Thứ Sáu, tháng 11 27, 2015

Quân Khủng Bố Yêu Nước



Nguyễn-Xuân Nghĩa Việt Tribune 151127

Máu đầu sông thẫm tóc người cuối sông


 * Địa dư hình thể hay bản đồ hành quân *



Từ ngàn xưa, con người tụ tập và sinh hoạt ở quanh nguồn nước ngọt, nhiều nền văn minh được thành hình là trên lưu vực của các dòng sông. Sông Hồng sông Cả và Cửu Long của ta hay Hoàng Hà, Dương Tử, Châu Giang của Tầu, sông Nile của Ai Cập hay Lưỡng hà (hai con sông) Tigris và Eurphrate của Iraq, v.v… là những thí dụ. Cũng vì vậy mà trong sự thành hình của các quốc gia (một khái niệm thật ra còn mới tại Âu Châu) đã có bao cuộc giao tranh cục bộ giữa các thị tộc hay lực lượng địa phương để chiếm được nguồn nước. Thế kỷ 21 tái diễn chuyện xưa, với lực lượng “yêu nước” là “Nhà nước Hồi giáo” Daesh, IS, ISIS hay ISIL….

Như mọi khi, người viết sẽ miên man về chuyện khác.

Không giống lực lượng Al-Qaeda đang quảng bá tư tưởng Thánh Chiến bằng hành động khủng bố, tổ chức xưng danh Nhà nước Hồi giáo (Daesh theo tiếng Á Rập) lại muốn tái lập một Đế chế Hồi giáo Caliphate, có lãnh thổ và cư dân dưới sự lãnh đạo của một trưởng giáo kiêm quốc trưởng, một Caliph tự coi như bậc truyền thừa của đấng Tiên tri Muhammad. Khác biệt nhỏ là tư tưởng và lãnh thổ, mà trong thổ thì có… thủy.

Xuất phát từ một số nhân sự của Al-Qaeda tại Iraq, giới lãnh đạo ISIL đã ly khai, nhiều khi còn tấn công các nhóm Al-Qaeda tự phát, để chiếm một khu vực của Syria làm hậu cứ. Từ đó, ISIL gây dựng được một số phương tiện kinh tế và bành trướng rất mạnh ra nơi khác, chủ yếu vẫn là một vùng rộng lớn vắt ngang Syria và Iraq. Phải gần hai năm sau, các cường quốc chống ISIL mới thấy ra yếu tố kinh tế trong sức mạnh của tổ chức này, là dầu khí, nên mở chiến dịch oanh kích xe chở dầu trong mạng lưới bán dầu, kể cả bán lậu, của ISIL.

Chiến dịch này tốn kém và dại dột.

Nó tái diễn sai lầm của Hoa Kỳ năm xưa khi tấn công “Đường mòn Hồ Chí Minh” trong cuộc chiến tại Việt Nam. Tốn kém vì cần nhiều phi vụ và võ khí đắt tiền mới bắn được một đoàn xe chở dầu. Dại dột vì “quy luật giao tranh” (rules of engagement) đòi hỏi là oanh kích mà tránh bắn vào thường dân nên nhiều phi vụ trở thành phi lý: trở về tay không, với đạn dược nguyên vẹn vì sợ bắn vào dân. Để giải quyết, Hoa Kỳ có giải pháp “báo trước”: tung truyền đơn tiên báo mọi người ở dưới rồi mới nã đạn vào các đoàn xe chở dầu.

Nhờ vậy, đặc công ISIL biết trước mà tránh tổn thất!

Trong khi ấy, người ta quên rằng trong cuộc chiến, ngoài dầu khí còn có nước ngọt: lực lượng ISIL dùng nước như một võ khí! Họ kiểm soát giếng nước như giếng dầu để kiểm soát cuộc sống người dân trong lãnh thổ của Đế chế Hồi giáo…

***


Bây giờ mới đi vào đề.

Trong vụ khủng hoảng kéo dài của nền văn minh Hồi giáo ngày nay, nhiều thế lực cát cứ tại Trung Đông cũng kiểm soát nguồn nước, và y như Trung Quốc tại đầu nguồn của Việt Nam, họ còn muốn “cải tạo thiên nhiên” là điều hướng nguồn nước về phía ta cho phe địch chết cạn rồi chết đói. Việc điều hướng hay vét nước ấy có khi là mục tiêu chiến thuật ngắn hạn, hay chiến lược dài hạn.

Chuyện “Thất thủ Hạ Bì” thời Tam Quốc hay Cạn Dòng Cửu Long thời hiện đại là thí dụ gần gũi….

Ngược với nhận thức của nhiều người, dù lực lượng ISIL có hành động cuồng sát của người điên, lãnh đạo của tổ chức là những kẻ lạnh lùng tính toán. Người ta chỉ thấy ISIL có nhắm vào các giếng dầu thô và khí đốt sau khi lấn chiếm miền Đông của Syria mà ít chú ý đến viễn kiến của họ: ISIL biết dùng thủy lợi làm thủy chiến trên sa mạc!

Trong sự rối loạn của bạo quyền Bashar al-Assad tại Syria từ năm 2011, nhiều nhóm võ trang đã nổi lên chống chế độ cầm quyền ở thủ đô Damascus. Riêng ISIL thì có mục tiêu dài hạn hơn: chọn vùng đất loạn đó làm hậu cứ xây dựng Đế chế Hồi giáo và từ 2012 đã thực hiện chiến lược với việc chiếm đóng khu vực Aleppo ở phía Tây-Bắc Syria làm bàn đạp. Họ thuộc lịch sử và không quên kỳ công của đấng Tiên Tri Muhammad: tiến về vùng Lưỡng hà Tigris và Eurphrate, trên lãnh thổ Iraq ngày nay.

Trên đường tiến, ISIL lần lượt kiểm soát được các thị trấn Maskana, Raqqa (đại bản doanh ngày nay), Deil el-Zour rồi al-Bukamal, những trung tâm sinh hoạt trên lưu vực của dòng Eurphrate. Qua lãnh thổ Iraq, ISIL cũng có chiến lược tương tự: chiếm sông hồ và nguồn nước là các thị trấn Qaim, Rawah, Ramadi và Fallujah để làm chủ hai mặt hồ lớn là Hathida và Thartar. Song song, họ nhắm vào Mosul và Tikrit, hai cứ điểm chiến lược vì nằm trên lưu vực của dòng Tigris.

Mục tiêu sau cùng là Baghdad, kinh đô tương lai của Đế chế Hồi giáo, nằm bên dòng Tigris mà cũng là trung tâm của thung lũng Lưỡng hà: sông tức là nước, nước là quốc gia. ISIL không chỉ có bọn khủng bố cuồng sát ưa chặt đầu người hay tự nổ cùng bom. Vệt máu chảy từ Tây sang Đông, đường tiến quân của họ, cũng là dòng chảy của các con sông lớn.

Từ tấm bản đồ mà nhìn lại cuốn lịch thì trong lịch sử Trung Đông, việc tranh đoạt Lưỡng hà là nguồn gốc xung đột giữa bốn cường quốc là Turkey, Syria, Iraq và cả Iran. Họ không thể điều phối và hợp tác để giải quyết việc chia chác nguồn nước nên kẻ ở thượng nguồn có thể gieo họa cho người cuối sông. Lại chuyện Mekong nữa!

Với ISIL cũng vậy, nước là mục tiêu và phương tiện vì nước là võ khí. Họ phá vỡ hạ tầng cung cấp nước - từ tháp nước đến nhà máy lọc, cầu, kinh - để vét dân về những nơi có nước mà họ đã chiếm đóng. Họ gây ô nhiễm ở đầu nguồn để phá hoại kinh tế ở hạ nguồn. Lối tính toán hiểm ác này mới giải thích hơn ba chục đợt tấn công từ 2013: nhằm tiêu hủy hạ tầng thủy lợi của Syria và Iraq. Họ đòi trấn nước từng làng, đầu độc cả một dòng sông, khóa đập tại Fallujah và Ramadi, chặn nước cho Mosul chết cạn trước khi khai pháo…. Kẻ thù phải tiêu diệt bằng nước là chế độ al-Assad lẫn các lực lượng võ trang chống al-Assad do Tây phương yểm trợ. Đối tượng cần tranh thủ và kết nạp bằng nước là dân Sunni chết khát và chết đói vì ruộng đồng cạn hết nước.

Nhìn rộng ra ngoài, nước còn là gạo và điện.

Năm 2014, khi khóa và mở đập nước Nuaimiyah tại Fallujah, ISIL đã trấn nước một diện tích kinh hồn là 200 ngàn cây số vuông, bên dưới là ruộng nương làng xã. Khi làm chủ đập Mosul, ISIL chiếm được 75% nguồn cung cấp thủy điện cho Iraq, làm phương tiện sản xuất của mình. Tháng Sáu năm 2014, ISIL khóa đập Ramadi trong tỉnh Anbar của Iraq, làm đầm lầy bên dưới cạn kiệt khiến cư dân phải di tản. Muốn đối phó, chế độ al Assad mà có dùng nước làm võ khí thì nạn nhân trước tiên vẫn là thần dân Syria của họ. Tức là xua dân về phía địch.


***


Từ chuyện khủng bố ISIL, chúng ta có thể nhìn ra nội dung và định nghĩa khác của “thủy lợi” và “thủy chiến”. Thủy lợi không chỉ là tiêu tưới và canh tác hay đập nước phát điện, đó là lẽ sinh tử của kinh tế. Thủy chiến không chỉ là giao tranh trên mặt nước, trên sông biển, mà là giao tranh bằng nước!

Dăm năm về trước, vào cuối năm 2010, lãnh tụ Turkey, Jordan, Syria và Lebanon có nhìn ra tổng thể mà đàm phán việc hợp tác và hội nhập kinh tế để phát triển du lịch, canh nông, ngân hàng và thương mại rồi từ đó giải quyết luôn việc khai thác và phân phối nước với nhau. Đây là một kế hoạch trường kỳ, có mục tiêu tích cực. Nhưng chưa đầy một năm sau là mọi sự tan tành vì chính trị cục bộ giữa Turkey, Iraq và Syria, làm sáng kiến này mất trớn rồi bị tiêu hủy trong bom đạn.

Đấy là lúc ISIL thành hình và đề ra chiến lược cướp nước! Nếu nhìn lại lịch sử lâu dài, chiến lược ấy không thu hẹp vào lãnh thổ Syria và Iraq. Nó theo dòng nước bao trùm lên Bắc Phi và lan qua Trung Á.

Dường như chuyện Việt Nam cũng vậy, Mekong hay Đông Hải cũng là nước….


___

Chúng ta sắp mất một sử gia lỗi lạc là Tạ Chí Đại Trường. Ông đã hôn mê trong nhà thương tại Việt Nam. Xin quý vcầu nguyện cho ông ra đi nhẹ nhàng và sớm được siêu thoát. NXN

Thứ Tư, tháng 11 25, 2015

Cuộc Cờ Nga-Thổ



Hùng Tâm - Hồ Sơ Người-Việt Ngày 151125


Đằng sau vụ hai máy bay Nga bị bắn hạ trên xứ Thổ


* Máy bay Nha bị bắn hạ trên xứ Thổ * 



Ngày 24 Tháng 11, một oanh tạc cơ Sukhoi Su-24 của Nga bị bắn hạn trên lãnh thổ của xứ Turkey (xưa kia ta gọi là Thổ Nhĩ Kỳ, và vì cận ngày Thanksgiving với tục ăn thit turkey, xin dùng chữ Thổ… cho tiện).

Theo Bộ Tổng Tham Mưu Thổ Nhĩ Kỳ, rồi Chính phủ Ankara với bản đồ làm bằng chứng, thì phi cơ Nga xâm phạm không phận Thổ, và được hai chiến đấu cơ F-16 của Thổ cảnh báo 10 lần trong năm phút mà vẫn bay trên thị xã Yaylidagi của tỉnh Haty nên đã bị bắn hạ. Ngược lại, Bộ Quốc Phòng Nga khẳng định rằng việc khách quan theo dõi phi vụ chứng minh là chiếc Su-24 chỉ bay trên lãnh thổ Nga, ở cao độ sáu ngàn thước.

Người ta chưa có chi tiết chính xác về số phận của hai phi công Nga trong chiếc Su-24, một vấn đề ngoại giao lý thú. [Tin giờ chót, phi công trưởng là một Đại tá đã tử vong, người kia, một Trung tá, đã trở về đơn vị Nga trên đất Syria]

Các nhóm võ trang người Thổ chống chế độ Bashar al Assad thì loan tin là bắt được hai phi công khi họ bật khỏi máy bay nhảy dù xuống đất, một người bị thương và người kia không bị hề hấn. Môt số hình ảnh được phổ biến lại làm người ta nghĩ rằng hai phi công đã bị toán võ trang hạ sát. Nhưng nhiều viên chức Thổ thì tin là họ vẫn còn sống.

Tiếp theo đó, một trực thăng Nga được phái đi tìm kiếm phi hành đoàn của chiếc Sukhoi thì cũng bị lực lượng dân quân người Thổ bắn trung liên từ dưới đất làm một Thủy quân Lục chiến Nga thiệt mạng. Sau đó, chiếc trực thăng bị hỏa tiễn chống chiến xa loại TOW của nhóm võ trang kia bắn tan. Hỏa tiễn TOW là do Hoa Kỳ chế tạo và cung cấp cho các nhóm võ trang chống chế độ Bashar al Assad, dưới lá cờ Quân Đội Syria Tự Do.

Nghĩa là Nga vừa có hai máy bay bị hạ trên lãnh thổ xứ Turkey. Hồ Sơ Người-Việt tìm hiểu chuyện nhức tim này thì thấy ra chuyện nhức đầu khác.


Nga Thổ Trên Đất Syria


Ngay sau khi chiếc Sukhoi bị bắn hạ hôm Thứ Ba 24, Tổng thống Nga Vladimir Putin giận dữ bảo rằng đây là “một vụ đâm sau lưng từ những kẻ đồng lõa với quân khủng bố (ISIL). Và rằng “ISIL được quân đội của cả một quốc gia bảo vệ”. Diễn giải: nước Thổ yểm trợ khủng bố ISIL! Ông cũng bày tỏ mối quan tâm và sự kinh ngạc, rằng Thổ không tìm cách liên lạc với Nga sau sự biến mà lật đật họp hành với Minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO, trong khi “Liên bang Nga coi nước Thổ không chỉ là lân bang mà còn là một quốc gia bạn.”

Sự thật thì Nga và Thổ đang tranh hùng trên một vùng đất có lắm người bay. Hồ Sơ Người-Việt phải trở lại bối cảnh sâu xa của chuyện tranh hùng ấy.

Xứ Thổ Nhĩ Kỳ có lãnh thổ tiếp cận với tám quốc gia. Ngược chiều kim đồng hồ, tại miền Nam có hai nước Syria và Iraq đang bị nội chiến. Từ hướng Đông có Iran và đất Nakhchivan của xứ Azerbaijan. Lên hướng Đông Bắc là Georgia đã bị Liên bang Nga uy hiếp từ năm 2008. Miền Tây Bắc có Bulgaria và tại hướng Tây thì đấy là Hy Lạp. Then chốt hơn cả, phía Bắc của Thổ Nhị Kỳ là biển Hắc Hải và phía Nam là biển Địa Trung Hải, còn hướng Tây có biển Aege.

Từ năm 2011, khi chế độ Bashar al Assad đàn áp đối lập và tàn sát thường dân thì nội chiến bùng nổ tại Syria và Thổ Nhĩ Kỳ yểm trợ các lực lượng võ trang chống al Assad, trong đó có các nhóm nổi dậy thuộc sắc tộc Thổ. Ngày 22 Tháng Sáu năm 2012, hơn ba năm trước rồi, dàn phòng không của al Assad bắn hạ một phi cơ của Thổ khiến hai phi công thiệt mạng. Từ đấy, Không quân Thổ Nhĩ Kỳ vô cùng cảnh giác và canh phòng nghiêm mật biên giới miền Nam với Syria. Kết quả, ngày 16 Tháng Chín 2013, chiến đấu cơ Thổ bắn hạ một trực thăng Mi-17 của Syria khi bay vào không phận của mình. Sáu tháng sau, một máy bay MiG-23 cũa Syria cũng gặp số phận tương tự.

Từ 30 Tháng Chín vừa qua, khi Liên bang Nga của Putin nhập cuộc để bảo vệ chế độ al Assad thì những rủi ro đụng độ như vậy gia tăng đáng kể. Chính quyền Thổ tại Ankara nhiều lần khiếu nại việc Nga và Syria vi phạm không phận của mình và còn uy hiếp phi cơ Thổ trong vùng biên giới. Đến tuần qua thì quân binh Nga yểm trợ các đơn vị của al Assad tấn công phe nổi dậy ở vùng biên giới với đất Thổ. Trong phe nổi dậy có các lực lượng võ trang người Thổ do Ankara yểm trợ.

Vì vậy quan hệ giữa Ankara và Moscow càng căng thẳng, cho tới vụ hai phi cơ Nga bị Thổ quyết định bắn hạ chứ không khiếu nại than van nữa. Việc Putin cho rằng Thổ là một nước bạn của Nga chỉ là một cách nói ngoại giao, tức là không thật.

Nước Thổ Đóng Chốt

Vấn đề trong quan hệ Nga Thổ không chỉ có Syria hay số phận chính trị của Bashar al Assad. Vấn đề nó nằm ngoài biển.

Do vị trí địa dư, Thổ Nhĩ Kỳ nằm trên đường Tây tiến của hạm đội hay các thương thuyền Nga muốn từ Hắc Hải xuống Địa Trung Hải. Và Thổ giữ hai cái chốt là eo biển Dardanelles và Bosphorus. Là thành viên của Minh ước NATO từ thời Chiến tranh lạnh, Thổ là cái khóa của NATO khiến Nga khó đi xuống vùng biển nóng. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc thì xứ Thổ hết còn thiết tha với nhu cầu khóa cửa cho NATO.

Nhưng khi Putin đưa quân vào Syria ở miền Nam nước Thổ thì có lẽ hai nước đang đóng chốt vào lưng nhau.

Địa dư đã vậy, về lịch sử, Nga Thổ từng là hai đế quốc tranh hùng trong năm thế kỷ với mâu thuẫn quyền lợi bao trùm lên các khu vực Balkan, Caucasus, Trung Đông và Trung Á. Khi Putin đưa quân chiếm đóng hai vùng tự trị của Georgia vào Tháng Tám năm 2008 rồi bán đảo Crimea của Ukraine vào đầu năm 2004, Chính quyền Ankara không mấy yên tâm.

Như trong một ván cờ vi, hai nước đang vây nhau!

Là một nước yếu hơn, chỉ có gần 80 triệu dân, lại cần khí đốt của Nga để giải quyết hơn phân nửa nhu cầu của mình, Thổ lững lờ nhích qua một bên để NATO và các nước như Hoa Kỳ, Ba Lan, Romania cùng nhiều xứ khác lãnh đạo việc be bờ chống Nga. Cho đến khi Nga đưa quân vào Syria và còn gây rối trong vùng đang có tranh chấp với Thổ là Nagorko-Karabakh thì Thổ phải có phản ứng. Hai phi cơ của Nga bị bắn hạ cho thấy phản ứng mới của Ankara. Nước Thổ đã dứt khoát chống Nga chứ không dập dình ở giữa như xưa.

Trong vụ này, khi một trực thăng của Nga lại bị hỏa tiễn POW của Mỹ bắn hạ, vào lúc Tổng thống Pháp ve vãn Putin sát cánh với mình để cùng chống lực lượng ISIL thay vì bênh vực chế độ al Assad, rõ ràng là quốc tế có một cuộc cờ quá rắc rối!


Nhìn lại toàn cuộc 
 

Thế giới đang gặp một lúc ba thách đố sinh tử là thứ nhất, phong trào Thánh Chiến của các phần từ Hồi giáo cuồng tín; thứ nhì làn sóng di dân từ Trung Đông và nhiều nơi khác đổ vào Âu Châu, bên trong có nhiều đặc công khủng bố của al Qaeda hay ISIL; và thứ ba là những hạt mầm khủng bố Hồi giáo trong xã hội của các nước không bị nội chiến. Thổ Nhĩ Kỳ là một nước Hồi giáo, thuộc hệ phái Sunni, nằm tại giao điểm của ba thách đố ấy và cũng từng bị khủng bố phá tác bên trong.

Giữa hoàn cảnh nguy ngập như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ còn gặp bài toán cổ điển là tranh chấp quyền lợi đại cường. Chính quyền Ankara muốn củng cố thế lực Sunni tại Syria bằng cách lật đổ chế độ al Assad, một nhánh Allawite của hệ phái Shia thân Iran thì gặp sự cản trở của một đối thủ xa xưa là nước Nga. Nhưng Thổ không đứng một mình vì là thành viên của NATO, là đồng minh của Hoa Kỳ và có quan hệ chặt chẽ với các nước Đông Âu chống Nga.

Thành thử, ngoài bài toán khủng bố, di dân và mầm loạn vì lý do tôn giáo, ta còn thấy bài toán địa dư chính trị trong trận đụng độ Nga-Thổ. Trong trận thế xen kẽ rất nhiều động lực phức tạp, hiểu ra ưu tiên của từng phe vào từng lúc cũng là điều khó.

Chẳng hạn như đã có lúc các nước liên hệ bàn đến một giải pháp chính trị cho Syria: lãnh tụ Bashar al Assad rút lui mà không bị thảm sát hay truy tố trước Tòa án Quốc tế tại The Hague, để các nước thiết lập một chính quyền liên hiệp nhiều thành phần Hồi giáo. Mục tiêu là ổn định Syria để giải trừ mối nguy ISIL. Nhưng bây giờ, sau khi phi cơ Nga bị lực lượng võ trang Thổ bắn hạ, có khi hai phi công đã bị họ sát hại, Chính quyền Putin khó chấp nhận đại diện của lực lượng võ trang này trong hội nghị quốc tế về Syria. Putin mà tỏ ra mềm yếu thì bị nguy ở nhà!

Nhờ vậy, ISIL vẫn sống khi các kẻ thù bắn vào nhau.

Trong khi chờ đợi một giải pháp chính trị quốc tế thì tại chỗ, súng đạn vẫn có chức năng giải quyết qua tàn phá. Thổ nhất quyết yêu cầu thiết lập vùng cấm bay ở phía Bắc Syria làm vùng trái độn chống ISIL và cũng là nơi tạm cư nạn dân Syria. Đồng thời, Ankara triệt để yểm trợ các lực lượng võ trang ngưởi Thổ chống chế độ al Assad tại Damascus và canh chừng sự lớn mạnh của dân Kurd.

Dù có lần lữa nói lảng, Chính quyền Barack Obama cũng đang cần một nước Thổ mạnh mẽ tham gia việc diệt trừ ISIL và ổn định được miền Bắc Syria. Vì vậy, Obama tuyên bố là Ankara có quyền tự vệ mà vẫn ra giọng chủ hòa, kêu gọi đôi bên xuống thang chiến tranh.

Quân đội Mỹ và Nga thi đã có thỏa thuận về thông tin để các phi cơ của mình khỏi bắn vào nhau, nước Thổ thì không và lần này không chịu lép.

Những ưu tiên ấy gây khó cho Putin, là người chẳng thể lùi tại Syria. Ông đã ra lệnh cho chiến đấu cơ từ nay sẽ tháp tùng các oanh tạc cơ truy kích các lực lượng võ trang chống al Assad. Có gì là phải nổ súng! Trên vùng trời có quá nhiều máy bay như vậy, một vụ đụng độ Nga Thổ nữa là điều rất dễ xảy ra.


_____

Kết luận ở đây là gì?

Từ hai tháng qua, người ta thấy Putin có vẻ quả cảm vì lâm trận để bảo vệ các chư hầu tại Syria, Iran và Beirut cho tới khi chuyến bay Metrojet của Nga bị ISIL cho nổ tung trên đất Ai Cập. Lần này, sự quả cảm ấy của Putin lại bị Thổ bắn hạ.

Phản ứng quyết liệt của Thổ khiến người ta tự hỏi về sức mạnh của NATO. Điều 5 Hiến chương NATO quy định là khi một thành viên bị tấn công thì cả Minh ước phải bảo vệ. Nếu Putin lại bày tỏ sự quả cảm và liều lĩnh với nước Thổ thì NATO sẽ làm gì?

Nhức đầu và nhức tim!