Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 120319
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"Nhà Nước Hay Nhà Tiêu Thụ Mới Là Chủ?
* Bầy kiến đỏ - thời Cách mạng Văn hoá *
Bài này xin nói về... sinh vật học. Luận về kinh tế của hai nước đứng đầu thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc, chúng ta có thể nghĩ đến ngụ ngôn phương Tây. Con ve sầu và con kiến....
Chúng ta nhớ đến con ve sầu kêu ve ve suốt mùa hè, trong khi con kiến lầm lũi làm ăn. Đến ngày gió đông buốt lạnh nổi lên, ve sầu đói lả và đi vay.... Thực tế của sinh vật học tất nhiên là khác. Nhưng thực tế của kinh tế học thì tiêu thụ tại Mỹ cao gấp đôi tỷ lệ của Trung Quốc. Vì tiêu xài như Mỹ nên con ve Hoa Kỳ mắc nợ con kiến Trung Quốc đến ngàn tỷ....
Nhưng đấy chỉ là một thực tế biểu kiến, theo kiểu tự sự diễn giải – narrative – ở bề mặt. Sự thật lại rắc rối hơn nhiều!
***
Quốc hội khóa 11 của Trung Quốc vừa kết thúc kỳ họp thứ tư hôm 14 tuần trước sau khi công bố Kế hoạch Năm năm thứ 12 với đường hướng chú trọng nhiều hơn đến tiêu thụ. Kế hoạch thật ra đã được Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Kỳ sáu, thuộc Khoá 17 đảng Cộng sản Trung Hoa, quyết định từ Tháng 10 năm ngoái, nhằm đề ra sự chuyển hướng trong những năm tới.
Nếu không thì loạn.
Thuần về kinh tế, ta có thể đếm sản lượng một quốc gia hay lãnh thổ qua khái niệm thông dụng là "Tổng sản lượng gộp trong nội địa", gọi tắt theo Anh ngữ là GDP. Cùng khái niệm đó, người ta có ba cách đo, theo sức sản xuất, theo mức lợi tức hoặc theo số phí tổn. Xin lỗi quý độc giả vì mấy chi tiết vớ vẩn này, nhưng chúng ta nên đi sâu hơn phần tự sự "narrative".
Vì kinh tế cũng là chính trị, ta nên chú ý đến giác độ phí tổn. GDP là kết số của bốn thành tố: Tiêu thụ, Đầu tư, Công chi và sai số về Ngoại thương là xuất cảng trừ nhập cảng. Công thức ra vẻ uyên bác của sinh viên kinh tế nhập môn là "Y= C+I+G+(X-M)" có phản ảnh chính sách kinh tế của một quốc gia.
Trở lại chuyện sinh vật học, đã có một thời mà các nền kinh tế Đông Á đều cầm tinh con kiến.
Họ thắt lưng buộc bụng để đầu tư cho nhiều (thành tố I rất lớn), xuất cảng cho mạnh bằng mọi giá tức là rất bèo, để nâng sai số X-M. Vì mục tiêu là tạo ra công ăn việc làm cho mọi người, các chính quyền đều ra sức yểm trợ sản xuất với tín dụng rẻ, hối suất thấp và chiếm thị phần ngày một lớn hơn trên các thị trường quốc tế. "Phép lạ kinh tế Đông Á" xuất hiện từ đó, với ba nước dẫn đầu tại Đông Bắc Á, lần lượt là Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan; theo sau là các nước Đông Nam Á.... Động lực của phép lạ này thật ra là đầu tư rất mạnh, đầu tư bất kể lời lỗ.
Rồi Nhật Bản, Nam Hàn và các nền kinh tế rồng cọp Đông Á đều theo nhau bị khủng hoảng....
Vì mắc bệnh quên trí nhớ - cũng do tự sự nông cạn - thế giới nói đến phép lạ kinh tế Trung Quốc: cả tỷ con kiến đều hì hục sản xuất dưới lá cờ đỏ thì địa cầu phải chuyển trục. Kinh tế Trung Quốc vượt qua Đức rồi Nhật Bản để có kích thước lớn thứ nhì thế giới kể từ năm 2010. Nhưng đấy cũng là lúc lãnh đạo Bắc Kinh thấy ra mặt trái của chiến lược Đông Á.
Vì vậy, họ phải chuyển hướng dù cả thế giới đều đang mỉa mai con ve sầu Hoa Kỳ.
Trở lại công thức Y=C+I+G+(X-M), sức mạnh kinh tế Trung Quốc cũng nằm trong hai đầu máy chính là đầu tư (I) và xuất cảng (X-M). Họ đầu tư rất nhiều, rất tốn kém nếu kể về hiệu năng, và xuất cảng rất mạnh, với giá bèo nhờ hối suất quá thấp của đồng bạc.
Đầu tư là dùng đất đai, sức lao động và máy móc kỹ thuật cùng tư bản tài chính. Tiến trình rút ruột đầu tư như vậy dẫn tới nạn cướp đất và ăn cắp kỹ thuật ngoại quốc, nạn bóc lột sức lao động với lương bổng quá thấp và hối suất quá hạ của đồng ngoại tệ thu được. Hiệu năng kém của lối đầu tư này khiến bầy kiến ở dưới bị khai thác.
Nhưng các con kiến chúa ở trên vẫn là những đại gia phe phẩy như... ve sầu. Đệ nhất thiên hạ về dự trữ ngoại tệ và chinh phục các thị trường thế giới với hàng hóa "Chế tạo tại Trung Quốc".
Thế rồi trên đỉnh cao như một ổ mối đến ngày mả phát, các con kiến chúa bỗng thấy động ổ.
Trung Quốc đang đứng trước thực tế khách quan như bên bờ vực. Khi cả thế giới ngợi ca Thế vận hội Bắc Kinh 2008, tiêu thụ tại Hoa lục chỉ chiếm 35%. Qua năm 2009, nhà nước ráo riếr bơm tiền để nâng thành tố "công chi" trong phương trình nói trên vì xuất cảng suy giảm. Ba nền kinh tế nhập cảng nhiều nhất là Âu-Mỹ-Nhật phờ phạc mệt mỏi như ve sầu mùa Đông nên muốn thành con kiến tần tiện chi tiêu. Và đầu năm nay, Trung Quốc bị nhập siêu (sai số X-M là số âm!)
Muốn nâng sản lượng Y thì chỉ còn cái vế tiêu thụ C.... Đó là phần lý luận trừu tượng.
Về thực tế kinh tế học, chiến lược đầu tư đầy tốn kém dẫn đến nạn sản xuất thừa quá nhiều nguyên vật liệu như kim loại hay khoáng sản. Kế toàn quốc gia thì cứ kể là sản lượng để hù doạ thiên hạ, về kinh doanh thì đó chỉ là sản xuất để chứa vào kho cho rỉ – trong nghĩa đen: số thép ế ẩm nay bằng sản lượng của cả Âu Châu, hay của Nhật và Nam Hàn gộp lại!
Về thực tế xã hội học, nạn cấu kết giữa doanh nghiệp và ngân hàng của nhà nước cùng các đại gia có quan hệ về thế lực với đảng viên cán bộ còn dẫn đến hiện tượng tư bản thân tộc, tham nhũng, lạm phát và đầu cơ địa ốc. Trái bóng đầu cơ đó đang xì, có khi sẽ bể.
Ổ kiến Trung Quốc có đầy những thành phố ma, những trung tâm thương mại đìu hiu như nghĩa trang và giá nhà vượt khỏi tầm tay của những con kiến muốn ca bài an cư lạc nghiệp. Và nạn cướp đất thì đã dẫn tới phong trào khiếu kiện tập thể, biến chất thành động loạn xã hội.
Khi ấy, bầy kiến chúa màu đỏ mới phải nhìn lại chuyện Đông Á – huy hoàng rồi vàng vọt....
Đài Loan chỉ là đảo quốc nhỏ, qua hơn 20 năm từ 1962 đến 1985 đã tiết kiệm, đầu tư và xuất cảng rất mạnh. Rồi thấm mệt nên đã khởi sự cải cách: nâng mức tiêu thụ từ 47% năm 1968 lên 60% vào năm 2008. Ngày nay, xứ này có cơ cấu GDP khá quân bình, với phần đóng góp của tiêu thụ là 60%, đầu tư là 21%, xuất cảng là 73%, nhập cảng là 54% (sai số ngoại thương là 19%). Đài Loan ít bị hiệu ứng ngoại nhập khi thế giới bị suy trầm. Nhưng quan trọng nhất, tiến trình chuyển dịch sức nặng kinh tế qua tiêu thụ còn dẫn tới một phép lạ chính trị: dân chủ hóa.
Người dân mới thực sự làm chủ qua cái quyền tiêu thụ của họ! Nam Hàn cũng không khác.
Xứ này vực dậy mức tiêu thụ quá thấp và tiến tới một cơ cấu quân bình hơn: tiêu thụ 55%, đầu tư 30%, xuất cảng 55% và nhập cảng 40%. Điều kỳ diệu trong sự chuyển hướng kinh tế này cũng là dân chủ hóa. Họ thoát khỏi chế độ độc tài quân phiệt khi các con kiến đeo sao lấp lánh bị đẩy ra khỏi chính quyền và đám kiến chúa được kiến thợ bầu lên để lãnh đạo. Bước lật là Thế vận hội Hán Thành năm 1988. Cũng lại hiện tượng người dân thực sự làm chủ....
***
Tổng kết lại, với sức tiêu thụ quá cao, chiếm 70% Tổng sản lượng, Hoa Kỳ không thể là mẫu mực và đang phải điều chỉnh. Nhưng với sức tiêu thụ quá thấp, chỉ bằng 35%, Trung Quốc cũng không thể là mẫu mực và đang phải điều chỉnh. Tiến trình điều chỉnh tại Mỹ là một sự tèm lem của nền dân chủ trong một năm tranh cử bát nháo. Tiến trình điều chỉnh tại Trung Quốc là sự yên ắng của một hòn núi lửa, trước khi thiên địa rung chuyển.
Như một ẩn dụ, Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi nói đến "Tổ kiến hổng sụt toang đê cũ". Khác với thời đó, tổ kiến lần này đang tự biên tự diễn - nếu lãnh đạo Bắc Kinh xoay không kịp. Mà xoay thế nào khi nhiều người còn ngất ngưởng trên đỉnh cao của ảo giác?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét