Chủ Nhật, tháng 3 11, 2012

Một Thế Giới Đang Thay Đổi

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Ngày Nay 20120301

Trật Tự Mới Lộn Đầu....





Âu Châu chưa ra khỏi cuộc khủng hoảng của đồng Euro, Hoa Kỳ chưa hồi phục sau vụ suy trầm 2008 lại còn chúi mũi vào cuộc tranh cử tổng thống giữa những ngổn ngang về an ninh tại Trung Đông. Trong khi ấy Trung Quốc lên tới đỉnh điểm của 30 năm tăng trưởng và bắt đầu gặp khó khăn ngay trước Đại hội 18 để chọn lãnh đạo cho mười năm tới. Và tại Liên bang Nga, người ta cũng nói đến thời kỳ "hậu Putin" dù rằng ông sẽ đắc cử Tổng thống vào mùng bốn tới.... Hình như thế giới đang ở giữa buổi giao thời với nhiều thay đổi ngôi vị của các đại cường. Bỉnh bút Nguyễn-Xuân Nghĩa được yêu cầu phân tách chuyện đó cho độc giả Ngày Nay...



Chúng ta có thể đoán chắc được rằng tương lai sẽ còn nhiều bất ngờ vào những năm tới. Nghĩa là mình có thể đoán trật!

Cái gọi là "trật tự mới" của thế giới – chữ của Tổng thống George H. W. Bush trong bài Diễn văn về Tình hình Liên bang vào đầu năm 1991, do ông Brent Scowcroft nặn ra – từ hai chục năm trước, đã bắt đầu bị đảo lộn.

Đúng 20 năm trước, Liên bang Xô viết tan rã sau 70 năm chiếm ngôi vị đại cường số một của đại lục Âu Á, là siêu cường ngang ngửa với Hoa Kỳ trong suốt thời chiến tranh lạnh. Từ năm 1992, Hoa Kỳ trở thành siêu cường độc bá toàn cầu không có đối thủ và bắt đầu hưởng "cổ tức hòa bình" trong niềm lạc quan là "lịch sử cáo chung".

Bên kia Đại tây dương, các nước Âu châu cũng lạc quan với viễn ảnh độc lập - hết sợ Nga mà cũng chẳng cần Mỹ - nên hội nhập Âu Châu vào một tập thể thống nhất. Thỏa ước Maastricht năm 1992 khai sinh ra Liên hiệp Âu châu và dẫn tới sự xuất hiện của đồng Euro, một lực đối trọng với vị trí độc bá của đồng Mỹ kim.

Một thế giới ổn định phải là một thế giới đa cực chứ không thể do một siêu cường có toàn quyền quyết định từ kinh tế tới an ninh! Quan niệm thận trọng – và thật ra đầy "mặc cảm Âu Châu" – cũng có cơ sở vì sau năm 1991, Hoa Kỳ quả là có can thiệp nhiều hơn vào thiên hạ sự, bằng quân sự. Đạo lý của việc đó có đúng hai sai thì cũng không quan trọng bằng sự thể khách quan là Mỹ có ra quân ở rất nhiều nơi!

Từ Á Châu, cuộc khủng hoảng và sự sụp đổ của Liên Xô, bắt đầu với biến cố Bá Linh năm 1989 và vụ đột biến Thiên an môn – một vụ tàn sát ghê người – cũng khiến lãnh đạo Bắc Kinh rà lại chiến lược phát triển, với vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước để khai thác kinh tế thị trường nhưng trong tầm quản lý của đảng. Và đạt mức tăng trưởng rồng cọp để đưa Trung Quốc vượt qua Đức rồi Nhật, lên ngôi vị kinh tế thứ nhì của thế giới.

Trong khi Nhật Bản sa sút dần cũng kể từ năm 1991 trở đi – mà thiên hạ không mấy để ý. Phép lạ Nhật Bản đã cáo chung từ đó.

Nhưng trong niềm hoan lạc chung của thiên hạ - và của riêng dân Mỹ - người ta cũng không nhìn thấy sự lớn mạnh của xu hướng cực đoan trong thế giới Hồi giáo, cho đến khi Mỹ bị khủng bố Hồi giáo đánh cho thấu phổi với vụ 9-11 vào Tháng Chín năm 2001. Đâm ra 20 năm độc bá của Hoa Kỳ bị chia đôi, và 10 năm qua, nước Mỹ vẫn còn xoay trở với thực tế Hồi giáo. Từ Trung Á đến Trung Đông, từ Afghanistan đến Iraq, Iran và biến động trong khu vực Bắc Phi – Trung Đông MENA mà người ta lạc quan gọi là "Mùa Xuân Á Rập"....

Thật ra, thời điểm đánh dấu những chuyển động lớn của thế giới ngày nay đã khởi sự từ bốn năm trước, năm 2008 – là khi Hoa Kỳ cũng có bầu cử tổng thống như năm nay. Vụ khủng hoảng tài chánh bùng nổ giữa một vụ suy trầm kinh tế dẫn tới nạn Tổng suy trầm 2008-2009.

Khi ấy, người ta lầm tưởng rằng đây chỉ là hiện tượng chu kỳ, cần một sự điều chỉnh nhất thời bằng các biện pháp kích thích kinh tế cố hữu. Thật ra, biến cố kinh tế 2008 là điểm lật tất yếu của một hiện tượng lưu cữu từ sáu chục năm: trào lưu vay mượn tích lũy của các nước công nghiệp hoá, Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản. Tích lũy thành một kỷ lục chưa từng thấy từ vụ Tổng khủng hoảng 1929-1933.

Khi đã hồ hởi đi vay, và thổi lên bong bóng, thì có ngày phải trả, thường thì vào lúc bóng bể, kinh tế suy trầm. Mà nếu phải trả thì tiền đâu ra để kích thích kinh tế đang nằm ngang như trái bóng bị xì?

Trước hết, vụ khủng hoảng 2008 mở bung những mâu thuẫn trong hệ thống kinh tế và chính trị Âu Châu, dẫn tới nguy cơ vỡ nợ của nhiều quốc gia, nhiều ngân hàng và sự toàn vẹn của đồng Euro. Vụ khủng hoảng đó cũng dẫn đến cuộc tranh luận ngày nay tại Hoa Kỳ về chuyện chi thu, giảm chi hay tăng thuế, giảm thuế hay tăng chi? Phát triển kinh tế hay bảo vệ công bằng xã hội? Mà nhu cầu nào cũng khởi sự bằng câu đầu tiên là "tiền đâu"?

Chỉ chú ý vào các vấn đề ở nhà, dân Mỹ cũng không thấy rằng câu hỏi đó đang ám ảnh lãnh đạo Trung Quốc vào đúng thời điểm chuyển giao quyền lực từ thế hệ thứ tư qua thế hệ thứ năm, là Đại hội khóa 18 vào Tháng 10 tới đây.

Là nước tân tòng theo kinh tế thị trường – có chọn lọc – Trung Quốc cũng học chiến lược Đông Á của Nhật và các rồng cọp Á Châu: lấy xuất cảng làm lực đẩy kinh tế. Chiến lược ấy đã đi hết sự vận hành của nó tại Nhật Bản vào năm 1991 và tại Đông Á vào năm 1997 - vụ khủng hoảng Đông Á khởi đi từ một xứ cứ tưởng là vô can, Thái Lan vào mùng hai Tháng Bảy 1997.

Khi ấy, người ta chỉ nhìn thấy chuyện Hong Kong hồi giao cố quốc một ngày trước đó! Khi vụ khủng hoảng bùng nổ năm 2008, người ta cũng chỉ nhìn thấy biểu hiệu của thời "Quang diện Trung Hoa" với Thế vận hội Bắc Kinh vào ngày "bát bát" – mùng tám Tháng Tám 2008.

Thật ra, đấy là ngày thất bát, mất mùa.

Vì vẫn quá lệ thuộc vào xuất cảng qua các nước tiên tiến nay đang tiết kiệm để trả nợ, Trung Quốc bị hiệu ứng nặng từ nạn Tổng suy trầm. Và lãnh đạo phải bơm tiền kích thích kinh tế, với kích thước vĩ đại – khoảng 40% Tổng sản lượng. Tức là lại tăng chi, bơm tín dụng và cho vay thả giàn, cũng với hậu quả tương tự là lạm phát, bong bóng đầu cơ và ngân hàng mất nợ.

Biện pháp kích thích ấy có tăng cường vai trò và thế lực của khu vực tư bản nhà nước, cùng đứa trẻ song sinh của chế độ là hệ thống "tư bản thân tộc" – crony capitalism – của những kẻ có quan hệ với đảng viên cán bộ. Trong khi cả thế giới bị choáng ngợp bởi thành tích biểu kiến này, đến độ dự báo rằng kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ trong mươi năm tới, thì thực tế vẫn là mức sống nghèo khổ của đa số người dân. Họ chưa kiểm nổi ba đồng sóng đánh một ngày. Và bất mãn về những bất công, tham ô và thối nát của chế độ.

Chuyện biểu tình khiếu kiện về nạn cướp đất bùng nổ dây chuyền, ngày một bạo hơn. Trong khi bất ổn về sắc tộc, với người Hồi giáo và nhất là dân Tây Tạng, cũng đe dọa quyền lực thống nhất của nhà nước ở trung ương.

Lãnh đạo Bắc Kinh có thấy ra điều ấy, như phát biểu của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo: một nền kinh tế bất ổn, bất công, không phối hợp và không bền vững. Từ Hội nghị Ban chấp hành Trung ương năm kia đến Kế hoạch Ngũ niên thứ 12 (2011-2016) ban hành năm ngoái, Bắc Kinh đã muốn điều chỉnh: chú ý nhiều hơn đến tiêu thụ, thu hẹp nạn bất công xã hội, và nâng đỡ thành phần thiểu số. Nói như người Hà Nội, "không cải cách thì chết!"

Nhưng cải cách cũng lại xâm phạm vào quyền lợi và quyền lực của thiểu số trên chóp bu – ngay trong thời kỳ chuyển giao lãnh đạo. Trung Quốc đang ở vào khúc quanh mà những tranh giành nội bộ để kiểm soát được bộ Chính trị và Thường vụ của cơ chế tối cao này là cơ hội đấu đá tưng bừng. Trong khi ấy, các ngân hàng và địa phương đã lại mắc nợ ngập trời và sẽ phải điều chỉnh - một chữ lịch sự hiền lành của chuyện vỡ nợ, xoá nợ, chuộc nợ - hay khủng hoảng....

Từ hai chục năm qua, nền kinh tế của một xứ đói ăn và khát dầu như Trung Quốc đã là lực đẩy cho nhiều quốc gia xuất cảng thương phẩm – nguyên nhiên vật liệu và nông sản. Khi xứ này điều chỉnh, thế giới sẽ bị ảnh hưởng như đã bị trước đó với Nhật Bản, Âu Châu và Hoa Kỳ. Mà khác với Nhật Bản, khủng hoảng kinh tế Trung Quốc sẽ lây lan qua chính trị.

Nếu lại kể thêm tình trạng bất ổn của Liên bang Nga, do những khó khăn chính Vladimir Putin gây ra để tập trung quyền lực trong khi xã hội cũng thay đổi, người ta thấy ra một thời kỳ bất trắc trước mặt. Trong khi ấy, những biến động tại Trung Đông đang tạo ra thế mạnh cho một xứ độc đoán và cực đoan nhất khu vực, là Iran.

Những bất trắc nơi đó khiến dầu thô lên giá – và sẽ còn lên. Hậu quả là giá xăng đang thành điểm tranh luận bầu cử tại Hoa Kỳ.

Điều mà cả thế giới đang tự hỏi, trong khi dân Mỹ chưa nghĩ tới, và với tình huống quốc tế đó, Hoa Kỳ sẽ làm gì?

Sẽ đi hết chu kỳ thoái trào đã khởi sự từ năm 2008, như nhiều người tiên báo? Khi ấy, thế giới sẽ thành đa cực với nhiều cường quốc đang nhân cơ hội Hoa Kỳ mải nhìn vào trong mà tăng cường thế lực của mình? Nhưng, ngần ấy cường quốc đều đang có những vấn đề nội tại, từ Nga, Đức, Nhật, đến Trung Quốc hoặc cả Iran....

Hay là Hoa Kỳ sẽ còn bị khủng hoảng nặng hơn trong một hai năm tới, trước khi bừng tỉnh sau một cuộc bầu cử tổng thống khác vào năm 2016? Một sự chờ đợi nhức tim, nghẹt thở.... Chúng ta đang sống lại những năm hồi hộp thời 1989-1991.

Lần trước thì hồ hởi sảng, mong rằng lần này sẽ không hốt hoảng bậy!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét