Thứ Ba, tháng 3 27, 2012

Giải Vây Miến Điện

Nguyễn Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 120326
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Hoa Kỳ hay dân Miến Điện đang thực hiện việc đó?


   * Nhìn lại vị trí của Miến Điện trên tấm bản đồ *


Có hai quốc gia Đông Nam Á mà mối quan hệ với Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến cục diện lâu dài của toàn khu vực Đông Á. Đó là Việt Nam và Miến Điện....

Việt Nam hiện vẫn giữ thế "môi hở răng lạnh" với Trung Quốc, cho Bắc Kinh. Còn Miến Điện thì lặng lẽ tự giải phóng khỏi sức hút của Trung Quốc và đang ra khỏi vòng phong toả của Hoa Kỳ. Chiều hướng ấy hiển nhiên có lợi cho người dân ở bên trong, nhưng cũng đảo lộn cái trật tự u ám của khu vực Đông Nam Á - dưới bóng rợp của Trung Quốc. Hoa Kỳ có góp phần cho sự chuyển hướng đó. Nhưng chỉ góp phần mà thôi vì động lực chính vẫn xuất phát từ dân Miến.

Bài này sẽ tìm hiểu về vai trò mà người viết nhấn mạnh là "góp phần". Nhìn từ Hoa Kỳ thì Mỹ có góp phần, nhưng nhìn từ Miến Điện thì phần chính của sự chuyển hóa này là từ dân Miến...


***


Nhìn trong viễn cảnh dài, quan hệ giữa Miến Điện với Trung Quốc và với Hoa Kỳ đã là hai vòng xoáy.... ngược.

Lãnh đạo Miến đã cải thiện quan hệ với Bắc Kinh từ hơn 30 năm trước, chính thức là từ 1988, sau khi Đặng Tiểu Bình chấm dứt yểm trợ các tổ chức phiến loạn thân Trung Quốc, thậm chí theo chủ nghĩa cực đoan của Mao Trạch Đông, các nhóm "Mao-ít" hay Maoist. Ngược lại, cũng từ 1988, Hoa Kỳ đã trừng phạt Miến Điện về tội độc tài, đàn áp tôn giáo, và hạ tầm ngoại giao từ vị trí đại sứ xuống xử lý hai đại biện.

Thật ra, Miến Điện bị nạn độc tài từ nửa thế kỷ, từ năm 1962, và lụn bại dần dưới sự cai trị của các tướng lãnh. Nhưng, Bắc Kinh chẳng mấy phiền hà về chuyện đó như Hoa Kỳ. Và Mỹ rút tới đâu thì Thiên triều đỏ lấn tới đó, để xây dựng hệ thống độc tài bản xứ của mình, cho mình. Những gì xảy ra tại Hà Nội ngày nay có thể phải được nhìn thấy từ trước tại Miến Điện.

Quả nhiên là trong ba chục năm, Miến Điện trôi vào quỹ đạo "xã hội chủ nghĩa" dưới chế độ độc tài quân phiệt làm xứ sở lụn bại tới cùng cực. Sau khi thử nghiệm giải pháp dân chủ hình thức với cuộc bầu cử năm 1990 và bị đại bại, các lãnh tụ thủ tiêu kết quả bầu cử và giam giữ đối lập. Nổi tiếng nhất trong các khuôn mặt đối lập này là bà Aung San Suy Kyi.

Mọi sự thật ra bắt đầu chuyển động từ năm 2009 với vai trò ít ai nói tới của Nghị sĩ Jim Webb. Ông là con cá dò mìn, bơi vào vùng nước đầy thủy lôi có thể nổ từ hai bờ tả hữu....

Là Chủ tịch Tiểu ban Đông Á Thái bình dương trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Jim Webb đề xướng sáng kiến giao kết - đối thoại và hợp tác - với các quốc gia Đông Nam Á như một chiến lược ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực này. Tháng Tám năm đó, ông thăm viếng năm nước Đông Nam Á trong hai tuần, kể cả Việt Nam và Miến Điện.

Tại Miến Điện, hôm 14 Tháng Tám năm đó, Nghị sĩ Jim Webb gặp lãnh tụ quân phiệt là Tướng Than Swee lẫn bà Aung San Suu Kyi khi ấy còn bị quản thúc. Chuyến thăm viếng này xảy ra đúng ba tháng sau khi bà bị các tướng bắt tại nhà và đưa vào tù!

Với kinh nghiệm lâu dài về Á Châu, ông Webb đề nghị Hoa Kỳ gỡ bỏ dần lệnh cấm vận để cải thiện quan hệ với Miến Điện tùy mức độ chuyển hóa của chế độ. Ông thực tế vào tận nơi mở đường cho việc nhìn Hoa Kỳ lại cục diện Đông Nam Á trong bối cảnh Đông Á.

Sau đó mới có vụ Ngoại trưởng Hoa Kỳ (Hillary Clinton) chính thức thăm Miến Điện vào cuối năm 2011 - lần đầu tiên kể từ năm 1955. Bà hội kiến Tổng thống Then Sein tại thủ đô Naypyidaw rồi Aung San Suu Kyi tại (cố đô) Yangon hay Rangoon - xưa ta dịch là Ngưỡng Quang. Sau đó mới là việc Ngoại trưởng Mỹ xông thẳng vào hồ sơ Mekong, gặp riêng Bộ trưởng Ngoại giao của các nước dưới hạ nguồn con sông đã bị Trung Quốc khống chế trên thượng nguồn: Thái Lan, Việt, Miên, Lào và Miến Điện.

Rồi từ đầu năm nay, Hoa Kỳ nâng cấp bộ ngoại giao giữa hai nước lên hàng Đại sứ trong khi dân Miến chuẩn bị đi bầu.... Chi tiết lý thú và ý nghĩa là Đại sứ quán Hoa Kỳ vẫn nằm tại Rangoon, chứ không ở thủ đô giữa rừng của chế độ là Naypyidaw.


***


Miến Điện đã từng là cường quốc Đông Nam Á và thuộc loại trù phú nhất. Hơn hẳn Việt Nam rất xa – xin lỗi bà con! - mà cũng từng là quốc gia bán gạo nhiều nhất thế giới, trước Thái Lan và Việt Nam.  

Trên một lãnh thổ rộng gấp đôi Việt Nam, với dân số hiện chỉ có 60 triệu, xứ này là một kho tài nguyên gồm có dầu, khí, than, thiếc, đồng, uranium, ngọc, gỗ quý, và cả mạng lưới thủy điện dồi dào nhờ địa dư đầy núi rừng và thác nước.... Nhưng địa dư xứ này cũng đẩy dân Miến, chả mấy khác dân Việt, vào giữa hai đại cường và hai nền văn hoá Ấn Độ và Trung Hoa.

Tiếp giáp với cả Ấn Độ ở hướng Tây-Bắc và Trung Quốc ở hướng Đông-Bắc, lãnh thổ Miến nằm trên Vịnh Bengal nối liền Ấn Độ dương với Thái bình dương, qua eo biển Malacca sinh tử cho kinh tế Á Châu.

Khi lui về chế độ độc tài, Miến Điện trôi vào quỹ đạo Trung Quốc và bị bần cùng hóa với tốc độ chóng mặt. Từ một quốc gia thịnh vượng, nay Miến Điện có hệ thống y tế đứng hạng chót thế giới. Khi ra khỏi chế độ độc tài - trong một tiến trình còn bất trắc và tùy thuộc dân trí lẫn dân khí -  Miến Điện sẽ tự giải phóng khỏi bóng rợp u ám của Trung Quốc.

Hết là một nơi bị Thiên triều đỏ mặc tình bóc lột nhờ cấu kết với lãnh đạo độc tài, xứ này sẽ trở thành một trung tâm kinh tế nối liền tiểu lục địa Nam Á (Ấn Độ) với các nước Đông Nam Á bên Thái bình dương và nối liền các tỉnh Trung Quốc bị khóa trong lục địa, thí dụ như Vân Nam, với biển nóng ở bên dưới. Miến Điện sẽ không là... "tiền đồn của thế giới tự do" vây quanh Trung Quốc: bài học đáng nhớ cho nhiều xứ Đông Nam Á - lại xin lỗi bà con!

Nhưng là trung tâm giao tiếp với thế giới, nhất là với Ấn Độ.

Do di sản của Đế quốc Anh, dân Ấn tại Miến đã từng giữ vai trò trọng yếu về kinh doanh, tương tự như thành phần Hoa kiều tại nhiều xứ khác. Do vị trí địa dư, Ấn Độ và cả Bangladesh đều có lợi khi hợp tác với Miến Điện. Và mối lợi đó cũng phù hợp với quyền lợi và an ninh của Hoa Kỳ.


***


Hoa Kỳ đã từng lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm vì những tội danh có thể làm... Hà Nội đỏ mặt  - vì độc tài chưa tới, ngay giữa thời chiến! Hoa Kỳ cũng từng bang giao rồi yểm trợ chế độ độc tài và tuyệt đối tham nhũng tại Hà Nội ngay trong thời bình. Ngoài mối lợi dù sao còn nhỏ nhoi cho doanh nghiệp Mỹ, đối sách đầy thông cảm - tới lợm giọng - của Mỹ vẫn không đạt kết quả là góp phần xây dựng một nước Việt Nam ổn định và độc lập trước đà bành trướng của Trung Quốc.

Cũng chính mối nguy bành trướng đó, từ sau Chiến tranh Cao Ly cho tới Điện Biên Phủ 1954, khiến Mỹ thục mạng nhảy vào Việt Nam mà... chẳng hiểu gì cả. Sau đó là lịch sử bi thảm, khi Hoa Kỳ nghĩ lại, giao kết với Trung Quốc từ 1972 và tiền đồn thế giới tự do trôi xuống biển....

Bây giờ, 40 năm sau, Hoa Kỳ lại nghĩ lại nữa! Là chuyện ngày nay.

Lãnh đạo Miến Điện – bên trong chế độ và bên ngoài xã hội – không thể không thấy những điều này, từ phía Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ. Họ dám chọn lựa và đang thử nghiệm giải pháp có vẻ rủi ro là dân chủ. Sự chọn lựa đó đang chuyển dịch cả cục diện kinh tế và chiến lược trong khu vực trải rộng từ Ấn Độ dương qua Thái bình dương. Ngần ấy quốc gia liên hệ - chứ không riêng Hoa Kỳ - cũng đều theo dõi và có khi ngầm tác động vào sự chọn lựa này. 


Khi theo dõi số phận của nhiều hợp đồng ký kết giữa Miến Điện với Bắc Kinh, ta có thể thấy ra điều ấy. Cũng như khi tìm hiểu về dự án dẫn khí đốt nối liền Calcutta ở tiểu bang Tây Bengal của Ấn qua Chittagong của Bangladesh và Rangoon của Miến (xin ngó vào tấm bản đồ), ta đoán ra triển vọng hợp tác lâu dài của Miến Điện với các lân bang khác, thay vì chỉ là một chư hầu hay vùng phiên trấn của Bắc Kinh.

Vì vậy, vấn đề không chỉ là vai trò của bà Aung San Suu Kyi hay những tính toán của Hoa Kỳ. Người dân Miến Điện, kể cả hệ thống quân đội xứ này, đang chọn lấy một định mệnh khác – mà không sợ.

Hà Nội nghĩ sao?....

6 nhận xét:

  1. Cảm ơn Bác Nghĩa đã viết rất nhiều bài bổ sung kiến thức cho người còn u minh.
    Mong bác kiến giải thêm về đoạn này Hoa Kỳ đã từng lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm vì những tội danh có thể làm... Hà Nội đỏ mặt - vì độc tài chưa tới, ngay giữa thời chiến! Hoa Kỳ cũng từng bang giao rồi yểm trợ chế độ độc tài và tuyệt đối tham nhũng tại Hà Nội ngay trong thời bình. Ngoài mối lợi dù sao còn nhỏ nhoi cho doanh nghiệp Mỹ, đối sách đầy thông cảm - tới lợm giọng - của Mỹ vẫn không đạt kết quả là góp phần xây dựng một nước Việt Nam ổn định và độc lập trước đà bành trướng của Trung Quốc..

    Trả lờiXóa
  2. Xin được trả lời độc giả Gió Chuối ở trên:

    Các bài viết cho nhật báo Người Việt tại California thường phải ngắn nên nội dung cô đọng. Chuyện Hoa Kỳ vào Việt Nam lại là đề tài phức tạp và rất dài. Xin tóm lược lại vài dòng những điều đã viết từ... mấy chục năm nay, có những bài đã yết lại trên Dainamax Magazine:

    Từ 1945 tới khi triệt thoái năm 1973, Hoa Kỳ có nhiều mục tiêu dời đổi tại Việt Nam. Mục tiêu "giải thực" - tháo gỡ chế độ thực dân Pháp - thời Roosevelt, rồi lại ngập ngừng cùng Pháp be bờ ngăn chặn sự bành trướng của cộng sản thời Truman, Eisenhower, hoặc xây dựng tiền đồn thế giới tự do thời Kennedy....

    Trong khi ấy, Hoa Kỳ không định nghĩa nổi hình thái chiến tranh tại Việt Nam.

    Hoa Kỳ KHÔNG đưa ông Diệm về cầm quyền và ban đầu còn không tin là ông Diệm có thể lãnh đạo miền Nam hoặc tồn tại được sau mấy tháng. Khi thấy ông Diệm có vẻ thành công thì mới yểm trợ và đưa ông lên mây xanh - thời Eisenhower.

    Sau thất bại với Liên Xô tại Cuba, Kennedy muốn biểu dương ý chí chống cộng ở một nơi xa xôi và an toàn hơn cho nước Mỹ, là Việt Nam, trong khi vẫn muốn dàn xếp thương thảo với Liên Xô, kể cả chấp nhận trung lập hóa nước Lào qua Hiệp định Genève 1962. Chính quyền Ngô Đình Diệm không đồng ý và trở thành một chướng ngại.

    Tội độc tài gia đình trị được thổi phồng và những nhược điểm của một chế độ dân chủ non yếu, lần đầu tiên có độc lập kể từ 1884, trong một xứ chiến tranh, đã trở thành vấn đề khả dĩ đe dọa cuộc tranh cử tổng thống của Kennedy vào năm 1964. Chế độ này bị bức tử!

    Nếu so sánh nhược điểm của miền Nam dưới hai nền Cộng Hoà, từ 55 đến 75, thì những gì đang xảy ra tại Hà Nội còn tệ hại gấp bội, khi chiến tranh không còn nữa. Nhưng chẳng sao! Hoa Kỳ tái lập bang giao, viện trợ và yểm trợ Việt Nam từ 1996 đến nay....

    Một thí dụ khác: tăng ni Tây Tạng tự thiêu để phản đối Trung Quốc mà báo chí và lãnh đạo Mỹ có làm lớn chuyện như hồi Tháng Tám năm 1963 dưới thời ông Diệm không?

    Kết luận: có xã hội cởi mở, kinh tế tự do và chính trị dân chủ hay không là do người dân, chứ không do Hoa Kỳ - hay bất cứ một nước nào khác. Dân Miến Điện dám làm chuyện ấy, khi thế lực của Trung Quốc vẫn còn mạnh ở trong nước, là điều ta nên suy nghĩ....

    Đôi dòng ngắn gọn về những chuyện quá dài, với lời cảm tạ.... NXN

    Trả lờiXóa
  3. Chào chú thân mến,

    Cháu nghĩ, họ biết hết, nhưng vì lợi danh, họ thí mạng cả dân tộc.

    Cháu muốn tìm đọc tất cả các bài của chú mà không biết tìm ở đâu?

    Chúc chú sức khỏe và an lành!

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn Bác Nguyễn Xuân Nghĩa về một cách nhìn công tâm thực tại VN. Chúc bác khỏe và còn viết nhiều bài hơn nữa, mong bài của bác từng ngày. Kính bác

    Trả lờiXóa
  5. Xin quý độc giả chịu khó tìm lại các bài viết của tác giả trên hai trang chuyên đề của nhật báo Việt Báo và Người Việt, xuất bản tại California, theo mạch dẫn ở dưới.

    Ngoài ra, còn các bài phỏng vấn định kỳ của đài Á châu Tự do (RFA) và đài Phát thanh Quốc tế Pháp (RFI).

    Các bài khác đã niêm yết sẽ lần lượt được trình bày lại sau này, kể cả loại bài trong chương trình phát thanh "Giờ Giải Ảo".

    Và xin cảm tạ sự chú ý theo dõi. NXN


    http://www.vietbao.com/D_1-2_2-44_10-2505_12-1/

    http://www.nguoi-viet.com/Cotbaothuongxuyen-NVO.asp

    Trả lờiXóa
  6. Ngày trước vào thư viện đọc sách thì đến hơn phân nửa đầu sách là sách dịch của Trung Quốc.Từ sách về các triều đại của Trung Quốc đến sách về thời Cách mạng văn hóa.Bây giờ trên các kênh sóng truyền hình ở Việt Nam.Trừ hệ thống truyền hình trả tiền còn xem được các kênh nước ngoài.Còn các kênh sóng của Truyền hình Việt Nam đến các đài địa phương phim Trung Quốc được phát một cách tràn lan.Chẳng thấy ai thống kê xem nó chiếm bao nhiêu % nhưng hình như nó chỉ có tăng lên chứ không có giảm xuống.Đây cũng là một nguy cơ rất lớn nhưng ít thấy được nhắc đến.

    P/s:Bên trang dainamax.org ngày trước còn có rất nhiều bài viết có giá trị mà giờ không còn vào được

    Trả lờiXóa