Thứ Ba, tháng 11 03, 2015

Nước Tầu Biến Pháp



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt ngày 151102
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"


Tập Cận Bình Dưới Xiêm Áo Từ Hy   


* Nửa chừng xuân thoắt gẫy cành! * 



Chúng ta đều biết lãnh đạo của Trung Quốc đang phải cải tổ hệ thống cai trị sau hơn ba chục năm tăng trưởng kinh tế được coi là ngoạn mục nhất của lịch sử xứ này. Lẽ thành bại của việc “biến pháp” ấy không chỉ liên hệ đến hơn một tỷ người dân tại Hoa lục mà còn ảnh hưởng đến kinh tế thế giới và an ninh trong khu vực Đông Á. 

Trước hết, xin nói về đà tăng trưởng ngoạn mục.

Sau 30 năm hoang tưởng chết người của Mao Trạch Đông, từ 1949 đến 1979, Trung Quốc chỉ thật sự chuyển hướng và cải cách từ năm 1980 trở về sau. Thuần về kinh tế, chiến lược áp dụng khi đó là học từ Nhật Bản vào thập niên 50, từ Nam Hàn, Đài Loan và Singapore vào thập niên 1960, hoặc sâu xa hơn, từ nước Phổ vào cuối thế kỷ 19. Với một dân số rất đông, lại có lợi thế của một nước đi sau tiếp nhận được kinh nghiệm và kỹ thuật của các nước đi trước, Trung Quốc công nghiệp hóa rất nhanh. Đế quốc Anh mất hai trăm năm, Hoa Kỳ mất trăm năm, Nhật Bản mất nửa thể kỷ và Trung Quốc mất ba chục năm, để từ nay sẽ bước lên một hình thái tổ chức và sản xuất có giá trị cao hơn, cũng như các láng giềng Nhật Hàn đi trước….

Nhưng ngoài lợi thế đông dân và có một vựa người từ thôn quê đổ ra tỉnh kiếm việc trong mấy chục năm qua, Trung Quốc bị nhược điểm về địa dư hình thể là sự khác biệt quá lớn giữa các tỉnh duyên hải hướng ngoại và cả một khu vực rộng lớn bị khóa trong lục địa mà thể chế chính trị tập quyền không thể giải quyết được từ hai chục năm qua.

Nhược điểm thứ hai là xứ này có đà tăng trưởng thiếu phẩm chất nên gây ô nhiễm, bất công và đào sâu thất quân bình giữa các tỉnh trong ngoài, giữa nông thôn với thành thị. Giới lãnh đạo thuộc thế hệ thứ tư, như Hồ Cẩm Đào, Ngô Bang Quốc và Ôn Gia Bảo có ý thức được những nhược điểm ấy mà cải sửa không nổi.

Thế rồi, Trung Quốc lại lãnh một mối họa ngoại nhập là vụ khủng hoảng 2008 và nạn Tổng suy trầm 2008-2009.

Hệ thống cai trị và quản lý kinh tế lật đật đối phó bằng liều thuốc đổ bệnh là ào ạt bơm tín dụng nên chất lên một núi nợ kỷ lục trong một thời gian rất ngắn. Thế hệ thứ năm lên lãnh đạo từ Đại hội 18 vào cuối năm 2012 cũng tiếp tục chiều hướng quản lý cũ là can thiệp vào thị trường và bơm thêm tiền nên thổi lên trái bóng địa ốc. Khi bóng xì từ Tháng Ba năm 2014 thì lại bơm tiền vào thị trường cổ phiếu dẫn đến cái họa bể bóng nữa vào Tháng Bảy vừa qua trong khi đà tăng trưởng sẽ không thể ở mức hai số như vào giai đoạn khởi phát….

Vì kinh tế cũng là chính trị, muốn tìm hiểu về khả năng ứng phó và cải cách sắp tới của lãnh đạo Bắc Kinh, chúng ta phải trở lại vấn đề then chốt là hệ thống cai trị.

Nhiều người có thể cho rằng hệ thống chính trị của Trung Quốc rất khó cải sửa và chuyển hướng kinh tế vì không áp dụng nguyên tắc dân chủ. Sự thật thì chế độ dân chủ không có giải pháp thần diệu mà chỉ có ưu thế là cho xã hội quyền chọn lựa giải pháp thay thế, và giải pháp ấy không nhất thiết là có hiệu quả. Các tấm gương đi trước của Trung Quốc, như nước Phổ, Nhật, hay Nam Hàn, Đài Loan và Singapore cũng chưa hẳn là chế độ dân chủ toàn hảo vì một đảng giữ độc quyền quá lâu, điển hình là nước Nhật ngày nay với đảng Tự Do Dân Chủ LDP.

Một số người khác thì nhìn từ giác độ kinh tế mà cho là chế độ tập trung kế hoạch của Liên bang Xô viết hay Trung Quốc thời Mao đã thất bại và sụp đổ vì không có ưu thế của kinh tế thị trường. Lý luận ấy hàm chứa một kết luận thú vị là Chiến tranh lạnh kết thúc và chủ nghĩa cộng sản thảm bại không vì nguyên tắc dân chủ mà nhờ chủ nghĩa tư bản. Khi Bắc Kinh áp dụng một phần của chủ nghĩa tư bản đó thì quả nhiên cũng tạo ra phép lạ, y như các nước tân hưng hay rồng cọp Đông Á mà thế giới ngợi ca cách nay ba chục năm.

Như vậy, nguyên tắc dân chủ hay tư bản chủ nghĩa mới là động lực then chốt cho thịnh vượng và chuyển hóa để cải thiện cuộc sống con người qua từng giai đoạn phát triển? Sự thật có khi nằm đâu đó ở nơi khác. Phải chăng hệ thống cai trị mới là yếu tố quyết định?

Kinh nghiệm Đông Á từ 70 năm qua cho thấy một hệ thống cai trị không hẳn là dân chủ vẫn có thể tôn trọng quyền sở hữu của tư nhân, quyền tự do sáng tạo để cạnh tranh thành công và cải thiện được mức sống của người dân. Cũng vậy, một “chính quyền mạnh” với bộ máy hành chánh công quyền liêm chính và độc lập cũng có thể tiếp cận và xâm nhập vào xã hội dân sự để điều hướng cả nước vào một phương án trường kỳ - từng bước tiến lên một hình thái tổ chức và sản xuất có giá trị cao hơn - mà không bị những tính toán cục bộ và nhất thời về bầu cử chi phối nên có thể là giải pháp ít tệ nhất. Lãnh đạo Bắc Kinh không thể không biết về các giải pháp hay lý luận nói trên.

Mà họ không áp dụng được chính là vì hệ thống cai trị mang 1) màu sắc Trung Hoa và 2) nhuốm mùi cộng sản.

Các nước Đông Á đã khởi phát và thành công là trong bối cảnh Chiến tranh lạnh dưới sự bảo vệ của Hoa Kỳ. Việt Nam là một ngoại lệ bi thảm nhờ thành tích cộng sản! Trung Quốc cũng đã có lợi thế tương tự từ năm 1980 vì sự suy sụp của đối thủ đáng ngại nhất là Liên Xô. Và cũng nhờ Hoa Kỳ.

Tình hình ngày nay đã đổi khác vì Trung Quốc phải công nghiệp hóa và đô thị hóa một quốc gia có quá nhiều mâu thuẫn nội tại và “chưa giàu mà đã già”, “chưa hùng mà đã hung”, lãnh đạo xứ này đang gây ra nguy cơ Chiến tranh lạnh mới vì rơi vào truyền thống Trung Hoa bá quyền. Từ ngàn xưa, quốc gia này tự xưng là trung tâm thiên hạ và coi các nước vây quanh là chư hầu, cho đến khi lụn bại từ giữa thế kỷ 19. Một trăm năm sau thì họ thống nhất vào năm 1949 rồi quật khởi dưới lá cờ cộng sản.

Ưu thế cộng sản có thể giúp lãnh đạo xứ này đi tắt và nhảy vọt bằng chủ nghĩa tư bản nhà nước. Hoặc ngang nhiên can thiệp vào nội tình xứ khác dưới thời Mao Trạch Đông qua các “phong trào giải phóng”, hay bành trướng lãnh thổ và lãnh hải như trong hiện tại. Nhưng Trung Quốc chưa có hệ thống cai trị cần thiết và thích hợp cho một cường quốc của thế kỷ 21.

Trung Quốc không có một nhà nước mạnh vì không có một bộ máy hành chánh liêm chính và độc lập tương tự như các nước Đông Á vây quanh. Lý do là đảng mới quyết định về việc thăng quan tiến chức cho các đảng viên và cán bộ, cho nên hệ thống đảng trở thành trung tâm của hiện tượng tư bản thân tộc và là hậu phương mờ ảo của tham nhũng. Tập Cận Bình đã muốn cải sửa hệ thống cai trị ấy bằng chiến dịch diệt trừ tham nhũng, tức là giải quyết ở ngọn, không ở gốc.

Chiến dịch ấy dẫn tới hiện tượng thanh lọc đảng viên tham ô nhưng cũng thanh trừng đảng viên không cùng vây cánh và làm bộ máy hành chánh công quyền vốn dĩ bất lực lại càng tê liệt!

Cũng theo khuynh hướng cộng sản thời Mao, Tập Cận Bình cần tập trung quyền lực để chuyển hướng hay cải cách nên lập ra nhiều “tiểu tổ lãnh đạo”, từ an ninh đến kinh tế hay cải cách. Tức là trên thượng tầng của một hệ thống cai trị không có thực quyền về thuế khóa, xã hội hay chánh sách cải tổ, Tập Cận Bình đã gom hết quyền lực vào một thiểu số tay chân thân tín và mặc nhiên gạt ra ngoài các cơ chế như Quốc vụ viện (là Hội đồng Chính phủ, với Tổng lý là Thủ tướng Lý Khắc Cường), các chuyên gia am hiểu về kỹ thuật. Và còn cấm người dân nói về pháp quyền nhà nước, về một bộ máy tư pháp hay tòa án độc lập….

Ngày xưa, Vương An Thạch đã muốn cải cách để cứu nước Tống bằng chương trình “biến pháp” mà thất bại ê chề. Gần đây hơn, Từ Hy Thái Hậu cũng muốn củng cố quyền lực để cứu lấy nhà Đại Thanh mà khiến cho Mãn Thanh tiêu vong vào đầu thế kỷ 20.

Chúng ta đã qua thế kỷ 21 rồi. Nếu so sánh Tập Cận Bình với hai trường hợp trên, hình như chàng còn chuyên quyền và bảo thủ hơn bà Từ Hy. Chóng mặt! 


2 nhận xét:

  1. Rất hay. Chào thầy, gần đây có tin về Cộng đồng Kinh tế ASEAN AEC. Thầy có thể sắp xếp 1 cuộc phỏng vấn về vấn đề này để mọi người có thể rõ hơn về bối cảnh cũng như cụ thể về nội dung AEC nói trên trong các chương trình phỏng vấn của thầy. Cảm ơn thầy nhiều

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Suốt Tháng 10, tôi đã có bốn chương trình liên tục trên Kim Nhung Show của SBTN về các vấn đề chuyên môn này. NXN

      Xóa