Nguyễn-Xuân Nghĩa
Người em tôi đã đi xa hơn tôi...
* Võ Hoàng (1952-1987) *
Đáng lẽ, văn học hải ngoại đã có một tác giả độc đáo. Đó là
Võ Hoàng.
Nhưng, anh không muốn vậy. Và định mệnh lẫn sự hẩm hiu của
văn học thời loạn cũng chiều lòng anh. Võ Hoàng trở thành một kháng chiến quân
đã hy sinh vào một ngày tháng Tám năm 1987. Tôi viết những giòng này để nhớ tới
Võ Hoàng như một nhà văn và một người anh em….
Tôi gặp Võ Hoàng trước khi biết đến và gia nhập Mặt Trận
Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, để rồi cùng anh tham gia tổ chức này.
Gặp anh, tôi biết mù mờ rằng Võ Hoàng Oanh sinh năm 1952 tại Phú Quốc, gia nhập
Hải Quân và bị tù cải tạo. Mù mờ vì anh em gặp nhau lúc đó thì có bao giờ hỏi
han mấy chi tiết vớ vẩn về cuộc đời ngày xưa? Sau này mới biết rõ hơn và quý trọng nhau
hơn.
Qua Lý Khánh Hồng, tôi gặp Võ Hoàng khi mình mới từ bên Pháp đến Mỹ. Lúc
đó, vào mùa Thu năm 1982, cùng với Tưởng Năng Tiến, Thượng Văn, Lôi Tam và Lý
Khánh Hồng, Võ Hoàng thực hiện Tạp Chí và Cơ Sở Xuất Bản Nhân Văn. Thời đó,
trong sự đổ vỡ chung của niềm tin lẫn nỗi hoang mang trên cõi tạm dung, Nhân
Văn thực sự đã có những đóng góp không nhỏ về cả mặt văn học lẫn lý luận. Vào
năm 1982, chúng tôi gặp nhau ở đó cùng một số văn hữu khác và tôi giật mình ở
con người Võ Hoàng. Anh ít nói, thường có cái vẻ miễn cưỡng của người hiện diện
ở một nơi không nên. Anh có cái vẻ miễn cưỡng của kẻ đã lỡ sống sót sau một
thảm kịch lớn cho những người kia, những người không may đã khuất.
Nói về cái tên Oanh của anh, chúng tôi luận bàn về hai chữ
chiến tranh và hòa bình. Tên anh không có cái nghĩa lãng mạn của một giống
chim, mà là tiếng chuyển động ầm ầm. Của xe nhà vua như tôi nói đùa, hoặc, nói
trong tiếng cười kín đáo của Võ Hoàng, tiếng chiến xa.
Võ Hoàng là người kỳ tài trong số những người tôi đã được
gặp. Viết ra điều mình đã nghĩ từ bao lâu nay, tôi lại thấy ngậm ngùi.
Anh viết Trong Lòng
Cách Mạng để ghi lại kỷ niệm ở quê nhà, những điều mắt thấy, tai nghe (và
cả tay làm) sau ngày 30 tháng Tư 75. Anh vượt biên năm 1978 đến Úc sau khi đã
lao vào hoạt động mệnh danh “Phục Quốc” ở quê nhà. Tù cải tạo ra, anh đi rải
truyền đơn cho tới khi bị truy lùng thì phải chạy. Đọc Trong Lòng Cách Mạng, người ta có thể lờ mờ đoán ra điều đó. Qua Góc Bể Bên Trời, Võ Hoàng viết về chuyến
vượt biên ly kỳ của mình thì ít mà về thân phận lưu đày của chúng ta thì nhiều.
Đọc tác phẩm, ta càng hiểu đứa con của Phú Quốc là tay đi biển thành thạo, và
càng thấy ở Võ Hoàng những dấu hiệu của một tài năng lớn, mà có lẽ anh cũng
chẳng biết, hoặc bất cần.
Ở anh, chỉ thấy toát ra một sự cô đơn.
Hai tập truyện Măng
Đầu Mùa và Đất Lạ viết cùng Tưởng
Năng Tiến có thể phản ảnh những trăn trở đó của anh khi phải sống đời tỵ nạn.
Thân ở đây mà hồn cứ như ở nơi đâu xa lắc. Gia đình anh vượt biên sau anh. Anh
mừng vì đoàn tụ với gia đình nhưng vẫn bơ vơ vì chưa đoàn tụ với quê hương.
Thấy gia đình tới nơi yên lành rồi thì Võ Hoàng thở ra nhẹ nhõm: Đã có thể lại
lao vào cuộc khác, để trở về.
Võ Hoàng có lối viết của một nhà văn miền Nam, với cái nhìn
sắc bén thâm trầm của người miền Trung.
Hãy đọc lại cuốn truyện dài Góc Bể Bên Trời, hoặc truyện ngắn Khách Thập Phương trong tập truyện Đất Lạ, cái đoạn mô tả cảnh một vị sư rót ra ba chung trà xếp thành
hình chữ “phẩm” để mời khách, thì ta sẽ thấy nét tinh tế đó trong văn Võ Hoàng.
Lối viết với đầy đối thoại, cứ tưởng như rời rạc, nhát gừng, mà bên trong đầy
ắp những suy tư chỉ chực trào ra ngoài, những cuồng nộ không thể nguôi ngoai và
sẽ bùng ra thành hành động.
Võ Hoàng thạo nghề sông nước, rất giỏi võ, khéo tay, có thể
làm thợ nề thợ mộc như đã học từ bé. Anh vẽ thần sầu, làm thơ cũng hay mà viết
nhạc cũng giỏi. Những anh em làm báo mà có Võ Hoàng bên cạnh là thấy nhẹ người.
Anh có thể cưa đẽo nhà dưới làm kệ sách rất mỹ thuật, rồi lên nhà trên giúp cho
tờ báo về mọi mặt. Nơi này cần cái vignette
là anh ngoáy bút ra một cái, nơi kia cần “mi” lại cho chỉnh, thời đó chúng ta chưa dùng chữ lay-out, là cũng có Võ Hoàng. Thời đó
nữa, chúng ta còn phải dùng cái máy “Varytyper”
nặng như cái cùm, in bài ra giấy còn phải lấy bút bỏ dấu, Võ Hoàng bỏ dấu rất
gọn. Anh ít nói, bập bập điếu thuốc sau cặp kính hấp háy, nhưng khi nói là có
giọng duyên dáng mà không ác, và làm gì cũng có vẻ như sợ làm phiền người khác.
Võ Hoàng là người cực kỳ tài hoa mà lúc nào cũng có vẻ vụng
về, nếu ta không để ý thấy đôi mắt rất sáng của anh. Anh nói ít mà hiểu nhiều
bên sau cái dáng quê kệch của người mới ra tỉnh. Anh chí tình và tận tụy với
trách nhiệm, bất kể lớn nhỏ. Ông Hoàng Cơ Minh sau này trông cậy rất nhiều nơi
anh là cũng phải.
Chúng tôi kết bạn với nhau như vậy, cho tới ngày Võ Hoàng
gia nhập Mặt Trận và thôi gọi nhau là anh em mà là “chiến hữu.” Anh đã tìm được
con đường muốn đi ngay từ khi bỏ nước ra đi. Đó là con đường về. Võ Hoàng trở
thành “kháng chiến quân” khi đi vào chiến khu của Mặt Trận từ tháng Năm, năm
1984. Gặp lại anh sau đó, trong một vài lần hãn hữu và không khí kém vui của
một sự rối loạn bên trong, tôi gặp một con người khác.
Bắc Phong có viết một bài thơ tặng Võ Hoàng, trong đó có câu
mà chúng tôi nhớ mãi:
Đi, hành trang có niềm tin,
Quyển thơ Nguyễn Trãi và hình vợ con.
Quyển thơ Nguyễn Trãi và hình vợ con.
Sau này, rất lâu sau này, vào tháng Sáu năm 1989, khi đi tới
tận cùng của chiến khu để tìm lại tông tích của anh, tôi gặp lại và đi lại con
đường anh mô tả trong bài ca Thế Kỷ Này
Là Thế Kỷ Của Chúng Ta mà anh sáng tác trong đó:
Cách mạng, đường dài,
Người đi như con nước miệt mài.
Đổ mồ hôi thành dòng,
Loang theo dấu chân thành những con đường làm nên kháng chiến,
Ta đi, ta đi, ta đi…..
Người đi như con nước miệt mài.
Đổ mồ hôi thành dòng,
Loang theo dấu chân thành những con đường làm nên kháng chiến,
Ta đi, ta đi, ta đi…..
Con đường đó vô cùng gian nan, nguy hiểm, và đòi hỏi một ý
chí sắt thép, mà đổ mồ hôi thành dòng mới chỉ là một phần rất nhỏ của những
gian truân. Phần còn lại, trên đoạn đường Mặt Trận gọi là “Đông Tiến,” mới có
những đòi hỏi khắc nghiệt hơn, kể cả đổ máu. Võ Hoàng đã hy sinh như vậy, trong
một cuộc quần thảo bi thảm mà hào hùng ít ai có thể mường tượng ra.
Vào chiến khu của Mặt Trận, Võ Hoàng trở thành một người
cộng sự thân tín của ông Hoàng Cơ Minh. Anh thoát xác đến nỗi anh em Nhân Văn và cả
tôi, những anh em chí thiết khi anh chưa gia nhập Mặt Trận, cũng không ngờ nổi.
Tinh thần kỷ luật nơi đó biến anh thành con người khác, bình thản, nhẫn nhục và
lầm lỳ như một mũi tên chỉ chực bắn ra phía trước. Mũi tên bay đi không nhờ lực
đẩy ở đằng sau, mà vì sức hút của mục tiêu ở đằng trước, một mục tiêu mà mọi
người chúng ta đều mơ ước.
Khi Võ Hoàng viết một lá thư kêu gọi các văn hữu cùng tham
gia vào việc đấu tranh, rất nhiều anh em ngoài này không hiểu được tâm tư và ý
chí đó của anh, nên có thể thấy ngỡ ngàng, có khi khó chịu. Anh sắt thép quá,
trông chờ nhiều quá, chỉ vì đòi hỏi quá nhiều ở chính anh. Và cái đòi hỏi sau
cùng, là sự hy sinh tuyệt đối nhất, anh cũng không từ nan. Nếu có đọc lại hoặc
nhớ lại lời kêu gọi đó của Võ Hoàng, vào mùa Thu năm 1984, và biết rằng anh sẽ
hy sinh đúng ba năm sau, chúng ta sẽ thông cảm với anh hơn, và thương tiếc
nhiều hơn. Hình như tôi đang viết những dòng này để kêu gọi sự thông cảm đó.
Nếu như Võ Hoàng còn sống, và trong hoàn cảnh hiện nay của
đất nước, chắc chắn anh vẫn tiếp tục đấu tranh, nhưng với những phương tiện mới
trong một phương thức mới, một phương thức đòi hỏi sự sáng tạo, linh động và
tính kiên nhẫn lẫn bao dung mà anh có thừa. Và văn học hải ngoại chắc chắn vẫn
có Võ Hoàng.
Nếu đất nước ta thanh bình, điều chưa hề có từ bao lâu nay
rồi, một con người tài hoa và lý tưởng như Võ Hoàng có lẽ đã cống hiến rất
nhiều cho văn học và nghệ thuật nước nhà. Với sức làm việc kinh hồn và óc nhận
xét tinh tế cùng khả năng diễn tả rất đa diện, Võ Hoàng đã có thể là một nhà
văn có ảnh hưởng trong chúng ta ở nơi đây. Anh mất quá sớm, khi mới 35 tuổi,
vào lúc sung sức nhất, sáng tạo nhất, để lại một sự tiếc thương khó nguôi ngoai
trong bằng hữu, và một tiếng thở dài bất tận trong chúng ta, về hai chữ vận
nước.
____
Một người như vậy mà đi làm "kháng chiến giả"?
Quý bạn đọc có thể tìm lại các tác phẩm của Võ Hoàng từ
https://gocbebentroi.wordpress.com/2011/06/27/nhovohoang/
Người viết đã tìm lại được bài năm xưa của mình trên đó và xin có lời tri ân người thực hiện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét