Thứ Sáu, tháng 10 16, 2015

Bích Trâm Trên Đài Saigon TV

Băng Huyền - Viễn Đông Daily Ngày 151011

Bích Trâm và những chương trình ăn khách trên đài Saigon TV 

 

 
* Bích Trâm và Khắc Hành trong mục Điểm Tin Trong Tuần *



Khán giả thường xem chương trình Bên Kia Màn Khói trên đài truyền hình Saigon TV (57.5) [chương trình chỉ mới xuất hiện trên Saigon TV từ đầu năm 2015] được chiếu mỗi tối thứ Bảy lúc 8 giờ tại miền Nam California, chắc hẳn sẽ đồng tình với người viết, dù Bên Kia Màn Khói là talk show mang tính chính luận, nhưng lại có sức hấp dẫn người nghe có khi còn nhiều hơn những chương trình talk show mang tính giải trí.

Tạo nên dấu ấn sâu đậm và thu hút sự chú ý của khán giả theo dõi Bên Kia Màn Khói chính là yếu tố “bình,” “phân tích” của vị khách mời là kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa. Là một chuyên gia có kiến thức uyên bác, sâu rộng, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa nắm vững những diễn biến thời sự về kinh tế, chính trị, xã hội, văn chương nghệ thuật. Cùng với giọng nói truyền cảm, khả năng phân tích rõ ràng, mạch lạc, diễn đạt gãy gọn, dễ hiểu, lập luận thuyết phục, ông đề cập đến những đề tài có ảnh hưởng đến nhiều đối tượng trong xã hội và mang tính thời sự ở thời điểm phát hình.

Ví dụ những ngày cuối tháng Tư năm nay, đề tài của chương trình được chọn là phần bình luận của Nguyễn Xuân Nghĩa về nền kinh tế Việt Nam trước và sau năm 1975 bao gồm: Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, và sau 1975 dưới thời xã hội chủ nghĩa. Sau phần bình luận chính, phần hai của chương trình là tản mạn về những tác phẩm văn học nghệ thuật của Miền Nam Việt Nam trước 1975. 

Cuối tháng Tám năm nay đề tài được chọn nói về chu kỳ suy thoái của kinh tế nước Tàu. Tản mạn về Chinh Phụ Ngâm khúc. Chương trình trong tháng Chín, sau khi nói chuyện về khủng hoảng di dân Châu Âu, thì phần văn học nghệ thuật được ông bình luận về một ca khúc nổi tiếng về mùa thu, là ca khúc tiếng Ý mà nhạc sĩ Phạm Duy đã viết lời Việt: "Trở Về Mái Nhà Xưa"…

Ngoài tài hoa của kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, chương trình Bên Kia Màn Khói hấp dẫn được khán giả chính là việc chọn được nội dung hay, có được cách lập luận tốt, thể hiện thuyết phục, nên dễ dàng trở thành một chương trình được rất đông khán giả chờ đợi để xem.

Mà người có công trong việc chọn chủ đề, biên soạn dàn bài và câu hỏi để chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa có thể trình bày nội dung của vấn đề theo từng chương trình chính là người dẫn chương trình Bích Trâm.

Không giống với người dẫn một số chương trình khác trên các đài (đơn thuần là người diễn đạt những nội dung được chuẩn bị trước bởi một người khác biên soạn, chứ không hề liên quan đến việc làm ra nội dung đó), trong Bên Kia Màn Khói, Bích Trâm mới là người trực tiếp sáng tạo và thể hiện nội dung chương trình.

Chị cuốn hút khán giả không chỉ bằng vẻ đẹp đằm thắm, sang trọng, giọng nói ngọt ngào, ấm áp mà từ nét mặt đến lời nói của chị luôn toát lên vẻ thông minh, gần gũi, cùng với cách chị dẫn dắt, hướng khán giả tới buổi trò chuyện một cách nhẹ nhàng, tinh tế qua những câu hỏi sắc sảo. Chị còn đưa ra những lời nhận xét về phần bình luận, phân tích của kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa một cách sâu sắc.

Để làm tốt điều này, Bích Trâm cho biết, “Nếu mình không nắm được vấn đề thì sẽ không biết đặt những câu hỏi sao cho nó sát vào nội dung chương trình, thì người chuyên gia không phát huy được, không trình bày được nhiều khía cạnh về kiến thức của họ. Với lại, khi người chuyên gia nói chuyện, mình cũng phải lắng nghe và nắm được những điều họ nói để từ đó mình chuyển qua câu hỏi kế tiếp. Nếu như họ nói mà mình nghĩ là chưa đủ dễ hiểu cho khán giả, vì người ta là chuyên gia có nhiều kiến thức chuyên môn mà mình nghĩ là khán giả chưa hiểu được dễ dàng, thì mình có thể tóm lược lại vấn đề cho khán giả, nói lại một cách sao mà mình nghĩ là khán giả dễ hiểu hơn.”


Tài năng của người phụ trách chương trình


Giải thích vì sao lại đặt tên chương trình là Bên Kia Màn Khói và nói thêm về những yếu tố đem lại sự thành công cho chương trình này, chị Bích Trâm cho biết: “Thời sự hàng ngày đưa ra những thông tin dồn dập, đôi lúc rắc rối, khó hiểu, tương tự như màn khói. Màn sương khói đó che lấp chuyện gì ở bên trong?" Bích Trâm chọn tên này vì mục đích của chương trình là giúp khán giả tìm hiểu những sự kiện kinh tế, chính trị, lịch sử của thế giới bị màn khói bao phủ. Trong vai trò "host", Bích Trâm chọn đề tài và tìm hiểu nội dung để đặt câu hỏi cho Nguyễn Xuân Nghĩa. Kinh tế gia này am hiểu nhiều lãnh vực khác nhau nên đưa ra cách lý giải để giúp khán giả hiểu rõ vấn đề “xuyên qua màn khói.” 

Điều lý thú là Bích Trâm còn đề nghị dành phần cuối của mỗi kỳ cho một tiết mục văn học nghệ thuật và không ngờ là được khán giả yêu chuộng. Có lẽ là vì sau những đề tài khô khan về kinh tế chính trị, chương trình còn cung cấp những chi tiết lý thú về văn học nghệ thuật.

Bên cạnh "Bên Kia Màn Khói", Bích Trâm còn được khán giả của Saigon TV yêu mến trong vai trò xướng ngôn viên cùng với người partner là anh Nguyễn Khắc Hành. Chị đảm nhận luôn phần biên soạn cho mục "Điểm Tin Trong Tuần" của Saigon TV. Điểm Tin Trong Tuần đã có trên đài Saigon TV gần ba năm nay, được chiếu mỗi thứ Ba, Tư, Sáu vào lúc 9 giờ sáng, 4 giờ chiều và sau 11:20 tối. 

Đây là chương trình bình luận thời sự và chính trị, được Bích Trâm và Khắc Hành chọn lọc những thông tin có ý nghĩa để tường thuật. Ngoài việc chọn được chủ đề thời sự “nóng hổi” thu hút được sự chú ý của dư luận, tiết mục này đưa ra một số quan điểm cá nhân, những luận bàn thuyết phục mà cả hai tự biên soạn, hoặc ý kiến thu thập từ các chuyên gia. Đấy là yếu tố quyết định để chương trình “ghi điểm” được với khán giả.


                     
Bích Trâm và Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa trong chương trình "Bên Kia Màn Khói"


Vậy để hấp dẫn khán giả với chương trình Điểm Tin Trong Tuần, vai trò của xướng ngôn viên, biên tập, quan trọng ra sao? Xướng ngôn viên nói: “Bích Trâm nghĩ rằng khi thực hiện bất kỳ chương trình nào, mình luôn phải hướng về phía khán giả sẽ đón nhận chương trình, để tìm hiểu và đáp ứng những mong muốn của họ, chứ không chỉ nghĩ đến sản phẩm mình phải cung cấp. Đó là hai chiều suy nghĩ, từ mình đến cử tọa và ngược lại.

“Một số khán giả Điểm Tin Trong Tuần có chia sẻ với Bích Trâm rằng chương trình này giúp họ hiểu ra những chuyện thời sự rắc rối, nhất là các vấn đề liên quan đến tình hình tại Việt Nam, Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trong khi đó, hàng ngày khi họ nghe đọc tin, đôi lúc vì bản tin chứa đựng quá nhiều dữ kiện mà thiếu phần phân tích, nên cũng chỉ mơ hồ chứ chưa thông suốt. Điểm tin dưới hình thức đối thoại để trình bày bối cảnh, nguyên nhân và hiệu ứng của vấn đề, dễ nghe hơn.

“Điểm Tin nêu lên những ý kiến trái chiều xoay quanh các vấn đề thời sự, để khán giả có thể rộng đường phán xét. Cụ thể là thời sự nóng bỏng hiện nay xung quanh việc Liên bang Nga đem quân vào Syria tại Trung Đông, Điểm tin phân tích nguyên nhân, động lực đằng sau hành động của Tổng Thống Nga Vladimir Putin và hội luận về các chọn lựa khó khăn của Tổng Thống Barack Obama.

“Bên cạnh đó, phần cuối của Điểm Tin trình bày vài bản tin vui, lạ, nhẹ nhàng hơn, có tính cách đời thường để giúp khán giả thư giãn. Vai trò của host và biên tập viên là biên soạn và trình bày sao cho khán giả hiểu được những điểm cốt lõi từ những thông tin đôi lúc khá phức tạp, mà chúng tôi bỏ nhiều giờ để tìm hiểu, gạn lọc, và trình bày một cách đơn giản cho khán giả dễ hiểu.”

Bích Trâm chia sẻ thêm: “Với mỗi chương trình thực hiện, Bích Trâm luôn chú ý những khía cạnh tạo dấu ấn của Bích Trâm và Khắc Hành chứ không muốn giống bất kỳ chương trình nào khác của những đài khác. Mình tạo dấu ấn bằng cách thể hiện cá tính của mình, để khán thính giả có thể cảm nhận được. Có thể khán giả không biết mình là ai, cá tính mình ra sao, nhưng qua cách mình thể hiện, khán giả cảm nhận được phần nào đó cá tính của mình, thì khán giả biết mình, con người mình ra sao thì từ đó mới càng muốn theo dõi chương trình mỗi ngày.

“Từ đó tôi mới nảy ra ý nghĩ là sao những tin rất nặng nề, khô khan, thì kiếm những thông tin vui vui để anh Khắc Hành từ đó kể những câu chuyện vui vui, nhưng chuyện vui đó phải ăn khớp với bản tin thì mới có ý nghĩa, đó là dấu ấn tôi muốn tạo cho phần điểm tin của Bích Trâm và Khắc Hành.”

Để chuẩn bị cho Điểm Tin Trong Tuần, Bích Trâm chọn tin và biên soạn bình luận để trình bày cùng anh Khắc Hành. Anh cũng tự biên soạn phần bình luận của anh để bổ sung phần chị nói, hay đưa ý kiến trái chiều để tương phản và cung cấp một góc độ khác của vấn đề. 

“Bích Trâm và anh Khắc Hành dành nhiều thời gian đọc lại tin tức trên báo chí, những bình luận từ nhiều nguồn khác nhau, dùng những kinh nghiệm của mình để mình nên trình bày như thế nào và tránh những gì không cần thiết để bỏ qua.” 

Ngoài Bên Kia Màn Khói, Điểm Tin Trong Tuần, Bích Trâm còn xuất hiện với vai trò khách mời trong talk show Chuyện Người Chuyện Ta do xướng ngôn viên Hương Thơ phụ trách.

Kể lại những kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình làm xướng ngôn viên mà chị không thể quên, Bích Trâm tâm sự: “Tết Ất Mùi 2015 vừa qua, chưa đến Tết mà anh chị em trong đài đã lo chuẩn bị chương trình để kịp chiếu đêm Giao Thừa. Đóng góp của Bích Trâm là biên soạn vở hài kịch "Xông Đất Đầu Năm" và bố trí tập luyện cho một số anh chị đồng nghiệp. 

Trong vở hài kịch, Bích Trâm thủ vai cô gái ế chồng nhưng vẫn "chảnh", Hương Thơ là bà mẹ lo chạy khắp xóm kiếm chồng cho con và moi ở đâu được hai anh hàng xóm về xông đất đêm giao thừa, luôn tiện xem mắt con gái. Trong tinh thần mang niềm vui Xuân đến khán giả, chúng tôi đã thành kịch sĩ bất ngờ! Điều bất ngờ khác, vở kịch được đón nhận nồng nhiệt. Chúng tôi nhận được khen thưởng, khích lệ từ một số khán giả, nhiều người còn gọi vào đài để yêu cầu chiếu lại. Đấy là một kỷ niệm rất vui.”


Vài nét về Bích Trâm


Trả lời câu hỏi của người viết, trước khi đến định cư tại Hoa Kỳ và từ khi còn sống ở Việt Nam, chị có nghĩ một ngày nào đó mình sẽ gắn bó với ngành truyền thông qua công việc xướng ngôn viên không? Khi đó chị có thần tượng xướng ngôn viên nào không?

Chị cho biết, “Từ nhỏ Bích Trâm đã được thầy cô để ý đến giọng đọc. Lúc còn học tiểu học ở Việt Nam, cứ đến giờ chính tả, sau khi cô giáo đọc qua bài chính tả cho cả lớp viết, là sẽ yêu cầu Bích Trâm đọc lần thứ nhì vì cô nói thích giọng Bắc Kỳ, rõ và truyền cảm của Bích Trâm. Vào thời điểm trước năm 1975, Bích Trâm chỉ là cô bé ở lứa tuổi ô mai, 13, 14 tuổi, dù theo học chương trình Pháp nhưng thích văn chương Việt Nam nên tập tễnh làm thơ, viết văn để gởi đăng trang Mai Bê Bi của báo Chính luận. Lúc ấy Bích Trâm chỉ nghĩ đó là biểu hiện những mơ mộng tuổi mới lớn chứ không hề nghĩ rằng mình sẽ theo đuổi ngành truyền thông, nên cũng chẳng tìm kiếm cho mình một thần tượng nào.”

Kể về cơ duyên đến với công việc làm xướng ngôn viên và những nơi làm việc chị đã từng cộng tác qua từ trước đến nay. Bích Trâm cho biết, “Sau năm 1975, Bích Trâm theo gia đình sang Hoa Kỳ. Tốt nghiệp cử nhân ngành Computer Science (Điện Toán) xong, Bích Trâm ra làm kỹ sư cho IBM trong suốt thời gian 30 năm. Sau khi nghỉ hưu, Bích Trâm muốn trở về với văn hóa Việt Nam nên bước vào lãnh vực truyền thông cho cộng đồng người Việt từ vài năm nay. Hiện Bích Trâm chỉ cộng tác với đài truyền hình Saigon TV.”

Nói về bí quyết để trở thành một xướng ngôn viên, Bích Trâm chân thành bày tỏ, “Thật ra Bích Trâm cũng mới bước vào ngành truyền thông vài năm nay thôi, vẫn còn học hỏi, không dám nói đến bí quyết nhưng lòng yêu nghệ thuật là một động lực thôi thúc Bích Trâm tiếp tục cải tiến mỗi ngày.”


  
Từ trái qua phải, Mạnh Cường, Hương Thơ, Bích Trâm, Khắc Hành trong vở kịch "Xông Đất Đầu Năm" Bích Trâm đã biên soạn và đạo diễn để Saigon TV chiếu vào dịp giao thừa dịp Tết Ất mùi vừa qua.

       
Về những khó khăn và thuận lợi khi thực hiện những chương trình Điểm Tin Trong Tuần, Bên Kia Màn Khói, Chuyện Người Chuyện Ta, Bích Trâm chia sẻ: “Lúc trước làm việc cho IBM chỉ sử dụng tiếng Anh. Khi bước vào ngành truyền thông trong cộng đồng Việt, giúp Bích Trâm có cơ hội trau dồi tiếng mẹ đẻ. Bích Trâm nghĩ rằng, một trong những cách hay là tìm đọc những tác phẩm văn chương có giá trị của ta, từ đó học hỏi nghệ thuật dùng chữ, hành văn và đối thoại một cách súc tích.

“Khó khăn của công việc điểm tin, là trong hàng chục thông tin thời sự hàng ngày mà Bích Trâm đọc từ nhiều nguồn và tìm hiểu nội dung, chỉ chọn ra một số bản tin quan trọng, có ý nghĩa cho khán giả, tức là phải loại bỏ một số khác, điều đó là cả một sự đắn đo, cân nhắc. Trong khi đó, Chuyện Người Chuyện Ta xoay quanh những chủ đề gia đình, mối quan hệ nam nữ, vân vân. Bích Trâm không phải là chuyên gia tâm lý, nên phải bỏ giờ tìm hiểu từ những bài viết và công trình nghiên cứu xung quanh các vấn đề hôn nhân và gia đình để chia xẻ với khán giả.

“Còn thách thức của việc thực hiện Bên Kia Màn Khói, có những đề tài đã chuẩn bị xong xuôi đâu đó, nhưng phải tạm gác lại vì thời sự dồn dập đưa ra những vấn đề mới. Ví dụ, hồi tháng 7, tháng 8 qua, tình trạng khủng hoảng tài chính tại Trung Quốc khiến phải gác lại một số đề tài khác để tập trung vào Trung Quốc. Hơn nữa, một số chủ đề của Bên Kia Màn Khói đòi hỏi kiến thức chuyên môn về kinh tế, chính trị, địa dư hay lịch sử… Cho nên, để đặt câu hỏi đi sát với vấn đề nhằm giúp kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa trình bày nội dung qua kiến thức sâu rộng của ông, đòi hỏi Bích Trâm phải bỏ thì giờ tìm hiểu và làm "homework". Còn về mẫu mực để học hỏi theo, thì theo Bích Trâm, truyền thông Mỹ cung cấp một số hình tượng cho khán giả người Mỹ, chưa chắc đã thích hợp với khán giả Việt, tuy nhiên Bích Trâm ngưỡng mộ các nhân vật Megyn Kelly của Fox News, Erin Burnett của CNN, ông Charlie Rose của Bloomberg, đều là những news anchors và hosts rất chuyên nghiệp.”

Theo Bích Trâm thì chính công việc tại IBM trong suốt 30 năm đã giúp chị có kinh nghiệm “vô giá” để bước vào ngành truyền thông Việt ngữ nói chung, và thực hiện các chương trình cho Saigon TV nói riêng.

Chị giải thích, “Trách nhiệm của một IBM Systems Engineer đòi hỏi Bích Trâm diễn thuyết trước cử tọa đông người để trình bày ưu điểm và hạn chế của nhu liệu IBM, từ đó Bích Trâm góp nhặt kinh nghiệm nói chuyện trước công chúng. Bích Trâm từng quản trị những dự án tầm vóc lớn có, nhỏ có, bên trong IBM và làm việc với thân chủ. Từ đó mình nghiệm ra rằng sự chuẩn bị là cần thiết cho bất kỳ công việc, dự án, hay chương trình nào dù lớn hay nhỏ, nên Bích Trâm cũng áp dụng nguyên tắc này trong nghề truyền thông để thực hiện loại chương trình được đánh giá là sâu sắc và giá trị. Bích Trâm luôn nghe phản hồi lại từ khán giả có ý kiến ra sao để từ đó điều chỉnh sản phẩm đó.”

Chị cũng cho biết, “Ngoài xướng ngôn viên trên Saigon TV, Bích Trâm từng đảm nhận vai trò MC cho các chương trình văn nghệ và nhạc thính phòng của một số hội đoàn tôn giáo, bao gồm những đêm nhạc trong khuôn khổ truyền giảng tâm linh. Một lần nữa, sự chuẩn bị là quan trọng và dẫn chương trình một cách lớp lang thứ tự, tránh để khoảng trống quá lâu giữa các tiết mục, thể hiện cá tính, đều là những yếu tố quan trọng trong vai trò MC. Khi giới thiệu bài hát, Bích Trâm tìm hiểu về tác giả để có thể trình bày đôi điều về họ, sáng tác trong hoàn cảnh nào, thay vì chỉ chú trọng đến bài hát hoặc ca sĩ.”

Khi người viết hỏi ở trong nước có những nơi mở ra dạy làm MC, xướng ngôn viên, tại Quận Cam nói riêng và Hoa Kỳ nói chung chưa có nơi đào tạo này, nếu cộng đồng chúng ta có lớp học này, và nếu được mời dạy, chị sẽ truyền dạy bài học nào cho những bạn trẻ muốn làm xướng ngôn viên và MC. Chị nói, “Nếu có lớp thì Bích Trâm sẽ xin theo học ngay! Bích Trâm không dám truyền dạy, chỉ có lời khuyên là cố gắng học hỏi không ngừng, dựa vào nỗ lực bản thân chứ không có đường tắt để đi đến thành công.”

Kết thúc buổi tâm tình với nhật báo Viễn Đông, chị Bích Trâm không khỏi ưu tư: “Truyền thông của Mỹ đòi hỏi phải có một số kiến thức căn bản và sự huấn luyện từ trường lớp. Có thể là vì thị trường của truyền thông dành cho người Việt mình chưa đủ lớn nên không có những đòi hỏi tương tự, cũng có thể do đó mà thiếu sự tưởng thưởng tài chính xứng đáng với những người làm truyền thông Việt. Truyền thông của người Việt mình tại hải ngoại nói chung, tại quận Cam nói riêng, thật sự thì vẫn chưa phát triển lắm. Mặc dù hiện nay thì càng ngày thì mình càng có nhiều đài hơn.

“Đó là dấu hiệu đáng khích lệ. Nhưng càng có nhiều đài thì sự cạnh tranh nhiều hơn, thì đòi hỏi những người làm truyền thông phải tự cải tiến mỗi ngày cho sự cạnh tranh đó. Nhưng mà nếu mình đặt tiêu chuẩn làm sao hướng được những chương trình có giá trị thì các đài truyền thông Việt Nam hằng ngày phải có những chương trình tập luyện, để mỗi ngày khá hơn. Thiếu sự tưởng thưởng tài chính xứng đáng, tại vì thị trường chưa có đủ lớn, thành ra rất nhiều đồng nghiệp của Bích Trâm làm truyền thông chỉ là nghề tay trái, nhưng khi làm nghề tay trái thì không đầu tư được, không đủ thời giờ phát huy được hết khả năng của họ. Đó cũng là một vấn đề.” (bh)

6 nhận xét:

  1. Thưa bác Nghĩa,
    Cháu rất thích cách dẫn chương trình duyên dáng và thông minh của cô Bích Trâm. Cháu hy vọng chương trình Bên Kia Màn Khói và Giờ Giải Ảo được đón nhận nhiều hơn với giới trẻ trong và ngoài nước. Cháu xin chúc bác Nghĩa khoẻ mạnh và một cuối tuần vui vẻ.

    Trả lờiXóa
  2. Nhờ các bài viết và talk show của bác, mà các bạn trẻ như cháu cũng đã được giải độc ít nhiều. Chứ nhiều bạn bè Việt Nam định cư tại Mỹ của cháu thì bị nhiễm độc khá nặng. Cháu nhận thấy có một sự nghịch lý khi đa số các bạn trẻ này đều cho rằng chính quyền VN là độc tài, cộng sản và tham nhũng, nhưng khi định cư và đi học tại Mỹ thì lại ủng hộ Obama, hay thậm chí không ít người hiện nay đang ủng hộ Bernie Sander. Và họ coi những talk show của những chàng hề như Jon Stewart hay Stephen Colbert như là 1 real news channel.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Kevin,

      Bernie Sanders là lưu manh và truyền thông cánh tả tại Hoa Kỳ là gian trá. Sander không mê "xã hội chủ nghĩa" kiểu Bắc Âu mà mê Liên Xô, nơi ông ta đi hưởng tuần trăng mật. Cả Sanders lẫn truyền thông gian trá ấy đều quên rằng các nước Bắc Âu, như Đan Mạch, Thụy Điển hay Na Uy đều hiểu ra sự tốn kém của hình thái kinh tế xã hội chủ nghĩa và từ bỏ rồi.

      Rất tiếc là truyền thông Việt Nam - trong và ngoài - trưa ra khỏi trạng thái thông ngôn nên cứ dịch lại truyền thông thiên tả của Mỹ, tưởng đó là chân lý. Con em đi học ở xứ này thì bị nhiễm độc vì thầy cô thiếu hiểu biết mà thừa ngụy biện nên cứ tẩy não các em - mà gia đình không biết, tưởng đó là chân lý, là văn minh! Khi các tay hề mà lên ngôi sư phụ và các chính khách lên show của họ để kiếm khách thì chuyện hết là hài mà thành bi...

      Chúng ta phải cố tiến tới trình độ suy nghĩ độc lập - và đừng xem Mỹ là nhất!

      Xóa
    2. Thưa bác Nghĩa,
      Cháu nghĩ trong chương trình "giờ giải ảo" bác có thể có một chương trình giải ảo về "xã hội chủ nghĩa kiểu Bắc Âu" mà mấy xứ nhược tiểu. độc tài xưng danh "xã hội chủ nghĩa" hay tuyên truyền. Thậm chí ở Mỹ này như Bernie Sander hay nói nhảm (nhưng cũng lắm kẻ tin).
      Cháu lúc trước nghi ngờ và sau này cháu tìm hiểu thực chất họ là một trong số ít các nước tự do kinh tế nhất-theo một số chỉ số như của Heritage Foundation và The EconomistThe Wall Street Journal dựa trên mô hình của kinh tế gia Milton Friedman- (gồm Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan) dù có một số nước như Phần Lan, Thụy Điển thực hiện thu thuế rất cao và cũng chi tiêu công cao nhưng họ cũng có 2 xu hướng là cánh hữu muốn giảm thuế, đồng thời giảm chi, còn cánh tả ngược lại. Thời cánh hữu lên-thắng cử ở "hạ viện"-thường kỉ luật ngân sách hơn, còn cánh tả thì ngược lại (họ theo chế độ nghị viện-khác tổng thống chế như Mỹ).
      Đó là một số hiểu biết hạn hẹp của cháu và cháu mong bác giải ảo nhiều hơn. Cháu xin cảm ơn.

      Xóa
  3. Xin theo dõi Chương trình Bên Kia Màn Khói mới nhất của Saigon TV, tối Thứ Bảy 17 vừa qua:

    https://www.youtube.com/watch?v=wt3khOGrFR8

    Trả lờiXóa
  4. Đọc bài viết này cảm thấy càng thích cô Bích Trâm hơn và khá bất ngờ khi biết là cô đã hơn 50 tuổi mà nhìn quá trẻ.

    Trả lờiXóa