Thứ Ba, tháng 7 05, 2016

Brexit: Doanh Nghiệp Mỹ Đi Tìm Bãi Đáp Mới?

Tạp Chí Kinh Tế
 
Đoán sai, nay tìm cửa khác! 

Brexit : Doanh nghiệp Mỹ đi tìm bãi đáp mới ?
 


Khi nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, liệu Mỹ có mất đi cửa ngõ chính mở ra thị trường châu Âu? Là nhà đầu tư ngoại quốc số 1 tại Anh Quốc với hơn 500 tỷ đô la và khoảng một triệu công dân Hoa Kỳ đang làm việc trên quê hương của Shakespeare, các tập đoàn Mỹ đau đầu vì Brexit....


Sau cú sốc ban đầu với kết quả trưng cầu dân ý của Anh, các tập đoàn Mỹ bắt đầu vận động để Luân Đôn và Bruxelles chia tay một cách êm thắm, tránh để các quyền lợi kinh tế của Hoa Kỳ bị tổn thất vì gần 52 % thần dân của nữ hoàng Elizabeth II đòi ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.

Trong số 28 thành viên Liên Hiệp, Anh Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của Hoa Kỳ - và là khách hàng quan trọng thứ 5 của Mỹ trên toàn cầu. Năm 2015 các doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu hơn 56 tỷ đô la hàng hóa sang thị trường Anh. Hầu hết các tập đoàn lớn của Mỹ đều xem nước Anh là cửa ngỏ vào Liên Hiệp Châu Âu.

Khác với Pháp, Đức, hay Ý, nước Anh còn có thêm nhiều lợi thế trong mắt các doanh nhân Mỹ : một là chính sách thuế khóa ưu đãi, hai là luật lao động của Anh uyển chuyển hơn nhiều so với của Pháp và thứ ba là ngoài mối quan hệ truyền thống về ngoại giao, chiến lược, quân sự, Anh-Mỹ sử dụng cùng một ngôn ngữ, gần gũi với nhau về mặt văn hóa.

Đây là những yếu tố khiến các hãng Mỹ, từ nhãn hiệu quần áo Gap đến Caterpillar, ông vua trong ngành chế tạo máy công cụ cho công trường, từ các đại gia trong ngành xe hơi đến hãng xe vận tại Penske, từ hãng chế tạo máy photocopy Xerox đến ông khổng lồ điện lực General Electric đều đã dành nhiều ưu tiên cho thị trường Anh.

Với Caterpillar, nước Anh là «một mắt xích quan trọng trong dây chuyền sản xuất» của hãng này tại châu Âu. Hãng xe Ford của Mỹ thực hiện đến 20 % doanh thu trên quốc đảo này và do vậy Ford không loại trừ khả năng sẽ phải xét lại chiến lược phát triển trên vương quốc Anh, nếu như đấy không còn là đầu cầu bắc vào thị trường chung châu Âu với hơn 500 triệu dân.

Nhưng đó là những tính toán về lâu dài. Trước mắt, các doanh nghiệp Mỹ đang lo ngại khi thấy đồng bảng Anh mất giá (12 % trong những ngày đầu sau thắng lợi của phe đòi Brexit) khiến hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ vào thị trường Anh trở nên đắt đỏ hay thu nhập từ các cơ sở đặt tại Anh Quốc được tính sang đô la bị thu hẹp lại. Các dự án đầu tư vào Anh Quốc bị đình chỉ.


Gáo nước lạnh cho ngành ngân hàng


Ngày 24/06/2016 khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố, trên sàn chứng khoán New York cổ phiếu của 5 tập đoàn ngân hàng lớn Hoa Kỳ là JP Morgan Chase, Bank of America, Citigroup, Goldman Sachs và Morgan Stanley mất giá từ 2 đến hơn 5 %. Chỉ riêng 5 tập đoàn ngân hàng này có nhiều chi nhánh tại Luân Đôn và đang bảo đảm công việc cho hơn 40.000 nhân viên tại Anh Quốc.

Nguyện vọng ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu của người Anh sẽ đem lại những «thay đổi cơ bản» cho ngành tài chính và ngân hàng. Chủ tịch tổng giám đốc JP Morgan Chase chờ đợi sẽ có từ 1.000 đến 4.000 trên tổng số 16.000 nhân viên của tập đoàn này phải chuyển chỗ làm, từ vương quốc Anh sang châu lục.

Morgan Stanley cũng đang tính tới kế hoạch «bố trí» lại nhân sự và đặt địa bàn tại trên châu lục. Citigroup thì có kế hoạch mở rộng cơ sở tại Ai Len.


 
Tổng thống Mỹ Barack Obama nói chuyện với sinh viên Anh. Tháng 4/2016. REUTERS/Stefan Wermuth
 
 
Mỹ lo sợ châu Âu tan rã

Một cách tổng quát hơn chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa điểm qua về liên hệ mật thiết giữa Anh với Mỹ và đó. Nhưng trong mắt Washington, đe dọa lớn nhất là sự tan rã của Liên Hiệp Châu Â.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: "Vương Quốc Anh Thống Nhất là một quốc gia quần đảo tại Tây Âu đã có một chính sách đối ngoại hai mặt là vừa hội nhập với các nước trên lục địa Âu châu mà vẫn giữ tư thế độc lập khi là đồng minh chiến lược số một của Hoa Kỳ ở bên kia Đại Tây Dương.

Từ lập trường khá đặc biệt ấy, ngoài các khía cạnh ngoại giao, an ninh và quân sự thì Anh Quốc là quốc gia Âu châu đầu tư nhiều nhất vào Hoa Kỳ, ngược lại, nước Mỹ là quốc gia đầu tư nhiều nhất ra hải ngoại mà nơi tiếp nhận nhiều đầu tư nhất của Mỹ cũng lại là Anh Quốc.

Vì thế, từ đã lâu rồi, một số dư luận Âu châu cho rằng Anh Quốc chính là một đầu cầu của Hoa Kỳ để phát huy chủ trương và bảo vệ quyền lợi của mình tại Âu châu.

Nhưng khi Âu châu bắt đầu tan rã thì cả thế giới chứ không riêng Hoa Kỳ hay Anh Quốc phải tính lại trong lúc các nền kinh tế lớn của thế giới đều mắc nợ tới ngập đầu. Tính không khéo thì từ cái chảo nóng người ta có thể nhảy vào lửa".


Brexit, Mỹ thua thiệt đến mức độ nào?


Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta rất khó dự đoán hậu quả chi tiết của một biến cố quá mới lạ. Anh Quốc sẽ mất ít nhất hai năm để dàn xếp quan hệ muôn mặt của mình với Liên Hiệp Châu Âu cho nên hậu quả của quyết định Brexit sẽ còn rắc rối và kéo dài, chưa kể tới phản ứng của nhiều nước khác. Nói chung, kinh tế Âu châu đang bị trì trệ và nước Anh có nền kinh tế hạng nhì Âu châu sau kinh tế Đức.

Quyết định của Anh sẽ gây nhiều biến động khó lường trên các thị trường tài chính quốc tế, nhưng căn bản nhất là những hậu quả đối với bản thân kinh tế Anh Quốc, đối với khối Euro và cả Liên Hiệp Châu Âu. Mọi người lo ngại là kinh tế thế giới sẽ bị suy thoái trong khung cảnh suy trầm toàn cầu với hai đầu máy kia là Trung Quốc và Nhật Bản đều đang có vấn đề nguy ngập.

Khi kinh tế toàn cầu bị suy trầm với đà tăng trưởng khó vượt qua 2% thì Hoa Kỳ cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên vì đặc tính kinh tế của Mỹ là ít lệ thuộc vào sức tiêu thụ của các nước khác, với xuất cảng chỉ ở khoảng 14%, thì nước Mỹ lại bị nhẹ nhất trong trận bão kinh tế sẽ kéo dài từ nay đến năm 2018 là ngắn nhất.

Nhưng, và đây là yếu tố đáng chú ý, doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư mạnh vào Anh Quốc, nhất là vào dịch vụ tài chánh để từ đó chinh phục thị trường Liên Hiệp Châu Âu theo lối “một cửa” với chế độ thông hành thống nhất, là dùng thẻ hộ chiếu tài chánh của Anh mà tranh thủ quyền lợi trong 27 nền kinh tế còn lại. Khi Anh quyết định ly khai thì phải thương thuyết lại chế độ đầu tư một cửa đó và doanh nghiệp Mỹ phải tìm cửa khác để vào lục địa Âu châu.

Cụ thể là dời cơ sở từ trung tâm tài chánh gọi là City của thủ đô Luân Đôn vào các trung tâm khác, như Frankfort của Đức, Paris của Pháp hay Dublin của xứ Ireland, dù nhỏ nhưng có lợi thế là dùng Anh ngữ. Tất nhiên là việc thay đổi địa bàn sẽ gây thất thâu và tốn kém cũng vì vậy mà các tập đoàn đầu tư tài chánh và bảo hiểm của Mỹ mới bị sụt giá cổ phiếu mạnh trong mấy ngày qua. Họ mất tiền vì đoán trật tâm lý của dân Anh và nay đang ráo riết tìm bãi đáp khác.


 
Brexit: mưa rơi trên thị trường tài chính Luân Đôn.REUTERS/Toby Melville/File Photo


Mỹ thu hẹp hay quay lưng lại với khu tài chính City?


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Không chỉ có Hoa Kỳ đoán trật mà Trung Quốc cũng vậy nếu ta nhớ đến việc chủ tịch Tập Cận Bình đã thăm Anh Quốc vào tháng 10/2015 chọn trung tâm City làm bệ phóng cho đồng bạc của họ chinh phục Âu châu sau khi được Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế chấp nhận cho đồng nhân dân tệ còn được gọi là đồng nguyên vào rổ ngoại tệ dự trữ. Toàn là chuyện viển vông cả.

Chúng ta đang chứng kiến sự phân rã chậm rãi mà khó tránh của cái trật tự Âu châu được xây dựng từ 70 năm qua và đang đi tìm một trật tự khác. Trong đà phân rã đó, trung tâm City của Anh chắc chắn là mất ảnh hưởng sau khi mất thông hành một cửa vào Âu châu. Các chuyên gia có kinh nghiệm của họ sẽ tìm nơi khác làm ăn.

Doanh nghiệp Mỹ cũng sẽ mất tiền khi phải lập đầu cầu khác, có thể mất cả chục tỷ đô la mà họ cố tính ra. Nhưng ngược lại, trong một thế giới nhất thể hóa với phương tiện thông tin và chuyển ngân điện tử có tốc độ tức thời, trung tâm New York lại có thêm lợi thế. Có lợi nhất ngày nay là giới luật sư tư vấn về kinh doanh đang được thuê mướn để thương thuyết và đạt thỏa thuận về quy chế giao dịch mới giữa hai bờ Đại Tây Dương qua tới vành cung Thái Bình Dương.


Trước mắt, vào thời điểm Hoa Kỳ chuẩn bị bầu lại tổng thống cho một nhiệm kỳ 4 năm sắp tới vào ngày 08/11/2016, Washington đang khó xử trên hồ sơ Brexit. Chính quyền Obama vừa không muốn Liên Hiệp Châu Âu bị tan rã, vì Mỹ cần châu Âu để giải quyết rất nhiều vấn đề trên thế giới, vừa không muốn nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu vì điều ấy sẽ làm tăng ảnh hưởng của những thành viên còn lại trong đại gia đình châu Âu. Liệu rằng lá phiếu đòi Brexit của cử tri Anh có đẩy “mối quan hệ đặc biệt- special relationship” giữa Anh và Mỹ vào một khúc quanh mới?

1 nhận xét:

  1. Bài phỏng vấn này được RFI thực hiện "nóng" ngay sau khi kết quả Brexit được công bố. Mươi ngày sau mới phát thanh. Cũng hay!

    Trả lờiXóa