Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA ngày 160720
"Diễn đàn Kinh tế"
Sau hai năm sa sút liên tục, thị trường gia cư Trung Quốc có dấu
hiệu khởi sắc từ đầu năm nay và đem lại hy vọng hồi phục cho nền kinh tế
đứng hạng nhì thế giới. Nhưng thống kê vừa được công bố hôm Thứ Hai 18
lại cho thấy một viễn ảnh ảm đạm và nếu thị trường nhà cửa lại suy giảm,
tình hình kinh tế và chính trị Trung Quốc sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng.
Bất lợi về xã hội lẫn chính trị
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin
kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, trong hai
tháng liền, thị trường gia cư Trung Quốc đã lại gây quan ngại cho các
thị trường tài chính quốc tế vì giá nhà đất tại đây có chỉ dấu gia tăng
chậm hơn. Người ta biết kinh tế Trung Quốc lệ thuộc mạnh vào sức đầu tư
và gia cư địa ốc là khu vực chiến lược vì kéo theo ngành xây dựng và là
một nguồn thu ngân sách cho các tỉnh. Nếu thị trường gia cư lại bị đình
đọng thì đấy có phải là một dấu hiệu suy trầm hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng trong hoàn cảnh đầy bất trắc của
kinh tế thế giới, tình hình kinh tế Trung Quốc đặc biệt được thế giới
quan tâm vì có ảnh hưởng đến các nền kinh tế khác. Sau hai năm liền suy
sụp, từ đầu năm nay, tình hình gia cư nhìn qua giá nhà đất tại nhiều
tỉnh và thành phố Trung Quốc đã có vẻ khả quan hơn. Thế rồi, sau thống
kê tháng Năm, các số liệu của tháng Sáu vừa được công bố hôm thứ Hai 18
lại khiến người ta lo ngại vì sức tăng đã giảm mạnh. Chúng ta rất nên
tìm hiểu chuyện này vì quả thật là kinh tế Trung Quốc có thêm một dấu
hiệu suy trầm nữa và vì khu vực gia cư địa ốc còn ảnh hưởng đến ngân
sách các tỉnh.
Nếu dấu hiệu kém khả quan của hai tháng vừa qua lại tiếp tục trong hai quý tới thì kinh tế Trung Quốc sẽ đi vào suy trầm với hậu quả vô cùng bất lợi về xã hội lẫn chính trị. Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Về bối cảnh thì từ đầu năm nay, giá nhà đất và số nhà bán tại các
thành phố thuộc hạng nhất, hạnh nhì và thậm chí hạng ba đều tăng. Chiều
hướng tốt đẹp ấy đem lại hy vọng sau khi thị trường cổ phiếu xứ này tăng
vọt rồi sụp đổ vào năm ngoái. Sự sụp đổ ấy phản ảnh nỗi lo của giới đầu
tư Trung Quốc sau khi thị trường nhà cửa xứ này bắt đầu giảm sút từ
Tháng Ba năm 2014. Nếu dấu hiệu kém khả quan của hai tháng vừa qua lại
tiếp tục trong hai quý tới thì kinh tế Trung Quốc sẽ đi vào suy trầm với
hậu quả vô cùng bất lợi về xã hội lẫn chính trị.
Nguyên Lam: Như vậy, chúng ta sẽ đi từ đầu, từ vai trò của thị trường gia cư địa ốc cho đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Kinh tế của Trung Quốc vẫn lệ thuộc mạnh
vào đầu tư vì lên tới 44% của Tổng sản lượng. Câu hỏi ở đây là nguồn
đầu tư ấy đến từ đâu? Trên toàn quốc, đa số đầu tư là từ các chính quyền
địa phương, thí dụ như trong năm tháng đầu năm nay, đầu tư của các tỉnh
chiếm tới 96% của tổng số đầu tư cố định của Trung Quốc. Mặt khác, số
thu về ngân sách của các tỉnh lại chiếm có 50% do chính sách phân bố tài
chính công của lãnh đạo Bắc Kinh từ hai chục năm trước.
- Vì vậy, các
tỉnh phải tìm ra nguồn thu phụ trội để tài trợ yêu cầu đầu tư và đấy là
bài toán chính trị xã hội vì đầu tư là để tạo ra công ăn việc làm và
tránh nạn thất nghiệp. Ở vào hoàn cảnh chi thu khá eo hẹp ấy, chính
quyền các tỉnh có giải pháp là khai thác quyền sử dụng đất, nôm na là
bán đất do địa phương được quyền quản lý. Từ hai chục năm nay, các tỉnh
xoay trở như vậy và ngày càng lệ thuộc vào thị trường gia cư địa ốc, tức
là vào giá nhà. Ngoài lý do ngân sách, các tỉnh còn cần tới khu vực gia
cư này vì kéo theo ngành xây dựng, thu hút nhân công và, đáng kể không
kém, là đem lại mối lợi riêng cho đảng viên cán bộ khi bán tài sản công
quyền là đất đai.
Tình trạng nợ nần đáng ngại
Nguyên Lam: Thưa ông, đấy là bức tranh toàn cảnh có thể
giải thích những động lực kinh tế của các tỉnh thành ở địa phương. Nhưng
lãnh thổ Trung Quốc có rất nhiều khác biệt nên phải chăng tình hình mỗi
nơi lại mỗi khác?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nói chung về ngân sách công quyền thì bình
quân các tỉnh thu được 57% số tổng chi nhờ thuế khóa và các nguồn lợi
khác, như bán đất. Nhưng quả thật là tình hình mỗi nơi lại có dị biệt.
Thí dụ là các thành phố thuộc hạng nhất như Thượng Hải, Bắc Kinh hay
Thiên Tân thì thu được từ 80 đến 90% số tổng chi nên chỉ thiếu hụt chừng
10%-20%. Tại thành phố Thẩm Quyến và Quảng Châu ở miền Nam cũng thế.
Nhưng tại nhiều địa phương khác ở bên trong, như Ninh Hạ, Thanh Hải, Cam
Túc, Vân Nam hay Quý Châu, kể cả thành phố Trùng Khánh của tỉnh Tứ
Xuyên, thì sự thể lại không được tốt đẹp như vậy. Thậm chí, các tỉnh
thành thuộc vào hạng ba chỉ thu được chừng mươi phần trăm cho các mục
chi của địa phương và ở vào hoàn cảnh nguy ngập khi thị trường gia cư
suy sụp vì thu vào còn ít hơn nữa như đã thấy từ năm 2014.
- Cho nên,
ngoài nạn suy trầm sản xuất và rủi ro thất nghiệp, khi thị trường gia cư
suy sụp thì ngân sách địa phương càng bị bội chi nặng vì chi nhiều hơn
thu, đó là hoàn cảnh của các tỉnh chúng ta vừa nhắc đến và cả Tứ Xuyên,
Thiểm Tây hay Hồ Nam, với tình trạng nợ nần đáng ngại của chính quyền
lẫn các doanh nghiệp địa phương.
Nguyên Lam: Cám ơn ông đã trình này cho cái
chuỗi tương quan giữa thị trường gia cư và ngân sách các tỉnh. Nếu quý
thính giả của chúng ta hiểu ra thì hình như là nhiều tỉnh bị bội chi
ngân sách từ tình trạng suy sụp của thị trường gia cư và nếu hiện tượng
suy thoái này tái diễn trong năm nay thì tình hình sẽ còn nguy ngập hơn
nữa, thưa ông có phải vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng sự thể lại còn đáng ngại hơn
vậy. Để dễ nhớ thì với số bình quân là 57%, ta cứ tạm cho rằng nguồn thu
ngân sách của các tỉnh chỉ bằng phân nửa nhu cầu chi tiêu và nhiều địa
phương bị mắc nợ. Bây giờ, nếu thị trường gia cư lại sa sút nữa và giá
nhà còn giảm thì giới đầu tư và các doanh nghiệp sẽ rút tiền khỏi những
nơi bất lợi đó mà trút vào các thành phố tương đối có hy vọng tốt đẹp
hơn theo kiểu nước chảy chỗ trũng. Một thí dụ dễ hiểu là họ triệt thoải
khỏi các thành phố nghèo để dồn tiền vào Trùng Khánh hay Thành Đô của Tứ
Xuyên hầu tìm mức lời cao hơn, hoặc ít ra là an toàn hơn. Đâm ra nạn
suy trầm sẽ càng đào sâu dị biệt giữa các tỉnh và các địa phương nghèo
lại càng nghèo hơn và không có hạ tầng hành chính để thu được thuế và
vận dụng được các ngân khoản yểm trợ từ trung ương. Từ đấy họ càng lo
ngại tình trạng động loạn xã hội khi thất nghiệp tăng.
Ngoài nạn suy trầm sản xuất và rủi ro thất nghiệp, khi thị trường gia cư suy sụp thì ngân sách địa phương càng bị bội chi nặng vì chi nhiều hơn thu. Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Vì vậy, khi có tin là giá nhà bình quân chỉ tăng có 0,8% trong tháng
Sáu so với 0,9% trong tháng Năm, ta nên nhớ tới hoàn cảnh nguy ngập của
những tỉnh nghèo nhất nếu kinh tế toàn quốc lại bị suy trầm nữa. Chúng
ta sẽ không đi vào chi tiết của tổng cộng 70 thành phố lớn nhỏ của Trung
Quốc, với các thành phố sung túc ở miền Đông hay Đông Nam, mà chỉ nên
nhớ trên toàn cảnh là nhiều địa phương mắc nợ sẽ tụt hậu còn nhanh hơn
khi kinh tế suy trầm và đấy là một vấn đề nghiêm trọng về cơ cấu với hậu
quả đáng ngại về chính trị. Trong khi đó, giá nhà tại các tỉnh phồn
vinh nhất vẫn tăng vọt và vượt khỏi sức mua của nhiều người ở tại đây.
Nguyên Lam: Bây giờ, Nguyên Lam xin đề cập tới chuyện mà
thính giả của chúng ta đặc biệt quan tâm là hậu quả của phán quyết do
Tòa án Trọng tài Thường trực vừa công bố tuần trước. Người ta thấy là
trong khi Bắc Kinh tuyệt đối phủ nhận giá trị của phán quyết này thì
tình hình kinh tế bên trong Trung Quốc lại chẳng mấy lạc quan với nhiều
hậu quả bất lợi về xã hội. Ông có ý kiến ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Lãnh đạo Bắc Kinh có thể xoay ngược mà giải
thích thất bại về ngoại giao và pháp lý như một thắng lợi chính trị vì
làm cho người dân suy diễn rằng cả thế giới đang toa rập với nhau để gây
khó cho Trung Quốc nên đảng Cộng sản phải bảo vệ họ. Đấy là lý luận
tuyên truyển dễ hiểu để diễn giải sự thật một cách thiên lệch.
- Sự thật thì Bắc Kinh đã sai lầm mà coi thường thế giới lẫn các định
chế quốc tế nên bị thất bại về ngoại giao. Họ có thể bất chấp quan điểm
của quốc tế nhưng từ nay sẽ khó hành xử hơn khi đòi khai thác quyền lợi
kinh tế trên một khu vực được quốc tế và các nước lân bang cho là hoàn
toàn phi pháp. Nói vắn tắt thì cả vùng quần đảo Hoàng Sa lẫn Trường Sa
đều không có cơ sở địa chất lẫn lịch sử để là vùng độc quyền kinh tế của
Trung Quốc. Từ nay, khi bước ra đánh cá hoặc khoan dầu mà bị trở ngại
thì Bắc Kinh cũng khó ăn khó nói, và càng có quyết định hung bạo về quân
sự thì càng bị thế giới lên án. Đúng vào giai đoạn ấy, kinh tế mà suy
trầm nặng hơn thì tác dụng tuyên truyền hay xuyên tạc của chế độ cũng bị
giới hạn vì người dân ưu tiên lo chuyện cơm áo ở nhà hơn là cái danh
hão của đảng với quốc tế.
Nguyên Lam: Câu hỏi cuối thưa ông, sau phán quyết vừa qua của Tòa án Trọng tài Thường trực thì Việt Nam nên làm gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng có nhiều vị thức giả đã trình
bày quan điểm chuyên môn về chuyện này. Bản thân tôi thì trộm nghĩ rằng
phán quyết đó có hai mặt lợi và hại cho Việt Nam. Nói vắn tắt là lợi ở
Hoàng Sa khi đối diện với Trung Quốc trong việc tranh chấp chủ quyền và
quyền lợi kinh tế, và hại ở Trường Sa trong quan hệ với Philippines vì
tranh chấp trên các cụm đá nổi mà Việt Nam và Philippines đều đòi làm
chủ. So sánh thì lợi nhiều hơn hại và việc dàn xếp với Philippines có
tính khả thể cao hơn và còn đem lại chính nghĩa cho quan điểm của Việt
Nam nếu muốn dàn xếp. Ngược lại, việc dàn xếp với Bắc Kinh tất nhiên là
khó hơn.
- Khó nhất chính là lập trường của lãnh đạo Hà Nội mà người dân cho là
có sự khiếp nhược hay thậm chí toa rập với Bắc Kinh. Lãnh đạo xứ này đã
tự cô lập với quần chúng và với quốc tế khi tránh lấy hành động cần
thiết. Họ có thể thận trọng để cân nhắc nhưng ít ra phải cho người dân
thấy rằng ưu tiên của họ là quyền lợi của quốc gia hơn là mối giao hảo
thiếu cân đối và đầy bất lợi với Bắc Kinh. Nếu thật sự chế độ muốn tồn
tại thì trong khi còn đang cân nhắc lợi hại để có hành động thích đáng
với Bắc Kinh, Hà Nội vẫn cần nương vào quan điểm của quốc tế để tạo thế
mạnh trong việc đối thoại với Bắc Kinh và lấy ngay quyết định về việc
khai thác thủy sản trong vùng tranh chấp để bảo vệ tính mạng và tài sản
các ngư phủ Việt Nam.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.
Thưa bác Nghĩa,
Trả lờiXóaBác nghĩ như thế nào về sự đi lên của Ấn Độ gần đây? Liệu tương lai nước này có khả năng vượt mặt Hoa Kỳ về sản lượng kinh tế hay là không?
Cháu xin cảm ơn.
Chưa thể được. Các nước nông nghiệp chậm tiến đều lần lượt phát triển từ cải cách nông nghiệp, rồi công nghiệp và tiến lên khu vực dịch vụ. Sau khi độc lập, Ấn Độ thồi Nehru đi theo xã hội chủ nghĩa, nhãy vọt vào công ngiệp nặng mà không cải tiến canh nông khi đó chiếm hơn 70% Tổng sản lượg. Nông thôn quá nghèo không tìm ra lợi tức để tiêu thụ và tài trợ công nghiệp, mà chế độ Nehru cùng các con, cháu còn gia tăng kiểm soát chính trị và quản lý, cho tới khi bị khủng hoảng tài chánh năm 1991 thì mới cải cách. Ưu thế của Ấn là có dân chủ và cởi mở hơn về tư tưởng, khác với Tầu, cho nên về dài thì có triển vọng hơn Trung Cộng. Nhưng đường đi còn xa và sản lượng nhờ dân số cao, và sẽ cao hơn Tầu, có thể vượt Mỹ về mệnh giá chính thức, như Trung Cộng ngày nay, thì cũng chẳng làm thay đổi. Sẽ phân tích trường hợp Ấn Độ vào một dịp khác.
Xóa