Vấn đề Indonesia khó gấp trăm Việt Nam, lãnh đạo của họ giỏi gấp ngàn!
Đúng 15 năm trước, do vụ khủng hoảng kinh tế Đông Á vào các năm
1997-1998, chế độ độc tài của Tổng thống Suharto tại Indonesia bị sụp đổ
sau 31 năm gọi là "ổn định". Trong năm năm sau, xứ này đã trải qua nhiều sóng gió cho đến khi xây
dựng được nền móng dân chủ và Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono hai
lần đắc cử vào các năm 2004 rồi 2009. Vì không thể làm tổng thống quá
hai nhiệm kỳ, năm tới, ông ta sẽ mãn nhiệm và người dân bầu lại hai cơ
chế Lập pháp và Hành pháp để tiếp tục lãnh đạo một quốc gia đông dân
nhất và có nhiều vấn đề nhất trong Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á. Diễn
đàn Kinh tế kỳ này sẽ tìm hiểu về những vấn đề ấy qua sự phân tích của
chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa, tư vấn kinh tế của đài Á Châu Tự
Do.
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, trong
kho tài liệu cũ về bối cảnh từ hơn 15 năm trước, chúng tôi thấy nhiều dữ
kiện về Cộng hoà Indonesia tại Đông Nam Á và vụ khủng hoảng kinh tế
Đông Á dẫn tới khủng hoảng chính trị khiến chế độ độc tài Suharto sụp
đổ. Ngày nay, xứ này đã có nền móng ổn định trong nền dân chủ, và qua
năm tới sẽ có hai cuộc bầu cử Quốc hội rồi Tổng thống để giải quyết
nhiều vấn đề sâu xa lâu dài hơn. Xin đề nghị với ông là kỳ này ta sẽ tìm
hiểu về Indonesia và những bài toán cải cách của họ để suy ngẫm về
trường hợp Việt Nam.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho rằng đây là một việc thiết thực để
mở tầm nhìn qua xứ khác. Trong 10 nước của Hiệp hội ASEAN tại Đông Nam
Á, Indonesia là quốc gia có nhiều vấn đề nhất, về mọi mặt kinh tế, xã
hội, sắc tộc và chính trị. Kinh nghiệm của họ sẽ có ích cho chúng ta.
- Vì là thuộc địa cũ của Âu Châu, Indonesia có nhiều đặc tính bất
thường của một quốc gia. Trên đại thể thì ngày xưa, ta gọi xứ này là Nam
Dương Quần đảo vì lãnh thổ là một quần đảo gồm 17 ngàn 508 hòn đảo nằm
giữa ba mảng kiến tạo địa chất Âu-Á, Úc, và Thái Bình Dương nên có nhiều
núi lửa và thường bị động đất cùng sóng thần. Lãnh thổ xứ này nằm ngang
hơn 5.000 cây số theo hướng Đông Tây và là nơi sinh sống của 240 triệu
người, trong đó có 400 sắc dân nói hơn 700 thổ ngữ hay phương ngữ và có
nhiều nhóm võ trang nổi lên đòi quyền tự trị.
- Cho nên việc hội nhập thành một cộng đồng quốc gia cũng là vấn đề.
Biểu hiện dễ hiểu của bài toán này là việc phân quyền cho các sắc dân
hay các đảo, hoặc tập trung quyền lực vào trung ương ở đảo lớn nhất là
Java? Thứ ba, Indonesia có nhiều tài nguyên, nhất là khoáng sản cho công
nghiệp, nhưng làm sao khai thác trên một vùng địa dư phân tán và chia
sẻ quyền lợi đồng đều cho nơi sản xuất và cho trung ương để còn chu cấp
cư dân ở nơi khác? Sau cùng, xứ này cũng có nhiều người theo đạo Hồi
nhất thế giới và từng bị khủng bố Hồi giáo tấn công nhiều lần. Nếu nhân
danh yêu cầu an ninh mà giữ ách độc tài để kiểm soát tất cả thì làm sao
phát triển một xứ nằm giữa ngã tư quốc tế phải thường xuyên trao đổi với
thế giới bên ngoài?
Vũ Hoàng: Ông vừa tóm lược vài nét khái quát thì đã
thấy nhiều bài toán nan giải gấp bội nếu so với Việt Nam. Vậy mà
Indonesia vẫn là cường quốc trụ cột đã lập ra Hiệp hội 10 Quốc gia Đông
Nam Á là ASEAN và hình như giàu hơn Việt Nam nếu tính theo lợi tức một
đầu người. Trước khi tìm hiểu về chuyện hiện tại và tương lai, theo ông
nghĩ thì đâu là lý do chính yếu?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Quả thật là lợi tức đồng niên một đầu người
của Indonesia là gần ba nghìn rưởi so với chưa đầy hai nghìn của Việt
Nam. Nhiều nhà kinh tế thì cho là xứ này đã sớm trọng dụng các chuyên
gia kinh tế tốt nghiệp tại Hoa Kỳ từ nửa thế kỷ về trước nên có nâng cao
trình độ quản lý vĩ mô. Tôi trộm nghĩ khác, là sau Thế chiến II lãnh
đạo của họ đều khôn ngoan hơn lãnh đạo của Việt Nam trong nỗ lực giành
độc lập và tránh cho đất nước khỏi bị chiến tranh!
- Có vài chi tiết cần nhắc lại. Khi Nhật đầu hàng Hoa Kỳ ngày 15 Tháng
Tám năm 1945 thì ông Soekarno đang có mặt tại Sàigòn lập tức về Jakarta
tuyên bố độc lập vào ngày 17. Họ không bị đảng Cộng sản đảo chính chế độ
mới để làm cách mạng vô sản hoặc còn mời thực dân Hà Lan trở về để mượn
tay sát hại đối lập. Từ đó ta còn để ý thấy là khi ách độc tài Soekarno
lung lay thì ông ta dựa vào đảng Cộng sản Indonesia và còn liên kết với
Bắc Kinh để tồn tại nên quân đội tiến hành một vụ phản đảo chánh vào
cuối năm 1965. Họ mở ra cuộc tàn sát đảng viên Cộng sản lẫn Hoa kiều
khiến nửa triệu người mất mạng, đó là "Vụ Jakarta" khét tiếng.
- Từ đó, chế độ độc tài Suharto mới thành hình, dựa trên quân đội và
đảng Golkar. Nhưng khi Suharto bị lật đổ thì họ không có vụ tàn sát nhau
để trả thù và dù có bị ra toà về nhiều tội danh khi tại chức, ông
Suharto vẫn được dưỡng bệnh và khi tạ thế thì được quân đội chôn cất
trọng thể, với sự hiện diện của vị Tổng thống được dân bầu lên, vốn là
một tướng lãnh cũ của quân đội. Tôi cho là cách họ cư xử với nhau có
giải toả được nhiều mâu thuẫn và là một yếu tố cần thiết cho dân chủ sau
này.
Bài toán nan giải của Indonesia
Vũ Hoàng: Chúng ta trở lại chuyện ngày nay của Indonesia. Thưa ông, đâu là bài toán nan giải nhất của xứ này trong thời gian tới?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Indonesia trải qua một giai đoạn giao thời
với ba Tổng thống trong mấy năm trước khi có Hiến pháp mới và bầu cử hẳn
hoi kể từ năm 2004. Khi chế độ tập quyền tại Jakarta bị bung thì nguy
cơ phân hóa bùng nổ. Thí dụ như việc Đông Timor tuyên bố độc lập hoặc
nhiều nhóm dân quân võ trang đòi quyền tự trị và có thể cản trở việc
giao lưu buôn bán giữa các đảo và các eo biển. Vì vậy, xứ này áp dụng
nguyên tắc tản quyền để tái phân tài nguyên cho địa phương và các đảo
thưa thớt dân cư ở vòng ngoài thay vì tập trung vào đảo Java.
- Trung ương tản quyền cho địa phương về nhiều mặt, từ chi thu ngân
sách, thuế vụ đến đất đai hay phê duyệt dự án đầu tư và chỉ giữ thẩm
quyền về an ninh, quân sự và tư pháp. Nhờ vậy mà họ đẩy lui rủi ro phân
hóa và nội chiến trên một nền tảng chính trị dân chủ hơn. Rồi kinh tế
phục hồi khi thế giới lại bị nạn Tổng suy trầm vào các năm 2008-2009.
- Ta không quên là xứ này vượt sóng gió chính trị đó khi bị khủng bố
tấn công tại Bali vào Tháng 10 năm 2001 rồi đánh bom tự sát tại thủ đô
Jakarta vào Tháng Bảy năm 2009, ở giữa là vụ động đất biến ra sóng thần
ngày Giáng sinh 2004. Tuy nhiên, từ năm 2011, xứ này đưa ra một Kế hoạch
Kinh tế Tổng thể thi hành trong 15 năm tới với tham vọng cải cách và
chuyển hướng còn lớn lao hơn việc tản quyền của mươi năm qua.
Vũ Hoàng: Trong kỳ trước, ông nói đến yêu cầu cải
cách và chuyển hướng kinh tế và chính trị của Trung Quốc và Việt Nam.
Phải chăng Indonesia cũng gặp hoàn cảnh đó và đâu là trọng tâm của Kế
hoạch Kinh tế Tổng thể này của họ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng mọi kế hoạch kinh tế đều phải
có nội dung hay giới hạn chính trị vì hai lãnh vực đó tất nhiên là song
hành và tác động vào nhau.
- Lãnh đạo Indonesia ý thức được nhược điểm kinh tế trong tình thế
chính trị là một nước chủ yếu xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên khai thác
từ nhiều địa phương phân tán. Họ muốn cải cách cơ chế kinh tế để trở
thành một trung tâm biến chế hàng công nghiệp, nhất là khi Trung Quốc
mất dần vị trí là hãng xưởng ráp chế số một của thế giới. Họ muốn tự
hiện đại hóa trên cơ sở mạnh hơn. Muốn như vậy, họ phải thứ nhất, điều
chỉnh lại chính sách tản quyền đã áp dụng hơn chục năm nay; thứ hai, xây
dựng hạ tầng vận chuyển hàng hóa giữa các đảo và giữa quốc gia với thế
giới bên ngoài; để, thứ ba, khai thác được tài nguyên khoáng sản với giá
trị đóng góp cao hơn thay vì chỉ bán xổi với giá thấp.
- Điều kiện cần thiết cho kế hoạch kinh tế mang tính chất chiến lược
này là phải có sự hợp tác về đầu tư giữa tư nhân trong nước với chính
quyền và giới đầu tư quốc tế. Suy như vậy thì ta thấy rằng nguyên tắc
dân chủ là yếu tố cần thiết, nhưng thật ra vẫn chưa ắt đủ, mà đi vào vận
hành thì còn có nhiều bài toán cụ thể sẽ đặt ra. Lý do là khi tản quyền
cho các địa phương thì dễ gây ra nạn trùng lập, như nhiều địa phương
đều muốn làm cùng một loại dự án, nên gây lãng phí, và nguyên tắc chia
chác quyền lợi cũng dễ đưa đến tham nhũng ở địa phương.
- Trong cuộc bầu cử lưỡng viện Quốc hội vào Tháng Tư năm tới, rồi bầu
cử Tổng thống vào Tháng Sáu ngay sau đó, những vấn đề nói trên sẽ trở
thành đề mục thảo luận hay tranh cãi. Nhưng dù họ chưa thể khắc phục
được các trở ngại, thì lãnh đạo của Indonesia đã nhìn ra vấn đề.
Vũ Hoàng: Thưa ông, chuyện ấy dẫn ta trở về trường
hợp Việt Nam và kỳ họp hiện nay của Quốc hội hoặc Trung Quốc với kỳ họp
tháng tới của Ban Chấp hành Trung ương. Ông kết luận như thế nào về hoàn
cảnh của mấy nước Á Châu này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho là mọi nhà cầm quyền đều muốn rộng
tay hành động nhưng chế độ độc tài mới thật sự bó tay lãnh đạo, đó là
hoàn cảnh của Trung Quốc và Việt Nam. Thứ hai, nhiều người cứ sợ dân chủ
sẽ gây bất ổn nên không phát triển được quốc gia. Xứ Indonesia lại
không sợ điều ấy mà vẫn cố gắng thiết lập nền móng dân chủ trong những
điều kiện khó khăn nhất do cả thiên nhiên lẫn con người gây ra. So sánh
nội dung thảo luận hay tranh luận của họ với những gì đang xảy ra tại Hà
Nội thì mình không lạc quan về tương lai của Việt Nam.
- Trong ngắn hạn thì Indonesia còn gặp nhiều khó khăn, như tài nguyên
khoáng sản có thể sụt giá trước khi họ xây dựng được nền móng công
nghiệp chế biến vững mạnh hơn. Nhưng trong dài hạn thì quốc gia 240
triệu dân này có nhiều ưu thế hơn Việt Nam, với khả năng tiêu thụ nội
địa cao hơn, có trình độ tay nghề và năng suất khá hơn và nhất là lãnh
đạo của họ có biết sợ dân. Khi Trung Quốc thoái trào trong những năm
tới, thì giới đầu tư quốc tế như Mỹ, Nhật, Âu Châu hay Nam Hàn Đài Loan
sẽ nhìn vào Indonesia hay Việt Nam? Câu hỏi đó là điều đáng suy nghĩ!
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét