Thứ Bảy, tháng 9 07, 2013

Mỹ-Nga Nháng Lửa


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 130607

Mâu thuẫn Nga Mỹ ở một nơi bất ngờ


* Bật lại bang giao và bật lên khí đốt *


Như một tay mơ chính hiệu, Tổng thống Barack Obama tin vào sự sùng bái mà truyền thông cánh tả dành cho ông, tưởng rằng mình mở ra một kỷ nguyên mới, và như một đấng Cứu Thế sẽ đẩy lui thủy triều. Tuần này, ông bắt đầu thấy ra một sự thật khác.

Sự thật đó không là những lụp chụp với hồ sơ Syria (xin đọc bài "Obama, Syria và Silly-A - Nghịch lý Obama, vũng lội Syria và Liên bang Nga cười cười" trên cột báo này vào tuần trước). Nghĩ rằng dư luận đã quên lời phát biểu dõng dạc hùng hồn của mình vào ngày 20 Tháng Tám năm ngoái, ông chối là mình không vẽ "lằn ranh đỏ" cho chế độ độc tài Bashar al Assad của Syria. Họp báo tại Stockholm bên Thủ tướng Thụy Điển, ông biện bạch là chính "thế giới và Quốc hội Hoa Kỳ" mới vạch ra giới hạn này, nên bây giờ họ (thế giới và Quốc hội Mỹ) có nhiệm vụ chứng tỏ sự khả tín khi chế độ al Assad sử dụng võ khí hóa học chống lại thường dân.

Những sự bất nhất và dập dừng đó về chuyện Syria đang là thời sự nóng. Nhưng tính chất tài tử của Tổng thống Obama phải được thấy từ trước, trong quan hệ với Liên bang Nga.

Nó kết trái tại Thượng đỉnh G-20 ở St. Petersburg: thời sự quốc tế chú ý đến việc Tổng thống Mỹ không có cuộc tiếp xúc song phương với Tổng thống Vladimir Putin của Nga mà lại gặp các tổ chức ngoài chính phủ (NGOs) và những đoàn thể tranh đấu cho nhân quyền tại Nga. Mục đích có thể là để gây khó cho chính quyền Putin.

Chúng ta trở lại nguyên ủy để hiểu ra những mâu thuẫn trong quan hệ Nga-Mỹ mà Obama không thấy, hoặc tưởng rằng mình sẽ vượt qua.


***


Sau khi đắc cử năm 2008 và vừa nhậm chức vào đầu năm 2009, Chính quyền Obama có sáng kiến gọi là chiến lược, đó là cải thiện quan hệ Mỹ-Nga. Họ dùng một khái niệm vật lý là bật lại cái nút, reset the button.

Về ngôn từ, Phó Tổng thống Joe Biden đã nói sai việc cải thiện này thành "reset" rồi bộ Ngoại giao của Hilary Clinton còn dịch sai ("reset" mà in thành "reload") trên cái hộp bà tặng người tương nhiệm là Ngoại trưởng Sergey Lavrov của Nga. Nhưng chuyện quan trọng không là ngôn từ hay tự vựng mà là nội dung. Obama muốn san bằng mâu thuẫn với Liên bang Nga trong tám năm cầm quyền của George W. Bush, để trở về trước khi có vụ khủng bố 9-11. 

 Bật lại cái nút hay lên đạn?


Là tay mơ còn đang "phát triển cộng đồng", Obama không nhìn ra một chuyển động lớn từ khi Liên bang Xô viết sụp đổ năm 1991. Xin hãy tóm lược ở đây....

Khi Chiến tranh lạnh kết thúc, các nước Trung Âu và Đông Âu đều thoát khỏi quỹ đạo Xô viết. Họ vừa xây dựng dân chủ vừa hội nhập với Âu Châu, khi ấy còn gọi là Tây Âu, sau này mới thành Liên hiệp Âu châu. Chính quyền Bill Clinton có góp phần chuyển hóa này khi đẩy lá chắn của Minh ước NATO về hướng Đông, đằng sau là các cuộc cách mạng dân chủ muôn màu.

Nhưng nhìn theo con mắt của lãnh đạo Moscow thì đấy là thu hẹp vùng ảnh hưởng của Nga, điển hình là việc Hoa Kỳ can thiệp vào cuộc nội chiến tại Liên bang Nam Tư và vùng Balkans rồi NATO còn tấn công Cộng hoà Serbia, một đồng minh truyền thống của Nga, để cứu dân Hồi giáo tại Kosovo và Âu Châu đòi giành quyền độc lập cho Kosovo, một vùng đất tự trị trong lãnh thổ Serbia....

Bị khủng hoảng trong 10 năm "hậu Liên Xô", Liên bang Nga đành thúc thủ trước thế lực độc bá của Hoa Kỳ. Và chỉ hồi phục từ khi Vladimir Putin lên làm Thủ tướng năm 1999 rồi Tổng thống trong hai nhiệm kỳ, 2000-2008. Dựa trên lợi thế năng lượng lên giá, Putin muốn chinh phục lại vùng ảnh hưởng Xô viết, thực tế là đẩy lui trào lưu dân chủ trong các nước Đông Âu cũ và cản trở sự bành trướng của Liên Âu.

Mâu thuẫn Đông-Tây lại tái diễn.

Dù mắc bận với cuộc chiến chống khủng bố ngay trong năm vừa nhậm chức là 2001, Tổng thống Bush vẫn công nhận sự sai lầm và trách nhiệm của Hoa Kỳ khi bán đứng Đông Âu cho Liên bang Xô viết sau Thế chiến II. Đầu năm 2002, Bush hủy bỏ Hiệp ước ABM (hỏa tiễn chống phi đạn) đã ký kết với Liên Xô từ năm 1972 để giành quyền phát triển hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn đạn đạo (ballistic missile). Ông muốn duy trì động lượng hay cái trớn (momentum) của làn sóng dân chủ do vị tiền nhiệm tiến hành, rồi đưa ra kế hoạch bảo vệ Đông Âu bằng lá chắn chiến lược BMD (ballistic missile defense).

Cụ thể là một hệ thống thám báo đặt tại Cộng hoà Tiệp nối kết với dàn hỏa tiễn thiết trí tại Ba Lan. Tiếng là để phát giác và ngăn chặn hỏa tiễn từ Iran mà thực tế là để phòng ngự Đông Âu. Nếu mà Nga thấy ngại thì phải gây áp lực để Iran từ bỏ kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm có thể bắn bằng hỏa tiễn, chứ Nga không thể cùng Trung Quốc giải vây và bao che cho các Giáo chủ cực đoan ở Tehran.

Phần mình, ổn định xong nội tình và củng cố được quyền lực, Putin bắt đầu tổng phản công.

Năm 2008, khi Âu Châu và Hoa Kỳ vừa bị khủng hoảng là Nga dùng võ lực tấn công Cộng hoà Georgia (ngày tám Tháng Tám, 2008) rồi gây áp lực về năng lượng với Cộng hòa Ukraina từ đầu năm 2009. Sau đó, Putin còn đưa ra sáng kiến thiết lập hệ thống quan thuế tự do từ Âu Châu tới Á Châu: nếu các nước dân chủ có Liên Âu European Union thì Nga sẽ có Eurasian Custom Union, kéo dài từ rặng Urals tới Viễn Đông và bao trùm lên Trung Á.

Đấy là lúc Obama lên nhậm chức với chiến lược cải thiện quan hệ Mỹ-Nga.

Đầu năm 2009, tại Thượng đỉnh G-20 ở London hai Tổng thống Obama và Dmitri Medvedev đã thông báo một trang sử mới trong quan hệ giữa hai nước. Cụ thể đảo ngược quyết định của Bush và tháo gỡ hệ thống phòng thủ BMD khiến các nước Đông Âu ngao ngán là lại bị Mỹ phản bội. Nhiều người đã quên lời than của cố Tổng thống Václav Havel về vụ này.

Ông Obama còn thương thuyết lại Hiệp ước START sắp mãn hạn và kêu gọi Nga khuyên giải Iran từ bỏ kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm. Mà không kết quả. Những ai mắc chứng Obamê mà hoài nghi chuyện ấy thì có thể vào trang nhà của Phủ Tổng thống Mỹ đọc lại những giấc mơ màu hồng của Obama với Medvedev.

