Thứ Ba, tháng 7 19, 2016

Hoa Kỳ Hy Vọng Đổi Mới



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 160718
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Từ cuộc chiến chống Khủng Bố đến cuộc chiến chống Cảnh Sát!  



* Bây giờ, ai sẽ bảo vệ cháu? Hình ảnh sau vụ sát hại cảnh sát tại Baton Rouge *



Hai tuần sau khi chào mừng lễ Độc Lập thứ 240 (1776-2016), dân Mỹ bàng hoàng vì kẻ gian phục kích và bắn hạ cảnh sát, vào ngày mùng bảy tại Dallas rồi ngày 17 tại Baton Rouge. Tổng cộng: 10 người thiệt mạng trong đó có tám cảnh sát viên, nhiều người bị trọng thương.

Hai biến cố này xảy ra giữa khung cảnh bất thường của thế giới:

Ngày 23 Tháng Sáu, Vương quốc Anh quyết định ra khỏi Liên Âu và gây khủng hoảng cho Đông Bán Cầu, là khu vực Âu Châu; ngày 12 Tháng Bảy, Tòa án Trọng tài Thường trực tại The Hague công bố phán quyết về tranh chấp giữa Phi Luật Tân và Trung Quốc ngoài Đông Hải; tối 14 Tháng Bảy là vụ khủng bố bằng xe vận tại hạng nặng tại Nice khiến 84 thường dân bị thảm sát, cả trăm người bị thương; sáng 15 là vụ đảo chánh hụt tại Turkey, khiến 294 người thiệt mạng, sau đó là tám ngàn người bị câu lưu hay bãi chức – tới ba ngàn là các thẩm phán! Đây không chỉ là một biến cố quân sự mà là một chính biến có dàn dựng trong nội tình một thành viên Hồi giáo của Minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO, nằm trên nếp gấp giữa Âu Châu và nạn khủng bố cùng di dân tại Trung Đông

Chấn động dồn dập ấy trên thế giới cần tới sự trấn an của siêu cường Hoa Kỳ. Nhưng nước Mỹ lại bị nội thương vì chiến dịch bắn hạ cảnh sát, một ngày trước khi đảng Cộng Hòa gặp biến động sôi nổi không kém Đại hội đảng Dân Chủ năm 1968, là Đại hội Cộng Hòa tại Cleveland của Ohio để giới thiệu liên danh ra tranh cử Tổng thống vào ngày tám Tháng 11 tới đây…

Với nhà báo thì loại thời sự nóng ấy khiến người ta càng yêu nghề khi chạy theo tin để kịp thời loan tải. Với nhà bình luận thì đấy là ác mộng: luận về chuyện gì là có ý nghĩa trong chuỗi lầm than bất tận ấy? Nhất là khi lại luận về Hoa Kỳ - nhìn từ bên ngoài!

***

Với nhiều người Mỹ, Quốc Khánh Fourth July là những ngày nghỉ cuối tuần kéo dài để gia đình tụ tập nướng thịt ngoài sân và kết thúc bằng pháo bông rực rỡ muôn màu. Thật ra, đấy là một biến cố vô tiền khoáng hậu của nhân loại.

Nó đánh dấu nền độc lập, sau tám năm chinh chiến khiến 25 ngàn tử thương. Nếu tính theo dân số thời đó thì số thương vong còn cao hơn tổn thất của Mỹ trong Thế chiến II. Kết quả là sự ra đời của một quốc gia… không có dân tộc.  

So với nhiều xứ khác, công dân Mỹ không sinh từ một đấng quốc tổ mơ hồ nào đó của huyền sử mà là con cháu của nhiều thế hệ di dân tứ xứ đã chọn nơi này làm quê hương. Điều quan trọng không là huyết thống, sắc tộc hay văn hóa của quá khứ mà là một ý chí sống chung trong một dự kiến cho tương lai. Điều nối kết là ước vọng tự do của họ, trước tiên là quyền tự do đối nghịch với chính quyền do họ bầu lên.

Hiến pháp Mỹ có đặc tính là văn kiện thu hẹp quyền lực của nhà nước, và như Thomas Jefferson cảnh báo: cái giá cho tự do là phải tỉnh táo canh chừng nhà nước! Hoa Kỳ là cường quốc có lãnh đạo yếu nhất vì bị người dân canh chừng bằng nhiều ngả, với lưỡng viện Quốc hội, Tối cao Pháp viện và cả lực cản của các thống đốc để cho người dân được tự do.

Sau này, chính khát vọng tự do tại Hoa Kỳ mới là nguồn cảm hứng cho nhiều dân tộc khác để dẫn tới sự hình thành của các chế độ dân chủ, nơi mà mọi người, kể cả giới lãnh đạo, đều có quyền bình đẳng trước pháp luật do đại diện của người dân soạn thảo.

Nhưng khốn thay, ngày nay Hoa Kỳ đã đổi khác.

Nhìn từ bên ngoài, chúng ta thấy rằng nhiều người Mỹ - kể cả gốc Việt, than ôi – vẫn cho rằng quyền tự do ấy là… miễn phí mà chẳng đi đôi cùng trách nhiệm. Tình cho không biếu không! Hãy đọc báo hay xem trên truyền hình, ta có thể thấy dân gian hay cả sinh viên trong đại học  Mỹ chẳng biết gì nhiều về xã hội và cơ chế chính trị. Cha mẹ của lớp người ngơ ngác ấy, nếu là thế hệ di dân mới nhập cư, thì còn mù mờ hơn thế. Họ chỉ biết qua con cháu thông thạo tiếng Anh hơn - mà vẫn dốt - nên tin rằng nhà nước phải chu toàn mọi sự cho mình. Vì vậy, khi bỏ phiếu thì thường chọn các chính khách có hứa hẹn hào phóng nhất.

Với dân trí đó, họ là con mồi của các chính trị gia mị dân, là sản phẩm luôn luôn dư thừa trên thị trường mua phiếu của nước Mỹ. Vì vậy, ít ai quan tâm đến sự kiện một công tố viên của chính phủ, tức là công bộc do dân bầu lên, có thể hăm dọa truy tố tội kỳ thị bất cứ ai nêu vấn đề về vụ các thanh niên Hồi giáo đã bề hội đồng, hãm hiếp tập thể, một bé gái lên năm tuổi. Các chính khách mị dân không dám rớ đến tội ác trong cộng đồng thiểu số vì cần tới lá phiếu của dân thiểu số - mà họ trả bằng tiền thuế của mọi người.

Vì vậy, ngày nay người ta mới than phiền về hiện tượng Donald Trump mà quên rằng trước đó dân Mỹ đã hai lần dồn phiếu cho Barack Obama làm Tổng thống!

Người ta quên lời cảnh báo của Jefferson là phải tỉnh táo canh chừng nhà nước mà cứ cho rằng từ khi có một Tổng thống lai da đen, thuộc diện thiểu số da màu, thì đất nước này hết nạn kỳ thì và ai muốn gì thì cũng được nhà nước chu cấp đầy đủ, từ việc làm đến bảo dưỡng y tế. Với quần chúng ngu ngơ dễ dãi ấy thì tự do là khỏi cần trách nhiệm hay luật lệ.

Hậu quả trái ngược chính là tình trạng vô chính phủ trong thực tế: cảnh sát là ai mà dám cấm tôi làm việc này hay đòi chuyện nọ? Cảnh sát chỉ đại diện cho lực lượng áp bức mà nạn nhân dĩ nhiên là thành phần thiểu số, da màu hay nghèo đói. Các bình luận gia thiên tả hay cực tả có sẵn thống kê ngoa ngụy để chứng minh điều ấy cho những kẻ lười suy nghĩ. Vì lười nên mới phó thác việc canh chừng nhà nước cho ai khác.

Sự thật thì dân thiểu số da vàng tích cực tranh đấu và thành công hơn dân Mỹ da trắng và dân thiểu số da đen lại đội sổ, với mức lầm than và tội ác cao hơn tỷ lệ dân số là 13%. Và nạn nhân của tội ác đó cũng lại là người da đen. Khi ấy, nhà chức trách hay cảnh sát bị đặt vào thế khó xử. Đi vào cộng đồng ấy để vãn hồi trật tự và bảo vệ người da đen là việc tổn thọ, dễ chết. Ngược lại, tích cực thi hành công vụ thì còn dễ chết hơn nếu chẳng may làm một người da đen mất mạng.

Những vụ nổi loạn của người da đen tại Ferguson, Missouri, Baltimore hay Dallas và Baton Roug xuất phát từ đó. Và ở trên cùng, kẻ đổ thêm dầu vào lửa chính là Tổng thống Obama. Dù chửa biết nếp tẻ là gì, ông luôn luôn lên tiếng phê phán cảnh sát và hàm ý rằng người da đen là nạn nhân của sự kỳ thị và quyền mang súng. Tệ hại nhất là khi ông tuyên bố rằng nếu mình có con trai thì nó giống Trayvon Martin, một thiếu niên da đen bị tử thương vì hành hung một người thiện nguyện bảo vệ trật tự của khu phố.

Chính thái độ ấy của Obama mới khuyến khích sự ra đời của tổ chức xưng danh “Black Lives Matter” vào năm 2013, một tổ chức kỳ thị da trắng dưới chiêu bài bảo vệ người da đen. Từ đó mới có thêm chiến dịch phục kích và sát hại cảnh sát. Không có gì éo le và ai oán hơn việc năm cảnh sát viên tại Dallas mất mạng vì bị bắn xẻ khi bảo vệ quyền biểu tình phản đối của người dân, dưới sự huy động của Black Lives Matter.

Nếu có một chút lương thiện, Obama và những người đang gián tiếp cổ võ cho nạn phục kích và hạ sát nhân viên công lực nên nhìn lại vụ Rodney King năm 1992.

Thời ấy, truyền thông thiên tả tường thuật vụ này một cách thiên lệch khi gạn lọc hình ảnh trưng bày cho công chúng khiến ai cũng nghĩ là Rodney King vô tội. Nhưng trước pháp đình, khi được xem trọn bộ hình ảnh thì bồi thẩm đoàn quyết định tha bổng cảnh sát. Khốn nỗi, công chúng đã nuốt trọn ấn tượng sai lạc ngay từ đầu nên có phản ứng dữ dội làm Los Angeles lâm vào đại loạn. Ngày nay, chúng ta đang thấy tái diễn chuyện Rodney King, với cấp số gấp năm.

Và cảnh sát là nạn nhân của nền dân chủ kỳ cục này…. Nếu không kịp nhìn lại, Hoa Kỳ sẽ rơi vào chiến tranh sắc tộc mà trắng đen gì cũng đều thua. 

Tám năm sau khi bầu lên một Tổng thống da đen, dân Mỹ nên nghĩ lại về khẩu hiệu “Hope and Change” của Barack Obama.


7 nhận xét:

  1. Thưa chú Xuân Nghĩa!
    Cho cháu hỏi một câu không liên đến bài viết là cháu có đọc một cuốn sách dịch có tựa "Đón Đầu Siêu lạm phát" tác giả Jona Than Quek, dịch giả Alex Hưng, có đoạn "Ngày nay, chính phủ Mỹ cùng các cơ quan hữu quan chiếm 50% GDP của Mỹ" Thưa chú, cháu hoài nghi về tỉ lệ chi tiêu của chính phủ Mỹ chiếm tỉ trọng 50% của GDP? Vậy có đúng chi tiêu của chính phủ cao như vậy không, thưa chú?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngân sách Hoa Kỳ do Obama đệ nạp cho tài khóa 2015 là bốn nghìn tỷ (four trillion), GDP của Mỹ ở khoảng 18 nghìn tỷ, vì vậy tỷ lệ ngân sách liên bang trên sản lượng là ở khoảng 22%. Từ năm năm nay, cả Hành pháp lẫn Lập pháp đều cố đưa tỷ lệ này xuống 21% mà chưa xong. Không biết tác giả cuốn sách ấy định nghĩa thế nào mà nói đến số 50%. Vấn đề chi tiêu của Hoa Kỳ là các khoản chi bắt buộc mà Quốc hội có muốn cắt cũng khó, chưa kể là ngoài Ngân sách Liên bang, các quỹ An sinh và Y tế đều sẽ thiếu hụt ngày một nhiều hơn.

      Xóa
    2. Thưa bác Nghĩa,
      Chào bạn Thành,
      Bạn có thể vào đây kiểm tra, trong hiện tại chi tiêu chính phủ (từ địa phương đến trung ương) chiếm tầm 39% GDP của Hoa Kì:
      http://www.heritage.org/index/country/unitedstates

      Xóa
    3. Cám ơn Thinh Pham đã chỉ ra cho các độc giả mạch thông tin này của Heritage Foundation, một lò trí tuệ (think tank) thuộc xu hướng bảo thủ về ngân sách, có chủ trương giảm chi và giới hạn vai trò của chính quyền.

      Xóa
  2. "Hope and Change" của Barrack Obama chắc là ông muốn đổi "Nhà Trắng" thành "Nhà Đen".

    Trả lờiXóa
  3. cảm ơn bác Nghĩa, bác đã chỉ ra những khiếm khuyết của cuộc sống nước Mỹ. Nhưng tôi tin rằng, nước Mỹ có cơ chế sửa sai rất tuyệt vời. Quan trọng là họ có những con người tỉnh táo nhìn ra những sai lầm. Một trong những con người đó là bác Nghĩa.
    Những bài viết của bác rất hữu ích. Nhưng tôi có một thắc mắc nhỏ là sao bác Nghĩa lại chỉ trú trọng đến Mỹ và Trung Quốc mà rất hạn chế chỉ ra những khiếm khuyết của nước Việt.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chuyện Việt Nam thì từ nhiều năm nay tôi đã trình bày trong mục Giờ Giải Ảo trên đài phát thanh và truyền hình, và ngày nay nhiều người khác cũng đã nói hàng ngày... Có khi... bệnh tình đã hết thuốc chữa!

      Xóa