"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"
Dám Liều Thì Được, Nhu Nhược Thì Thua - Nhưng Liều Quá Hoá Dại....
* Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào - Bắt tay trước khi vào cuộc? *
Bài này xin hành hạ độc giả mà nói về... "đấu trí luận"....
Chúng ta đều nhớ đoạn cuối "Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa", khi Lưu Huyền Đức ký thác con côi cho Gia Cát Lượng rồi thở hắt. Lập tức, họ Tào đưa năm đạo quân Bắc Ngụy vào đòi nuốt chửng Tây Xuyên, làm triều Hán rung chuyển, các quan thất kinh. Đấy là lúc Thừa tướng lại cáo bệnh!
Ba anh em Lưu Quan Trương vừa chết, vua còn nhỏ và nhược. Ngoài biên thùy, năm đạo quân - mỗi đạo mười vạn, tổng cộng là... nửa triệu - đổ xuống như thác lũ mà chẳng thấy Thừa tướng ra phủ coi công vụ gì cả. Hậu chúa Lưu Thiện đến tận Tướng phủ hỏi han thì được ông trả lời rằng đã... đẩy lui được bốn đạo rồi. Mấy ngày qua, Gia Cát Lượng đóng cửa suy nghĩ cách đối phó với đạo thứ năm. Rồi tìm ra!
Lúc đó, ta lờ mờ đoán là Khổng Minh đang khai triển "game plan" trong đầu. Đấy là truyện dã sử hấp dẫn của văn hoá Trung Hoa.
Ngày nay, Hoa Kỳ đem khoa học vào trò đấu trí.
***
"Đấu trí luận" là một cách gọi chữ "game theory", lý thuyết về trò chơi, nước cờ hay sách lược. Ở cấp quốc gia, mục đích tối thượng là bảo vệ được quyền lợi mà ít nhọc công – khỏi dụng binh.
Từ môn toán học ứng dụng người ta đem lối tính toán ấy vào chính trị, rồi kinh tế. Đến nay có tám người đoạt Nobel Kinh tế nhờ những khám phá về trò đấu trí. Trong số này, có John Nash và John Harsanyi là hai nhà toán học Mỹ đoạt giải năm 1994 (cùng Rheinhard Selten, một kinh tế gia người Đức).
Họ được coi là cha đẻ của "mô thức Nash-Harsanyi."
Từ hai giác độ khác nhau, hai nhà toán học cùng đi tới một kết luận: trong trò đấu trí - hoặc trả giá, mặc cả - giữa nhiều người, tập thể, quốc gia hay nhóm quốc gia, người ta đi tới "điểm quân bình", là điểm thoả thuận, có khi ký thành thoả ước. Nhưng là một sự bất cân xứng theo kiểu tứ/lục, chứ không là tình trạng 50/50, mỗi bên nhượng bộ một nửa để được một nửa. Thường thì có kẻ đoạt lợi nhiều hơn.
Người viết xin có vài chữ về lý thuyết quái gở ấy, hẳn là cũng có cơ sở nên hai tác giả mới lãnh Nobel! Mà không phải là Nobel Hoà bình kiểu Henry Kissinger và Lê Đức Thọ.
***
Xin hãy tưởng tượng ra cuộc cờ giả định và năm sáu nước cờ.
Bước vào cuộc chơi, hai bên điểm quân tính số, hư hay thực thì còn tùy khả năng tình báo để che giấu và tuyên truyền để khoe khoang. Hãy nghĩ quân là sức mạnh quân sự, số là số liệu kinh tế. Rồi họ thử dùng uy. Là dọa sử dụng thế lực của mình để đòi phần hơn. Hoặc dùng ân, là quyền lợi kinh tế, ngoại giao hay an ninh để chiêu dụ đối phương, để kéo bè kéo đảng, lập ra liên minh chẳng hạn. Chuyện ân-uy song phương lại thành cục diện đa phương với nhiều nước đứng sau hai kỳ thủ vì có quyền lợi hay an ninh dính dáng tới cuộc cờ.
Khi ấy, yếu tố quyết định là người trong cuộc chấp nhận rủi ro đến cỡ nào để đạt mục tiêu.
Theo lý luận Nash-Harsanyi, kẻ chiến thắng và chiếm phần hơn trong trận đấu trí rắc rối đó là kẻ có cái gan của... Khương Duy. Diễn nôm là "sợ nhiều sẽ được ít - mà sợ ít thì được nhiều". Được nhiều nhờ liều hơn thiên hạ!
Nhưng chuyện ấy ăn chung gì đến chủ đề của mục này là "Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"?
Xin hãy tưởng tượng đến cuộc cờ Mỹ-Hoa. Mọi việc bỗng sáng trưng!
***
Hãy nói về bước điểm quân tính số.
Hoa Kỳ có sản lượng kinh tế cỡ 15.000 đô la một năm, Trung Quốc bằng hơn một phần ba. Nếu đếm tài sản – quy ước là 3,4 lần sản lượng – thì tài sản của Mỹ bằng 51 ngàn tỷ (Ngân hàng Trung ương Mỹ ước lượng là 58 ngàn), Trung Quốc thì cỡ hai chục – lại phải chia cho một dân số đông hơn gấp bốn.
Với diện tích lãnh thổ ngang ngửa, chừng 10 triệu km2, Trung Quốc đói ăn vì diện tích khả canh chỉ bằng một phần ba trung bình thế giới - và phải nhập cảng lương thực. Hoa Kỳ là siêu cường về nông sản, còn phải kềm hãm canh nông để giữ giá. Với đà tăng trưởng cao của nước đi sau, Trung Quốc sẽ có kinh tế lớn bằng kinh tế Mỹ trong vài chục năm tới.
Nhưng giàu bằng thì... còn khuya vì dân số quá cao, đa số còn quá nghèo. Dân Tầu thì chưa kịp giàu đã già, với hiện tượng lão hóa dân số xảy ra quá nhanh, nhanh chưa từng thấy ở mọi nơi.
Dù mắc nợ - đề tài thời sự - Mỹ vẫn có cái thế quái đản của khách nợ lớn nhất, và còn có thể trả nợ bằng cách... in bạc nhờ vị trí ngoại tệ dự trữ của Mỹ kim. Trên bàn cờ, cái thế đó cũng là sức mạnh. Trung Quốc bắt đầu mắc nợ, mà số nợ của chính quyền địa phương là bao nhiêu thi chưa ai biết, kể cả Bắc Kinh. Cả thế giới nói đến việc Mỹ mắc nợ chừng 100% Tổng sản lượng GDP, ít ai nói đến gánh công trái của Trung Quốc, có thể đã lên tới 150% GDP.
Hoa Kỳ tiêu thụ và mắc nợ ngập đầu mà có bạn hàng năm châu: xứ nào cũng muốn xuất cảng vào Mỹ. Trung Quốc thì ngược lại, xứ nào cũng e ngại hàng xuất cảng của Hoa lục! Trên trận địa kinh tế toàn cầu, thật ra Hoa Kỳ có nhiều đồng minh và bạn hàng hơn đối thủ. Và dù bị suy trầm, ba khối Âu-Mỹ-Nhật với sản lượng bằng 58% toàn cầu đều có chung một triết lý: dân chủ chính trị, kinh tế tự do, xã hội cởi mở. Khi hợp tác, họ là đồng minh.
Đó là về "văn".
Về võ, với đà gia tăng quân phí chừng 15% một năm, may lắm đến 2035 thì Trung Quốc mới có ngân sách quốc phòng lớn bằng Mỹ. Nhưng kinh nghiệm và tổ chức hiện đại thì thua cỡ trăm năm.
Hoa Kỳ là "hải đảo" giữa hai đại dương lớn nhất với hải quân có khả năng can thiệp mọi nơi. Trung Quốc bị khoá tại châu Á, chỉ có ngả ra biển ở hướng Đông, nay mới mon men vùng biển cận duyên xanh lục, vài chục năm tới mới hy vọng ra biển xanh dương để góp mặt với đời và bảo vệ chén cơm, khi Hoa Kỳ đã có mặt từ lâu.
Nếu hữu sự hoặc cần dọa nạt, Trung Quốc có thể áp dụng binh pháp bất cân xứng, đánh du kích bằng hoả tiễn chống chiến hạm để thu hẹp khoảng cách về hải quân với Hoa Kỳ. Nhưng khi ấy lại gặp hệ thống phòng thủ siêu hạng từ không gian của Mỹ. Không dễ tháu cáy...
Từ sau Thế chiến II, Trung Quốc đã ra quân hai lần, đều là đơn phương, tại Cao Ly năm 1950 và Việt Nam năm 1979 - chưa kể trò ém quân đánh lén đằng sau "bộ đội Cụ Hồ" trong cuộc chiến Đông Dương và chiến tranh Việt Nam sau 1954.
Ngược lại, từ cuộc chiến đầu tiên trong lịch sử năm 1898 - với Tây Ban Nha - Hoa Kỳ lâm chiến 40 lần, đủ loại lớn nhỏ dài ngắn. Mà hầu hết đều... có bạn. Kể cả ở Việt Nam, Bosnia, Kosovo, Iraq, Afghanistan, rồi lại Iraq - hay Lybia năm ngoái.
Ngược lại, từ cuộc chiến đầu tiên trong lịch sử năm 1898 - với Tây Ban Nha - Hoa Kỳ lâm chiến 40 lần, đủ loại lớn nhỏ dài ngắn. Mà hầu hết đều... có bạn. Kể cả ở Việt Nam, Bosnia, Kosovo, Iraq, Afghanistan, rồi lại Iraq - hay Lybia năm ngoái.
Thế giới có thể chửi Mỹ là ngang ngược, dù là dưới chính quyền Cộng Hoà hay Dân Chủ, nhưng khi đụng chuyện sinh tử, nhiều nước lại đứng bên chiến binh Mỹ, nay vẫn có mặt chính đáng tại Nam Hàn, Nhật và Đức. Dưới lá cờ Liên Hiệp Quốc, lá chắn NATO và sự chấp thuận của Quốc hội dân cử!
Trung Quốc mới là "vạn lý độc hành". Mà họ vừa thè cái lưỡi bò ra Đông hải là các nước Đông Á đều vẫy tay gọi Mỹ, từ Nhật Bản, Úc đến Ấn Độ, Phi Luật Tân, Singapore, v.v...
Với tài nguyên kinh tế và quân sự đó, khi cần dọa hay dụ, Hoa Kỳ đều chiếm thế thượng phong, trong khi Trung Quốc đang trở thành vấn đề của các nước vây quanh.
***
Nhưng cho đến nay, chính Bắc Kinh mới chiếm thế thượng phong!
Từ việc lũng đoạn hối đoái đến phong tỏa "đất hiếm", từ việc tước đoạt quyền sở hữu trí tuệ, đến việc hối lộ chế độ hung đồ và chiếm đóng đặc khu kinh tế ngoài thềm lục địa, từ bao che độc tài đến hủy hoại môi sinh trên đầu nguồn các con sông lớn của châu Á là Hy Mạ Lạp Sơn và Cao nguyên Thanh Tạng, v.v... Trung Quốc liều lĩnh hơn Hoa Kỳ và gieo họa cho xứ khác mà không bị cản trở.
Lại còn hù dọa khiến liên minh doanh gia và phản chiến Mỹ phải can chính quyền: dụng binh bất lợi!
Theo mô thức Nash-Harsanyi, Trung Quốc đang thắng Mỹ. Họ ít sợ rủi ro nên được nhiều và nghĩ rằng Hoa Kỳ quá sướng nên sợ khổ!... Hơn 60 năm trước, Nhật Bản cũng liều như vậy với vụ tấn công Trân Châu Cảng năm 1941. Sau đó là chuyện lịch sử! Hãy chờ xem!
„Có gan mới làm giàu“, nhưng liều lỉnh qúa như anh Tàu gây bất mãn xáo trộn khắp nơi thì coi chừng lịch sử tái diễn như Trân Châu Cảng, Mỹ từng dùng kế nhởn nhơ dụ cho Nhật khai hỏa trước, cố ý thí bỏ một số vũ khí, phi cơ, chiến hạm lỗi thời để đổi lại lấy được quyết định chung của Quốc hội, bên cạnh đó Tổng thống Mỹ có lý do chính đáng để tuyên chiến và tối tân hóa kỹ nghệ chiến tranh với vũ khí, máy bay, tàu chiến siêu đẳng bội phần hơn. Qủa thật Mỹ đã vượt xa hẳn Tôn-Ngô binh pháp với câu nói "Biết người biết mình...". Chỉ tội cho anh Tàu cứ hát mãi bài ca "Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu. Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi...?"(Say khướt sa trường anh chớ mỉa. Xưa nay chinh chiến mấy ai về...?)
Trả lờiXóa