Hùng Tâm - Người-Việt Ngày 160413
"Hồ Sơ Người-Việt"
Hình Như Là Donald Trump Có Lý!
* Minh ước NATO qua lịch sử *
Trong cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ năm nay, ứng cử viên Donald Trump
bên Cộng Hòa có biệt tài nói nhảm và gây phản ứng cho mọi người.
Bên trong nước Mỹ, nỗi lo về kinh tế và sự bực bội về xã hội có thể khiến
nhiều người gay gắt phản ứng, khi chống đối hoặc ủng hộ ông Trump. Với thế giới
bên ngoài, tình trạng náo loạn và không khí hực lửa của cuộc tranh cử lại như
được ông Trump đổ thêm dầu, cho nên người ta càng e ngại viễn ảnh Hoa Kỳ sẽ có
Tổng thống thứ 45 là Donald Trump.
Nhưng, theo quy tắc “đôi khi người nói trăm điều tối cũng có một câu
sáng”, việc Donald Trump phê phán Minh ước Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương NATO và
phần đóng góp thiếu công bằng của các nước Âu Châu cho tổ chức này lại không
hoàn toàn sai. Nhìn xa hơn vậy, vai trò của NATO, hay của Hoa Kỳ trong minh ước
quân sự này, lại là vấn đề mà Tổng thống Mỹ sẽ phải giải quyết trong tương lai.
Hồ Sơ Người-Việt xin nói về hồ sơ đó.
Sức Nặng Của Áo Giáp
Được thành lập vào Tháng Tư năm 1949 trong thời Chiến tranh lạnh, NATO
là minh ước quân sự có mục tiêu bảo vệ các nước Tây Âu trước đà bành trướng của
Liên bang Xô viết, sau khi Liên Xô thôn tính các nước Đông Âu trong cái trớn thắng
lợi của Thế chiến II. Sáng kiến thành lập xuất phát từ Hoa Kỳ, cường quốc đã đại
thắng và đang yểm trợ việc tái thiết Tây Âu. Ngày nay, NATO có 28 thành viên là
hai nước Bắc Mỹ (Hoa Kỳ và Canada ) và 26 nước Âu Châu, kể cả Cộng hòa Thổ Nhĩ
Kỳ ở Trung Đông. Quy tắc liên phòng được điều 5 của Hiến chương ghi rõ là tấn
công một thành viên là tấn công cả tổ chức nên các thành viên kia đều có nhiệm
vụ tham gia bảo vệ.
Minh ước NATO đã thành công trong nửa thế kỷ là bảo vệ được Tây Âu mà khỏi
dụng binh trước mấy chục sư đoàn trong khối Warsaw của Cộng sản, với sự yểm trợ
và thực tế là chỉ đạo của Liên Xô. Thành công đến nỗi có khi bị diễu là không
hành mà chỉ ngôn, không đánh mà chỉ nói, “no action talk only”.
Lần đầu tiên NATO ra quân là vào năm 1999 vì mục tiêu nhân đạo với hậu
quả ngoại giao là để bảo vệ thiểu số Hồi giáo tại Kosovo trước nguy cơ tàn sát
và diệt chủng của Serbia khi Cộng hòa Liên bang Nam Tư tan rã. Khi ấy, Liên Xô
đã tiêu vong và hậu thân của đế quốc này là Liên bang Nga đang bị khủng hoảng,
gặp nguy cơ vỡ nợ. Ngày nay, đến lượt NATO cũng bị khủng hoảng.
Hãy nói về trách nhiệm đan giáp.
Hoa Kỳ có dân số 320 triệu người, với sản lượng kinh tế hơn 18 ngàn tỷ
đô la một năm. Tại Âu Châu, tổ chức Liên hiệp Âu châu thành hình từ Thỏa ước
Maastricht vào năm 1994 nay quy tụ 28 quốc gia có dân số là 508 triệu và sản lượng
kinh tế là 18 tỷ rưỡi. Nói về sức mạnh kinh tế thì hai khối Âu-Mỹ này bằng nhau
dù Âu Châu đông dân hơn đến 200 triệu. Như vậy, trên mệnh giá chính thức thì
hai bên có thể chia sẻ trách nhiệm đồng đều để duy trì hệ thống phòng thủ ấy.
Khi thành lập vào thập niên 50 của thế kỷ trước thì các nước Âu Châu bị
tàn phá có thể đóng góp ít hơn và trông cậy vào bậc trưởng tràng là Hoa Kỳ.
Nhưng Âu Châu đã phục hồi và phát triển mạnh để có sản lượng kinh tế còn cao
hơn nước Mỹ, vì sao Hoa Kỳ vẫn gánh vác nhiều nhất cho việc duy trì minh ước đó?
Từ đã lâu rồi, phía Hoa Kỳ đề nghị các thành viên NATO là mỗi nước đóng
góp 2% Tổng sản lượng của mình cho hệ thống phòng thủ chung mà chỉ có vài nước,
trước tiên là Anh và Pháp, còn cố gắng. Hầu hết đều châm ít tiền hơn cho việc
mua ổ khóa hay đan áo giáp để tự vệ, trong khi nước Mỹ chi ra 2,7% Tổng sản lượng.
Tính chất thiếu công bằng mà Donald Trump nói ra được phản ảnh từ mấy con số trừu
tượng đó.
Nhưng vấn đề không chỉ là kế toán!
Ý Chí Tự Vệ Bằng Quyền Lực Mềm
Khi minh ước NATO được thành lập, Hoa Kỳ là cường quốc giàu và mạnh nhất
nên gánh vác trọng trách cho việc phòng thủ chung trước nhu cầu tái thiết và
phát triển của Tây Âu. Cái thế bất cân xứng ấy là điều có thể hiểu được và vì
quyền lợi của mình Hoa Kỳ cũng có nhu cầu ngăn ngừa Liên Xô thôn tính luôn Tây
Âu để chiếm đoạt cả bán đảo Âu Châu trên đại lục địa Âu-Á. Thà như vậy còn hơn
Mỹ lại phải đổ quân vào Âu Châu như đã từng làm trong hai Thế chiến.
Nhưng hai chuyển động đã thay đổi bài toán an ninh và kinh tế này. Liên
Xô tan rã từ cuối năm 1991 và Liên Âu ra đời sau đó, từ 1994. Nhìn từ quan điểm
quyền lợi của Hoa Kỳ, cái thế bất cân xứng ấy hết lý do tồn tại và việc Âu Châu
đóng góp nhiều hơn là một yêu cầu hợp lý. Nhiều giới chức quân sự Hoa Kỳ dưới
các chính quyền Cộng Hòa lẫn Dân Chủ đều đã phàn nàn về sự đóng góp quá ít của
Âu Châu.
Thật ra, vấn đề còn phức tạp hơn vậy.
Thứ nhất, Liên Âu không là một thực thể thống nhất về chính trị - không
có thực quyền trong nhiều quyết định sinh tử cho cả khu vực, nổi cộm nhất là thực
quyền về chánh sách kinh tế, với 19 nước là thành viên của hệ thống tiền tệ thống
nhất, là khối Euro đang bị khủng hoảng. Thứ hai, chẳng là một “Hợp chủng quốc
Âu Châu” như Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, United
States of America, Liên Âu không thể có hệ thống phòng thủ quân sự thống nhất
và từng nước vẫn có bộ quốc phòng và quân đội riêng do một chính quyền dân cử
điều động cho việc tự vệ. Bên trong, cường quốc kinh tế số một là Cộng hòa Liên
bang Đức còn chểnh mảng hơn nữa với nhu cầu quốc phòng, chứ không bằng Anh và
Pháp.
Về tổ chức chính trị, Liên Âu đã rời rạc như thế, về tinh thần hay văn
hóa thì còn thê thảm hơn.
Sau hai Thế chiến trong thế kỷ 20, các nước Âu Châu đều mệt mỏi với chiến
tranh. Không chỉ thiếu quân, thiếu đạn và võ khí, Âu Châu thiếu ý chí tự vệ,
nhưng định chế hóa sự nhu nhược đó với chủ trương khai thác “quyền lực mềm” làm
sức mạnh. Quyền lực mềm là tất cả những gì có thể làm để khỏi dụng binh: quyết
định trừng phạt kinh tế, phong trào vận động dư luận, hay những thỏa thuận ngoại
giao mà không cần tới súng đạn. Âu Châu muốn có sức mạnh tinh thần thay cho sức
mạnh vật chất để bảo đảm cái thế cường quốc của mình.
Nhân đó Âu Châu lại nói tới nếp văn hóa hiếu hòa trước sự hung hăng của
Hoa Kỳ, như một anh cao bồi lúc nào cũng muốn giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực,
trong khi vẫn dựa vào sức mạnh quân sự của nước Mỹ. Khi cuộc khủng hoảng bùng nổ
trong thế giới Hồi giáo tại Trung Đông và tràn vào Âu Châu đang lúng túng với
đà quật khởi của Liên bang Nga tại Georgia năm 2008 rồi Ukraine năm 2014 thì Âu
Châu phát giác là quyền lực mềm của mình quá mềm - và sẽ oặt!
Âu Châu không còn khả năng quân sự để bảo vệ an ninh của mình nữa.
Manh Giáp Tanh Bành
Vì khái niệm quyền lực mềm của Âu Châu, minh ước NATO bị khủng hoảng khi
tổ chức và mục tiêu không còn như xưa.
Sự sụp đổ của Liên Xô khiến nhiều nước Đông Âu (nhìn theo trục Đông-Tây)
hay Trung Âu (nhìn theo trục Nam-Bắc) đã thoát khỏi chế độ cộng sản ngoại lai,
vừa cộng sản vừa ngoại lai vì là chế độ Xô viết của Nga. Các quốc gia nạn nhân
này bèn tham gia vào minh ước NATO vì hai lý do. Càng ở gần Liên bang Nga thì
càng thấy lý do phòng thủ là quan trọng. Các nước ở xa hơn thì thấy NATO là bậc
thềm Âu hóa: được hội nhập vào khối Âu Châu tự do và thịnh vượng hơn.
Sự thể rất tế vi và phức tạp ấy giải thích việc các quốc gia nạn nhân của
Cộng sản Xô viết muốn hội nhập vào Liên Âu và NATO.
Khốn nỗi, NATO là một minh ước quân sự, nơi mà các thành viên phải xử lý
việc sử dụng bạo lực với quân trang quân cụ và lính tráng. Các quốc gia nằm dưới
tầm đạn của Liên bang Nga còn có thể chú ý đến khía cạnh kém vui đó và muốn
NATO là áo giáp cho mình. Các nước kia thì chưa chắc, nhất là khi viễn ảnh chiến
tranh lại ở xa, chứ nỗi băn khoăn về kinh tế mới là ưu tiên thiết thực.
Huống hồ ngay trong khối Liên Âu, các nước Bắc Âu hay Tây Âu cũ cũng có
quan niệm khác.
Tại Bắc Âu, kể cả Anh quốc, các nước vẫn còn gắn bó với tinh thần Đại
Tây Dương nguyên thủy và tương đối gần với quan điểm của Hoa Kỳ. Tại Tây Âu, cường
quốc kinh tế số một là nước Đức không nhìn Liên bang Nga của lãnh tụ Valdimir
Putin với cùng quan điểm tương tự như các quốc gia Đông Âu là Ba Lan hay ba nước
Cộng hòa vùng Baltic. Với Đức, nước Nga là một lợi thế kinh tế vì là nguồn cung
cấp năng lượng và một thị trường đầu tư và xuất cảng.
Do vị trí và toan tính riêng, ngần ấy quốc gia Âu Châu đều nhớ tới thành
viên kia của NATO, là Hoa Kỳ. Nước Mỹ có bổn phận bảo vệ họ như đã từng bảo vệ
trong thời Chiến tranh lạnh. Qua ngần ấy tuyên bố ngang ngược và nhảm nhí,
Donald Trump lại làm được một việc có ích: cảnh báo Âu Châu rằng Hoa Kỳ cũng mệt
mỏi rồi!
Nhưng ra khỏi không khí bát nháo của cuộc tranh cử tại Hoa Kỳ, ta thấy vấn
đề không thu gọn vào hồ sơ NATO hay vào yêu cầu góp tiền mua súng trừ gian. Vấn
đề là chuyện gì lớn hơn vậy mà nguy hơn vậy, là quan hệ giữa Hoa Kỳ và Âu Châu.
Chẳng những nền móng của NATO đã thay đổi mà thực thể Liên Âu có thể bị
khủng hoảng rồi chia thành ba bốn khối, mỗi khối lại cố giật một mảnh của manh
giáp NATO. Dù là vất vả, các thành viên còn khả năng cải sửa lại cơ chế và tổ
chức của NATO, nhưng các nước Liên Âu chẳng thể quyết định về tương lai của
chính mình. Cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23 Tháng Sáu này tại Anh quốc, để xem
dân Anh có còn muốn là thành viên Liên Âu nữa hay chăng, là một nhắc nhở.
---
Kết luận ở đây là gì?
Khi Liên Âu chưa biết là sẽ đi về
đâu thì Hoa Kỳ có thể làm gì?
Chẳng lẽ lại vượt biển để khuyên
giải Âu Châu về lẽ tử vong?
Anh cao bồi này có tư cách gì?
Hóa ra Donald Trump cũng được việc!
Thưa bác Nghĩa,
Trả lờiXóaCháu xin hỏi lạc đề về QE, theo cháu hiểu thì ngân hàng trung ương được phép mua công khố phiếu hay trái phiếu (tư nhân)... rồi bút ghi (điện tử) vào trương mục của các ngân hàng thương mại (tư nhân) bên dưới. Vậy, ngân hàng trung ương lấy tiền ở đâu ra để mua công khố phiếu, trái phiếu tư nhân...? Họ lấy tiền từ "không khí" vì đó là đặc quyền của họ?
Thứ nữa, chuyện mua công khố phiếu chẳng phải mặc nhiên gián tiếp ngân hàng trung ương cho chính phủ vay tiền đấy hay sao?
Đó là bên Mỹ, còn ở VN thì cháu biết là có chuyện ngân hàng "nhà nước" "in tiền" cho chính phủ. Cháu không hiểu là khoản tiền đó chính phủ vay (tức phải trả) hay là chính phủ được phép lấy mà không cần trả vì cháu đọc thấy định nghĩa nợ công (nợ lĩnh vực công quyền) của VN khá mù mờ là họ không tính nợ của ngân hàng trung ương, tức mặc nhiên nhận tiền vô tội vạ nhờ bút ghi, nhờ "in tiền" mà không cần trả?
Kính mong bác giải đáp giúp.
Cháu xin cảm ơn.
Bạn Thinh Pham, có thể hiểu chỉ ở khía cạnh nội địa mối quan hệ giữa NHTW và Chính phủ trong một nước và trái phiếu người dân sở hữu. Tuy vậy, Việc mua bán trái phiếu phát hành ra bên ngoài để nới lỏng hay thắt chặt nhằm mục đích nào đó nó sẽ ảnh hưởng đến lợi suất trái phiếu và tỷ giá mới là điều đáng nói . Điều này đâu có thay đổi dù chủ sở hữu trái phiếu là ai? Chinh phủ hay NHTW.
Trả lờiXóa