Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt 131001
"Kinh Tế Cũng Là Chính
Trị"
Những Món Nợ Sẽ Phải Trả - Bao Giờ? Ai Trả Ai?
* Quốc hội Hoa Kỳ họp đến nửa khuya ngày 30 mà không xong *
Trận đấu về ngân sách Hoa Kỳ là biến cố xủi bọt, với cao điểm là một phần bộ máy
công quyền liên bang có thể bị đóng vì hết tiền mà chưa được vay thêm. Chìm sâu
ở bên dưới là nhiều khoản nợ chưa biết làm sao thanh toán, chuyện nghiệp báo tài
chánh của nước Mỹ....
Tài khóa ngân sách liên bang Hoa
Kỳ khởi sự từ Tháng 10 năm này đến hết Tháng Chín năm tới. Từ mấy chục năm nay,
ngân sách thường chi nhiều hơn thu, khi thiếu hụt thì phải đi vay để tài trợ số
bội chi. Khoản công trái tích lũy đó nay lên tới gần 17 ngàn tỷ đô la, hơn Tổng
sản lượng là cỡ 16 ngàn 700 tỷ, trong số này có 12 ngàn tỷ là nợ tư nhân. Về phần
chi, có nhiều khoản gọi là "bắt buộc" (entitlements) do các đạo luật
về nghĩa vụ của nhà nước được ban hành từ trước và nhiều khoản "nhiệm ý"
theo lối liệu cơm gắp mắm (discretionary). Thật ra, nhiều khoản gọi là nhiệm ý mà
vẫn là bắt buộc, như để tài trợ bộ máy công lý, trật tự công cộng và quốc phòng.
Từ năm 1976, Quốc hội tự đặt ra kỷ
luật là biểu quyết từng đạo luật cho phép vay tiền thanh toán phần khiếm hụt, nhưng
lại chẳng tôn trọng kỷ luật đó nên thường xuyên trễ hạn. Từ năm 1981, ngân sách
liên bang Mỹ bị 10 lần cạn tiền mà Quốc hội trẽ hạn cho phép vay thêm. Chín lần
đã xảy ra mà ít gây chấn động vì rơi vào mấy ngày cuối tuần khi bộ máy công quyền
đóng cửa. Lần nghiêm trọng nhất kéo dài 26 ngày từ 1995 qua 1996 sau khi đảng Cộng
Hoà đắc cử đa số tại Hạ viện năm 1994 và đòi quân bình ngân sách.
Nhờ đó tình hình chi thu được quân
bình trong bốn năm liền, nhưng cũng vì đó mà đảng Cộng Hoà bị mang tiếng là quá
khích vì kép xập chính quyền.
Một vụ nổi loạn tương tự xảy ra
khi Cộng Hoà chiếm lại đa số ở Hạ viện sau cuộc bầu cử năm 2010, và dẫn tới trận
đấu ngân sách vào mùa Hè năm 2011 khiến trái phiếu Mỹ bị đánh sụt giá trị vào
ngày năm Tháng Tám, kéo dài thành "vực thẳm ngân sách" (fiscal cliff)
năm ngoái và hiện tượng "cầm cố ngân sách" (sequestration) đầu năm
nay. Tuần này, trận đấu tái diễn, lại bị lồng vào việc thi hành đạo luật cải tổ
chế độ bảo dưỡng chính trị gọi là "Obamacare", với việc thay đổi quy
chế mua bảo hiểm "Obamacare Exchange" kể từ mùng một Tháng 10.
Đấy là phần bối cảnh của những lý
luận lẫn đòn phép chính trị giữa Hành pháp và Thượng viện do đảng Dân Chủ kiểm
soát và Hạ viện trong tay đảng Cộng Hoà.
Một chi tiết đáng nhớ khác là nhiệm
kỳ của các dân biểu tại Hạ viện chỉ có hai năm, của Tổng thống là bốn năm và
Nghị sĩ tại Thượng viện là sáu năm. Khi bước vào trận, họ nghĩ tới cử tri và lần
xin phiếu sắp tới. Nhưng đa số cử tri không biết - chính giới không nói - về tình
hình chi thu thật sự của công quyền. Ngoài khoản nợ tích lũy vì bội chi ngân sách,
có nhiều cam kết khác mà chính quyền phải thanh toán. Chuyện này nghiêm trọng hơn
việc chính quyền bị đóng cửa mấy ngày, vì có thể làm kinh tế sụp đổ trong vài
chục năm nữa.
Khốn nỗi vài chục năm nữa là chân
trời xa lạ cho các chính khách.
***
Người đầu tiên báo động chuyện đó
là Tổng thống Bill Clinton trong bài diễn văn về Tình hình Liên bang vào đầu năm
1999 khi ngân sách quốc gia đã quân bình, và ông vừa nhắc lại vào Tháng Năm vừa
qua. Ông ta có thẩm quyền vì là người sinh vào thời "hậu chiến", từ
1946 đến 1964, là thế hệ "Babyboomer" đang theo nhau về hưu để sống
nhờ tiền hưu liễm và bảo hiểm đã đóng góp từ mấy chục năm qua vào các quỹ An
sinh Xã hội Social Security, Bảo hiểm Y tế Medicare và Trợ cấp Y tế Medicaid. Họ
là những chủ nợ sẽ bị quịt!
Hôm 17 vừa qua, cơ quan nghiên cứu
độc lập của Quốc hội về tình hình tài chánh quốc gia (Congressional Budget
Office hay CBO) vừa công bố một phúc trình được đa số các chính trị gia kê vào
bàn tọa mà không nhắc tới. Họ chỉ nói đến cái "được" trong ngắn hạn là
bội chi ngân sách năm nay, tính đến ngày 30 Tháng Chín, sẽ ở khoảng 642 tỷ, mức
thấp nhất kể từ năm 2008 khi có khủng hoảng tài chánh và suy trầm kinh tế. Vin
vào thành quả ngắn hạn đó trong trận đấu năm nay về ngân sách, họ bỏ qua những
dự báo u ám khác của CBO.
Cơ quan này cho biết là nếu không
cải tổ chế độ hiện hành thì từ khoảng 73% hiện nay, gánh công trái của chính
quyền liên bang với tư nhân sẽ chiếm 100% Tổng sản lượng quốc gia vào năm 2038.
Tức là trong 25 năm tới, cả năm nước Mỹ chi sản xuất đủ tiền cho gánh nợ.
Nhưng sự thật còn tệ hơn dự báo này.
Theo kỹ thuật thông thường, CBO vạch
ra kịch bản chính, gọi là "baseline scenario" để dự phóng số chi thu
vào tương lai dài hạn và đưa ra lời cảnh báo đó. Song song, họ có kịch bản chi
thu khác, có thể thực tế hơn, để dự đoán là năm 2038, gánh công trái sẽ lên tới
190% Tổng sản lượng. Lý do chính là tình trạng lão hóa của thành phần
Babyboomer.
Từ gần 50 triệu hiện nay, thành
phần trên tuổi 65 sẽ lên tới 79 triệu vào năm 2038. Trong 25 năm đó, thành phần
ở tuổi lao động từ 18 đến 64 tuổi có tăng, mà chậm hơn, từ 198 lên tới gần 215
triệu. Tỷ số "lệ thuộc" giữa người cao niên và thành phần sung sức sẽ
tăng. Hiện nay, một người cao niên có 4,4 người sung sức chung sức đóng góp, đến
năm 2038, họ chỉ có thể trông cậy vào 2,7 người thôi. Theo định nghĩa, giới cao
niên đã sản xuất ít hơn, sốn thọ hơn mà lại cần được trợ giúp nhiều hơn về sức
khoẻ sau một đời đóng góp cho sự giàu mạnh của quốc gia.
Nhưng khi ấy, quốc gia lại hết tiền.
Xưa nay, cơ quan CBO thường dự toán
với chân trời 10 năm và giúp các chính trị gia đẩy vấn đề vào tương lai, bên
ngoài hạn kỳ tranh cử của họ. Với dự báo về tình hình 25 năm tới, phúc trình
CBO cho thấy một sự cải thiện trong ngắn hạn - bội chi đang giảm – nhưng sau 10
năm tới là sự bùng phát của gánh nợ. Hàng năm, Hoa Kỳ sẽ vay nhiều hơn đà gia tăng
của sản lượng kinh tế và nếu chưa trả vốn thì cũng trả tiền lời, khoản tiền lời
đó là một mục chi bắt buộc và sẽ tăng vọt nếu lãi suất trái phiếu bung khỏi cái
mức quá thấp của mấy năm qua.
Người ta cứ tưởng là đồng nội tệ
của Mỹ là ngoại tệ phổ biến của toàn cầu và nước Mỹ có toàn quyền in bạc để trả
nợ, hoặc quịt nợ thiên hạ mà khỏi xin phép cơ chế quốc tế nào. Nhưng in bạc trả
nợ thì cũng như rót dầu vào lửa, hoặc uống nước biển cho đỡ khát vì khiến tiền
lời sẽ tăng. Khi các chủ nợ hết tin vào trị giá đồng bạc mà tìm cách bán tháo
thì phân lời trái phiếu cũng vọt lên trời. Kịch bản thực tế của CBO nói đến
chuyện tất yếu này.
Lúc đó, chính quyền sẽ lại bội ước
với loại "chủ nợ không lối thoát", là giới cao niên: đẩy lui tuổi được
lãnh tiền hưu sẽ bị giảm của quỹ An sinh Xã hội, hoặc đổi giá biểu hay thành phần
dược phẩm được quỹ Medicare thanh toán. Nếu không, phải tăng thuế để tăng thu với
rủi ro đánh sụt sản lượng kinh tế.... Hoa Kỳ chỉ còn 10 năm để giải quyết bài toán
này.
Năm 1999, ông Clinton kêu gọi Quốc hội lãnh trách nhiệm với thế kỷ 21 để cải tổ hệ thống ngân sách. Quốc hội không nhúc nhích mà cù cưa chuyện được mất hàng năm vì nhiều người chỉ nghĩ đến lịch bầu cử. Mười năm sẽ đến rất nhanh và sau đó là nghiệp báo tài chánh khi các chính khách phóng tay đi vay để ai đó sẽ trả sau này. Khi bỏ phiếu, ai không nhớ đến chuyện đó thì mặc nhiên lãnh số phận của con cừu sẽ bị gọt lông.
Bài viết quá hay và rất kịp thời , giúp nhiều người hiểu rõ thêm về chuyện "đấu đá "đang xảy ra tại lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ . Cảm ơn kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa và xin chúc tác giả thường an !THD.
Trả lờiXóaCung chinh vi ly do nay ma nhung nguoi dan My biet lo xa, da thuong xuyen tiet kiem va dau tu khi con lam ra tien va khong bi le thuoc hoan toan vao he thong an sinh xa hoi hay cac quy huu bong trong thoi gian huu tri.
Trả lờiXóaCám ơn hai độc giả,
Trả lờiXóaXin theo dõi tiếp chương trình "diễn đàn kinh tế" tuần này trên RFA để biết rõ hơn về vụ shutdown - và về tương lai....
NXN