Thứ Sáu, tháng 1 31, 2014

Nắn Giò Bát Tiên

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 130131

Đầu năm, xin giải phẫu ngược một truyền thuyết vui, cho vui mà vẫn buồn...


* Xin chọc quê thầy Lão và lũ Khổng nho cóc nhái thời hiện đại *



Thưa rằng trong một số Tết thì bình luận những gì mà vẫn ra vẻ "ôn cố tri tân" và nói gì về truyền thống mà vẫn cứ là giải ảo về thời sự trong tinh thần mua vui cũng được một vài bát thang?

Xin nói về sự tích "bát tiên" mà mọi người Việt nghĩ rằng mình có văn hóa đều biết.

Đấy là tám nhân vật bất tử theo tín ngưỡng Lão giáo của văn hóa Trung Hoa, có thể là tổ tiên của những ông Công ông Táo mà bà con ta vẫn o bế trong ngày Tết...

Họ có thể là nhân vật lịch sử. Tức là dù mơ hồ thì cũng có thật, như trường hợp Lã Động Tân, Hán Chung Li và Trương Quả Lão. Hay hoàn toàn hư cấu như năm người kia. Họ có thể là quan to như Tào Quốc Cữu, tướng giỏi như Hán Chung Li, thuật sĩ giang hồ như Trương Quả Lão hay văn nhân tú sĩ như Lã Động Tân hoặc ngát tiếng cầm ca như Hàn Tương Tử. Họ có thể là mỹ nhân diễm tuyệt như Hà Tiên Cô hay là tay anh chị - vừa anh vừa chị vì... ái nam ái nữ tùy cái hứng vẻ vời của đời sau - như cô/cậu Lam Thái Hoà. Lam Thái Hòa quả là nhân vật hiện đại!

Nhân vật kiệt xuất và "ấn tượng" nhất – xin mượn chữ ấn tượng vô nghĩa của người Hà Nội – chính là Lý Thiết Quải.

Trong tám người, đấy là người đầu tiên đã tu lên hàng trường sinh bất tử vì là môn đồ chân truyền của vị thủy tổ ở tận đầu nguồn, là Lão Tử.


* * *


Luận về văn học sử Trung Hoa thì truyền thuyết về một số nhân vật phi phàm đã lác đác xuất hiện từ thời Hán Đường, ứng vào thời Bắc thuộc của nước Nam. Rồi cô đọng dần và hệ thống hóa vào đời Tống, khi nước Nam ta giành lại nền độc lập. Bát tiên chỉ bắt đầu hiển lộ từ thời Kim vào đầu thế kỷ 12, rồi nói có sách mách có chứng về tích "quá hải" là từ thời Nguyên Mông - khi Hán tộc rơi vào ách cai trị Mông Cổ từ thế kỷ 13.... Qua đời Minh về sau thì hình ảnh bát tiên đã tràn ngập sân khấu và nghệ thuật rồi xuất hiện ở từng nhà. Kể cả nhà Nam của chúng ta.

Luận về văn hóa chính trị, hình ảnh rạng rỡ nhất của bát tiên khởi sự xuất hiện vào đời Tống.

Đời Tống cũng là khi văn hóa Trung Hoa tỏa sáng với rất nhiều phát minh kỹ thuật và khi cuộc sống người dân lại có vẻ dễ thở nhất nhờ sự suy yếu của triều đình trung ương. Yếu nhất trong cả ngàn năm lịch sử gần đây của Trung Quốc. Mà yếu quá thì gẫy! Kể từ đó Trung Quốc mới bị các dị tộc họ coi là man rợ ở chung quanh khuất phục, sau Liêu, Kim, Tây Hạ, Tây Tạng thì có Mông Cổ và Mãn Thanh cho đến năm 1911...

Khi nhớ lại xuất xứ bát tiên và Bồng Lai cảnh thì ta cũng nghĩ đến một tiền lệ là Trúc Lâm Thất hiền vào đời Tấn (năm 263) của con cháu Tư Mã Ý sau thời Tam Quốc.

Đời Tấn là khi ách độc tài lên tới đỉnh hắc ám nhất và một số trí thức bèn trốn vào rừng trúc. Thất hiền là tiêu biểu cho nền văn hóa ở ẩn mà thật ra là lánh nạn khi triều đình Khổng Nho được tái lập. Thế rồi trước sau, họ đều phải bỏ áo Lão khoác áo Khổng ra hợp tác với chính quyền cách mạng. Chỉ còn Kê Khang là chết thảm, một phần cũng vì tay các đồng chí đồng đạo cũ trong vườn Trúc Lâm. Đừng vội chê những kẻ như Sơn Đào, họ hòa giải hòa hợp với chế độ tham tàn để góp phần xây dựng đất nước!

Một ngàn năm sau, khi đất nước Trung Hoa đã mất chủ quyền sau đời Tống thì bậc đại trí nghĩ xa hơn vườn trúc mà dựng nên đảo Bồng Lai và cõi bất tử, với tám người đã thành tiên. Trong số này, người bất tử đầu tiên và đúng là số một, không phải là Lã Động Tân mà là Lý Thiết Quải.

Nôm na là Lý Nạng Sắt...

* * *


Mỗi thời lại có một truyền thuyết về nhân vật này, nhưng tựu trung về bi kịch thì chỉ vì một tên đệ tử... có hiếu.

Chẳng biết là sinh vào đời Chu hay thời Tiên Tần, hoặc đời Tống, nhân vật Lý Huyền hay Lý Ngưng Dương, Lý Hồng Thủy, Lý Nguyên Trung, có tên lúc nhỏ khá tiền định là Quải Nhi và có tự là Lý Khổng Mục. Chỉ biết rằng ông học đạo với chính Lão Đam, hay hóa thân của vị sư tổ này là Thái Thượng Lão Quân, và lên tới bậc phi phàm. Ông coi chuyện hình tướng là vô dụng, tiền tài là dép rách. Hơi có mùi thiên đường xã hội chủ nghĩa...

Một ngày kia, Lý Huyền xuất hồn lên trời gặp thầy và dặn đệ tử là canh cái xác phàm của mình trong một tuần bảy ngày thì sẽ về. Đến ngày thứ sáu thì tên đệ tử nóng ruột vì có bà mẹ vừa mất. Chữ hiếu là quan trọng nhất. Quay về cư tang là chuyện phải đạo. Nhưng sợ cái xác phàm của thầy bị phạm nên trước khi đi lại đốt cháy thành than.

Cho nên khi hồn vía Lý Huyền trở về thì mất hộ khẩu.

Lang thang mãi nên đành gia nhập hàng ngũ quần chúng nhân dân lao động, là mượn cái xác của một người hành khất vừa chết. Quyết định sáng suốt mà thê thảm.

Người ăn mày chỉ có một chân, cái đầu gớm ghiếc, bộ mặt ghê hồn và tóc tai bù xù dơ bẩn. Ở trên kia, thầy Lão Tử thương người đệ tử không may mà phóng xuống một vòng vàng để cuốn tóc cho gọn, và một cái nạng bằng sắt để di chuyển cho nhanh. Từ đó Lý Huyền mới có dáng dị nhân và cái tên là Lý Nạng Sắt...

Việc đầu tiên của Lý Thiết Quải là thi triển thần thông. Trút thuốc trong bầu hồ lô cứu sống bà mẹ của tên đệ tử hiếu đễ mà lơ đãng này, rồi đi hành hiệp khắp bốn phương để cứu giúp người nghèo khổ, những kẻ bị áp bức.

Ông xứng đáng là khuôn mặt của Trung Quốc... thời cách mạng. Mà thời thân mẫu nào của Trung Quốc chẳng là thời cách miệng?

* * *


Ngày nay, nếu ai có sợ dáng vẻ dị hợm của Trung Quốc thì đã có người nói đến từ tâm của Lý Thiết Quải. Truyền thuyết phổ biến là họ Lý này hơi nóng nẩy thô bạo nhưng thật ra thì Trung Quốc cũng biết thương người. Với hình tượng của kẻ bần cùng nhất, đến độ phải đi ăn mày, Trung Quốc vẫn kết một cái kiềng vàng rực rỡ trên đầu. Có nghĩ đến cái vòng kim cô trên đầu kẻ sĩ làm quan hay đảng viên cao cấp thì cũng chẳng sai.

Và dù có cụt chân thì khi nổi giận nạng sắt đã thừa sức phang tới Đông hải...

Phép phân tâm học đời nay có thể nhìn ra nhiều ý nghĩa tiềm ẩn như vậy trong một nếp văn hóa tập thể. Sau mấy trăm năm lầm than nơi Bồng Lai không hề có, Trung Quốc ngày đang mơ ngày hái quả. Họ gọi đó là quá hải....

______________________________________

 
Đôi điều ký chú đinh ninh: Chuyện cận đại "bát tiên quá hải" - và hai lần đụng quân Nhật mà bươu đầu sứt trán - có được kể rõ trong số Xuân Việt Báo năm nay. Nhân đây, người viết thay mặt các tác giả góp phần cho Báo Xuân, xin có lời cám ơn chung tới quí vị bạn đọc. Báo xuân Việt Báo Tết Giáp Ngọ, với chủ đề "60 Năm Di Cư Di Tản - Gốc Việt và Nước Mỹ Di Dân - Thế Hệ Thiên Niên Kỷ", 320 trang, bán lẻ chín Mỹ kim, dù không kèm bất cứ quà tặng nào, vẫn được bạn đọc khắp nơi nồng nhiệt hưởng ứng. Cho tới cuối tuần qua, số lượng báo xuân dành cho các đại lý, tiệm sách hiện đã bán ra hết và không thể tiếp tục cung cấp thêm. Trân trọng cáo lỗi. Báo xuân Việt Báo hiện chỉ còn số lượng giới hạn tại toà báo dành cho chợ Tết khai mạc cuối tuần này. Hẹn gặp quí vị trong chợ Tết.

Kính chúc Năm Giáp Ngọ Thái Hoà.


Tương Lai Trung Quốc



Hùng Tâm / Người Việt Ngày 140130

Hãy quẳng gánh lo mà nghĩ cho mình

 * Có một bài hay như lời chúc đầu năm - nếu nhìn ra Hoa lịch! *



Trung Quốc đang là mối quan tâm của thế giới. Thế giới đó có các doanh gia và chiến lược gia Hoa Kỳ khi họ nghĩ đến quyền và lợi của nước Mỹ. Thế giới đó có các nước Á Châu, từ Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương, từ Ấn Độ tới các nước Đông Nam Á và Nhật Bản. Thế giới đó cũng có Việt Nam và hơn 90 triệu người ở trong và ngoài nước. Cho một số tất niên trước thềm năm mới, "Hồ Sơ Người-Việt" xin vén mở tương lai về Trung Quốc – hoàn toàn dựa trên những dữ kiện của thực tế....


Thực Tế Về Trung Quốc

Trung Quốc có một lãnh thổ bát ngát bằng diện tích của nước Mỹ, là 10 triệu cây số vuông. 

Nhưng Trung Quốc có một lãnh thổ nghèo, rất thiếu hai phương tiện sinh sống căn bản cho con người là đất canh tác và nước ngọt. Diện tích khả canh, có thể canh tác được, của Trung Quốc chỉ bằng một phần ba của trung bình toàn cầu. Nếu tính theo đầu người của xứ này thì lượng nước ngọt, từ sông hồ đến giếng sâu và cả nước mưa, thuộc loại thấp nhất Á Châu, và Á Châu thiếu nước nhất trong các lục địa của thế giới. 

Lãnh thổ của Trung Quốc lại có những khác biệt chết người. Đó là một vòng bao lơn hiểm trở khắc nghiệt vây quanh và nhìn xuống vùng đất tương đối phì nhiêu hơn ở phía Đông, gần duyên hải. Xưa nay, biển người từ bao lơn ba phía đổ xuống vùng Trung Nguyên đã làm nên lịch sử hợp tan của Trung Quốc. 

Nếu biết nhìn vào địa dư người ta cũng có thể hiểu ra một phần của lịch sử.

Với thực tế ngàn đời ấy, lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc đã có hơn 30 năm tăng trưởng từ 1979 đến 2009, trung bình là tăng 10% một năm. Từ một quốc gia có hơn một tỷ 300 triệu người, đà gia tăng ấy quả nhiên là đáng kể. Những người lãnh đạo Trung Quốc và giới kinh doanh làm ăn tại đây đều ngợi ca rằng đấy là sự kỳ diệu, một phép lạ kinh tế. 

Nhưng sự thật thì Trung Quốc vẫn là một nước cực nghèo. Hãy nói về cái nghèo đó.

Cả thế giới cứ nói đến các đại gia mới nổi của Trung Quốc, thành phần tỷ phú đang làm loại sản phẩm xa xỉ đắt tiền tăng giá lên trời. Nhưng theo thống kê của nhà nước Bắc Kinh, chỉ có 60 triệu người là có lợi tức đồng niên nhiều hơn hai vạn đô la. Sáu mươi triệu người thì đông thật, nhưng là thiểu số hơn 4% giữa một tỷ 350 triệu người.

Lợi tức trung bình của dân Mỹ là 53 ngàn đô la và của dân Tầu là 10 ngàn hai trăm đô la. Con số trung bình ấy che giấu nhiều chuyện khác: khoảng 600 triệu người không kiếm ra hai đồng một ngày để sống. Có 400 triệu người khá giả gấp đôi vì kiếm được từ hai đến bốn đô la một ngày. Vị chi, có một tỷ người Tầu chưa đạt mức lợi tức bần cùng là bốn Mỹ kim một ngày!

"Hồ Sơ Người-Việt" cứ nói đến lời ngợi ca của doanh gia Mỹ về triển vọng kinh tế Trung Quốc. Ăn cây nào họ rào cây nấy. 

Nhưng sự thật thì kinh tế Trung Quốc làm giàu cho các tổ hợp như Wal Mart, Home Depot hay Carrefour của Pháp. Và cả một khu vực duyên hải lại gắn bó và gần gũi với Wal Mart hay Apple hơn là với các tỉnh khác ở bên trong. Nghĩa là kinh tế Trung Quốc lệ thuộc vào giới tiêu thụ ở bên ngoài, trong các nước giàu có tại Hoa Kỳ hay Âu Châu. 

Nếu giới tiêu thụ đó từ chối thì hàng hóa "Made in China" dù có rẻ mạt vẫn vượt khỏi sức mua của đa số người dân Hoa lục. Bài toán của lãnh đạo Bắc Kinh là nâng sức mua đó, nhưng họ không có giải pháp kỳ diệu!

Từ kinh tế mà nhìn ngược về lịch sử, người ta thấy rằng trong quá khứ, Trung Quốc đã từng có những bước nhảy vọt và thời nguy nàn. Sau giai đoạn mộng mị của Mao Trạch Đông, nếu xứ này có vọt lên trong ba thập niên thì cũng sẽ có lúc tuột xích, nhất là khi lãnh đạo không tìm ra cái phép thần thông để giải quyết tình trạng nghèo khốn và khác biệt ở bên trong.

Ra khỏi lãnh vực kinh tế, nhiều người lạc quan cũng nói đến một tương lai khác, là khi Trung Quốc có thể dân chủ hóa và tiến tới thể chế liên bang. 

Đây là chuyện mộng mị khác. 

Đa số người dân Trung Quốc rất hài lòng với hiện tại. Họ hãnh diện về sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc và chưa từng say đắm nguyên tắc dân chủ. Những người có trí nhớ sâu xa nhất, lên tới trăm năm về trước, thì còn e sợ dân chủ như đã thấy dưới thời Cộng hoà của Trung Hoa Dân Quốc. Họ coi đó là mầm đại loạn và nội chiến.

Trong cái DNA của họ chưa hề có tế bào dân chủ.

Quốc gia rộng lớn này đang trở về trạng thái cũ, chẳng có gì là phép lạ. Và nếu trạng thái cũ có là nội loạn thì cũng chỉ là truyền thống.


Cận Cảnh của Trung Quốc


Nói về những chuyện xa xôi, lớn lao hay mơ hồ như kinh tế xã hội của trăm năm thì nhiều người khó mường tượng ra thực tế trước mắt, nghĩa là nhìn trong cận cảnh.

Thực tế trước mắt là các doanh nghiệp quốc tế đều đang nhìn lại Trung Quốc, và nhìn qua xứ khác trước khi xứ này có loạn. Có ba lý do đều chính đáng cho sự chuyển hướng ấy. 

Thứ nhất là sau hai chục năm mở cửa đón nhận các tổ hợp quốc tế đầu tư vào trong nước, doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc đã học được một số bí quyết làm ăn và với quyền lực chính trị trước đây không hề có, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế nhà nước không muốn chia phần cho thiên hạ. Là Trung ương Ủy viên có ảnh hưởng, họ bắt đầy gây khó cho doanh nghiệp ngoại quốc. Ăn của địch để đánh địch là một phép khôn ngoan đã từng có trong Binh pháp Tôn Ngô!

Thứ nhì, ưu thế của thị trường Trung Quốc là dân nhiều lương rẻ nay đã không còn. 

Dân số Trung Quốc hết tăng, vựa người từ thôn quê ra tỉnh kiếm việc đã cạn dần và thợ thuyền ở tỉnh muốn phải có lương cao hơn. Trung Quốc bị nạn thiếu người và mức lương tối thiểu khoảng 300 đô là một tháng hết được coi là rẻ, vì gấp đôi Việt Nam, gấp ba Cam Bốt, gấp bốn năm lần mức lương của Bangladesh hay Miến Điện. Bị nhà nước gây khó và công nhân đòi tăng lương, doanh nghiệp quốc tế đã thất vọng về thị trường Trung Quốc.

Thứ ba, thị trường này sẽ không tăng mà có khi lại gặp loạn. 

Thị trường này không tăng và tốc độ 10% một năm đã hết. Đầu tiên là sức người có hạn, dân số đã hết tăng mà còn bị lão hóa. Năng suất cũng vậy khi giảm dần vì kinh tế bước qua hình thái khác. Khi thấy đà tăng trưởng sút giảm dưới 8%, lãnh đạo xứ này đã ồ ạt bơm tiền.

Tín dụng đổ ra có thể chảy vào ba ngả, là đầu tư sản xuất cho số cung, là tiêu thụ để nâng số cầu, hay đầu cơ để làm giàu cho các đại gia. Vì những lệch lạc ngay trong cơ chế kinh tế và chính trị, lượng tiền bơm ra đã chảy vào khu vực nhà nước, chứ không vào sức mua của người dân, và từ khu vực nhà nước chảy qua lãnh vực đầu cơ. Nạn đầu cơ thổi lên bóng bóng và khi bể thì sẽ như Nhật Bản hơn 20 năm trước. 

Nhưng khủng hoảng kinh tế trong một xứ độc tài lại dễ đưa tới khủng hoảng chính trị. Nghịch lý ở đây là các doanh nghiệp quốc tế càng rút chạy thì nguy cơ bể bóng càng tăng và đấy là mầm khủng hoảng tài chánh, rồi kinh tế. 

Khi thị trường cổ phiếu tại Mỹ sụt giá mạnh từ tuần qua cho đến hôm qua, một trong những nguyên nhân chính là mối lo của giới đầu tư về kinh tế Trung Quốc!

________________________

Kết luận ở đây là gì?

Hãy quẳng gánh lo mà nghĩ cho mình. Nghĩ cho mình là cho Việt Nam. Đừng phục Trung Quốc như đã từng trong cả ngàn năm. Hãy tin vào dân mình để tìm ra ngả khác. Đấy là ước nguyện cho năm Giáp Ngọ khang cường. 

Thứ Năm, tháng 1 30, 2014

Cơ Hội cho Việt Nam

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 140130
Diễn đàn Kinh tế

Việt Nam vẫn lệ thuộc khi Trung Quốc đã sa sút

000_Hkg9311350-305.jpg
* Một tiệm bán lịch Tết ở Hà Nội hôm 27/12/2013. AFP photo * 


Như mục Diễn đàn Kinh tế đã trình bày nhiều lần trong năm qua, việc các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài triệt thoái dần dần khỏi thị trường Trung Quốc đang mở ra cơ hội cho nhiều quốc gia khác. Nhưng Việt Nam lại có thể để lỡ những cơ hội này.

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa ông, trong một chương trình phát thanh ngày 14 Tháng Tám năm ngoái, chúng tôi đã nêu vấn đề như trên đây để nói đến những cơ hội mới khi các doanh nghiệp quốc tế triệt thoái khỏi thị trường Trung Quốc. Bước qua năm 2014, và trước khi qua năm Giáp Ngọ, sự thể ấy đã rõ rệt nên chúng ta có gắng nhìn lại toàn cảnh và cả cơ hội cho Việt Nam, ông nghĩ sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta biết là phải nêu vấn đề và còn nhắc lại nhiều lần mỗi khi có dịp vì quả thật là thế giới đang bước qua hoàn cảnh mà nhiều người có thể gọi là "thoái Trung" là triệt thoái khỏi Trung Quốc. Mình sẽ bắt đầu từ đó rồi tìm hiểu xem là nếu rút khỏi Trung Quốc thì giới đầu tư quốc tế sẽ tìm đến nơi nào khác, theo điều kiện gì.

Vũ Hoàng:
Chúng ta khởi sự từ chuyện "thoái Trung" này vì tuần qua thì tạp chí chuyên đề về kinh tế là tờ The Economist của Anh đã đưa một chủ đề lên trang bìa của số báo là Trung Quốc mấy sự hấp dẫn và các doanh nghiệp nước ngoài khó làm ăn hơn xưa. Vì sao lại như vậy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hiện tượng này đã có từ nhiều năm qua mà chương trình chuyên đề của chúng ta liên tục nhắc nhở, với nhiều đánh giá rất bi quan về thực trạng và tiềm lực kinh tế của Trung Quốc khi thiên hạ vẫn nói về phép lạ của xứ này. Đến năm qua thì đa số dư luận đã thấy ra những điều ấy. Thứ nhất, đà tăng trưởng của Trung Quốc thiếu phẩm chất và không thể kéo dài. Thứ hai là họ phải chuyển hướng để tránh khủng hoảng và thứ ba, thế giới thấy Trung Quốc hết là hãng xưởng cho các ngành ráp chế nhờ nhân công nhiều và rẻ như trước.

- Vì vậy, khi doanh nghiệp đầu tư lần lượt rút chạy thì ta phải hỏi là chạy đi đâu? Và làm sao các nước có thể thu hút được nguồn cung cấp tư bản và kỹ thuật đang rút chạy của thiên hạ làm sức đẩy cho mình? Như mọi nước nghèo vừa bước vào giai đoạn khởi phát hay "cất cánh", Việt Nam cần vốn và kỹ thuật nên phải huy động từ bên ngoài. Các quốc gia khác, kể cả Trung Quốc, đều trải qua giai đoạn ấy. Khi đó, vấn đề chủ yếu là ta có gì hấp dẫn hơn xứ khác để thu hút đầu tư?

Như mọi nước nghèo vừa bước vào giai đoạn khởi phát hay "cất cánh", Việt Nam cần vốn và kỹ thuật nên phải huy động từ bên ngoài.  Nguyễn-Xuân Nghĩa

Vũ Hoàng: Thưa ông, kỳ này thì ta sẽ tập trung vào những điều kiện ông gọi là hấp dẫn đó và nói đến một ngành sản xuất quan trọng cho Việt Nam là dệt sợi và may mặc.

Nguyễn-Xuân Nghĩa:
- Tôi thiển nghĩ đấy là một thí dụ tiêu biểu nhất cho thấy Việt Nam có thể đã để lỡ cơ hội vì trong khi thiên hạ đang rút vốn khỏi Trung Quốc và tìm nơi đầu tư có lợi hơn thì năm qua ngành may mặc để xuất khẩu của Việt Nam lại sa sút vì yếu kém nội tại của mình.

- Trước tiên, ngay trong ngắn hạn là năm nay thì Việt Nam cần thấy trước nhiều rủi ro biến động trên thế giới khi toàn cầu đang bước qua giai đoạn điều chỉnh và luồng tư bản có thể chảy ngược. Một cách cụ thể thì nền kinh tế phải có quân bình vĩ mô mà Việt Nam lại chưa có vì mắc nợ nước ngoài quá nhiều, dự trữ ngoại tệ quá mỏng, thuộc loại thấp nhất Đông Nam Á.

- Điều kiện thứ hai là phải có hạ tầng cơ sở bền vững để tiếp nhận đầu tư về tư bản lẫn kỹ thuật. Hạ tầng cơ sở ấy gồm có nhiều loại. Là vật chất như đường xá cầu cống và cả hệ thống bảo vệ môi sinh, hủy thải phế vật và giữ gìn điều kiện lao động lành mạnh cho công nhân. Hạ tầng đó cũng gồm có bộ máy hành chính công quyền hữu hiệu và liêm minh và hệ thống ngân hàng có thể giải quyết các dịch vụ cần thiết cho sản xuất và xuất khẩu. Trong cả chu trình sản xuất thì hạ tầng cơ sở còn có ý nghĩa tiếp liệu là lấy nguyên nhiên và vật liệu ở đâu để có sản phẩm hoàn tất tung ra thị trường nội địa hay xuất cảng? Và sau cùng, hạ tầng cơ sơ vô hình mà quan trọng nhất là nền tảng luật lệ công khai minh bạch để bảo đảm sân chơi bình đẳng cho mọi doanh nghiệp.

 

Phụ thuộc Trung Quốc 

 

000_Hkg9407802-250.jpg


Vũ Hoàng: Ông nêu ra những điều kiện hay tiêu chuẩn hấp dẫn từ nền tảng để thu hút đầu tư trong khi nhiều người cứ nghĩ rằng Việt Nam có sự hấp dẫn riêng là nhân công tương đối còn rẻ. Sự thật thì có như vậy hay chăng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là nên hỏi lại rằng "rẻ so với cái gì"? Thí dụ như phải rẻ nếu so với tay nghề hay hiệu năng cao thấp của công nhân thợ thuyền trong một môi trường ổn định và so với công nhân của các thị trường khác. Một cách thiết thực thì ta có thể so mức lương tối thiểu hàng tháng của công nhân các nước. Giả dụ như đang ở khoảng 100 đô la một tháng tại một xứ bất ổn bên cạnh Việt Nam là Cam Bốt, hoặc chưa tới 40 đô la ở tại Bangladesh, chưa tới 80 đô la bên Lào và khoảng 130 đô la ở Việt Nam. So với quãng 250 hay 300 đô la tối thiểu phải trả cho công nhân Trung Quốc thì Việt Nam có lợi thế rẻ hơn thật, nhưng vẫn kém Lào hay Bangladesh.

- Ngoài ra, mình còn phải xét đến nhiều tiêu chuẩn khác trong cả chu trình sản xuất. Hãy tạm nghĩ rộng ra phí tổn của các phương tiện sử dụng là đất đai, máy móc thiết bị, và nguyên nhiên vật liệu lẫn gánh nặng thuế khóa. Người ta cứ cho là nếu giảm thuế hay giữ mức lương thấp thì sẽ thu hút được đầu tư của nước ngoài. Sự thật thì thuế suất cao thấp và trong thời hạn dăm ba năm đầu không là tiêu chuẩn đáng quan tâm nếu công chức tham nhũng và công nhân kém tay nghề và thiếu kỷ luật. Quan trọng hơn cả trong chu trình sản xuất là chuyện lấy vật liệu ở đâu?

Vũ Hoàng: Riêng về chuyện ấy thì ngành may mặc của Việt Nam vẫn phải nhập khẩu vật liệu chính là vải vóc từ Trung Quốc nên thật ra kiếm lời rất ít. Ông nghĩ sao về sự kiện này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho rằng đấy là nhược điểm tiêu biểu của hệ thống lãnh đạo.

- Xin bắt đầu từ việc phân định ra từng công đoạn sản xuất thí dụ như áo quần để bán cho các thị trường Âu Mỹ theo kiểu dáng và mẫu mã của họ. Qua mỗi công đoạn thì ta có thêm một phần trị giá gia tăng, rồi tổng cộng lại ngần ấy trị giá đóng góp thì mình mới có mức lời về kinh tế cho quốc gia và kinh doanh cho doanh gia. Muốn sản xuất áo quần thì ta không chỉ cần mẫu mã, máy móc hay tay nghề rất rẻ của công nhân mà còn cần nguyên liệu, cơ bản như bông vải chẳng hạn.

- Việt Nam thiếu cả khu vực phù trợ ngành sản xuất hàng may mặc, cụ thể là bông nội địa chỉ đủ cho 1% của yêu cầu và vải nội địa chỉ đủ cho 10% nên vẫn phải nhập. Nguồn cung cấp chính yếu lại là Trung Quốc. Từ bông sang vải qua tới áo quần đạt tiêu chuẩn của quốc tế thì Việt Nam chỉ nắm được công đoạn cuối nên hưởng phần trị giá gia tăng rất giới hạn. Ngoài ra, phải nói thêm rằng bông vải do Việt Nam sản xuất lấy vẫn kém về phẩm chất và thật ra lại đắt hơn bông vải của Trung Quốc nên doanh nghiệp làm gia công của Việt Nam vẫn ưa nguyên liệu Trung Quốc hơn và ngành may mặc của Việt Nam vì vậy vẫn lệ thuộc vào Trung Quốc.

Vũ Hoàng: Nhưng vì sao ông lại cho rằng đó là nhược điểm tiêu biểu của hệ thống lãnh đạo?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Người ta cứ nói rằng lãnh đạo là tiên liệu, lãnh đạo Việt Nam không biết tiên liệu nên chẳng thúc đẩy sự hình thành của cả khu vực phù trợ các ngành sản xuất hàng tiêu dùng có khả năng tuyển dụng cao. Chính quyền và các tập đoàn kinh tế nhà nước không mấy thiết tha xây dựng cả chu trình sản xuất qua từng bước cải tiến vì tay chân của nhà nước kiếm ra bổng lộc quá ít trong từng công đoạn ấy, thí dụ như từ trồng bông đến xe chỉ và dệt vải. Họ dồn sức vào các dự án lớn loại Vinashin hay Vinalines vì kiếm được nhiều tiền hơn mà quên hẳn số phận của cả triệu nông dân và công nhân ở dưới.

- Ngoài ra, khi nhìn qua viễn ảnh phát triển ngoại thương nhờ hiệp định đối tác Xuyên Thái bình dương TPP có hy vọng thành hình trong năm nay thì ta không quên là các nước trong khối TPP đều nhìn vào xuất xứ của sản phẩm được lọt ải thuế quan. Hàng hóa Việt Nam mà có tỷ trọng xuất xứ quá lớn từ một nước bên ngoài khối TPP như Trung Quốc thì sẽ bị gạt ra ngoài. Chuyện ấy quả là đáng buồn cho Việt Nam và lãnh đạo xứ này phải duyệt lại chính sách của họ.


Người ta cứ nói rằng lãnh đạo là tiên liệu, lãnh đạo Việt Nam không biết tiên liệu nên chẳng thúc đẩy sự hình thành của cả khu vực phù trợ các ngành sản xuất hàng tiêu dùng có khả năng tuyển dụng cao. Nguyễn-Xuân Nghĩa


Vũ Hoàng: Thưa ông, chúng ta còn vài ngày nữa là bước qua năm Giáp Ngọ. Nếu có vài lời tâm nguyện hay cầu chúc cho Việt Nam trong năm mới thì ông muốn gửi gấm những gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nói về năm Ngọ và con ngựa thì tôi nghĩ rằng trong gần trăm năm qua, Việt Nam phạm một sai lầm lớn là mặc nhiên làm con ngựa chiến thành Troy cho Trung Quốc. Ngựa chiến thành Troy là một truyền thuyết của Hy Lạp thời cổ khi một phe để lại con ngựa gỗ, bên trong có những chiến binh nửa đêm bước ra ngoài mở cổng thành cho địch xâm nhập.

- Việt Nam đã gây cảnh tương tàn Quốc Cộng rồi Nam Bắc trong ba chục năm, tới khi chiến tranh kết thúc thì mới thấy Trung Quốc chiếm lợi rất lớn và chiếm luôn chủ quyền trên đất liền và biển đảo ngoài khơi qua nhiều đợt xung đột vào các năm 1974, 1979 và 1988. Trong lĩnh vực kinh tế ngày nay, Việt Nam tiếp tục làm con chiến mã cho Trung Quốc khi doanh nghiệp Việt Nam mua hàng Trung Quốc và dán nhãn "Made in Vietnam" lên trên để bán cho thiên hạ.

- Thế giới có thiện cảm với dân tộc Việt Nam nên sẵn sàng nâng đỡ kinh tế xứ này nhưng sẽ ngần ngại nếu Việt Nam tiếp tục sai lầm cũ. Ta cũng không quên rằng Á Châu còn nhiều quốc gia khác ngoài Trung Quốc và giới trẻ tại Việt Nam có tiềm năng hợp tác và học hỏi từ các quốc gia này chứ sẽ không mãi mãi cúi đầu. Vì vậy, lời cầu chúc đầu năm của tôi là người Việt sớm thoát khỏi cái kiếp trâu ngựa cho một xứ lân bang có quá nhiều ảnh hưởng lên lãnh đạo ở Hà Nội.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông về cuộc phỏng vấn này và kính chúc ông qua năm mới được an lạc.


Thứ Ba, tháng 1 28, 2014

Nghịch Lý Tả Hữu Của Nước Mỹ



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 140127
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Ngồi Nghe Diễn Văn Về Tình Hình Liên Bang

 * Nước Mỹ xanh đỏ trong cuộc bầu cử tổng thống 2012 *



Theo thông lệ đầu năm, Tổng thống Hoa Kỳ sẽ trình bày với quốc dân bài diễn văn về Tình hình Liên bang, thuật ngữ của truyền thông thường gọi tắt là SOTU, State of the Union.

Ngày xưa, đây chỉ là một văn kiện được chính thức gửi cho Quốc hội. Ngày nay, đích thân Tổng thống vào đại sảnh của Hạ viện đọc bài diễn văn trước sự hiện diện của (trên nguyên tắc) toàn thể các dân biểu nghị sĩ, các thẩm phán của Tối cao Pháp viện, đại diện ngoại giao đoàn và nhân viên nội các, v.v.... Chi tiết ít ai biết là trong khoảng thời gian trọng đại này, nhiều nhân vật của Hành Pháp lẫn Lập Pháp lại kín đáo lánh mặt, để nếu có gì xảy ra tối hôm đó thì vẫn còn người lãnh đạo nước Mỹ....

Trong cả giờ đồng hồ, ông (hay bà) dùng thuật hùng biện để trình bày cho quốc dân một tổng kết về tình hình đất nước và đường nét chính của những gì sẽ thực hiện trong năm, trước sự vỗ tay hưởng ứng của phe mình. Và sự im lặng lễ phép của phe đối lập. Cũng theo thông lệ, một phần nội dung của bài diễn văn đọc vào chín giờ tối Thứ Ba 28 Tháng Giêng đã được tiết lộ trước để báo chí hâm nóng dư luận. Ngay sau đó, một nhân vật của đảng đối lập cũng đọc bài diễn văn trả lời cho truyền thông loan tải.

Nhìn từ bên ngoài, người viết sẽ không nói về nội dung bài diễn văn có thể lại rơi vào lãng quên mà nhìn vào vị trí của hai đảng trong cuộc, Dân Chủ và Cộng Hoà.

Và thấy ra vài nghịch lý....


***


Theo lẽ thường xuất phát từ Âu Châu, trong cuộc Cách mạng Pháp vào năm 1789 đảng viên bảo thủ thì ngồi bên phải. Theo quy ước Tây thời xưa đấy là vị trí danh giá hơn của thành phần quý tộc và tăng lữ. Biểu tượng của họ thường là màu xanh dương. Họ được gọi là "hữu khuynh". Còn đảng viên thiên tả ngồi ở bên trái của chủ tọa đoàn, họ chọn màu đỏ, màu biểu tượng của cách mạng.

Trước đó, Hạ viện Anh được bố trí như đại sảnh của một thánh đường, với hai khối dân biểu ngồi đối diện ở hai phía tả hữu. Có thể lấy ý từ Thánh Kinh (Ecclesiastes 10:2) với châm ngôn "trái tim của người khôn ngoan nằm về bên phải, trái tim kẻ khờ dại thì ở bên trái (A wise man’s heart is at his right hand, but a fool’s heart at his left), các nhân vật trong Nội các của Hoàng đế chọn cánh phải của Chủ tịch Hạ viện. Phe đối lập muốn thay đổi nguyên trạng thì hậm hực ngồi bên cánh trái và phất cờ đỏ tìm sự đổi thay họ gọi là tiến bộ. Vì vậy, một đảng thiên tả như Xã Hội hay Lao Động thì được gọi là "cấp tiến" – progressiste.

Tới Hoa Kỳ thì dường như mọi chuyện lại đảo điên lộn ngược!

Trong Quốc hội Mỹ, đảng Dân Chủ ngồi bên phải và báo chí gọi các tiểu bang thiên tả vẫn bầu cho đảng Dân Chủ là "tiểu bang Xanh". Còn đảng Cộng Hoà có khuynh hướng bảo thủ hơn thì ngồi bên trái và tiểu bang theo Cộng Hoà thì được báo chí gọi là "tiểu bang Đỏ". Tập quán trái ngược này khiến ta nghĩ đến một tấm gương.

Nó phản chiếu quan niệm về cách mạng từ khi đảng Cộng Hoà ra đời, đúng 160 năm trước, vào năm 1854! Được gọi là Grand Old Party (GOP), đảng này không là chính đảng kỳ cựu nhất. Ngôi vị thâm niên đó thuộc về đảng Dân Chủ.

