Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 140328
Sau Vụ Ukraine, Hoa Kỳ
Có Thể Làm Những Gì?
* Barack Obama nhắm mắt trước bức danh họa "Gác Đêm" của Rembrandt *
Sau khi đã thôn tính bán
đảo Crimea, Tổng thống Vladimir Putin còn ỡm ờ dàn trận, trong nghĩa bóng lẫn
nghĩa đen, để gây áp lực với Ukraine và mở rộng ảnh hưởng tại vùng biên vực giữa
Liên bang Nga và Âu Châu. Với khả năng quân sự hiện nay, Liên bang Nga của
Putin có thể dễ dàng xắn vào khu vực Đông Nam của lãnh thổ Ukraine, nhưng sẽ bị
tiêu hao lực lượng khi chiếm đóng. Vì vậy, giả thuyết quân sự ấy có xác suất không
cao.
Nhưng Putin vẫn có thể nghĩ đến nhiều cách khuynh đảo khác, vào nội tình
Ukraine lẫn các quốc gia lân cận...
Gặp hoàn cảnh đó, là quốc
gia lãnh đạo khối Tây phương, Hoa Kỳ có thể làm gì?
***
Dư luận Hoa Kỳ hiện còn
tranh luận về sự ứng phó của Chính quyền Barack Obama sau năm năm quá tin vào
Putin để cùng giải quyết nhiều vấn đề của thế giới (chuyện "reset" dớ
dẩn và lới hứa "linh động" dại dột). Nếu nhìn xa hơn viễn cảnh của
Obama, dù sao cũng sẽ về hưu sau năm 2016, người ta có thể nghĩ đến một hướng đối
phó khác.
Trước hết, chuyện
Crimea là "sự đã rồi".
Số phận của Ukraine và 10 quốc gia vùng biên vực
mà Putin muốn khuynh đảo để làm vùng trái độn cho Liên bang Nga mới là đáng kể.
Đó là, từ Bắc xuống Nam, ba nước Cộng hòa Baltic (Estonia, Latvia, Lithuania), sáu
nước Đông Âu là Ba Lan, Cộng hoà Tiệp, Slovakia, Hung, Romania và Bulgaria, qua
đến Georgia nằm giữa Hắc hải và Biển Caspian.
Với Crimea, lý luận đúng
sai về pháp lý chỉ có tính cách ngoại giao và chính trị, tức là cần thiết mà không
làm thay đổi được cục diện ít ra trong nhiều thập niên. Với các nước còn lại, ở
khu vực chiến lược của Âu Châu, thì Hoa Kỳ và các nước Âu Châu phải suy nghĩ lại
về đối sách. Suy nghĩ để chủ động đối phó, và tuyệt nhiên từ bỏ thái độ hiện
nay là "chỉ phản ứng theo mỗi bước đi của Putin".
Việc chủ động đối phó
phải khởi sự từ nỗ lực rà soát lại chiến lược phát triển - cả an ninh lẫn kinh
tế - của Liên hiệp Âu châu, với sự hợp tác cũng an ninh và kinh tế của Hoa Kỳ.
Vì Liên Âu chủ hòa và
chỉ mong phát triển kinh tế, kể cả qua hợp tác với Liên bang Nga, Hoa Kỳ luôn
luôn bị động khi có chuyện xảy ra tại Âu Châu. Nhưng khi phải quyết định thì lại
gặp sự bất nhất của các nước Âu Châu với nhau. Hoàn cảnh đó tạo cơ hội cho
Putin gây ly gián trong quan hệ Âu-Mỹ.
Từ việc rà soát chiến
lược và quan hệ Âu-Mỹ-Nga, Hoa Kỳ cần nhìn lại và khẳng định vai trò của Minh ước
NATO.
Kết quả sẽ phải dẫn tới
việc cụ thể là thực hiện hệ thống phòng thủ chiến lược BMD (phi đạn chống hỏa
tiễn đạn đạo) tại Đông Âu và Trung Âu. Nghĩa là xúc tiến dự án đã được Hoa Kỳ
thời George W. Bush đề nghị cho Ba Lan và Tiệp mà lại bị Obama hủy bỏ. Cũng
trong hệ thống bảo vệ của NATO, Hoa Kỳ sẽ tăng cường sự hiện diện, dù chỉ tượng
trưng, tại khu vực Baltic. Điều này đã có thể bắt đầu.
Song song là nỗ lực vận
động bốn nước trong "Nhóm Visegrad" là Ba Lan, Hung, Tiệp và Slovakia
có lập trường thống nhất hơn trước mối nguy của Liên bang Nga. Nhóm này được lập
ra từ năm 1991 cho nhu cầu phối hợp giữa các nước từng là nạn nhân của Đế quốc
Nga và Liên bang Xô viết, để ứng phó với Liên bang Nga. Nhưng sau đó, nội tình
lại thiếu thống nhất cũng vì quan hệ kinh tế với nước Nga, thí dụ như quan điểm
ôn hòa của Tiệp và Hung trong vụ Ukraine - chỉ vì lý do kinh tế. Xứ nào cũng muốn
bênh Ukraine mà lại sợ bị thiệt về kinh tế.
Tiếp theo, Hoa Kỳ phải
là quốc gia thực sự lãnh đạo khi vận động toàn khối Âu Châu cùng thống nhất đối
sách và nếu được NATO bảo vệ thì các nước Âu Châu cũng phải góp phần tối thiểu
để giữ vững tấm khiên này.
Riêng với Liên bang
Nga, Hoa Kỳ cần có lập trường cương quyết hơn, với lời hăm dọa là sẽ hủy bỏ hai
hiệp ước New START và INF (võ khí hạch tâm tầm trung, Intermediate-Range
Nuclear Force). Trong một kỳ khác, chúng ta sẽ trở lại hồ sơ này, được thành hình
từ thời Barack Obama và có lợi cho Nga hơn cho Mỹ. Nếu đặt lại vấn đề về START và
INF, Hoa Kỳ chẳng tốn kém gì hơn nhưng thực tế mở ra cuộc thi đua võ trang sẽ làm
Liên bang Nga hụt hơi.
Ra khỏi lãnh vực an
ninh chiến lược, một lãnh vực an ninh khác cũng phải được Liên Âu thực hiện, với
sự hỗ trợ, thực tế là lãnh đạo của Hoa Kỳ. Đó là an ninh kinh tế. Chính vì quá
lệ thuộc về kinh tế với Liên bang Nga (năng lượng và đầu tư), Liên Âu đã trao
cho Putin sợi dây xiết cổ.
Hoa Kỳ có thể tháo gỡ sợi
dây đó bằng cách giúp Liên Âu tìm ra nguồn năng lượng thay thế, kể cả khí đốt của
Hoa Kỳ, từ nay phải được phép xuất cảng. Đồng thời, Hoa Kỳ phải khuyến khích Âu
Châu vượt nỗi lo về môi sinh mà phát triển kỹ thuật khai thác dầu và khí từ đá
phiến (fracking). Muốn như vậy, lãnh đạo nước Mỹ cũng phải thay đổi chiến lược
năng lượng của mình, từ khai thác, bảo vệ môi sinh, sản xuất đến xuất cảng, và
tận dụng sức mạnh của dầu, khí và cả than đá.
Một quốc gia triệt để hỗ
trợ Ukraine và sát cánh với Âu Châu và Hoa Kỳ là Canada. Xứ này sẽ sốt sắng hơn
khi nước Mỹ tăng cường hợp tác và phát triển kỹ thuật fracking. Trong kho võ khí
năng lượng để phá vòng kiềm toả của Nga, nước Mỹ không thể quên năng lượng
Canada, cho tới nay vẫn bị kẹt ở ngoài biên giới Hoa Kỳ với dự án Keystone XL
chưa được thông qua vì áp lực của các nhóm bảo vệ môi sinh trong hệ thống chính
trị Obama.
Ngoài năng lượng và
trong kinh tế, Hoa Kỳ còn có một định chế quốc tế thuộc vòng ảnh hưởng của mình
vì nước Mỹ góp tiền nhiều nhất, chính là Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF.
Định chế này có quy cách
viện trợ theo bài bản cổ điển, với điều kiện máy móc và lý tưởng khiến quốc gia
cầu viện dễ bị khủng hoảng chính trị nếu phải áp dụng. Thí dụ như phải chấm dứt
chế độ trợ giá xăng dầu để giảm bội cho và chóng quân bình ngân sách. Hoa Kỳ có
thể can thiệp để tránh tình trạng "giải phẫu không thuốc mê" như vậy.
Putin muốn gây áp lực mọi
mặt để chính quyền lâm thời của Ukraine tại Kyiv có thể sụp đổ vì những lý do
kinh tế, xã hội và chính trị. Nhưng thật ra, liều thuốc đắng của IMF có thể khiến
con bệnh Ukraine bị đột quỵ trước khi Putin ra tay. Cho nên, việc IMF đồng ý viện
trợ cấp cứu 18 tỷ đô la cho Ukraine cần được tiến hành theo tinh thần khác: không
hành hạ xứ này vì những di hại của chế độ Viktor Yanukovych mà theo đà phục hồi
sẽ từng bước cải thiện cơ chế kinh tế Ukraine cho tự do và lành mạnh hơn.
Sau cùng, quan trọng và
cấp bách nhất, Hoa Kỳ phải cương quyết bày tỏ tinh thần liên đới và sát cánh với
dân chúng Ukraine. Đây là lúc nước Mỹ cần chứng tỏ rằng mình là một đồng minh
khả tín, một quốc gia có khả năng lãnh đạo và đáng tin. Thông điệp này có giá
trị cho cả Âu Châu và toàn thế giới.
Tuần qua, việc hai đảng
Dân Chủ và Cộng Hoà đánh nhau về ngân sách liên quan tới chính sách của Hoa Kỳ
với IMF là một thông điệp bi hài. Nhìn rộng ra ngoài thì sự suy nhược về đối
ngoại của nước Mỹ trong năm năm qua là một cám dỗ lớn cho Putin. Cho nên, việc điều
chỉnh lại để cả khối Tây phương có một chiến lược đối phó tích cực và toàn diện
hơn trong những năm tới sẽ phải bắt đầu từ nước Mỹ.
Danh mục những điều cần
làm ngay được tóm lược ở trên có thể là một lộ trình chuyển hướng....