Thứ Sáu, tháng 8 15, 2014

Đả Hổ Tại Bắc Đới Hà


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 140814


Tập Cận Bình vật cọp bên bờ nước

 * Bất phân thắng bại? *


Đây không là truyện Thủy Hử, ấn bản Cộng sản của thế kỷ 21....

"Hai đạo quân đối nghịch, là tham nhũng và chống tham nhũng, đang ở trong tình trạng bất phân thắng bại". Nhận xét trên không thuộc về một bình luận gia ở bên ngoài Trung Quốc hay Bắc Kinh. Đây là quan điểm của viên tư lệnh đạo quân chống tham nhũng, Chủ tịch Tập Cận Bình, vừa được báo chí nhà nước Bắc Kinh loan tải, trước khi có hội nghị của giới lãnh đạo tại Bắc Đới Hà.


***


Nằm tại ven biển Bột Hải, Bắc Đới Hà của tỉnh Hà Bắc có một trung tâm nghỉ mát dành cho giới lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc vào mùa Hè, thường là Tháng Bảy hay Tháng Tám, để tránh không khí ngột ngạt oi bức của Bắc Kinh.

Từ 60 năm trước, đây là nơi Mao Trạch Đông triệu tập các đồng chí ở bên ngoài khuôn khổ của tổ chức đảng để thảo luận riêng về những quyết định hệ trọng, kể cả Bước Nhạt vọt Vĩ đại làm 36 triệu người chết đói. Từ Đại hội 16 vào năm 2002, lãnh đạo Trung Quốc tránh dần phương pháp bán chính thức đó để định chế hóa lề lối quyết định của đảng qua các cơ chế quyền lực chính thức như Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư và Ban chấp hành Trung ương, v.v...

Nhưng từ năm 2012, để chuẩn bị Đại hội 18, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trở lại phương thức cũ và hội nghị tại Bắc Đới Hà vào mùa Hè đã có tầm quan trọng khác xưa.

Đặc tính của hội nghị Bắc Đới Hà là sự tham dự của các lão đồng chí, những thái thượng hoàng đã về hưu mà vẫn tác động vào các cuộc thảo luận của lãnh đạo. Hai đặc tính khác là do tinh thần bán chính thức, việc bảo vệ an ninh của hội nghị không thuộc cơ chế an ninh cố hữu của đảng, mà truyền thông báo chí cũng chẳng được bén mảng để nhặt tin hay tường thuật.

Nói cách khác, Bắc Đới Hà là nơi có loại mật nghị, đầy không khí cách mạng của một hội kín, khi cần lấy những quyết định tế nhị, nhạy cảm.

Tuần qua, hội nghị Bắc Đới Hà đã khởi sự từ mùng sáu Tháng Tám, dưới quyền chủ tọa của Lưu Vân Sơn, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Chỉ đạo Kiến thiết Văn minh Tinh thần Trung ương, Hiệu trưởng trường Đảng Trung ương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên chế Cơ cấu Trung ương. Và quan trọng nhất, Lưu Vân Sơn đứng hạng thứ năm trong bảy người của Thường vụ Bộ Chính trị và cầm đầu Ban Bí thư Trung ương, cơ quan phụ trách các hồ sơ làm việc của Bộ Chính Trị và của nhà nước Trung Quốc.

Theo tin tức và bình luận được tờ Nhân dân Nhật báo loan tải hôm mùng Sáu, dĩ nhiên là với dụng ý của ai đó, lãnh đạo Trung Quốc đang có ba trận chiến cũng quan trọng như "Chiến dịch Liêu-Thẩm" (Liêu Ninh và Thẩm Dương tại vùng Đông Bắc vào cuối năm 1948) trước khi đại thắng vào Tháng 10 năm 1949. Ba trận chiến đó là 1) quyết định chính trị của đảng trong Hội nghị kỳ Bốn của Ban chấp hành Trung ương khóa 18, vừa được thông báo là sẽ triệu tập vào Tháng 10 tới đây; 2) quyết định kinh tế về đường hướng cải cách được đề ra từ Hội nghị kỳ Ba, mà chưa thật sự tiến hành; và 3) quyết định về đối sách ngoại giao để mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Hội nghị Bắc Đới Hà sẽ tập trung vào ba đề tài chiến lược đó. Nhưng việc Tập Cận Bình nói đến hai đạo quân trên mặt trận tham nhũng cho thấy Hội nghị Bắc Đới Hà lại chú trọng nhiều nhất vào nỗ lực chỉnh đảng của họ Tập.


***

Từ khi lên lãnh đạo đảng sau Đại hội 18 vào cuối năm 2012 rồi nhậm chức Chủ tịch Nhà nước vào đầu năm 2013, Tập Cận Bình chính thức đề ra việc cải cách để chuyển hướng kinh tế hầu tránh khỏi một vụ khủng hoảng.

Đường hướng cải cách được Hội nghị kỳ Ba (Third Plenum, nói theo truyền thông quốc tế) đề ra từ cuối năm ngoái, nhưng chưa tiến hành mà còn có dấu hiệu thoái lui với biện pháp kích thích kinh tế cố hữu để duy trì đà tăng trưởng và chất thêm vấn đề cho tương lai. Trong khi đó, Tập Cận Bình ráo riết mở chiến dịch diệt trừ tham nhũng, và báo trước sẽ vật mọi con cọp lớn nhỏ.

Một tuần trước khi Hội nghị Bắc Đới Hà khai mạc, Bắc Kinh chính thức loan báo việc Chu Vĩnh Khang bị điều tra về tội tham nhũng. Chi tiết ấy đáng chú ý.

Ra khỏi truyền thống của đảng, là không đánh vào các đảng viên cấp lãnh đạo đã từng là ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị hay Bộ Chính trị, Tập Cận Bình cho điều tra và tống giam nguyên Chủ tịch Ủy ban Chính pháp Trung ương là Chu Vĩnh Khang, Ông ta là nhân vật đầy quyền thế của Thường vụ cho đến khóa 18, đã từng lãnh đạo ngành an ninh, tình báo và tư pháp sau khi cầm đầu tỉnh Tứ Xuyên và hệ thống năng lượng. Hàng loạt nhân vật dưới trướng Chu Vĩnh Khang trong các tập đoàn năng lượng cũng bị điều tra.

Một con cọp rằn khác là Tướng Từ Tài Hậu, nguyên ủy viên Bộ Chính trị và Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương cũng bị vật. Sau đó là hàng loạt tướng lãnh cao cấp trong quân đội, kể cả Tướng Quách Bá Hùng, một ủy viên Bộ Chính trị và Phó Chủ tịch khác của Quân ủy Trung ương cũng bị điều tra về "tội kinh tế", một ẩn ngữ về chuyện tham nhũng.

Khi rà lại thì người ta thấy trong số 18 ngàn đảng viên đủ mọi cấp đã bị điều tra từ một năm nay, có khoảng 140 hồ sơ nóng nhất đang được theo dõi.

Qua các hồ sơ nóng kể trên, ta thấy Tập Cận Binh đặc biệt chiếu cố các đảng viên của hai tỉnh Quảng Đông và Tứ Xuyên rồi đến đảng viên trong bộ máy trung ương. Thuộc bộ máy đảng và nhà nước, thì số cáo trạng cao nhất nhắm vào cán bộ nhà nước ở cấp địa phương rồi các tỉnh, các tập đoàn quốc doanh, kể cả đảng viên cao cấp. So sánh cách khác thì ba trung tâm được chiếu cố nhiều hơn cả là bộ máy nhà nước, rồi doanh nghiệp và bộ máy đảng. Gần đây nhất là vụ truy tố người cầm đầu hệ thống cảnh sát của thành phố Thiên Tân, vừa bị Ủy ban Kỷ luật Trung ương câu lưu hôm 19 Tháng Bảy.

Khi kiểm lại như vậy, ta thấy chiến dịch bài trừ tham nhũng của Tập Cận Bình là trận tuyến mở rộng, nhắm vào đảng viên cấp lãnh đạo, thuộc hầu hết mọi khu vực hay ngành nghề ở rất nhiều địa phương. Tức là đạo quân chống tham nhũng của họ Tập có thể căng mỏng, làm bộ máy hành chánh và kinh tế bị tê liệt và dẫn tới phản ứng ngược: đấy là ý nghĩa của tinh trạng "bất phân thắng bại" được Tập Cận Bình nhắc tới.

Trong khung cảnh đó, ta mới để ý tới những tin đồn về nguy cơ đảo chánh của một số tướng lãnh. Hoặc việc trung tâm Bắc Đới Hà có thể bị tần công, hay nhiều chuyến bay giữa Bắc Kinh và Thượng Hải bổng dưng bị hủy, mọi thùng rác công cộng tại Bắc Kinh đều bị rà soát và thay thế mỗi 15 phút để tránh bị đặt bom!

Mà vì sao lại có cái trục Bắc Kinh - Thượng Hải?

Vì Bắc Kinh là nơi tập trung quyền lực của Tập Cận Bình và Thượng Hải là thành lũy cố hữu của Giang Trạch Dân và vây cánh. Họ Giang là một Chủ tịch đã về hưu từ năm 2002 mà tiếp tục chi phối hệ thống chính trị Trung Quốc qua hai Đại hội 16-17 và nay vẫn còn có nhiều ảnh hưởng với tay chân đang nắm giữ rất nhiều quyền hành và lợi lộc.

Những chi tiết ly kỳ và cả nhiều đồn đại có dụng ý này cho thấy không khi bức bí và đầy khẩn trương của khu nghỉ mát Bắc Đới Hà. Còn ngộp hơn Bắc Kinh và kinh hơn truyện Thủy Hử! Chúng ta sẽ theo dõi xem Tập Cận Bình đả hổ ra sao. Hay là sẽ bị cọp vồ bên bờ nước.

Rốt cuộc thì lý tưởng "Trung Quốc Mộng" có khi là cơn ác mộng, nếu họ Tập thiếu bản lãnh của một Đặng Tiểu Bình....

5 nhận xét:

  1. Bác Nghĩa !

    Bác cho cháu hỏi : Theo nhận định của bác thì trong chiến dịch chống tham nhũng thì ông Tập Cận Bình giành chiến thắng hay thất bại sẽ đem lại lợi ích cho Việt Nam sau này ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi thấy rằng trong cả hai trường hợp, Tập Cận Bình thắng hay bại chống tham nhũng, thì cũng đều có lợi cho Việt Nam sau này. "Sau này" là bao lâu thì tùy người Việt Nam.

      1/ Chiến dịch đào sâu, lan rộng và leo thang lên tới cấp lãnh đạo cho thấy mức độ trầm trọng của tham nhũng và giúp người Việt Nam hiểu rõ hơn bản chất của chế độ kinh tế chính trị Trung Quốc, một mẫu mực của lãnh đạo tại Hà Nội.

      2/ Tập Cận Bình mà thắng, xác suất thấp, thì sẽ tập trung lại quyền lực ở cấp độ tương tự như Đặng Tiểu Bình từ năm 1976 trở đi cho tới 1992. Thể thức "đồng thuận" đã từng có sau đó không còn nữa, nhưng phản ứng dội ngược của nhiều phe phái sẽ tiếp tục. An ninh bên trong vẫn thành ưu tiên. Với hậu quả "ôn hòa" hay biết điều hơn đối với bên ngoài.

      3/ Tập Cận Bình mà thất bại, xác suất cao hơn, việc cải cách để chuyển hướng sẽ bị đình hoãn và Trung Quốc lao mạnh hơn vào khủng hoảng. Từ hai đến bảy năm tới, tình trạng khủng hoảng đó khiến ưu tiên của họ bị đảo lộn và nội tình sẽ còn hỗn loạn hơn. Điều ấy cũng có lợi cho Việt Nam.

      4/ Vì nội bộ đảng CS Việt nam sẽ càng thêm lủng củng và tác động vào Đại hội 12 tại Hà Nội. Đấy là lúc tiếng nói hay phản ứng của người dân càng có thêm trọng lượng. May ra nước ta sẽ khá!

      Nói chung, dù Tập Cận Bình không là Vương An Thạch đời Tống, nhưng vụ khủng hoảng chính trị hiện nay tại Trung Quốc khiến chúng ta nên ôn lại lịch sử Hoa-Việt (tôi không bao giờ dùng chữ Trung-Việt của Hà Nội tôi đòi và của truyền thông vô ý thức vì TQ không là trung tâm của thế giới) vào thời đó. Khi ấy, ta nhớ rằng đụng độ đã xảy ra và nhà Tống đại bại.

      Khốn nỗi, lãnh đạo Hà Nội ngày nay không như nhà Lý. Tại sao vậy? Làm sao bây giờ?

      NXN
      2/

      Xóa
  2. Bác Nghĩa !
    Bác cho cháu hỏi ạ ?

    Theo cháu nghĩ thì trường hợp ông Tập Cận Bình sẽ thắng ( cháu nghĩ khả năng này cao hơn ) thì liệu ông Tập có đủ " tầm " như ông Đặng Tiểu Bình trong việc giải quyết những di sản từ thế hệ lãnh đạo thứ 4 của Trung Quốc ? Về vấn đề kinh tế, an ninh, khủng bố, ô nhiễm môi trường ? ......

    Thưa bác ! Cháu nghĩ ông Tập Cận Bình sẽ không giống như Vương An Thạch vì tư tưởng của các đời vua phong kiến Trung Quốc khác với tư tưởng lãnh đạo Trung Quốc hiện nay. Các đời vua của Trung Quốc đều âm mưu mở mang bờ cõi lãnh thổ ( vua Tống Thần Tông không phải ngoại lệ ) . Nhưng hiện nay tình hình chính trị thế giới đã thay đổi, Trung Quốc từng mất vùng trái độn là Myanma, nên lãnh đạo Trung Quốc không muốn mất nốt vùng trái độn là Việt Nam thông qua một cuộc chiến tranh.
    Ý nữa quan trọng hơn là " sự nghiệp trồng người của Trung Nam Hải đã thành công " nên ông Tập không cần thiết phải học theo Vương An Thạch !

    Chúc bác nhiều sức khỏe !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thành không chọi khó ngồi yên và đọc mà cứ thích bình!

      Hãy tìm xem là vào đầu Tháng Bảy 2012, vì sao hệ thống Bloomberg lại bị Trung Quốc chặn. Vì họ nói đến tài sản của gia tộc họ Tập.

      Tâm và tầm là trò con nít của Hà Nội lạc hậu.

      Hãy học chuyện khác đi.

      NXN

      Xóa
  3. Thành ơi,

    Môn Kinh tế Chính trị của CNXH dạy rằng: Kẻ thống trị là kẻ có quyền phân phối thu nhập. Đặng - Giang - Hồ đã xắt hết những chỗ nạc rồi. Nay đến thời Tập chỉ còn xương nên mới muốn giành lại những miếng nạc mà bọn tiền bối đã lấy mất.

    Tuy nhiên, giành giật miếng của kẻ khác là sở trường của bọn săn bầy như Linh cẩu.

    Cách đả từng con từ Chó đến Hổ như Tập đang làm hiện nay chứa rủi ro: Bọn cùng bầy với Tập tự hỏi "Khi nào chúng ta trở thành Chó hay Hổ đây".

    Còn khái niệm Tâm, Tầm, người Tàu đã đúc kết: Khổng Minh không bằng 3 anh thợ giày. Đó là xu hướng Đa nguyên vậy.

    Trả lờiXóa