Thứ Hai, tháng 1 16, 2017

Về Nghệ Thuật Lãnh Đạo

Hùng Tâm - Người Việt Ngày



Sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống, người ta thấy xuất hiện hai nhân vật dưới cùng một mái tóc kỳ dị.

Ðây là vị tổng thống thứ 45 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, người sẽ cứu nguy nước Mỹ và vãn hồi sức mạnh của đệ nhất siêu cường. Không, đây là kẻ bất thường sẽ đưa Hoa Kỳ xuống vực thẳm sau khi một số tiểu bang đã lầm bỏ phiếu cho ông. Cùng một người lại được trình bày dưới hai ánh sáng trái ngược! Dĩ nhiên sự thật không thể như hai khuynh hướng diễn tả quá đáng như thế và ông Trump cũng chưa kịp nghĩ đến các hồ sơ hay chánh sách đang được ban tham mưu chuẩn bị theo lời yêu cầu của mình. Ông phải làm những việc mà mọi lãnh đạo Hành pháp Hoa Kỳ từng phải làm trước đó: tìm ra các dân biểu nghị sĩ có khi chưa từng gặp mặt để liên lạc và thuyết phục. Nền dân chủ này không cho tổng thống được toàn quyền xây dựng, hay phá hoại, như đám người đa sự vẫn cứ tri hô!

Hồ sơ Người Việt sẽ tìm hiểu về chuyện rắc rối đó!

 
Thủ đô Mài mực Nhá chữ


Những ai có dịp sống và thật sự làm việc tại thủ đô Washington D.C. của Hoa Kỳ đều có thể biết đến một ngành sản xuất quan trọng nhất, đó là nghiên cứu và viết lách, với sự hỗ trợ của kỹ nghệ ấn loát và nghệ thuật đánh trống thổi kèn!

Ðấy là loại công việc toàn thời của nhiều thành phần chuyên nghiệp. Thứ nhất là các trung tâm nghiên cứu, “lò trí tuệ” hay think tanks, với nguyên liệu chính là dữ kiện và thống kê về kinh tế, xã hội, an ninh, khoa học hay ngoại giao. Thứ hai là những người có kinh nghiệm chính trị để đãi lọc các công trình nghiên cứu đó thành nhiều hồ sơ về chánh sách. Thứ tư là viên chức trong các phủ bộ đúc kết đề nghị về chánh sách ấy cho ai đó trình bày lên trên và tìm cách áp dụng. Thứ tư là những người có khả năng phê phán và… vứt các đề nghị đó vào sọt rác.

Thành phần thứ tư này mới thật sự có thế lực chính trị. Họ được dân chúng bầu lên hay được người lãnh đạo đề cử, để thực hiện những gì họ cho là có lợi nhất. Ðôi khi khái niệm “có lợi” này chẳng dính líu gì đến cái chuỗi sản xuất các chánh sách, là kỹ nghệ chính của thủ đô D.C. Nhiều khi, những chánh sách đề nghị chỉ là kết quả của các đợt vận động về tư tưởng và tiền bạc xuất phát từ các địa phương khác và dồn về trung tâm quyết định là thủ đô, nơi mà hệ thống thư lại của Hành pháp, Lập pháp, Tư pháp, Ngân Hàng Trung Ương và cả truyền thông báo chí đều hàng ngày hàng giờ vận hành như một tổ ong. Có khi là ổ kiến lửa, với rất nhiều tiếng động vo ve chung quanh kỹ nghệ mài mực nhá chữ hoặc tiết lộ linh tinh.

Hai loại diễn tả về Donald Trump, như người hùng hay kẻ hung, chính là sự vo ve đó!


Cái ngai tổng thống


Người đắc cử tổng thống Mỹ đều phải trước hết có tài tranh cử, chuyện không đương nhiên. 

Nhiều thống đốc tiểu bang có thành tích về lãnh đạo hành pháp vẫn có thể thất cử ngay từ vòng loại trong hai đảng chính. Nhiều dân biểu nghị sĩ dầy kinh nghiệm tranh cử mỗi hai năm hay sáu năm cũng vậy. Tài tranh cử khởi sự từ cái tài quy tụ nhân lực và tiền bạc để tổ chức ban tranh cử ngay từ những năm tháng đầu tiên và gặp nhiều thử thách bất ngờ, chẳng hạn như lần đó lại đụng phải ứng cử viên có tài hơn mình.

Khi tranh cử, không ứng cử viên tổng thống nào lại biết hết và có lập trường rõ rệt về từng hồ sơ của cả ngàn vấn đề mà mình sẽ giải quyết nếu thắng cử. Một số chính khách cố tìm hiểu với thành tâm và thiện chí để phác họa ra một chương trình hành động tương đối toàn diện, mà thường thì chẳng có cơ hội áp dụng khi đắc cử: vì tổng thống không có toàn quyền và thực tế chính trị quốc gia hay quốc tế lại có những khác biệt hay bất ngờ chẳng ai lường được trước.

Khi đắc cử và ngồi vào ghế tổng thống Hoa Kỳ, người lãnh đạo Hành pháp mới học tập lãnh đạo. 

Họ thành công nếu cho thấy họ hiểu ra mối quan tâm, lúc đó, của quần chúng và tìm cách thực hiện với nhiệt tình và cố gắng. Ít ai chứng minh được khả năng đó ngay từ đầu và thật ra, họ chỉ học nghệ thuật lãnh đạo sau khi nhậm chức. Người ta chỉ thấy được cái tài này sau khi tổng thống đã về hưu, thường thì phải sau cả chục năm!

Chúng ta có thể kiểm chứng ở nhiều tiền lệ trước Donald Trump.

Trước khi nhậm chức, Tổng Thống Franklin Roosevelt bị coi thường, là thiếu trí tuệ mà chỉ có tham vọng làm tổng thống. Ronald Reagan cũng vậy, là nghệ sĩ hạng B, không có dáng trí thức, sau hai nhiệm kỳ thống đốc tại California đã đòi làm tổng thống cả nước. Trước đấy, Harry Truman hay cả Dwight Eisenhower cũng có số phận tương tự, bị phê phán một cách nghiệt ngã là bất tài, hoặc lơ đãng!

Thế rồi sau khi thắng cử, họ mới thấy cái ngai tổng thống là có đầy gai.

Chung quanh là dàn đèn kéo quân của cả trăm nhân vật ẩn hiện, người nào cũng có sẵn bài bản về chánh sách lãnh đạo để mình chọn lựa. Ðấy là lúc tổng thống khám phá tính chất điên cuồng hỗn loạn của trung tâm quyền lực, nơi cuốn hút cả ngàn ý kiến hay tư tưởng từ khắp nơi mà ông phải cân nhắc, chọn lựa. Hầu hết đều là những gì xa lạ với chủ trương ban đầu khi ông ra tranh cử.

Harry Truman chủ trương tiếp tục chánh sách kinh tế xã hội của vị tiền nhiệm (New Deal) mà sau cùng lại mở ra chánh sách đối ngoại thời Chiến Tranh Lạnh. Anh hùng của Hoa Kỳ thời Thế Chiến II, Thống Tướng Dwight Eisenhower phải thiết lập một trật tự quốc tế mới và ưu tiên tránh được một trận chiến nguyên tử. Ronald Reagan vừa đắc cử thì kinh tế bị suy trầm nặng với di hại của nạn lạm phát và thất nghiệp, khi dân Mỹ và cả thế giới hoài nghi sức mạnh của Hoa Kỳ sau thảm kịch Việt Nam. George W. Bush là thống đốc có tài của Texas và dự tính cải cách kinh tế và xã hội Hoa Kỳ sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc mà lãnh ngay một cuộc chiến khác. Chủ trương đối ngoại ôn nhu và khiêm nhường của ông bị gạt ra một bên và ông mở ra một cuộc chiến oai hùng rồi kéo dài trong mệt mỏi!

Ngồi trong Tòa Bạch Cung rồi, và phải cùng lúc giải quyết cả chục hồ sơ ưu tiên như nhau, Tổng thống Hoa Kỳ mới thấy các chánh sách được cả kỹ nghệ nghiên cứu và đãi lọc của thủ đô soạn thành dự luật chỉ là những đề nghị cục bộ nhìn từ một giác độ nhất định, vì mục tiêu nhất định. Tổng thống là lãnh tụ nhưng không lãnh những tụ bài rời rạc ở dưới đưa lên hay Quốc Hội chuyển qua mà phải quyết định dựa trên tổng thể. Ông không chiều theo những tính toán ấy mà khơi khơi chấp bút ban hành.

Nền dân chủ Hoa Kỳ rất nghi ngờ kỹ nghệ sản xuất số một của thủ đô là các memo hay đề nghị về chánh sách cứ tới tấp tung ra như bươm bướm. Trung tâm quyền lực của nước Mỹ phải quan tâm đến mối ưu tư của quần chúng và cử tri ở khắp nơi chứ không là giao điểm tư tưởng hay quyền lợi của thiếu số ưu tú tập trung trên đỉnh tháp. Tổng thống có tài là biết lắc đầu và gạt được các chánh sách đề nghị qua một bên vì thấy được ưu tư của quần chúng. Quan trọng nhất, ông phải thấy rằng mối ưu tư ấy có thể thay đổi!

Vụ khủng bố 9-11 khiến ông Bush 43 phải thay đổi, để từ vị trí anh hùng rơi vào hoàn cảnh của một tổng thống thất bại! Kế thừa di sản ấy, Tổng Thống Barack Obama muốn ưu tiên cải tạo xã hội và chấm dứt chiến tranh mà cuối cùng vẫn chưa giải quyết xong cuộc chiến, “có chính nghĩa” tại Afghanistan hay “phi chính nghĩa” tại Iraq, và để lại hồ sơ khủng bố Hồi Giáo cho người kế nhiệm.


Dị nhân Donald Trump

Sau khi nhìn lại bối cảnh quyết định của tổng thống Hoa Kỳ, chúng ta nói đến người sẽ tuyên thệ nhậm chức hôm Thứ Sáu 20 này, tỷ phú Donald Trump.

Ðặc tính của ông là khật khùng phát biểu rất nhiều mà cố tình không đưa ra một chủ trương hay chương trình hành động rõ rệt ngoài khẩu hiệu là vãn hồi sức mạnh kinh tế và an ninh của Hoa Kỳ. Hình như cái gì ông cũng muốn làm nhưng chẳng có chủ thuyết gì cả. Ông gặp sự phê phán còn nặng nề hơn hai vị tổng thống có đặc tính “cách mạng” của Thế kỷ 20 là Roosevelt và Reagan. Ông bị truyền thông và cánh tả đả kích mạnh nhất, nhưng cũng lại được phân nửa dân Mỹ tôn sùng như một vĩ nhân!

Cái tài của ông là tỏ vẻ khinh thường các chính khách và chính trị gia chuyên nghiệp, làm cho quần chúng bình dân lao động tin rằng ông hiểu nỗi niềm tâm tư của họ. Ông chọn những người làm được việc trong thực tế ở ngoài đời để giải quyết bài toán ấy cho quần chúng, từ vài ngàn việc làm trở đi, nhưng lại còn đệm thêm một yếu tố khác: sẽ thay đổi đường lối ngoại giao để bảo vệ quyền lợi chính đáng của Hoa Kỳ.

Dị nhân Donald Trump vừa nói toàn chuyện đại thể lại vừa đi vào tiểu tiết của dời thường mà bất chấp đặc sản của thủ đô là các phúc trình hay chi tiết về chánh sách quốc kế dân sinh! Quan trọng nhất, ông coi thường truyền thông báo chí và nói thẳng với quốc dân mà khỏi cần cái lọc của “đệ tứ quyền” hay các trung tâm hướng dẫn dư luận. Ông thực thi “dân chủ trực tiếp”!

Nhìn như vậy ta có thể nghĩ Donald Trump hiểu ra tinh túy của quyền lực tổng thống Hoa Kỳ.

Ông gần với triết lý của Ronald Reagan hơn là cách xử lý của Jimmy Carter. Tổng Thống Reagan bị chê là mơ hồ về nhiều chuyện chứ không chi ly cặn kẽ như Tổng Thống Carter, nhưng ông tái đắc cử và vẫn còn được ngưỡng mộ trong khi người ta nhớ đến Carter với sự ái ngại. Donald Trump cũng có dáng vẻ Reagan khi chọn người cộng sự. Ðấy là những người biết việc sẽ lo về chánh sách theo triết lý của ông, chứ tổng thống chỉ nhập cuộc khi có khủng hoảng!

Việc Thượng Viện Mỹ đang mở cuộc điều trần và phê chuẩn các nhân vật trong nội các Donald Trump có thể cho thấy tinh thần này.

_____

Kết luận ở đây là gì?

Nền dân chủ Hoa Kỳ thật “chẳng giống ai,” khác hẳn trường hợp lãnh đạo của Âu Châu hay Nhật, hoặc Ấn Ðộ. Donald Trump đang nhắc nhở chúng ta về đặc tính ấy của nước Mỹ.

9 nhận xét:

  1. Hùng Tâm và ông Nguyễn Xuân Nghĩa là một ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhiều người nghĩ như vậy, nhưng cả hai đều không xác nhận! Thế mới kỳ...

      Xóa
    2. Nặc danh1/2/17 7:01 CH

      Một người cầm bút có nhiều bút danh là chuyện thường, thậm chí viết và có y´ kiến về các khía cạnh khác nhau, ở những cấp độ riêng biệt thậm chí đối kháng nhau cuả cùng một vấn đề. Bạn đi hỏi tác giả theo kiểu "điều tra" thế là không phải là một bạn đọc sành sỏi rồi. Thầy Nghiã là một trong những người tài hoa mà tôi đã tìm thấy được ở trên mạng.

      Xóa
    3. Nặc danh3/2/17 5:33 SA

      Ai cũng nhận thấy là người Do Thái thật tài ba. Ở Hoa Kỳ, họ thân với Cộng Hoà để không những giữ yên mà còn nới rộng quê hương, họ lôi cuốn Dân Chủ, dẫn đầu phong trào Toàn cầu hoá làm giàu qúa xá. Thời chiến có Kissinger, thời bình có Soros, cầm cán cân tiền tệ có Janet Yellen, cố vấn TT Trump có Jared Kushner và âm thầm không phô trương là một dòng họ lâu đời... The Rothschilds. Thật là đáng ngưỡng mộ :)
      Thầy Nghiã mà có thêm một, hai bút danh nưã ngoài hai cái kể trên ra, gặp thời vận là nước Việt ta sẽ có... tương lai?

      Xóa
    4. Poorshope cứ hay bình luận linh tinh! Hãy tìm đọc một bài tôi viết về Nathan Rothschild gần 20 năm trước! "Khi máu đổ đầy đường là lúc ta nên mua" (cổ phiếu). Loại người như vậy lâu lâu mới có một lần. Chúc mừng năm mới.

      Xóa
  2. Nặc danh3/2/17 6:51 SA

    Thấy thầy Nghiã buồn nên Poorshope mới nói cho vui thế thôi. Em không truy tìm bài cũ mà làm chi. Năm ngoái tình cờ đọc thấy một bài về thời đệ nhị thế chiến, thấy quá tàn nhẫn đau lòng. Chẳng lẽ không có máu đổ thì người ta không có cơ hội nào khác để làm giàu sao chứ? Trong một bài mới đây thầy Nghiã bảo thế giới đang điên đảo. Poorshope thì nghĩ rằng nó đã trở nên xấu xí, xuống cấp và ngột ngạt.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chúng ta đang thấy trật tự thế giới từ 70 năm nay (1947-2016) bị đảo lộn. Tôi có nói về hiện tượng này từ trước và gần đây còn viết trên Xuân Việt Báo năm Dinh Dần này. Fasten your seat belt! And smile...

      Xóa
    2. Nặc danh10/3/17 5:48 CH

      Có vẻ như TT Trump đang làm những gì mà thầy Nghĩa thường hay bình luận - thương mại ở đâu thì chiến hạm phải lên đường tới đó - ở đây là APEC chăng? Mới có thêm một sự kiện nữa là hệ thống THAAD sẽ được lắp đặt ở Nam Hàn. Có vẻ như sau đó thì Nhật Bản cũng được quyền vũ trang. Mỹ không muốn để Nam Hàn bị Trung Quốc "bôi trơn" rồi mất về tay Bắc Hàn.

      Em đọc bài viết "Tổng thống Thiệu ra lệnh khai hỏa ở Hoàng Sa" cuả Tiến sỹ Nguyễn Tiến Hưng trên BBC đọan cuối "Bây giờ, muốn trở về với Biển Đông Mỹ đi hàng đôi: một mặt thì tỏ ra mềm dẻo với Trung Quốc nhưng mặt khác lại luôn luôn chuẩn bị để đối phó bằng quân sự với Trung Quốc, dù dưới thời Tổng thống Obama hay Tổng thống Trump.
      Để đối phó, Mỹ đang tăng cường liên minh quân sự với một số quốc gia trong vùng, kể cả tiến tới đối tác chiến lược với Việt Nam..."

      "Những người muôn năm cũ" có thể đã vĩnh viễn sụp đổ hay đang tàn phai, nhưng lúc nào cũng đẹp, yêu đất nước, unconditional love. Nhưng thảm thương làm sao khi Xã Nghĩa lại chẳng muốn rời ra.

      Trong cái "trật tự thế giới mới" mà thầy Nghiã đang nói đến, hy vọng Trung Quốc uyển chuyển khéo léo chứ không quá hãnh tiến hay kèn cựa với Hoa Kỳ để châu Á được hoà bình. Sự giàu có bằng đồng tiền chứng khoán có gì đảm bảo bền vững, hay có thật nhiều "thuộc địa" chưa chắc đã yên thân? Nga, Đức, Nhật, etc. một thời thăng trầm vậy thôi, mà bao triệu người phải chết vì nó? Nước lớn nào cũng giống nhau, không phải chỉ mỗi Hoa Kỳ, "vưà dọa vừa dụ", "vưà đánh vưà đàm", "vưà giao thương vưà chuẩn bị chiến khi cần thiết". Làm sao để nhân loại có một ngày mới?

      Xóa
    3. Hãy vào trang Facebook Dainamax Forum https://www.facebook.com/Nghia72/
      để tiếp tục đọc và xem...

      Xóa