Thứ Ba, tháng 4 26, 2016

Đô La Vàng Vọt?



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 160425
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Từ 30 Tháng Tư Mà Nhìn Lại, Rồi Nhìn Đi….

* Lãi suất âm - đường vào âm phủ? *


Ngày xưa, chúng ta có thể ở giữa mắt bão mà không biết vì kiến thức của giới hướng dẫn dư luận bị giới hạn – mà có lẽ chính họ cũng không biết. Ngày nay sự thể đã khác, và đây là một sự tiến bộ, chúng ta cảm nhận được những giông bão vần vũ chung quanh và dư luận được đây đó giải thích về các nguyên nhân của vấn đề. Tại Hoa Kỳ, cuộc tranh cử tổng thống năm nay là nơi có nhiều giải thích nhất, với các ứng cử viên đang đua nhau đề nghị giải pháp…

Vì vậy, chúng ta cố “nhìn từ bên ngoài” để phần nào hiểu ra những xoay vần trong mắt bão là Hoa Kỳ. Bài này sẽ khởi đi từ giác độ kinh tế, trong một viễn ảnh trường kỳ là 70 năm, may ra thỉ hiểu được kết quả của cuộc tranh cử và những gì sẽ xảy ra sau đó…. Nhân tiện thì cũng liếc về Chuyện Tháng Tư của mình.

*

Mọi sự khởi đầu vào cuối Thế chiến II, khi Hoa Kỳ là siêu cường độc bá vì ít bị chiến tranh tàn phá và còn tiềm lực kinh tế mạnh nhất. Mục tiêu khi ấy của nước Mỹ là xây dựng lại một trật tự khác với các đồng minh có thể là đối thủ cũ như Đức và Nhật và với các đồng minh cố hữu là các nước Âu Châu đã phần nào công nghiệp hóa và phải tái thiết sau chiến tranh.

Trong bối cảnh ấy, Hoa Kỳ (với Anh quốc như đồng minh chiến lược) thành lập hệ thống tài chánh quốc tế gọi là Bretton Woods – địa danh của một hội nghị quốc tế năm 1944 tại tiểu bang New Hampshire - theo nguyên tắc là từ nay người dân sẽ không thể đổi đồng bạc của họ ra vàng vì đấy là chức năng của các chính quyền và việc giao hoán (đổi chác) ấy tiến hành qua đồng tiền của Hoa Kỳ, là đồng Mỹ kim. Vì vậy, các nước cần tái thiết và nợ ngập đầu vì chiến tranh như Âu Châu hay Nhật Bản phải ráo riết thủ đắc và tồn trữ đồng ngoại tệ quý báu này.

Kiến trúc tài chánh ấy dựa trên niềm tin rằng Chính quyền Mỹ tôn trọng cam kết là sẽ đổi lại Mỹ kim ra vàng theo tỷ giá 35 đô la được một “troy ounce” (khoảng 31 gram). Muốn vậy, nền kinh tế của nhà cái, hay nhà tài trợ, hay quốc gia viện trợ là Hoa Kỳ, phải có năng suất cao. Niềm tin đó thật ra là một trách nhiệm - sẽ có ngày nói sau - mà cũng là lực đẩy cho kinh tế Hoa Kỳ phát triển và bành trướng trong thời Chiến tranh lạnh.

Cứng đầu nhất và “chống Mỹ” nhất vào giai đoạn ấy là nước Pháp của lãnh tụ Charles de Gaulle, với vai trò của kinh tế gia Jacques Rueff, đã trước tiên nói tới “lợi thế quá đáng” của Hoa Kỳ và “hỏi giấy” niềm xác tín ấy, bằng cách xả bớt đồng Mỹ kim trong dự trữ ngoại tệ của Pháp, để đòi lấy vàng.

Chìm đắm trong khói lửa chiến tranh và nhức tim với cuộc “Hòa đàm” tại Paris - trời ơi, vì sao Lyndon Johnson lại chọn nơi đó! - chúng ta không để ý tới biến động có tính chất chiến lược này vì nhiều quốc gia khác cũng đòi như Pháp. Và Chính quyền Richard Nixon không thể tiếp tục cung cấp cả áo cơm lẫn súng đạn mà Chính quyền Johnson hứa hẹn trước đó nên buông tay thả nổi đồng bạc từ ngày 15 Tháng Tám 1971. Hoa Kỳ không thể tôn trọng cam kết trong hệ thống Bretton Woods. Nôm na là trên sòng bạc quốc tế, nhà cái quịt nợ khi các nhà con nộp tiền nhựa để đòi lấy vàng.

Hệ thống Bretton Woods sụp đổ mà tại Sàigòn chúng ta ít biết. Và từ đấy, vàng tăng giá lên trời trong các biến động tài chánh lan rộng kể từ năm 1972 trở đi.

Nhưng ngoài đồng Mỹ kim bị thiên hạ hỏi giấy và hỏi tuổi như hỏi tuổi vàng, trên canh bạc toàn cầu, thế giới lại có thêm một loại tài sản khác để đổi chác. Đấy là dầu thô, lần đầu tiên được các nước sản xuất và xuất cảng sử dụng như một võ khí trong một trận chiến không tiếng nổ. Hiệp định Paris dần dần thành hình vào khung cảnh ấy mà chúng ta chưa biết và nhiều người còn tin rằng Mỹ không bỏ Việt Nam.

Nhưng siêu cường Hoa Kỳ thiên biến vạn hóa đã biết xoay. Võ khí dầu thô được thanh toán hay đổi chác bằng gì? Bằng đồng Mỹ kim. Khi ấy, “lợi thế quá đáng” của nước Mỹ đã tái sinh với “Petrodollars”. Gọi là gì? Là tiền dầu?

Lãnh đạo khối Á Rập Hồi giáo có dầu là Saudi Arabia đã bán dầu thu lại Mỹ kim dưới dạng Công phố phiếu Mỹ để tài trợ các nước bán dầu. Đổi lại, Hoa Kỳ viện trợ cho các nước Á Rập thân hữu trong vùng Vịnh Á Rập đủ loại chiến cụ và Âu Châu khi ấy chấp thuận sự đổi chác này vì mối nguy quá lớn của Liên bang Xô viết: chủ nợ là Hoa Kỳ cũng là tay trưởng tràng bảo vệ Âu Châu. 

Vả lại, nếu chỉ dùng vàng làm vật giao hoán thì đào đâu ra vàng cho kịp nhu cầu phát triển kinh tế?

Những câu hỏi trừu tượng ấy vượt ra khỏi sự quan tâm của chúng ta khi Hiệp định Paris, ký kết đầu năm 1973, hoàn tất nhiệm vụ của nó, là cột tay miền Nam và trao trọn gói cho miền Bắc vào Tháng Tư 1975. Bây giờ thì mình tìm hiểu tiếp về Hoa Kỳ, vẫn nhìn từ bên ngoài (!).


*

Không bị kẹt vì lượng vàng có hạn, lại được lợi nhờ Petrodollars, khi Liên Xô bắt đầu suy bại từ những năm 1982 trở về sau, Hoa Kỳ vẫn thừa thắng xông lên với lực đẩy là tờ giấy nợ.

Theo định nghĩa, đồng Mỹ kim là tờ giấy nợ do Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ phát hành. Thủ đô của nước Mỹ là viện phát hành toàn cầu, với đồng Mỹ kim vẫn giữ vai trò dự trữ ngoại tệ của các nước. Hoa Kỳ in bạc mua về đủ loại hàng hóa và dịch vụ của thiên hạ với giá rẻ và người dân nâng cao mức sống nhờ quy cách ấy. Khi Liên Xô tan rã, có học giả Mỹ ngợi ca kinh tế thị trường và dân chủ chính trị đã đại thắng các chủ nghĩa phát xít và cộng sản. Trong niềm lạc quan ấy, các nước vui vẻ nhận giấy nợ của Mỹ, chất đống, để phần nào thực hiện giấc mơ thịnh vượng của dân Mỹ. Việt Nam Cộng sản khi ấy cũng đã tất yếu bị khủng hoảng và tỉnh giấc mê sảng mà tiến hành đổi mới, rồi xài tiền Mỹ đế để xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Khi đã giàu rồi thì mọi người đều sẽ thanh toán khoản nợ này. Rồi thế giới sẽ quân bình trở lại.

Những người tò mò, khi đó còn ít lắm vì quy luật “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”, thì có thể xét lại xem tại sao nước Mỹ giàu mạnh như vậy? Mạnh đến độ đánh bại Liên Xô và sau chục năm giàu có vì được hưởng “cổ tức hòa bình” nhờ giảm chi ngân sách quốc phòng khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Hoa Kỳ lại có thể tăng chi quốc phòng sau vụ khủng bố 9-11 vào năm 2001 cho tới 2011 mới giảm. Nếu tò mò tìm hiểu thì người ta có thể thấy ra mặt trái của sức mạnh đó, là đi vay để mua nhà và mua súng.

Kiến trúc tài chánh ấy có những bất ổn ghê người và tích lũy trong cả chục năm trước khi sụp đổ vào năm 2008 với nạn Tổng suy trầm 2008-2009. Đấy là điểm lật, tương tự như 1971 hay 1989.

Ngày nay, tám năm sau, nước Mỹ chưa ra khỏi chu kỳ thanh toán ấy mà lại sáng tạo nữa. Sau khi hai Chính quyền George W. Bush và Barack Obama ráo riết tăng chi – ngân sách bị bội chi thì lại đi vay - để kích thích kinh tế theo lối cổ điển mà chẳng công hiệu, Ngân hàng Trung ương phải nhập cuộc. Giải pháp cổ điển là hạ lãi suất tới sàn cũng không công hiệu thì định chế này bèn áp dụng giải pháp cực bất thường là tăng mức lưu hoạt có định lượng (quantitative easing hay QE). Nôm na vẫn là bán giấy nợ lấy tiền bơm vào kinh tế. Vậy mà kinh tế Hoa Kỳ và cả thế giới vẫn chưa hồi phục và cuối năm 2013 còn bị suy trầm nhẹ khi Ngân hàng Trung ương Mỹ thông báo sẽ chấm dứt biện pháp QE để trở về trạng thái bình thường.

Từ đó, thế giới đã qua nhiều cuộc khủng hoảng cục bộ, như trong khối Euro tại Âu Châu hay nạn dầu thô tuột giá trong các khu vực bán dầu, hay sự phân hóa của hệ thống tài chánh Âu Châu khi nhiều nước hết giao dịch bằng đồng Euro và các Ngân hàng Trung ương Âu Châu rồi Nhật Bản đều đi quá đoạn đường QE mà hạ lãi suất xuống số âm. Sau khi cố tăng lãi suất được 25 điểm căn bản (0,25%) vào cuối năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Mỹ đã tạm ngưng việc tống ga nhấn tới mà còn cho biết giải pháp hạ lãi suất dưới số không cũng là một kịch bản….

Chúng ta đang ở giữa mắt báo vì sau những lạc quan trước vụ Tổng suy trầm 2008, Hoa Kỳ dẫn đầu các nước vào một canh bạc khác với niềm lạc quan mới là các giải pháp bất thường sẽ công hiệu. Từ năm 2009 đến nay, chưa ai thấy ra sự công hiệu ấy, trong khi thế giới lại chất lên một núi nợ sẽ đổ. Trung Cộng và Việt Nam cũng chẳng ra khỏi tình trạng đó. Trong cảnh ngộ bất trắc này, đồng Mỹ kim vẫn giữ vai trò then chốt, tăng giá mạnh từ năm 2014 và gieo nhiều chấn động theo từng nhịp độ thăng trầm. 

Hình như là chúng ta đã từ hệ thống Bretton Woods trải qua bốn đời Bretton Woods khác và mỗi kiến trúc mới lại tích lũy thêm một mầm bất ổn trên một nền móng lung lay. Nếu kiến trúc này sụp đổ thì Hoa Kỳ có còn khả năng sáng tạo như năm lần đã qua hay chăng? Nhìn từ bên ngoài, người viết này e ngại vì thấy các ứng cử viên trong cuộc tranh cử tổng thống năm nay mới chỉ nói chuyện ngoài da – để bán cao đơn hoàn tán. 

4 nhận xét:

  1. Kính thầy,
    Rợn tóc gáy sau khi đọc 2 lần bài trên. Tuy nhiên, có yêu cầu méo mó không ăn nhập gì đến tiêu đề "nhìn HK từ bên ngoài" - mong thầy có bài "nhìn Ấn Độ từ góc độ SEasia" vì sau khi đọc tin Nga Tầu Ấn bắt tay + tuyên bố lung tung về vấn đề biển Đông - trái ngược những gì mà anh Bảy Chà cà ri biêủ lộ thái độ "Này thằng Tầu phù, ta đây là dân chơi máu mặt đây nha! Đừng có bắt nạt mấy thằng nh̉o SEasia nghen. Đừng có ve vãn bọn Tích Lan, Djibouti, Maldives... lộn xộn trước cửa nhà tao. Hmm" Chẳng hiểu mấy anh Bẩy này thầy ơi. Giải ảo và thổi đám khói làm cay mắt nha thầy. Cám ơn nhiều.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chưa thấm gì đâu! Cuối tuần này sẽ tiếp tục bài trên Việt Báo về kinh tế Trung Quốc, ghê rợn hơn nhiều!

      Xóa
    2. Hay,cảm ơn bác nhiều. Cháu đợi đọc bài phân tích của bác về kinh tế TQ, hôm kia cháu lại đọc 1 bài của 1 'chiên da' trên Bloomberg họ lại nói '...the worst is over...'. Thế mới hài!

      Xóa
  2. Nặc danh2/4/17 2:19 SA

    Em thấy trên mạng hình ảnh những công trình xây dựng tự xây cuả Trung Quốc thật sự vĩ đại, đáng ngưỡng mộ. Bây giờ Trung Quốc lại đi chào nhận thầu xây dựng tuyến tàu tốc hành cho Mỹ và đảo nhân tạo cho các nước Nam Mỹ nưã chứ.
    Nhìn chung, có một sự khác biệt giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ không phải chỉ là thể chế. Trump và Tập sắp gặp gỡ, khác với ngày gặp TT Obama mềm mỏng. Nhưng Poorshope có cảm giác rằng sẽ chỉ là một sự nối dài. Chàng đành phải giằn cơn uất, để mà chià tay hiếu hoà hợp tác, chứ biết còn làm sao khác? Địch thủ cuả chàng tuy mới phất lên, còn quê muà kệch cởm, nhưng đâu phải "thứ vưà" chứ nhỉ? Ôi, thật là quá buồn cười.

    Tháng Tư thật buồn, khi nhìn lại những hình ảnh và âm nhạc một thuở nào còn thơ dại. Nhưng một dân tộc chỉ biết nhìn vào cơn hoạn nạn cuả mình mà u uất thì làm sao có được tương lai? Chúng ta hãy tưởng niệm nó như một nỗi đau chung, nhưng đừng bao giờ để nó quật ngả ý chí cuả mình. Chúng ta yêu lý tưởng Cộng Hoà tinh thần Dân Chủ cuả Hoa kỳ, cuả châu Âu, nhưng cũng có thể học hỏi từ đất nước và con người Trung Hoa. Họ không khác ta là mấy, nên mừng cho họ hơn là ganh ghét, phải không ạ? Nhưng nếu họ cứ ức hiếp chúng ta hoài thì phải đứng lên chứ. Hy vọng họ sẽ không đến nỗi quá đoảng và tham lam. Bằng không, ta phải biết... tham lam hơn cả họ thì mới hả dạ. ;-)
    Ôi em biết thầy Nghiã đang buồn, nên nói hơi dài dài dài chút cho vui, mong thầy không trách nhé.

    Trả lờiXóa