Thứ Ba, tháng 5 14, 2013

Kinh Tế Nhật Bản Trên Đà Hồi Phục?

Mai Vân & Nguyễn-Xuân Nghĩa - Ngày 130514
Tạp Chí Kinh Tế RFI

Một quốc gia quá thận trọng, nay lại phải đùa với lửa....
 
Bảng niêm yết giá cổ phiếu tại một công ty môi giới chứng khoán ở Tokyo. Ảnh chụp ngày 13/05/2013, lúc chỉ số Nikkei của thị trường Tokyo tăng vọt lên mức cao nhất từ 5 năm rưỡi nay. 
* Bảng niêm yết giá cổ phiếu tại một công ty môi giới chứng khoán ở Tokyo. Ảnh chụp ngày 13/05/2013, lúc chỉ số Nikkei của thị trường Tokyo tăng vọt lên mức cao nhất từ 5 năm rưỡi nay. REUTERS/Issei Kato *


Sau một thời gian dài chìm sâu trong đình đọng, kinh tế Nhật Bản bỗng chuyển động. Trong có 10 tháng, chỉ số cổ phiếu Nikkei tăng 68% và vọt mạnh đến 50% kể từ khi ông Abe ra tranh cử với chương trình cải cách kinh tế. Cùng lúc, đồng Yen Nhật giảm giá một phần tư khiến hàng Nhật thành rẻ hơn và dễ bán hơn. Đáng chú ý là chỉ số về sự tin tưởng của giới tiêu thụ đã lên tới mức cao nhất kể từ sáu năm nay.

Cuối tháng 4/2013 chính phủ Nhật đã công bố các số liệu kinh tế trong tháng Ba trước đó cho thấy tình hình đang trong chiều hướng sáng sủa hơn. Thất nghiệp đã tuột giảm xuống mức thấp nhất từ 4 năm qua, xuống 4,1% - giảm 0,2% so với tháng trước. Trong tháng 3/2013, số người không việc làm được tổng kết là 2,8 triệu, giảm 8,8% so với năm trước. Sản xuất công nghiệp tăng lên dù một cách yếu ớt - 0,2% trên một tháng nhưng đây là lần tăng trong 4 tháng liên tục.

Đáng nói hơn cả là mức tiêu thụ người dân đã vươn lên, tăng 5,2% so với cùng thời kỳ năm ngoái, trong lúc nó vẫn có vẻ đình đốn trong những tháng trước đó. Việc mua sắm từ thực phẩm, áo quần, cho đến xe cộ đã tăng, phần chi tiêu cho việc sửa chữa nhà cửa cũng tăng mạnh – tăng gấp đôi theo các số liệu được công bố.

Thái độ tin tưởng và sự tiêu thụ trở lại của dân chúng Nhật có thể sẽ thúc đẩy mức tăng trưởng của Nhật Bản, vừa ra khỏi suy thoái, cũng như khắc phục tình trạng giảm phát tại đây từ 15 năm qua. Tuy nhiên nhiều người vẫn còn thận trọng trước triển vọng phục hồi của kinh tế Nhật Bản.

Sau khi đại thắng với hơn hai phần ba số ghế dân biểu trong cuộc bầu cử Hạ viện vào tháng 12/2012 đảng Tự do Dân chủ của Nhật trở lại nắm chính quyền. Từ khi tranh cử trong đảng rồi trên toàn quốc, ông Shinzo Abe đã đề ra một chương trình cải cách táo bạo và đa diện để phục hồi kinh tế hầu tránh một thập niên ảm đạm nữa sau hai "thập niên mất mát", kể từ 1992.

Lên làm Thủ tướng từ cuối tháng 12, ông Abe bổ nhiệm một kinh tế gia có kinh nghiệm quốc tế là ông Haruhiko Kuroda làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật. Ngày 04/04/2013, Thống đốc Kuroda công bố hàng loạt biện pháp tiền tệ và tín dụng gây chấn động trên các thị trường tài chính thế giới và người ta chờ xem kết quả.

Phải chăng chính sách kinh tế của Thủ tướng Abe, mà giới nghiên cứu thường gọi là "Abenomics", đã có kết quả ? Đâu là những rủi ro hay khó khăn mà nhiều nhà nghiên cứu đã nói tới? RFI nêu mấy câu hỏi này với chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại Hoa Kỳ.


RFI: Đài RFI thân chào anh Nghĩa. Sau một thời gian dài chìm sâu trong đình đốn, kinh tế Nhật Bản gần đây đã chuyển động theo hướng có thể nói là tích cực. Câu hỏi mà giới quan sát đang đặt ra là phải chăng là chính sách kinh tế của thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã có kết quả? Nhưng trước khi hỏi về trọng điểm của đường hướng cải cách này, xin anh trình bày khái quát về các vấn đề đã khiến cho kinh tế Nhật Bản bị mất 20 năm đình trệ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trước tiên, kinh tế Nhật có triệu chứng bất ổn từ năm 1989 mà thế giới ít chú ý vì khi đó còn theo dõi chuyện Liên Xô và Đông Âu. Đến năm 1991 thì Nhật bị vỡ bóng đầu cơ địa ốc và chứng khoán, từ đó chỉ số cổ phiếu sụt mất phân nửa và nay chưa hoàn toàn hồi phục. Các Chính quyền nối tiếp áp dụng loại biện pháp kích thích cổ điển, kể cả hạ lãi suất tới sàn trong 13 năm, mà chưa công hiệu. Kinh tế Nhật bị bảy lần suy trầm trong 20 năm liền và các chính quyền theo nhau rơi rụng, Thủ tướng lên xuống như đèn kéo quân mà không kết quả.

- Một trong nhiều lý do là tình trạng xơ cứng của hệ thống kinh tế chính trị khiến chính quyền khó áp dụng biện pháp cách mạng vì đụng vào các nhóm lợi ích quá mạnh. Nguyên nhân thứ hai còn sâu xa hơn, là nạn lão hóa dân số khiến lực lượng lao động giảm sút mà tỷ trọng thành phần sống nhờ hưu liễm ngày càng tăng và họ càng phải tiết kiệm và loay hoay mãi thì cho nhà nước vay tiền để còn gìn giữ trị giá tài sản tiết kiệm dù không nhiều. Kết quả thì gánh nợ của khu vực công lên tới 240% Tổng sản lượng mà đa số chủ nợ chính là người dân.

- Thuần về kinh tế, Nhật bị giảm phát là hàng hóa mất giá mà tiền mặt lại được giá nên người ta ghim tiền không xài, tiết kiệm nhiều và tiêu thụ ít, làm kinh tế càng thêm trì trệ. Sau Thủ tướng Junichiro Koizumi vào các năm 2001-2006, ông Abe ngày nay đang thi hành giải pháp đột phá.

RFI: Như anh vừa trình bày, tình trạng u ám của kinh tế Nhật có nguyên nhân cả kinh tế, xã hội lẫn chính trị và thậm chí văn hóa. Ông Shinzo Abe xưa kia từng kế nhiệm ông Koizumi năm 2006 là Thủ tướng trẻ nhất của Nhật, khi lên lãnh đạo nước Nhật lần, ông ta muốn đột phá thế nào?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Bối cảnh thắng cử của ông Abe có loại yếu tố quốc tế lẫn quốc nội. Đối ngoại thì có mâu thuẫn gay gắt với Bắc Kinh về quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Bên trong thì dân Nhật căm phẫn về sự trì trệ đến lụn bại của quốc gia trong 20 năm liền nên muốn thay đổi và dám thử nghiệm giải pháp mới với một lãnh tụ táo bạo. Nhờ vậy, Thủ tướng Abe mới đề ra đường hướng cải cách đa diện trên nền tảng của chủ nghĩa ái quốc.

- Bên trong thì yểm trợ sản xuất với các dự án tăng chi để phát triển hạ tầng, mà quan trọng hơn cả là việc cải tổ cơ chế sơ cứng của hệ thống kinh tế chính trị cũ, kể cả phá vỡ thế lực bảo hộ của khu vực điện lực, điền địa và nông nghiệp. Bên ngoài thì tăng cường vai trò kinh tế quốc tế với Hiệp hội ASEAN của 10 nước Đông Nam Á, và gạt qua mâu thuẫn về bốn quần đảo phía Bắc để đối thoại với Liên bang Nga về các dự án năng lượng to tát. Then chốt là xúc tiến việc đàm phán để gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế và Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương, tức là mặc nhiên vượt rào cản của nông gia là thành phần xưa nay vẫn ủng hộ và chi phối đảng Tự do Dân chủ.

- Chiến lược hơn cả, Thủ tướng Abe thống nhất chính sách giữa Bộ Tài Chính và Ngân hàng Trung ương với viên Thống đốc mới là Haruhiko Kuroda. Mùng bốn tháng trước, ông Kuroda công bố một chương trình kích thích tiền tệ khá liều lĩnh. Thứ nhất, Nhật đặt ra tiêu chí lạm phát là 2% trong hai năm tới so với trừ 0,2% của 13 năm qua. Muốn vậy, mỗi tháng chính phủ mua vào 70% lượng trái phiếu phát hành, bằng 1% của Tổng sản lượng, để nhân khối tiền tệ hơn gấp đôi, từ 29% lên 56% Tổng sản lượng. Khi mua thì thiên về trái phiếu dài hạn, chứng phiếu trên thị trường địa ốc và cả biến phiếu hay dérivatives đầy rủi ro. Quan trọng nhất, chính quyền sẽ đánh thuế tiền tiết kiệm dư dôi của doanh nghiệp để thúc đẩy đầu tư và còn cho biết là sẽ duy trì chính sách này cho đến khi hiệu quả.

RFI: Xin hỏi anh một câu là chính quyền Abe đặt ra chỉ tiêu lạm phát 2% là gấp 10 đà sút giảm vật giá của 13 năm vừa qua. Tức là họ muốn trực diện phá bung nạn giảm phát hay sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa nói cho nôm na thì Chính quyền Nhật dọa là để lạm phát tăng 2%. Khi giá không tăng và còn giảm đều 0,2% mỗi năm từ 13 năm nay, biện pháp ấy là cú điện giựt. Nếu dân chúng và doanh nghiệp cứ ghim tiền trong túi mà không xài thì đồng tiền mất giá. Với giới đầu tư tài chánh, chính sách ấy khiến họ sợ bị thuế mà tìm phân lời cao hơn ở xứ khác, tức là bán đồng Yen mà đầu tư ra ngoài, hoặc đầu tư vào thị trường cổ phiếu nội địa hay cả bất động sản hoặc các loại chứng phiếu rủi ro hơn.

- Chuyện táo bạo hơn nữa là cường độ can thiệp: lượng tiền được trù tính bơm ra là tương đương với 200 tỷ đô la một tháng, so với 85 tỷ mà Ngân hàng Trung ương Mỹ đã thông báo áp dụng từ Tháng Chín năm ngoái. Tức là Nhật muốn nhân khối tiền tệ lưu hành còn hơn gấp đôi Mỹ, là tăng 30%, nội trong hai năm tới. Và cho biết là còn làm hơn thế, nếu thấy cần thiết! Hậu quả bên dưới việc bơm tiền này là làm đồng Yen sụt giá và gián tiếp kích thích xuất cảng của Nhật. Quả nhiên là tuần qua, đồng Yen sụt tới mức thấp nhất so với đô la Mỹ từ bốn năm qua, phảỉ hơn trăm đồng mới ăn một đô la!

RFI: Như anh vừa trình bày thì chính phủ Abe không trực tiếp phá giá đồng Yen để tìm lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu mà tung ra các biện pháp đồng loạt để làm thay đổi cách tiêu thụ của người dân và đầu tư của doanh nghiệp. Kết quả là trong Tháng Ba, các hộ gia đình Nhật đã tiêu xài mạnh nhất kể từ chín năm nay và mức lời của doanh nghiệp có tăng nếu ta nhìn vào chỉ số cổ phiếu Nikkei. Tuy nhiên, người ta mới chỉ thấy một phần kết quả sau vài tháng áp dụng, chứ mặt trái hay "hậu quả bất lường" của chính sách kinh tế "Abenomics" có thể là những gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Quả thật là còn quá sớm để có thể đánh giá kết quả hoặc dự đoán rủi ro.

- Trước mắt, chính quyền Abe biết khai thác tâm lý hậm hực của dân Nhật mà đưa ra hàng loạt biện pháp liều lĩnh và đến nay được quần chúng ủng hộ với tỷ lệ hậu thuẫn rất cao. Đấy là cái trớn cần thiết để tiếp tục thay đổi sau hai chục năm ù lì trì trệ. Thứ hai, khi tạo điều kiện kiếm lời khả quan cho khu vực công nghiệp, ông Abe có thế mạnh hơn để mở bung khu vực canh nông và hội nhập kinh tế vào luồng trao đổi toàn cầu với dự án Xuyên Thái Bình Dương TPP, là điều chưa ai dám làm trước đây. Thứ ba, về năng lượng thì dù bị vụ thiên tai Fukushima năm 2011 và chỉ còn bốn trong 54 lò nguyên tử hoạt động, chính quyền Nhật vẫn dám duy trì kế hoạch hạch tâm vì cả hai lý do kinh tế lẫn an ninh nên đấy cũng là yếu tố đáng suy nghĩ cho lâu dài. Nếu thành công, ông Abe có thể làm thay đổi cơ cấu bên trong và vị trí bên ngoài của Nhật Bản.

- Nghịch lý ở đây là chính thái độ hung hăng của Trung Quốc và việc người dân xứ này đập phá cơ sở kinh doanh Nhật Bản tại Hoa lục vào năm ngoái, còn thô bạo hơn những gì đã xảy ra năm 2010, mới khiến dân Nhật có phản ứng. Và đấy là cơ hội cải cách của chính quyền Abe!

- Tuy nhiên nhìn vào lĩnh vực thuần túy kinh tế, rủi ro tuột tay thì vẫn còn. Nhật bị lão hóa dân số và cần cải cách lại cơ chế sản xuất cho thích hợp, là điều chưa thể sớm có kết quả lập tức. Nhật lại là xứ mắc nợ lớn nhất thể giới, với công trái mấp mé 240% Tổng sản lượng và nếu kể cả trái khoán của tư nhân và doanh nghiệp thì họ mắc nợ đến 500%. "Cái khó nó bó cái khôn" là quy luật kinh tế vì khi mắc nợ thì ai cũng muốn tiết kiệm để trả nợ chứ không dám tiêu xài hay đầu tư làm chính phủ phải nâng mức công chi tức là lại vay tiền nữa. Đấy cũng là một rủi ro.

- Thứ ba, chính quyền liều lĩnh rót tiền vào khu vực địa ốc và các hình thái đầu tư bất trắc, tức là lại đùa với lửa nếu ta nhớ đến bong bóng đầu tư địa ốc và cổ phiếu đã bể năm 1991. Sau cùng, với kế hoạch bơm tiền để nhân đôi khối tiền tệ lưu hành và đạt chỉ tiêu lạm phát cao hầu kích thích tiêu thụ và đầu tư, Nhật Bản có khi trả giá cho sự thành công là sẽ có ngày phải hút lại khối tiền bơm ra trong hai năm tới. Khi ấy, chuyện gì sẽ xảy ra trên thị trường trái phiếu và tài chính nói chung, người ta chưa biết được. Nhưng sự kiện một quốc gia quá thận trọng mà nay phải đùa với lửa như vậy cũng là điều rất đáng quan tâm.

Mai Vân / Nguyễn Xuân Nghĩa


2 nhận xét:

  1. Bác Nghĩa cho Mèo hỏi một chút:
    trong bài có từ 'sơ cứng', theo Mèo hiểu thì phải là 'xơ cứng' chứ nhỉ?

    Trả lờiXóa