Thứ Bảy, tháng 10 12, 2013

Ngã Rẽ Của Đồng Minh



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 131012

Các đồng minh Hồi giáo của Hoa Kỳ tại Trung Đông đã tính chuyện khác

 * Thủ tướng Turkey và Tổng thống Hoa Kỳ che dù họp báo hồi Tháng Năm *


Nước Mỹ ba đầu hai đảng đang mở cuộc chiến tâm lý trong nội bộ mà bị các đồng minh khinh thường trong những vấn đề thiết thực về quyền lợi tại Trung Đông.

Hành pháp Obama và hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ đang chơi trò gây ấn tượng để đổ lỗi cho nhau về trách nhiệm đã đóng cửa chính quyền. Không hẳn là mù quáng mà vì ý thức hệ thiên tả, đa số truyền thông Mỹ đều tiếp tay cho trò cào mặt ăn vạ của đảng Dân Chủ về những tai họa xã hội hay kinh tế do đảng Cộng Hoà gây ra. Truyền thông thông ngôn của ta thì dịch lại nguyên con với nhiệt tình mà nhiều khi chẳng thèm kiểm chứng thực hư. Phần mình, lãnh đạo đảng Cộng Hoà thường xuyên đi chậm và lúng túng – thua đảng Dân Chủ rất xa trong các trò bịp.

Hai thí dụ đáng tìm hiểu, và loan tin lại, là vụ đóng cửa Viện Bảo tàng Thế chiến II và vụ cắt tiền tử tuất cho các gia đình có chiến binh bị thiệt mạng khi bộ máy công quyền đang đóng cửa.

Viện Bảo tàng WWII là bãi trống, mà được rào lại không cho khách thăm viếng để phe Dân Chủ giải thích là vì không có tiền trả lương cho nhân viên. Bi đát hơn hài kịch đó là vụ ngân sách tử tuất. Ai đó trong Bộ Quốc phòng lấy quyết định không trả tiền cho các gia đình của binh lính tử trận mặc dù có tiền vì Hạ viện Cộng Hoà đã biểu quyết đạo luật du di được Tổng thống Obama ban hành trước ngày đóng cửa. Sau đó là cách suy diễn và giải thích luật lệ để khỏi mất lòng dân! 

Ai thực tình muốn biết cái lẽ đúng sai của trận đấu về ngân sách và định mức công trái (trần nợ tối đa) cùng với nguy cơ "vỡ nợ" của Hoa Kỳ thì nên đi tử gốc và tham khảo khoản bốn (Section 4) của Tu chính án 14 trong Hiến pháp Hoa Kỳ. Bài này sẽ nói về chuyện khác.

Kỳ trước đã viết về việc lỡ hẹn Đông Á, kỳ này xin nói về cái nhìn của các đồng minh của Hoa Kỳ tại Trung Đông sau những trò múa may điên đảo của Chính quyền Obama.


***

Trước hết là chuyện Ai Cập.

Chính quyền Obama - từ các giới chức công quyền xin giấu tên – phát ra hai tín hiệu cho truyền thông loan tải, rằng Hoa Kỳ đang suy nghĩ lại về việc viện trợ cho Ai Cập, và sẽ cho biết quyết định trong mấy ngày tới. Diễn ra bạch văn, Mỹ đang làm áp lực với lãnh đạo quân đội Egypt.

Từ Tháng Bảy rồi, Hoa Kỳ đã bần thần về kết quả ngược của Mùa Xuân Á Rập khi quân đội Ai Cập đảo chánh và cầm tù Tổng thống Mohammed Morsi thuộc lực lượng Huynh đệ Hồi giáo MB. Sau đó là một chuỗi dài bạo động giữa hai phe chống đối và ủng hộ lực lượng Hồi giáo quá khích này, và gần đây là việc quân đội ráo riết tay truy lùng đặc công và cán bộ MB. Khi cơ sự xảy ra, nước Mỹ đã lúng túng... về luật pháp. Không thể viện trợ cho một chế độ đã đảo chánh một chính quyền dân cử. Nhưng nếu không viện trợ, Hoa Kỳ có thể mất một đồng minh tại Trung Đông, một cột trụ của kiến trúc xuất phát từ Hoà ước Camp David năm 1978 và một đối tác với Mỹ trong trận chiến chống khủng bố Hồi giáo.

Vì vậy, trong 24 giờ liên tục từ ngày Thứ Tư mùng chín, Hoa Kỳ lại dùng ngón võ cấp viện theo lối nói hàng hai để gây sức ép với Cairo. Chưa thấy kết quả, một tuần sau thì Mỹ loan báo việc cắt viện trợ.

Số trong ngân khoản quân viện một tỷ ba cho tài khóa 2013, có 585 triệu đô la vẫn bị chặn. Mục chi này chủ yếu dành cho việc cung cấp trực thăng Apache (AH-64D) và nhiều loại võ khí khác, cùng một ngân khoản 260 triệu viện trợ kinh tế. Nhưng phần tiếp viện bị đình hoãn vì vụ quân đội đảo chánh phe MB. Đòn phong toả viện trợ không công hiệu vì chính quyền Ai Cập còn nặng đòn hơn trước và hôm Thứ Tư vừa qua, họ thông báo việc đưa Morsi ra toà vào ngày bốn tháng tới về tội ra lệnh giết người. Đấy là lý do của lời hăm cúp viện phóng qua báo chí.

Thật ra, đây là đòn hão của một chính quyền tay mơ.

Sự thật thì khác với cách giải trình của truyền thông và nhận thức lạc quan của Chính quyền Hoa Kỳ, Ai Cập không đổi chủ nhờ cuộc cách mạng dân chủ năm kia. Obama gặp may khi tuyên bố là Tổng thống Hosni Mobarak "phải ra đi" vì chính các tướng lãnh đã đảo chánh Mubarak, để bảo tồn chế độ trước sự lớn mạnh của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan Islamism và lực lượng MB. Lãnh đạo quân đội Ai Cập muốn có sự chuyển hóa theo cái hướng và với tốc độ mà cơ chế chính trị thật của xứ này có thể chấp nhận hay chịu đựng được. Thế rồi sau khi thắng cử, lực lượng MB và kẻ đại diện là Morsi đã tưởng bở mà lộ diện để tập trung quyền lực và diệt trừ các khuynh hướng khác. Vì vậy, quân đội mới ra tay, với sự cổ võ của quần chúng.

Mà không chỉ có các tướng lãnh đang thật sự cầm quyền tại Ai Cập.

Hàng loạt quốc gia Hồi giáo lân bang đều e ngại chủ nghĩa Hồi giáo quá khích - sự khác biệt giữa Muslim và Islamism. Đó là Jordan, Syria, Saudi Arabia, Kuwait, và các Tiểu vương quốc Á Rập Thống nhất (United Arab Emirates – UAE). Sau khi than phiền việc Hoa Kỳ đòi lật đổ Mubarak, họ ráo riết hậu thuẫn và viện trợ cho chính quyền quân phiệt Ai Cập. Khác với Hoa Kỳ, tiêu chuẩn của các nước trong vùng không phải là dân chủ mà là an ninh.

Khi Mỹ chặn viện trợ, các nước Á Rập dầu hỏa trong Vùng Vịnh liền trám vào khoảng trống: hứa ngay 12 tỷ viện trợ. Nói là làm, bảy tỷ đã được tháo khoán, nhờ UAE ba tỷ, Saudi hai tỷ và Kuwait hai tỷ, qua các hình thức như tặng dữ, cung cấp năng lượng hoặc chuyển thẳng vào trương mục ngân hàng trung ương Ai Cập. Nhờ vậy, qua Tháng Chín, dự trữ ngoại tệ của xứ này lên tới gần 19 tỷ!

Lãnh đạo Cairo còn có thế bảnh là đòi trả lại hai tỷ đô la trong số tám tỷ mà xứ Qatar đã viện trợ cho Ai Cập khi lực lượng MB còn nắm quyền.

Ai Cập không có thiện cảm với Qatar, vừa tử chối đón thêm chuyến bay của Hàng không Qatar và công khai đả kích lối loan tin của hệ thống truyền thông Al Jazeera, một cơ sở quốc doanh Qatar. Họ không hiểu vì sao cựu Ngoại trưởng Hilary Clinton đã từng nức lời ngợi ca Al Jazeera, và đầu năm nay cựu Phó Tổng thống Al Gore còn vì máu tham mà bán hệ thống truyền hình của mình cho Al Jazeera dễ bành trướng vào Hoa Kỳ. Đẹp mặt cho nền đạo đức Hoa Kỳ!

Ở giữa khu vực Trung Đông đầy những tranh chấp, các đồng minh Hồi giáo của nước Mỹ hoài nghi sự trưởng thành hay thực tâm của lãnh đạo nước Mỹ. Các nước này giải quyết lấy nhu cầu sinh tử của họ chứ không coi lời tuyên bố của Barack Hussein Obama II là khuôn vàng thước ngọc.                

Thực tế phũ phàng của quyền lợi chiến lược là Hoa Kỳ cần đồng minh trong khu vực nhiễu nhương này. 

Sau những bài diễn văn thơm mùi hoa nhài tại Ankara của Turkey và Cairo của Ai Cập vào Tháng Ba và Tháng Sáu 2009, khi ông Obama mới học nghề Tổng thống, tháng Chín vừa qua, ông có một phút trưởng thành trong bài diễn văn đọc trước phiên họp khoáng đại hàng năm của Liên hiệp quốc. Trong bài diễn văn, tay mơ khoác áo cáo già đã xác nhận: "Hoa Kỳ vẫn có lúc hợp tác với các chính quyền không đáp ứng, ít ra theo quan điểm của chúng tôi, những kỳ vọng cao nhất của quốc tế, nhưng vẫn đóng góp cho quyền lợi cốt lõi của chúng tôi".

Quyền lợi cốt lõi, "core interests", cứ như người Bắc Kinh! Diễn ra bạch văn: Hoa Kỳ vẫn hợp tác với các đồng minh đã làm ngược chủ trương công khai của nước Mỹ. Nôm na hơn, thì dù có nói chuyện lý tưởng của thiên thần, Hoa Kỳ vẫn cộng tác với ác quỷ.

Lỡ nói chuyện ác quỷ, xin hãy nhìn qua Turkey và Iran.

Tháng Năm vửa qua, khi gặp Thủ tướng Reep Tayyip Erdogan của Cộng hòa Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey) tại phòng Bầu Dục trong Toà Bạch Cung, Tổng thống Mỹ không che giấu được nỗi bực bội với một đồng minh chiến lược ở Trung Đông.

Là cường quốc Hồi giáo cấp vùng, thành viên trụ cột có quân số cao nhất trong Minh ước NATO (sau Hoa Kỳ), xứ Turkey không yên tâm về cục diện tại Syria và về sự chần chờ của Obama. Còn quyết liệt hơn Hoàng gia Saudi Arabia, Thủ tướng Erdogan muốn chấm dứt chế độ Bashar al Assad tại Damascus vì e ngại nội chiến kéo dài lan rộng sẽ văng miểng vào Turkey. Một trong những mối lo của họ là sắc dân Kurd tại Syria sẽ gây vấn đề cho Turkey, quốc gia có một cộng đồng người Kurd rất đông, cứ muốn ly kha để cùng dân Kurd tại Syria và Iraq lập ra một nước Cộng hoà Kurdistan độc lập. Vì vậy, Turkey đi nước cờ riêng mà khỏi xin Mỹ bật đèn xanh. 

Để gỡ ngòi nổ Syria, Turkey gây khó chịu cho Hoa Kỳ khi kín đáo cung cấp võ khí cho các lực lượng nổi dậy tại Syria và tìm cách đối thoại với quốc gia đỡ đầu cho chế độ Damascus, là Iran. Việc họ tiếp vận võ khí cho các nhóm phiến loạn tại Syria khiến Chính quyền Obama lo ngại. Việc Turkey còn nói chuyện với Iran càng làm Hoa Kỳ phật ý. Đó là chuyện Tháng Năm. Bốn tháng sau, đến lượt Chính quyền Obama đòi nói chuyện với Iran!

Nhìn từ Trung Đông về Hoa Kỳ, các đồng minh của Mỹ đều ngao ngán nên tự lo lấy thân. 

Tổng thống Obama đoạt giải Nobel Hoà bình khi mới chỉ có thành tích phát triển cộng đồng, cũng có giá trị như giải Nobel cho Al Gore – nghĩa là vô nghĩa và vô lý. Sau đó, ông hai lần đôn quân vào A Phú Hãn, mở rộng tầm oanh kích của máy bay tự động vào Pakistan hay Yemen, khiến lực lượng al Qaeda và các tổ chức khủng bố dưới phiêu hiệu al Qaeda bành trướng qua Bắc Phi, đến Đông Phi và Tây Phi. Dù Osama bin Laden đã bị hạ sát và Obama ca khúc khải hoàn, mới hai tháng trước đây Hoa Kỳ đã báo động và đóng cửa 19 sứ quán ở khắp nơi vì sợ al Qaeda tấn công!

Obama can thiệp vào Libya khiến Muammar Ghaddafi bị giết, từ đó Libya biến thành vùng oanh kích tự do. Dù cho vụ Benghazi năm ngoái có bị chính quyền Obama ém nhẹm, việc Thủ tướng Libya vừa bị bắt cóc hay bắt giam trong ngày Thứ Tư mùng chín rồi lại được thả cũng làm các nước Trung Đông giật mình. 

Thủ tướng Ali Zidan là một luật gia và khuôn mặt đấu tranh cho dân chủ rất có uy tín tại Libya và Âu Châu. Sau khi chế độ Ghaddafi tiêu vong, ông về làm dân biểu và lên làm Thủ tướng của một đất nước tan hoang. Trong hỗn loạn, làm sao xây dựng dân chủ? Nhưng ông vừa bị một tổ chức võ trang bắt giữ rồi thả như con cừu non cũng vì một sự can thiệp của... Hoa Kỳ. 

Hôm Thứ Bảy mùng năm, biệt kích Mỹ vào tận thủ đô Tripoli của Libya bắt cóc một trùm khủng bố của al Qaeda là Abu Anas al Libya. Vụ Mỹ xâm nhập lãnh thổ của một nước đồng minh mà không xin phép đã biến Thủ tướng Ali Zidan thành bù nhìn, dù chính quyền của ông phải công khai yêu cầu Hoa Kỳ giải thích. Kết quả, ông bị bắt khi vừa thăm viếng gia đình của Abu Anas và bị nhóm võ trang hỏi tội cũng là vì vụ bắt cóc này trước khi thả ông ra. 

Cho nên thành tích của Obama với dư luận ở nhà là một án tử hình chính trị cho một đồng minh tại Libya.

Những chuyện ấy cho thấy mấy điều đáng suy ngẫm sau đây:

Thứ nhất, quyền lợi của Hoa Kỳ và của một số quốc gia đồng minh trong thế giới Hồi giáo ngày càng dị biệt, mà đôi khi lãnh đạo Mỹ lại không thấy. Thứ hai, khi hữu sự, Hoa Kỳ chỉ làm theo ý mình, nhưng sẵn sàng đổi ý cũng vì lý do thực dụng nên càng đào sâu những dị biệt đó. Thứ ba, dù hay đảo điên như vậy, Hoa Kỳ lại đòi các nước hành xử theo những quy tắc lý tưởng không thật nên mới bị coi là giả dối giảo hoạt.

Vì vậy, Hoa Kỳ mới bị các đồng minh khinh thường. Họ đang bước qua ngả khác....

1 nhận xét: