Hùng Tâm - Người-Việt Ngày 160427
Hồ Sơ Người-Việt
Cơn Ác Mộng Sắp Tới Của Tổng Thống
Mỹ
* Biểu tình của đảng cực hữu PEGIDA chống di dân vào Đức *
Tuần qua, khi thăm viếng Anh quốc, Tổng thống Barack Obama đã có lời
phát biểu gây phán ứng tại Anh quốc và ở tại Hoa Kỳ.
Khi tiếp xúc với báo chí bên Thủ tướng Anh là David Cameron, Tổng thống
Mỹ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Liên hiệp Âu châu, một sáng kiến mang tính
chất chiến lược của 70 năm qua, và vì quyền lợi của chính nước Anh ông kêu gọi
dân Anh là đừng ra khỏi Liên Âu. Vì ngày 23 tháng tới Anh quốc sẽ trưng cầu dân
ý để quyết định xem có còn muốn ở trong Liên Âu hay không, việc một Tổng thống
Hoa Kỳ lên tiếng về sự chọn lựa của một nước khác lập tức bị phe chống Âu Châu ở
tại Anh đả kích. Lãnh đạo phe chủ trương ra đi, gọi là Brexit, Đô trưởng London là Boris Johnson nặng lời mạt sát ông
Obama là có máu Kenya mà đòi xen lấn vào nội bộ nước Anh! Phi phàm!
Ở nhà, nhiều bình luận gia thuộc khuynh hướng bảo thủ cũng chẳng lỡ dịp
đả kích Obama là không sờ vào gáy. Năm ngoái, Thủ tướng Israel Benyamin
Netanyahu chính thức đọc diễn văn trước Lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ và kêu gọi
dân Mỹ đừng chấp nhận kế hoạch giải tỏa Iran do Obama đề nghị với Quốc hội. Khi
ấy, Tổng thống Mỹ từ chối không gặp Thủ tướng Israel, lại còn cho là ông
Netanyahu xen lấn vào nội tình Hoa Kỳ, dù rằng Israel mới bị nguy khốn nếu Iran
không tôn trọng cam kết mà tiếp tục kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm.
Chuyện lời qua tiếng lại đó lại khỏa lấp nhiều sự thật còn đáng ngại hơn
nên Hồ Sơ Người-Việt phải trình bày lại bối cảnh của vấn đề…
Thống Nhất Âu Châu Là Sáng Kiến
Hoa Kỳ
Sau hai Thế chiến (1914-1918 rồi 1939-1945), các nước Âu Châu đều thấy
ra nhu cầu hợp tác với nhau để xây dựng một nền móng thịnh vượng và hòa bình hầu
khỏi tái diễn chiến tranh.
Khi ấy, tư tưởng thống nhất Âu Châu theo từng bước kinh tế, quan thuế và
chính trị, được nhiều người đề xướng và tiến hành, như Paul-Henri Spaak của Bỉ,
Robert Schuman và Jean Monnet của Pháp. Nhưng thật ra, tung tiền tài trợ việc
tái thiết và hội nhập Âu Châu vào một mối lại là nỗ lực của Hoa Kỳ, với kế hoạch
viện trợ Marshall, mang tên của một Ngoại trưởng Mỹ là Tướng Georges Marshall.
Tính theo hiện giá, kế hoạch tốn mất 13 tỷ đô la vào thời đó ngày nay đáng giá
130 tỷ, mà chỉ là phần tài chánh nhằm tái thiết Âu Châu. Phần chính trị là Mỹ khuyến
khích các nước Âu Châu hội nhập cơ chế kinh tế để có nền tảng hợp tác hài hòa
hơn.
Như thông lệ, quốc gia gai góc nhất Âu Châu với lãnh tụ ái quốc và cứng
đầu nhất là nước Pháp dưới thời Charles de Gaulle thì triệt để chống lại trào
lưu đó. Bị nước Đức đánh bại ba lần (1870, 1914 và 1939) chẳng lẽ Pháp lại hợp
tác với Đức để xây dựng một Âu Châu thống nhất? Như thông lệ, quốc gia cáo già
nhất Âu Châu là nước Anh cũng kín đáo gạt kế hoạch này sang một bên. Anh quốc
là đồng minh chí thiết và chiến lược nhất của Hoa Kỳ, nay lại đứng đồng hạng
cùng các nước Âu Châu, nhất là nước Pháp (!) thì còn thể thống gì?
Sau cùng, con kỳ đà de Gaulle đã đổi ý, chẳng vì lý do kinh tế mà vì đại
thế chính trị.
Khu vực miền Đông của Âu Châu đã bị Liên bang Xô viết chiếm đóng; rất xa
từ miền Tây ở bên kia Đại Tây Dương thì Hoa Kỳ tung tiền yểm trợ; ở giữa, Âu
Châu thấp cổ bé miệng sẽ chẳng có thế lực gì nếu không có tiếng nói thống nhất.
Tiếng nói ấy sẽ do Pháp đảm nhiệm sau khi hòa giải với nước Đức còn bị chia
đôi. Vì vậy, việc hợp tác kinh tế với nước Đức thất trận, yếu thế và có tội, là
điều có lợi cho thế lực chính trị của Pháp ở giữa hai khối Đông-Tây trong thời
Chiến tranh lạnh. Huống chi, một đối thủ già mồm và gian hùng là nước Anh lại nằm
ngoài hệ thống hợp tác ấy.
Đấy là cách người hùng de Gaulle phục hồi danh dự và uy thế cho nước
Pháp.
Việc Liên Xô uy hiếp Berlin và Hoa Kỳ mở chiến lược be bờ ngăn cộng của
Chính quyền Harry Truman và thành lập Minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO càng củng
cố nỗ lực hội nhập đó. Với Hoa Kỳ, khu vực Tây Âu tự do và trù phú là giải pháp
chống cộng tốt đẹp nhất. Trong khu vực đó, nước Đức hung hăng ngày xưa - đã hai
lần chạm súng với Hoa Kỳ - thì bị các nước Âu Châu kia kiềm chế. Mà nếu xung đột
Đông-Tây bùng nổ thì lãnh thổ Đức, chứ không phải đất Mỹ, sẽ là chiến trường
nóng. Hoa Kỳ cần một nước Đức mạnh về kinh tế nhưng bị trói buộc về chính trị cho
nên cùng kế hoạch Marshall, việc thống nhất Âu Châu nằm trong toan tính của Hoa
Kỳ. Hình như 70 năm sau người ta đã quên chuyện đó.
Mà quên cũng phải vì ngày nay sự thể đã đổi khác.
Âu Châu Phân Hóa – Hoa Kỳ Bó Tay
Ngày nay, nỗ lực hội nhập Âu Châu vào một khối thống nhất theo những
tính toán của Hoa Kỳ đã đi tới tận cùng, và đang bị phân hóa.
Vụ khủng hoảng của khối Euro và viễn ảnh Hy Lạp ra khỏi hệ thống tiền tệ
thống nhất (Grexit) chỉ là một mảng của
đà tan rã. Bên trong Âu Châu, lý tưởng tự do cư trú và vận chuyển của Hiệp ước
Schengen cũng bị thực tế xé nát. Từng quốc gia đang dựng lại trạm canh và cả
chiến hào để ngăn làn sóng di dân từ Trung Đông tràn lên, bên trong có nguy cơ
khủng bố.
Từ miền Đông, Liên bang Nga đã thâu tóm một phần của Georgia và chiếm
đóng bán đảo Crimea để uy hiếp các nước Đông Âu và Trung Âu. Còn Hoa Kỳ thì
chưa rút chân khỏi Trung Đông, và không thể khuyên Âu Châu là nên làm thế này
hay thế khác. Chính quyền Obama đã mắc lỡm Âu Châu mà can thiệp vào cuộc nội
chiến tại Libya, nay chưa thể giải quyết vụ khủng hoảng tại Syria, vẫn còn phải
canh chừng lực lượng khủng bố xưng danh Nhà nước Hồi giáo ISIS, còn binh lính Mỹ
chưa thể tháo chạy khỏi Iraq và Afghanistan. Trong khi biển Đông réo gọi từ bên
kia Thái Bình Dương vì động thái hung đồ của Trung Cộng.
Ở giữa cõi Âu Châu ngơ ngác ấy, cường quốc kinh tế số một là nước Đức đã
thống nhất sẽ phải làm gì và muốn làm gì?
Bên cạnh những toan tính của một nước Nga kiệt quệ về kinh tế nhưng vẫn
có kho võ khí chiến lược đáng ngại nhất, những tính toán của nước Đức giàu mạnh
mà vẫn muốn có quan hệ hữu hảo với Nga vì mục tiêu kinh tế là điều gì đó mà Hoa
Kỳ phải quan tâm. Làm sao kiềm chế nước Đức trong một khối Âu Châu có đầy những
ràng buộc khó gỡ? Giải pháp lý tưởng nhất – cho Hoa Kỳ - vẫn là một Âu Châu thống
nhất.
Vì vậy, Tổng thống Obama không ngại lời đả kích mà nhảy vào cuộc tranh
luận của dân chúng Anh quốc.
Nhưng Âu Châu thống nhất là giải pháp lý tưởng mà chưa chắc đã là thực tế.
Thực tế thì Hoa Kỳ sẽ bó tay nếu Âu Châu tiếp tục đà phân hóa này. Kiến trúc do
Hoa Kỳ xây dựng từ 70 năm trước đang nghiêng đổ mà nước Mỹ không thể chống đỡ nổi.
Nối tiếp sẽ là sự rạn nứt của Minh ước NATO.
Minh
ước quân sự này được xây dựng trên niềm tin của các nước Âu Châu với nhau - và
của Âu Châu với Hoa Kỳ - trong tình liên đới là liên thủ để phòng vệ. Nhưng Âu
Châu với 500 triệu dân và sản lượng kinh tế ngang bằng Hoa Kỳ lại thoái thác
trách nhiệm quân sự với NATO: đóng góp rất ít mà chỉ trông chờ vào Hoa Kỳ (xin
quý độc giả đọc lại Hồ sơ Người-Việt ngày 13 Tháng Tư: NATO
– Liên Âu và Hoa Kỳ - Hình Như Là Donald
Trump Có Lý!).
Bên trong, các nước Âu Châu cũng hết
tình liên đới với nhau vì mối nguy khủng bố và nạn di dân đang gõ cửa ngoài
biên giới. Từng nước phải cân nhắc riêng về quyền lợi và tinh thần văn hóa hợp
quần hay hội nhập. Các khuynh hướng ly khai hay chống Âu Châu nổi lên và tăng
đà tan rã. Khi ấy, Minh ước có còn khả năng hay ý nghĩa gì không?
Nếu tấm khiên NATO cũng bị Âu Châu
xé làm bốn mảnh, ai hay cái gì sẽ kiềm chế được nước Đức, hoặc ngăn ngừa một
liên minh Nga-Đức ở giữa Âu Châu? Nước Anh hay nước Pháp? Hai cường quốc này có
bao giờ tin nhau chưa? Đâm ra trách nhiệm lại rơi vào Hoa Kỳ. Thế giới và nước
Mỹ đang gặp kịch bản của một cơn ác mộng.
Với thiện chí cứu vãn tinh thần hội nhập Âu Châu theo lý tưởng bao dung,
Thủ tướng Angela Merkel của Đức đã lấy nhiều rủi ro chính trị cho mình và cho
liên minh cầm quyền mà kêu gọi đón nhận di dân từ Trung Đông. Nếu bà thất bại
thì đấy là thất bại của của cả khối Liên Âu chứ không thể trách cứ nước Đức của
bà. Nhưng thất bại ấy là thắng lợi của Liên bang Nga vì Tổng thống Vladimir
Putin có cơ hội bẻ đũa từng chiếc, uy hiếp nước này và mua chuộc nước kia.
Trong hoàn cảnh ấy, viễn ảnh hợp tác Nga Đức không là điều huyễn hoặc và
đẩy Hoa Kỳ vào những chọn lựa xa xưa. Lại can thiệp vào Âu Châu và ôm lấy gánh
nặng NATO do các nước Âu Châu trút lên đôi vai của mình? Hay là ngảnh mặt làm
ngơ để rồi cuối cùng vẫn phải nhập cuộc?
---
Kết luận ở đây là gì?
Tổng thống Obama muốn có tiếng
nói của mình về tương lai Âu Châu, nhưng tiếng nói ấy không có ảnh hưởng thực tế.
Để so sánh, hãy nhớ rằng cử tri Mỹ không để ý tới lời phát biểu của các lãnh tụ
Âu Châu về sự chọn lựa của nguồi Mỹ trong cuộc tranh cử Tổng thống hiện nay. Nếu có
thì họ coi đó là việc Âu Châu bạc nhược mà đòi dạy khôn nước Mỹ!
Kinh hãi hơn, trật tự kinh tế và
chiến lược do Hoa Kỳ xây dựng từ 70 năm xưa đang chậm rãi sụp đổ trước mắt
chúng ta. Và sụp lên đôi vai của người sẽ là Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.
Thưa bác Nghĩa !
Trả lờiXóaTrong bài tác giả Hùng Tâm có nhắc đến quan điểm của Anh và Pháp đối với kế hoạch tái thiết Âu Châu của tướng Marshall " Như thông lệ, quốc gia gai góc nhất Âu Châu với lãnh tụ ái quốc và cứng đầu nhất là nước Pháp dưới thời Charles de Gaulle thì triệt để chống lại trào lưu đó. Bị nước Đức đánh bại ba lần (1870, 1914 và 1939) chẳng lẽ Pháp lại hợp tác với Đức để xây dựng một Âu Châu thống nhất? .........
Sau cùng, con kỳ đà de Gaulle đã đổi ý, chẳng vì lý do kinh tế mà vì đại thế chính trị "
Cháu thấy có vài điểm không đúng lắm, mong bác giải thích thêm cho cháu ạ :
Thứ nhất thì về tướng De Gaulle thì vào năm 1946 đã quyết định từ chức khi nền Cộng hòa thứ 4 ra đời. Và đến tận năm 1958 khi nền Cộng hòa thứ 5 ra đời thì ông ta mới được Quốc hội Pháp bầu làm Tổng thống. Vậy từ năm 1946 - 1958 De Gaulle không có quyền hành gì với chính trị Pháp thì làm sao mà ông ta có tác động được vấn đề nước Pháp với kế hoạch tái thiết châu Âu của nước Mỹ ?
Thứ hai cháu tìm lại các thông tin thì thấy từ năm 1948 - 1951 thì Anh và Pháp chính là hai nước nhận nhiều viện trợ nhất từ Mỹ. Anh nhận được gần 3,3 tỷ USD và pháp nhận hơn 2,2 tỷ USD. Rồi còn đến chi tiết khi Ngoại trưởng Anh khi đó là ông Ernest Bevin sau khi nghe thông tin trên radio về bài phát biểu của Tướng Marshall về " kế hoạch tái thiết châu Âu " thì ông này đã ngay tức khắc liên lạc với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp Georges Bidault để chuẩn bị phương án chấp thuận. Hai người này còn có ý mời cả Liên Xô tham gia vài Kế hoạch Marshall nữa cơ mà
Một vài ý kiến chủ quan của cháu, mong bác Nghĩa giải thích thêm cho ạ
Tiến trình tái thiết và hội nhập Âu Châu kéo dài trong nhiều thập niên, từ 1948 mãi tới 1994 rồi sau này và trải qua nhiều giai đoạn. Về phần Pháp thì qua nền Đệ tứ rồi Đệ ngũ Cộng hòa cũng có thay đổi lập trường với ảnh hưởng chống trước rồi thuận sau của de Gaulle là đáng kể do lập trường hòa giải hay không với nước Đức và do tinh thần de Gaulle rất nghi kỵ nước Anh.
XóaChuyện này quá rắc rối, có lẽ tôi sẽ phải viết lấy một bài giải thích những khúc mắc giữa hai vấn đề gắn bó - đổi chác - của nền Đệ tứ Cộng hòa là Đông Dương và Đức.
Cám ơn Thành chịu khó đọc kỹ và feed back với câu hỏi.
Xin thầy Nghiã hãy viết bài về "Nước Mẹ Đại Pháp" một thuở nào cuả chúng ta nhân muà tranh cử lần này.
Trả lờiXóaThế hệ cuả thầy Nghiã có thật nhiều nhân tài, tinh hoa, tài đức vẹn toàn, một phần không thể chối cãi rằng qúi vị yêu và bảo vệ nước Việt nhưng đồng thời cũng đã thấm nhuần ảnh hưởng cuả văn hoá Pháp.
Với Hoa Kỳ, Anh Quốc luôn ca bài "chúng ta cùng dòng máu Ăng-lê, sao các em không yêu cố quốc", nhưng phải nói rằng, nếu biết hoà hợp với Pháp thì Mỹ Quốc mới trở nên quân bình, phong nhã và lý tưởng nhân văn.
Đã có trên RFA và sẽ còn có bài về Pháp trên Dainamax Forum. Xin qua nhà mới, đang thành hình!
Xóa