốc, Liên Xô...như Bác phân tích ở trên cho thấy đối với chính sách ngoại giao của Mỹ cần thêm là " không có kẻ thù vĩnh viên và không có bạn bè vĩnh viên ".

    Vậy câu hỏi cần đặt ra trong hoàn cảnh hiện nay là Mỹ có chấp nhận Việt Nam là bạn bè hay không ? Hay chỉ là một quân cờ trong chiến lược Châu Á Thái Bình Dương của mình ? Khi cần Việt Nam thì có thể coi là bạn, là đối tác...nhưng không cần thì chỉ là " bồn cầu ". Cháu nghĩ khả năng hiện nay Mỹ coi Việt Nam là một quân cờ trong một bàn cờ lớn mà thôi !

    Chúc Bác nhiều sức khỏe ! Thanks Bác vì bài viết rất hay .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Thành.

      Khi ta viết hay nói "Việt Nam nên kết bạn với Mỹ chứ đừng dựa vào Mỹ" thì ai cũng có thể đồng ý nếu thống nhất được định nghĩa "Việt Nam nào"? Lãnh đạo hay người dân? Thảm họa là hai khối suy nghĩ khác nhau và đa số không thể có ý kiến, về chuyện Mỹ lẫn Trung Quốc.

      Nếu dân Việt Nam muốn kết bạn với Mỹ mà lãnh đạo lại muốn dựa vào Trung Quốc thì ta có... kịch bản hiện tại. Lại xé hai theo hai hướng.... Chẳng cái dại nào giống cái dại nào sau mấy chục năm dại dột!

      NXN

      Xóa
    2. Nặc danh1/4/17 1:16 SA

      Ở Việt Nam thì người dân đâu có quyền hạn gì để mà "kết bạn" hay "dưạ" vào Mỹ, cho nên cái việc thầy Nghiã bảo "xé hai" gì đó là không có đâu. Họ cai quản khắt khe thế làm gì có việc người dân có thể tự do đi kết bạn hay dựa dẫm nước ngoài, không kể việc họ còn sang cả nước ngoài "cai quản" luôn cả cộng đồng hải ngoại nữa là khác. Poorshope chẳng có ảo tưởng đó. Lời mà thầy Nghiã đang nói là áp dụng cho nhà cầm quyền Việt Nam thôi, phải không ạ?

      Biển Đông và các đảo kể như phần lớn thuộc về Trung Quốc rồi. ADIZ chỉ trong nay mai. Cay đắng. Vài tuần nưã Cộng đồng Việt Nam có biểu tình chống Tập Cận Bình ở Florida thì cũng là đánh dấu thời điểm sự kiện và dù sao cũng có lợi cho quê nhà. Nhà sản Việt Nam được hưởng lợi trong việc này, mà họ có biết ơn không?

      Xóa
  8. Chi trong mot bai viet ngan gon ma bac Nghia da viet ve nuoc My rat chinh xac va day du. Trong che do dan chu va da nguyen, cac dan bieu hay tong thong co the thay doi trong thoi gian ngan han ( 4 - 6 nam), nhung chinh sach dai han van la uu tien cho quyen loi cua nuoc My da duoc ca hanh phap lan lap phap duy tri tu ngay lap quoc cho den gio.

    Nguoi dan My rat hao phong va rong luong. Ho san sang dong gop cho nhung cong viec tu thien tren khap the gioi. Hay nhin Bill Gates, Warren Buffett...hai trong so nhung nguoi My giau nhat hanh tinh da dem tai san cua minh de giup do nhung nguoi ngheo. Co bao nhieu dai gia o Tau hay Au Chau theo guong ho?

    Nhung, chinh tri My thi lai la chuyen khac. La ban hay thu thi tuy hoan canh. Nhat Ban la thi du dien hinh, tung la ke thu cua My trong the chien II nhung cung duoc My giup do de tro thanh cuong quoc kinh te ngay nay.

    Co nguoi da noi: " Nguoi dan My that de thuong nhung chinh tri My thi that de ghet"

    Trả lờiXóa
  9. "Vì vậy, phục Mỹ hoặc phó thác sinh mệnh quốc gia cho chính trường Hoa Kỳ cũng là điều dại dột. Hay hơn cả có lẽ là phát huy những giá trị tinh thần đã làm nên sức mạnh của Hoa Kỳ cho sự thịnh vượng của chính mình. Nhưng cực kỳ thận trọng để không thành quân cờ trên bàn cờ của thiên hạ - rồi lại trông chờ vào việc nước Mỹ "chuyển trục" về Đông Á."
    Cảm ơn bác Nghĩa, đả chỉ ra căn bệnh của lịch sử VN hiện đại – xin tạm gọi là “thời kỳ chống ba đế quốc… đến nay”. Lịch sử có tái lập lại “chứng tật bẩm sinh” của lảnh đạo VN hiện tại hay không?
    Cứu quốc hết trông mong gặp Thuấn, An dân hết sở cậy nhờ Nghiêu. (xin mượn lời của một vị tiền bối trong lịch sử VN).

    Trả lờiXóa