Thứ Bảy, tháng 3 31, 2012

Chấn Động Dầu Khí

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Tribune 120330

Một cuộc cách mạng âm thầm về năng lượng....




Trải mấy chục năm sau "Chiến tranh Việt Nam" – cuộc chiến của Hoa Kỳ tại Việt Nam – chúng ta đã đọc hoặc thậm chí viết khá nhiều về những lý do dẫn tới kết quả mà người Mỹ và nhiều người Việt cho là bi thảm.... Trong cả vạn tài liệu, dường như có một biến cố lại bị lãng quên....

Đó là "Cú Sốc Nixon".

Ngày 15 Tháng Tám năm 1971, Tổng thống Richard Nixon đơn phương quyết định thả nổi đồng Mỹ kim thay vì giàng vào giá vàng. Ông mặc nhiên xoá bỏ hệ thống tiền tệ quốc tế được quy định sau Thế chiến II mà ta quen gọi là hệ thống Bretton Woods. Lồng trong một kế hoạch cải cách - thực tế là can thiệp vào kinh tế khá tiêu biểu của cánh tả bên đảng Dân Chủ - biện pháp tiền tệ này gây chấn động toàn cầu nên mới được gọi là cú sốc – Nixon Shock.

Lý do chính yếu và ngắn hạn là nạn lạm phát.

Lý do thực tế và lâu dài là Hoa Kỳ đã căng mỏng phương tiện để phát triển và bảo vệ kinh tế thế giới lồng trong quân phí quá đắt của cuộc chiến Việt Nam và chế độ bao cấp quá tốn kém của kế hoạch Đại đồng (Great Society) do Chính quyền Lyndon Johnson và đảng Dân Chủ ban hành từ những năm 1965 trở về sau. Kết quả là lần đầu tiên trong Thế kỷ 20, Hoa Kỳ bị bội chi ngân sách và khiếm hụt ngoại thương, chi nhiều hơn thu, mua nhiều hơn bán. 

Nước Mỹ mắc nợ và các chủ nợ đòi thanh toán nợ nần bằng đồng Mỹ kim, nhưng tính theo giá vàng, và phải được bảo đảm bằng khối trữ kim là vàng. Quyết định của Tổng thống Nixon thực tế là một vụ quịt nợ bằng cách phá giá đồng bạc, khi đó là một ngoại tệ dự trữ của cả thế giới.

Nếu suy từ đó thì người ta đã có thể thấy trước là nước Mỹ sẽ phải thu vén chi tiêu và chấm dứt nạn xuất huyết vì cuộc chiến Việt Nam!

Ngay sau đó, năm 1973 còn có cơn chấn động dầu hỏa vì các nước Á Rập xuất cảng phong tỏa dầu như một võ khí để gây áp lực với Hoa Kỳ sau trận chiến Yom Kippur giữa Israel với hai xứ Egypt và Syria. Khi nhìn lại trên toàn cảnh - và ra khỏi những suy luận hai chiều giữa Hoa Kỳ và Việt Nam - người ta đã phải đoán ra là miền Nam sẽ bị hy sinh.

Bốn chục năm sau - là ngày nay – chúng ta đang chứng kiến một chuyện tương tự. Nhưng với kết quả khác!


***


Chưa nói đến trận chiến bị định nghĩa sai là "chống khủng bố Hồi giáo toàn cầu" - với hai chiến trường A Phú Hãn và Iraq đã kéo dài quá 10 năm và bảy năm - Hoa Kỳ tốn kém quá nhiều vì cục diện Trung Đông: mỗi năm mất 50 tỷ Mỹ kim để tuần tiễu và bảo vệ Vịnh Ba Tư hầu bảo đảm nguồn cung cấp dầu khí cho nước Mỹ và các đồng minh Âu Châu.

Nhu cầu bảo vệ đó còn khiến nước Mỹ mắc kẹt vì thế liên kết với một quốc gia dân chủ là Israel cùng nhiều chế độ Á Rập Hồi giáo độc tài. Mâu thuẫn giữa lý tưởng dân chủ của một nước cộng hoà liên bang với nhu cầu kinh tế và chiến lược của một đế quốc toàn cầu khiến Hoa Kỳ khó tranh thủ được hậu thuẫn của thế giới và người dân Hồi giáo.

Vì vậy, huyền thoại Mỹ bị dân Do Thái sai khiến, hoặc tham chiến vì dầu hỏa, cứ được lưu truyền và được nhiều người tin. Những âu lo về tình hình dầu khí tại Trung Đông - với rủi ro chiến tranh bùng nổ vì Iran - đã đẩy giá dầu lên cái ngưỡng đáng lo của năm 2008, khiến giá xăng tăng vọt khi kinh tế chưa hồi phục, thất nghiệp vẫn còn cao.

Trong khi đó, thật ra hai nguồn cung cấp chủ yếu về năng lượng cho Hoa Kỳ lại nằm ở lục địa Bắc Mỹ, Canada và Mexico, và dầu khí Trung Đông chỉ chiếm khoảng 12% số tiêu thụ của nước Mỹ mà thôi.

Và từ bốn năm qua những ưu lo về năng lượng đã khiến người Mỹ phải đi tìm giải pháp khác.


***


Chúng ta có mặt nổi ở trên là tranh luận trong cuộc bầu cử tổng thống về giá xăng dầu, nguồn cung cấp năng lượng lồng trong nhu cầu bảo vệ môi sinh. Nhưng chìm sâu bên dưới là nỗ lực truy tìm các nguồn năng lượng khác - ở rất xa vùng hỏa tuyến Trung Đông. Xin tạm gọi đó là "góp nhặt cát đá... để gạn ra dầu thô và khí đốt".

Hiện nay, nước Mỹ đứng hạng thứ ba thế giới về sản lượng dầu thô, với nhật lượng là bảy triệu rưởi thùng một ngày. Tháng Sáu vừa qua, tổ hợp Exxon-Mobil thông báo là đã tìm thấy một trữ lượng mới, chừng 700 triệu thùng nằm dưới Vịnh Mexico.

Người ta còn có thể tìm ra năng lượng từ cát nhuốm than tại Canada, hoặc gạn dầu từ ven biển miền Đông và miền Tây nước Mỹ, thậm chí ngay tại các tiểu bang Montana, North Dakota hay từ Alaska, nơi có trữ lượng khoảng 30 tỷ thùng.... Khi giá dầu còn rẻ, quãng 10 Mỹ kim một thùng như mấy chục năm trước thì loại năng lượng quá đắt này không có lời. Nhưng khi quân bình giữa cung và cầu về dầu khí đang căng thẳng như ngày nay vì sự xuất hiện của các nền kinh tế khát dầu, như Trung Quốc, giá dầu sẽ khó giảm và những giải pháp tốn kém trên lục địa Bắc Mỹ bỗng thành hấp dẫn hơn.

Thật ra, từ năm 2005 rồi, Hoa Kỳ đã ráo riết gia tăng sản lượng khí đốt dưới dạng "hóa lỏng", liquefied natural gas hay LNG. Tính trung bình thì tăng 50% trong giai đoạn 2006-2011.

Là quốc gia số một thế giới về sản lượng và mức tiêu thụ khí đốt, năm ngoái Mỹ vẫn nhập thêm gần 100 tỷ thước khối để bổ sung cho sản lượng 600 tỷ. Nhưng với những tiến bộ kỹ thuật vượt bực và một trữ lượng khổng lồ các loại nham thạch, Hoa Kỳ sẽ sản xuất khí lỏng ngày một  nhiều hơn, là điều đã khởi sự, với giá ngày một rẻ hơn.

Trong vòng năm ba năm nữa Hoa Kỳ sẽ là một đại gia xuất cảng trên thế giới.

Vì khí lỏng là nguồn năng lượng chiến lược cho Âu Châu, vốn dĩ tùy thuộc vào khí đốt của Liên bang Nga nên thường hay bị bắt bí, khí lỏng của Mỹ sẽ giải vây Âu Châu là góp phần làm thay đổi cục diện Âu-Nga trong thập niên tới. Nếu kể thêm sự kiện Nhật Bản đang giã từ năng lượng hạch tâm sau vụ thiên tai 3-11 vào ngày 11 Tháng Ba năm ngoái, nhu cầu điện năng từ khí lỏng của Nhật càng khiến doanh nghiệp Hoa Kỳ chú ý đến tiềm năng khí đốt của Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ có cải tiến về kỹ thuật để nôm na là gạn cát ra dầu thô và khí đốt. Khi sản lượng khí đốt tăng đều từ năm năm nay, giá khí đốt giảm dần và hết là một động lực kích thích đầu tư và sản xuất. Nhưng bây giờ tình hình đang đổi khác trên thế giới nên ảnh hưởng ngược vào tính toán đầu tư của doanh nghiệp Mỹ.

Trên toàn cảnh đó, bây giờ mình xét đến những trở ngại. Hoa Kỳ có thể sản xuất thêm khí đốt ở dạng lỏng và sau này bán ra ngoài, nhưng chỉ bán cho những nước có khả năng chế biến từ dạng lỏng qua dạng khí và thổi qua một mạng lưới dẫn khí. Tức là khách hàng cũng phải là một xứ công nghiệp tiên tiến, thí dụ như Âu Châu hay Nhật Bản, Nam Hàn hoặc thậm chí Ấn Độ hay Trung Quốc là hai nước còn đi sau.

Doanh giới quốc tế thì đã nhìn ra chuỗi tương quan đó nên khởi sự đầu tư khá mạnh vào thị trường khí đốt của Mỹ. Nhưng khi gạn cát ra dầu và khí đốt, người ta có vấn đề ô nhiễm môi sinh và sức ép rất mạnh của các tổ chức bảo vệ môi trường, đó là một đề mục đang gây tranh luận tại Hoa Kỳ trong vụ bầu cử năm nay.

Bây giờ, nếu xét thêm các yếu tố thuộc về chiến lược của Nhật Bản, Âu Châu và Nga hay Nam Hàn, Ấn Độ và Trung Quốc, trong bài toán khí đốt thì ta có thể suy đoán ra nhiều vấn đề thời sự trước mắt và những hậu quả lâu dài về địa dư chiến lược.


***


Nói về Trung Quốc, hôm mùng bảy Tháng Ba, Tập đoàn Hóa-Dầu Sinopec của Bắc Kinh thông báo việc khởi công dự án khai thác trong lòng chảo Nguyên Bá (Yuanba) thuộc tỉnh Tứ Xuyên, với tiềm năng 507 triệu thước khối một ngày và chỉ tiêu là 3,4 tỷ thước khối một năm vào năm 2015 này.

Trung Quốc có trữ lượng khí đốt được tính ra là lớn nhất thế giới, nhiều nhất là ở hai lòng chảo Tháp Lý Mộc (Tarim) tại Tân Cương và Nguyên Bá tại Tứ Xuyên. Ngoài ra, xứ này còn các lòng chảo – "bồn địa" – với trữ lượng rất kém, tại Chuẩn Cát Nhĩ (Junggar), bên kia rặng Thiên Sơn và lòng chảo Tarim, tại Thổ Lỗ Phiên (Turpan) phía Bắc Tân Cương, tại Ngạc Nhĩ Đa Tư (Ordos) ở Nội Mông và ba lòng chảo ở miền Đông-Bắc.

Việc khai thác khí đốt cho có lợi cần một số điều kiện là trữ lượng tập trung, là tư bản và kỹ thuật, là mạng lưới dẫn khí và... rất nhiều nước.

Lãnh đạo Bắc Kinh có thể nắm một khu dự trữ ngoại tệ dồi dào, nhưng kỹ thuật hiện đại thì chưa có nên cần học hỏi, ăn cắp hoặc... ăn cướp từ các doanh nghiệp quốc tế. Với sức người, sỏi đá cũng thành... hơi. Đúng như vậy, nhất là những con người duy ý chí khi đòi gạn ra khí đốt để đạt chỉ tiêu là 6,5 tỷ thước khối vào năm 2015 rồi 80 tỷ vào năm 2020. So với sản lượng của Mỹ hiện nay là 136 tỷ thước khối một năm thì chưa đáng kể.

Đã thế, người ta chưa thể vắt đất ra nước thay trời làm mưa như khẩu hiệu của Hà Nội năm xưa.

Trung Quốc không có đủ nước cho nhu cầu tiêu dùng và tiêu tưới. Vì vậy Bắc Kinh mới quyết liệt khống chế Tây Tạng và tháp nước Hy Mạ Lạp Sơn. Lấy nước đâu ra cho các dự án khí đốt vĩ đại ngẫu nhiên sao lại tập trung trong vùng phiên trấn của các dị tộc Mông, Hồi, Tạng và nằm giữa những vùng hoang vu, kho cằn và hiểm trở của lãnh thổ?

Kết quả thì Trung Quốc còn mất cả chục năm và gây ra nhiều tai họa môi sinh trước khi trở thành một đại gia đáng kể trên một thị trường sau này đã có mặt Hoa Kỳ.


***


Chúng ta sẽ còn nghe thấy các chính khách Mỹ tranh luận về những nguồn năng lượng sạch, có thể tái tạo, như quang năng, phong năng, hoặc chất cồn cất từ nông sản, v.v.... Và các nhóm bảo vệ môi sinh sẽ còn cản trở nhiều dự án gạn cát lấy dầu khí hoặc lập ống dẫn khí xuyên bang, v.v... Nhưng thực tế kinh tế và kỹ thuật đang làm thay đổi nhiều tính toán về năng lượng trong các thập niên tới. Hoa Kỳ sẽ tiến dần đến ngày tự túc, chẳng những hết lệ thuộc vào cục diện Trung Đông mà có ngày còn xuất cảng năng lượng ra ngoài. 

Nỗi ưu lo thường nhật của thường dân về giá xăng dầu có góp phần tích cực cho sự chuyển hóa này mà đôi khi mình không biết. Đấy là một niềm an ủi!


Thứ Sáu, tháng 3 30, 2012

Khủng và Bố và Cái Hố của Hoa Kỳ


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Ngày 120330

Cuộc chiến lâu dài nhất mà cũng mơ hồ nhất về mục tiêu


 * Đường xa hun hút, bên này là bạn, góc kia là thù... *


Hoa Kỳ đã trải qua một cuộc chiến dài nhất lịch sử quốc gia. Mà vẫn là một cuộc chiến chưa có tên. Lồng trong đó là thảm kịch của thượng sĩ Robert Bales khi anh nổi điên và hạ sát 17 thường dân Afghanistan tại tỉnh Kandahar. Sau vụ thảm sát, đa số dân Mỹ đều thất vọng về cuộc chiến....


Suy từ kinh nghiệm lâm chiến của nước Mỹ trong thế kỷ 20, người ta thường cho rằng Hoa Kỳ khó tham dự trận chiến nào quá bốn năm vì sự thiếu kiên nhẫn của người dân và vì lịch bầu cử tổng thống. Bốn năm một lần, các ứng cử viên có thể khai thác phản ứng của cử tri để lại thay đổi chủ trương, có khi từ chiến sang hòa.... Trong bối cảnh đó ta mới nghĩ đến việc Hoa Kỳ mở ra cuộc chiến Afghanistan – xin viết A Phú Hãn vì cái tên quá dài, in lên cột báo thì dễ lệch!

Đây là cuộc chiến dài nhất lịch sử của Hoa Kỳ.

Một tháng sau vụ khủng bố 9-11, mùng bảy Tháng 10 năm 2001, Hoa Kỳ mở chiến dịch "Tự do Trường cửu" (Operation Enduring Freedom) tại A Phú Hãn bên chín đồng minh trong Minh ước NATO và 35 quốc gia khác. Khi ấy, Tổng thống đương nhiệm George W. Bush gọi đó là "cuộc thập tự chinh, một cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, và sẽ mất khá nhiều thời gian"....

Ông nói thật, mà sai.

Sai từ đầu khi dùng chữ "thập tự chinh", crusade, là cuộc chiến tôn giáo kéo dài nhiều thế kỷ của Âu Châu, với sự ủng hộ của đức Giáo hoàng và Toà thánh La Mã, chống các lực lượng Hồi giáo tại Trung Đông. Biết là sai, sau đó lãnh đạo Hoa Kỳ tránh dùng lại từ ngữ tôn giáo để khỏi khơi dậy tinh thần nghi kỵ và thù hằn của thế giới Hồi giáo. Sai thứ nhì là chữ "cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố" – terrorism – hoặc chủ nghĩa chống khủng bố toàn cầu, global terrorism. Sự sai lầm thứ hai này thì có thể thông cảm được vì Hoa Kỳ và các nước khác... thiếu chữ.

Nhưng ông Bush nói thật khi báo trước sự dai dẳng của cuộc chiến.

Trong lịch sử Hoa Kỳ từ thời lập quốc, đây là một trận địa chiến lâu dài nhất ở cấp quân đoàn - nhiều sư đoàn. Trong Thế chiến I, Hoa Kỳ nhập cuộc rất trễ và tham dự chiến tranh chưa đầy hai năm. Thế chiến II thì kéo dài hơn ba năm. Cuộc chiến Việt Nam mất tám năm, tính từ khi Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng Tháng Ba năm 1965 và triệt thoái với Hiệp định Paris đầu năm 1973. Qua hơn 10 năm của cuộc chiến A Phú Hãn, Hoa Kỳ lại còn có bảy năm chiến tranh tại Iraq - chưa kể nhiều chiến dịch "Tự do Trường cửu" chống lại quân khủng bố Hồi giáo ở các nơi khác, từ Bắc Phi qua Đông Phi và đến tận Phi Luật Tân.....


***


Bây giờ, trở lại cách gọi tên và sự lúng túng của nước Mỹ.

Chính quyền Bush gọi đó là cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, viết tắt ra chống khủng bố. Chính quyền Barack Obama thì tránh chữ khủng bố mà dùng nhiều cách gọi sáng tạo và mơ hồ không kém, thí dụ như "chống hành vi bạo ngược do con người gây ra". Lý do là để khỏi xúc phạm thế giới Hồi giáo và đồng thời nhấn mạnh đến nội dung dời đổi từ quân sự qua pháp lý.

Bỏ qua chuyện ngôn từ thì ai cũng có thể hiểu khủng bố là gì.

Đó là sử dụng bạo lực thực tế hoặc tiềm thế (dọa sẽ dùng) nhằm reo rắc sự sợ hãi để làm thay đổi quan niệm chính trị hoặc tôn giáo của người khác. Mục đích của phương pháp đấu tranh này là giết một người - thường là vô can và thiếu bảo vệ - để làm vạn người hãi sợ, hầu đạt kết quả... rẻ hơn là chiến tranh trực diện. Khủng bố chỉ là một phương pháp chiến tranh bất cân xứng. Còn mục tiêu của quân khủng bố thì mỗi trường hợp lại mỗi khác. Có chính nghĩa hay không thì còn tùy!

Nhưng khi Hoa Kỳ định nghĩa cuộc chiến ở phương pháp của đối thủ thì đấy là vấn đề. Đó cũng là bế tắc  trong cuộc chiến dài nhất lịch sử xứ này.

Bây giờ, hãy nói về mục tiêu: "Chiến dịch A Phú Hãn" nhằm 1) tiêu diệt lực lượng khủng bố đầu não là al-Qaeda, 2) chế độ Taliban đã dung chứa và bảo vệ al-Qaeda, 3) ngăn ngừa ảnh hưởng lan rộng của al-Qaeda trong thế giới Hồi giáo. Vì mục tiêu thứ ba này, Hoa Kỳ ý thức được tính chất lâu dài của cuộc chiến.

Khi mở chiến dịch Iraq, Hoa Kỳ muốn đánh phủ đầu: tiêu diệt nguy cơ sử dụng võ khí tàn sát hàng loạt của chế độ Saddam Hussein vì lầm tưởng họ đã có và sẽ dùng trong các hành động khủng bố sau này. Cuộc tranh luận về sau, khi thấy Saddam Hussein không có loại võ khí ấy, chỉ là sự lật lọng của các chính khách Mỹ, chứ đầu năm 2003, hầu hết mọi người đều tin rằng Saddam có vì đã từng dùng võ khí tàn sát với dân Kurd và hệ phái Shia. Cựu Tổng thống Bill Clinton, người đã từng ra lệnh tấn công Iraq từ trước để duy trì lệnh cấm bay của Liên hiệp quốc, còn úy lạo các chiến binh khi tiến vào Iraq là hãy coi chừng võ khí hóa học.

Thật ra, mục tiêu ngầm mà chính của Mỹ tại Iraq có thể là dằn mặt: hăm dọa các chế độ Hồi giáo chống Mỹ hầu trấn an các chế độ Hồi giáo ôn hòa hay thân Mỹ. Đó là một mục tiêu chiến lược, khá xa rời chuyện khủng bố, mà có khi lại là mục tiêu quan trọng nhất.

Bây giờ, nếu nhớ lại sự chuyển dịch mục tiêu, người ta thấy ra sự thiểu chuẩn bị của lãnh đạo.

Sau tám năm thừa hưởng "cổ tức hoà bình" thời Bill Clinton nhờ Chiến tranh lạnh kết thúc – là tám năm chuẩn bị của al-Qaeda nếu ta nhớ đến cuộc thử nghiệm là tấn công cao ốc World Trade Center năm 1993 – Hoa Kỳ bước vào một cuộc chiến dai dẳng trên nhiều mặt trận mà không có chuẩn bị. Chỉ vì lấy phương pháp khủng bố của đối thủ làm mục tiêu.

Do thiếu chuẩn bị, Hoa Kỳ tham chiến mà không yêu cầu dân chúng hy sinh, như tăng thuế theo khẩu hiệu "tất cả cho tiền tuyến". Ngược lại, Chính quyền Bush còn khuyến kích dân Mỹ tiêu xài - và mắc nợ - vì nhất quyết không để quân khủng bố làm thay đổi lối sống của người dân.

Vì thiếu chuẩn bị, Hoa Kỳ lần lượt khai triển hình thái chiến tranh chống phá hoại, chống du kích, rồi chống nổi dậy. Vừa áp dụng lối đánh của biệt kích vừa đưa quân vào trận địa chiến và trải mỏng lực lượng để chiếm đóng hay bảo vệ hoặc tranh thủ nhân tâm trong một môi trường rất khó xác định bạn và thù: toàn là những người có vẻ thường dân cả!

Vì thiếu chuẩn bị, Hoa Kỳ liên tục dời đổi mục tiêu, ban đầu là tiêu diệt đầu não khủng bố al-Qaeda, lật đổ chế độ Taliban tại A Phú Hãn hay Saddam Hussein và đảng Baath tại Iraq, rồi xây dựng quốc gia hoặc phát huy dân chủ, hoặc tìm thế quân bình chiến lược tại Trung Đông hay Nam Á, v.v.... Mục tiêu nào cũng có thể là chính đáng, nhưng vì liên tục thay đổi qua hai chính quyền Bush và Obama, cuộc chiến coi như không có kết cuộc. Hoặc có thể chấm dứt bất cứ lúc nào.

Xin nhắc lại: với những mục tiêu dời đổi như vậy, bất cứ lúc nào lãnh đạo Mỹ cũng có thể kết luận là đã hoàn tất mục tiêu, chiến thắng và triệt thoái. Các đồng minh có thể bị hụt hẫng, còn đối thủ thì biết là Mỹ sẽ lại rút và họ tiến hành chiến tranh trong giả thuyết đó.

Nhưng những người lính tác chiến ngoài trận tiền, lính Mỹ hoặc đồng minh như Anh, Pháp, nghĩ sao về nhiệm vụ cụ thể của họ trong từng đợt phục vụ? Ít ai quan tâm đến câu hỏi này.



***


Hơn 10 năm qua, Hoa Kỳ làm ngần ấy việc với một đạo quân thiện nguyện - sau khi bãi bỏ chế độ trưng binh từ cuối năm 1972, khi triệt thoái khỏi Việt Nam.

Trong lớp tuổi thanh niên, ai thích làm giàu cho mình hay cho quốc gia thì có học đường và doanh trường, người muốn bảo vệ quốc gia thì có chiến trường, với đồng lương thật ra rất thấp so với các bạn đồng tuổi ở nhà! Hy sinh cả mạng sống lẫn sự ấm êm của gia đình với lợi tức chừng 18 ngàn Mỹ kim một năm cho một binh nhất là một mâu thuẫn của xã hội tư bản này.

Hậu quả là sự tách rời tâm lý giữa "hậu phương" và "tiền tuyến".

Hậu phương ngày nay đang vui sống - hoặc ưu lo về kinh tế hay thất nghiệp - còn tiền tuyến là phần vụ của một đạo quân thiện chiến bị căng mỏng và lâm chiến lâu dài mà chưa thấy ngày về. Việc thượng sĩ Robert Bales nổi điên tàn sát 17 thường dân A Phú Hãn sau ba lần phục vụ đến phát ớn tại chiến trường Iraq rồi lại được gửi qua chiến trường A Phú Hãn là mặt nổi của những mâu thuẫn khó chấp nhận được.

Từ Thế chiến II qua chiến tranh Cao Ly và Việt Nam (là các cuộc chiến cấp quân đoàn) chưa khi nào chiến binh Mỹ lại phải phục vụ lâu dài như vậy ở vùng hỏa tuyến. Với sự vụ lệnh khó chấp hành là chống du kích, chống nổi dậy, huấn luyện bộ máy an ninh hay quân sự của đồng minh, hay bình định qua công tác tâm lý chiến. Tranh thủ ai mà không mất mạng trong trò chơi bịt mắy này?

Trong khi ấy, hậu phương lại là vùng dọa nạt tự do của quân khủng bố, với sức yểm trợ hữu hiệu của... truyền thông! 

Khủng bố là phương pháp đấu tranh nhắm vào tâm lý: tạo ra hãi sợ mù quáng, sự hốt hoảng của những người vô can vô tội. Sự hãi sợ ấy khiến khủng bố sẽ còn tồn tại mà Hoa Kỳ bị lạc quẻ, loạn chiêu vì cách trình bày của truyền thông.

Với phương pháp hiện đại, hệ thống truyền thông có khả năng khuếch đại và gửi sự hãi hùng của khủng bố vào từng gia đình ở hậu phương. Lối phòng ngừa của cơ quan nội an lẫn cách thủ thế của giới chính trị - nhằm chạy tội nếu bị tuột tay - càng gây tâm lý bất an: tuột giầy hay cởi áo trong phi cảng là chuyện thường tình. Họ sống với hiện tượng khủng bố như một sự phiền nhiễu đành phải chịu đựng, rồi thôi.

Nhưng chi tiết ly kỳ về các tay khủng bố lại được phanh phui và nhắc lại liên tục trên truyền hình còn là nguồn cổ võ cho nhiều tay mơ muốn thành đặc công cho đời biết tiếng. Hoặc giết người rồi tự sát với hy vọng sẽ lên Thiên đàng của đạo Hồi. Việc cả nước Pháp rung chuyển, nội các họp khẩn giữa cơn tranh cử vì vụ tay súng Mohamed Merah lạnh lùng giết người là hình thức quảng cáo bất ngờ cho tội ác.

"Khủng bá bất thành" là một thành ngữ có nghĩa là sợ việc không thành.

Lãnh đạo Hoa Kỳ dưới cả hai triều đại Bush và Obama chẳng sợ là việc không thành mà còn tin rằng về dài cuộc chiến trường kỳ vẫn thắng, rằng các chiến dịch quy mô tại Iraq hay A Phú Hãn có góp phần cho chiến thắng đó. Và Hoa Kỳ có thể đương đầu với thách đố trường kỳ.

Thực tế thì cuộc chiến dai dẳng dẫn đến sự mệt mỏi đến phát cuồng của người phơi áo trận và banh ngực quá lâu ngoài chiến tuyến. Trong khi hậu phương đã nhìn qua hướng khác.

Nguy hại hơn cả, cuộc chiến dai dẳng này còn thu hút sự chú ý và tài nguyên của Hoa Kỳ vượt hẳn những thách đố cho nước Mỹ, ở nơi khác. Như sự hung hăng của Trung Quốc, lật lọng của Bắc Hàn, hay tráo trở của Liên bang Nga. Vì cuộc chiến này, Hoa Kỳ đã nhượng bộ Vladimir Putin, Chính quyền Obama còn có thái độ quay quắt với các đồng minh Đông Âu, như Ba Lan và Cộng hoà Tiệp, về lá chắn chiến lược. Và nước Mỹ lãng quên một mối nguy nằm ngay sau lưng là động loạn tại Mexico vì các tổ chức tội ác buôn bán ma túy....

Hoa Kỳ không thể sụp đổ vì nạn khủng bố - xin lỗi vong hồn của hơn 3.000 người vô tội trong vụ 9-11: số nạn nhân chưa bằng 1/10 của số thương vong vì tai nạn xe cộ - nhưng lại bị hại nặng vì cách đối phó. Bi kịch của thượng sĩ Robert Bales là một nhắc nhở. Nó sẽ thúc đẩy Hoa Kỳ triệt thoái trong hoàn cảnh còn bất lợi hơn.

Trong khi căn nguyên của khủng bố Hồi giáo vẫn còn.


Thứ Năm, tháng 3 29, 2012

Tăng Trưởng tại Trung Quốc

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 120328

Bịp và Bợm - Thực và Giả




* Người dân TQ chờ mua vé tại ga xe lửa chính của Bắc Kinh, ảnh chụp trước đây.
AFP PHOTO / Frederic J. BROWN  * 


Quốc hội Trung Quốc trong kỳ 5 của khoá 11 vừa qua đã thông báo ba quyết định kinh tế đáng chú ý là tái quân bình cơ cấu kinh tế, gia tăng tiêu thụ nội địa và hãm đà tăng trưởng ở mức 7,5% một năm trong những năm tới. Nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa của đài Á châu Tự do lại tỏ vẻ hoài nghi khả năng giảm đà tăng trưởng như Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã trình bày và ông giải thích như sau qua cuộc trao đổi do Vũ Hoàng thực hiện.

Chú trọng phẩm chất  


Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, Đại hội Đại biểu Nhân dân, tức là Quốc hội của Trung Quốc, trong 10 ngày họp của kỳ Năm thuộc Khoá 11 đã thông báo một số quyết định về kinh tế rất đáng chú ý trong đó có chỉ tiêu hãm đà tăng trưởng xuống còn có 7,5% một năm trong mấy năm còn lại của Kế hoạch Năm năm thứ 12, từ nay đến 2015. Qua đó, giới quan sát quốc tế cho là lãnh đạo xứ này đã ý thức được yêu cầu điều chỉnh lại đường hướng kinh tế và chú trọng tới phẩm nhiều hơn lượng. Ông nghĩ sao về nhận định ấy?

Tăng trưởng không phải là phát triển, lượng không là phẩm: đà tăng trưởng thiếu phẩm chất của xứ này không là thành tích đáng mừng và lãnh đạo của họ có thấy như vậy.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa tôi cho là đúng như vậy, rằng lãnh đạo Trung Quốc thấy ra nhiều nguy cơ kinh tế, xã hội và chính trị nên cố sửa theo cái hướng mà các định chế quốc tế hay giới nghiên cứu thế giới đã khuyến cáo từ nhiều năm rồi. Tuy nhiên, dù họ cố gắng, vấn đề nên tìm hiểu là liệu họ có thành công hay chăng. Câu hỏi đó cũng rất đáng quan tâm nếu chúng ta nhìn từ Việt Nam. Riêng tôi thì e rằng họ sẽ chẳng thành công, kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng mạnh mà vẫn khó tránh khỏi động loạn.

Vũ Hoàng: Ông vừa nêu ra nhận xét có vẻ mâu thuẫn. Thứ nhất là kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng mạnh hơn dự kiến là 7,5% một năm, thứ hai là vì thế mà nguy cơ động loạn vẫn còn. Chúng tôi xin đề nghị là mình sẽ lần lượt tìm hiểu chuyện đó vì dường như vấn đề nó không nằm ở tốc độ tăng trưởng cao hay thấp mà trong cơ chế kinh tế hay chiến lược phát triển của xứ này.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trước hết, ngược với ấn tượng của nhiều người, Quốc hội Trung Quốc chưa có thực quyền, mọi quyết định vẫn nằm trong hệ thống đảng. Kế hoạch Năm năm thứ 12 do Quốc hội thông báo trong kỳ họp vừa qua ứng vào giai đoạn 2011-2015 và thật ra được Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Kỳ sáu thuộc khoá 17 của đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra từ Tháng 10 năm ngoái. Quốc hội và cả Tổng lý Quốc vụ viện là Thủ tướng Ôn Gia Bảo, người đứng hàng thứ ba trong hệ thống lãnh đạo, chỉ thông báo một nghị quyết của đảng và nhấn mạnh đến chín ưu tiên sẽ cố thực hiện năm 2012, trong đó có vụ giảm đà tăng trưởng tới mức 7,5%.



000_Hkg7053994-250.jpg
Toàn cảnh Đại lễ đường nhân dân trong quá trình bỏ phiếu vào ngày cuối cùng của Quốc hội Trung Quốc ở Bắc Kinh vào ngày 14 tháng 3 năm 2012. AFP PHOTO / Ed Jones.


- Thứ hai, mức tăng trưởng này chỉ là biểu kiến của đảng, chứ từ bao năm qua người ta đều thấy đà tăng trưởng luôn luôn cao hơn chỉ tiêu từ một đến ba phần trăm. Tức là dù duy trì chế độ độc đảng, thật ra lãnh đạo tại trung ương không kiểm soát và quyết định được tất cả.

- Sau cùng, cũng phải nhắc lại rằng tăng trưởng không phải là phát triển, lượng không là phẩm: đà tăng trưởng thiếu phẩm chất của xứ này không là thành tích đáng mừng và lãnh đạo của họ có thấy như vậy. Chúng ta cũng cần thấy như vậy khi nhớ đến hoàn cảnh của Việt Nam.

Vũ Hoàng: Như vậy, xin đề nghị với ông là ta tìm hiểu căn nguyên sâu xa của kinh tế và chính trị Trung Quốc, nghĩa là đi lại từ cơ bản.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Đầu tiên, ta trở về chiến lược kinh tế xứ này từ thời Đặng Tiểu Bình cải cách hơn 30 năm trước. Lãnh đạo Trung Quốc chỉ áp dụng chiến lược của các nước Đông Á như Nhật Bản rồi Đại Hàn, Đài Loan và các nước Đông Nam Á sau này. Đó là thu hút mức tiết kiệm rất cao của dân để đầu tư thật mạnh hầu tạo ra công ăn việc làm mà không lý tới hiệu năng của đầu tư. Kết quả là đạt mức tăng trưởng rất cao và được thế giới gọi là phép lạ. Nhưng càng tăng trưởng thì càng đào sâu nhiều thất quân bình và sẽ khủng hoảng.

- Nhật bị khủng hoảng năm 1990, các nước Đông Á khác thì bị vào năm 1997-1998. Giới đầu tư quốc tế có thể trục lợi trong chiến lược tăng trưởng đó và ngợi ca sự kỳ diệu của Trung Quốc, như đã từng ngợi ca các nước Đông Á trước đó. Lãnh đạo Bắc Kinh và Hà Nội cũng dựa vào đấy mà tuyên truyền về sự sáng suốt của đảng. Nhưng ta nên lạnh lùng bình tĩnh nhìn vào sự thật.

Chấp nhận tăng trưởng thấp


Vũ Hoàng: Ông nói đến nhiều thất quân bình có thể đưa tới khủng hoảng. Thưa ông, đâu là cơ sở của những lý luận này? Và liệu lãnh đạo Bắc Kinh có biết hay không?

Họ muốn tập trung quyền lực về trung ương, chấp nhận đà tăng trưởng thấp hơn và phần nào tái phân lợi tức cho các địa phương hay thành phần bần cùng trong xã hội.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Ta nhớ lãnh đạo thuộc thế hệ thứ ba là Giang Trạch Dân, Lý Bằng và Chu Dung Cơ có thấy sự mất cân đối giữa các địa phương và muốn san xẻ tiềm lực phát triển cho các tỉnh bị khoá trong lục địa ở miền Tây mà không thành. Lên lãnh đạo từ đầu năm 2003, thế hệ thứ tư là Hồ Cẩm Đào, Ngô Bang Quốc và Ôn Gia Bảo cũng ý thức được là lối tăng trưởng bề mặt nhờ các tỉnh duyên hải hội nhập vào kinh tế thế giới để xuất khẩu bằng mọi giá lại hàm chứa nhiều mầm bất công nguy hiểm bên trong. Họ muốn tập trung quyền lực về trung ương, chấp nhận đà tăng trưởng thấp hơn và phần nào tái phân lợi tức cho các địa phương hay thành phần bần cùng trong xã hội trong một nỗ lực cải cách sâu rộng. Mà họ thất bại.

Vũ Hoàng: Theo như ông trình bày thì việc cải cách theo phẩm hơn lượng được nói tới ngày nay thật ra đã có lúc là nỗ lực của lãnh đạo Trung Quốc mà rốt cuộc thì họ thất bại. Vì sao như vậy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chúng ta nên lùi về một chút để nhìn thấy cái tôi gọi là "điểm lật" là vào năm 2008.

- Sau cả chục năm tăng trưởng mạnh, nhất là từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2001, kinh tế Trung Quốc bị hiện tượng nóng máy, bất công xã hội gia tăng, môi sinh bị hủy hoại. Lãnh đạo tại Bắc Kinh có thấy nguy cơ động loạn xuất phát từ chiến lược vét tiền tiết kiệm rất cao của người dân để ào ạt đầu tư mà thiếu phẩm chất, an toàn và cân đối.

- Năm 2007, như ngày nay, tranh luận xảy ra trên thượng tầng và yêu cầu phẩm hơn lượng có lúc được đề ra, phản ảnh qua chủ trương gọi là "xã hội hài hòa" của ông Hồ Cẩm Đào trong Đại hội khoá 17. Nhưng năm 2008 thì thế giới lại gặp nạn Tổng suy trầm và kinh tế xứ này bị hiệu ứng bất lợi vì vẫn quá lệ thuộc vào xuất khẩu. Tháng 11 năm 2008, Bắc Kinh quyết định tăng chi một ngân khoản tương đương với gần 600 tỷ Mỹ kim. Khi đà tăng trưởng của quý một năm 2009 sụt từ 6,8 xuống 6,1%, họ ào ạt bơm ra lượng tín dụng khổng lồ để kích thích kinh tế. Thành thử họ đẩy lui yêu cầu hạ nhiệt để cải thiện cơ chế kinh tế cho quân bình và bền vững.


000_Hkg1383134-250.jpg
Người dân Trung Quốc mua rau tại một siêu thị ở Bắc Kinh, ảnh chụp trước đây. AFP PHOTO.  



- Nhưng ngược lại, việc kích thích kinh tế qua hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước từ trung ương đến các địa phương qua một lượng tiền tương đương với 40% Tổng sản lượng GDP đã dẫn tới ba tai họa. Thứ nhất là lạm phát, thứ hai là bong bóng đầu cơ và thứ ba là sản xuất dư thừa để chất đống. Đó là tình trạng ngày nay khi chính quyền phải kềm hãm tín dụng, hạn chế đà tăng giá bất động sản và đang sợ là nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản, các ngân hàng sụp đổ dưới một núi nợ xấu, trong khi ấy, những rủi ro xã hội chỉ tăng chứ không giảm.

Vũ Hoàng:
Thưa ông, vì vậy mà đảng và nhà nước Trung Quốc mới đề ra những đường hướng gọi là cải cách trong thời gian tới. Theo như ông tìm hiểu thì những đường hướng ấy là gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trước khi nói đến đường hướng cải cách đang được lãnh đạo Bắc Kinh đề ra, tôi lại xin nhắc đến bối cảnh chung để ta nhìn ra nỗi lo của họ.

- Vì tâm lý bất an và kinh nghiệm loạn lạc nằm trong tiềm thức, dân Á châu nói chung có sức tiết kiệm rất cao, mà có lẽ cao nhất là một xứ bị loạn nhiều nhất trong cả trăm năm, là Trung Quốc. Mức tiết kiệm đến 40% lợi tức được trút vào ngân hàng với lãi suất thật ra là số âm nếu so với lạm phát. Lãnh đạo xứ này huy động nguồn vốn từ đó và đầu tư rất mạnh để đạt tốc độ tăng trưởng cao theo cái kiểu tôi cứ ví von là uống thuốc bổ để đạp xe cho mạnh vì nếu không, xe đạp sẽ đổ. Năm 2009 thì còm bơm thêm thuốc bổ tới kỷ lục và đấy là liều thuốc đổ bệnh như tại Việt Nam.

- Khi sản xuất ồ ạt như vậy cho một thị trường nội địa thật ra còn nghèo, Trung Quốc phải xuất khẩu, tức là vẫn theo chiến lược Đông Á cố hữu thời xưa. Nhưng thu nhập về ngoại tệ lại do nhà nước độc quyền quản lý với tỷ giá thấp vì cần xuất khẩu cho rẻ. Kết quả là lãnh đạo có một dự trữ ngoại tệ rất cao để có thể hù doạ thế giới, nhưng người dân lại không được hưởng kết quả lao động. Mà hậu quả của tiến trình đầu tư và xuất khẩu ồ ạt lại dẫn tới lạm phát, sản xuất thừa, bong bóng đầu cơ, nạn chiếm đất mà không bồi thường thoả đáng, v.v...

- Trong khi ấy, người dân lại phẫn nộ vì bất công chồng chất, tham nhũng tràn lan. Nghiêm trọng nhất về kinh tế là hiệu năng và mức lời của đầu tư thật ra rất thấp nên nhiều doanh nghiệp bị mấp mé nguy cơ phá sản. Khi toàn cầu bị suy trầm, ba thị trường xuất khẩu cố hữu là Âu-Mỹ-Nhật đều giảm sút, là tình trạng ngày nay, lãnh đạo phải quyết định điều chỉnh.

Nâng mức tiêu thụ nội địa


Vũ Hoàng: Hồi nãy, ông có nói đến chín ưu tiên trong Kế hoạch Năm năm thứ 12 của Trung Quốc, có phải đó là đường hướng điều chỉnh hay không?

Đảm bảo một đà tăng trưởng ổn định và bền vững hơn, với trọng tâm nhắm vào lợi tức người dân để nâng mức tiêu thụ nội địa còn quá thấp.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Đường hướng này là đảm bảo một đà tăng trưởng ổn định và bền vững hơn, với trọng tâm nhắm vào lợi tức người dân để nâng mức tiêu thụ nội địa còn quá thấp, hiện mới chỉ ở khoảng 35% Tổng sản lượng GDP. Cụ thể thì có ưu tiên là tạo thêm chín triệu việc làm, mở rộng mạng lưới an sinh xã hội như y tế giáo dục, xây dựng nhà rẻ tiền cho dân nghèo và giúp đỡ người dân nông thôn. Chỉ vì nguy cơ động loạn xã hội đang lan rộng, những hướng ấy thật ra là đúng đắn và cần thiết, nhưng khó thực hiện về thực tế.

- Trong khi đó, dư luận chỉ để ý tới con số 7,5% là chỉ tiêu tăng trưởng của mấy năm tới so với chỉ tiêu 8% của tám năm qua. Tôi nghĩ rằng đấy cũng là ấn tượng mà Bắc Kinh muốn phóng ra ngoài và quả nhiên là các thị trường quốc tế đều giật mình e rằng nếu kinh tế xứ này giảm đà sản xuất thì cả thế giới cũng gặp bất lợi, nhất là các nước bán nguyên nhiên vật liệu cho Trung Quốc.

Vũ Hoàng: Bây giờ ta đi đến phần cuối, vì sao ông cho rằng Bắc Kinh khó đạt chỉ tiêu 7,5%?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thứ nhất, lãnh đạo Trung Quốc biết là đà tăng trưởng sẽ giảm vì xuất khẩu không tăng - mà tháng Hai vừa qua, kinh tế xứ này lại bị nhập siêu, tức là nhập nhiều hơn xuất, là điều chưa từng xảy ra từ 22 năm qua. Thứ hai, đà tăng trưởng sẽ giảm vì đầu tư theo kiểu duy ý chí và tốn kém dẫn tới nạn sản xuất thừa và chưa biết làm sao giải tỏa một lượng tồn kho quá lớn hoặc giải quyết nạn thành phố ma dựng lên mà chẳng có ai ở. Thứ ba, đà tăng trưởng còn giảm vì tiêu thụ nội địa chưa thể tăng lập tức trong vài năm tới. Vì vậy, họ làm như lãnh đạo có viễn kiến nên quyết định hãm đà tăng trưởng và chỉ thị các địa phương là hạ chỉ tiêu sản xuất. Bây giờ ta đi vào thực tế.

- Các đảng bộ địa phương đều có nhu cầu tăng sản xuất vì tạo ra việc làm cho cư dân, nếu không thì họ gặp loạn và điều ấy cản trở việc thăng quan tiến chức, nhất là năm nay có Đại hội đảng và 370 ghế Trung ương Ủy viên và Dự khuyết sẽ được bầu lại. Họ càng muốn tiếp tục đẩy mạnh sản xuất vì việc ấy có lợi cho bản thân cùng tay chân thân tộc qua số thu về thuế khóa cho ngân sách địa phương và đặc lợi tài chính cho cá nhân khi phê duyệt các dự án.

- Trong khi ấy, từ trên chí dưới đều biết nếu cỗ xe đạp kinh tế không lăn bánh quá cái mức sinh tử là 8% một năm thì nó sẽ đổ vì động loạn! Vì vậy lại tiếp tục tăng trưởng mạnh, theo lối thiếu cân đối, bất công và không bền. Đấy là nghịch lý của mô hình kinh tế chính trị xứ này.

Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối thưa ông, nếu gác qua một bên cái chỉ tiêu 7-8% này thì có cách nào ta kiểm chứng được sự thành công hay thất bại của nỗ lực chuyển hướng mà lãnh đạo Bắc Kinh đã đề ra hay chăng?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi chú ý đến một yếu tố khả dĩ phản ảnh ý chí và khả năng cải tổ của họ, đấy là tỷ giá đồng Nguyên mà họ cứ gọi là Nhân dân tệ. Khi duy trì tỷ giá thấp để cạnh tranh về ngoại thương, họ không cho người dân được hưởng và khó nâng mức tiêu thụ nội địa. Thế rồi năm ngoái, lần đầu tiên mà Bắc Kinh cho phát hành trái phiếu bằng đồng Nguyên trên thị trường Hong Kong. Thí nghiệm ấy có nghĩa là ai buôn bán với Trung Quốc có thể lưu giữ tài sản dưới dạng đồng bạc Trung Quốc, tương tự như dưới dạng Mỹ kim, Euro hay đồng Yen Nhật. Nhưng thiên hạ chỉ đổi ra tiền Tầu nếu đồng bạc này phản ảnh giá trị thật của nó và nếu người ta có quyền tự do đầu tư trên thị trường tài chính Trung Quốc.

- Nôm na là nếu Bắc Kinh giải tỏa chế độ kiểm soát ngoại hối và đầu tư tài chính. Đấy mới là cách thiết thực cải tổ cơ chế kinh tế cho quân bình và thông thoáng, hơn là đề ra những chỉ tiêu biểu kiến mà thực chất là vô giá trị. Xuyên qua tranh chấp gay gắt và mờ ám về quyền lực và quyền lợi nhân Đại hội 18, ta cũng nên theo dõi chuyện rất chuyên môn là cách định giá và trao đổi đồng Nguyên.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.

____ 


Ngoài lý do nghề nghiệp, tác giả yết lại bài này vì loại chuyên gia Mỹ có dụng ý - như Stephen Roach lạc loài của tập đoàn Morgan Stanley - mà nhiều bà con trong nước tưởng là ghê gớm. Tội thay một đám thầy mo! NXN

Thứ Ba, tháng 3 27, 2012

Giải Vây Miến Điện

Nguyễn Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 120326
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Hoa Kỳ hay dân Miến Điện đang thực hiện việc đó?


   * Nhìn lại vị trí của Miến Điện trên tấm bản đồ *


Có hai quốc gia Đông Nam Á mà mối quan hệ với Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến cục diện lâu dài của toàn khu vực Đông Á. Đó là Việt Nam và Miến Điện....

Việt Nam hiện vẫn giữ thế "môi hở răng lạnh" với Trung Quốc, cho Bắc Kinh. Còn Miến Điện thì lặng lẽ tự giải phóng khỏi sức hút của Trung Quốc và đang ra khỏi vòng phong toả của Hoa Kỳ. Chiều hướng ấy hiển nhiên có lợi cho người dân ở bên trong, nhưng cũng đảo lộn cái trật tự u ám của khu vực Đông Nam Á - dưới bóng rợp của Trung Quốc. Hoa Kỳ có góp phần cho sự chuyển hướng đó. Nhưng chỉ góp phần mà thôi vì động lực chính vẫn xuất phát từ dân Miến.

Bài này sẽ tìm hiểu về vai trò mà người viết nhấn mạnh là "góp phần". Nhìn từ Hoa Kỳ thì Mỹ có góp phần, nhưng nhìn từ Miến Điện thì phần chính của sự chuyển hóa này là từ dân Miến...


***


Nhìn trong viễn cảnh dài, quan hệ giữa Miến Điện với Trung Quốc và với Hoa Kỳ đã là hai vòng xoáy.... ngược.

Lãnh đạo Miến đã cải thiện quan hệ với Bắc Kinh từ hơn 30 năm trước, chính thức là từ 1988, sau khi Đặng Tiểu Bình chấm dứt yểm trợ các tổ chức phiến loạn thân Trung Quốc, thậm chí theo chủ nghĩa cực đoan của Mao Trạch Đông, các nhóm "Mao-ít" hay Maoist. Ngược lại, cũng từ 1988, Hoa Kỳ đã trừng phạt Miến Điện về tội độc tài, đàn áp tôn giáo, và hạ tầm ngoại giao từ vị trí đại sứ xuống xử lý hai đại biện.

Thật ra, Miến Điện bị nạn độc tài từ nửa thế kỷ, từ năm 1962, và lụn bại dần dưới sự cai trị của các tướng lãnh. Nhưng, Bắc Kinh chẳng mấy phiền hà về chuyện đó như Hoa Kỳ. Và Mỹ rút tới đâu thì Thiên triều đỏ lấn tới đó, để xây dựng hệ thống độc tài bản xứ của mình, cho mình. Những gì xảy ra tại Hà Nội ngày nay có thể phải được nhìn thấy từ trước tại Miến Điện.

Quả nhiên là trong ba chục năm, Miến Điện trôi vào quỹ đạo "xã hội chủ nghĩa" dưới chế độ độc tài quân phiệt làm xứ sở lụn bại tới cùng cực. Sau khi thử nghiệm giải pháp dân chủ hình thức với cuộc bầu cử năm 1990 và bị đại bại, các lãnh tụ thủ tiêu kết quả bầu cử và giam giữ đối lập. Nổi tiếng nhất trong các khuôn mặt đối lập này là bà Aung San Suy Kyi.

Mọi sự thật ra bắt đầu chuyển động từ năm 2009 với vai trò ít ai nói tới của Nghị sĩ Jim Webb. Ông là con cá dò mìn, bơi vào vùng nước đầy thủy lôi có thể nổ từ hai bờ tả hữu....

Là Chủ tịch Tiểu ban Đông Á Thái bình dương trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Jim Webb đề xướng sáng kiến giao kết - đối thoại và hợp tác - với các quốc gia Đông Nam Á như một chiến lược ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực này. Tháng Tám năm đó, ông thăm viếng năm nước Đông Nam Á trong hai tuần, kể cả Việt Nam và Miến Điện.

Tại Miến Điện, hôm 14 Tháng Tám năm đó, Nghị sĩ Jim Webb gặp lãnh tụ quân phiệt là Tướng Than Swee lẫn bà Aung San Suu Kyi khi ấy còn bị quản thúc. Chuyến thăm viếng này xảy ra đúng ba tháng sau khi bà bị các tướng bắt tại nhà và đưa vào tù!

Với kinh nghiệm lâu dài về Á Châu, ông Webb đề nghị Hoa Kỳ gỡ bỏ dần lệnh cấm vận để cải thiện quan hệ với Miến Điện tùy mức độ chuyển hóa của chế độ. Ông thực tế vào tận nơi mở đường cho việc nhìn Hoa Kỳ lại cục diện Đông Nam Á trong bối cảnh Đông Á.

Sau đó mới có vụ Ngoại trưởng Hoa Kỳ (Hillary Clinton) chính thức thăm Miến Điện vào cuối năm 2011 - lần đầu tiên kể từ năm 1955. Bà hội kiến Tổng thống Then Sein tại thủ đô Naypyidaw rồi Aung San Suu Kyi tại (cố đô) Yangon hay Rangoon - xưa ta dịch là Ngưỡng Quang. Sau đó mới là việc Ngoại trưởng Mỹ xông thẳng vào hồ sơ Mekong, gặp riêng Bộ trưởng Ngoại giao của các nước dưới hạ nguồn con sông đã bị Trung Quốc khống chế trên thượng nguồn: Thái Lan, Việt, Miên, Lào và Miến Điện.

Rồi từ đầu năm nay, Hoa Kỳ nâng cấp bộ ngoại giao giữa hai nước lên hàng Đại sứ trong khi dân Miến chuẩn bị đi bầu.... Chi tiết lý thú và ý nghĩa là Đại sứ quán Hoa Kỳ vẫn nằm tại Rangoon, chứ không ở thủ đô giữa rừng của chế độ là Naypyidaw.


***


Miến Điện đã từng là cường quốc Đông Nam Á và thuộc loại trù phú nhất. Hơn hẳn Việt Nam rất xa – xin lỗi bà con! - mà cũng từng là quốc gia bán gạo nhiều nhất thế giới, trước Thái Lan và Việt Nam.  

Trên một lãnh thổ rộng gấp đôi Việt Nam, với dân số hiện chỉ có 60 triệu, xứ này là một kho tài nguyên gồm có dầu, khí, than, thiếc, đồng, uranium, ngọc, gỗ quý, và cả mạng lưới thủy điện dồi dào nhờ địa dư đầy núi rừng và thác nước.... Nhưng địa dư xứ này cũng đẩy dân Miến, chả mấy khác dân Việt, vào giữa hai đại cường và hai nền văn hoá Ấn Độ và Trung Hoa.

Tiếp giáp với cả Ấn Độ ở hướng Tây-Bắc và Trung Quốc ở hướng Đông-Bắc, lãnh thổ Miến nằm trên Vịnh Bengal nối liền Ấn Độ dương với Thái bình dương, qua eo biển Malacca sinh tử cho kinh tế Á Châu.

Khi lui về chế độ độc tài, Miến Điện trôi vào quỹ đạo Trung Quốc và bị bần cùng hóa với tốc độ chóng mặt. Từ một quốc gia thịnh vượng, nay Miến Điện có hệ thống y tế đứng hạng chót thế giới. Khi ra khỏi chế độ độc tài - trong một tiến trình còn bất trắc và tùy thuộc dân trí lẫn dân khí -  Miến Điện sẽ tự giải phóng khỏi bóng rợp u ám của Trung Quốc.

Hết là một nơi bị Thiên triều đỏ mặc tình bóc lột nhờ cấu kết với lãnh đạo độc tài, xứ này sẽ trở thành một trung tâm kinh tế nối liền tiểu lục địa Nam Á (Ấn Độ) với các nước Đông Nam Á bên Thái bình dương và nối liền các tỉnh Trung Quốc bị khóa trong lục địa, thí dụ như Vân Nam, với biển nóng ở bên dưới. Miến Điện sẽ không là... "tiền đồn của thế giới tự do" vây quanh Trung Quốc: bài học đáng nhớ cho nhiều xứ Đông Nam Á - lại xin lỗi bà con!

Nhưng là trung tâm giao tiếp với thế giới, nhất là với Ấn Độ.

Do di sản của Đế quốc Anh, dân Ấn tại Miến đã từng giữ vai trò trọng yếu về kinh doanh, tương tự như thành phần Hoa kiều tại nhiều xứ khác. Do vị trí địa dư, Ấn Độ và cả Bangladesh đều có lợi khi hợp tác với Miến Điện. Và mối lợi đó cũng phù hợp với quyền lợi và an ninh của Hoa Kỳ.


***


Hoa Kỳ đã từng lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm vì những tội danh có thể làm... Hà Nội đỏ mặt  - vì độc tài chưa tới, ngay giữa thời chiến! Hoa Kỳ cũng từng bang giao rồi yểm trợ chế độ độc tài và tuyệt đối tham nhũng tại Hà Nội ngay trong thời bình. Ngoài mối lợi dù sao còn nhỏ nhoi cho doanh nghiệp Mỹ, đối sách đầy thông cảm - tới lợm giọng - của Mỹ vẫn không đạt kết quả là góp phần xây dựng một nước Việt Nam ổn định và độc lập trước đà bành trướng của Trung Quốc.

Cũng chính mối nguy bành trướng đó, từ sau Chiến tranh Cao Ly cho tới Điện Biên Phủ 1954, khiến Mỹ thục mạng nhảy vào Việt Nam mà... chẳng hiểu gì cả. Sau đó là lịch sử bi thảm, khi Hoa Kỳ nghĩ lại, giao kết với Trung Quốc từ 1972 và tiền đồn thế giới tự do trôi xuống biển....

Bây giờ, 40 năm sau, Hoa Kỳ lại nghĩ lại nữa! Là chuyện ngày nay.

Lãnh đạo Miến Điện – bên trong chế độ và bên ngoài xã hội – không thể không thấy những điều này, từ phía Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ. Họ dám chọn lựa và đang thử nghiệm giải pháp có vẻ rủi ro là dân chủ. Sự chọn lựa đó đang chuyển dịch cả cục diện kinh tế và chiến lược trong khu vực trải rộng từ Ấn Độ dương qua Thái bình dương. Ngần ấy quốc gia liên hệ - chứ không riêng Hoa Kỳ - cũng đều theo dõi và có khi ngầm tác động vào sự chọn lựa này. 


Khi theo dõi số phận của nhiều hợp đồng ký kết giữa Miến Điện với Bắc Kinh, ta có thể thấy ra điều ấy. Cũng như khi tìm hiểu về dự án dẫn khí đốt nối liền Calcutta ở tiểu bang Tây Bengal của Ấn qua Chittagong của Bangladesh và Rangoon của Miến (xin ngó vào tấm bản đồ), ta đoán ra triển vọng hợp tác lâu dài của Miến Điện với các lân bang khác, thay vì chỉ là một chư hầu hay vùng phiên trấn của Bắc Kinh.

Vì vậy, vấn đề không chỉ là vai trò của bà Aung San Suu Kyi hay những tính toán của Hoa Kỳ. Người dân Miến Điện, kể cả hệ thống quân đội xứ này, đang chọn lấy một định mệnh khác – mà không sợ.

Hà Nội nghĩ sao?....

Thứ Sáu, tháng 3 23, 2012

Mông Mãn Hồi Tạng - Tứ Trụ Lung Lay

Nguyễn-Xuân Nghĩa- Việt Tribune Ngày 120322

Trung Quốc và các "Dị Tộc" trong vùng trái độn


    * Chúng em vào Đại hội, vui đáo để... *


Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới mà nỗi sợ hãi ngàn năm có thể được thấy từ... mặt trăng.


Đó là Vạn Lý Trường Thành, do nhiều đời xây dựng từ thời Chiến Quốc đến nhà Đại Minh - trải dài trên hai chục thế kỷ. Trung Quốc cũng là một xứ mà việc phòng thủ đã trở thành bản năng, xuất phát từ địa dư, văn hóa lẫn lịch sử.

Trên một quốc gia bát ngát tới 10 triệu cây số vuông, đa số diện tích lại là vùng trái độn quân sự vây quanh khu vực tương đối trù phú là các tỉnh duyên hải miền Đông. Theo chiều kim đồng hồ từ dưới lên thì đó là Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông và phân nửa đất Mãn Châu ngày xưa, nay là ba tỉnh Đông Bắc có tên là Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh.

Nếu chú ý đến tin tức kinh tế hay lương thực, chuyện chiến lược của xứ này, ta có thể nhắc đến nạn hạn hán khiến sản lượng nông phẩm của Hắc Long Giang bị hại nặng từ đầu năm. Nếu chú ý đến tin ngoại giao quốc tế, người ta để ý đến sự chuyển mình của Miến Điện để ra khỏi bóng rợp u ám của Trung Quốc và hội nhập với thế giới bên ngoài. Nếu chú ý đến an ninh hay tâm linh, việc chư tăng Tây Tạng tự thiêu để phản đối ách cai trị hà khắc và thực tế là tội diệt chủng lẫn thủ tiêu văn hoá cũng là biến cố ta cần tìm hiểu....

Nếu lùi lại mà nhìn trên toàn cảnh, người ta còn thấy rằng có cái gì đó đang làm Trung Quốc rung chuyển từ bên trong, mà không chỉ là nguy cơ suy trầm kinh tế hoặc bể bóng địa ốc.....

Bài này sẽ nói về những chỉ dấu tiên báo của một cơn địa chấn ngay trong vùng trái độn quân sự truyền thống của Trung Quốc.


***


Cái chữ "đồn điền" như ta dùng ngày nay xuất phát từ Trung Quốc, từ bản năng phòng thủ khi quân đội được phái đi trấn giữ các vùng biên vực xa xôi - mà Thiên triều gọi là "phiên trấn", đất của ngoại bang mà mình chiếm đóng: binh lính phải tự canh tác để nuôi hệ thống đồn binh trải rộng ở vòng ngoại vi khô cằn và hiểm trở. Lý do là bọn tứ di đáng khinh trong nền văn hoá duy chủng của tộc Hán đã từ bên ngoài tấn công và còn vào làm chủ Hán tộc trong nhiều đợt, qua nhiều thế kỷ.... Các Thuyền Vu hay Đại Hãn của dị tộc man rợ đã đem Công chúa Trung Hoa về làm tì thiếp, hoặc Hốt Tất Liệt, Hoàng Thái Cực hay Khang Hy, Càn Long đã lên ngôi Hoàng Đế ngay tại Trung Nguyên!

Ai lên lãnh đạo Trung Quốc cũng phải trước hết làm chủ khu vực Trung Nguyên tương đối trù phú, rồi khống chế được miền Tây hoang vu nghèo đói và kiểm soát được vùng biên vực để tránh ngoại xâm. Từ Tần Thủy Hoàng Đế đến Hán Vũ Đế hay Mao Trạch Đông, mối lo sinh tử của lãnh đạo xứ này đều dẫn đến việc bành trướng ảnh hưởng và kiểm soát được vùng trái độn quân sự ở vòng ngoài.

Vì vậy, sau khi vét đoàn dân đói rách từ miền Tây về làm chủ Trung Nguyên trong cuộc Vạn lý Trường chinh, Mao lập tức khống chế Tân Cương năm 1949, và tấn công Tây Tạng năm 1950. Việc thôn tính Tây Tạng đã hoàn tất vào Tháng Ba năm 1959, khiến vị lãnh đạo Tây Tạng là đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 phải lưu vong qua Ấn Độ....

Sáu mươi năm sau, là ngày nay, chế độ Cộng sản Trung Quốc đang thấy đất trời rung chuyển không chỉ vì nguy cơ kinh tế hay động loạn xã hội bên trong mà còn vì những chuyển dịch âm thầm mà dữ dội của vùng trái độn ở chung quanh.


***


Tháng 11 năm ngoái, mới gần đây thôi, đức Đạt Lai Lạt Ma bất ngờ thăm viếng nước Cộng hoà Mông Cổ trong bốn ngày. Chính thức là để thuyết pháp cho dân Mông Cổ, sắc dân chịu ảnh hưởng rất sâu và rất cao của Phật giáo Tây Tạng - mà họ gọi là Lạt Ma giáo. Đây là lần thứ tư mà vị lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng đặt chân vào xứ Mông Cổ, lần cuối là vào năm 2006.

Nhìn từ Bắc Kinh thì đấy là một... âm mưu mờ ám!

Vì Cộng hoà Mông Cổ nay là quốc gia dân chủ, thực sự, và trở thành một nguồn cám dỗ cho công dân Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc gốc Mông Cổ trong khu vực tự trị của họ, ở khu vực Nội Mông, có diện tích là hơn triệu cây số vuông! Tin đồn rằng hóa thân sau này của đức Đạt Lai Lạt Ma có thể là một người Tây Tạng hay Mông Cổ dĩ nhiên là làm Thiên triều đỏ thấy xanh mặt! Việc Cộng hoà Mông Cổ tăng cường hợp tác với Nhật Bản và Hoa Kỳ để khai thác tài nguyên khoáng sản trong lãnh thổ rộng lớn này càng làm Thiên triều mất ngủ.

Cái chuyện xa xôi ấy bỗng lại xảy ra cùng sự chuyển hóa của Miến Điện, xứ Myanmar trong thời sự quốc tế. Người dân Miến Điện đang tự giải phóng khỏi hai tai ách nội ngoại. Bên trong là chế độ độc tài quân phiệt và bên ngoài là sự lệ thuộc vào Trung Quốc.

Miến Điện là quốc gia rộng lớn với diện tích gấp đôi Việt Nam, nằm trong khu vực chiến lược cho an ninh Trung Quốc vì tiếp cận với Ấn Độ dương và Thái bình dương, và là cửa thông thương của các tỉnh bị khóa trong lục địa như Vân Nam Quý Châu ra tới biển nóng ở bên ngoài.

Nhưng, y như Tây Tạng, Miến Điện có những liên hệ lịch sử, văn hoá và cả sắc tộc quá gần với... Ấn Độ và xưa kia nằm trong hệ thống cai trị của Đế quốc Anh, trải rộng từ rặng Indu Kush qua đến Vịnh Xiêm La. Ra khỏi chế độ độc tài quân phiệt – và sức hút của Bắc Kinh – Miến Điện sẽ có một tương lai kinh tế trù phú hơn, y như trong quá khứ, khi giao kết với thế giới văn minh bên ngoài.

Lãnh đạo Bắc Kinh phải triệt để kiểm soát Tây Tạng vì lý do nội tại của mình lẫn nỗi lo truyền thống trong tiềm thức.

Bên dãy Hy Mã Lạp Sơn cao như đỉnh trời, Cao nguyên Tây Tạng là nơi phát tích những con sông lớn nhất Á Châu và cung cấp một lượng nước tới gần một phần ba cho Trung Quốc, một xứ mà diện tích canh tác chỉ bằng một phần ba trung bình của thế giới. Khi khống chế Tây Tạng, Bắc Kinh kiểm soát được nguồn nước cho mình, từ Dương tử lên Hoàng Hà, và cho các nước vây quanh, quan trọng nhất là sông Mekong.... Cao nguyên Tây Tạng là tháp nước vĩ đại nhất Á châu với trữ lượng khoảng 400 tỷ thước khối. Thiếu nước là Thiên triều chết cạn.

Tây Tạng thật ra có diện tích bằng cả khu vực Tây Âu và có nhiều tài nguyên khoáng sản chưa khai thác. Với cái nhìn thiển cận và vô trách nhiệm, Bắc Kinh còn dùng nơi này làm chỗ lưu giữ phế vật của kỹ nghệ hạch tâm, thành một đống rác nguyên tử. Đó là chuyện bên trong.

Với bên ngoài, Tây Tạng lại giáp giới với Ấn Độ, một xứ cừu thù lâu năm của Thiên triều đỏ. Việc Ấn Độ tiếp tục yểm trợ chính quyền lưu vong của dân Tây Tạng, nay còn mở rộng quan hệ với các nước Thái bình dương, từ Nhật Bản, Úc tới Hoa Kỳ, khiến Bắc Kinh thấy mình như bị bao vây! Nỗ lực "Nam tiến" qua các dự án chiến lược với Pakistan và Miến Điện càng khiến Ấn Độ tăng cường hợp tác với các quốc gia bán đảo hay hải đảo vây quanh Trung Quốc. Khi Miến Điện chuyển hướng, Ấn Độ sẽ tích cực yểm trợ và càng làm Thiên triều mất ngủ.

Trong khi ấy, Tân Cương vẫn chưa êm! Sắc dân Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo – "Rợ Đột Quyết" trong lịch sử Trung Quốc - vẫn đòi quyền độc lập và càng bị đàn áp họ càng thiên về giải pháp khủng bố, với sức yểm trợ đáng ngại của các lực lượng Hồi giáo quá khích.

Đã thế, Hoa Kỳ bỗng dưng lại quan tâm đến lưu vực sông Mekong, và yểm trợ các nước dưới hạ nguồn, từ Miến Điện, Thái Lan đến ba nước Việt, Mên Lào...

Một cách rất khách quan, Trung Quốc là trái bom nổ chậm về môi sinh với việc khống chế tháp nước Tây Tạng, xây dựng đập Tam Hiệp, điều tiết nguồn nước từ sông Dương tử lên Hoàng hà và gieo họa lũ lụt hay hạn hán cho 60 triệu dân dưới hạ nguồn Mekong.

Nhưng ngoài khía cạnh môi sinh khiến người ta cần chú ý đến Tây Tạng hay Miến Điện, an ninh mới là mối quan tâm đáng kể cho mọi quốc gia....


***


Quốc gia nào cũng có thể có tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ với các lân bang. Quốc gia nào cũng có thể gặp bài toán hội nhập các sắc tộc ở bên trong, kể cả Miến Điện hay Việt Nam.

Riêng Trung Quốc thì có nhiều tranh chấp nhất, ít ra với cả chục quốc gia, từ Ấn Độ qua Nhật Bản đến các nước Đông Nam Á. Mà nội tình thì chưa hề có hội nhập sắc tộc. Chỉ có biểu trưng trên lá "Ngũ tinh Hồng kỳ" với Hán tộc giữ vị trí Bắc đẩu, vây quanh là bốn ngôi sao tượng trưng cho bốn sắc tộc thiểu số là Mông, Mãn, Hồi, Tạng. Bây giờ, cùng với Miến Điện, hình như bốn ngôi sao ấy như đang muốn bung khỏi lá cờ!

Chuyện đáng theo dõi là vì sao Miến Điện đang thoát ra ngoài mà Hà Nội lại chập chờn bay vào chốn đó? 


Thứ Tư, tháng 3 21, 2012

"Mô Hình Trùng Khánh" và Bạc Hy Lai

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 120321


Ông Bạc Hy Lai đánh bạc ở hai cửa, nhưng đánh bạc giả



* AFP photo - Ông Bạc Hy Lai, Bí thư Thành ủy thành phố Trùng Khánh bị cách chức hôm 14/3/2012. *

Tuần qua tin tức dồn dập từ Trung Quốc về vụ ông Bạc Hy Lai mất chức Bí thư Trùng Khánh khiến dư luận chú ý đến một phạm trù được gọi là "Mô hình Trùng Khánh". 

Vũ Hoàng trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa về ưu nhược điểm của chính sách kinh tế áp dụng tại thành phố đông dân nhất địa cầu vì có khi đấy cũng là một trong nhiều lý do giải thích tại sao ông Bạc Hy Lai lại bị thay thế trước Đại hội đảng khóa 18 tại Bắc Kinh.

 

Mô hình Hấp dẫn  


Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Theo dõi tin tức trong truyền thông Việt ngữ, chúng tôi thấy hình như ông đã sớm nói về sự thất bại của "Mô hình Trùng Khánh" giữa hai biến cố cũng gay go về kinh tế chính trị tại Trung Quốc là khủng hoảng Ôn Châu và biến động Ô Khảm. Sau khi người được coi là tác giả của "Mô hình Trùng Khánh" là Bí thư Bạc Hy Lai vừa mất chức tuần qua, xin đề nghị ông trình bày cho thính giả của chúng ta một số đặc điểm của mô hình này. Như mọi khi, xin ông nói về bối cảnh của vấn đề.  

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa là về bối cảnh, có lẽ ta cần nhớ ra vài đặc tính của Trung Quốc.
 
- Thứ nhất, do địa dư hình thể, lãnh thổ bát ngát của xứ này có ba vùng khác biệt từ đại dương vào bên trong. Miền Đông trù phú, miền Tây nghèo khổ và biên vực hoang vu vây quanh ba góc từ Tây Nam qua hướng Tây lên tới hướng Bắc và Đông Bắc. Đó là khái niệm tôi cứ gọi là "nhất quốc tam kinh", một quốc gia có ba nền kinh tế với bài toán nan giải là bất công xã hội giữa các địa phương, an ninh quốc gia tại vùng phiên trấn và chính sách phát triển ở cấp trung ương.

- Thứ hai, do chế độ độc đảng và chưa có thể chế dân chủ liên bang, tranh luận về chính sách phát triển thích hợp không được công khai hóa trong khi chiến lược kinh tế theo đuổi từ hơn 30 năm nay chẳng những không giải quyết nổi mâu thuẫn bên trong mà còn đào sâu dị biệt địa dư và xã hội, và nhất là gây vấn đề giữa chủ trương của trung ương với đường hướng riêng của các đảng bộ địa phương. Trong hoàn cảnh đó, sáng kiến của ông Bạc Hy Lai về mô thức áp dụng cho Trùng Khánh có một số ưu điểm nhất định đến độ nhiều người cho là mẫu mực khả dĩ áp dụng ở nơi khác.

- Thực tế lại không đơn giản như vậy, mà cá tánh cùng phương pháp của ông ta lại gây vấn đề cho nhiều địa phương hay lãnh tụ khác. Khi họ chuẩn bị việc chuyển giao quyền lực tại Đại hội 18 vào mùa Thu này, mâu thuẫn đó thành công khai. Tôi còn nghĩ rằng vụ Phó Thị trưởng kiêm Giám đốc Công an Trùng Khánh là Vương Lập Quân bị quản thúc tháng trước chỉ là mặt nổi của các mâu thuẫn căn bản và gay gắt hơn về tương lai của Trung Quốc.

Vũ Hoàng: Xin cám ơn ông đã tóm lược nhiều nan đề của quốc gia phức tạp này. Bây giờ, ta bắt đầu với mô hình hay mô thức Trùng Khánh mà ông cho là có một số ưu điểm nhất định nên đã được nhiều người cho là mẫu mực. Đặc tính của mô hình đó là gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trùng Khánh là một trong năm thành phố do Trung ương quản lý, đông dân nhất với hơn 30 triệu người. Đây là thành phố nằm trong mà biệt lập với Tứ Xuyên, một tỉnh bị khóa trong đất liền, chứ không tiếp cận hải dương như bốn thành phố kia.

- Thời mở cửa 30 năm trước thì vì chế độ bao cấp phá sản, doanh nghiệp nhà nước bị cải tổ, thành phố tụt hậu so với các tỉnh thành duyên hải. Bên trong còn bị thất nghiệp cao và nạn tham ô, cùng cường hào ác bá cấu kết với tổ chức tội ác khiến xã hội bất ổn, cư dân lũ lượt tiến về Đông kiếm việc. Khi được đưa từ Bộ Thương mại về làm Bí thư cuối năm 2007, Bạc Hy Lai tung sáng kiến giải quyết vấn đề kinh tế xã hội của Trùng Khánh. 

- Ông ta tách khỏi xu hướng đẩy mạnh xuất khẩu của các tỉnh thành duyên hải mà phát triển đầu tư và tiêu thụ trong nội địa, đa dạng hóa kinh tế, tập trung xây dựng các dự án hạ tầng và tái phân lợi tức cho dân nghèo. Trong tiến trình đô thị hóa khá mạnh, ông không để xảy ra nạn cướp đất của dân và có chú trọng đến công bằng xã hội. Trùng Khánh trở thành trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài, xây dựng được hệ thống công nghiệp nhẹ và hướng về tiêu dùng.

- Khi thế giới bị Tổng suy trầm 2008-2009 và kinh tế Trung Quốc nói chung giảm đà tăng trưởng dưới tốc độ 10% của các năm trước, Trùng Khánh vẫn tiến mạnh với tốc độ trên 16% vào năm qua. Đó là thành tích kinh tế không nhỏ nên người ta mới nói đến một mô hình hấp dẫn.

Công bằng Xã hội 



037_ZH51249-250.jpg

Người tìm việc Trung Quốc tập trung tại một hội chợ việc làm tại Trùng Khánh vào ngày 4 tháng 2 năm 2012. AFP photo   



Vũ Hoàng: Còn về mặt xã hội và chính trị thì mô hình này có gì là đặc biệt?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa về xã hội, Bạc Hy Lai được coi là có công phá vỡ hệ thống cấu kết chính trị và diệt trừ tổ chức tội ác mà ta vẫn gọi là các hội kín hay "Tam Hợp", xưa nay tung hoành rất mạnh. Ông cũng mở rộng các dịch vụ xã hội và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Năm 2011, lợi tức các hộ gia đình thị dân, là những đơn vị hành chính có hơn hai vạn dân, tăng được hơn 15%, mà của thôn dân tại các làng xã thì tăng đến 22%. Cùng với việc đô thị hóa, hơn ba triệu người đã vào thành thị mà Trùng Khánh không bị động loạn hay khiếu kiện về đất đai. Cho nên, so với nhiều nơi khác thì công bằng xã hội là ưu điểm của Trùng Khánh.

- Về chính trị, Bạc Hy Lai đề cao yếu tố công bằng trong tư tưởng Mao Trạch Đông. Với khẩu hiệu "thanh hồng, đả hắc", hát nhạc đỏ và diệt xã hội đen, ông khôi phục thủ thuật vận động quần chúng kiểu Mao, như "chiến dịch đỏ" và các ca khúc ái quốc. Ông quyến rũ phái "Tân Tả", các phần tử cực tả đang sợ là vì kinh tế thị trường mà xứ sở mất bản sắc cộng sản và chạy theo Tây phương.

- Nhưng nghịch lý là bản thân ông Bạc Hy Lai lại hành xử như một chính khách phương Tây, với áo khăn dịu dàng và cách ăn nói lôi cuốn đầy chất mị dân của người đi tranh cử.

Vũ Hoàng: Thế rồi trung ương có thấy ra những ưu điểm của mô hình Trung Khánh chăng?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Khi kinh tế sa sút, khu vực duyên hải sống nhờ xuất khẩu gặp trở lực từ quốc tế, nhiều nơi bị động loạn, và tư doanh loại vừa hay nhỏ bị phá sản hàng loạt thì Trùng Khánh vẫn tự cung cấp và đạt mức sung túc cao hơn. Vì vậy, lãnh đạo Bắc Kinh chú ý đến Trùng Khánh như giải pháp áp dụng được cho nơi khác. Nhưng sự thật không hoàn hảo như vậy, chưa kể các mâu thuẫn nội tại trong cơ chế chính trị xứ này.

Vũ Hoàng: Ông muốn nói đến mặt trái của mô thức Trùng Khánh. Thưa ông, đâu là những giới hạn hay phần tiêu cực của phương thức phát triển theo kiểu Bạc Hy Lai?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thật ra, chuyện Trùng Khánh chỉ là mô hình tập trung nhuốm màu hồng của cách mạng kiểu Mao, đã chẳng áp dụng được ở mọi nơi mà cũng không thể bền vững để được là mẫu mực cho toàn quốc.

- Trước hết, Trùng Khánh có nâng tiêu thụ nội địa là nhờ chính quyền tập trung mọi quyết định về ngân sách, đầu tư và phân phối tài nguyên từ trên xuống. Giống biện pháp tăng chi để kích thích kinh tế của trung ương, chính sách ấy dẫn đến khiếm hụt ngân sách nên thành phố phải đi vay hơn trăm tỷ đô la! Hệ quả chìm là vì tập quyền về đầu tư – của thành phố hay trung ương – chính trường dễ cấu kết với doanh trường và gây ra tệ tham nhũng, nạn tư bản thân tộc và còn khiến tư doanh thấp cổ bé miệng ở dưới bị triệt tiêu - là chuyện cũng đã xảy ra tại Trùng Khánh.

Cùng với việc đô thị hóa, hơn ba triệu người đã vào thành thị mà Trùng Khánh không bị động loạn hay khiếu kiện về đất đai. Cho nên, so với nhiều nơi khác thì công bằng xã hội là ưu điểm của Trùng Khánh.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
- Thứ nữa, khác với các tỉnh duyên hải là nơi chính quyền địa phương và doanh nghiệp còn tự do xoay trở linh động trong quyết định kinh tế, mô thức của Trùng Khánh chỉ là chủ nghĩa tư bản nhà nước ở cấp địa phương. Nó dễ dẫn tới việc ngộ dụng tài nguyên mà không ai có quyền sửa hoặc ít ra lên tiếng phê bình. Về kinh tế, nếu áp dụng trên quy mô cả nước thì phải bảo đảm sự yểm trợ của trung ương về tài chính lẫn kỹ thuật phối hợp, là điều chưa thể có tại Trung Quốc. Ngược lại, tỉnh thành nào cũng lấy Trùng Khánh làm mẫu mực thì ngân sách quốc gia sẽ bị thiếu hụt nặng.

Vũ Hoàng: Nếu có thể suy ra từ đấy thì mô thức Trùng Khánh không thể áp dụng trên toàn quốc và cho mọi nơi được thứ nhất là vì rất tốn kém cho công quỹ và thứ hai vì nó cần một hệ thống công quyền liêm chính và hữu hiệu cho một quốc gia có đến 2.000 quận huyện. Thưa ông, bây giờ ta bước qua khía cạnh chính trị của vụ này vì yếu tố đặc biệt của cá nhân ông Bạc Hy Lai.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng nếu cứ để nguyên thì với một số thành tích đạt được từ 2009 đến nay, mô thức Trùng Khánh có thể là giải pháp trắc nghiệm áp dụng tại một số thí điểm cho một quốc gia có quá nhiều khác biệt địa phương. Nhưng hai chuyện đã xảy ra.

- Thứ nhất là tiến trình chuyển giao quyền lực vào cuối năm cho thế hệ thứ năm. Theo thông lệ thì bảy trong chín ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị sẽ ra về và bảy trong số 25 Ủy viên Bộ Chính trị hiện nay đang nhắm vào vị trí đó, với ảnh hưởng chìm và nổi của các lãnh tụ khác để tạo vây cánh cho mình, kể cả người đã hoặc sắp ra đi, như Giang Trạch Dân hay Hồ Cẩm Đào.

- Nhưng vì Trung Quốc không có dân chủ và mọi quyết định đều là kết quả đồng thuận ngấm ngầm nên mỗi phe lại tác động một cách. Nhìn từ bên ngoài thì có vẻ ổn định và êm thắm hơn là lối tranh cử ồn ào của các nước dân chủ trước sự chứng kiến và chọn lựa có khi bất ngờ của người dân. Thực tế lại có nhiều thủ đoạn chính trị khá hiểm độc, với ảnh hưởng rất nặng của tiền tài và thế lực.

- Thứ hai là cá tính Bạc Hy Lai. Trong môi trường kín đáo của đồng thuận, với các lãnh tụ đều ra dáng mẫn cán mà tẻ nhạt ông ta là người trình diễn ồn ào như tận dụng phương pháp tranh cử tại các nước dân chủ vậy! Đây là nghịch lý vì nếu ai cũng công khai nói ra chủ trương của mình như Bạc Hy Lai thì sự thể có khi đơn giản và hấp dẫn hơn. Huống hồ bản thân ông lại có nhiều khuyết điểm và kết tụ ngần ấy mâu thuẫn của hệ thống kinh tế chính trị Trung Quốc.

Thực tế Trung Quốc 


037_ZH12542-250.jpg
Bức tượng cao nhất Trung Quốc là nhà lãnh đạo cách mạng Mao Trạch Đông. AFP photo   

 
Vũ Hoàng: Hình như là qua hiện tượng cá biệt của Bạc Hy Lai ông lại nhìn ra những vấn đề thuộc về bản chất của chế độ Trung Quốc. Thưa ông, những vấn đề ấy là gì?
 
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trung Quốc đang ở vào một khúc quanh vì phải tìm ra một mô hình phát triển mới sau khi mô hình cũ đã đi hết sự vận hành tương đối tốt đẹp của 30 năm qua. Nếu không, họ sẽ bị khủng hoảng như chính các lãnh tụ của thế hệ thứ tư sắp ra đi đã báo động. Khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói đến nguy cơ tái diễn thảm kịch Đại Văn Cách hay Cách mạng Văn hóa Vô sản Vĩ đại, là vụ Mao Trạch Đông vận động quần chúng đánh ngược vào đảng để tranh giành quyền bính, thì ta biết rằng có cái gì đó rất nghiêm trọng đã xảy ra bên trong.

- Đi tìm mô thức mới là tranh luận về tư tưởng và sự hữu hiệu của các giải pháp lẫn nhân sự sẽ thực hiện. Xin tạm nói gọn theo hai hướng, thủ cựu mà cứ gọi là "tả" là cái hướng bảo vệ chế độ, đổi mới mà cứ gọi là "hữu" là cái hướng phát triển xứ sở. Sau thời đại loạn với cao điểm của 10 năm Cách mạng Văn hóa thì từ năm 1981, các lãnh tụ đều thống nhất ý chí là dù theo hướng nào thì tập thể vẫn lãnh đạo chứ không trở lại tệ nạn sùng bái cá nhân hoặc độc diễn kiểu Mao.

- Trong bối cảnh đó, Bạc Hy Lai khoác áo cải cách với thành tích Trùng Khánh nhưng đề cao tư tưởng Mao để nhấn mạnh tới yêu cầu bảo vệ chế độ. Mục đích là tìm hậu thuẫn của nhiều phe phái khác nhau, chưa nói đến bản thân ông là thuộc "Thái tử đảng", là con cháu các nguyên lão đồng chí, một tập thể có nhiều ảnh hưởng mà lại thiếu thống nhất về chủ trương.

- Ông Bạc Hy Lai đánh bạc ở hai cửa, nhưng đánh bạc giả. Vì thực chất thì đã phá vỡ hệ thống cường hào ác bá cũ để xây dựng một thế cấu kết mới, cũng với các tổ chức tội ác mà ông khoe là đã tiêu diệt. Người thi hành kế hoạch "đả hắc" – tiễu trừ xã hội đen – chính là Giám đốc Công an Vương Lập Quân, nhưng ông này có thể thấy ra mặt trái của thượng cấp và gia đình nên sợ bị thanh trừng rồi tìm cách tỵ nạn trong toà Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại thủ phủ Thành Đô của Tứ Xuyên. Chưa kể là thủ thuật của Bạc Hy Lai cũng làm nhiều lãnh tụ khác phật ý khi mà mọi người đều tích cực và âm thầm vận động ở bên trong.

Vũ Hoàng: Thưa ông, có phải là từ đó nội vụ mới nổ ra ngoài khi dư luận lại có phương tiện truyền thông mới, như các mạng lưới xã hội, hậu quả là một chuỗi chấn động dội lên trung ương khiến ông Bạc Hy Lai bị mất chức Bí thư Trùng Khánh hay chăng? 

Ông Bạc Hy Lai đánh bạc ở hai cửa, nhưng đánh bạc giả. Vì thực chất thì đã phá vỡ hệ thống cường hào ác bá cũ để xây dựng một thế cấu kết mới, cũng với các tổ chức tội ác mà ông khoe là đã tiêu diệt.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa có lẽ như vậy và việc ông Bạc Hy Lai bị mất chức chỉ là phần nổi của một thực tế chính trị và xã hội khác tại Trung Quốc. Đó là một hệ thống đen khoác áo đỏ!

- Dưới cái vẻ ổn định của sự đồng thuận trên thượng tầng là âm mưu quỷ kế để tranh giành đặc quyền đặc lợi bên dưới, y như trong các xã hội đen, các tổ chức tội ác. Nhưng phe phái nào trong các đại gia ấy cũng khoác áo đỏ của cách mạng để duy trì chế độ độc đảng. Ngày nay, khi lãnh đạo phải chuyển hướng – thật ra phải nhìn vào vấn đề thật là cải cách cả hệ thống chính trị thì mới phát triển bền vững – thì chuyện tranh giành ảnh hưởng và thế lực rất dễ bung ra ngoài.

- Vụ Bạc Hy Lai cũng khiến ta chú ý đến chuyện khác vào tuần này là việc bầu lại chức Hành chính Chưởng quan hay Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong. Nhân vật được Bắc Kinh đưa ra thay thế Donald Tsang hay Tăng Âm Quyền là Henry Tang, Đường Anh Niên. Ông tỷ phú họ Đường này là người thân tín của Phó Chủ tịch Tập Cận Bình, nhân vật đầy hy vọng lên thay ông Hồ Cẩm Đào. Những tai tiếng đầy dẫy của cả hai ông Tang và Tsang, Đường và Tăng, cũng dội ngược lên uy tín của Tập Cận Bình trong việc chuyển quyền hiện nay. Quả là chuyện đỏ đen lẫn lộn!..
  
Vũ Hoàng: Đài Á châu Tự do xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.