Thứ Ba, tháng 9 10, 2013

Siêu Cường Cô Đơn

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt 130909
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Đồng minh của Mỹ không đồng tình đồng ý

 * Yêu nhau là cùng nhìn về một hướng... Obama ở Thượng đỉnh G20 *
Trong vụ khủng hoảng Syria đang bùng nổ, Hoa Kỳ ở vào vị trí khó xử vì làm gì cũng bị chống đối. Mà không làm gì hết thì càng bị phản đối vì tạo cơ hội cho tội ác bành trướng.


Biệt tài của Tổng thống Barack Obama là đẩy nước Mỹ vào chốn này khi vẽ ra lằn ranh đỏ, rồi xóa, rồi vạch lại. Đến tuần qua thì tuyên bố tại Thụy Điển rằng đấy không là lằn ranh của ông mà là một tối hậu thư của thế giới và của Quốc hội Hoa Kỳ. Tức là thế giới và quốc dân Mỹ phải chứng minh giá trị lời nói của mình mà cho ông cái quyền can thiệp vào Syria. Để làm gì thì chưa ai biết, kể cả giới lãnh đạo quân lực Hoa Kỳ đang có nhiệm vụ chuẩn bị kế hoạch hành quân.... Chúng ta hãy tạm gác chuyện đó qua một bên, cho tới tuần sau.

Vì cần nhìn lại Hoa Kỳ, từ bên ngoài: khác với Trung Quốc và Liên bang Nga, Hoa Kỳ thật ra có nhiều đồng minh hơn cả.

Là siêu cường có khả năng can thiệp toàn cầu, Hoa Kỳ cần bạn và vì vậy cũng bị nhiều ràng buộc, trong khi hai cường quốc hạng nhì kia chỉ cần hợp tác với các chế độ hung đồ là có thể gây trở ngại cho Mỹ, ngoài lá phiếu phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Một cách nhìn khác về nghịch lý này là nếu không có viện trợ của Moscow hay Bắc Kinh, các chế độ gian ác như Bắc Hàn, Iran và nhất là Syria sẽ khó tồn tại sau một vụ khủng hoảng kinh tế.

Trong vụ khủng hoảng Syria ngày nay, khi hơn 10 vạn thường dân đã bị tàn sát và 10% dân số là hai triệu người đã thành nạn dân tập trung ở biên giới, Hoa Kỳ có sáu đồng minh đáng kể hơn cả. Tại Âu Châu, đó là ba nước dân chủ có nền kinh tế giàu nhất, là Đức, Anh, Pháp. Trong khối Hồi giáo tại Trung Đông, đó là Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ Turkey, Saudi Arabia, và cho đến gần đây, là Ai Cập hay Egypt.



***


Khi chế độ hung đồ Bashar al Assad - hoặc thủ túc Alawite của họ - sử dụng võ khí hóa học giết thường dân Syria, ba đồng minh Âu Châu của Hoa Kỳ đã có phản ứng, mỗi nước theo một cách.

Lên lưới mạnh nhất là Anh, nhưng Thủ tướng David Cameron đá rách gôn nhà khi bị xin Quốc hội biểu quyết và bị chống, nên đồng minh chí thiết của Mỹ phải đứng ra biên, thủ vai giám trận và vỗ tay cổ võ. Cường quốc số một của Âu Châu là Đức thì đã đứng ngoài biên và thổi còi... việt vị. Cùng Liên hiệp Âu châu, Đức là một trong 10 thành viên của nhóm G-20 không ký vào kiến nghị lên án chế độ Syria do Mỹ và Anh đề xướng tuần qua. Người ta có thể thông cảm.

Thủ tướng Angela Merkel bận bầu cử vào ngày 22 tới đây. Bà không muốn cử tri phân tâm vì đề mục ngoài kinh tế và hồ sơ Euro. Mà cũng chẳng muốn gây mâu thuẫn với Nga, dù sao còn là một nguồn cung cấp năng lượng và thị trường đầu tư cho doanh nghiệp Đức, khi mà khả năng nhập cảng của Âu Châu vẫn chưa hồi phục.

Còn lại, mạnh miệng nhất là Pháp, quốc gia xưa kia đã từng đỡ đầu và yểm trợ hệ phái Alawite khi Pháp lãnh quyền bảo hộ Syria từ năm 1920 đến 1946.

Không khác gì đa số Âu Châu, dân Pháp cũng chẳng muốn can thiệp vào Syria khi Pháp đã gánh phần trách nhiệm tại Mali và cả khu vực Tây Phi, lại đang bị suy trầm kinh tế. Cho nên dù Hành pháp khỏi cần xin phép Quốc hội, Tổng thống François Hollande vẫn do dự. Việc can thiệp tạo ra thế mạnh, khá biểu kiến, cho quốc gia của ông, nhưng có thể gây khó từ cánh tả khi ông cần tiến hành nhiều kế hoạch cải tổ rộng lớn ở bên trong, kể cả chế độ hưu bổng. Khi nước Anh bước ra biên và Tổng thống Mỹ đòi xin phép Quốc hội, Pháp bỗng ở vào vị trí trung phong, lại còn khó xử hơn nữa....

Nói chung, cả khối Liên hiệp Âu châu chứ không riêng gì Anh, Pháp, Đức, đều không muốn vào hội tuyển của một trận đấu có ý nghĩa về đạo lý mà đầy rủi ro về nhiều mặt khác.



***


Chung quanh Syria, ba nước Hồi giáo đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ cũng lại có niềm riêng.

Ai Cập đã từng thống nhất với Syria thành Cộng Hoà Á Rập Thống Nhất từ 1958 đến 1961, rồi xé chiếu ngồi riêng, bên cạnh Hoa Kỳ. Nhưng khi Mùa Xuân Á Rập phả hương nhài thì chính Tổng thống Obama đòi lãnh tụ Hosni Mubarak phải ra đi. Quân đội Ai Cập giúp cho tiếng nói của ông có trọng lượng khi đảo chánh Mubarak! Nhưng tiến trình dân chủ lại mở cửa cho lực lượng Huynh đệ Hồi giáo (MB) thắng thế, đưa xứ này qua ngả khác.

Ai Cập hết là cường quốc có thể ổn định khu vực, hoặc góp phần giải quyết vụ Syria. Lại còn gây khó cho Obama khi quân đội đảo chánh Tổng thống Mohamed Morsi và chế độ MB, để lại trôi vào khủng hoảng. Ba chân kiềng của Mỹ tại Trung Đông bị gãy mất một.

Còn lại, có Turkey và Saudi.

Tuần qua, khi mở vận động quốc tế can thiệp vào Syria, Ngoại trưởng John Kerry trấn an dư luận ở nhà, rằng nhiều nước Hồi giáo ủng hộ, và còn chi tiền, cho một chiến dịch tại Syria. Ông nói một phần sự thật, mà chỉ một phần thôi. Trong vụ này, ba thủ đô Washington, Ankara và Riyadh cùng nói về thủ đô Damascus của Syria, mà nhìn về ba góc.

Là thành viên của Minh ước NATO, Ankara ý thức được mối nguy của Syria, một thân chủ của Iran, bên trong lại có gần 10% dân số là người Kurd, đồng bào và đồng đạo với dân Kurd trên đất Thổ và xứ Iraq. Lãnh đạo Ankara mong Hoa Kỳ làm suy yếu chế độ al Assad của hệ phái Alawite tại Syria, nhưng không muốn Damascus rơi vào hỗn loạn và dân Kurd sẽ thành vấn đề. Ankara ủng hộ Washington trong chiến dịch quân sự để làm suy yếu ảnh hưởng của Iran mà thôi.

Saudi Arabia lại có lợi thế khác vì địa dư không tiếp cận với Syria, và đa số dân chúng lại thuộc hệ phái Sunni.

Riyadh muốn Mỹ thanh toán luôn chế độ al Assad để bẻ gãy mũi nhọn của Iran cho mình. Mối lo ưu tiên của Riyadh là Iran và thế lực của hệ phái Shia tại Iraq, hay lực lượng Hezbollah tại Lebanon, chứ không hẳn là quân khủng bố theo hệ phái Sunni. Nếu Damascus thành đất hoang, phe Sunni đa số có thắng thế, hoặc thậm chí xu hướng Hồi giáo cực đoan kiểu MB có quậy nát Syria, thì đấy là vấn đề của xứ khác.

Phần mình, Washington muốn al Assad phải ra đi, Tổng thống Obama lỡ nói vậy, nên muốn can thiệp để đạt mục tiêu đó mà khỏi phải minh nhiên công nhận. Nhưng cũng ý thức được là nếu Syria có loạn hoặc quân khủng bố thắng thế, thì vấn đề của Syria sẽ là vấn đề của Mỹ, y như Ai Cập. 



***



Nhiều người cứ trách Hoa Kỳ ưa can thiệp vào thiên hạ sự, trong số này có Barack Obama. Điều ông ít ngờ là thiên hạ cũng muốn vận dụng sức mạnh của Mỹ. Thuật hùng biện của ông không giải thích được những khúc mắc đó khi đa số dân Mỹ ngày nay lại đồng ý với Nghị sĩ Obama ngày xưa: xin chớ động binh vì những hậu quả bất lường! 

Đến chiều Thứ Hai mùng chín, giờ thủ đô Washington, thì Tổng thống Obama tìm ra cái phao... chữa thẹn để sẽ lại diễn xuất hôm sau. Cái phao có cái dạng của lưỡi dao cạo, do Liên bang Nga truyền tay cho Ngoại trưởng John Kerry đem về.... Truyện vẫn còn dài, hài hơn là bi.

______________________


Chỉ có tại nước Mỹ

Người dơi Batman và Captain America là hai nhân vật hư cấu nổi tiếng trong loại truyện hình cho trẻ em Hoa Kỳ. Tuần qua, khi nước Mỹ sôi sục về chuyện Syria và việc cứu lấy thường dân vô tội thì Batman và Captain America đã xuất hiện tại thị trấn Milton ở West Virginia.

Một ngôi nhà bị cháy gần nơi có hai người đang mặc trang phục của Batman và Capt. America để giúp vui cho trẻ em. Khi thấy hỏa hoạn, họ tông cửa lao vào khói lửa và cứu ra được một con mèo. Không ai bị hề hấn gì, kể cả con mèo, được cứu sống nhờ Batman dùng phép hô hấp nhân tạo, bằng miệng. Cái điềm có hậu của chuyện Syria?


1 nhận xét:

  1. Ca tuan nay, truyen thong My de cap rat nhieu ve chuyen Syria, nhat la nhung talk shows cua ABC,CBS,NBC...Dung nhu loi binh luan cua bac Nghia, Putin la mot con cao gia trong chinh gioi trong khi Obama la mot tay mo trong cuoc choi nay.

    Co le, chuyen Syria phai nho den mot tong thong tai ba nhu Ronald Regan giai quyet. The moi biet, noi thi de nhung lam thi khong de mot chut nao.

    Trả lờiXóa