Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Tribune Ngày 130912
Hoa Kỳ thất thế trong canh bạc tại Syria, nhưng vẫn có thể phản công
* Thế mà cũng đòi tháu cáy... *
Bài diễn văn tối Thứ Ba mùng 10 của Tổng thống Barack Obama đã đẩy lui
nguy cơ chiến tranh tại Syria nhưng lại mở ra một trận đấu về ngoại giao giữa
Hoa Kỳ và Liên bang Nga, một trong nhiều cuộc đấu trí giữa hai nước.
Trước hết, Tổng thống Obama tự đặt
mình vào hoàn cảnh khó xử nên sau cùng phải vớ lấy giải pháp giả tạo do Tổng thống
Vladimir Putin đặt ra và làm suy yếu tư thế toàn cầu của nước Mỹ.
Sau khi tuyên bố từ Tháng Ba năm
kia, rằng lãnh tụ Bashar al-Assad tại Syria "phải ra đi" khi đàn áp người
dân biểu tình, Obama thấy lời tuyên bố không công hiệu. Ông từng khẳng định là Tổng
thống Hosni Mubarak của Egypt phải ra đi và may quá quân đội Ai Cập đã bắt Mubarak
từ chức, mà không để làm đẹp lòng nước Mỹ. Tại Syria, lời nói của Tổng thống Mỹ
thiếu sức mạnh vì thường dân vẫn bị sát hại và nội chiến cứ lan rộng....
Ông Obama bèn tìm áp lực thay đổi
ở Syria mà Hoa Kỳ khỏi cần động binh.
Ngày 20 Tháng Tám năm ngoái, trước
khi dân Mỹ đi bầu tổng thống, ông tung đòn tháu cáy: nếu chế độ Assad dùng võ
khí hóa học chống thường dân thì sẽ phải chịu hậu quả. Đấy là "lằn ranh đỏ"
do Tổng thống Hoa Kỳ vạch ra. Khi đó đã có lời đồn về phản ứng dữ dội của
Israel và về chiến dịch tấn công các căn cứ chế tạo võ khí hạch tâm của Iran, một
đồng minh và hậu phương của Syria.
Chúng ta hiểu rằng Tổng thống
Obama vạch tay trên cát để làm chế độ Assad bị suy yếu nhưng không tan rã khiến
Syria có thể trở thành một trung tâm bành trướng khủng bố. Chẳng ngờ là Assad
không sợ đòn dọa già của Tổng thống Mỹ.
Đúng một năm sau, ngày 21 Tháng Tám
vừa qua, võ khí bằng chất hóa học sarin vẫn được dùng ở ngoại thành Damascus
khiến hơn 1.400 trăm người chết, trong đó có 400 trẻ em. Khi bị chiếu bí như vậy,
Obama huy động đồng minh để có biện pháp trừng phạt một tội ác bằng sự can thiệp
quân sự. Mục tiêu không hẳn là để lật đổ chế độ Assad, hay triệt hạ nơi vừa bắn
võ khí hoá học, hoặc thu hồi hoặc kiểm soát những trung tâm sản xuất và sử dụng
loại võ khí tàn sát này. Mục tiêu là điều gì đó mơ hồ hơn, được treo lên lơ lửng
và vì vậy đáng sợ hơn cho chế độ Assad.
Nào ngờ đòn tháu cáy này cũng vô
hiệu.
Sau một tuần gây xôn xao về một
chiến dịch quân sự tại Syria, ông Obama thấy hở lưng vì Hoa Kỳ thiếu đồng minh
và biện pháp quân sự thiếu hậu thuẫn của dân Mỹ chính vì mục tiêu quá mơ hồ. Ông
bèn lui về xin phép Quốc hội. Nếu lưỡng viện cho phép Hành pháp ra quân thì chế
độ Assad sẽ phải trả giá rất đắt cho việc sát hại thường dân bằng võ khí hóa học.
Nhưng tranh luận tại Thượng viện
rồi Hạ viện sau khi các dân biểu nghị sĩ trở về thủ đô cho thấy là chưa chắc Hành
pháp đã được Lập pháp cho phép tấn công Syria. Chỉ vì giới dân cử cũng thấy cử
tri ngần ngại. Tổng thống Mỹ lâm thế kẹt vì ra đòn nặng nhẹ thế nào cũng gặp bất
lợi. Mà không làm gì thì còn bất lợi hơn vì cho thấy lời hăm của đệ nhất siêu
cường là không đáng sợ.
Đấy là lúc Tổng thống Nga nhập cuộc
để cứu Tổng thống Mỹ, nhờ câu nói của Ngoại trưởng John Kerry. Trong cuộc họp báo
hôm Thứ Hai mùng chín tại London, Kerry lỡ lời hai chuyện trước sự ngẩn ngơ của
Ngoại trưởng Anh và thuộc cấp Mỹ trong bộ, vì ông nhắm vào hai mục tiêu trái
ngược.
Một là để trấn an dư luận hoang
mang ở nhà, Kery cho biết rằng đòn can thiệp của Mỹ sẽ "nhỏ bé không tưởng
tượng được" (“unbelievably small”). Hai là để dọa già Syria, rằng nếu muốn
tránh sự trừng phạt ấy, Assad phải giao nộp cộng đồng quốc tế "mọi mẩu võ
khí hóa học của mình" ("every single bit of his chemical weapons").
Bộ Ngoại giao Mỹ lật đật giải thích
rằng đấy chỉ là lối phát biểu có tính hùng biện (rhetorical) của Ngoại trưởng.
Nhưng tại Moscow, Tổng thống Putin thấy ngay cơ hội tố ngược. Mọi sự bắt đầu
chuyển động vào ngày Thứ Hai, khi Quốc hội Mỹ tái nhóm ở nhà và một ngày trước
khi Tổng thống Obama nói chuyện với quốc dân về vụ Syria.
Hôm Thứ Hai mùng chín, sau khi gặp
Ngoại trưởng Syria là Wallid al-Moallen, Ngoại trưởng Sergei Lavrov thông báo là
Nga đang thảo luận với chính quyền Assad việc bàn giao kho võ khí hóa học cho
thanh tra Liên hiệp quốc kiểm kê và tiêu hủy. Nghĩa là chỉ một ngày sau khi Assad
trả lời phỏng vấn của Charlie Rose trên truyền hình Mỹ, rằng mình không có võ
khí hóa học, thì Nga sẽ giúp cộng đồng quốc tế thu hồi và phá hủy loại võ khí này,
với điều kiện phải đạo là sau khi Syria đồng ý ký Hiệp ước Liên hiệp quốc về võ
khí hóa học đã có từ năm 1925.
Nhờ vậy, tiếng binh đao có cơ lắng
dịu và nhường chỗ cho giải pháp ngoại giao qua từng bước: 1) chế độ al Assad thú
nhận họ có võ khí tàn sát, 2) sau đó đồng ý chấp hành hiệp ước giải trừ võ khí
hoá học của Liên hiệp quốc, 3) từ đấy mới có nghị quyết về việc thanh tra và
thu hồi....
Sự thật lại không dễ dàng như vậy.
Giới an ninh Mỹ ước lượng Syria có
khoảng 1.000 tấn võ khí hóa học cất giấu trong 50 căn cứ phân tán trên một lãnh
thổ đang có nội chiến. Thanh tra dân sự nào mà đi vào mấy nơi đó để kiểm tra và
tiêu hủy? Việc di chuyển và vô hiệu hóa loại võ khí tàn độc này không là nghiệp
vụ đơn giản. Nếu một đơn vị chuyên môn của Hoa Kỳ có thể bắt tay vào việc 10 ngày
sau khi đặt chân tại chỗ, với sự bảo vệ của quân đội để thi hành nghiệp vụ, thì
trong một ngày, các chuyên viên của chỉ có thể hóa giải từ năm đến 25 tấn mà thôi.
Giải pháp ngoại giao của Nga cần một
phép lạ. Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc phải biểu quyết cho một lực lượng liên
quân quốc tế nào đó (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, hay Tầu, Nhật) vào Syria để bảo vệ các
thanh tra Nguyên tử lực cuộc tìm ra, tháo gỡ và vô hiệu hóa ngàn tấn võ khí tàn
sát. Lạc quan lắm cũng mất nhiều tháng. Tại Iraq, trò bịt mắt đó kéo dài tám năm
mà không kết quả.
Putin không thể không biết điều ấy,
nhưng nhân nước cờ hớ hênh của Ngoại trưởng Kerry mà đánh đòn tháu cáy ngược. Mục
đích của ông ta là để làm gì?
Thứ nhất, trong khi đệ nhất siêu
cường Hoa Kỳ và đồng minh Anh Pháp còn lúng túng thì Putin cho thấy Nga mới có
khả năng can thiệp vào Syria để giải quyết hai việc, là tránh được chiến tranh
mà vẫn giải trừ được một loại võ khí vô nhân đạo. Ông tung ra cái phao nổi như
cọng rơm cho Tổng thống Mỹ.....
Ông Obama không thể không biết khó
khăn thực tế của giải pháp này, nhưng vẫn ôm lấy và khéo kể công rằng 1) nhờ lời
hăm dọa về biện pháp quân sự; 2) nhờ ông tích cực đối thoại với Putin, 3) nên
chính quyền Nga cho biết là sẽ cùng cộng đồng quốc tế gây áp lực, để 4) Assad từ
bỏ võ khí hóa học. Khi Putin tố ngược bằng đòn ngoại giao, với nội dung phức tạp
về kỹ thuật, Tổng thống Obama khó nhấn tới và còn bị thất thế ở nhà nếu Quốc hội
bác bỏ việc dụng binh và đòi đàm hơn đánh. Ông còn vất vả hơn nếu hai dân chúng
Anh Pháp đều yêu cầu hoãn binh để trắc nghiệm lá bài Liên hiệp quốc của Nga.
Vì vậy, Tổng thống Mỹ đành nói nước
đôi sau những đoạn rất cảm động về số phận của thường dân vô tội. Ông Obama vẫn
khẳng định, dọa già, về biện pháp quân sự, nhưng lại chụp lấy cái phao của
Putin. Đôi bên đều đánh đòn trì hoãn chiến.
Nhưng thật ra Tổng thống không mạnh
như dư luận bên ngoài có thể nghĩ.
Nhờ sự non dại của Obama từ hai năm
nay, Putin có dịp chứng tỏ uy thế của Nga tại Trung Đông. Nước Nga mới có giải pháp
cho một vấn đề quốc tế! Sự thật thì Nga đang gặp nhiều vấn đề kinh tế và chính trị bên
trong. Sau khi tái đắc cử Tổng thống năm ngoái, Putin chưa giải quyết xong nhiều
mâu thuẫn nội bộ trên chính trường Nga và ngay trong hệ thống quyền lực của bản
thân ông giữa hai phe "siloviki" và "civiliki". Nếu chế độ Assad
sụp đổ, hoặc bị tấn công sau một cuộc không tập có hạn chế của Hoa Kỳ, uy tín thật
của Putin sẽ chẳng còn gì, tương tự như khi NATO tấn công Kosovo năm 1999 bất
chấp lời phản đối của Moscow.
Nếu Hoa Kỳ chơi bạo thì chính
Putin mới gặp khó khăn ở sau lưng.
Phe "siloviki" coi trọng
an ninh và thế lực Nga có thể đòi nhiều quyền hành hơn, về cả năng lượng lẫn quân
sự. Ngược lại, phe "civiliki" có chủ trương hiện đại hóa kinh tế bằng
hợp tác với Tây phương để có tư bản và kỹ thuật, sẽ tổng phản công. Và phiến quân
Hồi giáo sẽ tung hoành để đòi thêm quyền tự trị, mà không chỉ ở Chechnya....
Vì Obama hù dọa chế độ al Assad mà
không công hiệu, Putin khai thác cơ hội đẩy Hoa Kỳ cùng các đồng minh vào thế
khó xử. Ông chọn Syria làm trận địa của mình, nhưng không thể không biết về nhiều
cái khó ở bên trong.
Giờ đây, Obama có thể gỡ bí ra
sao?
Là người ra vẻ văn minh có học
Obama không thể đóng vai giả điên như lãnh đạo Bắc Hàn hay Iran. Ông ta cũng chẳng
thể học thói cao bồi của George W. Bush mà đòi chơi bạo. Thế giới không ưa gì kẻ
hung hăng như vậy, nhưng biết sợ. Obama chứng tỏ là mình không đáng sợ.
Nhưng Hoa Kỳ là một siêu cường trường
vốn và có nhiều tiếng nói khác từ quần chúng.
Chính quyền Mỹ vẫn có thể đi tiền
vào canh bạc tháu cáy của Putin. Dù không thắng lớn thì cũng chẳng thua đậm. Tại
Geneva vào ngày Thứ Năm, Ngoại trưởng Kerry yêu cầu vị tương nhiệm của Moscow là
Lavrov trình bày chi tiết của giải pháp ngoại giao và nêu ra từng điểm bất khả.
Tiến trình đàm phán ấy sẽ kéo dài nhiều tháng cho tới khi dân Mỹ quên dần. Trong
khi đó, quân lực Hoa Kỳ vẫn nghiên cứu và khai triển nhiều kế hoạch can thiệp
khác nhau. Và làm bộ hớ hênh tiết lộ ra ngoài. Nghĩa là khi ra vẻ "đàm"
thì vẫn ra vẻ "đánh".
Vòng ngoài, bày tỏ niềm xót xa với
một thuộc địa cũ của mình, Pháp có thể tận dụng sở trường pháp lý phù hợp với đạo
lý nhân loại, là nhân khi chế độ Damascus thú nhận có võ khí hóa học thì đòi
truy tố Assad trước Toà án Hình sự Quốc tế ở The Hague về tội ác chống nhân loại
như Milosevic của Serbia năm xưa. Assad hết đất lùi thì càng chơi bạo. Và càng
làm sáng chính nghĩa can thiệp của Tây phương lẫn sự viển vông của giải pháp
ngoại giao theo kiểu Putin.
Ngoài ra, các đồng minh Âu Châu của
Mỹ cũng có thể rọi đèn vào một trận địa khác của Nga, tại Đông Âu.
Bốn nước trong "Nhóm Visegrad"
là Ba Lan, Hung, Cộng hoà Tiệp và Cộng hoà Slovakia đang đả kích việc Putin phá
hoại sáng kiến "Eastern Partnership" do Ba Lan và Thụy Điển đưa ra để
hội nhập các nước Trung Âu và Đông Âu là Georgia, Ukraina, Armenia, Belarus,
Moldovia và Azerbaijan vào Âu Châu. Vì hồ sơ Syria, dư luận Hoa Kỳ không nhìn
ra trận đấu của Nga tại Âu Châu và làm nhiều nước Đông Âu thất vọng.
Một giải pháp tăng cường sự kết hợp
Âu-Mỹ và vai trò của Âu Châu trong cuộc đấu trí với Nga chính là nêu vấn đề về
những đòn bắt bí kinh tế của Putin với Georgia và Ukraina. Đấy là khi ta không
quên một trận đấu lực khác với Nga, trên thị trường năng lượng (xin đọc bài "Mỹ-Nga
Khói Bốc Hơi Dầu" tuần trước trên cột báo này.)
Trong khi đó, các nước đồng minh
Hồi giáo của Mỹ, như Jordan, Saudi Arabia và Turkey, đều có thể tri hô là võ khí
hóa học của Syria đã lọt vào tay quân khủng bố. Lời tri hô này có cơ sở khi báo
chí Iran đã đỡ đòn cho Syria mà loan tin tuần qua rằng chính quân khủng bố
al-Qaeda mới sử dụng võ khí này! Nội vụ bỗng dưng rối mù và dân Mỹ có thể thấy
rằng Hoa Kỳ có nhiều hậu thuẫn trong khối Hồi giáo chứ không hoàn toàn cô đơn
hay thất thế.
Với dư luận ở nhà, Chính quyền Obama
còn có thể xua ra tiếng gáy diều hâu của các bậc nữ lưu hiền hòa khả ái: Nghị sĩ
Diane Feinstein trong Ủy ban Tình báo Tượng viện, Trưởng khối thiểu số Dân Chủ
tại Hạ viện là Dân biểu Nancy Pelosi, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, Cố vấn
An ninh Quốc gia Suzan Rice, và Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc Samantha
Power. Mấy bà đầm này mà ồn ào lên tiếng thì khó ai nói rằng đảng Dân Chủ hiếu
chiến hoặc nước Mỹ của Obama cứ đòi làm "sen đầm quốc tế".....
Kết luận ở đây là Hoa Kỳ đang bị
thất thế, nhưng vẫn còn cách xoay trở và thừa sức bắt đòn tháu cáy của Putin. Miễn
là nhìn xa hơn trận đấu tại Syria....
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét