Thứ Ba, tháng 4 12, 2016

Tổng Thống Nghiêm và Buồn



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 160410
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"


Vài hồ sơ đang chờ đợi Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ

* Chuyện tiền kiếp: Đại hội Cộng Hòa năm 1980 khi Ronald Reagan mở đầu cuộc cách mạng *



Xin đừng cho dân Mỹ biết, vì họ biết một phần rồi, Hoa Kỳ đang bị cơn khủng hoảng, mà biểu hiện rõ nhất là cuộc tranh cử Tổng thống năm nay. Nhưng nên cho người Mỹ hiểu, rằng nước Mỹ vẫn có tương lai sau cuộc tổng tuyển cử này nếu bầu lên những người biết học bài….

Nói về khủng hoảng, các nước dân chủ tiên tiến đều thấy có gì đó khó chấp nhận trong cơ chế chính trị của họ. Đã tiến rất xa theo hướng dân chủ, Âu Châu đang thấy nền dân chủ của mình bị khủng hoảng. Nhiều người Mỹ chưa rõ điều ấy.

Trong Thế chiến II, hai nước Anh-Mỹ đặt ra một trong tám mục tiêu của cuộc chiến cho hòa bình là xây dựng quyền tự chủ của quốc gia. Họ ghi mục tiêu ấy vào Hiến chương Đại Tây Dương ngày Tháng Tám năm 1941, được các nước khác hưởng ứng nên thành nền tảng của Hiến chương Liên hiệp quốc, ở điều khoản đầu tiên, soạn thảo vào Tháng Sáu và ban hành vào Tháng 10 năm 1945. 
Nhưng sau này, khi Liên hiệp Âu châu ra đời từ năm 1993, khái niệm trừu tượng và lý tưởng là “quyền tự chủ của quốc gia” lại bị hy sinh. Từng thành viên của Liên Âu tự giới hạn quyền tự chủ của quốc gia khi ủy thác trách nhiệm quyết định về một số lãnh vực cho một cơ chế quốc tế. Với việc thống nhất tiền tệ và Khối Euro ra đời năm 1999, quyền tự chủ ấy còn bị thu hẹp hơn nữa, nhất là trong lãnh vực tiền tệ.

Vụ khủng hoảng của khối Euro từ năm 2010 rồi những ách tắc sau đó khiến nhiều người tự hỏi là quyền tự chủ của quốc gia có còn ý nghĩa gì không và vì sao ý dân lại bị hy sinh cho những gì đó như quyền tự do di trú, di dân cho những kẻ xa lạ chỉ muốn làm thay đổi cuộc sống của họ. Nhân danh dân chủ, nhiều đảng phải ở bên lề đang đòi xét lại tất cả, chiều hướng ấy có thể đe dọa sự tồn tại của khối Euro gồm 19 thành viên và Liên Âu có 28 thành viên. Người ta có thể nói đến khủng hoảng của dân chủ tại Âu Châu khi quyền dân bị hy sinh cho cái gì đó mà họ không chấp nhận nữa.

Nhìn từ bên ngoài, Hoa Kỳ không bị như vậy.

Người dân tại các tiểu bang nhỏ như Iowa hay Vermont vẫn tác động vào cuộc tranh cử Tổng thống từ vòng sơ bộ và trận đánh hỗn loạn cho việc tuyển chọn ứng cử viên chính thức có thể kéo dài đến Đại hội Toàn quốc của cả hai đảng vào mùa Thu này.

Nhưng vì sao trận đánh lại có vẻ hỗn loạn như vậy? Không nói đến nhiều tiền lệ trong lịch sử Hoa Kỳ - số trang số chữ có hạn, bạn ơi – ta có thể nêu ra vài nghịch lý quái đản:

Ngược với dự tưởng của ứng cử viên dẫn đầu đảng Dân Chủ là Hillary Clinton, gần phân nửa cử tri Dân Chủ lại tỏ vẻ ủng hộ một ứng viên tay mơ với chủ trương “xã hội chủ nghĩa”, là khái niệm mà tám năm trước người ta gán cho Barack Obama như một lời đả kích thậm tệ. Nghị sĩ Bernie Sanders không ca tụng mô hình cộng sản trá hình xã hội chủ nghĩa mà đề nghị mô hình Âu châu đã làm các nước Âu châu, kể cả Bắc Âu, bị khốn đốn với nạn thất nghiệp cao.

Ở bên kia, hơn 50% số người ghi danh Cộng Hòa thì triệt để chống bọn chính khách nhà nghề và coi kinh nghiệm là đồ bỏ. Lướt trên làn sóng hậm hực đó, tỷ phú Donald Trump chẳng chủ trương gì rõ rệt mà tùy cơ đổi ý khiến các bậc trưởng thượng trong đảng điêu đứng. Và lạ chưa, năm ứng viên còn lại của cả hai đảng đều bị mức thiếu tin tưởng cao nhất. Dân Mỹ không hài lòng. Họ diễn tả cảm giác ấy theo kiểu Mỹ: ồn ào, bát nháo và đôi khi khật khùng!

Vì sao nên nỗi?

***


Xin khởi sự từ kinh tế. Năm ngoái, mục “Kinh Tế Cũng Là Chính Trị” viết về là sự co cụm chậm rãi và liên tục của thành phần trung lưu Hoa Kỳ từ 45 năm qua (“Khủng Hoảng Trung Lưu”). Đây là xu hướng khách quan nhưng gia tốc ngày một mạnh hơn, và từ mươi năm qua thì gây thất vọng. Vài chi tiết hơi chuyên môn về kinh tế sau đây có thể minh diễn chuyện ấy.

Thứ nhất, lợi tức trung vị (nửa cao hơn, nửa thấp hơn) của các hộ gia đình đã sụt 8,5% kể từ năm 2000. Còn tài sản trung vị thì sụt mạnh từ năm 2007, chỉ bằng năm 1993. Vậy mà trong sự sa sút chung của đa số, nhóm ngũ phân (một phần năm, là 20%) giàu có nhất, được dán nhãn Wall Street, thì càng giàu thêm từ khi có chính quyền Barack Obama của dân nghèo. Lý do là lãi suất được hạ tới sàn và Ngân hàng Trung ương còn bơm thêm tiền để kích thích kinh tế và gây đảo điên trong tính toán tài chánh. Còn lại, giới tiểu doanh thương thì ngáp ngáp, chết kẹt trong cõi trung lưu mà khó ngoi lên trên vì cả ngàn luật lệ kiểm soát nhiêu khê rắc rối. Giới dân cử được bầu lên để làm luật mà!

Không thể là tiểu doanh thương mà thực hiện “Giấc mơ Hoa Kỳ” được.

Ở dưới, giới lao động tiêu biểu, thành phần trung lưu gồm 60% dân số, thì thấy cuộc sống chật vật hơn, và càng ở mức thấp trong thành phần này lại càng vất vả, nhưng lại chưa đủ nghèo để được trợ cấp như đa số trong nhóm ngũ phân thấp nhất.

Bất công xã hội, không chỉ giữa 1% giàu nhất và 99% nghèo nhất, mà giữa các nhóm ngũ phân trên cùng và dưới cùng, đã là vấn đề được nhiều người nói tới. Ít ai chú ý đến thành phần lưng chừng ở giữa, lớp trung lưu có tiếng mà không có miếng!

Về xã hội, người ta tưởng rằng học vấn có thể là bước thăng tiến cho một thế giới đổi thay quá nhanh. Sự thật không được như vậy. Đã đành là người ít học đều thấy lương giảm, theo thứ tự từ trung học tới bậc hậu trung học đến cử nhân và hậu cử nhân thì càng học ít càng lãnh lương thấp hơn kể từ năm 2007. Đấy là theo thống kê của Economic Policy Institute có chủ trương bảo vệ giới lao động. Không nên ngạc nhiên khi thành phần hẩm hiu ấy nghe lời đường mật của tỷ phú “phi chính trị” Donald Trump.

Nhưng ngay trong thành phần có trình độ học thức cao hơn, gọi là advanced degree, mức lương tính theo giờ đã trở về vị trí của năm 2007, tức là không cải tiến từ chục năm nay. Học thành tài mà không thành công thì đấy là lỗi của xã hội. Không ít người trong số này mơ xã hội chủ nghĩa kiểu Bernie Sanders và nghi ngờ Hillary Clinton, người có quan hệ khắng khít với Wall Street!

Trong khi ấy, giá hàng hóa, dịch vụ và cả gánh thuế khóa ở địa phương đều  tăng. Phản ứng ngại ngùng vừa qua của giới tiểu doanh thương khi California quyết định tăng lương tối thiểu pháp định lên 15 đô la phần nào giải thích sự lo âu đó của giới trung lưu. Họ lại bị gọt đầu nữa trong khi thành phần thượng lưu thì cứ như sống trong một thế giới riêng. Đầy an toàn với màn che trướng rủ, chẳng có đến khói thuốc chứ đừng nói tội ác. Còn nạn cần sa ma túy, băng đảng hay gia đình tan vỡ là của ai khác, ở nơi khác….

Những sự kiện đen tối ấy đang nổi lên và dẫn tới hình ảnh bất thường về nước Mỹ trong cuộc tranh cử năm nay.

***

Trải qua sóng gió ba đào đến nhức tim, sáng Thứ Tư mùng chín Tháng 11, Hoa Kỳ vẫn có một Tổng thống tân cử. Đấy là lúc vị dân cử cao cấp nhất của nước Mỹ bắt đầu học bài lãnh đạo sau khi là ứng cử viên có tài tranh cử xuất sắc nhất. Ngày Thứ Sáu 20 Tháng Giêng là lễ tuyên thệ nhậm chức và sau mấy buổi dạ vũ huy hoàng, sáng Thứ Bảy 21, Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ sẽ nghiêm và buồn bắt tay vào việc. Là phải nghe lời kém vui và tìm cách gỡ rối cho quốc dân.

Lời kém vui trước một vận hội mới?

“Thưa Tổng thống, riêng về kinh tế như ngài hỏi, người ta nghiệm thấy cứ sáu bảy năm thì lại có suy trầm. Lần trước là vào cuối năm 2007 và kéo dài đến Tháng Bảy năm 2009, sau đấy kinh tế chưa hẳn phục hồi và tiếp tục èo uột tới năm ngoái. Đấy là lý do khiến ngài được ngồi vào Phòng Bầu Dục. Năm 2017 này, nếu kinh tế lại bị suy trầm, điều có xác suất cao, ngài phải làm gì để vượt khó khăn và giải quyết các vấn đề tích lũy từ mấy chục năm qua?”

Phải làm gì với một Lưỡng viện Quốc hội khóa 115 rất cứng đầu vừa nhậm chức ba tuần trước do sự ủy thác của cử tri là để chặn đầu Tổng thống? Và có thể làm gì với một Ngân hàng Trung ương độc lập đang bị Quốc hội cột tay? Mà làm gì được khi ngân sách bị bội chi, nguồn thu nhờ thuế sẽ giảm và còn giảm nữa vì chu kỳ suy trầm tới đây? Mở tiếp hồ sơ kinh tế, Tổng thống mới thấy hố sâu của quỹ An sinh Xã hội và Medicare cùng Medicaid, khiến mỗi năm lại nợ thêm trăm tỷ, và còn nhiều nan đề khác nữa…

Lúc ấy, tân Tổng thống Hoa Kỳ mới nhớ lời một con cáo già là Winston Churchill: “Hãy tin là Hoa Kỳ sẽ có giải pháp, sau khi thử nghiệm mọi chuyện linh tinh khác”.

Ít ra, các tiểu bang không giận dữ đòi xé chiếu ngồi riêng như tại Âu Châu. Ưu thế của dân chủ Hoa Kỳ là vậy, thưa Tổng thống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét