Chủ Nhật, tháng 1 08, 2017

Một Chính Quyền Cách Mạng



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 161223

Nội Các và Ban Tham Mưu của Donald Trump 

 * Nội các Donald Trump và các Cố vấn *


Còn một tháng nữa, ông Donald Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức. Chúng ta đã được thêm dữ kiện để nhìn ra sự xuất hiện của một chính quyền có những mục tiêu lẫn phương thức hành động chưa từng thấy từ nhiều thập niên, ít ra là từ thời Tổng thống Ronald Reagan của Mỹ, và hai Thủ tướng Helmut Kohl của Đức và Margareth Thatcher của Anh.

Chính quyền Trump theo đuổi một ý thức hệ có màu sắc cách mạng sẽ làm thay đổi cả nước Mỹ lẫn thế giới.

Nhớ lại thì ngay sau khi bất ngờ thắng cử đêm mùng tám rạng mùng chín Tháng 11, ông Trump liên tục gây bất ngờ khi chuẩn bị nhân sự - tương đối khá nhanh và ồn ào – rồi thăm viếng các tiểu bang đã giúp ông lên làm Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ để vừa cảm tạ vừa tái xác nhận nhiều chủ trương khi tranh cử. Ông còn gây bất ngờ hơn nữa khi trực tiếp nói chuyện với Tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan làm Bắc Kinh giật mình. Chưa nhậm chức ông đã can thiệp với các doanh nghiệp như Carrier, Ford, Boeing, Lockheed Martin, v.v… nhằm đạt các hứa hẹn như giữ lại việc làm hoặc đòi rà lại giá biểu cung cấp cho chính quyền ông cho là quá cao, từ chiếc Air Force One cho tới chiến đấu cơ F-35. Chi tiết gây sôi nổi là không lãnh vực nào mà Tổng thống Tân cử không nêu ý kiến, từ kinh tế đến giáo dục, môi sinh, cựu chiến binh hay chiến lược đối ngoại, v.v… và thường thì trực tiếp nêu ý kiến qua trương mục Twitter của ông.

Tức là ông cướp luôn diễn đàn của truyền thông báo chí để mỗi ngày gây ra một chuyện.

Khi tranh cử, Donald Trump khéo đóng kịch thô lỗ và ăn nói khật khùng để tranh thủ niềm tin của quần chúng bất mãn, rồi từ vị trí của một tay ngang chưa từng hoạt động chính trị mà loại bỏ được các đối thủ có thế giá trong 16 chuẩn ứng cử viên của đảng Cộng Hòa. Sau đó ông tập trung vào chiếm phiếu Đại cử tri của các tiểu bang có vấn đề mà thắng ứng cử viên Hillary Clinton của đảng Dân Chủ. 

Đắc cử rồi, ông Trump mới cho thấy một bộ mặt hoàn toàn khác và dần dần định hình chiều hướng lãnh đạo của mình.

Trong nội các và ban tham mưu, người ta thấy vai trò của các doanh gia có sở trường đàm phán và ngã giá – nhiều khi bằng áp lực thô bạo - để đạt thỏa thuận có lợi cho nước Mỹ. Ông còn lập ra hai cơ chế tham mưu mới về ngoại thương và giản chánh, nhằm xét lại chánh sách tự do thương mại, thí dụ như với Bắc Kinh, hay giản lược chế độ kiểm soát hành chánh để giải phóng khả năng đầu tư và kinh doanh của các doanh nghiệp. Về an ninh và quân sự, ông mời các tướng lãnh có thực tài và trí tuệ vào bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ, hoạch định chiến lược diệt trừ khủng bố và phát huy sức mạnh của Hoa Kỳ. Kết hợp an ninh với kinh tế, ông cho thấy Chính quyền Trump sẽ hung hãn tranh thắng với nhiều nước khác, từ Trung Cộng tới Iran, Mexico.

Chưa chấp chánh thì Chính quyền Trump đã cho thấy một ý thức hệ mới, trái ngược với chính sách “cải tạo xã hội” của vị tiền nhiệm, mà cũng khác với nhiều chủ trương của các Tổng thống trước. Đặc tính của Chính quyền Trump là khinh thường các khu vực sản xuất kém năng suất, chế diễu các thành phần hay chánh sách xã hội chủ nghĩa bao cấp, và đề cao những ai có tham vọng làm giàu, có khả năng kinh doanh. Chìm sâu ở dưới và hoàn toàn không mặc cảm là triệt để ngợi ca doanh lợi vì doanh lợi tạo ra công việc và sự thịnh vượng nên sẽ bảo vệ sức mạnh của nước Mỹ.

Chúng ta có thể thấy được một cuộc cách mạng văn hóa trong cái lý tưởng Donald Trump, trái hẳn với những chủ trương “phải đạo chính trị” ngày nay. Đây là một khía cạnh khác của “chủ nghĩa quốc gia Hoa Kỳ” đã từng đưa nước Mỹ lên vị trí siêu cường.

Trong hơn một tháng ông Trump chuẩn bị như bão táp, người ta có thể nêu câu hỏi rằng Chính quyền Trump sẽ hung hăng hay chín chắn, táo bạo hay lạnh lùng, và có gặp mâu thuẫn giữa các nhân vật tham gia nội các và dàn cố vấn của Tổng thống không?

Sở dĩ như vậy là do ông Trump chọn ba tướng lãnh bị hồi hưu vì khác biệt quan điểm với Chính quyền vào vai trò Tổng trưởng Quốc phòng (James Mattis), Nội an (John Kelly) và Cố vấn An ninh Quốc gia (Mike Flynn) để bổ túc cho sự yếu kém của ông về an ninh và quân sự. Nhưng lại mời một doanh gia vào chức vụ quan trọng nhất Nội các là Ngoại trưởng, để tận dụng khả năng đàm phán cho có kết quả của ông Rex Tillerson, Tổng quản trị CEO của ExxonMobile. Trong tổ hợp dầu khí này, ông Tillerson là người nắm vững chi tiết gần như tình báo về từng quốc gia đối tác và phải đạt yêu cầu là có hợp đồng có lợi nhất cho doanh nghiệp. Nay ông sẽ phải đạt yêu cầu đó cho… Hoa Kỳ, theo chỉ thị của người làm chánh sách đối ngoại là Tổng thống Trump.

Donald Trump cũng chọn nhiều tỷ phú vào các chức vụ then chốt khác không chỉ vì họ có tiền, hoặc đã chi tiền cho cuộc tranh cử, mà vì họ là doanh gia thành công và có khả năng thực hiện mục tiêu cải cách. Hệ thống giáo dục là bà Betsy DeVos, giải tỏa chế độ kiểm soát kinh doanh là ông Carl Icahn, điều chỉnh chế độ ngoại thương là ông Wilbur Ross ngồi ghế Tổng trưởng Thương mại. Các doanh gia đó không tham chính để kiếm tiền mà vì họ đồng ý với yêu cầu cải cách của ông Trump.

Ngoại trừ thường hợp của Giáo sư Peter Navarro - vào chức vụ của một cơ chế mới sẽ làm Bắc Kinh nổi điên là Hội đồng Thương mại Quốc gia vì lập trường rất diều hâu chống Trung Cộng về cả an ninh lẫn kinh tế - ông Trump không mời các giáo sư đại học hay học giả. Ông cũng tránh các chính trị gia chuyên nghiệp, trừ phi là dùng đòn phép của họ để phá vỡ hệ thống cấu kết chính trị tại Thủ đô Washington nhằm khai thông ách tắc và vét sạch bùn lầy trong quan hệ bán chác giữa chính trường với doanh trường. Đó là trường hợp của Nghị sĩ Jeff Session vào vị trí Tổng trưởng Tư pháp hay nguyên Thống đốc Rick Perry vào ghế Tổng trưởng Năng lượng.

Cũng vì chiều hướng đó, ông bị các chính khách, học giả và báo chí thiên tả đả kích nặng. Nhưng chúng ta chẳng nên ngạc nhiên về những lời đả kích này mà nên nhìn vào thực tế.

Xét tới đặc tính của “Chính quyền Cách mạng” Donald Trump, người ta hoài nghi là ban tham mưu của ộng Trump có ít kinh nghiệm. Mọi Chính quyền đều có tám vị trí then chốt nhất là Tổng thống, Phó Tổng thống, Đổng lý Văn phòng (Chief of Staff, tương đương với Bộ trưởng Phủ Tổng thống), và năm Tổng trưởng Ngoại giao, Quốc phòng, Tư pháp, Ngân khố và Thương mại. Tám nhân vật này của Chính quyền Trump có tổng cộng 138 năm thâm niên trong hai lãnh vực là công vụ (quân và dân sự trong chính quyền) hay kinh doanh, so với 152 năm của Chính quyền Bush 43 hay 122 năm của Chính quyền Obama. Khác biệt là hệ thống nhân sự Trump có 83 năm thâm niên trên doanh trường so với chỉ có năm năm của hệ thống Obama, hay 72 năm của hệ thống Bush 43.

Nghĩa là dù sao khác biệt cũng chẳng nhiều lắm so với một Hành pháp Cộng Hòa! Thời xưa, một Giáo sư Kinh tế từng làm Tổng trưởng Lao động rồi Ngân khố của Tổng thống Richard Nixon rồi Chủ tịch tổ hợp Bechtel trong tám năm, trước khi là Ngoại trưởng có thế giá của Ronald Reagan, đấy là ông George Shultz. Ông lên kế nhiệm một Ngoại trưởng đã từng là Đại tướng, Alexander Haig. Thời đó, mấy ai phàn nàn chuyện ông tướng hay doanh gia đi làm Ngoại trưởng? Thời nay, người ta quên trí nhớ nên mới om xòm phê phán việc doanh gia Tillerson của đất Texas đi làm Ngoại trưởng.

Một khía cạnh khác về ý thức hệ là lằn ranh tả hữu, cấp tiến hay bảo thủ.

Đảng Dân Chủ thiên tả thì đề cao công bằng xã hội và vai trò can thiệp của nhà nước; đảng Cộng Hòa hữu khuynh lại đòi phát triển kinh tế và giới hạn vai trò của nhà nước. Đấy là sự khác biệt chung, đã tồn tại từ những năm 1960. Từ 30 năm trước, các dân biểu nghị sĩ Cộng Hòa có khuynh hướng bảo thủ hơn, nhất là từ quãng 2010. Trong khi đó, Quốc hội Dân Chủ lại ngày càng thiên tả hơn, nhưng bất công xã hội cũng gia tăng trong tám năm qua và là một trong nhiều nguyên nhân của cuộc Cách mạng Donald Trump, với sự nổi loạn của thành phần trung lưu thấp chống lại giới thượng lưu ưu tú bên đảng Dân Chủ.

Nếu chấm điểm về ý thức hệ thì ông Trump có mời một số dân biểu nghị sĩ vào nội các, và thành phần nhân sự này có khuynh hướng bảo thủ, nhưng nói chung cũng chẳng bảo thủ hơn Quốc hội Cộng Hòa khóa 115. Khi chấp chánh, Hành pháp Donald Trump phải trước hết đàm phán với Lập pháp Cộng Hòa và rất có hy vọng đồng điệu trong chiều hướng bảo thủ ấy, ngoại trừ hai lãnh vực có dị biệt với đa số Cộng Hòa là can thiệp vào ngoại thương để bảo hộ mậu dịch. Tuy nhiên, trong hai lãnh vực này, ông Trump lại có thể được hậu thuẫn bất ngờ từ phía Dân Chủ!

Khi ấy ta đừng quên một Giáo sư kinh tế đã sớm vạch ra những bất toàn của chế độ tự do thương mại làm Hoa Kỳ bị thiệt hại, là Peter Navarro. Ông hợp tác với ban tranh cử Donald Trump ngay từ đầu và sẽ là Chủ tịch Hội đồng Thương mại Quốc gia để cố vấn Tổng thống về chánh sách và luật lệ liên quan đến ngoại thương, nhưng lồng trong một viễn kiến rất Trump là kinh tế chỉ là một phần của an ninh thôi. Và đấy mới là điều khiến Trung Cộng lúng túng. Giáo sư Peter Navarro đã phục vụ trong đoàn Peace Corp tại Đông Nam Á và theo dõi sự bành trướng của Trung Cộng từ lâu, nhưng cũng là một đảng viên Dân Chủ!

Sau cùng, kết luận bất ngờ nhất cho một năm có quá nhiều bất ngờ, chính là việc dân Mỹ không bầu Donald Trump làm Tổng thống vì là ông người đạo cao đức trọng. Họ không cần chuyện đó mà cần một hệ thống lãnh đạo được việc! Ông Trump và nội các đang thành hình có đặc tính là thiết thực được việc ngoài chiến trường và trên doanh trường, mà cùng coi chính trường là nơi phải cải cách để ra khỏi nguyên trạng bế tắc ngày nay.

Vì vậy, cuộc Cách mạng Trump đang khởi đầu!....

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét