Thứ Sáu, tháng 3 02, 2012

Trái Bóng Hy Lạp Lăn Ra Ngoài Biên


Nguyễn-Xuân Nghĩa- Việt Tribune Ngày 20120301

Hy Lạp có thể ra khỏi khối Euro. Và cũng nên....
 



Hy Lạp có phải ra khỏi khối Euro - tự nguyện hay chăng – thì không là chuyện lạ. Sau đó là gì thì chưa ai biết.

Từ ba năm nay, Chính quyền Hy Lạp chật vật đối phó với cơn khủng hoảng để tránh tai họa vỡ nợ. Bên ngoài, các quốc gia trong khối Euro và Liên hiệp Âu châu thì gây áp lực, bằng cách hứa hẹn xoá bớt một số nợ với điều kiện quốc gia này phải chấn chỉnh chi thu, nôm na là áp dụng chế độ kinh tế khắc khổ. Bên trong, người dân không chấp nhận khắc khổ và áp lực quốc tế - nhất là của Đức - họ coi đó là một sự tước đoạt chủ quyền.

Bên ngoài khối Euro của 17 quốc gia, các nước khác trong Liên hiệp Âu châu cũng không muốn Ngân hàng Trung ương Âu châu ECB phải chìa vai gánh nợ cho Hy Lạp. Mà không giải quyết việc này, khủng hoảng từ Hy Lạp sẽ lan qua các nước khác của Âu Châu.

Bên ngoài lục địa này, các nước khác cũng không muốn Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF phải châm tiền chuộc nợ cho Âu Châu. Hội nghị tuần qua tại Mexico của các Tổng trưởng Tài chánh trong khối G-20 đã nói lên điều đó. Dõng dạc nhất là quan điểm của Tổng trưởng Hoa Kỳ.

Trong khi ấy, nằm giữa lốc xoáy của trận bão, khủng hoảng tài chánh đã lây lan thành khủng hoảng chính trị tại Hy Lạp.

Sau khi các nước Âu châu đuổi - chữ chính xác mà hơi ác - Thủ tướng Georgio Papandreou năm ngoái, Chính phủ liên hiệp Hy Lạp đang mất dần ảnh hưởng với dân chúng. Đây là liên minh giữa đảng Tân Dân chủ theo xu hướng trung hữu với đảng PASOK (Phong trào Xã hội Chủ nghĩa Pan-Hellenic) theo xu hướng trung tả và một đảng cực hữu rất nhỏ là Popular Orthodox Rally, được thành hình trong mục tiêu huy động quần chúng ủng hộ một chương trình đủ khắc khở để được quốc tế cho xoá bớt nợ.

Thực tế thì cả quốc tế cũng không hài lòng và không tin mà dân chúng Hy Lạp lại kịch liệt chống đối.

Theo những thăm dò mới nhất, cả hai đảng Tân Dân chủ lẫn PASOK đều mất hậu thuẫn và đa số ủng hộ là 77% nay chỉ còn 32%, trong khi ba đảng rất biên tế ở cánh cực tả, kể cả đảng Cộng sản, đều lên như diều, với mức hậu thuẫn nay đã lên tới 37%. Chủ trương của phe cực tả là Hy Lạp nên đơn phương tuyên bố vỡ nợ. Có ra khỏi khối Euro cũng được.

Nhưng vấn đề không chỉ là tỷ lệ hậu thuẫn 32-37 giữa liên minh đang cầm quyền và muốn cứu hỏa với ba đảng cực tả thì đòi buông hết.

Vấn đề là phong trào chống đối của dân chúng đã có sắc thái bạo động hơn. Và càng ngày càng muốn sử dụng bạo lực. Chìm sâu bên dưới là một hiện tượng xã hội khác: cư dân trong thủ đô và các thành phố lớn đã rút dần ra ngoài. Ra ngoại ô hoặc ngoại quốc. Họ di tản và để lại một khoảng trống trong thành phố, nơi sẽ có bạo động.

Như vậy, ta thấy các đảng phái chính trị truyền thống ở trên đang mất quần chúng và quyền lực, để lại chính trường cho những đảng cực đoan và để lại phố phường cho những người bạo động! Hiện tượng đó tại Hy Lạp có thể tái diễn nơi khác và khủng hoảng tài chánh Âu châu đang dẫn tới khủng hoảng chính trị.

Trong bối cảnh đó, chúng ta mới nêu câu hỏi là vì sao Hy Lạp phải trả cái giá quá đắt như vậy? Mà không chỉ có Hy Lạp.

Một loạt quốc gia ở vùng biên tế, ngoài rìa, của Âu Châu đang gặp vấn đề. Đó là Hy Lạp, Bồ Đào Nha (Portugal), Tây Ban Nha (Spain), Ý Đại Lợi (Italy) và cả Ái Nhĩ Lan (Ireland). Các quốc gia này không trả được nợ và bị thiếu thanh khoản, hiện kim, tiền mặt, do tích lũy một khoản nợ quá lớn bằng một đồng tiền mà họ không phá giá được vì là đồng bạc chung, đồng Euro. Sở dĩ không trả được nợ vì vay quá nhiều và gặp bong bóng tín dụng do sai lầm về chánh sách tiền tệ.

Dù hoàn cảnh mỗi nước mỗi khác, cái ách chung là núi nợ quá lớn đã ụp lên đầu ngần ấy nước. Hy Lạp và Ý thì gánh núi nợ của công quyền, gọi là "quốc trái". Tây Ban Nha và Ái Nhĩ Lan thì bị gánh nợ của tư nhân. Bồ Đào Nha thì ôm cả hai núi nợ công và tư. Hy Lạp và Bồ Đào Nha thì khó trả được nợ, Ý và Tây Ban Nha thì đang thiếu thanh khoản. Cho nên, khai báo vỡ nợ có thể là giải pháp cho họ. Nhưng sau đó thì vẫn có một đồng bạc định giá quá cao mà họ không phá giá được.

Trừ phi ra khỏi khối Euro và dùng đồng tiền riêng.

Những sai lầm và phung phí của quá khứ là chuyện đã qua nên có quy trách thì cũng chẳng giải quyết được vấn đề trước mặt. Trong hoàn cảnh hiện nay, đi đầu và đứng bên bờ vực, Hy Lạp có thể phải chấp nhận vỡ nợ, rồi xóa một số nợ bằng biện pháp gây lạm phát và phá giá đồng bạc sau khi ra khỏi khối Euro. Ta về ta tắm ao ta, rau cháo có nhau, nín thở qua sông, v.v....

Đây là kịch bản tưởng như hãn hữu.


***


Thật ra, hiện tượng xé chiều ngồi riêng hay ly khai về tiền tệ như vậy đã từng xảy ra trong lịch sử. Gần bảy chục quốc gia đã làm như vậy trong thế kỷ 20.

Gần nhất và dễ nhớ hơn thì có trường hợp Đế quốc Hung-Áo năm 1919, của Ấn Độ và Cộng hoà Hồi quốc Pakistan năm 1947, rồi của Pakistan với Cộng hoà Đông hồi Bangladesh năm 1971. Gần hơn nữa thì có các nước trong Liên bang Xô viết năm 1992 và Tiệp Khắc (Czechoslovakia) năm 1993 khi xứ này chia hai thành Cộng hòa Tiệp và Slovakia, một sự chia tay đằm thắm....


Bây giờ, nếu Hy Lạp lăn bóng ra biên và không còn ở trong khối Euro nữa, chuyện gì sẽ xảy ra?

Trước hết, có chuyện... đổi tiền. Xin đừng sợ, không phải là chuyện ăn cướp ở miền Nam sau 1975!

Trên lãnh thổ Hy Lạp sẽ có hai đồng tiền, đồng Euro (cũ) và đồng Drachma mới (mà cũ), ít ra là trong dăm ba tháng. Tiền mới sẽ do viện phát hành tuôn ra từ máy in, còn đồng Euro thì bị thu hồi. Và trở thành vô giá trị sau khi bị... xâm vào trán bằng con dấu đỏ, hoặc bị đục lỗ, v.v.... Chế độ kiểm soát hối đoái được thiết lập tại biên giới (mở ngỏ cho hàng hoá và dân chúng trong khuôn khổ Âu Châu thống nhất) để tránh nạn tẩu tán đồng Euro sạch, chưa bị đánh dấu. Tất nhiên là vẫn có nhiều khoản tài sản bị thất thoát vì vượt biên tỵ nạn trong các trương mục ngân hàng ở xứ khác. Nhưng rồi đồng Drachma xuất hiện ngày một nhiều hơn nhờ tốc độ một ngày ba ca của nhà in....

Trong vòng từ ba đến sáu tháng, tình hình sẽ khá tèm lem vất vả.

Rồi Hy Lạp có toàn quyền quyết định về hối suất hay trị giá đồng bạc mới so với đồng Euro để giải quyết việc thanh toán các khoản nợ của nhân dân với nhau. Còn các khoản nợ ngoại quốc (của người dân và chính phủ Hy Lạp) thì phải có sự quy định của một cơ chế Âu châu có thẩm quyền về trái phiếu hay tín dụng.

Đấy là lúc người ta nói chuyện về tự nguyện ly khai hay bị trục xuất. Các quốc gia thật ra đều muốn Hy Lạp còn sống sót và không bị đại loạn, việc lăn bóng ra biên chính là giải pháp cho nhu cầu đó.

Từ quyết định ly khai này, người ta sẽ gặp hiện tượng xin tạm gọi là kiện toàn sổ sách kế toán, nói nôm na là thanh toán nợ nần trong vòng phải đạo. Các khoản tín dụng nội địa (thẻ tín dụng hay nợ gia cư) sẽ do chính quyền thanh thỏa thay cho các ngân hàng và việc định giá lại khoản nợ theo hối suất mới thì cũng sẽ xoá bớt một số nợ nần cho tư nhân (kể cả tư doanh).

Chuyện rắc rối hơn sẽ là khoản ngoại trái của các doanh nghiệp Hy Lạp đã vay mượn nước ngoài bằng đồng Euro chẳng hạn. Bây giờ làm sao thanh toán bằng đồng Drachma? Họ sẽ dễ phá sản vì trả nợ cũ bằng đồng tiền mới, hiển nhiên là có giá trị thấp hơn nên phải mất nhiều tiền hơn. Các nước Đông Á bị khủng hoảng thời 1997-1998 đều gặp chuyện này khi nhiều doanh nghiệp vỡ nợ. Nhưng sau đó, các doanh nghiệp đã có một nền tảng kế toán, bảng kết toán tài sản, thăng bằng hơn, để rồi tiếp tục là rồng cọp bay lên.

Khủng hoảng nợ nần của Âu Châu có thể còn tàn tệ hơn các cuộc khủng hoảng tương tự trong những nước gọi là đang phát triển, như Argentina, Mexico, khối Đông Á, và việc thoát hiểm cũng có thể học ra từ kinh nghiệm của các nước này.

Hậu quả cho Hy Lạp: Kinh tế sẽ suy trầm nặng trong một vài năm rồi sẽ phục hồi vì từ đó các doanh nghiệp vẫn có thể vay mượn trên thị trường quốc tể để sản xuất. Nếu họ chịu khó đi làm hơn là du dương hát hỏng ngoài bờ biển tuyệt vời và chờ chính quyền trợ cấp.

Các quốc gia biên tế kia cũng thế. Nếu họ ra khỏi khối Euro thì trên thị trường Âu Châu sẽ xuất hiện các đồng bạc mới, bị phá giá, như đồng Pesetas, Escudos, đồng Lires hay đồng Punts. Khi ấy, người ta sẽ thấy nhiều nước vỡ nợ, nhiều doanh nghiệp khánh tận, đồng bạc hết được giàng giá vào một ngoại tệ khác mà được thả nổi - hoặc nhất thời nằm trong chế độ quản lý hối đoái, như nhiều nước Đông Á đã tạm thời áp dụng sau vụ khủng hoảng 1997. Sau những tháng trầm luân, các nước mắc nợ này vẫn còn cơ hội phục hồi. Thay vì cứ dập dình chìm lỉm như trong mấy năm qua – và gieo họa cho thế giới.

Còn lại, khối Euro sẽ là gì, Liên hiệp Âu châu sẽ ra sao, chúng ta có thể tìm hiểu trong một dịp khác, sau khi thấy là như nhiều quốc gia bị khủng hoảng và xé chiếu trong quá khứ, những nước đang mấp mé ngoài biên của Âu châu có thể lăn ra ngoài và đứng dậy được.

Còn hơn là nằm trên sân cỏ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét