Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo ngày 170120
Donald Trump Chuyển Trục Cho Một
Trật Tự Mới
* Tổng thống Donald Trump: Nước Mỹ Trên Hết, trả lại quyền hành cho người dân *
Hoa Kỳ vừa có lãnh đạo mới, vị Tổng thống thứ 45 Donald Trump thuộc đảng
Cộng Hòa và Quốc hội Khóa 115 cũng do đảng Cộng Hòa kiểm soát. Tổng thống
Donald Trump muốn làm những gì và ảnh hưởng ra sao đến cục diện toàn cầu?
Đúng ba tháng trước, giữa cuộc tranh cử tổng thống, Donald Trump phát biểu
rằng ông nghi là có gian lận trong bầu cử và nếu thất cử thì ông không tôn trọng
kết quả. Khi ấy, người viết kết luận rằng Trump không đáng là Tổng thống Hoa Kỳ
nên tìm hiểu về chánh sách đối ngoại khá cổ điển của vị Tổng thống sắp tới, là
cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. Ngày nay, sự tình đảo lộn, nhiều người bên đảng
Dân Chủ phản đối và phá phách hoặc tẩy chay vì cho rằng Donald Trump không đảng
là Tổng thống dù ông đã chiếm đa số phiếu Đại cử tri đoàn.
Đấy là chi tiết không đáng kể, Donald Trump là Tổng thống hợp hiến và hợp
pháp, sẽ lãnh đạo đệ nhất siêu cường toàn cầu.
Còn ba tháng thì hết nhiệm kỳ hai, Tổng thống Barack Obama mới có bài phỏng
vấn dài trên tờ Atlantic để phần nào trình bày “chủ thuyết” của ông. Vì vậy,
tìm hiểu chủ thuyết Donald Trump là quá sớm. Huống hồ Hiến pháp Hoa Kỳ không
cho Tổng thống có nhiều quyền hạn như nguyên thủ của các nước dân chủ khác vì
ông phải chia quyền với Lập pháp và Tư pháp, cao nhất là Tối cao Pháp viện. Tổng
thống Hoa Kỳ có nhiều ảnh hưởng về đối ngoại hơn nội chính, nhưng vẫn bị giới hạn
bởi Hạ viện về ngân sách và bởi Thượng viện về nhân sự và về chánh sách hay hiệp
ước quốc tế. Cho nên “chủ thuyết” của Tổng thống phải được hiểu một cách tương
đối. Yếu tố thứ ba, trong 584 ngày tranh cử, Donald Trump phát biểu rất nhiều.
Ngoài phong cách khá đặc biệt, nội dung bên trong lại đầy mâu thuẫn nên chúng
ta càng nên thận trọng khi nói về chủ thuyết Donald Trump.
Nhưng vì thế giới đang có thay đổi lớn, nội tình Hoa Kỳ cũng vậy, vị Tổng
thống thứ 45 phải lấy nhiều quyết định có ảnh hưởng toàn cầu nhằm bảo vệ quyền
lợi tối thượng của nước Mỹ như ông Trump liên tục nhấn mạnh. Do đó, chúng ta vẫn
có thể nhìn ra những đường nét chính của “chủ trương Donald Trump”, trước khi
nó được hệ thống hóa thành chủ thuyết. Bài này chú trọng đến lãnh vực đối ngoại
dù không quên rằng giao thương kinh tế cũng là một phần của ngoại giao, nhất là
từ giác độ của một doanh gia vừa lên làm Tổng thống….
***
Donald Trump có một thế giới quan khác hẳn các vị tiền nhiệm, lại không
chấp nhận những ràng buộc thông thường mà muốn thực hiện những điều ông cho là
có lợi cho nước Mỹ. Loại ý thức hệ cổ điển, như hữu khuynh hay thiên tả, bảo thủ
hay cấp tiến, tự do hay bảo hộ mậu dịch, không áp dụng cho ông. Đặc tính thực dụng
là nét tiêu biểu của Tổng thống mới. Vì vậy, dù có bị tình hình thế giới chi phối
như mọi vị nguyên thủ kia, Donald Trump không ứng xử theo lối cũ, nên có khi đạt
kết quả khác.
Một ngày trước khi tuyên thệ nhậm chức, Donald Trump phát biểu rằng ông
chỉ là người đưa tin – “messenger”. Điều ấy không là lời nói nhũn của một người
nổi tiếng là ít khiêm nhường. Ông ý thức được những thay đổi của thế giới chung
quanh, bên trong và bên ngoài nước Mỹ, và khéo khai thác để trở thành biểu tượng
của thay đổi nên đã thắng cử. Bây giờ, ông xử trí thế nào với những thay đổi ấy?
Trong tâm trí của Tổng thống Donald Trump và qua cái nhìn của các cộng sự
viên then chốt, thế giới có những điểm nóng trải dài từ Tây Âu qua Đông Á và
bao trùm lên Trung Đông. Sở dĩ như vậy vì trật tự toàn cầu hình thành từ thời
Chiến Tranh Lạnh đang bị rung chuyển.
Đây là nơi mà Liên hiệp Âu châu, Minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO, Liên
bang Nga, Trung Quốc và cả khối Hồi giáo, ở giữa giai đoạn chuyển tiếp với quá
nhiều bất ổn có thể đe dọa quyền lợi Hoa Kỳ. Liên Âu bị suy yếu, càng thêm phân
hóa sau vụ Brexit, Minh nước NATO hết phù hợp với mục tiêu nguyên thủy của thời
1949 hay 1991 cho nên Hoa Kỳ phải có đối sách khác. Liên bang Nga bị kiệt quệ
kinh tế chỉ còn là một vang bóng của Liên bang Xô viết và không thể đe dọa quyền
lợi hay an ninh Hoa Kỳ như trước. Nhưng cường quốc quân sự này vẫn ảnh hưởng đến
Âu Châu, đến Trung Đông và Viễn Đông vì vậy có thể là một đối tác của nước Mỹ.
Tại Trung Đông, cuộc khủng hoảng trong thế giới Hồi giáo và sự bành trướng của
các lực lượng Hồi giáo cực đoan quá khích là thách đố mà Hoa Kỳ, Âu Châu và
Liên bang Nga phải cùng giải quyết. Tại khu vực Đông Á, Trung Quốc cũng trôi
vào thời bất định với đà tăng trưởng thấp hơn, núi nợ cao hơn mà vẫn nuôi dưỡng
nhiều tham vọng quốc tế được yểm trợ bằng quân sự. Hoa Kỳ sẽ phải đối phó với
tham vọng ấy, trước hết có thể là qua hợp tác Nga-Mỹ.
Nếu nhìn chung như vậy, chúng ta lại trở về với quan hệ tay ba, Nga, Tầu,
Mỹ.
Chính quyền Trump bật ra nhiều tín hiệu cho thấy sẽ hâm nóng và củng cố
quan hệ với Liên bang Nga để tìm sự ổn định hay hòa dịu tại Đông Âu, và để cùng
giải quyết mối nguy của chủ nghĩa Hồi giáo cuồng tín đang từ Trung Đông lan qua
Trung Á và Đông Nam Á. Trong thế giới đó, không cường quốc nào, như Nga, Đức,
hay Nhật, có thể thách đố quyền lợi sinh tử của Hoa Kỳ như đã từng thấy trong
quá khứ.
Ngoại lệ là Trung Quốc, hay Trung Cộng, một xứ bá quyền, độc tài và có
những tham vọng trường kỳ.
Đảo ngược chủ trương của tám đời Tổng thống Mỹ qua 45 năm hợp tác Hoa-Mỹ,
Chính quyền Trump đưa Bắc Kinh lên vị trí ưu tiên cần quan tâm, tới mức độ xây
dựng lại thế hợp tác Nga-Mỹ: Liên bang Nga có biên giới dài nhất tiếp cận với
Trung Quốc, sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, và trước tiên, vì những chuyển động từ
Bắc Kinh.
Hoa Kỳ sẽ không cô lập Nga mà chuyển trọng tâm về Tầu, với các đồng minh
như Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, hay đối tác mới là nước Nga của Vladimir Putin. Ý thức
hệ độc tài hay dân chủ hết chi phối đối sách an ninh của nước Mỹ.
Nhưng một Tổng thống gốc doanh gia là Donald Trump với một Ngoại trưởng
là chuyên gia dầu khí như Rex Tillerson cũng không thể quên rằng Nga cần bán dầu
thô và khí đốt cho Tầu khi mất khách tại Âu Châu vì chánh sách cấm vận. Đằng
sau Trung Quốc, Nhật Bản cũng là cường quốc kinh tế rất cần năng lượng lại đang
bị sức ép quân sự của Bắc Kinh. Sự thể có những thay đổi khác hẳn cục diện của
25 năm “Hậu Chiến Tranh Lạnh”. Bên dưới Trung Quốc, Ấn Độ cũng có cái nhìn khác
về an ninh với kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ trên Con Đường Tơ Lụa của Tập Cận
Bình: từ Tây Thái Bình Dương, Bắc Kinh muốn làm chủ vùng biển Đông Nam Á và đã
lấn qua Ấn Độ Dương để vào Sri Lanka và Pakistan.
Bị ảnh hưởng bởi Âu Châu, nơi xuất phát hai Thế chiến trong Thế kỷ 20,
truyền thông và giới bình luận Hoa Kỳ có thể không nhìn vào Đông Á như Chính
quyền Trump. Thản hoặc như nếu có quan tâm đến khu vực đó thì cũng nhìn theo
giác độ cổ điển sau chuyến Hoa du của Richard Nixon năm 1972 và 45 năm Hoa Kỳ hợp
tác với Tầu. Chính quyền Trump quan niệm và đánh giá vai trò hay lợi ích của nước
Nga và Ấn Độ căn cứ trên cục diện Trung Á và tham vọng Trung Cộng!
Chúng ta chưa thể biết rằng việc hợp tác Mỹ-Nga có thành hay không nhưng
chỉ riêng sự kiện Chính quyền Trump ngang nghiên nói về vai trò của Nga trong khung
cảnh mới cũng đã là điều đáng chú ý và theo dõi. Chuyện ấy quan trọng hơn tương
lai của NATO tại Âu Châu hay việc Chủ tịch Tập Cận Bình lại là người phất cờ đề
cao hợp tác kinh tế và toàn cầu hóa trong khi dẹp bỏ mọi tư tưởng khác biệt ở
trong nước và trong đảng.
Sau cùng, nói về chiến lược thì với Donald Trump, khái niệm “quyền lực mềm”
của vị tiền nhiệm sẽ được áp dụng khác hẳn, nó gần với chủ trương “bảo vệ hòa
bình bằng sức mạnh” của Tổng thống Ronald Reagan. Và các doanh gia trong nội
các của ông đểu có thành tích về xây dựng sức mạnh kinh tế trong khi duy nhất
chỉ có một Tổng trưởng là gốc luật gia! Bên cạnh đó, về an ninh và quân sự, ông
chọn các chiến tướng đầy kiến thức và kinh nghiệm văn hóa. Họ có một nét chung
là đều biết nhược điểm của Hoa Kỳ là lâm chiến mà thiếu cái nhìn văn hóa về thế
giới bên ngoài.
Chúng ta hãy chờ xem, Donald Trump đã có một bộ máy thực hiện những chủ
trương quá mới lạ của ông trong một thế giới có quá nhiều đổi thay.
Thưa bác Nghĩa,
Trả lờiXóaCháu xin đi lạc chủ đề của bác một chút. Bác nghĩ thế nào về ông Nguyễn Gia Kiểng (cháu đoán bác và ông Kiểng có quen biết vì từng phục vụ nền Đệ Nhị Cộng Hòa) và Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên mà ông ấy là một trong những thành viên lãnh đạo. Dù cách đây thời gian ngắn, tập hợp bị tấn công (có khi là cộng sản đứng sau để cướp tính chính danh của tập hợp!?). Cháu cực kì có cảm tình với ông Kiểng và tập hợp của ông ấy, dù không đồng ý hoàn toàn 100%. Cháu muốn hỏi vì ý kiến của bác sẽ tác động thêm lên quyết định cá nhân của cháu. Nếu bác cảm thấy ý kiến này không tiện trả lời thì hãy xem nó chỉ thoảng qua.
Cháu xin cảm ơn.
Em cứ hay lạc đề. Tôi chơi thân với ông Kiểng từ khi còn đi học ở Paris, tôi về Việt Nam trước, và ra ngoài này thì chưa từng sinh hoạt trong tổ chức em hơi. Lâu không gặp và cũng không hợp. Em mất thì giờ về chuyện tào lao làm gì?
Xóa