... trong một đời trăn trở và trong nỗi
cô đơn của người sáng tác, Võ Phiến không đi một mình!
* Bà Viễn Phố - Võ Phiến trong buổi ra mắt sách Võ Phiến *
Kính thưa bà
Võ Phiến,
Kính thưa
quý vị,
Chúng ta vừa
qua tuần 49 của một cây bút đã để lại một di sản đồ sộ cho văn học Việt Nam,
không, có lẽ phải nói là cho văn hóa Việt Nam ở trong và ngoài nước, vắt ngang
thế kỷ 20 qua thế kỷ 21.
Trong số bằng
hữu hay văn hữu được lên phát biểu hôm nay, tôi có vị trí duy nhất mà mình đáng
ghi ơn, là “người tiêu thụ”, người đọc, hơn là một văn hữu. Và dù đã đọc đi đọc
lại Võ Phiến, tôi lại học “được cách đọc Võ Phiến”.
Có thể do
méo mó nghề nghiệp của một người chuyên ngành kinh tế, xưa nay, tôi vẫn coi trọng
khả năng suy nghĩ độc lập, nôm na là khỏng để bị người khác chi phối nhận thức
của mình. Vậy mà khi đọc Võ Phiến, nhiều lúc tôi như trẻ đi lạc, chẳng biết đường
ra hay đường vào nữa. Rồi cứ miệt mài trong cõi lạc ấy vì tìm thấy lạc thú, đâm
ghiền Võ Phiến.
Thế rồi hôm
nay, nhân dịp tưởng nhớ và cầu kinh cho Võ Phiến, chúng ta lại có hai tác phẩm
được ra mắt.
Người đầu tiên tôi xin được kính cẩn cảm tạ là Nguyễn Hưng Quốc.
Ông cho phép tái bản cuốn
Võ Phiến của ông, với tiểu tựa là “Một Đời Trăn Trở”. Và còn cho phổ biến cả
trăm bức thư viết tay của Võ Phiến trong khoảng thời gian hai chục năm, từ 1991
đến lá thư cuối được ghi nhận là vào năm 2003, với sự biên tập và ghi chú công
phu của ông để hướng dẫn người đọc là chúng ta, những người còn lại, hiểu thêm
về di sản từ một đời trăn trở của Võ Phiến.
Khi cầm lấy
hai cuốn sách này để đọc, tôi chưa có cơ hội thưởng ngoạn – sau này thì có, khi
đọc lại. Tôi mới chỉ đọc để hiểu thêm và khi ấy mới thấy cái gọi là “khả năng
suy nghĩ độc lập” của mình là chuyện tao lao!
Không có sự
dẫn dắt của Nguyễn Hưng Quốc - kể cả khi ông nhắc đến những người đã tìm hiểu
và giải thích từng chi tiết về phong cách Võ Phiến, như Đặng Tiến, Võ Đình hay
Nguyễn Hiến Lê – có lẽ bản thân tôi không thể thấy hết về Võ Phiến. Muốn suy
nghĩ độc lập thì còn phải có những hiểu biết tối thiểu. Con người, cách viết,
cách nghe, cách nói và cách sống và cả cách ngửi của Võ Phiến quá phức tạp tinh
tế, cho nên sự hiểu biết tối thiểu này quả là tối thiểu. Tức là không đủ.
Vì vậy mới
có lời cảm tạ Nguyễn Hưng Quốc.
Qua sự dẫn dắt
của Nguyễn Hưng Quốc, được kiểm chứng lại khi mình đọc “Thư Võ Phiến”, chúng ta
có thể dựng lên bốn bức vách phân biệt năm khía cạnh của Võ Phiến, là 1) nhà lý
luận văn học, 2) nhà phê bình văn học, 3) nhà tạp luận, 4) nhà tùy bút, 5) nhà
viết truyện. Nhiều người mà được là một nhà đó thì cũng đã may lắm rồi!
Võ Phiến gồm
thâu cả năm ngón tài hoa của một bàn tay xuất chúng.
Thế rồi
xuyên qua từng bức vách ấy, mình mới thấy ra một đời trăn trở của Võ Phiến!
Ông từng làm
chúng ta đọc đi đọc lại, có khi như bản thân tôi phải cao tiếng đọc một mình và
ngắt câu ngắt giọng cho đúng, thì mới càng bật cười về nét tinh quái của ngòi
bút Võ Phiến. Vậy mà yếu tố chạy dọc nét tài hoa tinh quái ấy lại là sự trăn trở!
Vì vậy, mấy đêm đọc đi đọc lại hai cuốn sách xuất hiện hôm nay, tôi nghe tiếng
thở dài – của chính mình.
Nếu có phải
tìm ra cái lý của sự trăn trở ấy, có lẽ tôi chú ý nhất đến khái niệm “nghĩa cử”.
Lạ thật,
trong văn học hay nói chung trong nỗ lực sáng tác của một nghệ sĩ thì làm sao lại
có chuyện đạo lý là “nghĩa cử”? Sướng là viết, là vẽ hay hát hỏng thôi, chứ làm
gì có chuyện nghĩa cử, là một ý vị tha, vì người khác, cho người khác?
Thuần về lý,
khi chúng ta đã mất hết sau biến cố 75 mà ở hải ngoại Võ Phiến cố thu thập những
gì còn lại của Văn học Miền Nam thì đấy là một nghĩa cử cho văn học, cho chúng
ta. Nhưng trước đó và sau này, trong và ngoài phạm vi phê bình văn học, Võ Phiến
luôn luôn quan sát, tìm tòi và viết lại với sự ân cần. Ông ân cần theo dõi cách
chúng ta ăn uống, reo hò, chợ búa, múa may hay viết lách là để diễn tả từng
khía cạnh sinh hoạt của xã hội chúng ta, ở trong và ngoài nước, hầu sau này hậu
thể khỏi quên.
Trong ý
nghĩa đó, Võ Phiến là một nhà xã hội học chí tình.
Người ta có
thể lầm tưởng Võ Phiến đau đáu âu lo, rằng với sự tiến hóa của văn minh hay kỹ
thuật, sau này, có mấy ai còn đọc? Và nếu người đọc càng ngày càng ít, thì mấy
ai còn đọc Võ Phiến, như tiếng than của Nguyễn Du trong câu “bất tri tam bách dư niên hậu”?
Cũng vậy,
chúng ta có thể thấy sự trăn trở của Võ Phiến về cách viết trong sự xoay vần cải
tiến của văn học thế giới và Việt Nam - từ thời lãng mạn đến “hậu hiện đại”,
v.v. - và về việc Võ Phiến luôn luôn làm
mới văn chương. Nhưng ông không hô hào hay mở ra phong trào này nọ. Ông lẳng lặng
tự cải tiến, viết truyện ngày càng ngắn hơn, làm thơ nôm na mà siêu hình hơn.
Ông theo kịp thế giới để ghi chú lại những nổi trôi của xã hội, và với Võ Phiến,
nếu người đời còn đọc ông thì chẳng vì cái danh cho mình mà vì cái lợi cho người,
là ghi nhận lại nét sinh hoạt và sáng tác của con người.
Ông giúp
chúng ta trở thành văn minh hơn vì không nhìn vào chính mình như trong một tấm ảnh
mà qua một cuốn phim. Đấy là cái gốc của sự trăn trở, xuất phát từ một nghĩa cử,
là mối từ tâm.
Thưa quý vị,
nhiều người Mỹ tài hoa khi phải truyết trình một đề tài thì hay khởi đầu bằng
cách nói về chính mình với sự chế diễu. Chúng tôi không được như vậy, mà vẫn
xin nói về chính mình, qua một lá thư của Võ Phiến.
Trong mươi năm qua, có lẽ tôi đã dọn nhà chục lần và quăng dần hết sách vở. Duy có lá thư này thì vẫn còn giữ mãi. Tôi xin được đọc lại nơi đây lá thư với nét viết nghiêng rất bay bướm của Võ Phiến:
“Kính gửi anh Nguyễn Xuân Nghĩa – xin quý vị để ý đến chữ “kính” ông
dành cho một người kém mình gần hai chục tuổi.
“Bốn bài viết của anh về khóa giảng
hàng năm của đức Đạt Lai Lạt Ma tại Dharamsala đọc thật thích thú. Cộng đồng
lưu vong Tây Tạng không đông mấy mà họ có những hoạt động lớn lao, có nhân vật
lãnh đạo tuyệt vời.
Tôi xin được
giải thích vì sao lại gửi cho Võ Phiến bốn bài viết của một kẻ sơ cơ mới chỉ đứng
ở cổng chùa nghe kinh. Quỳnh Giao và bản thân tôi nghĩ rằng xưa nay Võ Phiến chỉ
nghĩ và viết mà ít quan tâm đến lẽ tử sinh, nhưng tới cuối đời thì cũng có lúc tự
hỏi là sau đó mình là gì, đi đâu? Tôi nhớ đến một thành ngữ Tây Tạng: “Chúng ta chẳng biết ngày mai và kiếp sau,
cái gì sẽ đến trước!” Vì vậy hai đứa có ý gợi trí tò mò để ông bình thản
nhìn vào chuyện tử sinh chắc chắn sẽ tới.
Quả nhiên là
Võ Phiến có phản ứng!
“Bị anh kích thích… dữ dội, tôi tò mò xông qua cuốn “Sleeping, Dreaming & Dying”. Chắc tôi sẽ bị ngập ở đây lâu dài! Hơn một năm nay tôi bị suy nhược thêm nhiều. Đọc mau mệt, suy nghĩ càng mau mệt hơn. Coi bộ gần cái Dying lắm! Cho nên lân la bên sách này cũng hợp tình hợp cảnh.
“Bị anh kích thích… dữ dội, tôi tò mò xông qua cuốn “Sleeping, Dreaming & Dying”. Chắc tôi sẽ bị ngập ở đây lâu dài! Hơn một năm nay tôi bị suy nhược thêm nhiều. Đọc mau mệt, suy nghĩ càng mau mệt hơn. Coi bộ gần cái Dying lắm! Cho nên lân la bên sách này cũng hợp tình hợp cảnh.
“Xin thâm tạ thịnh tình của anh chị.
Ký tên Võ
Phiến.
Lá thư đề
ngày 25 Tháng Sáu năm 2007. Nơi viết thư là Santa Ana, miền Nam Cali.
Nhưng thưa
quý vị, dưới chữ ký còn có hai chữ tắt trong ngoặc đơn: (VP & VP)
*
Kính thưa chị Võ Phiến,
Ngay cả
trong một lá thư ngắn cho lũ hậu sinh, anh Võ Phiến vẫn có chị ở bên cạnh. Sự
ân cần ấy là nét đẹp nhất của tình yêu vì trong một đời trăn trở và trong nỗi
cô đơn của người sáng tác, Võ Phiến không đi một mình! Xin tri ân người đã đi
cùng Võ Phiến và cho đời sau một di sản không thể mất.
____
Phát biểu tại buổi ra mắt sách về Võ Phiến sau tuần 49 của nhà văn.
Trụ Sở Việt Báo, ngày 22 Tháng 11, 2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét