Thứ Sáu, tháng 11 20, 2015

ISIL Muốn Gì?



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 151118


Tính toán của khủng bố và hậu quả bất ngờ cho Âu Châu


 * Giấc mơ đen của một bọn cuồng tín *



Con tim người viết đang chán đập mà cái thân lại chẳng thể theo ông bạn văn dọa đi Denver để “rửa tay gói kiếm” – tờ Xuân Việt Báo còn nằm chờ ở đó – nên ta bèn lẩn trốn vào một nơi lạ. Vào trong đầu của lực lượng ISIL, kẻ chủ mưu mấy đợt khủng bố vửa qua: chuyến bay Metrojet của Nga vào ngày 31 Tháng 10, vụ tàn sát tại Beirut ngày 12 Tháng 11, rồi vụ tấn công Paris vào Thứ Sáu 13. Tổng cộng khoảng 400 thường dân thiệt mạng.

Mà bản cáo phó còn có thể kéo dài….

***

Vì nghiệp vụ truyền thông, người viết này nhớ vài thời điểm trên cuốn lịch và vài địa điểm của tấm bản đồ.

Ngày 27 Tháng Chín, không lực Pháp bắt đầu oanh tạc nhiều mục tiêu của ISIL tại Syria. Ba ngày sau, 30 Tháng Chín, đến lượt Liên bang Nga nhập cuộc. Mà Nga và Pháp (cùng Âu Châu) đang có cái gân gà Ukraine và quyết định cấm vận của Âu Châu phải tái tục vào đầu năm tới. Cũng vảo thời điểm ấy, vụ khủng hoảng vì làn sóng tỵ nạn từ Syria đã làm các nước Âu Châu chấn động lụp chụp đối phó. Then chốt là chữ “lụp chụp” – hốt hoảng, rời rạc và không phối hợp.

Vì nghiệp vụ bình luận xuyên qua màn khói, người viết này nhớ là dưới lá cờ Thánh Chiến Jihad, hai lực lượng khủng bố là Al-Qaeda và ISIL có hai mục tiêu khác biệt.

Cùng xuất phát từ hệ phái Sunni, Al-Qaeda và các chi nhánh tự phát hay nội hóa, chủ trương xiển dương Giáo luật Sharia của đạo Hồi để lãnh đạo thế giới Hồi giáo và khai chiến với nền văn minh Thiên Chúa giáo cùng các nước Tây phương. Xin gọi tắt mục tiêu ấy là “ý thức hệ” và khủng bố là một phương pháp.

Xuất phát từ Al-Qaeda mà cực đoan hơn, ISIL cũng áp dụng phương pháp khủng bố để tiến tới việc tái lập một Đế quốc Hồi giáo, một Caliphate, để sẽ lãnh đạo Thế giới Hồi giáo rồi tiêu diệt những gì không thuộc đạo Hồi. Mục tiêu ấy đòi hỏi một lãnh thổ - là đất Syria, một phần của Iraq và Libya – và một dân số, là người Hồi giáo theo hệ phái Sunni. Xin tạm gọi mục tiêu đó là “xây dựng quốc gia”, có khác với mục tiêu “ý thức hệ” của Al-Qaeda. Chủ đích sau cùng của cả hai vẫn là sự thống trị của đạo Hồi, theo cách trích lọc và suy diễn cực đoan nhất.

Đồng Dinar vàng do ISIL vừa phát hành - trị giá 139 đô la, ngoại tệ mạnh nhất thế giới!



Khi ấy, ta thấy ISIL bị khủng hoảng!

Ít ai chú ý rằng từ cả năm nay, tổ chức này kêu gọi dân Sunni nên tìm về “quê hương” do họ đang kiểm soát, và ban phát phương tiện kinh tế trong mục tiêu “xây dựng quốc gia”. Vậy mà lãnh thổ của họ lại bị Mỹ, Pháp, Nga oanh tạc! Còn thần dân Sunni thì rùng rùng bỏ chạy và xin tỵ nạn tại Âu Châu. Làm sao lãnh đạo một lực lượng có tham vọng xây dựng Đế quốc Hồi giáo khi lãnh thổ lại lãnh bom và bị rút ruột là mất dân?

Tháng Chín lầm than và náo loạn của Âu Châu chính là cao điểm khủng hoảng của ISIL.

Vì vậy, tổ chức này cần trước hết trấn an các tay súng của họ: không thể để bị Mỹ, Pháp, Nga ào ạt oanh kích mà không trả đũa. Kế tiếp là phải cho bọn da trắng hung hăng ấy thấy rằng tấn công ISIL thì sẽ bị tổn thất. Chưa có khả năng biểu dương mục tiêu thứ hai ngay trên lãnh thổ Syria, họ gây tổn thất ở nơi khác: máy bay Nga trên không phận Ai Cập, thành phố Beirut của một nước Á Rập phản đạo và kinh đô ánh sáng Paris! Ba vụ khủng bố nhắm vào mục tiêu là gây hãi sợ trong dư luận Nga Pháp mà lãnh đạo phải chùn tay hay bỏ chạy.

Họ học kinh nghiệm của Al-Qaeda năm 2004 khi gài bom tại nhà ga Madrid, thủ đô Tây Ban Nha, vào ngày 11 Tháng Ba năm 2004 (vụ “11-M” sau vụ 9-11 tại Hoa Kỳ) khiến 191 người thiệt mạng, hơn 2050 bị thương. Kết quả là ba ngày sau, đảng trung hữu thất cử và đảng trung tả lên cầm quyền quyết định không đưa 1.400 binh lính tham gia chiến dịch tấn công Iraq do Hoa Kỳ khởi xướng.

Nghĩa là đánh cho chúng sợ mà chạy, trong khi củng cố niềm tin của quần chúng mình.

Nếu suy luận như vậy thì ta phải đặt giả thuyết là ISIL quyết định rất nhanh, nội trong Tháng 10. Và phải có mạng lưới nhân sự tỏa rộng với kỹ thuật tấn công tinh vi. Những tin tức tuần qua có vẻ như xác nhận giả thuyết ấy. Nhân sự gốc Bỉ, gốc Pháp thì đã có, một nhóm khủng bố tự sát tại Lebanon còn dễ có hơn, và đặt bom trong chuyến bay của Metrojet cất cánh từ Sharm el-Sheikh của Ai Cập lại còn dễ hơn nữa.

Điều đáng sợ là ISIL quyết định và thực hiện chuỗi khủng bố ấy trong có một tháng!

Nước Pháp lại bị một vụ 9-11 như Hoa Kỳ vì thiếu chuẩn bị? Câu hỏi ấy, xin tìm giải đáp ở nơi khác, nhưng phải làm chúng ta nghĩ rằng mục tiêu tấn công Hoa Kỳ như ISIL đã tuyên bố không là điều bất khả, nhất là vì nước Mỹ có bị bó tay khi hệ thống tình báo điện tử của NSA bị thu hẹp phạm vi theo dõi sau vụ tiết lộ đầy tính chất bội phản của Edward Snowden, nhân danh quyền tự do thông tin.

Nhưng, hậu quả bất lường của thành tích ISIL lại vượt xa toan tính của họ.

Nó gieo khủng hoảng trong khối Liên hiệp Âu châu, gây ra cuộc tranh luận tại Mỹ về quy chế tiếp nhận di dân từ Syria và làm cuộc tranh cử tổng thống đang rối beng lại thêm rối bời. Còn Tổng thống Barack Obama phải trổ tài hùng biện để khỏi thú nhận sự thất bại. Người viết này không tin rằng đám lãnh tụ ISIL lại trù tính được các hậu quả tầy trời ấy.

Trong nội tình Âu Châu, hai nước láng giềng Pháp-Bỉ thì gián tiếp trách cứ nhau về khả năng nội an và kiểm soát biên giới. Âu Châu mang nhục vì nhiều hung thủ của vụ tấn công Paris lại tổ chức và thao dượt nghiệp vụ ngay tại thủ đô Bruxelles của Liên Âu. Nước Đức thì lúng túng sau vụ khủng hoảng Euro vào Tháng Sáu thì lãnh khủng hoảng di dân vào Tháng Chín, kết thúc với vụ Paris Tháng 11. Lý tưởng tự do vận chuyển và di trú cùng nhu cầu hội nhập do Thủ tướng Đức Angela Merkel chủ trương đã bị đạn lạc, bản thân bà đang bị chống đối ngay trong liên minh cầm quyền.

Tai hại hơn vậy, một thể hiện pháp lý của ước mơ tự do vận chuyển người và vật là Hiệp ước Schengen có thể bị thu hồi sau 20 năm ra đời.

Cùng với Quy định Dublin về quy chế tiếp nhận người tỵ nạn, Hiệp ước Schengen đề ra một thế phân công: các nước ở vòng ngoài của tập thể sẽ kiểm soát biên giới cho các nước nằm trong. Ai vào được rào ngoài là có tự do di chuyển ở bên trong. Nghĩa là 26 quốc gia thành viên trao quyền kiểm soát biên giới xứ mình cho xứ khác. Ngay sau vụ khủng bố tại Paris nhiều nước đã lập tức tăng cường kiểm soát biên cương và mặc nhiên trở lại biên vực cũ….

Hòa Lan còn nhanh nhẩu nêu ra đề nghị là thành lập một Schengen thu hẹp, giữa năm nước là Hòa Lan, Bỉ, Luxembourg, Đức và Áo – mà không có nước Pháp. Âu Châu có khi sẽ thành bốn mảnh nhìn ra bốn hướng.

Hậu quả bất lường nhất từ hành động khủng bố của ISIL là làm cho dân tỵ nạn từ Syria bị các nước Tây phương chặn cửa. Các lãnh tụ ISIL đang muốn chiêu mộ dân Sunni cho lãnh thổ và Đế quốc của họ, mà thần dân không nghe cứ rùng rùng bỏ chạy! Nhưng nay dân Syria đang bị thanh lọc như những tên khủng bố tiềm thế. Việc một nữ đặc công đã giật bom tự sát tại Saint Denis hôm 18 càng khiến đàn bà từ Syria cũng trở thành đối tượng đáng nghi, đáng sợ.

Trở lại chuyện kinh tế, khi Âu châu phải chối bỏ quyền tự do di chuyển và bắt đầu kiểm soát con người thì quyền tự do vận chuyển hàng hóa cũng bị ảnh hưởng. Trong xe hàng nay hay linh kiện kia có những gì vậy? Từng quốc gia đang trở về chế độ kiểm soát cũ chứ hết tin vào thành phần ưu tú trong tháp ngà Bruxelles và sinh hoạt kinh tế èo uột của Âu Châu càng dễ bị suy trầm.

Khi quỷ dữ ra tay, chẳng biết Thượng Đế có cau mày hay không, nhưng nhân gian có bị khốn đốn. “Lãnh thổ” của ISIL có thể bị oanh tạc và trở lại thời đồ đá, nhưng tư tưởng sát nhân và hành vi khủng bố thì tiếp tục lan rộng.

Thế giới này còn đáng buồn hơn con tim của người viết! Bye bye Denver.

5 nhận xét:

  1. không biết có phải tình báo Pháp quá kém cỏi không khi đây là vụ khủng bố thứ 2 tại Pháp thành công một cách mỹ mãn trong khi Hoa Kỳ sau vụ 911 thì đã chặn rất nhiều vụ khủng bố bất thành sau đó .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có lẽ cả tình báo Âu Châu, chứ không riêng gì Pháp! Bây giờ mới trách cứ nhau.

      Xóa
  2. Bich Uyen moi duoc nghe loi tuyen bo cua Putin: " Tha thu cho khung bo la viec cua Chua, dua tien chung ve voi Chua la viec cua toi"

    Tuy khong ua Putin ve nhung toan tinh trong qua khu va hien tai, nhung B/U rat dong y voi Putin ve loi phat bieu manh me nay, khac han voi nhung loi noi yeu xiu cua Obama. Da den luc chung ta lua chon mot lanh dao xung dang hon cho nuoc My.

    Trả lờiXóa
  3. Rất đồng ý với Bích Uyên. Obama không chỉ có những lời yếu xìu (John Kerry cũng vậy) mà chẳng có chiến lược gì sau khi dại dột nhảy vào Libya rồi ngần ngại với Syria.

    Xin xem Giờ Giảo Ảo, từ tuần này, sẽ có hai chương trình liền vì giới hạn kỹ thuật là mỗi chương trình chỉ được dưới 15 phút thôi nên khán giả yêu cầu trìnhbày dài hơn...

    http://www.nguoiviettv.com/phap-tuyen-chien-voi-nha-nuoc-hoi-giao-isis/

    Trả lờiXóa
  4. http://time.com/4124001/china-xinjiang-uighur-terrorism-police/?xid=time_socialflow_facebook

    bác Nghĩa ơi, Tầu lại có lý do đàn áp người Duy Ngô Nhĩ :(. xem ra thời nay công lý chỉ là diễn viên hài

    Trả lờiXóa