Thứ Tư, tháng 7 06, 2016

Hiệu Ứng Brexit tại Đông Á

Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA Ngày 160706
Diễn đàn Kinh tế

Lãnh đạo các nước đã biết sợ lòng dân mà họ vẫn khinh thường   



000_CO8J6-622.jpg
* Hình minh họa chụp tại London hôm 2/7/2016. AFP * 
 


Trong khi Vương Quốc Anh Thống Nhất lâm vào khủng hoảng chính trị và Liên hiệp Âu châu lúng túng chờ đợi giai đoạn tới của việc nước Anh quyết định ra khỏi Liên Âu, các nền kinh tế trên thế giới đều đang bị hậu quả của biến cố này. Riêng tại Đông Á thì tình hình sẽ ra sao?

 

Đông Á sẽ bị hiệu ứng gián tiếp


Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, sau khi người dân Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland quyết định ra khỏi Liên hiệp Âu châu qua cuộc trưng cầu dân ý ngày 23 tháng trước, nước Anh đang trôi vào khủng hỏang chính trị để tìm ra một chính quyền kế vị và đàm phán với Liên Âu về thể thức ly khai có thể kéo dài đến hai năm. Trong khi đó, bất trắc kinh tế tiếp tục lan rộng và gây lo ngại về một vụ Tổng suy trầm như đã thấy một lần vào năm 2008. Gặp hoàn cảnh đó, thưa ông, các nền kinh tế Đông Á sẽ bị ảnh hưởng ra sao trong thời gian tới?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin được nhắc vài chi tiết về bối cảnh để ta thấy ra tầm ảnh hưởng.

Vụ Brexit phơi bày nhiều nhược điểm kinh tế của Liên Âu, bên trong có khối Euro, trước mắt là vụ khủng hoảng ngân hàng tại Ý, có nguy cơ suy trầm kinh tế của đầu máy số một là Đức, quốc gia quá lệ thuộc vào xuất khẩu. Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Thứ nhất đã có thời mà nước Anh là Đế quốc toàn cầu, trong ý nghĩa là mặt trời không bao giờ lặn trên các vùng lãnh thổ do họ kiểm soát, từ Âu sang Á qua tới Mỹ châu. Thứ hai, thủ đô London của xứ này có trung tâm tài chính gọi là City, mấy thế kỷ liền từng là nơi giao dịch có ảnh hưởng và cho đến nay vẫn là trạm vận chuyển tư bản quốc tế, điển hình là Tháng 10 năm ngoài, Bắc Kinh chọn trung tâm này làm máy bơm để đưa đồng Nguyên của họ vào thị trường Âu Châu như ngoại tệ dự trữ có thế giá. Thứ ba, chỉ với 65 triệu dân, nước Anh có sản lượng kinh tế đứng hạng năm thế giới sau Mỹ, Tầu, Nhật, Đức và hạng nhì Âu Châu sau nước Đức, với các khu vực tài chính và dịch vụ tỏa rộng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, ảnh hưởng kinh tế của biến động tại Anh, trong khối Euro 18 nước và tại 28 nước Liên Âu sẽ lan toàn cầu.

- Sau cùng, và tôi trộm nghĩ rằng đây mới là yếu tố quan trọng nhất, vụ Brexit không chỉ có lý do kinh tế như chúng ta đã phân tích kỳ trước. Nó là biểu hiệu nổi bật nhất của một hiện tượng mới, là sự trỗi dậy một cách dân chủ của trào lưu quốc gia dân tộc chống tinh thần ủy quyền hay hội nhập quốc tế mà người ta tưởng là tất yếu từ 70 năm nay. Một thí dụ nóng hổi mà người Việt nào cũng cảm được là dân Việt không chấp nhận những cam kết hay ủy quyền khó hiểu giữa doanh nghiệp Formosa của Đài Loan, các nhà thầu Trung Quốc và các cấp chính quyền Việt Nam khi bùng nổ vụ khủng hoảng môi sinh làm cá chết trắng bờ tại miền Trung. Họ cho rằng quyền lợi quốc gia bị nhiều thế lực mờ ám hy sinh và di hại cho người dân ở dưới. Trào lưu phổ biến ấy sẽ chi phối sinh hoạt kinh tế chính trị không chỉ trong quý này, hay năm nay mà còn kéo dài nhiều năm, và ở nhiều nơi trên thế giới. Bây giờ ta mới nói về kinh tế Đông Á.

Nguyên Lam: Chi tiết sau cùng mà ông vừa nhắc đến, là trào lưu quốc gia dân tộc được thể hiện một cách dân chủ có thể dẫn tới nhiều đổi thay trong sinh hoạt kinh tế quốc tế khiến thế hệ trẻ như Nguyên Lam liên tưởng đến một hiện tượng tương tự. Ngày xưa, khi Marx, Lenin hay Mao kêu gọi “vô sản quốc tế, hãy đoàn kết lại” thì nhiều người tưởng nhân loại sẽ có một trật tự quốc tế tốt đẹp hơn, nào ngờ quyền lợi của quốc gia dân tộc lại bị hy sinh và kinh tế thì kiệt quệ. Bây giờ, với quy luật kinh tế thị trường tỏa rộng và các nước văn minh hợp tác với nhau trong một trật tự kinh tế tốt đẹp hơn thì vẫn xảy ra trường hợp lạm dụng mà người dân tại các nước dân chủ có quyền phản đối bằng lá phiếu. Nhờ đó mà sau nhiều biến động, người ta có thể tìm ra một nền tảng hợp tác mới, có chức năng kiểm soát và ngăn ngừa những dàn xếp quốc tế bất lợi cho người dân thấp cổ bé miệng ở dưới. Có lẽ đây cũng là bài học bất ngờ từ vụ Brexit mà các nước đang phải nghiên cứu mà tìm giải pháp cải thiện. Bây giờ, chúng ta tiếp tục tìm hiểu về hậu quả của biến cố Brexit với kinh tế Đông Á. Thưa ông Nghĩa, đâu là cái chuỗi tương quan nhân quả hợp lý giữa những gì đang xảy ra tại Tây Âu với kinh tế Đông Á?   




000_CJ8JZ-622.jpg

Những người không ủng hộ việc Anh rời EU biểu tình ở Trafalgar Square, London hôm 28/06/2016.


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Vì các nước buôn bán giao dịch với nhau nhiều hơn xưa, cho nên trong nền kinh tế gọi là nhất thể hóa ấy, xứ nào cũng có thể bị ảnh hưởng. Càng lệ thuộc vào xuất nhập khẩu thì càng bị ảnh hưởng nặng khi cái thị trường chung bị xáo trộn về tài chính và kinh tế thế giới có thể suy trầm hay suy thoái khiến số tiêu thụ bị giảm sút. Đó là một.

- Vụ Brexit phơi bày nhiều nhược điểm kinh tế của Liên Âu, bên trong có khối Euro, trước mắt là vụ khủng hoảng ngân hàng tại Ý, có nguy cơ suy trầm kinh tế của đầu máy số một là Đức, quốc gia quá lệ thuộc vào xuất khẩu trong một chuỗi biến động kéo dài từ nạn sụt giá của đồng Anh Kim. Gặp khung cảnh ấy, các nền kinh tế Á Châu, từ Ấn Độ, Liên Bang Nga qua Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn tại Đông Á, sẽ mất một thị trường lớn là Âu Châu với sản lượng là hơn 23% Tổng sản lượng toàn cầu. Vì vậy, tuần qua lãnh đạo kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn đều tới tấp họp hành để tìm biện pháp ứng phó. Vụ Brexit có hiệu ứng trực tiếp và nặng nhất cho hai nền kinh tế lệ thuộc nhiều nhất vào xuất khẩu, theo thứ tự là Nam Hàn và Trung Quốc. Mà cả ba nền kinh tế Tầu, Nhật và Nam Hàn đều giữ vị trí then chốt cho luồng giao dịch buôn bán tại Đông Á, trong đó có Việt Nam, cũng sẽ bị hiệu ứng gián tiếp.

 

Brexit là làm cho giới lãnh đạo biết sợ lòng dân?


Nguyên Lam: Thưa ông, một cách cụ thể thì tình hình sẽ ra sao cho các quốc gia kể trên?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta không quên kinh tế Trung Quốc chìm dưới một núi nợ và đang sợ nạn giảm phát trong khi lệ thuộc quá nặng vào xuất khẩu mà 15,6% lượng xuất khẩu của xứ này lại là thị trường Âu Châu, trong đó có thị trường Anh Quốc. Tuần qua, quốc tế ít chú ý tới việc Bắc Kinh đã kín đáo hạ giá đồng bạc của mình để hy vọng tìm lợi thế xuất khẩu nhưng vẫn bị nạn tẩu tán tài sản khi đồng Nguyên sụt giá. Đấy là chuyện ngắn hạn.

- Chuyện dài hạn là lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Hoa đang muốn cải cách mà không nổi theo hai hướng là lấy tiêu thụ nội địa làm lực đẩy thay đầu tư và xuất khẩu và giải phóng khu vực tài chính cho tư bản vận chuyển tự do hơn. Nếu thế giới bị Tổng suy trầm từ cuối năm nay qua năm tới, với xác suất được ước đoán tuần qua là trên 50%, thì Trung Quốc lâm thế kẹt. Việc đồng bạc Anh và Euro bị mất giá là con dao hai lưỡi, nó đem lại hy vọng cho đồng Nguyên có thể là một ngoại tệ thay thế, mà lại khiến đồng Nguyên tăng giá và gây thiệt hại cho xuất khẩu. Vì vậy, hiệu ứng Brexit đòi hỏi nhiều quyết định cải cách ráo riết hơn mà Bắc Kinh không dám lấy vì vẫn sợ bất ổn xã hội. Kết luận ở đây là cái “được” về lý luận, rằng hệ thống kinh tế chính trị Trung Quốc có vẻ ổn định hơn hệ thống dân chủ Tây phương, chỉ là được giả. Cái mất thật là bất ổn quốc tế sẽ dội vào bên trong.


Nguyên Lam: Còn trường hợp Nhật Bản, nền kinh tế đứng hạng ba thế giới sẽ bị hậu quả ra sao thưa ông?

Liên Âu thu hẹp mục tiêu mà lui về chế độ tự do thương mại giữa các nước chứ không nói đến chuyện di dân hay tự do cư trú trong cả khối. Yếu tố tích cực bất ngờ của Brexit là làm cho giới lãnh đạo biết sợ lòng dân! Nguyễn-Xuân Nghĩa


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nhật cũng mắc nợ, nhưng chủ yếu là nợ ở bên trong. Kinh tế xứ này đang phải cải cách, rất chật vật mà chưa kích thích được lạm phát và tiêu thụ. Khi Âu Châu có biến, đồng Yen lên giá thì đấy là một hậu quả bất lợi. Nhưng kinh tế Nhật ít lệ thuộc vào xuất khẩu và chỉ bán cho Âu Châu gần 11% tổng số xuất khẩu nên không bị ảnh hưởng nặng như kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên ảnh hưởng gián tiếp thì vẫn có vì Nhật giữ vị trị chủ chốt trong chuỗi cung ứng hàng hóa và phụ kiện cho Trung Quốc và nhiều nước Á Châu ráp chế và bán ra ngoài cho nên nạn suy thoái từ Âu Châu vẫn gây thiệt hại cho kinh tế Nhật. Niềm an ủi cho Chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe là vì vụ khủng hoảng xuất phát từ Âu Châu, dân chúng sẽ bớt oán chính quyền khi cần có những quyết định cải cách khó khăn hơn.


Nguyên Lam: Ông có nhắc đến trường hợp Nam Hàn, thưa ông, kinh tế Hàn Quốc sẽ bị hậu quả thế nào từ vụ Brexit tại Âu Châu?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tương tự như Đức, Nam Hàn là một cường quốc xuất khẩu, với tỷ trọng của xuất khẩu chiếm tới 50% của Tổng sản lượng. Xứ này bán sản phẩm chế biến loại cao cấp, từ xe hơi đến thiết bị và dụng cụ điện tử nên cần các thị trường tiêu thụ. Khi Âu Châu suy thoái trong đà suy trầm chung làm kinh tế Trung Quốc co cụm thì kinh tế Nam Hàn bị thiệt. Vì vậy, hôm 28 tuần qua, Chính quyền Seoul lập tức tung ra biện pháp ngân sách để kích thích xuất khẩu. Sau nước Anh và nước Đức, có lẽ Hàn Quốc sẽ bị nặng nhất vì Brexit.

- Nói chung, cả ba cường quốc kinh tế Đông Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều đang ở giữa giai đoạn chuyển hướng có thể kéo dài cả chục năm. Vụ Brexit lại đảo lộn mọi toan tính cải cách ở tại đây và gây hậu quả bất lợi cho cả khu vực Á Châu Thái Bình Dương, xưa nay vẫn được coi như có nhiều tiềm năng kinh tế nhất địa cầu.

- Tôi cũng xin nói thêm rằng ngoài ba xứ đó và cả Đài Loan, khu vực này có nhiều nền kinh tế hạng nhì, thuộc Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á, cũng nằm trong chuỗi cung ứng Âu-Á, là tham gia vào việc mua bán với Âu Châu, như trường hợp Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Vụ Brexit sẽ gây thiệt hại cho họ về mặt giao thương và cả về mặt lý luận: các quốc gia này sẽ thận trọng hơn với lý tưởng hội nhập kinh tế chính trị.


Nguyên Lam: Đã nói đến sự thận trọng của các nước trong khu vực Á Châu Thái Bình Dương, ông nghĩ sao về hiệu ứng Brexit trên Hiệp ước Đối tác TPP Xuyên Thái Bình Dương giữa 12 quốc gia nằm ngoài khu vực Âu Châu, trong đó có Hoa Kỳ và Việt Nam?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Như mọi khi, tôi lại nghĩ ngược mà theo hướng lạc quan! Chính là vụ Brexit sẽ bứt cái neo đang giàng Anh Quốc vào thị trường Liên Âu và mở ra hai hy vọng khác.

- Thứ nhất, Hoa Kỳ và Anh Quốc sẽ tìm thế hợp tác thương mại gắn bó hơn vì xưa nay đầu tư quốc ngoại nhiều nhất của Mỹ là vào nước Anh và của Anh là vào nước Mỹ. Vì vậy, trong khi Anh Quốc đàm phán từng bước ly khai với Liên Âu thì Chính quyền sắp tới của Hoa Kỳ cũng có thể đàm phán việc hội nhập kinh tế Anh vào luồng giao dịch xuyên qua Đại Tây Dương, thí dụ như qua Hiệp ước Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ là NAFTA với Canada và Mexico.

- Chuyện thứ hai là trong sự chấn động chung của hội nhập toàn cầu thì các quốc gia không thể lui về giải pháp ngăn sông cấm chợ mà ai cũng thấy hậu quả tai hại nên từng nước lại càng muốn tìm thế hợp tác song phương để buôn bán với nhau theo những thỏa thuận riêng. Sau cuộc tranh cử đầy náo động tại Hoa Kỳ năm nay, qua năm tới, Hành pháp và Lập pháp Hoa Kỳ có thể nhìn lại Hiệp ước TPP với con mắt khác và tìm cách cải thiện để phê chuẩn mà tránh những sai lầm và thất nhân tâm đã thấy tại Âu Châu. 

- Có một sự kiện ít được truyền thông chú ý là ngay sau vụ Brexit, sáu nước sáng lập Liên Âu từ khởi thủy là Đức, Pháp, Ý, Hà Lan, Bỉ và Luxembourg đã gián tiếp công nhận sự thất bại của tham vọng hội nhập qua bản thông cáo chung ngày 25 vừa qua. Họ cho rằng mỗi quốc gia lại có ước vọng riêng mà tập thể cần tôn trọng và từ nay phải chú ý hơn đến hợp tác kinh tế và để cơ chế quốc gia giải quyết lấy các hồ sơ chính trị. Tức là Liên Âu thu hẹp mục tiêu mà lui về chế độ tự do thương mại giữa các nước chứ không nói đến chuyện di dân hay tự do cư trú trong cả khối. Yếu tố tích cực bất ngờ của Brexit là làm cho giới lãnh đạo biết sợ lòng dân!


Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ ông về cuộc phỏng vấn này.   


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét