Hùng Tâm - Hồ Sơ Người-Việt Ngày 160713
* Người Việt cùng dân Phi chào mừng phán quyết của Tòa án *
Sau ba năm thụ lý hồ sơ do Cộng hòa Philippines đệ nạp để khiếu nại việc
Trung Hoa Cộng Sản xâm phạm và cưỡng đoạt chủ quyền của họ trong vùng biển miền
Tây, Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) đã có một phán quyết mang ý nghĩa lịch
sử vào ngày Thứ Tư 12 vừa qua. Phán quyết dày 500 trang của định chế trọng yếu này
trong nền công pháp quốc tế đã bác bỏ mọi luận cứ của Bắc Kinh và mở ra một
giai đoạn có đầy bất ổn khi tham vọng bành trướng của lãnh đạo Trung Cộng bị quốc
tế đẩy lui. Hồ Sơ Người-Việt sẽ tìm hiểu chuyện này….
Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế Không Là
Tòa Án
Được thành lập năm 1899 tại thủ đô The Hague (hay La Haye) của Vương quốc
Hòa Lan, qua hàng loạt hội nghị quốc tế từ 1899 đến 1907 gọi là Nghị hội Hòa
bình, Tòa án Trọng tài không là một tòa án mà chỉ là một tổ chức pháp lý có nhiệm
vụ phối hợp hoạt động của hệ thống tòa án trọng tài giữa các quốc gia thành
viên với nhau.
Về bối cảnh, tình trạng chinh chiến liên miên giữa các nước Âu Châu khiến
một số lãnh đạo, trước tiên là Sa hoàng Nicholas II của Đế quốc Nga, có sáng kiến
lập ra một định chế hòa giải mâu thuẫn giữa các nước qua một cơ chế có quyền
tài phán, ra phán quyết của một trọng tài, hầu tránh được xung đột và chiến
tranh khi có mâu thuẫn giữa các nước về quyền lợi. Vào giai đoạn ấy, doanh gia
nổi tiếng về ngành thép của Hoa Kỳ là Andrew Carnegie đã tài trợ việc xây dựng
một trung tâm hòa đàm và vì thế, Tòa án Trọng tài ra đời như một nỗ lực của Âu
Châu và Hoa Kỳ nhằm giải tỏa nguy cơ chiến tranh. Mặc dù như vậy, Âu Châu vẫn
lao vào hai trận Thế chiến I và II (1914-1918 và 1939-1945) với những tổn thất
đắt đỏ cho cả thế giới.
Nhìn theo một cách khác, Tòa án Trọng tài là cố gắng hòa giải và hội nhập
giữa các nước Tây phương trước khi có những sáng kiến như việc thành lập Hội Quốc
Liên, Liên Hiệp Quốc hay Liên Âu sau này.
Về tổ chức, sau này Tòa án Trọng tài là một cơ quan chuyên môn quốc tế nằm
trong hệ thống Liên Hiệp Quốc.
Và vào năm 1899, Trung Quốc dưới triều Mãn Thanh đã lụn bại và sắp tan
rã mà chưa thể làm chủ được Đài Loan chứ chưa nói tới vùng biển họ gọi là Hoa
Đông (tại Đông Bắc Á) hay Hoa Nam (tại Đông Nam Á). Chúng ta cần nhớ lại bối cảnh
địa dư và lịch sử đó. Tính tới đầu năm nay, hệ thống trọng tài ấy có 119 quốc
gia thành viên tham dự, kể cả Trung Quốc từ năm 1904 và Việt Nam từ năm 2011.
Vắn tắt lại, mọi quốc gia thành viên của hệ thống trọng tài quốc tế có
thể đệ nạp hồ sơ khiếu nại để nhờ các thẩm phán quốc tế khách quan phân xử mâu
thuẫn với một xứ khác. Nhưng mà tương tự như trên một sân banh, người trọng tài
không tham gia trận đấu.
Lưỡi Bò Của Hán Tộc
Sau Thế chiến II, Trung Hoa Cộng Sản còn tối mắt vì những khó khăn chồng
chất sau khi làm chủ Hoa Lục từ năm 1949, và Mao Trạch Đông lao vào việc xây dựng
cộng sản chủ nghĩa trên lãnh thổ thừa hưởng từ Trung Hoa Dân Quốc, chế độ đã lật
đổ nhà Đại Thanh. Trên lãnh thổ ấy, ưu tiên của Mao là củng cố khu vực Mãn Châu
làm cơ sở cho kỹ nghệ nặng để công nghiệp hóa xứ sở theo mô thức Xô viết của
Stalin. Về an ninh, Mao đã thu hồi hai khu vực Nội Mông và Tân Cương và chiếm
đoạt Tây Tạng làm vành đai bảo vệ Trung Nguyên của Hán tộc.
Khi ấy, Mao chưa nhìn ra biển. Nhưng khi ấy, lãnh đạo Trung Hoa Dân Quốc
là Tưởng Giới Thạch bị đẩy ra Đài Loan và vài đảo phụ cận đã sớm nhìn xuống miền
Nam.
Chính Trung Hoa Dân Quốc vào năm 1946 đã chiếm đoạt đảo Ba Bình có tên
quốc tế là Itu Aba, và cải danh thành đảo Thái Bình, trong vùng quần đảo Trường
Sa của Việt Nam. Đây là hòn đảo lớn nhất vùng Trường Sa và ở gần các quần đảo kế
cận với Phi Luật Tân. Chi tiết này, ta cũng nên nhớ.
Chẳng những thế, năm 1948, Trung Hoa Dân Quốc còn đưa ra bản đồ lãnh thổ
của mình gồm các quần đảo quanh Đài Loan và hình lưỡi bò có 11 khúc bao trùm
lên biển Đông, kể cả Vịnh Bắc Bộ, các vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Khi ấy,
Việt Nam lâm vào cảnh Nam-Bắc phân tranh trong thế quốc-cộng chìm vào Chiến
tranh lạnh nên miền Nam dưới nền Đệ nhất Cộng Hòa đã phản đối việc Đài Loan chiếm
đóng Ba Bình và lè ra lưỡi bò 11 khúc, nhưng không hành động gì vì ưu tiên vẫn
là bảo vệ được nền tự do tại miền Nam. Khi ấy, ưu tiên của Hà Nội cũng vẫn là cộng
sản hóa miền Nam, chuyện Đông Hải còn xa vời. Còn Trung Cộng thì công nhận lãnh
thổ của mình bao trùm lên khu vực cai trị của Đài Loan lẫn cái lưỡi bò 11 khúc
của Trung Hoa Dân Quốc.
Tới năm 1953, Trung Cộng mới bỏ hai khúc là Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam và
đưa ra bản đồ chính thức của họ gồm có đường chín khúc, hay “cửu đoạn tuyến”.
Là “hậu phương lớn” của Cộng sản Bắc Việt tại Hà Nội, Trung Cộng có toàn quyền
quyết định về phạm vi lãnh thổ và Hà Nội gián tiếp xác nhận điều ấy qua bức
Công hàm nổi tiếng năm 1958 của Phạm Văn Đồng.
Khi miền Nam hấp hối trước sự triệt thoái của Hoa Kỳ và đà xâm lấn của Cộng
sản Bắc Việt, Trung Cộng mới tiến hành việc chiếm đoạt vùng quần đảo Hoàng Sa của
Việt Nam qua trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Sau đó, Bắc Kinh xuốg vùng quần
đảo Trường Sa qua việc chiếm đóng Gạc Ma năm 1988. Từ đấy, Trung Cộng tiếp tục
cưỡng đoạt nhiều khu vực khác trên lãnh thổ và ngoài lãnh hải của Việt Nam và
trực tiếp khai thác nhiều nguồn lợi về năng lượng và thủy sản thuộc về chủ quyền
của Việt Nam mà không gặp phản ứng gì của Hà Nội. Người ta có quyền suy luận rằng
Hà Nội đã có những thỏa thuận ngầm với Bắc Kinh từ mật nghị tại Thành Đô vào
Tháng Chín năm 1990 và sau đó nữa.
Nhưng Biển Đông không chỉ có Việt Nam và Trung Cộng.
Việc Bắc Kinh nhân danh chủ quyền lịch sử của mình với tấm bản đồ có lưỡi
bò chín khúc mà còn thực tế chiếm đoạt lãnh hải và nhiều quần đảo tại vùng biển
Đông Nam Á đã xâm phạm quyền lợi của nhiều nước khác, như Phi Luật Tân, Mã Lai
Á, Brunei và Nam Dương. Trong số này, Phi Luật Tân là quốc gia duy nhất chính
thức khiếu nại về ngoại giao và pháp lý nên đã nộp đơn kiện lên Tòa án Trọng
tài Thường thực vào ngày 22 Tháng Giêng năm 2013.
Kết quả là phán quyết ngày 12 Tháng Bảy vừa qua.
Phán Quyết Lịch Sử
Qua nhiều năm tranh chấp về chủ quyền, Chính quyền Phi Luật Tân tại thủ
đô Manila đã thử nghiệm nhiều giải pháp ngoại giao và hợp tác khác nhau với Bắc
Kinh nhưng không có kết quả mà chỉ thấy nhiều quần đảo nằm sát lãnh thổ của
mình và rất xa lãnh thổ Trung Cộng bị xâm hại. Vì vậy, Chính quyền của Tổng thống
Benigno Aquino III quyết định kiện Trung Cộng trước Tòa án Trọng tài PCA và vận
động sự hợp tác kỹ thuật của nhiều luật gia quốc tế.
Chúng ta nên chú ý tới vai trò chuyên môn của các luật gia này và đừng
nghĩ rằng đây là mưu ngầm của Hoa Kỳ. Trong suốt giai đoạn có đầy mâu thuẫn và
xung đột này, Hoa Kỳ giữ chủ trương trung lập, không nói ai đúng ai sai, vùng
nào thuộc chủ quyền của nước nào, mà chỉ yêu cầu các nước dàn xếp một cách hòa
bình và tôn trọng quyền tự do lưu thông ngoài biển. Đã vậy, Chính quyền Barack
Obama còn chính thức mời Trung Cộng tham dự cuộc thao dượt quân sự RIMPAC của
22 quốc gia trên vành cung Thái Bình Dương được tổ chức từ năm 1971 mà chưa hề
có Trung Cộng.
Ngay lập tức, Trung Cộng phủ nhận thẩm quyền của Tòa án Trọng tài và tìm
cách đàm phán song phương với Manila mà không thành. Trong khi Manila có một
dàn luật gia tham dự vụ kiện, Bắc Kinh không hề gửi đại diện mà chỉ trả lời bằng
chiến dịch tuyên truyền. Kết quả là phán quyết của Tòa án Trọng tài PCA.
Sau đây là những điểm then chốt của phán quyết PCA (xin tham khảo nội
dung trên trang mạng của PCA: pca-cpa.org).
Tòa án Trọng tài Thường trực không phân định chủ quyền của từng nước
trên từng khu vực đang có tranh chấp và cũng không có thẩm quyền giải quyết việc
tranh chấp. Hai điều “không” này có tầm quan trọng cho tương lai.
Nhưng, Tòa án PCA khẳng định rằng việc Trung Cộng đòi chủ quyền lịch sử
về tài nguyên trên nhiều vùng lãnh hải cùa biển Hoa Nam mà họ gọi là “đường tuyến
chín khúc” là không có cơ sở pháp lý. Yếu tố quan trọng là chứng cớ lịch sử của
Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý. Thứ hai, nếu có thì cái gọi là “chù quyền lịch
sử” đã thực tế tiêu vong, vô giá trị, với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển
(UNCLOS) mà Bắc Kinh đã ký kết.
Thứ ba, về địa dư và sinh thái, trên vùng quần đảo Trường Sa, không hòn
đảo nào có thể nuôi dưỡng cư dân một cách tự nhiên – một tập thể quần cư ổn dịnh
- nên không thể là cơ sở xác định vùng độc quyền kinh tế EEZ là nơi mà chủ quyền
kinh tế tỏa rộng ra phạm vi 200 hải lý. Thứ tư, cũng do thực tế đó, đảo Itu Aba
(hay Ba Bình theo tiếng Việt và Thái Bình theo tiếng Tầu) mà Đài Loan đang kiểm
soát cũng chỉ là cụm đá nổi trên mực thủy triều, không là nền tảng cho độc quyền
kinh tế. Đây là lý do khiến Đài Loan phản đối phán quyết.
Thứ năm, việc Trung Cộng khai thác tài nguyên
năng lượng và thủy sản trên các cụm đá của Phi Luật Tân là xâm phạm chủ quyền của
Phi. Thứ sáu, việc xây dựng các cụm đá nổi thành đảo nhân tạo không thể đem lại
quyền xác định vùng độc quyền kinh tế EEZ. Thứ bảy, khi phá vỡ các rạn san hô để
xây đảo nhân tạo hầu đòi chủ quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý, Bắc Kinh
còn phá hoại môi trường sinh sống và vi phạm quy định quốc tế về bảo vệ môi
sinh. Thứ tám, vì Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa Phi Luật Tân đều đã
ký kết Công ước UNCLOS, cả hai đều phải tuân thủ quy định của hệ thống quốc tế
này.
Tóm lại, phán quyết của Tòa án Trọng tài phủ nhận mọi luận cứ của Trung
Cộng về cựu đoạn tuyến và mặc nhiên kết án Bắc Kinh tội xâm phạm chủ quyền và
phá hoại môi sinh! Dĩ nhiên, Trung Cộng bác bỏ cả thẩm quyền lẫn nội dung của
phán quyết và sẽ coi như không có gì xảy ra, hoặc sẽ có phản ứng khác.
---
Kết luận ở đây là gì?
Hệ thống công pháp quốc tế lập ra
để giải tỏa mâu thuẫn và tránh xung đột giữa các nước.
Một định chế quan trọng nhất của
hệ thống này vừa ra phán quyết hoàn toàn bất lợi cho Trung Cộng, có lợi cho Phi
Luật Tân và nhiều nước khác, kể cả Việt Nam.
Bắc Kinh có thể phủ nhận tất cả
nhưng sự thật là đã bị thất thế về ngoại giao. Các quốc gia khác, kể cả và nhất
là Việt Nam, nên khai thác lợi thế này.
Thưa bác Nghĩa !
Trả lờiXóaTrong đoạn này bác viết cháu chưa hiểu rõ lắm, mong bác giải thích thêm cho ạ !
" Thứ tư, cũng do thực tế đó, đảo Itu Aba (hay Ba Bình theo tiếng Việt và Thái Bình theo tiếng Tầu) mà Đài Loan đang kiểm soát cũng chỉ là cụm đá nổi trên mực thủy triều, không là nền tảng cho độc quyền kinh tế "
Như cháu được biết " Đảo " Ba Bình là hòn đảo lớn nhất ở Quần đảo Trường Sa có diện tích gần 0,5km2.
Và theo Điều 121 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển đưa ra định nghĩa "đảo" "là vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thuỷ triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước"
Mong cháu giải thích thêm cho cháu ạ !
Thành ơi, chính chuyện ấy cho thấy phán quyết của PCA mới đặc biệt! Em chịu khó đọc kỹ định nghĩa của họ. Nếu Ba Bình còn không đủ cơ sở cho EEZ thì các cụm đá nổi kia của Bắc Kinh là gì?
Xóa
Trả lờiXóaLàm sao để giành lại chủ quyền Hoàng Sa và phần lớn Trường Sa???
Trung Quốc có vẻ một mặt "thượng đội hạ đạp" để chen vai với HoaKỳ bá chủ khu vực, một mặt tuyên truyền để đánh bật ảnh hưởng cuả Hoa Kỳ ở Châu Á Thái Bình Dương, mà giờ đây còn nâng lên thành Pacific-Indo, nhưng không qua mắt được các diều hâu.
Trả lờiXóaTrung Quốc luôn tìm cách ảnh hưởng lên chính trị cuả Hàn Quốc, Việt Nam, Phi, etc. để có lợi cho mình, nhưng có công bằng với các nước đó hay không? Từ từ sẽ hiểu rõ.
Ngày hôm qua còn có màn trưng ra tượng "Comfort Women" ở San Francisco. Cha thị trưởng này thật là quá sến. Làm chính khách Hoa Kỳ hay chính khách cho TQ đấy? Nếu phải dựng tượng chiến tranh, chắc trên thế giới này sẽ không đủ chỗ. Rồi một ngày những người Hoa có lương tri sẽ dựng một bức tượng tưởng nhớ cuộc thảm sát Thiên An Môn thì ông có đồng ý nhận không, TQ có giẫy lên không? Đã nói quên đi đau thương cuả quá khứ để xây đắp hoà bình cho tương lai mà cứ bày ra đủ thứ.