Thứ Bảy, tháng 4 02, 2016

Cái Búa Của Donald



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 160401


Cưỡi trên sóng, Donald Trump chỉ là bèo xủi bọt   

* Nước Mỹ không nhận ra mình trong lời thô tục của The Donald - Hý họa của M. Ramirez * 


Khi tin tức về Donald Trump hết là thời sự trang nhất, các nhà xã hội học vẫn phải tự hỏi rằng nước Mỹ mắc chứng gì mà để có một nhân vật như vậy ra tranh cử bên đảng Cộng Hòa làm từ chính trường tới xã hội và các nước khác trên thế giới đều giật mình, hay khó chịu…

Ông ta có thể là một hiện tượng, nhưng là triệu chứng hơn một nguyên nhân, mà cũng chẳng thể lãnh đạo một trào lưu, hay khuynh hướng hoặc chủ thuyết. Nhưng tên tuổi của Trump sẽ tàn lụi, chứ các yếu tố dẫn tới hiện tượng này thì không. Và đấy mới là vấn đề của nước Mỹ.

Các quốc gia khác có thể hài lòng khi thấy nước Mỹ cấu xé nhau vì hiện tượng Donald Trump mà chẳng thấy rằng đấy không là trường hợp đơn lẻ của Hoa Kỳ. Liên bang Nga có nhân vật Vladimir Putin, một diễn viên ăn ảnh và bắt ánh sáng với nhiều quyết định táo bạo sau khi lên lãnh đạo trong 16 năm và gây nhiều tiếng nổ, trong cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Donald Trump cũng vậy, nhưng thua xa vì chỉ gây ra tiếng nổ trong nghĩa bóng mà thôi.

Nếu nhìn qua Pháp, một quốc gia đã khơi mào cho cách mạng dân chủ từ năm 1789, ta cũng có thể thấy một “Donald mặc váy” là lãnh tụ Marine Le Pen của lực lượng cực hữu “Mặt Trận Quốc Gia” với những phát biểu nặng mùi kỳ thị. Cạnh đó, hai quốc gia từng là nạn nhân của Liên Xô và độc tài, là Ba Lan và Hung Gia Lợi, và rất thiết tha với việc hội nhập vào Âu Châu hiện cũng có lãnh tụ phảng phất tinh thần phân cực của Donald Trump làm Liên hiệp Âu châu nhức đầu không ít.

Vì vậy, nếu chính trường Hoa Kỳ có xủi bọt vì Donald Trump thì nhân vật này chỉ là bọt bèo nổi lên trên. Thế làn sóng đáy ở dưới là gì? Người viết sẽ ôm một bình ga lặn rất sâu xuống dưới. Xin quý bạn đọc hãy cùng nín thở….

***

Toàn cầu hóa là “toàn cầu hóa dại”. Có tự do nhất, Hoa Kỳ trưng bày hình ảnh hóa dại nhất.

Sau một phần tư thế kỷ ngợi ca toàn cầu hóa và sức mạnh dời núi lấp sông của thị trường khiến cả tỷ người ra khỏi thời kham khổ - hãy tạm lấy năm 1991 làm mốc khi Liên Xô tan rã và Chiến tranh lạnh kết thúc - một số không ít bỗng thấy bẽ bàng. Họ theo không kịp trào lưu mới vì thiếu kiến năng, kiến thức và khả năng, nên thấy mức sống sa sút so với thế hệ trước.

Đặc tính tự do của xã hội cho phép họ được lên tiếng than van. Nhưng khốn nỗi chẳng mấy ai nghe vì dư luận mải ngợi ca thành tựu kinh doanh và sự khai phóng của thiểu số có tiền có tiếng ở trên, hoặc cúi đầu ái ngại số phận của thiểu số nghèo túng ở dưới, đa số là thuộc các sắc dân da màu.

Doanh gia hay diễn viên thượng thặng là đẳng cấp mà thành phần này với không tới, còn thiểu số nghèo khốn được xã hội dư thừa xưng tụng là “nạn nhân” của những tội mà họ thấy mình vô can. Thành phần trung lưu ấy có mức sống thấp, không đủ khả năng phá vỡ cái trần kính ở trên đầu để lên tới cấp thượng lưu và thực hiện “Giấc mơ Hoa Kỳ”. Họ lại chẳng được trợ cấp vì chưa đủ nghèo, nên chết kẹt ở giữa, trước sự thờ ơ của xã hội.

Họ thấy hình như là xã hội hóa dại nên nghi ngờ không chỉ kinh tế thị trường hay lập luận uyên bác về tự do mậu dịch trong một thế giới toàn cầu hóa. Nỗi oán hận ấy, họ trút vào lãnh đạo, vào chính quyền và các chính trị gia. Hai nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama với chủ trương cải tạo xã hội và nền kinh tế đã hết suy trầm từ giữa năm 2009 mà chưa hồi phục càng gây thêm hậm hực cho thành phần trung lưu thấp, đa số là dân da trắng.

Thiểu số da màu được gọi là nạn nhân thì còn lãnh trợ cấp và khi có chuyện họ được ưu tiên chiếu cố, chứ dân da trắng lại chẳng được như vậy. Hậm hực chuyển thành bất mãn - và kỳ thị.

Donald Trump bắt mạch được chuyện ấy và nói giọng kỳ thị mà được vỗ tay.

Nhìn lại mà xem, dân Mỹ có thể nhất thời hốt hoảng, giận dữ và tranh cãi về nạn khủng bố hay chiến tranh, nhưng bàng bạc bên trong vẫn là nỗi ưu tư của đa số về đời sống, về mức sống, về vật chất lẫn tinh thần: thành phần trung lưu hết giữ vai trò tinh thần, hết là trụ cột cho sự tiến hóa của cả xã hội.

Tạo ảnh hưởng về tinh thần và cách sống cho xã hội là hai thành phần thiểu số “phi kinh tế”. Người giàu có và tên tuổi (nghệ sĩ Hollywood hay doanh gia Silicon Valley) thì ngợi ca tự do và sự phóng túng của xã hội. Nhưng hai thành phần ấy không mấy quan tâm đến hiện tượng trung lưu sa sút về kinh tế và mất tinh thần về tâm lý.

Ngay trong thành phần nạn nhân bị lãng quên ấy, người tôn trọng kỷ cương gia đình và đức tin tôn giáo cũng thấy xã hội bị đảo điên vì hiện tượng “chính trị phải đạo”, politically correct.

Thiên hạ có thể quan tâm đến số phận của súc vật hay nạn sát sinh mà vẫn cổ võ việc phá thai. Người ta xa lánh kẻ hút thuốc lá, dược liệu tâm thần rẻ tiền cho người nghèo, nhưng vận động việc phổ biến cần sa như thuốc chữa bệnh cho bọn no cơm ấm cật. Thiên hạ tránh nói về lý luận Hồi giáo cực đoan và mục tiêu Thánh Chiến của khủng bố nhưng triệt để giới hạn vai trò của Thiên Chúa và coi việc đi nhà thờ là hủ lậu. Nói theo Việt ngữ cho dễ hiểu, ngày Sunday thì phải gọi là Chủ Nhật chứ không thể là Chúa Nhật! Giáng Sinh là ngày vui cuối năm chứ không để ngợi ca Chúa Hài Đồng.

Những mâu thuẫn văn hóa ấy là có thật, nhưng Donald Trump chụp lấy cơ hội để tập trung phản ứng kỳ thị vào người Hồi giáo, hay các sắc dân xuất phát từ Trung Đông. Hoặc dân Mễ đã làm dân Mỹ mất việc vì hiện tượng toàn cầu hóa đã nói ở trên.

Qua vài ba sự kiện ấy, người ta cũng đã thấy cái gì đó không ổn cho xã hội Hoa Kỳ, từ kinh tế đến văn hóa. Donald Trump nhảy ra dẫn đầu đám rước như một thủ lãnh với những hứa hẹn nhố nhăng. Nếu chẳng may ông đắc cử Tổng thống, ta nên tin rằng ông ta sẽ làm tròn lời hứa. Tức là sẽ xây một bức tường, nhưng không tại biên giới Mỹ-Mễ mà xây ở nơi khác thì mới hái ra tiền! Nước Mỹ bệnh thật, không vì Donald Trump, mà vì đi sớm hơn thiên hạ vào vùng vô định.

Nhìn rộng ra các nước Tây phương gồm Âu và Mỹ, ta có thể thấy gì mà nói rằng nước Mỹ tiến quá nhanh? Hãy tìm đến vùng vô định ấy qua diễn biến của thời gian.

Trong thế giới Tây phương, từ 500 năm về trước, nơi nào có đồi cao cảnh đẹp, nơi đó có giáo đường với thánh giá chọc trời. Đấy là thời lãnh đạo của tôn giáo. Khủng hoảng cũng có lúc bùng nổ, đôi khi trở thành chiến tranh tôn giáo. Nhưng khủng hoảng nặng nhất là các thế lực thần quyền bị dân quyền lật đổ và khái niệm quốc gia thành hình với chế độ thế quyền, theo nguyên tắc dân chủ. Và kiến trúc thống trị hết là giáo đường mà là tòa thị chính, là trụ sở quốc hội. Thủ đô Hoa Kỳ không thể có kiến trúc nào cao hơn Điện Capitol là biểu tượng của nhân dân.

Nói cho văn vẻ thì Thiên Chúa bị Nhân Dân đẩy lui, và đằng sau nhân dân là các lãnh tụ chính trị, các chính khách trên chính trường.

Nhưng rồi sau cách mạng tôn giáo và chính trị, lại đến cách mạng kinh tế. Chính trường bị thị trường lấn át, thậm chí mua chuộc và sai khiến. Donald Trump khoe khoang điều ấy, với tư cách là người của thị trường đã từng dùng tiền sai bảo các chính khách từ tả đến hữu.

Ông ta không thể không thấy kiến trúc cao nhất của thành phố hết là thánh đường hay dinh tổng trấn, phủ đầu rồng mà là các tòa nhà chọc trời, là những cao ốc thương mại trăm tầng. Donald Trump là nhà xây cất cự phách, doanh gia đã thực hiện các dự án chọc trời.

Bây giờ, quần chúng nghi ngờ thị trường và có người đòi đập phá tất cả để khoanh vùng xây dựng một cái gì khác mà họ chưa biết là gì. Donald Trump bèn cầm búa dẫn đầu trào lưu ấy. Và sẽ tần ngần dưới chân cái tháp Trump Tower….

Có gì đó nghiêm trọng hơn là hiện tượng Trumpet - ồn ào huê dạng. Những phát ngôn hay động thái của Trump chỉ là trò giải trí được truyền thông cổ võ để bắt quảng cáo theo đúng quy luật thị trường. Nhưng sau đó là gì?

1 nhận xét:

  1. Thưa bác Nghĩa,
    Cháu nghĩ Donald Trump được phiếu vì dám nói thẳng về vấn đề HG, bác đừng nghĩ ai ủng hộ Donald Trump là kì thị, phân biệt chủng tộc, bài ngoại...Vấn đề là họ lo xa cho tương lai của nước Mỹ khi nhìn châu Âu, đôi khi lo quá xa trong khi bỏ qua những vấn đề nghiêm trọng khác. Tất nhiên, khủng hoảng ở châu Âu không chỉ gói gọn trong chuyện HG nhưng quan điểm về HG nay đã trở thành quan điểm nóng nhất.
    Càng có hiểu biết thì sẽ càng hiểu, chẳng có "Hồi giáo cực đoan" nào cả, cũng như chẳng có "Cộng Sản cực đoan" hay "Phát xít cực đoan", đó Hồi giáo (Islam) của quá khứ và của hiện tại (chưa cải cách đủ) nhưng có thiểu số (chứ không phải đa số) họ không chấp nhận thực hành những quan điểm kinh sách nên họ khá giống người phương Tây-tức chỉ mang cái vỏ HG-cháu rất ước ai cũng như đám người này thì tốt, họ là những người ôn hòa thực sự. Còn đa số thì là Hồi giáo cực đoan (so với người phương Tây) đòi sống theo luật HG nhưng không là khủng bố, còn có thiểu số còn lại là bọn siêu cực đoan mới thành IS, Hamas.... Cháu thấy nhiều người nói thẳng nói thật về HG không phải là người Kito giáo mà là những người không theo tôn giáo nào, họ có thể không thích Donald Trump nhưng đồng ý với ông ta riêng phát biểu về HG và họ cũng tự hỏi, tại sao xã hội Mỹ có thể dung túng cho những quốc gia (nói thẳng là rất phát xít) Saudi Arabia (với giáo lý siêu cực đoan về tư tưởng Wahhabism) hay Iran, tất nhiên là có chuyện chính trị phức tạp đằng sau. Họ cũng tự hỏi luôn, tại sao hệ thống các giáo đường HG chủ yếu nhận tài trợ của mấy anh vùng vịnh toàn giảng giải tư tưởng cực đoan, bài ngoại lại không bị đóng cửa hay quản lý? Họ cũng tự hỏi, tại sao chúng ta đối xử tốt với người HG mà họ không chịu hội nhập với chúng ta (báo chí nói châu Âu bài ngoại là sai, đó là thiểu số) mà khi chúng ta phản ứng thì họ gắn cho chúng ta mác "phát xít"?
    Có người nói thẳng đòi cho người HG ra đi tự nguyện, cho tiền cho bạc để về quê hương HG của họ tha hồ sống với luật HG vì họ cho rằng HG không tương thích với nền văn minh phương Tây, họ cũng đòi HG phải cải cách mới cho vô châu Âu hay Mỹ lại, hoặc chí ít phải dừng nhận nhập cư HG, thậm chí họ còn nói thẳng nếu cần nhân lực thì lấy dân Kito giáo xứ khác, dân Phật giáo, dân Ấn giáo hay dân Tàu, người da đen nhưng HG thì không được. Vậy là bài ngoại, phát xít? Ai mới là bài ngoại, phát xít khi trong kinh sách, trong cách hành xử thực tế nhà nước xã hội, luật lệ HG đã có tính bài ngoại lẫn phát xít?
    Có lẽ thế giới cần một cuộc chiến tranh lạnh mới hay một cuộc chiến tranh thế giới trên quy mô rộng chống lại ý thức hệ toàn trị- Political Islam như đã từng với phát xít hay cộng sản?
    Đó là những gì mà qua một số cuộc trao đổi cháu đang cố gắng tìm hiểu. Mà càng tìm hiểu thì càng thấy thái độ của Barack Obama thật hèn hạ và điếm đằng, mới đây còn loại từ "Hồi giáo cực đoan" trong một cuộc tiếp tổng thống Pháp. Xã hội Mỹ phản ứng ngược âu cũng là có cái lý của nó.
    Cháu xin cảm ơn.

    Trả lờiXóa