Chủ Nhật, tháng 1 08, 2017

Mâu Thuẫn Kinh Tế Mỹ - Hoa

Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA Ngày 161221
"Diễn đàn Kinh tế RFA"  
Kinh tế Trung Cộng cần Hoa Kỳ hơn là kinh tế Mỹ cần Tầu
Tổng Giám đốc WTO, Roberto Azevedo và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu, Trung Quốc hôm 4/9/2016.
* Tổng Giám đốc WTO, Roberto Azevedo và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, Trung Quốc hôm 4/9/2016. AFP photo* 




Cách nay đúng 15 năm, ngày 11 Tháng 12 năm 2001, Trung Quốc được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO sau khi Chính quyền Hoa Kỳ đặc cách thỏa thuận một điều kiện đặc miễn là nền kinh tế chưa đủ tiêu chuẩn gọi là thị trường. Ngày nay, điều kiện ấy đang là đầu mối tranh cãi giữa Trung Quốc với nhiều nước khác.


Trung Quốc trục lợi bất chính


Nguyên Lam: Thưa ông, sau khi được Hoa Kỳ mở cửa đón nhận, cách nay 15 năm, ngày 11 Tháng 12 năm 2001, Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Ngày nay, xứ này trở thành nền kinh tế thứ nhì thế giới sau nước Mỹ, có khối dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới trị giá hơn 3.000 tỷ đô la và lại đang thách đố quyền lực của Hoa Kỳ trên vùng biển Đông Nam Á khiến Tổng thống Tân cử của Mỹ là ông Donald Trump có phán ứng gay gắy và cứng rắn. Vì vậy, trong chương trình cuối năm, xin đề nghị ông phân tích lại bối cảnh của sự kiện và phác họa mâu thuẫn kinh tế giữa hai quốc gia trong năm tới.


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hoa Kỳ có một chữ cho tình huống họ gọi là "buyer's remorse", là sự ân hận của kẻ mua hớ! Nhiều người Mỹ đang nghĩ tới điều ấy khi xét lại quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mà tôi xin gọi là “quan hệ Mỹ-Hoa” chứ không gọi là “Mỹ-Trung” vì không hề coi Trung Quốc là trung tâm của thế giới. Ta vẫn thường gọi là “Hoa kiều” chứ không gọi là “Trung kiều” và nói về Tân Hoa Xã chứ có nói Tân Trung Xã bao giờ đâu?

- Về kinh tế thì sự thật có nhiều khúc mắc mà chúng ta cũng nên hiểu ra. Cách nay năm năm rồi, nhân dịp kỷ niệm 10 năm Trung Quốc gia nhập tổ chức WTO, hai cơ quan hữu trách của Mỹ đã phổ biến hai phúc trình liên hệ đến Trung Quốc. Thứ nhất là báo cáo của Hội đồng Duyệt xét Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về Kinh tế và An ninh công bố hôm 16 Tháng 12 năm 2011. Thứ hai là báo cáo từ Văn phòng Đại diện Thương mại của Tống thống công bố hôm 12 Tháng 12 năm đó về việc Bắc Kinh chấp hành các quy định của WTO. Thời ấy rồi, cả hai báo cáo đều phê phán là Trung Quốc không tuân thủ những cam kết và đã trục lợi bất chính nên phương hại cho quyền lợi của Hoa Kỳ. Ngày nay, người ta đã quên mà tưởng rằng vị Tổng thống Tân cử Doinald Trump đang bất ngờ gây khó cho Bắc Kinh. 


051_XxjpbeE000658_20161209_TPPFN0A001-400.jpg
Cảng Liên Vân ở tỉnh Giang Tô, phía đông Trung Quốc, ngày 29 tháng 11 năm 2016. AFP photo
 
- Sự thật thì trong 15 năm đàm phán của Trung Quốc để xin gia nhập Tổ chức WTO, Hoa Kỳ theo dõi sát trước khi chấp thuận quy chế tối huệ quốc cho Trung Quốc - mà họ gọi là quy chế "mậu dịch bình thường và thường trực" - thay vì phải xin Quốc hội tái tục hàng năm. Chính quyền của Tổng thống Bill Clinton chỉ nhận quy chế đó mấy tuần sau khi Bắc Kinh chính thức gia nhập WTO vào cuối năm 2001 và quyết định ấy đã gặp nhiều rào cản từ phía Quốc hội Mỹ.


Nguyên Lam: Nghĩa là từ nhiều năm trước, Hoa Kỳ đã phàn nàn việc Trung Quốc trục lợi nhờ biện pháp đặc biệt của Chính quyền Bill Clinton, nhưng thưa ông khi đó Quốc hội Hoa Kỳ đã lập rào cản ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta nên nhớ lại rằng Hoa Kỳ mở cửa kết giao với Trung Quốc từ năm 1972, bang giao với Bắc Kinh từ năm 1979 và thực tế là cho phép Trung Quốc kế thừa vị trí của Đài Loan trên các diễn đàn quốc tế là chuyện đang trở thành thời sự khi ông Trump điện đàm với Tổng thống Đài Loan là bà Thái Anh Văn. Rồi việc Trung Quốc xin gia nhập và bắt đầu đàm phán với từng thành viên của WTO lại xảy ra sau vụ tàn sát Thiên An Môn năm 1989 khi Bắc Kinh e sợ biến động chính trị vì lạm phát và tham nhũng và bị nhiều quốc gia trừng phạt kinh tế vì tội chà đạp nhân quyền. Khi ấy Quốc hội Mỹ mới nêu ra cho Hành pháp nhiều điều kiện trong từng bước thương thảo với Bắc Kinh, trong đó có loại điều kiện ngoài kinh tế mà cũng có điều kiện trực tiếp liên hệ đến giao dịch buôn bán với Trung Quốc.

Từ năm năm trước, Quốc hội Mỹ kết luận rằng Trung Quốc hết là xứ nông nghiệp lạc hậu đang phát triển mà còn thách đố quyền lợi Hoa Kỳ về cả an ninh lẫn kinh tế. Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Phần mình, Bắc Kinh dùng thủ thuật đàm phán là tự cào mặt viện dẫn hoàn cảnh "đang phát triển" của xứ sở để xin một số đặc miễn mà họ hứa là sẽ giải tỏa sau 5 năm, 12 hay 15 năm. Then chốt nhất là họ xin được 15 năm ân hạn khi cơ chế kinh tế chưa đủ tiêu chuẩn là “kinh tế thị trường”. Việt Nam cũng học theo đó mà xin thời gian ân hạn là 18 năm, là hứa sẽ cải cách trong 18 năm để có kinh tế thị trường đích thực mà thật ra vẫn trì hoãn việc cải cách này.

- Khi ấy, Quốc hội Mỹ bèn quyết định rằng vì Trung Quốc chưa có kinh tế thị trường đích thực cho nên nếu muốn được hưởng quy chế tối huệ quốc thì phải có một số điều kiện mà Hành pháp Mỹ sẽ chấp hành. Tức là nội bộ Hoa Kỳ đã có nhiều tranh luận gay go về hồ sơ gia nhập của Bắc Kinh trước khi cho Chính quyền Bill Clinton chấp nhận quy chế đó.


Nguyên Lam: Thưa ông, khi ấy Hoa Kỳ đòi hỏi những gì trước khi đồng ý cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế giới?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ngoài loại điều kiện “phi kinh tế”, như Bắc Kinh phải chấp nhận cho Đài Loan gia nhập tổ chức WTO hoặc phải tôn trọng nhân quyền và hạn chế phổ biến võ khí, v.v... Quốc hội Mỹ nương vào hoàn cảnh Trung Quốc chưa có kinh tế thị trường mà đòi quyền áp dụng một số biện pháp kinh tế đặc biệt. Một trong các biện pháp đó là áp dụng Khoản 301 trong Đạo luật Thương mại năm 1974, theo đó nếu doanh nghiệp Mỹ bị thiệt hại vì xuất khẩu quá mạnh của Trung Quốc thì họ được khiếu nại và yêu cầu chính phủ có biện pháp bảo vệ nằm ngoài quy định của WTO. Điều kiện ấy mới giải thích vì sao phía Mỹ nộp rất nhiều hồ sơ khiếu nại với WTO và liên tục tranh cãi với Bắc Kinh. Song song, Quốc hội Mỹ cũng lập ra Hội đồng Duyệt xét Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về Kinh tế và An ninh là cơ chế giám sát để định kỳ báo cáo và khuyến nghị Chính quyền ban hành biện pháp đối phó.

- Nôm na là khi Hành pháp chủ trương giao kết về kinh tế để hy vọng chuyển hoá Trung Quốc về chính trị hầu xứ này trở thành đối tác biết điều và có trách nhiệm thì Lập pháp Mỹ vẫn thủ kín, nhất là về thương mại, để thường xuyên gây áp lực. Vì vậy phải nói là phía Mỹ không ngạc nhiên về sự lật lọng của Trung Quốc. Các hồ sơ gọi là "lũng đoạn ngoại hối" khi Bắc Kinh định giá đồng bạc quá thấp, hoặc tội Trung Quốc "trợ giá xuất khẩu" và "biện pháp trả đũa" của Mỹ chỉ là những mặt nổi của một trận đấu liên tục đã dự kiến từ 15 năm trước.


Mỹ không ngạc nhiên

Nguyên Lam: Thưa ông, ông vừa nói là năm năm trước thì nhiều cơ quan Hoa Kỳ đã phê phán rằng Trung Quốc trục lợi bất chính nhờ được thời gian đặc miễn trong 15 năm chưa có kinh tế thị trường. Ngày nay, thời hạn đó đã hết thì liệu rằng điều kiện mà Quốc hội Mỹ nêu ra có còn hiệu lực hay chăng khi mà không chỉ có nước Mỹ mà Liên hiệp Âu châu cũng đang than phiền việc Bắc Kinh bán phá giá nhiều sản phẩm và gây thiệt hại cho kinh tế Âu Châu?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thật ra trong năm năm đầu tiên sau khi gia nhập WTO thì Trung Quốc có giải tỏa một số quy định về luật lệ, giá cả và thuế biểu hải quan theo sự cam kết với WTO. Nhưng sau đó, và đây là điều Hoa Kỳ nhấn mạnh và chúng ta cũng đừng quên, Trung Quốc lại tự đặt ra luật mới và thi hành chiến lược có định hướng theo "chính sách công nghiệp". Đây là mật mã của việc họ chủ động can thiệp để bảo vệ khu vực kinh tế nhà nước và tạo ra sân chơi thiếu bình đẳng, thiếu thông tin minh bạch cho tư doanh nội địa và ngoại quốc khi tiếp nhận đầu tư trực tiếp của nước ngoài. 


000_J0943-400.jpg
Một tạp chí với hình Tổng thống đắc cử Donald Trump tại một hiệu sách ở Bắc Kinh hôm 12 tháng 12 năm 2016. AFP photo


_ Thủ thuật đó của Bắc Kinh còn tinh vi hơn nữa vì tạo ưu thế cho doanh nghiệp nhà nước thụ đắc loại công nghệ cao cấp để có bước nhảy vọt về kỹ thuật. Mặt ngoài thì người ta cứ nói đến việc Trung Quốc không thực thi việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như đã cam kết với WTO nên vẫn còn nạn sao chép hoặc ăn cắp tác quyền của thiên hạ làm doanh nghiệp Mỹ bị lỗ. Nằm sâu bên dưới còn có kế hoạch gọi là cưỡng bách chuyển giao công nghệ để cuối cùng xứ này trở thành một thế lực sản xuất các mặt hàng công nghiệp có trình độ kỹ thuật cao và trực tiếp cạnh tranh với Mỹ với loại sản phẩm cứ tưởng là sở trường của Hoa Kỳ, Nhật Bản Nam Hàn hay Đài Loan.


- Từ năm năm trước, Quốc hội Mỹ kết luận rằng Trung Quốc hết là xứ nông nghiệp lạc hậu đang phát triển mà còn thách đố quyền lợi Hoa Kỳ về cả an ninh lẫn kinh tế. Vì vậy, năm 2012, phía Mỹ suy diễn thêm chi tiết áp dụng Khoản 301 trong Đạo luật Thương mại 1974 để các doanh nghiệp Mỹ vẫn rộng quyền yêu cầu Chính phủ có biện pháp bảo vệ nằm ngoài quy định của WTO. Cái khác với trước đấy là cơ sở so sánh phí tổn và giá cả để chứng minh là có cạnh tranh bất chính, chứ về cơ bản thì Hoa Kỳ vẫn thừa điều kiện khiếu nại. Bây giờ, vị Tổng thống Tân cử của Mỹ đang thành lập ban tham mưu về thương mại và đối ngoại đầy kinh nghiệm luật pháp về bảo vệ ngành thép của họ để sẽ dàn trận với Bắc Kinh nhằm bảo vệ quyền lợi của Mỹ.

Then chốt nhất là họ xin được 15 năm ân hạn khi cơ chế kinh tế chưa đủ tiêu chuẩn là “kinh tế thị trường”.  Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyên Lam: Thưa ông, như vậy thì tình trạng cạnh tranh bất chính và mâu thuẫn kinh tế giữa hai nước đã có từ lâu, trong tương lai thì quan hệ thương mại giữa đôi bên sẽ đi về đâu?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Năm tới, Hoa Kỳ có Chính quyền mới và Trung Quốc có Đại hội đảng khóa 19 và cả hai đều gặp khó khăn bên trong nên rất khó nhượng bộ và mâu thuẫn đôi bên sẽ chỉ gia tăng. Tuy nhiên, và năm tới chúng ta sẽ trở lại chi tiết cụ thể của chuyện này, thuần về kinh tế thì Trung Quốc cần Hoa Kỳ hơn là Hoa Kỳ cần Trung Quốc vì kinh tế của Tầu quá lệ thuộc vào xuất khẩu. Thứ hai, nếu chiến tranh mậu dịch xảy ra thì cả hai đều gặp bất lợi, nhưng Trung Quốc bị thiệt hại nặng nề hơn Mỹ khi nội tình Trung Quốc lại có nhiều thách đố xã hội và chính trị hơn. Thứ ba, chính là ý thức được mối nguy đó, Bắc Kinh mới dựng ra mâu thuẫn giả và khiến dư luận thiếu am hiểu kết án vì ông Trump cực đoan quá khích nên đang gây khó cho quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

- Kết luận của tôi là dù đầy mưu lược, Bắc Kinh có thấy ra sự bất toàn của chiến lược phát triển là thiếu cân đối, bất công, khó ổn định và không bền vững nên đã quyết định là phải cải cách, cụ thể là cho dân hưởng nhiều hơn và nâng cao sức tiêu thụ của thị trường nội địa để tránh động loạn xã hội. Nhưng bốn năm qua, họ chưa tiến hành được việc chuyển hướng đó vì sự cưỡng chống của các đảng viên ở bên trong, cho nên năm tới chế độ sẽ còn gia tăng đàn áp.


Nhìn về lâu dài, Trung Quốc có lợi lớn sau khi gia nhập Tổ chức WTO, với sản lượng kinh tế tăng gấp 10 trong 15 năm, từ 2001 tới 2015, nhưng vì bản chất của chế độ kinh tế chính trị, mối lợi đó không tồn tại mãi và đà tăng trưởng cứ suy yếu dần trong khi lại tích lũy nhiều khó khăn. Chính quyền Donald Trump có thấy ra điều này nên sẽ càng gây áp lực mạnh hơn để xứ này phải cải cách thật, nếu không, họ sẽ bị khủng hoảng.

____


 Xin vào trang Người-Việt TV xem Giờ Giải Ảo (http://www.nguoiviettv.com/)

1 nhận xét:

  1. Đọc lại bài này Poorshope thấy có vẻ như TT Trump đang đi theo con đường mà thầy Nghiã đang bình luận và đề xuất. Không phải chỉ đối với Trung Quốc, mà còn với tất cả các nước khác có làm ăn với Hoa Kỳ.

    Trong bình luận sáng nay việc thầy Nghiã quan tâm đến đề xuất cuả TT Abe về hợp tác cuả 4 nước Nhật-Úc-Ấn-HoaKỳ, có sẽ hình thành hay không, chỉ thấy TT Trump có vẻ quan tâm, Ivanka sắp đi Ấn Độ. Đó là một sáng kiến tốt. Trung Quốc cũng là đối tác cuả HoaKỳ trong khu vực - tuy là khác mâm, đơn thuần là sự phân chia các tập hợp nhỏ - cho nên Poorshope nghĩ TQ sẽ không gặp thiệt hại gì, tuyến đường biển chung có thể giao thương bình thường không bị đe doạ. Trong APEC vưà qua, vai trò cuả Nga có vẻ lu mờ trong khu vực. Chia buồn với anh Putin. Nhưng Nhật và HoaKỳ có thể giúp ảnh "đánh bóng" vùng đất phía đông cuả Nga một tí, nếu ảnh không quá nghi ngại ;-p

    Trả lờiXóa