Thứ Ba, tháng 3 06, 2012

Trung Quốc Trước Nguy Cơ Khủng Hoảng Quỹ Hưu Bổng

Thanh Hà & Nguyễn Xuân Nghĩa - RFI Ngày 20120306

Nhờ đảng dẫn, dắt và cột, dân Tầu chưa giầu đã già....

Thượng Hải, công nhân nhà máy biểu tình đòi cải thiện điều kiện lao động 12/2011 (REUTERS)
* Thượng Hải, công nhân nhà máy biểu tình đòi cải thiện điều kiện lao động 12/2011 (REUTERS) *
 
Nguyễn Xuân Nghĩa / Thanh Hà
 

Hiện tượng dân số Trung Quốc bị lão hóa đang đặt ra hai vấn đề cho Bắc Kinh: bảo đảm y tế cho người già và tìm ra nguồn tài chính để đài thọ cho quỹ an sinh xã hội. Các quỹ hưu bổng của Trung Quốc do quản lý yếu kém đang bị thâm hụt trầm trọng, đe dọa trực tiếp đến tương lại của tầng lớp cao niên.

Bộ Tài chính Trung Quốc vừa thông báo trong năm 2012, ngân sách tài trợ các quỹ an sinh xã hội, để tạo công việc làm cho người dân, để chu cấp nhà ở cho thành phần có thu nhập thấp hay ngân sách y tế đều tăng khoảng 20 % so với tài khóa 2011. Mục tiêu đề ra là bảo đảm ổn định xã hội vào lúc các chỉ số kinh tế cho thấy GDP của Trung Quốc tăng chậm hơn so với 2011 và Trung Quốc đang chuẩn bị thay đổi nhân sự trong guồng máy lãnh đạo trung ương.

Tuần trước, Ngân Hàng Thế Giới và Trung Tâm Nghiên Cứu Phát triển trực thuộc Quốc vụ Viện Trung Quốc cùng báo động là nền kinh tế thứ nhì trên thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ kinh tế đến xã hội. Chỉ riêng trong lãnh vực xã hội, cách biệt giàu nghèo giữa dân cư ở thành phố và nông thôn, hiệu quả yếu kém của các cơ chế nhà nước có trách nhiệm bảo đảm những dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục cho người dân, hiện tượng dân số của nước đông dân nhất địa cầu đang trên đà lão hóa là những thách thức đang đặt ra cho Bắc Kinh.

Riêng một lĩnh vực đang kết tụ nhiều vấn đề, đó là hệ thống quản lý chế độ hưu bổng cho 17 % dân số trên một quốc gia có tới 1,3 tỷ miệng ăn. Căn cứ trên thống kê của thành phố Thượng Hải thì thì năm 2011 đã cớ tới 22,5 % dân số ngoài 60 tuổi. Tỷ lệ đó sẽ tăng lên thành 28 % vào năm 2015.

Đối với chính quyền Trung Quốc hiện tượng dân số bị lão hóa đang đặt ra hai vấn đề: một là y tế để bảo đảm nhu cầu của một tầng lớp cao nhiên ngày càng lớn, và hai là bài toán nan giải khi phải tìm ra nguồn tài chính để đài thọ cho quỹ an sinh xã hội.

Theo một kết quả thăm dò dư luận được Tân Hoa Xã tiến hành cách nay đúng một năm, bảo đảm có được thu nhập khi về hưu và tìm được chỗ ở với giá phải chăng là hai ưu tư hàng đầu của người dân Trung Quốc. Đối với các nhà lãnh đạo Bắc Kinh chênh lệch trong hệ thống an sinh xã hội, giữa thành thị và nông thôn, giữa các công nhân viên chức nhà nước với nhân viên các hãng tư nhân thực sự đang trở thành một cơn « ác mộng ».

Năm 2001 Trung Quốc bắt tay vào việc cải tổ chế độ hưu liễm cho người dân. Mười năm sau, Bắc Kinh nhận thấy rằng, mục tiêu cân bằng các khoản chi thu của quỹ lương hưu là nhiệm vụ bất khả thi. Trong khi đó đồng lương hưu của gần 1/5 dân số Trung Quốc ngày càng « co cụm » lại : theo nguồn tin do chính Tòa đại sứ Trung Quốc cung cấp vào tháng 11/2011, vào năm 1997, tiền hưu trí tương đương với 76 % mức lương trung bình tại một quốc gia mà đồng lương đã được xếp vào hạng thấp nhất trên thế giới.

Nhưng tỷ lệ đó chỉ còn là 47 % vào năm 2009 và theo dự báo của các chuyên gia thì trung bình, sau khi đã đóng góp cho quỹ hưu bổng trong 30 năm, người lao động Trung Quốc chỉ hy vọng thu về tiền lương hàng tháng tương đương với 35,4 % mức lương trung bình tại Trung Quốc mà thôi. Đài RFI phỏng vấn chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại Hoa Kỳ về vấn đề rắc rối này.


RFI: Thưa anh, ngày càng có nhiều trung tâm nghiên cứu báo động rằng Trung Quốc có thể gặp khó khăn kinh tế khá nghiêm trọng trong những năm tới. Báo cáo do Ngân hàng Thế giới và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Quốc vụ viện Trung Quốc vừa được công bố hôm Thứ Hai 27 vừa qua tại Bắc Kinh cũng nói đến những khó khăn đó.  Xin được hỏi anh rằng lãnh vực nào trong nền kinh tế vừa tiến lên hạng nhì của thế giới là đáng quan tâm hơn cả?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: -
Lãnh vực xã hội đang quy tụ nhiều khó khăn nhất vì là giao điểm giữa kinh tế với chính trị. Một nan đề tiêu biểu chính là hệ thống quản lý quỹ hưu bổng. Nếu không khéo giải quyết, quỹ hưu bổng Trung Quốc sẽ bị khủng hoảng sau này vi sự thâm hụt khởi sự từ năm 2003 đã gia tăng ngày một nặng hơn tới mức nguy kịch hiện nay.

RFI: Anh vừa nói rằng Trung Quốc có thể bị khủng hoảng về quỹ hưu bổng mà chúng ta hiểu là một vụ khủng hoảng như vậy sẽ lan qua doanh nghiệp và ngân hàng với hậu quả rất lớn về kinh tế, xã hội và chính trị. Nhưng đâu là bối cảnh của toàn bộ vấn đề khiến anh kết luận như vậy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Đi sau và tiếp thu kinh nghiệm công nghiệp hoá từ các nước đi trước, Bắc Kinh tận dụng chế độ tư bản nhà nước để đạt mức tăng trưởng cao với một dân số rất đông.

- Chúng ta biết rằng khi bắt đầu công nghiệp hoá theo quy luật thị trường thì xứ nào cũng dễ gặp bất công xã hội vì tốc độ làm giàu khác nhau của các thành phần tham gia vào sinh hoạt kinh tế. Nhưng nạn bất công tại Trung Quốc lại mở rộng chứ không thu hẹp như các nền xứ Đông Á đi trước. Cho dễ nhớ thì 0,2% dân số hiện đang làm chủ 70% tài sản của cả nước. Con số 70 này cũng dễ nhớ vì theo nguyệt san Hồ Nhuận hay Hurun, chuyên khảo sát các đại phú Trung Quốc, thì tài sản năm ngoái của 70 đại biểu giàu nhất trong Quốc hội Trung Quốc lên tới 90 tỷ đô la, còn giàu hơn 600 người lãnh đạo chính quyền Mỹ, gồm 535 dân biểu nghị sĩ, tổng thống và cả nội các lẫn Tối cao Pháp viện, năm qua chỉ có bảy tỷ rưỡi.

- Một nguyên nhân chính là do vai trò lệch lạc của nhà nước và vì chế độ hộ khẩu vẫn còn. Nói về hộ khẩu, từ nhiều năm nay, việc cải tổ được đề ra mà năm kia lại bị Ủy ban Chính pháp bác bỏ vì lý do an ninh. Chế độ hộ khẩu khiến cho loại công dân hạng nhì là "dân công" - người dời nơi cư trú tìm việc ở chỗ khác - dù đóng góp sức lao động lại không hưởng các dịch vụ tối thiểu về an sinh xã hội, trong đó có cả hưu liễm khi về già. Mà dân công thì nay cũng về già.

RFI: Anh nêu ra một nguyên nhân đầu tiên của bất công xã hội chính là cơ chế kinh tế chính trị hiện hành với vai trò quá nặng của nhà nước, mà nhà nước lại chẳng chu cấp nổi nhu cầu xã hội của dân chúng trong khi lãnh đạo ở trên thì đã thành triệu phú, tỷ phú.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đúng như thế và ta còn thấy ra ba nguyên nhân khác:

- Sau khi bãi bỏ chế độ tập trung quản lý, Trung Quốc áp dụng quy luật thị trường mà theo định hướng nhà nước và gây lệch lạc trong cơ chế cung cấp dịch vụ xã hội cho người dân, như y tế, giáo dục và hưu liễm. Vì vậy, nhiều cơ quan nhà nước cứ truy tìm lợi nhuận như tư doanh trong các dịch vụ xã hội khiến một thiểu số có tiền thì được chu cấp quá nhiều. Thí dụ như số ngày nằm nhà thương bình quân cao gấp đôi các nước tiên tiến trong nhóm OCDE. Họ gây lãng phí cho thiểu số mà đa số lại bơ vơ chẳng có ai lo. Một chi tiết đáng chú ý là tại Trung Quốc, cứ trăm người chết thì có hơn 80 là vì bệnh không lây, như ung thư, đau tim, tiểu đường, v.v...

- Trong khi ấy, và đây là chuyện thứ ba: ai cũng thấy cuộc sống có thay đổi nên đặt kỳ vọng vào tương lai rồi lại tuyệt vọng khi nhận ra sự phân biệt đối xử và nạn bất công. Phản ứng tâm lý đó là chất xúc tác cho biểu tình và động loạn. Từ năm ngoái, ta còn thấy cái dịch tự sát, hoặc nhiều người uất ức phát điên mà sát hại trẻ em vô can. Kẻ vô vọng không chỉ gọi nhau biểu tình khiếu kiện mà muốn hủy diệt luôn tương lai trước mặt.

- Sau cùng, chìm sâu bên dưới là thành tích quản lý dân số với chế độ "mỗi hộ một con" áp dụng từ năm 1979. Thành tích đó là nạn lão hóa dân số nhanh chưa từng thấy ở mọi nơi mọi thời. Vì thế dân số bị lão hóa, tỷ lệ cao niên sẽ tăng vọt, Hiện nay, trung bình thì chín người lao động cho một người nghỉ hưu, đến năm 2050, hệ số cưu mang này là 2,5. Của Âu Châu già lão thì hệ số đó sẽ là 2, nhưng Âu Châu có một mạng lưới an sinh xã hội rất dày và rộng, Trung Quốc thì không.

- Hậu quả chung thì số người làm việc và góp tiền vào quỹ hưu bổng cho tuổi già sau này sẽ giảm khá nhanh trong khi số người chờ lãnh lương hưu lại tăng rất mạnh. Khi đó, làm sao các quỹ quản lý tiền già đáp ứng được yêu cầu tài chính và sự nóng ruột của người cao niên mà thiếu dịch vụ như y tế và thậm chí không đủ sống khi tuổi thọ lại kéo dài hơn các thế hệ trước? Rốt cuộc thì nhờ đảng dẫn, dắt và cột, dân Tầu chưa giầu đã già....

RFI: Hiện nay, chế độ quản lý đó là như thế nào mà anh cho là có thể bị khủng hoảng?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Về đại lược, hệ thống hưu liễm do nhà nước quản lý hay bảo trợ gồm có ba quỹ lớn, quy tụ 2.560 tỷ đồng Nguyên, là 406 tỷ đô la, hay 312 tỷ Euro. Đây ngạch số rất nhỏ so với yêu cầu của xã hội và của lực lượng lao động hiện là 780 triệu người. Như vậy, làm sao các quỹ có thể kịp sinh lời để có tiền trả hưu liễm cho người già? Huống hồ, ba quỹ đó chỉ thanh toán cho người có sổ hưu, khoảng 40% lực lượng lao động mà thôi, Thành phần còn lại, là gần 470 triệu, thì chỉ trông cậy vào hệ thống nghèo nàn gọi là An sinh Tối thiểu của nhà nước.

- Tôi xin đi vào chi tiết hơi nhức đầu để biết là ta nói chuyện gì chứ không là cảm quan. Thứ nhất, họ có Quỹ Bảo hiểm Cao niên do địa phương quản lý và hiện có hơn 220 tỷ đô la, là 54% của cả hệ thống, do trung ương phân phối xuống chừng 20% và công nhân góp vào hàng tháng khi lương được khấu trừ 8%. Quỹ này đã đầu tư để đẻ lãi, với mức lời khoảng 2% một năm về mệnh giá. So với lạm phát bình quân của 10 năm qua là 2,2% thì quỹ Cao niên này thật ra bị lỗ!

- Thứ hai có Quỹ Bảo hiểm Xã hội Toàn quốc do trung ương quản lý, Chủ tịch là Đới Tương Long, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương. Quỹ này nắm 137 tỷ đô la và đầu tư bén nhạy hơn, với mức lời 8-10%, nhưng số tiền trên chỉ bằng một phần ba của tổng số. Thứ ba là quỹ hưu bổng của các doanh nghiệp được nhà nước bảo trợ, cũng có quyền đem tiền ra đầu tư để sinh lời trên thị trường tài chính, nhưng với vỏn vẹn chỉ gần 48 tỷ đô la. Đó là ta mô tả toàn cảnh, là khi người lao động nạp tiền vào quỹ hưu bổng để có chút tiền khi về hưu.

- Cuối năm ngoái, Viện Khoa học Xã hội của Bắc Kinh báo động là năm 2011 các quỹ này bị hụt cỡ 68 tỷ đồng Nguyên và còn thâm thủng nặng hơn sau này. Ngân hàng Thế giới thì nói đến lỗ hổng 115 tỷ của các quỹ hưu bổng do địa phương quản lý vào năm 2015 là khi lực lượng lao động bắt đầu giảm vì nạn lão hóa dân số. Thời điểm 2015 đó chỉ là ba năm nữa thôi!

RFI: Hiển nhiên là Bắc Kinh có thấy vấn đề, và theo anh thì họ tính giải quyết thế nào mà anh cho là một vụ khủng hoảng có thể xảy ra?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trong cả hồ sơ này, ta mới nói đến tảng băng trên bề mặt là ba quỹ hưu bổng chỉ có hơn 400 tỷ đô la trước làn sóng tuổi già đang lên. Phúc trình do Ngân hàng Thế giới và Viện Nghiên cứu Phát triển của Chính phủ Bắc Kinh vừa công bố hôm Thứ Hai còn nói đến một làn sóng đáy khác. Hệ thống hưu bổng hiện hành cho công nhân viên thành phố, là những cam kết phải thanh toán sau này - mà thuật ngữ kinh tế gọi là "chi phí di sản" - đã lên tới từ 82% đến 130% của Tổng sản lượng GDP năm 2008, là bốn năm trước.

- Cho nên Trung Quốc phải cấp tốc cải cách chế độ hưu bổng để khỏi phá sản và người già hết tiền sống. Và quả nhiên là tranh luận bùng nổ mà tôi xin tóm lược để khỏi làm thính giả thêm nhức đầu. Họ tranh luận là phải cho các quỹ hưu bổng đầu tư vào thị trường tài chính, từ ký thác tiết kiệm qua mua trái phiếu, công khố phiếu hay cổ phiếu, tuần tự thì lời cao hơn mà cũng rủi ro hơn. Nhưng có mấy vấn đề đặt ra mà không ai giải quyết nổi vì cái gọi là "màu sắc Trung Quốc".

RFI: Thưa anh, những vấn đề ấy là gì vậy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đó là ai quản lý các nghiệp vụ đầu tư, trung ương hay các địa phương? Hệ thống hưu bổng phân tán trong hơn 2.000 đơn vị hành chính mà chẳng ai giám sát rõ ràng. Khi cần đầu tư để sinh lời, chính quyền trung ương phải tập trung kiểm soát và gặp sự cưỡng chống ở dưới vì đặc quyền đặc lợi của những kẻ có thể vọc tay vào quỹ đó ở địa phương. Thí dụ tiêu biểu là Ủy viên Bộ Chính trị và cựu Bí thư Thượng Hải Trần Lương Ngọc lãnh án 18 năm tù từ năm 2008 vì trục lợi bất chính qua dịch vụ đầu tư từ quỹ hưu bổng của thành phố.

- Thứ hai, các thị trường tài chính Trung Quốc hàm chứa rủi ro lớn vì luật lệ thiếu phân minh, sổ sách thiếu khả tín và nạn đầu cơ dễ hoành hành mà nhà đầu tư lại không được bảo vệ. Có khi càng đầu tư thì các quỹ hưu bổng này lại càng lỗ. Đây là trở ngại nghiêm trọng nhất.

- Cho đến nay, giữa ba bốn giải pháp đang bàn cãi, người ta có thể thiên về vai trò của Quỹ Bảo hiểm Xã hội Toàn quốc, là cơ chế tương đối có thành tích, có sự kiểm tra của Hội đồng Giám đốc Chứng khoán và chuẩn thuận của Bộ Tài chính và bộ Lao động và An sinh Xã hội. Khi ấy về nguyên tắc, mục tiêu chiến lược của đầu tư phải nhắm vào mức lời trong dài hạn. Nhưng thực tế thì các nhóm đặc quyền và đại gia ở trên lại muốn dồn nguồn tiền đó vào dự án của họ, kể cả dự án ưu tiên của công quyền, hay rót tiền vào các tập đoàn nhà nước để nâng giá cổ phiếu.
- Rốt cuộc thì chế độ tư bản nhà nước dẫn đến "chủ nghĩa tư bản thân tộc", hay "tư bản dải quần" nói theo chữ Trung Quốc, và đe dọa tương lai của người già. Bây giờ, lãnh đạo Bắc Kinh muốn gom quyền vào trung ương để giải quyết bài toán xã hội cho dân khỏi nổi loạn, nhưng ngay tại trung ương, có khi đảng viên cán bộ nhà nước lại lấy tiền hưu của dân đi đánh bạc làm người già sẽ mất cái vốn hưu bổng tích lũy trong cả đời lao động. Vì thế mà một vụ khủng hoảng quỹ hưu bổng rất dễ xảy ra nếu xứ này không cải tổ cả hệ thống chính trị khi chuẩn bị Đại hội 18. Và cải tổ chính trị là đề mục hiện đang gây tranh luận còn gay gắt hơn mà cũng không thể có giải pháp.
RFI: Ban Việt ngữ đài RFI xin cảm ơn chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa tại Hoa Kỳ về cuộc phỏng vấn này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét