Thứ Hai, tháng 5 27, 2013

Thịnh Suy Trong Kinh Doanh


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Ngưởi Việt ngày 130526
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Ỷ Thế Tầm Tô Bây Giờ Dân Mới Khổ  

* Đại gia Lã Bất Vi


Đầu thời Chiến Quốc bên Tầu, khi nước Việt của Câu Tiễn diệt xong nước Ngô của Phù Sai vào năm -473, có nhân vật Phạm Lãi đã đổi tên mà vẫn thành danh. Ông là người có công với nước Việt mà sớm biết lánh Câu Tiễn nên toàn mạng. Đổi họ đổi tên, Phạm Lãi trở thành Đào Chu Công và nổi tiếng là doanh gia có tài, được coi là một trong "bách gia chư tử" cầm đầu phái "kế hoạch gia", về kinh tế trước khi môn học này có tên như thế. Đời nay, người ta vẫn tin rằng Phạm Lãi đã viết cuốn "Trí phú Kỳ thư" và để lại "Đào Chu Công lý tài thập lục tắc", 16 phép làm giàu của Đào Chu Công, trong đó có những điều vẫn là hiện đại và đáng học....

Cuối thời Chiến Quốc, hơn 200 năm sau Phạm Lãi, có Lã Bất Vi cũng nổi danh, nhưng không vì bộ sử Lã Thị Xuân Thu đã thuê người khác viết, mà khét tiếng vì tài đầu tư. Sống trên nước Triệu, ông đầu tư vào người Tử Sở lưu vong của nước Tần và vào cái thai của mình trong lòng nàng Triệu Cơ xinh đẹp, để sau này trở thành quốc phụ và tướng quốc của Tần Vương Chính, Tần Thủy Hoàng Đế kể từ năm -221. Dù sau này có bị Thủy Hoàng Đế bắt chết, Lã Bất Vi vẫn được người sau cho là một tay kinh doanh có tài. 

Khác với Đào Chu Công là người làm ra của cải nhờ trí tuệ, sáng tạo và kỷ luật (như ta có thể đọc thấy trong "thập lục tắc"), Lã Bất Vi làm giàu nhờ nghệ thuật cấu kết chính trị, buôn quan bán tước. Kinh tế học đời nay gọi hình thái kinh doanh đó là "tầm tô" (rent seeker): tìm lợi thế bất chính, và có rất nhiều rủi ro. Rẻ là mất tiền, nặng là mất tự do, nặng hơn nữa thì mất mạng như chính họ Lã đã chứng minh.

Nhưng chuyện ấy liên hệ gì đến cột mục "Kinh Tế cũng là Chính Trị"? Thưa rằng có đấy, nếu ta thấy chuyện Việt Nam.

 
***

Người đời thì ai cũng muốn làm giàu để thoát khỏi cảnh khan hiếm tự nhiên và có thể làm giàu bằng kinh doanh. Mục tiêu thì có vẻ giống nhau, nhưng phép kinh doanh thường có hai ngả.

Một là tạo ra của cải nhờ một sáng kiến khai thác tài nguyên hay một cơ hội sản xuất mới nổi, rồi chia của cải đó cho mình và cho người theo một tỷ lệ có giá trị lâu dài. Xin tạm gọi ngả đó là của Đào Chu Công, với chủ điểm là "phải tạo ra của cải trước đó chưa có".

Ngả kia là tạo ra cái thế kiếm tiền nhờ đầu tư vào quan hệ chính trị trong tình trạng luật lệ còn lỏng lẻo, hoặc chưa bắt kịp những đổi thay của xã hội. Một phương pháp là thuật "du thuyết" cũng vào thời Chiến Quốc, mà đời nay gọi là "lobby". Đó là ngả của Lã Bất Vi.

Vắn tắt lại, Đào Lã hai ngả, người khôn thì chọn ngả thứ hai, lấy sức người làm chính, dù chẳng tạo ra của cải cho ai khác.

Xin thêm vào dòng về chữ "tô": kinh tế học phân biệt ba loại lợi tức là lợi nhuận, lương bổng và tiền tô, là khoản thu thặng dư nhờ khai thác một phương tiện sản xuất. Thặng dư là cao hơn thực giá của phương tiện này. Sở dĩ cao hơn chính là nhờ cái thế, và trở thành đầu mối của hối mại quyền thế, giành thế độc quyền, ỷ thế làm liều (moral hazrad), tham ô và làm lệch phép nước.

Tại Việt Nam, sau khi Liên bang Xô viết tan rã, lãnh đạo Hà Nội ngả vào Bắc Kinh qua hội nghị Thành Đô năm 1991 và đành đổi mới thật, từ trên đầu xuống. Thả ra cho dân chúng làm ăn thì mới ra khỏi khủng hoảng, đảng và nhà nước mới có cái để mà ăn. Mấy năm sau, từ khi bang giao với Mỹ vào năm 1995 và tiếp cận kinh tế bên ngoài, kinh tế Việt Nam quả là có 10 năm mở mặt với tốc độ tăng trưởng trung bình là 7% một năm từ 1995 đến 2005.

Sau 20 năm sa sút ăn mắm mút giòi của thời "giải phóng", nếu hàng năm mà mức sống người dân hay lợi tức nhà nhà tăng được 7% thì quả là mừng. Nhưng đấy là lý luận của phường bá tánh "thường thường bậc trung". Người sáng thì phải nhắm cao hơn vậy. Họ tìm bước nhảy vọt vĩ đại, và đi theo ngả kinh doanh họ Lã. Mà thật ra có còn ngả nào khác khi bộ máy chính trị chỉ toàn những Tần Thủy Hoàng Đế con con đang ra sức xây dựng mạng lưới của sự cấu kết với tay chân và thân tộc....

Kẻ thần thế mà làm giàu quá nhanh như vậy thì bá tánh ở dưới cũng chạy theo. 

Khi lợi tức cả nước tăng 7% một năm, mà có người đi vay lãi 7% một tháng thì tất nhiên họ phải tin rằng sẽ tìm ra lợi tức gấp vài chục lần. Quên hẳn thời vàng son 1995-2005, người ta nhảy vào chốn hoang tưởng 2005-2007 với thị trường cổ phiếu tăng giá 200% một năm, tấc đất của dân biến thành tấc vàng của mình. Đó là thời của các đại gia có gốc lớn, phất tay đã thành tỷ phú bằng đô la như "Thần Tháp Lừa" và tìm bãi đáp ở bên ngoài. 

Sau đó là lạm phát và khủng hoảng cho đám bá tánh cũng đòi đánh đu với tinh, kể từ năm 2008 đến nay. Năm năm đằng đẵng.

Vài thí dụ cứ... quơ tay lên trời là bắt được.

Một tập đoàn kinh tế nhà nước, giả dụ như Điện Lực, có thể thoái mái lập ra ngân hàng có cái mã của cơ sở tư doanh mà thực chất là bình an làm ăn nhờ ông Thủ tướng, đồng chí X ở đằng sau. Gốc sâu bền vững như vậy thì làm sao cán bộ của Ngân hàng Nhà nước dám đục? Không ngăn được thì chi bằng chạy theo, ít ra còn kiếm chút cháo bồ dục cho con cháu.... 

Chính là lề lối kinh doanh ấy mới làm lệch phép nước, vốn dĩ đã nghiêng nghiêng ngay từ đầu nên rất dễ ngả.

Một thí dụ khác là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của ngân hàng có thể tự cho mình vay 80 triệu đô la để đầu tư vào công ty của con và cầm thế bằng cổ phần của công ty đó. Người ta có thể vênh váo làm ăn như vậy vì có cái thế mà bá tánh không thể với tới. Thế rồi toàn gia của đương sự, nào chồng nào vợ nào cha, nào là chú bác, nào là em dâu, đều từ chức khỏi ngân hàng và "giải tư": bán gần hết cổ phần của ngân hàng lấy tiền mặt mà chẳng ai rõ là khối tiền ấy chảy về đâu. Ngân hàng này đành tóm thâu cổ phần của một công ty ma để "cấn vào nợ xấu". Quả nhiên, tỷ lệ nợ xấu, khó đòi và sẽ mất bỗng lập tức sút giảm. Cũng kỳ diệu như lối phù phép của Ngân hàng Nhà nước vậy: trong ba tuần, nợ xấu của hệ thống ngân hàng bỗng giảm ba điểm!

Chúng ta đang chứng kiến hồi kết của bi hài kịch kinh doanh theo lối "tầm tô", với nạn ỷ thế làm liều dẫn đến sự phá sản đồng loạt của các cơ sở tài chánh và tình trạng "chết lâm sàng" của các doanh nghiệp, những xác chết chưa chôn.


***

Trên thế giới, các chuyên gia kinh tế, tài chánh hay luật pháp đều cố nghiên cứu và dự đoán nạn sụp đổ tài chánh hay ngân hàng. Họ có phương pháp kế toán quản trị, các chỉ số tài chánh và bảng phân tách kỹ thuật rất tinh vi. Nhưng giá trị của phương pháp hay các chỉ số đều tùy vào mức khả tín, đáng tin, của hệ thống kế toán và luật lệ. Phương pháp kinh doanh kiểu tầm tô thì dùng thế lực chính trị tác động vào hệ thống kế toán và luật lệ đó để không tạo ra của cải cho kinh tế mà vẫn đem lại lợi nhuận vĩ đại cho những kẻ chủ mưu.

Khi hữu sự thì đám người này có thể đã cao chạy xa bay, còn lại là bá tánh cầm cái tô bằng nhôm ca bài khắc khổ. Là chuyện ngày nay của Việt Nam. 

Kinh tế không phải là chính trị hay sao?

___________________

Một số bạn đọc cứ hỏi tác giả về chương trình "Thời Sự Ngày Mai" của hệ thống truyền hình SBTN và "Giờ Giải Ảo" trên Người Việt Online. Xin quý vị cứ vào http://www.nguoi-viet.com/ tìm trong phần Bình Luận sẽ thấy ra "Giờ Giảo Ảo". Còn Thời Sự Ngày Mai trên Kim Nhung Show của SBTN thì cũng có người post lại trên you tube. 

Dưới đây là một chương trình nên xem:


NXN

1 nhận xét:

  1. Có những câu chữ của bác Nghĩa thật bình dân và gần gũi như là
    “Sau 20 năm sa sút ăn mắm mút dòi của thời giải phóng…”
    Mà cũng có những câu đọc lên mà nhói tận tim can người đọc, cười ra nước mắt chẳng hạn như:
    “Sau đó là lạm phát và khủng hoảng cho đám bá tánh cũng đòi đánh đu với tinh, kể từ năm 2008 đến nay. Năm năm đằng đẵng.
    Vài thí dụ cứ... quơ tay lên trời là bắt được.

    Một tập đoàn kinh tế nhà nước, giả dụ như Điện Lực, có thể thoái mái lập ra ngân hàng có cái mã của cơ sở tư doanh mà thực chất là bình an làm ăn nhờ …. đồng chí X ở đằng sau. Gốc sâu bền vững như vậy thì làm sao cán bộ của Ngân hàng Nhà nước dám đục? Không ngăn được thì chi bằng chạy theo, ít ra còn kiếm chút cháo bồ dục cho con cháu.... “

    Cháu thành thật bái phục cách nói và viết của bác.
    Những người có tâm và tài của miền Nam trước đây như bác Nghĩa luôn luôn là niềm hãnh diện của cháu- một quốc gia( miền Nam Việt Nam) mà dân chủ và canh tân giáo dục mới phôi thai; có sự tranh quyền đoạt lợi của các phe lớn nhỏ- của các tướng lãnh hữu danh thì thừa mà tận tâm, tận lực cho sống còn của dân tộc thì ít- và chính phủ thì quá ngây thơ trước đối thủ và ngoại viện -song vẫn có nhiều giáo sư ,trí thức, công chức đầy tài năng .Đáng lý ra các con người ưu tú trong bộ máy điều hành kinh tế sẽ làm rạng danh nước VNCH thời ấy . Nhưng than ôi ……. THỜI và THẾ ………………
    Người dân trong xã hội mất phương hướng giờ quay sang lĩnh vực thần quyền.
    Người ta rủ nhau đi chùa cầu xin – xin rất nhiều- tưởng chừng như Phật Thích Ca chỉ là của riêng người Việt Nam ta vậy. Đền thờ miếu mạo cũng không chịu thua vì khách thập phương cũng rộn rịp đến lễ bái. Thậm chí mộ của cô gái Võ Thị Sáu- không biết liệu có giác ngộ cách mạng thật sự không- cũng được thiên hạ loan truyền rằng linh thiên lắm vì cô ta chết………. TRẺ nên cầu xin gì được đó
    Song triết lý của Phật thì không biết được bao nhiêu người áp dụng được…

    Trả lờiXóa