Thứ Ba, tháng 2 19, 2013

Chiến Tranh Hối Đoái?


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 130217
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Một cuộc chiến không tiếng nổ, chỉ có tiếng tiền....

 * Úm ba la, ba ta cùng phá giá! *


Mở hàng hôm Thứ Hai 18, thị trường cổ phiếu Tokyo lên giá. 

Giới quan sát giải thích là nhờ hội nghị giới lãnh đạo tài chánh và ngân hàng của nhóm G-20 tại Nga đã không đả kích Nhật Bản là cố tình giảm giá đồng Yen để kích thích kinh tế. Cái tin nhỏ ấy cho thấy là từ một tuần nay, hai hội nghị liên tiếp của nhóm G-7 rồi G-20 đều trấn an thị trường tài chánh thế giới rằng các nước không lao vào một cuộc chiến hối đoái khi đua nhau giảm giá đồng bạc của họ.... Tuần qua, tờ Economist còn đi xa hơn. Rằng thế giới đừng sợ cuộc chiến giữa các đồng ngoại tệ, nên mừng về quyết định của Nhật Bản và Hoa Kỳ, và rằng Âu châu nên bắt chước việc đó....

Nhưng nếu không có lửa, vì sao có khói? Mà khói đã bốc lên từ khá lâu rồi!

Ngày 27 Tháng Chín năm 2010, Tổng trưởng Tài chánh xứ Brazil là kinh tế gia (gốc Ý) Guido Mantega đã báo động tại São Paulo. Rằng "chúng ta đang ở giữa một cuộc chiến hối đoái quốc tế khi các nước đều giảm giá đồng bạc. Điều ấy đe dọa sức cạnh tranh của chúng tôi".

Ta phải nhắc lại vụ này vì qua năm năm khốn khó, nhiều quốc gia tìm cách kích thích sản xuất và tiêu thụ để đẩy lui thất nghiệp và kéo nền kinh tế ra khỏi tình trạng suy trầm.

Vì biện pháp kích thích bằng tiền tệ - giảm lãi suất cho vay – không công hiệu, các nước áp dụng biện pháp ngân sách, là tăng chi. Mà chỉ gây thêm bội chi và phải vay mượn nhiều hơn chứ kinh tế vẫn đầy ra ý là ỳ ra đấy. Khi cả hai loại biện pháp cổ điển đều vô hiệu, người ta tung ra đòn bất thường hãn hữu, là "gia tăng mức lưu hoạt có định lượng" hay "quantitative easing", QE.

Trong một kỳ khác, ta sẽ tìm hiểu vì sao QE chỉ là biện pháp in tiền ảo để bơm vào kinh tế. Chuyện cần biết ở đây là ngần ấy trường hợp can thiệp đều chậm đạt kết quả mà dẫn tới hệ quả là làm đồng nội tệ mất giá so với các ngoại tệ khác. Khi đồng bạc giảm giá thì hàng xuất cảng ra ngoài sẽ thành rẻ hơn, dễ bán hơn, và nhập cảng lại đắt hơn: kết quả có lợi cho xuất cảng của mình mà bất lợi cho nhập cảng - tức là xuất cảng của xứ khác.

Hoàn cảnh ấy có kích thước quốc tế vì nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản và nhiều nước Âu Châu đã thực tế can thiệp vào thị trường hối đoái và mang tiếng là.... đánh võ Tầu. Vì cũng làm như Trung Quốc trong nhiều năm liền: duy trì hối suất thấp của đồng Nguyên (Nhân dân tệ hay Renminbi) để kích thích xuất cảng.

Xứ Brazil than phiền là họ bị cạnh tranh bất chính khi ngân hàng trung ương của các nước Âu-Mỹ-Nhật và thậm chí Nam Hàn hay Đài Loan đều can thiệp vào thị trường hối đoái để đua nhau phá giá đồng bạc. Chuyện chiến tranh hối đoái xuất phát từ đó.

Nó càng là đề tài nóng khi ông Shinzo Abe đắc cử Thủ tướng Nhật vào Tháng 12 vừa qua. Khi tranh cử, ông báo trước là sẽ quyết liệt đẩy nền kinh tế ra khỏi nạn suy trầm (recession), đình trệ (stagnation) và giảm phát (deflation) kéo dài từ hai chục năm nay. Ông trình bày chương trình ấy trong tinh thần quốc gia dân tộc, giữa bối cảnh tranh chấp và xung đột với Trung Quốc, và Abe thắng lớn.

Ông thay thế Thống đốc Ngân hàng Trung ương và đưa ra một kế hoạch kích thích lớn lao: định mức lạm phát cao gấp đôi, là 2% thay vì 1%, ào ạt tăng chi, cho Ngân hàng Trung ương bơm thêm tiền nhờ mua trái phiếu và các loại chứng khoán khác, cũng lại là QE. Kế hoạch này gồm cả biện pháp bán ra đồng Yen làm tiền Nhật thành rẻ hơn so với Mỹ kim, đồng Euro hoặc các ngoại tệ khác, nhờ đó chặn đà lên giá quá tai hại của đồng bạc và kích thích xuất cảng.

Chính là "hiệu ứng Abe" mới hâm nóng không khí chiến tranh lạnh giữa các nước trong lãnh vực hối đoái và gây ra cuộc tranh luận hiện nay là có chiến tranh giữa các đồng bạc hay không.

Khi thất hùng kinh tế của thế giới là nhóm G-7 (Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Pháp, Ý, Canada) tìm cách hạ hỏa với lối nói nước đôi trong kỳ họp ngày 12, rồi nhóm G-20 gồm 20 nền kinh tế có sản lượng tổng cộng là 90% tổng sản lượng toàn cầu, lên tiếng trấn an trong hai ngày hội họp 14-15, người ta muốn tránh cái nạn đạp lên đầu nhau để thoát hiểm. Ra điều là các nước có phối hợp với nhau, chứ không gây ra tình trạng "đèn nhà nào nhà ấy rạng, mạng người nào người ấy giữ".

Sự thật lại không lạc quan như vậy. Lại còn phức tạp hơn nữa nếu ta vạch ra chiến tuyến giữa các nước công nghiệp hóa với các nước đang phát triển.

Sự thật không lạc quan vì đã có nhiều trường hợp chủ động phá giá khi can thiệp vào thị trường hối đoái. Như Hoa Kỳ vào ngày 15 Tháng Tám năm 1971 khi Richard Nixon thả nổi đồng bạc và áp đặt 10% phụ phí trên hàng nhập cảng, hoặc như quyết định vào Tháng Chín năm 1985 của năm nước tại "hội nghị Plaza" nhằm giảm giá Mỹ kim – và gây tai họa sau đó cho Nhật Bản. Dù đến sau, Trung Quốc cũng chẳng là ngoại lệ với chế độ hối đoái lệch lạc hiện nay của mình.

Sự thật còn phức tạp hơn nữa khi các nước đang phát triển đã biết thân biết phận mà thủ rất kín với khối dự trữ ngoại tệ rất dầy. Việt Nam chưa lên tới trình độ này!

Sau vụ khủng hoảng Đông Á 1997-1998, các nước  nín thở gom vốn ngoại tệ để phòng ngừa rủi ro. Trong vòng 15 năm, từ 1995 đến 2010, lượng tư bản toàn cầu đã từ Tây phương "chảy về Đông" với khối dự trữ ngoại tệ của các nước đang  phát triển vượt xa các nước công nghiệp hoá. Một phần là nhờ sức năng động của các nước tân hưng khi họ ráo riết xuất cảng và ghim lấy ngoại tệ. Phần kia là – như ngày nay – nhờ các nước công nghiệp hóa đều hạ lãi suất tới sàn để kích thích kinh tế.

Khi đạt xuất siêu và có cái nệm dự trữ ngoại tệ khá dầy, đồng bạc của các nước đang phát triển lên giá và gây bất lợi cho sức cạnh tranh của họ, đấy là nội dung lời than của Brazil. Đã vậy, các nước Âu-Mỹ-Nhật đều giảm giá đồng bạc để tìm lợi thế xuất cảng sau khi thất bại trong các biện pháp kích thích kinh tế cố hữu, kể cả và nhất là biện pháp tăng chi để kích cầu và lại đi vay....

Rắc rối hơn thế, chuyện "chiến tranh hối đoái" còn che giấu một thực tế khác, là sức cạnh tranh suy yếu của các nước đã phát triển khi bị các nước tân hưng qua mặt.

Thí dụ điển hình là trận chiến Hàn-Nhật, giữa các doanh nghiệp Nam Hàn và Nhật Bản, một trận chiến không gây tiếng nổ.

Mấy chục năm trước, các tổ hợp Nhật về đồ gia dụng điện tử (như Sony, Pioneer, Hitachi hay Sharp) hoặc xe hơi (như Toyota, Nissan hay Honda) đều là đại gia toàn cầu. Còn doanh nghiệp Đại Hàn như Samsung, LG hoặc Daewoo, Huyndai, KIA, chỉ bán ra loại hàng rẻ mạt và mau nát.

Sau đó, Samsung đã qua mặt Sony từ năm 2005, và ngay nay hãng Sharp thì mấp mé phá sản, Hitachi chạy ra ngoài rìa và Hyundai cùng KIA đã chen chân với Toyota và Honda, Nissan. Một lý do là nhờ đồng Won của Nam Hàn đã sụt giá so với đồng Yen. Nhưng sức cạnh tranh vượt bậc này còn đến từ yếu tố khác hơn là lợi thế hối đoái: Samsung đang gậm vào trái táo Apple của Hoa Kỳ! Nếu xứ Brazil cũng có sức cạnh tranh ấy của Nam Hàn, chưa chắc họ đã than vãn về chuyện phá giá bất chính....

Và thực tế thì tình trạnh toàn cầu đều phá giá để tìm lợi thế xuất cảng là điều cũng vô vọng và bất khả như xuất cảng lên Hỏa tinh. Vì bài viết có hạn lượng là khoảng 1.500 chữ nên xin dành cho một kỳ sau vấn đề định giá đồng bạc nếu so với... vàng.

Hấp dẫn và nhức tim lắm.

10 nhận xét:

  1. trong cuộc chiến hối đoái, NN là người được lợi, người dân là người chịu thiệt. NN có thêm ngoại tệ, nhất là những nước quản lý ngoại hối, độc quyền nguồn thu ngoại hối.Khi sẵn có nguồn ngoại hối lớn này, họ lại đi đầu tư vào các xứ, quốc gia khác với những điều kiện chính trị kèm theo như TQ, Nhật. Còn nước Mỹ, sở hữu cái máy in tiền, họ làm giảm giá USD để xuất cảng được nhiều hơn, người dân họ có thêm công ăn việc làm. Khi Chính quyền Mỹ có thêm tiền, họ sẽ chi tiêu nội địa nhiều hơn nên người dân sẽ có nhiều tiền hơn để chi tiêu thoải mái hơn. Tất cả các nước khác, nỗ lực phát triển kinh tế, tăng GDP, tăng dự trữ USD bằng tất cả tài nguyên vật chất, con người... còn Mỹ thì chỉ cần in tiền. Hay người ta gọi đây là Bretton Wood III, mà 2 đối tác chính là Mỹ & TQ, 1 bên nỗ lực sản xuất ra sản phẩm để thu về đồng USD, còn 1 bên chỉ in tiền & tiêu thụ .1 bên sản xuất vật chất hữu hình, còn 1 bên sản xuất tiền từ giấy, kỹ thuật in ấn đẹp.

    Trả lờiXóa
  2. Bài viết của Bác Nghĩa luôn sâu sắc và thật dễ hiểu.Mong được đón đọc sớm những bài viết tiếp theo của bác. Chúc Bác và gia đình năm mới sức khỏe, an khang thịnh vượng./.

    Trả lờiXóa
  3. Bai viet ve "lung doan hoi doai" rat thu vi. Tu khi Abe dac cu chuc thu tuong nuoc Nhat, ong da thay doi chinh sach ve tien te ( nhu QE cua My) va ket qua la chi so Nikkei 225 Index cua Nhat da gia tang tu 8500 ( 10/2012) len 11,372 ( 2/19/2013 - 10:03 AM) tuc la khoang 34% trong vong 5 thang. Trong khi do, gia vang da giem tu 1,800/oz xuong con duoi 1,600/oz va gia vang tuong lai van con xuong doc.

    Nhu vay, chung ta co nen dau tu vao thi truong co phieu trong luc nay???

    Trả lờiXóa
  4. đấy là tình hình của nước Nhật, chẳng nhẽ vì CK Nhật đi lên mà nên đầu tư CP ở VN à ?2 nước này hoàn toàn khác nhau. Thủ tướng Abe có chính sách tăng QE trong khi nước Nhật có nợ công ở mức cao, trên 100% GDP, gia tăng QE sẽ làm cho lạm phát tăng cao, lãi suất vay của Nhật tăng, gia tăng chi phí ngân sách cho việc trả nợ, làm tăng nợ công, gây ra việc giảm giá đồng Yên, làm dân Nhật thêm khổ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nen kinh te cua Nhat va Vietnam hoan toan khac nhau nen chinh sach tai chanh cua Nhat co the khong ap dung duoc o VN. Hon the nua, no cong cua Nhat da so la dan nhat lam chu va nuoc Nhat la nguoi cho the gioi vay no ( bao gom ca nuoc My).

      Viec giam gia tri dong Yen lam cho hang hoa cua Nhat re hon, va de dang canh tranh voi nuoc khac, nhu vay se dem lai nhieu loi nhuan cho cac cong ty Nhat va tao them con an viec lam cho nguoi dan Nhat. Dan Nhat rat giau so voi cac nuoc Asia, ho khong co kho dau ban oi.

      Toi da mua co phieu cua Toyota cach day khoang bon thang voi gia US$70/share va hom nay gia cua Toyota la US$102/share - gia tang khoang 45% trong thoi gian ngan. Co phieu VN lai la chuyen khac, toi chi dung xa ma nhin thoi, khong kha tin cung nhu co phieu cua Tau vay.

      Xóa
    2. Dear Bich Uyên !

      Cái gì cũng có hai mặt của nó, việc giảm giá đồng Yên sẽ làm cho việc xuất khẩu của Nhật thuận tiện hơn nhưng nó lại làm cho hàng nhập khẩu vào Nhật đắt đỏ hơn, và Nhật Bản là nước thiếu thốn tài nguyên thiên nhiên nên việc nhập khẩu là bắt buộc dù giá cao hay thấp. Người dân Nhật sẽ là người buộc phải chấp nhận thắt chặt chi tiêu khi giá hàng hóa tăng và kéo theo sản xuất của Nhật sẽ giảm sút.

      Năm 2012 Nhật Bản phải nhập siêu lên đến hơn 76 tỷ USD. Và riêng trong tháng 1/2013 lên đến hơn 17 tỷ USD là những con số đáng phải suy nghĩ !

      Xóa
    3. Dear Thanh,
      Neu viec giam gia dong Yen co hau qua nhu ban nghi thi Trung Cong dau co co gang dim gia dong Yuan thap, nuoc My va Nhat khong pha gia dong bac cua minh va nuoc Anh dang sua soan pha gia dong bang Anh. Cuoc chien ve tien te khong don gian nhu ban tuong.

      Xóa
  5. Những lời bình của độc giả hanoi cho bài này và mấy bài trước khiến chúng ta phải học thêm về kinh tế nhập môn. NXN

    Trả lờiXóa
  6. Hoàn toàn đồng ý với độc giả Bich Uyen - với lời cảm tạ.

    Cũng vì vậy mà nhắc độc giả hanoi về mấy lời bình hơi lạ!

    NXN

    Trả lờiXóa
  7. Chúc bác Nghĩa và toàn gia mạnh khỏe, hạnh phúc, bình an!
    Bác Nghĩa sửa một chút lỗi đánh máy nhé:
    Đoạn 2: 'Giới quan sát giải thích....' câu 'Rằng thế giới đừng sợ .... và Âu châu NÊN bắt chước'.
    Bài viết rất hay, và ở Việt Nam luôn ngược thế giới. Mấy hôm nay đô la chợ đen tăng giá, vàng có giảm nhưng cách biệt thế giới có 5 triệu một cây thôi.

    Trả lờiXóa