Thứ Ba, tháng 4 05, 2016

Quản Tượng Của Tư Bản Chủ Nghĩa



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 160404
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Những con voi lồng dập nát quán nước đầu làng   

* Chủ nghĩa tư bản nhà nước - đen ngòm *


Ai cũng biết thị trường chỉ là cái chợ, là nơi mua bán.

Vì lý do dễ hiểu, cái chợ có thể xuất hiện ở mọi nơi, nhưng chỉ thành trung tâm trao đổi trù phú nếu có điều kiện địa dư thuận lợi cho việc giao thông ban đầu là một dòng sông. Nơi giao tiếp giữa các nhánh sông mới thành thị trấn, rồi biểu hiện là cái chợ mới có kích thước lớn hơn, sinh hoạt thường xuyên hơn chứ không còn tùy mỗi phiên chợ.

Nói về nước mình thì từ thế kỷ 16, người Việt nôm na gọi nơi buôn bán sầm uất nhất thời ấy là Kẻ Chợ. Đấy là thủ đô Đông Kinh mà trước kia gọi là Thăng Long.

Cả hai từ “kẻ” và “chợ” đều là tiếng Nôm, xuất phát từ dân gian, rồi mượn chữ Hán để phiên âm. Tùy quan điểm văn hóa và chính trị thịnh hành, dân Kẻ Chợ có thể là người thanh lịch, hoặc phường khéo nói chỉ vì nhu cầu mua bán. Trong mấy ngàn năm, do nét văn hóa tiếp nhận từ phương Bắc, việc mua bán ấy kém phần “phải đạo” nên lọt xuống cuối hàng sĩ, nông, công, thương. Và chữ “kẻ”, là cái làng, bị xuống cấp với ý tiêu cực.

Vì vậy, dân ta đã có “kinh tế thị trường” là hệ thống giao dịch mua bán có tính chất tự phát, trước khi giới uyên bác diễn giải thành lý luận đúng sai hay được thua của kinh tế thị trường. Đấy là một hiện tượng chung cho mọi xã hội con người.

Bài viết này mở đầu bằng “Kẻ Chợ” chỉ để dụ khị sự tò mò của bạn đọc thôi, vì khuôn khổ có hạn của một bài viết nên xin miễn các chi tiết rắc rối về những “Kẻ Chợ” của các dân tộc hay xứ khác. Ai muốn hiểu sâu xa hơn thì xin tham khảo bộ sách Civilisation matérielle, économie et capitalisme của sử gia Pháp Fernand Braudel (1902-1985), bậc thầy của nhiều sử gia thế giới trong Thế kỷ 20. Nhà Amazon có bản Anh ngữ của ba tập đồ sộ này!

Sau đấy người ta mới biết đến tư bản chủ nghĩa, là hiện tượng cận đại hơn.

Nhiều tác giả đã viết về tư bản chủ nghĩa, từ Karl Marx (1818-1883) đến Max Weber (1864-1920) hay Fernand Braudel, v.v… nhưng có lẽ nhà bác học và một bậc quốc phụ của Hoa Kỳ là Benjamin Franklin (1706-1790) đã sớm tóm lược tinh túy của chủ nghĩa là “lấy tiền để kiếm tiền”. Lợi nhuận, hay “giá trị thặng dư” theo kiểu Marx, chỉ là phương tiện hay cách đo đếm tiến trình kiếm lợi. Một số tôn giáo như Công giáo hay Hồi giáo kết án tinh thần truy tìm lợi nhuận ấy, nhiều lý luận về sau thì biện minh rằng lợi nhuận không xấu, như đạo Tin Lành, miễn là trong tiến trình truy tìm doanh lợi, tư bản chủ nghĩa có hiệu ứng tích cực cho xã hội….

Vì vậy, và ta đi vào chủ đề của cột mục “kinh tế cũng là chính trị” khi phân biệt thị trường với tư bản chủ nghĩa.

Trong nền kinh tế thị trường, chợ búa là nơi trao đổi hàng hóa (rồi ngày nay có cả dịch vụ) và cạnh tranh giữa các tiểu doanh thương để kiếm sống. Tư bản chủ nghĩa thì tiến xa hơn vậy, với nhu cầu truy tìm tối đa doanh lợi để tập trung tài sản cho một đòi hỏi lớn lao hơn, đó là… lại kiếm tiền. Các tôn giáo có thể thông cảm hay tha thứ nhu cầu kiếm sống của tiểu doanh thương chứ chưa chắc đã chấp nhận tư bản chủ nghĩa trong tinh thần truy tìm tối đa doanh lợi như vậy.

Nhưng sau cuộc cách mạng chính trị tại Âu Châu để đẩy lui vai trò của tôn giáo trong đời sống thế tục, nhiều chính quyền lãi áp dụng tư bản chủ nghĩa… cho mình. Chủ nghĩa tư bản nhà nước xuất hiện từ hoàn cảnh đó và nhà nước dùng tư bản để bành trướng thế lực, kể cả thế lực quân sự. Chế độ thực dân Âu Châu khởi đầu từ các cơ sở kinh doanh tư bản, các công ty Đông-Ấn của Anh hay Hòa Lan… Qua thế kỷ 21 thì ta có chế độ thực dân Trung Hoa sinh sau đẻ muộn mà cũng mưu tính chuyện tương tự với nhà nước tư bản và công cụ là tập đoàn kinh tế nhà nước.

Độc giả có thể ngao ngán với 400 chữ “tư bản luận” ở trên, nhưng xin bà con kiên nhẫn!

Chỉ vì thị trường là quán nước đầu làng hay cửa hàng tạp hóa ở góc phố. Chứ tư bản là siêu thị, với khả năng kết hợp dọc và ngang, từ cung cấp đến phân phối, để tìm kiếm tối đa lợi nhuận. Sau đó mới là loại hiện tượng như Coca Cola hay Wal-Mart, cũng là nước uống hay thức ăn nhưng hết là tạp hóa hay bách hóa mà là cái gì đó vĩ đại gấp bội.

Nhu cầu của nhà nước và tư bản đánh bạt mọi rào cản tinh thần và tiến tới hiện tượng toàn cầu hóa ngày nay. Trong hai trăm năm đó, các nước Âu Châu dẫn đầu và tư bản chủ nghĩa còn thúc đẩy cuộc cách mạng kỹ nghệ vào đầu Thế kỷ 19 làm thay đổi bộ mặt thế giới. Người ta hết tát nước bằng gàu sòng mà dùng máy khai thác sức nước và hơi nước để làm ít hưởng nhiều hơn và tiến xa hơn. Những gì đã thấy tại Nhật Bản hay tại Trung Quốc sau này chỉ thể hiện nhu cầu tập trung phương tiện để có thêm phương tiện.

Vì vậy, tư bản chủ nghĩa không có quốc tịch. Quốc gia nào cũng muốn truy tìm tối đa phương tiện, mỗi nước tìm một cách, chứ động lực chung thì vẫn là truy tìm lợi nhuận. Khi động lực này đã bung ra thì dù Mao Trạch Đông có tái sinh thành Tập Cận Bình cũng không thể trói voi bỏ rọ. Tư bản đã thành con voi lồng, và nhiều chính trị gia chỉ là quản tượng!

Trong tiến trình có vẻ hợp lý mà đôi khi chẳng hợp tình, ta có tai nạn như Vinamilk, Vinashin, Vinalines…. Cũng có phù hiệu “tư bản nhà nước” ở tiếp đầu ngữ VINA mà chuyên về sản nhập hơn sản xuất nhưng tay chân thân tộc thì đúng điệu tư bản là tìm lợi tối đa cho mình. Còn lại? Kệ cha nhân dân và thiên hạ.

Nhưng, dù tới sau - mà cũng vì đến sau nên thấy trước mối nguy của tập trung là nạn độc quyền - Hoa Kỳ tìm cách phá vỡ nạn độc quyền và có lập trường chống đối chế độ tư bản nhà nước của các chính quyền thực dân. Ngày nay, thế đối lập giữa thị trường và tư doanh với giới tư bản có tài sản quá tập trung thể hiện rõ rệt nhất cũng tại Hoa Kỳ.

Khi ấy, trong cuộc tranh cử tổng thống hiện nay ta thấy ra hai hiện tượng thật ra là hai mặt của một đồng bạc giả.

Bên đảng Dân Chủ, phất cờ chống tư bản chủ nghĩa là Nghị sĩ Bernie Sanders, nhưng không để bảo vệ thị trường và giới tiểu doanh thương cò con. Ông chống là vì lý do ý thức hệ, như nhiều phần tử thân cộng Âu Mỹ trước đây. Bên đảng Cộng Hòa, tỷ phú Donald Trump cũng ra mặt chống tư bản chủ nghĩa chẳng khác gì Bernie Sanders, mà cũng không để phát huy thị trường hay bảo vệ tiểu doanh thương. Ông chống bọn quản tượng của tư bản là các chính trị gia khác, chứ bản thân, The Donald là hiện thân của tư bản và ghét nhà nước vì cản trở sức mạnh thâu tóm của mình.

Quý độc giả ngạc nhiên về nhận xét trên? Năm 2008, tỷ phú Donald Trump ngợi ca một chế độ đã “đẩy sóng ra khơi để nối chân trời gần lại”:

“Họ cứ thổi rác ra biển để có cả vạn mẫu đất, tôi mà làm vậy ở New York là lên ghế điện ngay!” Ai cũng biết Donald Trump là doanh gia về địa ốc, nhưng ít ai nhớ chế độ được Con Vịt Donald này ca tụng về khả năng tập trung hành động chính là Bắc Kinh.

Vì vậy, giữa hai ứng cử viên Bernie Sanders và Donald Trump, ta có thể ưa thích và tin tưởng nhân vật… thứ ba là Hillary Clinton. Là người của chủ nghĩa tư bản xấu xa, lại được tài phiệt Wall Street yểm trợ nhiều nhất, bà cũng chống Wall Street rất mạnh. Thành phần khôn ngoan ủng hộ bà là những người có học, còn đa số quần chúng của hai nhân vật kia là người ít học, hay giới trẻ, đồng nghĩa với ít hiểu biết, nhưng cả hai đều có đầy nhiệt tình dân chủ.

Còn thị trường?

Người viết này tò mò học trị trường cờ bẻo, nôm na là cờ bạc. Dân nhập cuộc bỏ tiền cá cược và lời thua lỗ chịu nên theo dõi tình hình rất sát vì quy luật “của đau con xót”. Tính đến Thứ Ba mùng năm, tại Las Vegas, thị trường này đánh cá là Ted Cruz đại thắng và Donald Trump thua đậm trong vòng sơ bộ của Wisconsin, nhưng Bernie Sanders còn thắng Hillary Clinton với tỷ lệ áp đảo hơn.

Viết đến đây mới thấy mình hố: thị trường cờ bạc này là một diện khác của tư bản chủ nghĩa! Thật dễ ghét….

1 nhận xét:

  1. Thưa bác Nghĩa,
    Cháu có một thắc mắc, là tại sao rất nhiều người ủng hộ tự do kinh tế lại dùng từ "chủ nghĩa tư bản" (capitalism) thay cho "chủ nghĩa kinh tế cá nhân" (economic individualism), trong khi "chủ nghĩa tư bản" là cách gọi có nghĩa miệt thị của những người tự xưng là "xã hội chủ nghĩa" (trong thực tế khi họ điều hành nền kinh tế chẳng thấy vì xã hội mà chỉ thấy là "xuống hố cả nút") nhằm nói đến các chủ thuyết về thị trường tự do hay tự do kinh tế làm lợi cho các nhà tư bản (họ không hiểu economic individualism là cái gì, và chính các nhà đại tư bản sợ nhất là cạnh tranh và họ vận động rất lớn cho các chính sách, luật lệ can thiệp nhằm xói mòn tính cạnh tranh của thị trường tự do)?
    Có phải là "chủ nghĩa tư bản" được sử dụng quen nên thành ra thông dụng, nó cũng giống như "bảo thủ" (conservative) dành cho "cánh hữu" trong khi họ thực sự là những người ủng hộ sự tự do trong đó cốt lõi là tự do kinh tế? Bác có bao giờ nghĩ nếu thay đổi cách gọi sẽ làm rõ hơn chủ thuyết hay lý thuyết mà những người ủng hộ cái đó muốn trình bày?
    Cháu xin cảm ơn.

    Trả lờiXóa