Thứ Ba, tháng 3 11, 2014

Mũi Dùi Putin Và Phòng Tuyến Âu-Mỹ



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 140309
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Nhờ Ukraine, Hoa Kỳ Lại.... Giải Phóng Âu Châu  

* Gã hung và chú hài *



Mọi chuyện có thể bắt đầu từ một ngày Chủ Nhật 17 Tháng Hai. Hoặc sớm hơn thế, từ 15 năm trước. Ngày Chủ Nhật 17 Tháng Hai năm 2008, một nước Cộng hoà ra đời, có dân số chừng triệu rưởi trên lãnh thổ chưa bằng phân nửa của bán đảo Crimea. Đó là Cộng hoà Kosovo.

Trước đấy, Kosovo chỉ là một khu vực tự trị của Serbia, một nước - lớn nhất - trong Liên bang Nam Tư Yugoslavia vừa tan rã năm 1991 khi Liên bang Xô viết sụp đổ. Việc Nam Tư tan rã đã gây chinh chiến trong khu vực Balkan, khu vực nhiễu nhương của Âu Châu nơi châm ngòi cho Thế chiến I.

Thời ấy rồi, các nước Âu Châu không thể giải quyết nổi vấn đề của mình, cho đến khi Hoa Kỳ vào dàn xếp với Hiệp ước Dayton (tại Ohio) năm 1995.

Nhưng sau đó khi dân chúng Kosovo, đa số theo Hồi giáo, thuộc sắc dân Albania, bị chính quyền Serbia đàn áp và Cuộc chiến Kosovo bùng nổ. Các nước Âu Châu muốn can thiệp vì lý do nhân đạo mà không xong. Chuyện chỉ thành vào Tháng Ba năm 1999, khi Minh ước NATO ra quân, lần đầu tiên kể từ khi được thành lập suốt thời Chiến tranh lạnh, với sự tham dự có tính chất quyết định của Hoa Kỳ, dưới quyền lãnh đạo của Tổng thống Bill Clinton. Bị không tập tới tấp, Serbia đành thua, và nhả Kosovo.

Thời ấy, giữa năm 1999, Vladimir Putin sắp lên làm Thủ tướng nhưng Liên bang Nga què cụt và bị khủng hoảng năm 1998 nên chỉ hậm hực phản đối chứ chưa thể làm gì.

Đáng hậm hực hơn, qua năm 2000 dân Serbia lại làm cách mạng chống lãnh tụ Slobodan Milosevic, một đồng minh chí thiết - gọi là đồng chí thì chẳng sai - của Putin. Rồi họ xây dựng dân chủ, đưa Serbia về phía Âu Châu. Đau đớn hơn thế, Milosevic còn bị Tòa Hình sự Quốc tế tại The Hague truy tố về tội ác chống nhân loại tại Kosovo, và chết trong tù vào năm 2006.

Đáng lo hơn nữa, một số quốc gia Âu Châu cùng Hoa Kỳ còn vận động cho Kosovo tuyên bố độc lập. Nghĩa là Âu Châu vẽ lại bản đồ vùng biên địa của Nga. Khi ấy Putin có phản đối, mà bị coi như pha! Đầu năm nay, Cộng hòa Serbia bắt đầu thương thuyết việc gia nhập Liên hiệp Âu châu, dù đã bị Liên Âu xẻ mất một góc. Chúng ta hiểu vì sao mà năm 2005, Putin gọi sự sụp đổ của Liên Xô là tai họa địa dư chính trị của thế kỷ!

Bây giờ mới đến chuyện người hùng phản công....


***


Trong 10 năm, từ 1999 đến 2008, tình hình có thay đổi tại Nga, mà ít ai chú ý cho đến khi vụ Ukraine bùng nổ. Putin tập trung lại quyền lực và chấn chỉnh lại kinh tế nhờ năng lượng lên giá. Cái điềm lành cho người hùng mắt lạnh: lần đầu tiên dầu thô vượt mức 100 đô la một thùng là vào đầu năm 2008.

Tháng Tám năm 2008, Putin đã đưa quân vào hai khu vực tự trị (Abkhazia và Nam Ossetia) của Cộng hoà Georgia. Mục tiêu sâu xa là lật đổ chế độ dân chủ tại Georgia và đưa xứ này về quỹ đạo truyền thống của Nga.

Khi vụ Georgia xảy ra, Chính quyền George W. Bush thì sắp mãn nhiệm mà vụ khủng hoảng tài chánh đã sôi sục từ Âu Châu về đến Hoa Kỳ. Vậy chứ Mỹ vẫn đẩy chiến hạm vào Hắc hải và lập cầu không vận đưa chiến binh Georgia tham dự chiến trường Iraq trở về bảo vệ thủ đô Tbilisi. Nhờ đó, chế độ dân chủ tại Georgia vẫn tồn tại - cho đến ngày nay. Nhưng hai khu vực kia thì đã được Putin... giải phóng.

Chỉ vì khi ấy, phòng tuyến Âu-Mỹ đã bị rạn trong nỗ lực trừng phạt và cô lập Liên bang Nga về vụ Georgia.

Lý do là từ 1999 đến 2008, Liên Âu lệ thuộc nhiều hơn vào năng lượng của Nga, và các nước không dám làm dữ. Qua năm 2009, Chính quyền Barack Obama vừa đắc cử lại muốn cải thiện quan hệ với Nga, chuyện "reset the button" khôi hài của Hillary Clinton. Và Obama còn đơn phương hủy bỏ kế hoạch thiết lập lá chắn chiến lược – BMD, phi đạn chống hỏa tiễn đạn đạo – tại Ba Lan và Cộng hoà Tiệp. Vì vậy, cả Âu lẫn Mỹ đều tránh bàn bạc về việc đưa Ukraine và Georgia vào Minh ước NATO.

Nhìn từ bên ngoài, từ Moscow, Vladimir Putin không thể không thấy ra nhược điểm ấy của các nước "Tây phương", của phòng tuyến Âu-Mỹ.


***

Về an ninh, Tây phương có một tấm khiên bảo vệ là Minh ước NATO, do Hoa Kỳ chi phần lớn - hãy nhớ đến lời than của cựu Tổng trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ là Robert Gates về phần đóng góp quá ít của các nước Âu Châu. Mà lá chắn này lại bị xẻ làm ba.

Các thành viên Âu Châu ở miền Bắc, từ nước Anh trở lên, thì còn chung thủy với mục tiêu phòng thủ Bắc Đại Tây Dương và gắn bó với Hoa Kỳ. Các thành viên ở miền Nam, từ Pháp trở đi, thì muốn xoay tấm khiên xuống Địa Trung Hải - chuyện Libya là thí dụ chưa nguội. Còn lại, các nước Đông Âu và Trung Âu vừa ra khỏi hệ thống Xô viết thì muốn hướng lá chắn về phía Nga. Với họ thì đấy mới là mối nguy có thật.

Nhưng cả ba khuynh hướng này đều thiếu tiền và thiếu đạn. Nghĩa là vẫn cần Mỹ.

Về kinh tế, Âu Châu thuộc trường phái thích đủ thứ mà sợ mọi chuyện. Người dân thích cuộc sống yên lành trù phú mà sợ binh đao và ô nhiễm. Vì vậy, một khu vực rộng lớn đã từng khống chế địa cầu trong 500 năm, từ 1492 đến 1991, ngày nay lại nhũn như con chi chi. Khi hữu sự thì quá giang xe Mỹ.

Sự lệ thuộc vào năng lượng Nga không chỉ là một vấn đề kinh tế mà còn là một bài toán an ninh. Việc đa diện hóa nguồn cung cấp để thay thế dầu khí của Nga là nhu cầu chiến lược, nhưng vẫn chậm chuyển. Không chỉ sợ khổ, nước Đức còn sợ phóng xạ - hậu chấn của trận động đất và sóng thần tại Nhật Bản ngày 11 Tháng Ba năm 2011 – nên chuẩn bị từ bỏ năng lượng nguyên tử kể từ 2022 và càng lệ thuộc hơn vào dầu khí và than đá. Không chỉ sợ phóng xạ, nhiều nước còn sợ ô nhiễm môi trường cho nên dù kỹ thuật "fracking" đã có, Âu Châu vẫn ngần ngại áp dụng.

Vả lại, xin thông cảm cho, vụ khủng hoảng đồng Euro chưa dứt, thất nghiệp còn cao, Âu Châu thiếu tiền mà thừa nợ, nên chẳng muốn gây hấn thêm với Putin.

Chúng ta trở lại chuyện Hoa Kỳ.



***

Bên các đồng minh như vậy, Obama có thể làm gì nếu tỉnh giấc hão huyền và thành người có đởm lược?

Trước hết là tái khẳng định vai trò phỏng thủ của Minh ước NATO và sự cam kết của nước Mỹ, đặc biệt với các nước Đông Âu và Trung Âu. Đây là lúc NATO trở về mục tiêu nguyên thủy, của thời Chiến tranh lạnh, chứ không là ra quân vì lý do nhân đạo như tại Kosovo hay diệt trừ khủng bố như ở Afghanistan. Việc xây dựng lá chắn chiến lược BMD với Ba Lan hay Cộng hòa Tiệp có thể là một minh chứng. Trong cái trớn này, Hoa Kỳ còn có thể nêu lại vấn đề về Hiệp định New START mà Liên bang Nga đã ký với Mỹ năm 2010 mà không tuân thủ. Với ưu thế sẵn có về số lượng và trình độ tới tân của võ khí chiến lược, nếu Mỹ ngưng áp dụng Hiệp định này thì dù ít tốn kém cũng mặc nhiên mở ra cuộc thi đua võ trang cho Putin hụt hơi.

Với các nước Âu Châu, Hoa Kỳ cũng có thể khơi khơi nói chuyện cách mạng năng lượng mà khỏi cần liếc qua Liên bang Nga.

Cuộc cách mạng ấy có nghĩa là Liên Âu nên áp dụng công nghệ gạn cát ra dầu và khí, mà đừng sợ ô nhiễm vì thật ra còn sạch hơn các dự án than đá của Âu Châu. Phần mình, Hoa Kỳ cũng mở rộng kỹ thuật này và còn cho phép xuất cảng cả dầu thô lẫn khí lỏng LNG (liquefied natural gas), vừa tăng số thu, vừa nới giá khí đốt, và vừa là nguồn cung cấp điền thế để phế bỏ vai trò quá mạnh hiện nay của năng lượng Nga.

Khi ấy, phòng tuyến của Putin giữa phe "civiliki" nắm khí đốt và "siloviki" nắm dầu hỏa sẽ lại có rạn nứt, trong khi các tài phiệt bị rách túi không thể mãi mãi chi tiền cho Putin....

Tổng thống Obama không tin Hoa Kỳ là một nước xuất chúng. Nhưng gặp bất cứ chuyện gì, từ Thế chiến II, Thế chiến II, tới Sudan, Libya, Syria đến Đông hải, thì thế giới lại mong nước Mỹ làm một cái gì đó.

Lần này, cái gì đó có thể là giải phóng Âu Châu khỏi sự an phận.


__________________________

Chuyện chỉ có tại nước Mỹ

Mark Johnston là một triệu phú California chứ không thường. Vì là triệu phú nên mới qua Las Vegas đánh bạc và được sòng Downtown Grand ứng trước 250 ngàn đô la. Nhưng sau 17 tiếng liên tu bất tận, vừa chơi bài cẩu vừa tu rượu miễn phí, chàng say mèm và tỉnh dậy thì chẳng còn nhớ gì. Sòng bài thì nhớ và ghi, rằng Johnston nợ nửa triệu vì thua bạc. Kết quả? Hôm mùng sáu vừa rồi, chàng kiện lại sòng bạc để hủy nợ và đòi bồi thường. Biết đâu chừng, thua me lại gỡ được bài cào: luật lệ Nevada cấm các sòng cho người say rượu tiếp tục đánh bạc!

11 nhận xét:

  1. Dear Bác Nghĩa !

    Bài viết của bác rất hay với nhiều thông tin bổ ích. Tuy nhiên cháu có một điểm chưa hiểu hết ý bác, mong bác giải thích thêm !
    Trong bài viết của bác có đoạn " Vậy chứ Mỹ vẫn đẩy chiến hạm vào Hắc hải và lập cầu không vận đưa chiến binh Georgia tham dự chiến trường Iraq trở về bảo vệ thủ đô Tbilisi. Nhờ đó, chế độ dân chủ tại Georgia vẫn tồn tại - cho đến ngày nay "

    Như cháu được biết thì nguyên nhân chính kết thúc cuộc chiến 5 ngày ở Gruzia không phải là do hành động của Mỹ mà là do Nga đã hoàn thành được hai mục tiêu của mình khi đưa quân vào Gruzia :
    - Một là ngăn cản các cuộc tấn công của quân Gruzia vào hai vùng ảnh hưởng của Nga là Nam Ossetia và Abkhazia, thiết lập được quyền lực và vùng ảnh hưởng của Nga ở hai khu vực này.
    - Hai là quân đội Nga khi đó chỉ trong 5 ngày đã làm tê liệt quân đội của Gruzia cả hải, lục, không quân của Gruzia không còn sức chiến đấu.

    Cháu nghĩ vì hai lý do trên nên sau 5 ngày chiến sự thì Nga đã quyết định dừng lại khi mục đích của cuộc tấn công đã hoàn thành !

    Cheers !

    Trả lờiXóa
  2. Putin đang dự tính một trong hai nước cờ đưa ra để chinh phạt Mỹ và Liên Âu:

    1/ Trưng cầu dân ý để sát nhập Cremia vào lãnh thổ Nga.
    Dụng ý này cho thấy bản chất đế quốc, dùng vụ lực xâm chiếm, cưỡng đoạt của Nga sẽ bị toàn thế giới Mỹ và Liên Âu lên án, và có thể mở ra một cuộc cấm vận, phần nhiều Nga sẽ bị thiệt hại hơn Liên Âu. Nhưng Putin trù tính dùng lá bài năng lượng để chia rẽ Liên Âu, kéo các nước này đi kiếm ăn riêng rẽ với Nga mà bỏ quên đi đạo nghĩa chung với Mỹ. Được thế Putin sẽ vỗ đùi ngồi cười và tiến hành nước cờ thứ nhất này với cả mọi kế hoạch sát nhập Cremia vào Liên Bang Nga một cách ngon ơ!!! (number 1),(Như phép lạ nghiễm nhiên thời thế đưa đẩy mà được trúng số đôc đắc!). Putin sẽ cứ cười hoan lạc dài dài với chiến thắng này, mặc kệ Mỹ và Liên Âu khóc cười vỡ lở!

    2/ Trưng cầu dân ý đế bán đảo này được quyền tự trị.
    Dĩ nhiên là chư hầu cho Nga, mặc dù không sát nhập vào lãnh thổ nước Nga. Nước cờ này hạ sách, chỉ khi nào Putin hoàn toàn bị áp lực của Mỹ và Liên Âu thật sự biết đoàn kết lại tung ra ngón đòn phong tỏa kinh tế lẫn quân sự (Liên Âu không đi kiếm ăn riêng rẽ với Nga).

    Giải pháp 3/ Cho bán đảo Cremia trở về đơn vị cũ, được tư trị nhưng vẫn thuộc chủ quyền Ukaina thì chắc chưa ai ép nổi Putin phải tính đến nước cờ này!

    Muôn sự tại nhân, thành sự tại thời thế. Chờ xem!

    Trả lờiXóa
  3. Mục tiêu khi đó của Putin là vào tới Tbilisi và lật đổ chế độ dân chủ và thân Tây phương của Georgia chứ không chỉ ngừng ở Georgia đâu. Chi tiết này do Ngoại trưởng Condi Rice của Mỹ thời đó nói ra, và mới viết lại trên tờ Washington Post ngày mùng bảy vừa qua, căn cứ trên lời công nhận của Ngoại trưởng Nga.

    Tổng thống Georgia khi đó là Mikheil Saakashvili người tốt nghiệp bên Mỹ, vợ là dân Hoà Lan (Hà Lan), có lập trường rất Tây phương và ủng hộ Mỹ đến độ gửi quân tham chiến tại Iraq.

    Với Putin thì đấy là điều không được, quá nguy, và lý do ra quân để bảo vệ hai khu vực tự trị này chỉ là cái cớ. Nếu Georgia và Ukraine mà vào NATO thỉ coi như Nga bị khóa ở hướng Nam và Tây Nam, trong khi đơn vị NATO cũng có mặt trên vùng Baltic (ba nước Cộng hoà kịch liệt chống Nga), nên cũng quá gần St. Petersburg.

    Ngoài ra, khi đó cũng có 130 lính Mỹ có mặt tại Georgia, không là lực lượng đáng kể nhưng vẫn gây ra vấn đề ngoại giao.

    Những chuyện này phải theo dõi kỹ, và có trí thớ thì mới suy ra được, chứ không nên chỉ tin vào báo chí, nhất là báo chí của Putin.

    NXN

    Trả lờiXóa
  4. Dear bác Nghĩa !
    Bác có thể cho cháu xin những Link trang báo mà bác hay đọc, những trang báo về tình hình kinh tế chính trị toàn cầu mà họ cập nhật , đưa tin nhanh và khách quan ạ ?

    Cháu có sở thích về tìm hiểu, nghiên cứu về vấn đề kinh tế, chính trị nên mong bác giúp !

    Cháu xin chân thành cảm ơn Bác !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sẽ có thư riêng, và phải mất chừng chục năm theo dõi, gạn lọc và tìm ra nguồn kiến thức đáng tin để làm cơ sở lý luận. Mà kiến thức hay thông tin đi theo quy luật thị trường, nếu có giá trị thì không miễn phí đâu.

      Chúc an lành và vững chí.

      Xóa
    2. Thêm một chút để bạn Thành rõ ý,

      Ý bác Nghĩa là đã sử dụng những dữ liệu chục năm đổ lại đây. Thứ hai, những thông tin này thường là phải trả tiền cho các hãng tin mới có được.

      Xóa
  5. Hi bác Nghĩa,

    Cảm ơn bác về sự chia sẻ kiến thức qua blog này.
    Cháu có điều không hiểu mong bác giải thích... là sau khi LX cũ sụp đổ và các nước Đông Âu được giải phóng khỏi nạn Cộng sản nhưng tại sao LB Nga vẫn còn bản chất và hành xử theo lối CS? Hay LB Nga vẫn là Cộng sản trá hình dưới thể chế Tư bản? G orbachev và Yeltsin có vai trò gì đối với chế độ hiện nay của Putin?

    Cảm ơn bác Nghĩa nhiều.
    Chúc bác sức khoẻ.

    Trả lờiXóa
  6. Tạ ơn Thầy Nghĩa đã chỉ ra phương pháp gạn lọc tin trong một rừng thông tin thật giả lẫn lộn. Theo nhận định của riêng em thì báo chí của Putin và của tổng Trọng hoàn toàn không đáng tin, của tổng Tập đáng tin hơn nhiều.

    Trả lờiXóa
  7. Câu hỏi của quang thì có lẽ... Obama cũng đang giật mình tự hỏi!

    Câu trả lời phải là một cuốn sách. Ngắn gọn hơn thì có cuộc phỏng vấn của đài RFA trong mục Diễn đàn Kinh tế. Xin hãy chờ xem/nghe ngày mai....

    Cám ơn rất nhiều về lời chúc sức khoẻ.

    Trả lờiXóa
  8. Tuy địa lý gần nhau (đất Alaska Mỹ mua của Nga với giá 70 triệu đô, lúc đó được xem là đắt), nhưng nước Mỹ với nước Nga rất khác nhau. Nước Nga của Putin còn Obama của nước Mỹ. Hễ Putin buông tay là nước Nga có khả năng dân chủ, còn nước Mỹ không có Obama thì ... cũng chẳng sao cả.

    Xứ Ukraine có thuộc về châu Âu hay không thì lại phụ thuộc vào dân Ukraine. Dân Ukraine yêu tự do thì đừng có tham lam. Những ai muốn nhập Nga thì cứ để cho họ làm thần dân của Putin. Còn dân Ukraine yêu tự do thì tự tìm lấy cho mình một Obama. Đến lúc nào đó, những người Nga gốc Ukraine lại muốn làm thần dân của Obama theo kiểu "ai cũng làm người Mỹ".

    Trả lờiXóa
  9. Dear bác Nghĩa,
    Kosovo ở Âu châu và Timor Leste ở Á châu đều tách ra để độc lập. Tuy nhiên, cháu thấy điều này khác với trường hợp Crimea vì các nước nói trên đứng ra độc lập riêng mà không sát nhập vào một lãnh thổ của một nước khác (1 bang của Mỹ, 1 tỉnh của Bồ...) như Crimea sát nhập vào lãnh thổ Nga. Bác Nghĩa (và 1 số khác) có ý cho Kosovo là tiền lệ nhưng cháu thấy bản chất khác hẳn.
    Ngoài ra, việc Tây phương đưa quân vào Iraq, Afghanistan,.. đều được Hội đồng Bảo an LHQ chuẩn thuận (chứng cứ thế nào thì hậu xét) cũng khác biệt hoàn toàn với việc Nga triển khai quân ra khống chế Crimea.
    Mong bác lại tiếp tục giải ảo.
    Chúc bác nhiều sức khỏe,

    Trả lờiXóa