Luân vũ tay ba giữa Hoa Kỳ, Israel và Iran...
* Từ Israel vào Iran phải đi đường vòng - qua tận Hoa Kỳ *
Với giá xăng dầu đang làm nước Mỹ nhức đầu, liệu một cuộc chiến với Iran có xảy ra không? Câu hỏi ấy ám ảnh các thị trường và từng gia đình Hoa Kỳ trong một năm tranh cử. Bỉnh bút Nguyễn-Xuân Nghĩa lại có câu trả lời bóng gió....
Cuộc chiến với Iran có xảy ra hay không? Câu trả lời mập mờ là... "còn tùy định nghĩa thế nào là một cuộc chiến!"
Ra vẻ uyên bác thì có bài diễn văn của Nghị sĩ John Kerry ngày ông nhận sự vụ lệnh của đảng Dân Chủ ra tranh cử Tổng thống năm 2004: "Hoa Kỳ không bao giờ muốn chiến tranh. Mà chỉ tham chiến khi bị bắt buộc."
Thực tế thì mọi quốc gia đều có thể chọn lựa là tham chiến hay không. Và trong hiện tại, Hoa Kỳ không muốn mở thêm một cuộc chiến nữa, với Iran.
Hôm mùng chín Tháng Ba, tờ Wall Street Journal có bài tham luận của ba tác giả với tựa đề là "Không Thể Để Iran Có 'Khả Năng' Hạch Tâm" – Iran Can't Be Allowed Nuclear 'Capability'.
Nếu không muốn xứ này chế tạo võ khí hạch tâm, còn nguy hiểm hơn võ khí nguyên tử, mà can gián không được, can ngăn không xong thì phải can thiệp. Và can thiệp trước khi "khả năng" biến thành thực tế. Ba tác giả này không là bình luận gia mà là Nghị sĩ.
Đó là Robert Casey đảng Dân Chủ, người đã thắng Nghị sĩ Cộng Hoà Rick Santorum năm 2006 với 18 điểm, là Lindsey Graham bên Cộng Hoà và Joe Lieberman, diều hâu Dân Chủ nay đứng Độc Lập. Bài viết nhấn mạnh đến yếu tố ngăn ngừa trước khi gặp sự đã rồi, là khi Iran có võ khí tuyệt đối và trở thành mối nguy cho cả thế giới.
Nếu can gián và trừng phạt không xong thì làm sao can thiệp? Và can thiệp thế nào để "tránh một vụ xung đột quân sự"?
Cho nên, ngần ấy xu hướng chính trị tả hữu có thể tranh luận, thậm chí đả kích nhau, nhưng không ai muốn nước Mỹ lại lâm chiến nữa. Tránh xung đột quân sự mà đạt kết quả là giải giới Iran về võ khí hạch tâm là một mục tiêu của Hoa Kỳ.
Dù mới chỉ là một mục tiêu thôi thì cũng đã là nan giải.
***
Thật ra, vấn đề cũng chẳng là võ khí hạch tâm mà Iran muốn có, đang cố thực hiện sau khi đã thấy tiền lệ "không đến nỗi nào" của Bắc Hàn. Dùng võ khí hủy diệt để tống tiền thiên hạ là một cách đầu tư sáng suốt! Dù hơi liều lĩnh.
Iran muốn thành đại cường trong khu vực và với khả năng quy ước hiện nay thì đã là thế lực đáng kể, nhất là với lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, một quân đội riêng nằm ngoài quân đội. Iran còn có cánh tay nối dài đến tận Lebanon với lực lượng Hezbollah, đến Syria, một chế độ độc tài đang bị lên án, và đến Israel qua lực lượng Hamas trên Dải Gaza. Iran còn có thể sử dụng võ khí nguyên tử thật – theo kiểu tự sát – là khống chế Eo biển Hormuz và đầy giá dầu lên mây xanh cho Tổng thống Barack Obama thất cử.
Tính về rủi ro thì Chính quyền Obama không dám liều bằng các Giáo chủ Hồi giáo tại Tehran.
Nhìn về lâu dài, Chính quyền Tehran đang có cơ hội bằng vàng mà họ không để lỡ, dù có bị Tây phương phong toả kinh tế. Đó là sự hiện diện sút giảm của Hoa Kỳ trong Vịnh Ba Tư khi Mỹ cố tháo chạy khỏi Iraq và Afghanistan. Khoảng trống để lại, kể cả và nhất là tại Iraq, sẽ do Iran đảm nhiệm. Trong trường kỳ, với thế lực mới của một cường quốc cấp vùng, Iran sẽ tranh thủ được nhiều quyền lợi hơn về dầu khí, kể cả quyền đầu tư vào các nước Á Rập, xưa nay là vùng ảnh hưởng của Mỹ.
Mà phải đạt được những mục tiêu đó nhưng không gây chiến với Mỹ! Cho nên, đôi bên đều có điểm đồng tâm - là tránh xung đột quân sự.
Thì ta đấu tranh theo kiểu khác. Vì vậy mới có chuyện định nghĩa về chiến tranh.
Mà vấn đề cũng không chỉ có Hoa Kỳ và Iran.
***
Israel là quốc gia đã bị Iran hăm dọa tiêu diệt nên coi xứ này là mối nguy sinh tử.
Là nước dân chủ duy nhất trong một khu vực nhiễu nhương bất ổn, Israel đánh giá rủi ro khác hẳn Hoa Kỳ, một đồng minh ở xa và ngổn ngang trăm chuyện nội bộ. Nhưng triệt phá hệ thống chế tạo võ khí hạch tâm của Iran là chuyện không dễ, và có thể làm một mình. Giải pháp tốt đẹp là vận dụng sức Mỹ. Kể cả vận dụng bằng dọa nạt.
Một là cho thấy mình sẽ liều lĩnh làm tới khiến Hoa Kỳ phải miễn cưỡng can thiệp, hoặc nâng áp lực với Iran lên một mức cao hơn. Hai là hâm nóng không khi để đẩy giá xăng dầu cho Tổng thống Obama thất cử hầu Mỹ sẽ có lãnh đạo cương quyết hơn. Ba là tác động ngay vào dân Mỹ gốc Do Thái để ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tổng thống, bằng tiền ủng hộ tranh cử.
Ngoài Israel, các nước Hồi giáo khác trong khu vực cũng không yên tâm với triển vọng cường quốc của Iran, thuộc sắc dân Ba Tư.
Đó là Saudi Arabia, cường quốc của sắc dân Á Rập, đối thủ chính của Iran. Và xứ Turkey, cường quốc Hồi giáo thuộc sắc dân Thổ, đang củng cố ảnh hưởng nhân Mùa Xuân Á Rập đã văng miểng tùm lum.
Nhìn trên toàn cảnh, Hoa Kỳ đang tháo chạy và chưa biết tính sao để ngăn ngừa Iran mà khỏi mắc thêm cái tội truyền thống là bỏ rơi đồng minh như Saudi Arabia, sau khi đã bỏ rơi Hosni Mubarak của Egypt.
Khi nhìn lại cục diện như vậy, người ta nên nghĩ ra một định nghĩa khác của "cuộc chiến với Iran".
***
Thực tế thì chúng ta đang thấy hình thái chiến tranh bóng gió, với nhiều đòn hù, từng bước thoái lui nhịp nhàng mà nghẹt thở của một bản luân vũ tay ba!
Đấy là lúc chúng ta để ý đến một bản tin vào đầu Tháng Ba, do thông tấn xã Iran loan đi: một ống dẫn dầu đã nổ tan tành tại miền Đông của Saudi Arabia! Chưa thấy ai ném đá thì đã có kẻ thò tay tri hô, chỉ chỏ vào ngực mình. Đòn hù của Tehran.
Từ bên này, Israel cũng phóng ra nhiễu âm: Khi gặp Tổng thống Barack Obama vào tuần qua, Thủ tướng Binyamin Netanyahu đã yêu cầu là cùng Mỹ vạch ra từng lằn ranh mà nếu Iran vượt qua thì Hoa Kỳ và Israel sẽ có biện pháp trả đũa, kể cả tấn công các căn cứ hạch tâm. Tin đó là do báo chí Israel loan tải do sự tiết lộ từ trong Chính quyền Netanyahu ra.
Bước luân vũ của Israel là nếu Mỹ can Iran không được thì Israel sẽ nhập trận một mình và kéo theo Hoa Kỳ vào cõi "thiên hạ đồng tử". Đòn hù của Israel hướng vào cả Hoa Kỳ lẫn Iran. Ai yếu tim thì ráng chịu.
Hoa Kỳ thì chẳng dám rút ngòi nổ lúc này, nhưng vẫn đặt súng lên bàn và nói rằng một giải pháp quân sự thật ra chẳng có lợi. Cũng qua thủ thuật tiết lộ từ Chính quyền Obama cho cái loa trung thành của mình là nhật báo The New York Times. Iran bèn lập tức phụ họa: dụng binh là lợi bất cập hại. Huống hồ, Iran còn có những cách chống trả khác, như phong tỏa Eo biển Hormus, rút kíp nổ tại Lebanon hay trên Dải Gaza, quậy Syria cho thêm tan tành, hoặc... cho kho dầu của Saudi nếm mùi du kích. Là mục tiêu của bản tin bất ngờ hôm mùng một Tháng Ba. Cho nên thà đàm hơn đánh.
Chúng ta trở lại chuyện "vừa đánh vừa đàm" giữa Hoa Kỳ và Iran.
***
Hoa Kỳ từ thời Chính quyền George W. Bush đã tiến hành chiến lược đó. Chính quyền Obama cũng vậy.
Sự khác biệt là nối tiếng cao bồi ngang ngược ông Bush nhấn mạnh đến vế đánh và quả nhiên là có vẻ đáng sợ hơn. Ông Obama thì nhấn mạnh đến vế đàm và thực tế đã nhiều lần gửi thư riêng cho Đại Giáo chủ Ali Khamenei, lãnh tụ tối cao của Iran. Chính quyền của ông cũng xác nhận rằng hai nước vẫn có đường dây tiếp xúc và liên lạc, để trực tiếp nói chuyện.
Cũng vì thế, hôm mùng tám vừa qua, Khamenei dịu giọng ngợi ca Tổng thống Mỹ là đã biết nhấn mạnh đến giải pháp ngoại giao.
Tháng tới, Iran sẽ đàm phán về chương trình Hạch tâm tại Turkey với Nhóm P-5+1 là năm nước trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (Anh, Mỹ, Pháp, Nga và Tầu) cộng thêm nước Đức. Đấy là phần đàm rất du dương huê dạng để Iran giải trừ áp lực cấm vận và Obama giảm nhiệt dầu thô khi đang tái tranh cử.
Chỉ căn cứ trên những sự thể này, ai cũng có thế đoán rằng chiến tranh rất khó xảy ra.
Nhưng, "cư an tư nguy" cũng là một thành ngữ... Do Thái. Israel có khi lại tính khác, với những hậu quả bất lường! Và nhìn về dài, khi cả Hoa Kỳ lẫn Âu Châu đều đang tiết giảm ngân sách quốc phòng thì các nước đang lên đều ráo riết thi đua võ trang. Đấy là điều kiện khách quan cho những biến cố bất ngờ nháng lửa.
Với bản luân vũ Iran này, Hoa Kỳ có thể tạm tránh được một cuộc chiến. Cho đến ngày Saudi Arabia cũng sẽ trang bị võ khí hạch tâm... Nói vắn tắt: Hoa Kỳ không muốn chiến tranh Iran bùng nổ, nhưng có khi vẫn phải chọn lựa giải pháp quân sự, miễn là sau cuộc bầu cử tổng thống.
Các Tổng thống Dân Chủ thường e ngại chiến tranh, nhưng cũng vẫn là người khai chiến nhiều hơn các Tổng thống Cộng Hoà. Và Chính quyền Israel hiểu ra điều ấy.
nhớ và thèm cái kho dainamaxmagazine, truy lại, bỉ ổi hiện lên. Họ chiến thắng, bởi họ là hiện thân của bỉ ổi!
Trả lờiXóaThưa bác!
Trả lờiXóaHồi đánh Iraq của chính quyền Gorge W. Bush, ông Tony Blair cũng "thăm" Mỹ vài ngày. Nay thì ông thủ tướng đương nhiệm David Cameron cũng dậy. Liệu lịch sữ có lặp lại không?
Em cung nho trang dainamaxmagazine, bay gio khong con doc duoc nua. Bac Nghia oi, lam sao co duoc archived cua trang dainamaxmagazine xin cho chau mot copy. Cam on bac voi may bai viet hay va dzi dzom, moi lan doc bai viet cua bac lam chau vui va cuoi mai.
Trả lờiXóaTác giả vẫn còn các bài cũ và sẽ lần lượt niêm yết lại cho quý độc giả. Nhưng sẽ hơi mất thời giờ làm lại và vì cần một khuôn viên hay khuôn khổ khang trang hơn cho ngôi nhà Dainamax.
Trả lờiXóaXim cảm tạ về sự luyến tiếc của rất nhiều độc giả.
NXN
Cam on bac Nghia nhieu. Biet la se post lai cung mot website Dainamx la vui roi :)
Trả lờiXóa