Thứ Ba, tháng 10 15, 2013

Khí Công Hoa - Mỹ


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 131014
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Dầu và Khí – Chuyện Mỹ và Hoa  

* Bơm dầu cho con rồng đỏ *



Khi lãnh đạo ba đầu hai đảng của Hoa Kỳ còn quần thảo trong trận đấu mù trời về ngân sách, lãnh đạo Trung Quốc không lỡ dịp nói và làm. Nhưng sự vận hành âm thầm của thị trường lại bày ra một luật chơi khác cho cả hai....

Hôm Chủ Nhật 13, Tân Hoa Xã của Bắc Kinh đã có một bài xã luận dài với nội dung đả kích lãnh đạo Hoa Kỳ và kêu gọi các nước xây dựng trật tự mới cho một thế giới "phi-Mỹ hóa". Cụ thể là truất phế vị trí của đồng Mỹ kim như ngoại tệ dự trữ số một của thế giới.

Các nhà bình luận đều cho là tiếng nói của Bắc Kinh đáng chú ý vì là một chủ nợ lớn của Mỹ: với gần một tỷ ba trăm triệu tài sản Mỹ đang nắm trong tay, trong số công trái 16 ngàn 700 trăm tỷ sắp đụng trần và là một trong nhiều nguyên nhân của trận đấu hiện nay tại Washington, Trung Quốc không thể yên tâm vì những rủi ro có thể ảnh hưởng đến tài sản đầu tư đã phó thác cho thị trường Hoa Kỳ.

Thật ra, Bắc Kinh nên chú ý đến một chuyện khác. Chúng ta cũng vậy.

Hôm mùng chín tuần qua, cơ quan thông tin về năng lượng Energy Information Agency (EIA) thông báo Trung Quốc vừa vượt Hoa Kỳ thành quốc gia nhập cảng nhiều dầu thô nhất thế giới. Trước đó vài tuần, EIA cũng cho biết Mỹ đã thành quốc gia sản xuất nhiều dầu thô nhất thế giới. Đồng thời, nếu theo dõi tin tức về năng lượng từ EIA, ta còn biết thêm rằng Houston của Texas đã vượt New York thành hải cảng số một của Mỹ.

Loại tin tức đó không hấp dẫn bằng những tuyên bố nảy lửa của chính trường, nhưng là kết quả của sự vận hành lặng lẽ của thị trường từ nhiều năn nay và sẽ ảnh hưởng đến quyết định của lãnh đạo các nước trong nhiều năm tới. Kinh tế cũng là chính trị!


***

Từ nhiều năm nay, sự ồn ào của chính trương Mỹ về sự suy bại của kinh tế tư bản và vị trí siêu cường của Hoa Kỳ đã át tiếng thị trường.

Cho nên, người ta ít ngờ là Hoa Kỳ lặng lẽ chiếm vị trí số một về sản lượng dầu thô sau khi nâng sản lượng đến 40% trong ba năm qua, đã cải tiến thuật lý (technology) khai thác năng lượng, trở thành đại gia về khí đốt ngang ngửa Liên bang Nga với khả năng tồn trữ và vận chuyền tiện lợi hơn gấp bội. Lại còn thừa than đá xuất cảng ra ngoài.

Ngẫm lại thì trong nhiều thập niên, người ta nuốt chửng cái chân lý ảo một thế giới có hạn về tài nguyên - từ phúc trình bi quan của Club of Rome năm 1972 về "Giới hạn của Tăng trưởng" đến lời báo động mươi năm trước rằng sản lượng dầu đã lên tới đỉnh "Peak Oil" và phải giảm. Vì vậy nhiều người mới dễ chấp nhận một lý luận hấp dẫn là Hoa Kỳ khuynh đảo thế giới để tìm dầu nuôi một bộ máy công nghiệp hoang phí.

Sự thật lại chẳng đơn giản như vậy.

Khi hiệp hội của những người lo trời xập là "Club of Rome" báo động thế giới qua phúc trình "The Limit of Growth" vào năm 1972 thì các nước Trung Đông cũng dùng năng lượng làm võ khí bắt bí Tây phương. Vụ khủng hoảng dầu thô làm giá dầu tăng vọt và đảo lộn bài toán kinh doanh khiến Hoa Kỳ tìm cách khác, tìm dầu ở những nơi ít ngờ vì khó khăn và đắt đỏ, như tại Alaska băng giá hay dưới đáy Vịnh Mễ Tây Cơ. Âu Châu cũng thế, đã khai thác dầu khí ngoài khơi Bắc Hải.  

Ngày nay, chúng ta cũng lại đang chứng kiến một sự chuyển động âm thầm của các thị trường trên thế giới.

Nhu cầu năng lượng của nhân loại hiển nhiên là còn tăng cùng đà công nghiệp hóa toàn cầu. Nhưng tăng nhiều nhất, đến 85% của tổng số trong vòng ba thập niên từ 2010 đến 2040, là tại các nước đang phát triển, nằm ngoài nhóm 34 nước của tổ chức OECD. Trong khi ấy, số tiêu thụ của các nước đã phát triển lại giảm dần nhờ hiệu năng cao hơn – đạt cùng kết quả mà xài ít hơn với tiêu chuẩn khắt khe hơn về bảo vệ môi sinh.

Trong khối công nghiệp hóa, Hoa Kỳ dẫn đầu về những cải tiến thuật lý để sản xuất nhiều hơn, tiêu thụ ít hơn và đỡ lệ thuộc vào loại năng lượng gốc khoáng sản và tìm ra năng lượng điền thế có khả năng tái tạo. Ngay trong lãnh thổ Hoa Kỳ, nhiều tiểu bang mặc nhiên truất phế vị trí của các thành viên OPEC với các giếng dầu có trữ lượng bất ngờ vì trước đây bàn tay người chưa thể vươn tới. Canada, Âu Châu hay Nhật Bản cũng có nỗ lực tương tự và nguồn năng lượng chung của Hoa Kỳ và Canada khiến cả khu vực Bắc Mỹ giảm dần sự lệ thuộc vào dầu khí Trung Đông. Điều ấy cũng giải thích vì sao Hoa Kỳ vẫn quan tâm đến Trung Đông, nhưng trên một tư thế khác.

Trong các nước đang lên, Trung Quốc là xứ đói ăn khát dầu số một.

Đà tiêu thụ của các đấng con trời sẽ còn tăng, nhất là khi cả triệu người đã xu hào rủng rỉnh thích ngồi khí xa. Mà xe hơi hay các nhà máy của họ không có loại tiêu chuẩn ngặt nghèo về môi sinh và sẽ gây nhiều vấn đề khác.

Từ nhiều năm qua, Bắc Kinh ráo riết tìm nguồn cung cấp từ bên ngoài. Dụng võ thì qua cái lưỡi bò và thái độ gây hấn tại Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Dụng văn thì có các tập đoàn năng lượng nhà nước như Sinopec, CNOOC hay PetroChina. Nhưng có nguồn cung cấp rồi lại còn phải bảo vệ với một hải đội chưa thể vượt sức cản của Hoa Kỳ tại các vùng eo biển Đông Nam Á.

Điều ấy mới giải thích việc Trung Quốc tân trang lại Con Đường Tơ Lụa chạy qua Trung Á như Chủ tịch Tập Cận Bình đã hứa hẹn tháng trước khi thăm viếng các nước họ "stan" - ở sân sau của Liên bang Nga....

Bên cạnh Trung Quốc, một nước đang phát triển khác là Ấn Độ cũng có nhu cầu tương tự về năng lượng. Theo dự báo của cơ quan EIA, đà tiêu thụ của hai xứ này sẽ tăng gấp đôi trong 30 năm tới và chiếm một phần ba của số tiêu thụ năng lượng toàn cầu vào năm 2040. Khi hai nước láng giềng đông dân nhất Châu Á đều có cùng một nhu cầu thì ta hình dung ra cái thế cạnh tranh sẽ kéo dài từ Nam Á qua Trung Á đến Đông Nam Á, từ Biển Á Rập qua Ấn Độ dương đến Thái bình dương....

Trong khung cảnh đó, Hoa Kỳ vẫn ung dung cầm chịch.


***

Trong một giai đoạn quá lâu, trước và sau cơn khủng hoảng chính trị hiện nay về công chi thu, người ta dự báo thời suy thoái của Hoa Kỳ. Hình như các cuộc cách mạng về cơ khí, điện năng, xe hơi, hay máy điện toán và hệ thống tin học, v.v... đã đi hết sự vận hành và Hoa Kỳ chỉ là đệ nhất siêu cường trong một giai đoạn ngắn, thu hẹp vào 12 năm, từ khi bức tường Bá Linh bị đập năm 1989 đến lúc tòa tháp đôi sụp đổ tại New York năm 2001!

Nhưng sự thật là trong khi lãnh đạo Mỹ ôm đầu than thở và đổ lỗi cho nhau, trước sự cổ võ của truyền thông và sự hồ hởi của các đối thủ, xã hội Mỹ vẫn thường trực thay đổi, với nhiều phát minh bổ túc cho nhau để giải quyết những vấn đề cụ thể trước mắt.

Khi Bắc Kinh nói đến một trật tự mới và nhu cầu truất phế Mỹ kim, ta nên chịu khó trừ bì mà nhìn lại toàn cảnh. Với sức mạnh năng lượng và những đổi thay trong khu vực chế biến lẫn y khoa và sức khỏe – cho dù có gặp hiệu ứng của Obamacare – đồng đô la sẽ còn lên giá trong thập niên tới. Đấy là lúc Trung Quốc khốn khổ với việc thả nổi đồng Nguyên để ngoi vào vị trí của một ngoại tệ dự trữ....

Khi ấy, ta sẽ còn trở lại chuyện khí công Mỹ Hoa, của hai hình thái kinh tế chính trị khác biệt.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét