Thứ Bảy, tháng 10 05, 2013

Long Đinh và Long Đong



Nguyễn-Xuân Nghĩa Ngày 131004

Hoa Kỳ Chuyển Trục Rồi Long Đinh Với Châu Á


* Một người đàn ông đang ngắm mấy cái quần gần cái áo có hình Tổng thống Mỹ 
trong một tiệm bán đồ cũ tại Kuala Lumpur, ngày hai Tháng 10 2013 - Ảnh của AFP *

 





Dù thiếu thời đã từng sống tại Châu Á và Hawaii, Tổng thống Barack Obama không có duyên với Á Châu. Việc ông muốn "chuyển trục" về khu vực Đông Á có thể là chuyện hão.


Hoa Kỳ đang bị thêm một vụ khủng hoảng chính trị nữa, khi một phần của bộ máy công quyền liên bang bị tạm đóng cửa vì những mâu thuẫn không hàn gắn nổi giữa Hạ viện Cộng Hoà với Thượng viện và Hành pháp Dân Chủ. Chuyện chính quyền đóng cửa có thể kéo dài thêm vài tuần cho tới khi mâu thuẫn về ngân sách và chế độ bảo dưỡng y tế (ObamaCare) sẽ lồng vào một trận đấu nữa về "định mức công trái", mức vay mượn tối đa được Quốc hội cho phép.

Hậu quả bất ngờ của trò đùa nhức tim này là Hoa Kỳ tính chuyển trục về Châu Á mà cái trục bị long!


***


Về bối cảnh, Hiến pháp Hoa Kỳ trao cho Hạ viện quyền chuẩn chi mọi khoản chi của ngân sách liên bang, sau đó chính quyền liên bang mới được quyền thanh toán. Cũng về bối cảnh, trong mấy ngày sôi nổi, Hạ viện do đảng Cộng Hoà đã liên tiếp bỏ phiếu để chuẩn chi mọi khoản công chi của ngân sách, trừ những hoạt động liên hệ đến ObamaCare. Những ai muốn biết sự thật thay vì mắc lừa thủ thuật chính trị hoặc nghe lời vu cáo, có khi xuất phát từ báo chí mắc chứng Obamê, thì có thể tìm đọc trong Congressional Record (www.gpo.gov).

Thượng viện và Hành pháp trong tay đảng Dân Chủ thì coi rằng việc cải tạo y tế đã thành luật từ ba năm nay và một phần quan trọng bắt đầu đi vào áp dụng, khá lụp chụp, từ hôm mùng một nên đã phản bác mọi kết quả biểu quyết tại Hạ viện. Họ nhất quyết không nhượng bộ, mà đảng Cộng Hoà theo truyền thống ngây ngô cố chấp lại không giải thích được cho rõ. Rồi đôi bên đổ lỗi cho nhau là đã đóng cửa bộ máy công quyền liên bang. Thật ra, chỉ một số hoạt động không được coi là quan yếu mới bị tạm ngưng mà thôi.

Đây là một chương nối dài của trận đánh về ngân sách đã khởi sự từ năm 2011 với vụ trái phiếu Mỹ bị hạ điểm tín nhiệm vào Tháng Tám, kéo qua hai đòn giảm chi gọi là "vực thẳm ngân sách" fiscal cliff vào năm 2012 và "cầm cố công chi" sequestration vào đầu năm nay.

Trở lại nguồn gốc của trận đánh thì từ quá lâu rồi, chính quyền liên bang Hoa Kỳ bị bội chi ngân sách liên tục nên cứ đi vay, nhưng chỉ có thể vay trong giới hạn của Quốc hội. Vì khoảng hai tuần nữa (ngày 17 này, theo một cách tính của Bộ Ngân khố) thì Mỹ sẽ đụng vào giới hạn đó nên phải được lưỡng viện Quốc hội cho nâng thêm trần nợ. Nếu không, chính quyền chẳng thể tôn trọng những cam kết với các chủ nợ là giới đầu tư trái phiếu trên toàn cầu.

Trường hợp đó được gọi là "default", hay "vi ước", một bước trước khi rơi vào tình trạng vỡ nợ (insolvency) rồi phá sản (bankcruptcy). Nước Mỹ giàu có không thể vỡ nợ, nhưng khi vi phạm cam kết thì mức tín nhiệm về tài chánh sụt giảm sẽ khiến phân lời trái phiếu gia tăng, và lãi suất tăng thì gây bất lợi lớn cho kinh tế. Trong hai ngày liền, Bộ Ngân khố (hay Tài chánh) Mỹ đã kín đáo rồi công khai cho biết là nếu không sớm khai thông những ách tắc chính trị hiện nay, Hoa Kỳ sẽ bị một vụ khủng hoảng tài chánh còn nghiêm trọng hơn vụ 2008.

Nghe thấy vậy thì ai cũng sợ!

Bây giờ ta mới nhìn ra bên ngoài....


***


Hôm Thứ Tư mùng hai, Phủ Tổng thống cho biết là vì lý do vận trù hay "hậu cần" – logistic, khi thiếu nhân viên bảo vệ tổng thống do bộ máy công quyền bị đóng cửa – Tổng thống Obama sẽ không thể thăm viếng Malaysia và Philippines trong hai ngày 11-12 tới đây như đã dự trù. Đại diện cho ông sẽ là Ngoại trưởng John Kerry, Tổng trưởng Thương mại Penny Pritzker và Đặc sứ Thương mại Hoa Kỳ là Michael Froman. Chiều Thứ Năm, tòa Bạch Cung tăng phần kịch tính mà thông báo là Tổng thống sẽ hủy luôn cả chuyến Á du để ở nhà khai thông ách tắc. Nhưng dù chẳng dời thủ đô phó hội với các nước như đã hẹn, Tổng thống Mỹ cũng chẳng dời đổi lập trường là nhất quyết không nhượng bộ đối lập.

Được trù tính từ lâu, chuyến Á du của Tổng thống Mỹ từ mùng bảy đến 12 có nghị trình là ông Obama dự Thượng đỉnh APEC của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu Thái bình dương tại Bali của Indonesia, Thượng đỉnh ASEAN của Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á và Thượng đỉnh Đông Á tại tiểu vương quốc Brunei, rồi chính thức thăm viếng Mã Lai Á và Phi Luật Tân. Một ngày sau khi loan báo bỏ rơi chuyến Phi-Mã, Hoa Kỳ cũng khỏi dự các thượng đỉnh APEC và ASEAN....

Với giới lãnh đạo Á Châu thì đây là điều đáng tiếc sau nhiều vụ lỡ hẹn khác. Lại một chuyện... vi ước về ngoại giao.

Tháng Ba năm 2010, Tổng thống Mỹ đã dời lại rồi hủy luôn việc thăm viếng Indonesia và Úc vì phải ở nhà vận động cho đạo luật cải tạo y tế. Ông hẹn qua Tháng Sáu, nhưng đến hẹn lại xuống! Hai chuyến thăm viếng chính thức này cũng lại bị hủy vào Tháng Sáu vì tai nạn dầu khí của tổ hợp BP trong Vịnh Mễ Tây Cơ.

Từ mấy chục năm nay, tình trạng bội chi lưu cữu và mâu thuẫn quan điểm về ngân sách từng xảy ra nhiều lần khiến một phần không quan trọng của chính quyền liên bang bị tạm thời đóng cửa. Người ta thường nói đến 26 ngày đình đọng cuối năm 1995 và đầu năm 1996 khi có đụng độ về ngân sách giữa Hành pháp Dân Chủ (Tổng thống Bill Clinton) và Hạ viện Cộng Hoà (Dân biểu Newt Gringrich). Thật ra, trước đó đã từng có nhiều lần tương tự dù ngắn hơn, giữa Hành pháp Cộng Hoà thời Ronald Reagan và Quốc hội Dân Chủ (Dân biểu "Tip" O'Neill), vào các năm 1981, 1982, 1984, 1986 và 1987.

Nhưng chưa khi nào mà một Tổng thống Mỹ lại nhiều lần lỗi hẹn với các nguyên thủ quốc gia như Obama trong khi Hoa Kỳ đang lúng túng giải quyết hồ sơ Trung Đông, chuyện Syria và Iran, trước sự thất vọng của các đồng minh như Israel, Saudi Arabia, Egypt và Turkey. Lần trước vào năm 1995, Tổng thống Bill Clinton cũng đã phải bỏ Thượng đỉnh APEC vì một vụ shutdown ở nhà, nhưng ông kịp hàn gắn vụ này khi thăm viếng Nhật Bản và Nam Hàn năm sau.

Với Á Châu, tình hình còn tệ hơn vậy. Từ gần bốn năm nay, Chính quyền Obama rầm rộ thông báo việc chuyển trục về Đông Á sau khi Mỹ trủ tính rút chân khỏi vũng lầy Trung Đông (Iraq) và Trung Á (Afghanistan). Chuyện triệt thoái chưa xong thì bây giờ bên trong lại có loạn vì phản ứng của đảng Cộng Hoà, được nhiều người trong phe Dân Chủ gọi là khủng bố Hồi giáo Jihadsist.

Đấy là lúc Tổng thống Iran cho tiết lộ rằng phía Hoa Kỳ đã năm lần bắn tiếng muốn đàm phán mà đều bị Tehran từ chối... Người ta còn biết thêm rằng nhân khóa họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vừa qua ở New York, Chính quyền Obama đề nghị Tổng thống Hoa Kỳ và Iran gặp nhau mà chuyện không thành vì Tổng thống Hassan Rouhani bận gặp báo chí, nên sau cùng Tổng thống Obama đành phải gọi điện thoại nói chuyện vài câu khi Rouhani trở về Tehran.

Đâm ra Tổng thống Mỹ có thể nằn nì nói chuyện với đối thủ Iran mà nhất quyết không nhượng bộ đối lập Cộng Hoà ở nhà!


***


Trong vụ này, nước Mỹ hụt mất những gì tại Châu Á?

Theo nghị trình, Tổng thống Mỹ phải tới Manilla thảo luận về hợp tác quân sự với lãnh đạo Philippines trước sự theo dõi tìm hiểu của các nước trong Hiệp hội ASEAN vì liên hệ đến an ninh Đông Nam Á trước sức ép của Trung Quốc. Tại Malaysia, Tổng thống Mỹ cũng có cơ hội đẩy mạnh việc đàm phán để sớm hoàn thành Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái bình dương TPP bị ách tắc vì sự chống đối của các tập đoàn quốc doanh Mã Lai Á. Với Kuala Lumpur, Tổng thống Mỹ còn có nhu cầu xây dựng một quan điểm thống nhất với cả khối ASEAN về Quy tắc Hành xử tại vùng biển Đông Nam Á để gây áp lực với Bắc Kinh.

Nhưng Obama lại vắng mặt và nhường sân chơi Malaysia cho Chủ tịch Tập Cận Bình của Bắc Kinh. Lãnh đạo Trung Quốc có ba ngày viếng thăm chính thức Malaysia, từ mùng ba đến mùng năm, sau khi đã tới Indosenia. Ông đem theo nhiều dự án hấp dẫn và lập trường kiên định của mình về Đông hải, để bẻ từng chiếc trong bó đũa ASEAN.

Sau khi hủy chuyến công du Phi-Mã, Tổng thống Mỹ còn quay lưng với Đông Á khi bỏ luôn các thượng đỉnh, là nơi mà Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin bình thản gặp gỡ và tranh thủ các nước Đông Á trước sự tường thuật của truyền thông quốc tế.

Thật ra, tình trạng lỡ hẹn đáng tiếc này còn cho thấy một sự thật khác về mức ưu tiên trong tư duy và đối sách của Barack Obama.

Với tài hùng biện, ông có thể ăn nói nước đôi, đỏ đen trái phải gì thì mình cũng đúng. Nhưng căn bản thì ban tham mưu về an ninh và đối ngoại của ông thiếu người am hiểu về Châu Á, mà lại còn tập trung vào các hồ sơ khác. Và trong bài diễn văn Tổng thống Mỹ đọc trước Đại hội đồng Liên hiệp Quốc, Á Châu lẫy lừng vắng mặt. Không đáng kể trong mối quan tâm của Obama.

Trước sự bành trướng kiên trì của Trung Quốc, các nước Đông Nam Á đành trông vào hai cường quốc trong khu vực là Nhật và Úc. Và chờ một Tổng thống khác của Hoa Kỳ.

Nhìn lại như vậy thì chuyện một phụ nữ nổi điên tông xe vào Phủ Đầu Rồng rồi phóng bạt mạng qua Quốc hội làm náo loạn thủ đô Mỹ để bị bắn hạ vào chiều Thứ Năm vửa qua chưa phải là chuyện điên nhất của nước Mỹ. Thảm.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét