Thứ Hai, tháng 9 02, 2013

Khí Bốc Thành Hơi



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 130902
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Chuyện Nội Lực Của Liên Bang Nga

*  Vladimir Putin, dầu khí ròng ròng *



Hôm Thứ Bảy 28, sau khi Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc là Samantha Powers kêu gọi các nước lập tức có hành động tại Syria vì vụ sử dụng võ khí hóa học, hai Đại sứ Liên bang Nga và Trung Quốc liền bước khỏi cuộc họp của Hội đồng Bảo an. Hai quốc gia này không có quyền lợi chiến lược gì tại Syria, nơi có sản lượng dầu khí không đáng kể. Họ dùng Syria để gây rối cho Mỹ và các nước dân chủ nên vẫn bênh vực chế độ hung đồ của lãnh tụ Bashar al Assad....

Qua hơn hai năm nội chiến tại Syria, sự vụng về của Chính quyền Barack Obama giúp Nga thắng được một keo, và làm các chế độ vô đạo mừng thầm rằng nền dân chủ khó xử lý việc chiến hòa khi máu thường dân đã đổ và nhân quyền bị chà đạp. Nhìn lại vụ biểu quyết của Quốc hội Anh rồi sự hậm hực của Ngoại trưởng Mỹ vì Tổng thống đảo ngược quyết định can thiệp vào Syria, các lãnh tụ hung đồ thấy hả hê với lời mỉa mai của Phó Thủ tướng Nga Dmitri Rogozin: "Mỹ loay hoay như con khỉ với quả lựu đạn trong tay".

Vì "kinh tế cũng là chính trị", bài này xin nói về một sự loay hoay khác.... Của Liên bang Nga.


***


Nhiễu âm từ hồ sơ Syria làm ta có thể quên một chuyện. Liên bang Nga vừa ăn mừng một năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO (22 Tháng Tám năm 2011) với sự bẽ bàng.

Nga dùng võ khí mậu dịch xử ép Cộng hoà Ukraina để Chính quyền Kiev phải theo sáng kiến của Tổng thống Vladimir Putin là gia nhập Liên hiệp Quan thuế Âu-Á kéo dài từ Nga qua Trung Á tới Viễn Đông, và từ bỏ dự tính gia nhập khối mậu dịch với Liên hiệp Âu Châu. Hôm 14, áp lực này gây phản ứng từ các thành viên của WTO. Trước đó, vào Tháng Bảy, Liên Âu chính thức khiếu nại việc Nga đặt ra sắc thuế phụ trội trên xe hơi nhập cảng để bảo vệ kỹ nghệ nội địa và để chiêu dụ giới đầu tư đem tiền vào ráp chế xe hơi trong thị trường Nga. Nhật đã ủng hộ Liên Âu trong vụ kiện, và Hoa Kỳ chính thức thông báo sẽ gia nhập.

Mấy chi tiết đó ít được dư luận chú ý, nhưng cho thấy là như với cơ chế Liên hiệp quốc, Nga không tôn trọng đạo lý của các nước. Với tổ chức WTO, Nga chỉ là một trong 159 thành viên sau khi mất 18 năm thương thảo, và chẳng có quyền phủ quyết! Mà chuyện WTO chỉ là phần nhỏ của một hồ sơ còn nghiêm trọng gấp bội.

Là hậu thân của Liên Xô, Nga chỉ có một kỹ nghệ thuộc loại mũi nhọn là chế tạo võ khí. Còn lại, đây là xứ chậm tiến ("đang phát triển" là một từ lịch sự), có lãnh thổ trống trải khó bảo vệ, phải lấy tài nguyên chủ yếu của mình là năng lượng (khí đốt và dầu thô) làm đòn bẩy – và võ khí.

Nhờ xuất cảng năng lượng, Nga thu được tiền cho ngân sách, tiến hành công nghiệp hóa và xây dựng bộ máy chiến tranh. Bên trong thì sưởi ấm người dân với dầu khí được trợ giá, bên ngoài thì bán rẻ năng lượng để mở rộng ảnh hưởng kinh tế với các chư hầu và lân bang.

Sau khi Liên Xô tan rã, Liên bang Nga mất 10 năm khủng hoảng và chỉ phục hồi từ khi Vladimir Putin lên cầm quyền. Vì sao Liên Xô vẫn tan rã dù đã có một võ khí chiến lược như vậy là đề tài của một kỳ khác.

Putin lần lượt làm Thủ tướng (1999-2000), Tổng thống (2000-2008), rồi Thủ tướng (2008-2012), và trở lại ghế Tổng thống năm 2012, với hy vọng tái đắc cử năm 2018 để sẽ lãnh đạo tới 2024 với giấc mơ chinh phục lại những gì Đế quốc Xô viết đã mất. Sự hồi phục rồi tái bành trướng của Nga trùng hợp với kỷ nguyên năng lượng lên giá. Thí dụ như từ 35 đô la một thùng vào năm 1999, giá dầu thô đã tăng gấp ba, có lúc lên tới hơn 140 đô la, và sau vụ khủng hoảng 2008 thì nay vẫn hơn trăm đồng....

Ý thức được vai trò võ khí của năng lượng, Putin đảo ngược quyết định giải tỏa đã từng áp dụng trong hai chục năm trước, từ thời Mikhail Gorbachev tới Boris Yeltsin, lại còn bảo vệ và củng cố các tập đoàn năng lượng nhà nước và ngăn cản mọi nỗ lực liên doanh với Tây phương. Không chỉ quốc hữu hóa khu vực năng lượng qua ba tổ hợp vĩ đại là Gasprom, Rosneft và Transneft, Putin dùng các tập đoàn này tăng cường quyền lực của bản thân qua việc ban phát quyền lợi cho kẻ thân tín và tiêu diệt mọi đối thủ chính trị. Chuyện tham ô hay hối mại quyền thế của các đại tài phiệt năng lượng chỉ là hậu quả nhỏ của một chiến lược kinh tế lớn.

Một chiến lược khiến chính nước Nga mới thật sự lệ thuộc vào năng lượng: cuối năm ngoái, năng lượng chiếm gần 70% tổng số xuất cảng của Nga so với 50% vào thời Boris Yeltsin và cung cấp 50% số thu ngân sách, đóng góp 17% vào tổng sản lượng của xứ này.


***


Nhưng thị trường lại có những quy luật khiến chính trường chưng hửng.

Từ khía cạnh sản xuất thì chính sách bảo vệ dẫn đến thế độc quyền làm năng suất suy sụp. Các đại gia dầu khí của Nga là những trung tâm lãng phí với kỹ thuật tụt hậu. Từ khía cạnh tiêu thụ thì vì năng lượng lên giá - còn được Nga dùng làm đòn bắt bí như Liên Âu đã bị khi Putin xử ép Ukraina vào đầu năm 2009 - thì thiên hạ tìm giải pháp khác. Thí dụ như Âu Châu giảm dần sự lệ thuộc vào khí đốt của Nga nhờ nguồn cung cấp hiện đại hơn. Đấy cũng là lúc quy luật thị trường dẫn tới sức bật của Hoa Kỳ.

Chỉ vì khi cả thế giới bàn tán liên hồi về sự lụn bại của nước Mỹ sau vụ khủng hoảng tài chánh năm 2008, Hoa Kỳ bỗng tái xuất hiện như một siêu cường năng lượng toàn cầu!

Liên bang Nga có thể là số một thế giới về khí đốt và chung ghế vô địch với Saudi Arabia về dầu thô (với giá trị rất thấp so với dầu Trung Đông, vốn "ngọt" và "nhẹ" hơn), nhưng với đà khai thác này thì Nga chỉ có đủ dầu cho 20 năm tới, so với 70 năm của dầu Saudi hay 90 năm của xứ Tiểu vương quốc Á Rập Thống nhất UAE. Trong khi ấy, Hoa Kỳ đã cải tiến kỹ thuật đào dầu và còn "gạn cát ra dầu" để sẽ nâng sản lượng 40% từ nay cho đến năm 2018 – là khi Putin dự tính tái tranh cử Tổng thống. Tới năm 2020 thì Mỹ sẽ giành chức vô địch về sản lượng dầu thô!

Xưa nay, Hoa Kỳ mang tiếng rất nhiều về chuyện dầu hỏa, kể cả gây chiến hay hút dầu của thế giới. Trong một tương lai không xa, Mỹ sẽ là anh bán dầu. Tức là sẽ hạ nhiệt cơn sốt về dầu thô và đánh vào ngân sách của Nga: giá đầu mà sụt dưới 95 đồng một thùng là Putin hết múa, như ông ta đã thấy sau năm 2008.

Mà năng lượng cũng còn là khí đốt, và cả than đá.

Hoa Kỳ đã cải tiến khả năng chế biến khí đốt, thành chất lỏng có thể vận chuyển dễ dàng và bán cho nhiều nước ở rất xa: ống dẫn khí đang mất ưu thế. Khi giảm dần sự lệ thuộc vào than đá, nước Mỹ bỗng dưng có họ với Trần Khánh Dư, thành người bán than. Vừa giúp Âu Châu khỏi than là lệ thuộc vào khí đốt của Nga, vừa lấy mất ghế của Nga là nước xuất cảng than đá thứ ba trên thế giới....

Khi có nhiều chọn lựa hơn, các bạn hàng của Nga hết bị bắt bí! Liên Âu đã lập hồ sơ và sẽ khiếu nại thế độc quyền của tập đoàn Gasprom, và các thị trường của Gasprom như Ba Lan, Ukraina hay Lithuania đều chờ đợi nguồn cung cấp mới. Các đại tài phiệt của hệ thống quyền bính Putin đang sợ thất thâu. 


***


Nói lại cho gọn, chưa biết là bom nổ đạn bay tại Syria ra sao, ưu thế năng lượng của Putin đang bốc thành hơi. Đáng lẽ, khi gia nhập WTO, Putin đã có thể mở ra cơ hội đa năng hóa kinh tế và hiện đại hóa công nghiệp. Nhưng tay phủ thủy già đòn này lại bảo vệ đám âm binh năng lượng và chỉ còn một ngả là... Đông tiến. Tìm bạn hàng khát dầu và thiếu khí là Trung Quốc!

 Rồi ôm chậu nhôm đồng ca là nước Mỹ gian manh!

10 nhận xét:

  1. Đọc thế này không biết đâu là thật khi tình hình thế giới đang có chút bất ổn, Mỹ tuyên bố đánh Syria, Tổng thống obama đang lên tiếng kêu gọi sự ủng hộ của người dân Mỹ. Đánh hay không đánh đây. co trời mới biết được, hay chỉ là âm mưu của Mỹ

    Trả lờiXóa
  2. Đọc thế này không biết đâu là thật khi tình hình thế giới đang có chút bất ổn, Mỹ tuyên bố đánh Syria, Tổng thống obama đang lên tiếng kêu gọi sự ủng hộ của người dân Mỹ. Đánh hay không đánh đây. co trời mới biết được, hay chỉ là âm mưu của Mỹ

    Trả lờiXóa
  3. Có lẽ đây chẳng là âm mưu gì của Mỹ với vụ Syria, mà chỉ là hậu quả củs sự lúng túng của Tổng thống Obama. Âm mưu gì mà bất nhất và mất uy như vậy! Nhưng sức mạnh của Hoa Kỳ nằm ở chỗ khác, trong cả xã hội, và họ thừa sức vượt qua những sai lầm hay thất bại của lãnh đạo.

    Các độc giả khác nghĩ sao?

    NXN

    Trả lờiXóa
  4. Việc này cho thấy Trung Đông giờ k còn là mối quan tâm của Mỹ nữa. Vì Mỹ đã gạn cát ra dầu rồi, họ sẽ tự chủ dầu rồi đó xuất khẩu dầu. Can thiệp vào Trung Đông thì thiệt hại nhiều hơn là lợi ích. can thiệp vào rồi tình hình còn rối ren hơn như ở Iraq, Afghanixtan. Vì thên nên nước Mỹ còn chần chừ.

    Trả lờiXóa
  5. Tôi cũng có cùng nhận định với cụ Nguyễn Xuân Nghĩa: gã da đen Obama là tay mơ, hắn chỉ được cái dẻo mồm và hay múa mỏ, người dân Mỹ hóa ra cũng như các dân tộc khác: dễ bị lừa bởi sự hào nhoáng và lời ngon ngọt.

    Trả lờiXóa
  6. Bạn Hà Nội mắc phải sai lầm do tuyên truyền của Hà Nội. Người Việt dưới mái trường XHCN cứ hiểu lầm rằng Mỹ đầu tư ở Trung Đông vì dầu.

    Xin thưa, dầu Trung Đông chưa tới 15% lượng dầu nhập khẩu của Mỹ. Cụ thể là dầu nhập từ Trung Đông ít hơn nhập từ Canada - khoảng 23%, ít hơn lượng dầu nhập từ Mexico và Venezuela cộng lại - khoảng 20%.

    Tham khảo nguồn: EIA http://macromon.files.wordpress.com/2011/10/us-petro-imports_oct4.jpg

    Trả lờiXóa
  7. Cơ bản là Hoa Kỳ đã có công nghệ mới chế tạo dầu và khí gas từ đá phiến sét.

    Trả lờiXóa
  8. Nuoc My khong co quyen loi gi tai Syria nen sau hai nam noi chien, hang tram nga nguoi dan chet va ca trieu nguoi chay ti nan tai cac nuoc lang gieng, nuoc My van dung ngoai cho den khi Assad dung vu khi hoa hoc de giet hai ching nguoi dan cua minh.

    Vi ly do nhan dao va nhieu nuoc tren the gioi yeu cau, trong so do co ca nguoi dan Syria nua, Obama moi vach ra lan ranh do de canh cao Assad.

    Doi voi cuoc noi chien cua nuoc nay, co 2 van de chinh khien Obama kho su:
    1. Lan lon trong so nhuoi chong Assad con co nhom Hoi Giao qua khich nen nuoc My khong the ung ho nhom nay vi se dam chan vao vet xe do Iran.
    2. Che do hung do cua Assad cang ngay cang khat mau, tao ra nhung xao ton cho cac nuoc lang gieng.

    Vi the, Hoa Ky khong co nhieu chon lua trong cuoc chien nay. Tren nguyen tac, Obama khong can co su ung thuan cua quoc hoi khi tuyen chien voi Syria, nhung vi muon chia se trach nhiem ve cuoc chien nay nen moi hoi y kien cua ho. Cho den hom nay, dang dieu hau Cong Hoa da ra mat ung ho Obama, va di nhien da so dang Dan Chu cung se dung sau lung ong.

    Nuoc My se khong do quan vao Syria nhung se phao kich vao nhung dia diem quan su de giam thieu he thong phong thu va suc manh quan su cua Assad. Chuyen sau do, nguoi dan Syria phai tu giai quyet chuyen cua ho.

    Su lung tung va chan chu cua Obama da khien nuoc My mat uy tin tren the gioi vi Nga va Tau dam "gion mat" voi "de nhat cuong quoc kinh te va quan su" va khien mot so nguoi My bi cham tu ai. Co le, tong thong nuoc My nam 2016 se la nguoi thuoc dang Cong Hoa.

    Trả lờiXóa
  9. Kính gửi Bác Nguyễn Xuân Nghĩa : Xin bác có thể chia sẽ thêm với cháu về công nghệ khai thác dầu khí từ đá phiến của Mỹ để tăng kiến thức giúp cho việc bán hàng Tre ép của Việt nam sang Mỹ của cháu tốt hơn không ? Hiện tại bọn cháu đang bán tấm Bamboo rig mats sang CaNada ( http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=MgcD7SxjGZM) phục vụ cho việc làm đường tạm khai thác dầu khí từ đá phiến sét trên nội địa Canada. Đối tác www.Lamboo.us của Mỹ đang muốn liên doanh trực tiếp với phía Việt nam để sx tấm Bamboo rig mats tại Việt nam bán trực tiếp sang Mỹ. Việc liên doanh trực tiếp với Mỹ sẽ cản trở việc hợp tác với đối tác Canada vì họ là người cùng mình phát triển sản phẩm từ lúc đầu tiên và họ đang phân phối tấm Bamboo rig mats của Việt nam ra toàn cầu. Tuy nhiên tiềm lực của họ cũng yếu, và tiềm lực tài chính của phía Việt nam thì đang cực yếu dẫn đến không đáp ứng được nhu cầu và tiềm năng của thị trường; không phát triển được các sp mới đáp ứng nhu cầu sd cao hơn và có giá bán đắt hơn sp Acces Mats đang sx. Nhưng phía Việt nam hiện đang không đủ dữ liệu về tiềm năng ngành công nghiệp khai thác dầu khí từ đá phiến sét của Mỹ, lên còn chần chừ một vụ liên doanh chiến lược cho việc sx một sp mà mình chưa nhìn thấu rõ nhu cầu, trong khi lại phải đầu tư thêm khi liên doanh với đối tác mới ! Bác có thể cho cháu xin địa chỉ Email của bác để cháu trao đổi với bác sâu thêm không ah ?

    Trả lờiXóa