Vì hạn định của Hiến pháp Nga thời Yeltsin, Putin phải lui về làm Thủ tướng sau hai nhiệm kỳ Tổng thống (2000-2008) nhưng vẫn thực sự là lãnh tụ của Tổng thống Medvedev. Suốt bốn năm liền của Medvedev và từ đầu năm 2012, khi Putin trở về làm Tổng thống, Nga liên tục có thái độ gây hấn với Hoa Kỳ, kể cả bằng oanh tạc cơ Tu-95B và tiềm thủy đĩnh hạng Akula ở ngoài khơi Alaska, trong vùng Vịnh Mễ Tây Cơ và trên lãnh hải của đảo Guam.

Trên toàn cầu, Nga triệt để cấu kết với các chế độ hung đồ như Trung Quốc, Iran, Syria hay Cuba và Venezuela để giảm thiểu ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Vậy mà khi tái tranh cử năm 2012, Obama vẫn nhờ Medvedev nhắn thầm với Putin, rằng sau khi thắng cử, ông sẽ "có khả năng linh động hơn"!

Kết quả thì Barack Obama được Putin trả ơn bằng cái tát: Nga cho Edward Snowden tỵ nạn chính trị sau khi bị nhà chức trách Hoa Kỳ truy nã về tội tiết lộ bí mật quốc gia. Vì biến cố đó mà Obama phải hủy cuộc họp riêng với Putin tại Thượng đỉnh G20 và đi gặp đối lập khi hệ thống quyền lực của Putin đã có dấu hiệu rạn nứt ở bên trong.


***


Người ta có thể bình luận dài dòng về mâu thuẫn Mỹ-Nga. Sau đây là vài nét chính.

Với rất nhiều nhược điểm - như chủ quan, phóng túng, hết hồ hởi sảng lại hốt hoảng bậy - Hoa Kỳ có chế độ dân chủ. Đây là "chế độ ít tệ nhất trong các giải pháp chính trị mà loài người đã thử nghiệm", ý của Winston Churchill. Ngược lại, Nga vẫn duy trì ách độc tài, trình độ tham nhũng thì chẳng thua gì thời Yeltsin, mà chuyên chế gấp bội, với thế lực của Putin được xây dựng trên hệ thống quốc doanh về năng lượng và chiến dịch bóp chết quyền tự do báo chí cùng đòn phép bức hại đối lập.

Khác biệt ấy khiến Hoa Kỳ vẫn là niềm hy vọng cho các nước khát khao dân chủ trên thế giới, còn Nga thì là đồng minh bảo trợ các chế độ chuyên quyền. Cùng với Bắc Kinh, Moscow tận dụng quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc để chặn mọi quyết định của Hoa Kỳ và các nước Tây phương và để bảo vệ các chế độ độc tài.

Một mâu thuẫn thứ hai thuộc về kinh tế và chính trị.

Trong khi Hoa Kỳ mở rộng sáng kiến xây dựng chiến lược hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP và thương thuyết hiệp định tự do mậu dịch với Liên Âu thì Nga phát triển hệ thống tự do mậu dịch Âu-Á như đã nói ở trên. Năm 2008, khi Thụy Điển và Ba Lan đề nghị kế hoạch đối tác (Eastern Partneship) giữa Liên Âu với các nước Đông Âu, như Belarus, Ukraina, Moldova, Georgia, Armenia và Azerbaijan, Putin bèn ra sức ngăn cản bằng kế hoạch quan thuế Âu-Á.

Được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO từ năm ngoái, Nga tiếp tục vi phạm quy định của WTO và gây áp lực kinh tế với các nước Đông Âu để tách họ khỏi Liên Âu và trở về quỹ đạo Xô viết cũ. Chẳng những vậy, Putin tận dụng võ khí năng lượng để chia rẽ các nước Tây Âu với Đông Âu như đã thấy từ đầu năm 2009: Nga phong toả khí đốt bán cho Ukraina làm các nước Tây Âu khốn đốn và đòi Ukraina phải nhượng bộ Moscow.

Chiến lược hơn vậy, Putin còn muốn kéo nước Đức vào thế trung lập, thậm chí thỏa hiệp với Moscow để có thể mua khí đốt của Nga. Người ta không quên là ngay sau khi Putin tấn công Georgia năm 2008, Thủ tướng Đức là Angela Merkel đã lập tức bay qua Moscow hoà giải, trước phản ứng khó chịu của hai Tổng thống Bush và Nicolas Sarkozy của Pháp.

Nhưng thật ra, mâu thuẫn quan trọng nhất giữa Hoa Kỳ và Liên bang Nga nằm trong một lãnh vực sinh tử của Nga, và bên ngoài chánh sách của Obama. Đó là năng lượng.


***


Liên bang Nga của Putin chỉ là một nước chậm tiến, sống nhờ sản xuất và xuất cảng năng lượng. Khu vực dầu khí chiếm tới 30% Tổng sản lượng, đem lại phân nửa ngân sách của Putin và 70% xuất cảng của Nga. Nhưng từ khi lãnh đạo, Putin dùng năng lượng làm võ khí và còn cả tin vào một chiều hướng lâu dài là năng lượng lên giá. Cũng vì vậy, kinh tế Nga lệ thuộc vào dầu thô và khí đốt, mà khu vực năng lượng lại tụt hậu nhờ được bảo vệ và giữ thế độc quyền.

Trong khi đó, vì giá dầu khí tăng vọt, thị trường tại Hoa Kỳ đã lặng lẽ tính kiểu khác.

Không chỉ nâng hiệu suất tiêu thụ, tốn ít hơn mà được nhiều hơn để giảm số cầu, kỹ nghệ năng lượng Mỹ còn cải tiến khả năng sản xuất để nâng số cung.

Họ đào dọc rồi xoay ngang và bơm dung dịch với áp suất cực mạnh vào đá phiến để gạn ra dầu khí và áp dụng công nghệ mới để chế tạo khí lỏng có khả năng vận chuyển tiện lợi hơn. Kết quả là Hoa Kỳ bỗng dưng thành đại gia sản xuất năng lượng với triển vọng là một nước xuất cảng đáng kể. Không những vậy, qua các dự án liên doanh và hợp tác, Hoa Kỳ còn quảng bá kỹ thuật mới cho các nước Tây phương.

Họ không còn bị khối OPEC hay các nước Trung Đông bắt bí về năng lượng mà còn đe dọa thị trường xuất cảng của Nga và giúp Âu Châu có dầu, khí, và cả than đá, để khỏi bị Putin xử ép.

Trận đánh Mỹ-Nga về dầu khí mới là hồ sơ còn đáng kể hơn chuyện Syria hay Geogia, Ukraina....

Tuần qua, một ông trùm về năng lượng của Nga báo động rằng "các doanh nghiệp quốc tế đang có âm mưu phá hoại khu vực năng lượng và làm kinh tế của Nga bị tê liệt". Chủ tịch Igor Sechin của tập đoàn quốc doanh Rosneft không là tài phiệt ôm tiền trong quỹ đạo Putin, mà là người cầm đầu phe "siloviki" gồm các thế lực an ninh và quân sự bảo thủ nhất chung quanh Putin, và từng là Phó Thủ tướng và cố vấn thân tín cho Putin. Lý do báo động là vì tổ hợp ExxonMobile của Mỹ vừa tạm ngưng thực hiện một dự án khí lỏng cho Nga. 

Đấy chỉ là chi tiết nhỏ phản ảnh vấn đề lớn.

Trong cả chục năm, Putin củng cố và bảo vệ thế độc quyền của các tập đoàn năng lượng nhà nước. Nhưng thế độc quyền mới gây lụn bại, như đã thấy tại Iran, Venezuela, Việt Nam hay Trung Quốc. Và ngày nay hệ thống tụt hậu này của Nga cần học hỏi công nghệ hiện đại của các nước Tây phương. Khi Putin gây khó cho các nước Tây phương thì mới thấy khí bốc lên đầu....

Chi tiết ly kỳ là Chính quyền Obama đã đi bên lề cuộc cách mạng về công nghệ năng lượng của Hoa Kỳ, có lúc còn muốn cản trở vì áp lực của cánh tả là để bảo vệ môi sinh.... Lần này, Tổng thống Mỹ sẽ ngẩn ngơ trước thế lực của nước Mỹ và sự hậm hực của Putin.  

Chính sách "reset" của ông rất vần với rỉ sét!


6 nhận xét:

  1. Tại cuộc họp G20 tối qua giờ Việt Nam, Khối đồng minh Bắc Đại Tây Dương - NATO - đã đi đến Quyết định không có kế hoạch tham chiến ở Syria. Vì họ cho rằng tình hình ở Syria là do nội chiến gây ra, người Syria tự giải quyết lấy. Việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria không thể tìm ra manh mối ai sử dụng. Không lý do gì để các nước khác phải tốn công sức vào đây.

    Khi được hỏi về các cuộc tấn công chết người bị cáo buộc trong một vùng ngoại ô của Damascus vào ngày 21 tháng 8, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen chỉ ngón tay vào các lực lượng đối lập ở Syria . "Đòi hỏi sự hoài nghi xa hơn những gì là hợp lý để tin rằng phe đối lập đứng đằng sau một cuộc tấn công hóa học trong một khu vực mà lực lượng này đã kiểm soát phần lớn", ông nói.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sau Thượng đỉnh G-20 tại St. Petersburg, chỉ có 10 quốc gia ký vào thông cáo chung kết án Syria theo đề nghị của Obama là Úc, Canada, Pháp, Ý, Nhật, Turkey, Saudi Arabia, Nam Hàn, Anh, Mỹ và Tây Ban Nha (không thuộc nhóm G-20 mà là khách tham dự).

      Có 10 thành viên G-20 không ký vào kiến nghị này là Liên Âu, Đức, Argentina, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Nam phi và Liên bang Nga. Và Putin tuyên bố tiếp tục cung cấp võ khí và viện trợ kinh tế cho Syria....

      NXN

      Xóa
  2. Sau khi nghiền ngẫm bài viết vô cùng quí giá của cụ Nguyễn Xuân Nghĩa em càng củng cố nhận định: gã Obama là tay mơ. Sau sự kiện rút khỏi chương trình BMD đang triển khai dở dang ở Poland và Cez, em đặt ra một câu hỏi lớn: chính sách dài hơi và suyên suốt của Mỹ đã không còn được duy trì, mà nó đã thay đổi tùy theo người đứng đầu hành pháp? Xin cụ Nguyễn giải ngố cho em.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không nói về vị trí đã quá quan trọng của Ba Lan, Cộng hoà Tiệp (Czech Republic) là một thành viên Liên Âu và NATO, đã sát cánh với Hoa Kỳ trong các chiến trường chống khủng bố, kể cả Iraq, và tham gia kế hoạch phòng vệ BMD dù đa số dân chúng (hai phần ba) không đồng ý. Rồi Tháng Chín 2009, Thủ tướng Tiệp được... điện thoại của Tổng thống Obama cho biết quyết định đảo ngược của ông!

      Hiện nay, Bộ Ngoại giao Tiệp vẫn giúp Hoa Kỳ giải quyết các vấn đề ngoại giao hay lãnh sự với Syria nhờ Tòa Đại sứ Tiệp ở Damascus.

      Hoa Kỳ có thể có chính sách trường kỳ, nhưng lâu lâu lại bị gián đoạn khi người dân bầu lên tay mơ và các đồng minh của Mỹ bị lỡ trớn. Vì vậy, dù nước Mỹ và dân Mỹ có lòng hảo tâm và giúp ích thế giới, lãnh đạo Mỹ vẫn bị nghi ngờ. Chơi với Mỹ phải có trí nhớ!

      Trở lại chuyện Syria, được truyền thông ít nhắc tới, vì quên hay vì gian, là lập trường về Syria của nhiều người đang có thẩm quyền trong ban tham mưu về an ninh của ông Obama.

      Khi còn là Nghị sĩ tại Thượng viện, Obama cùng nhiều người đồng viện đả kích chính quyền Bush 43 là không có chính sách cởi mở hơn với chế độ Bashar al Assad tại Syria. Họ là Nghị sĩ Joe Biden nay là Phó Tổng thống, Chuck Hagel (Cộng Hòa, nay là Tổng trưởng Quốc phòng), và Hillary Clinton (cựu Ngoại trưởng). Bà Clinton còn cho biết là sau chuyến thăm viếng Syria với nhiều đồng nghiệp, bà đánh giá Tổng thống al Assad là người chủ trương đổi mới ("reformist"). Trong một cuộc điều trần của Ngoại trưởng Condoleezza Rice trước Ủy ban Ngoại giao Thượng viện vào năm 2007, hai Nghị sĩ Biden và Hagel châm biếm bà Rice là không cố gắng đàm phán với chế độ al Assad. Năm 2009, Nghị sĩ John Kerry còn nhận định rằng Syria là "một đối tác quan trọng để đem lại hoà bình và ổn định trong khu vực".

      Có nhớ lại thì mới hiểu ra sự lúng túng của lãnh đạo Mỹ hiện nay trước sự ngại ngần của quân đội! Phe "chủ chiến" trong ban tham mưu Obama ngày nay đều thuộc cánh tả, lý tưởng và ngây ngô, chứ không phải là đám diều hâu Cộng Hoà như người ta cứ lầm tưởng....

      May là Hoa Kỳ có dân chủ và dân chúng sẽ lại đổi ý!


      NXN

      Xóa
  3. Cảm ơn thầy NGhĩa đã có một bài viết trọn vẹn về công nghệ khai thác dầu khí đá phiến của Hoa Kỳ và các chuyển động về kinh tế và chính trị của thế giới sau sự ra đời của công nghệ này. Tuy nhiên em có một thắc mắc là : Em đọc cuốn Thế giới phẳng năm 2007 thấy tác giả chê chính quyền Bush 43 không quan tâm đến sự hỗ trợ cho các công ty Mỹ phát triển công nghệ Khí đá phiến , cũng như hỗ trợ các công nghệ tiết kiệm nhiên liệu của các hãng xe hơi. Và sau đó thấy chính quyền Obama hỗ trợ cho chương trình Khí đá phiến để nó thành công như bây giờ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tác giả cuốn này - mà nhiều anh em ở Việt Nam ngưỡng mộ - là một bình luận gia hàm hồ và có thiên kiến!

      Hàm hồ khi cho rằng Hoa Kỳ nên học Trung Quốc về cách nhất trí giải quyết vấn đề môi sinh, thay vì cứ để hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ cãi vã và cản trở nhau.

      Thomas Friedman thuộc trường phái phục Tầu, cũng nhảm nhí như kinh tế gia Stephen Roach từ khi còn là chủ tịch phân bộ Á Châu của Morgan Stanley. Và vài ba người khác nữa.

      Thiên kiến vì chống ông Bush một cách mù quáng. Ông Bush này có nhiều tội lắm, gia đình liên hệ đến kỹ nghệ dầu khí, có ông Phó Dick Cheney là một tay điều hành Halliburton, gây chiến để cướp dầu... vậy mà không yểm trợ công nghệ dầu khí!

      Thực tế thì Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ có ngân sách nghiên cứu công nghệ khai thác đá phiến ra khí đốt để yểm trợ khu vực năng lượng từ mấy chục năm rồi. Kinh phí từ 1978 đến 2007 là 24 tỷ đô la, chưa kể nhiều tỷ khác của Gas Research Institute.

      Sau khi đã có bước đột phá, việc khai thác này còn gặp trở ngại vì phản ứng bảo vệ môi sinh bên đảng Dân Chủ. Tổng thống Obama cứ do dự mãi với dự án ống dẫn Keystone chính là vì áp lực này từ cánh tả muốn bảo vệ môi sinh....

      Rất nên cẩn thận khi đọc Thomas Friedman! Tôi đã có nhiều chương trình giải ảo về những loại tư tưởng gia này trên Người Việt TV.

      NXN

      Xóa