Ra đời năm 1828, đảng Dân Chủ là đảng bảo thủ, trong Quốc hội thì ngồi bên phải, chủ trương bảo vệ nguyên trạng, quyền lợi của địa chủ ở miền Nam. Thoát thai từ đảng Dân Chủ Cộng Hoà do Thomas Jefferson và James Madison thành lập từ 1791-1793, đảng Dân Chủ là đảng phái lâu đời nhất thế giới, có tư tưởng mà đời sau – đời nay – gọi là phản động vì muốn duy trì chế độ nô lệ và đặc quyền của nông gia miền Nam.

Do những người tích cực chống lại chế độ nô lệ và đòi hỏi tự do với khẩu hiệu "free labor, free land, free men", đảng Cộng Hoà là biểu tượng của giải phóng và tiến bộ. Abraham Lincoln là người tiến hành cuộc cách mạng đó, với cái giá phải trả là trận Nội chiến.  

Nhưng sau khi chế độ nô lệ được bãi bỏ từ cuộc Nội chiến, nhiều người da trắng vẫn coi dân da đen là sinh vật hạ đẳng và đòi giết vô tội vạ, bằng dây treo cổ hay dàn hỏa. Do sáng kiến của một số người trong đảng Dân Chủ, tổ chức Klu Klux Klan đầu tiên được thành lập năm 1865 tại Tennessee cho mục tiêu đen tối ấy. Phe Cộng Hoà bèn vận động việc cho phép người da đen được có súng để tự vệ, đấy mới là nguyên ủy của quyền có súng, được ghi trong Tu chính án số hai của Hiến Pháp Hoa Kỳ!

Cho nên, chuyện Xanh Đỏ, thủ cựu hay tiến bộ, ngồi bên phải hay bên trái, có những nguyên nhân rất hợp lý của lịch sử Hoa Kỳ.

Nhìn từ bên ngoài, và sâu xa hơn về quá khứ thì từ năm 1860 khi Abraham Lincoln là Tổng thống Cộng Hoà đầu tiên, đảng Cộng Hoà làm cuộc cách mạng tại Hoa Kỳ trong bảy chục năm liền. Cho tới cuộc Tổng khủng hoảng năm 1929-1930 và sự xuất hiện của lý luận xã hội, hay thiên tả, từ Franklin D. Roosevelt. Nửa thế kỷ sau, đến lượt Ronald Reagan làm một cuộc cách mạng khác vào năm 1980 để đảo ngược trào lưu bao cấp của nước Mỹ.

Ngày nay, Barack Obama cũng có tham vọng cách mạng như Reagan, để cải tạo xã hội Hoa Kỳ. Nhưng cách mạng một cách bảo thủ, như ông đã thúc giục Quốc hội Mỹ từ Tháng Chín năm 2009: "xây dựng những gì công hiệu, sửa sai những gì thiếu xót, hơn là lập ra một hệ thống hoàn toàn mới".


***


Thế rồi ngày nay, dù vẫn giữ vị trí cũ trong sảnh đường với màu cờ sắc áo nguyên thủy, hai chính đảng lớn của Hoa Kỳ đã gần như đổi căn cước với nhau.

Được hậu thuẫn của truyền thông, đa số là thiên tả, đảng Dân Chủ tự xưng là tiến bộ hay cấp tiến và muốn xây dựng hình thái xã hội chủ nghĩa có màu sắc Âu Châu. Còn đảng Cộng Hoà thì đòi bảo vệ quyền tự do và kỷ cương xã hội, và chỉ cải thiện những gì có thể cải thiện chứ không muốn xóa bài làm lại. Ngoài đặc tính ấy, những lý luận phổ biến ngày nay, như đảng Dân Chủ là đảng của dân nghèo và da màu, hoặc Cộng Hoà là đảng của nhà giàu da trắng, hay dân Mỹ ruộng, là phần minh diễn của truyền thông.

Riêng trong lãnh vực này, đảng Cộng Hoà có một nhược điểm cực lớn là... không biết nói.

Lãnh tụ của đảng là những người ngậm hột thị. Đã chẳng giải trình chủ trương đường lối cho rõ ràng mạch lạc mà cũng không biết phản pháo nhiều đòn xuyên tạc của đảng Dân Chủ, kể cả và nhất là nguyên nhân đích thực của sự dị biệt giàu nghèo đang là đề tài thời sự.

Nhiều nước bên ngoài thì hài lòng với sự thể đó vì muốn Hoa Kỳ tiếp tục xoay vào vòng lẩn quẩn....

__________________________________

Chuyện chỉ có tại nước Mỹ


Một tay ma cô dẫn gái tại Oregon đã nộp đơn kiện hãng giày Nike vì không cảnh báo khách hàng rằng loại giày Air Jordan của Nike là sản phẩm có thể gây nguy hiểm. Nhân vật Sirgiorgiro Clardy quả là có gây nguy hiểm cho một khách làng chơi và lãnh án tù 100 năm. Gây nguy hiểm vì chàng Clardy đã dùng đế giày đạp nát mặt nạn nhân và bị công tố viên buộc tội là sử dụng một "võ khí nguy hiểm". Theo lời bị cáo, đáng lẽ hãng Nike phải dán nhãn cho biết là đôi giày vĩ đại này có thể gây nguy hại tới mức đó. Và án tù đã khiến chàng bị khổ về tâm thần. Nhờ vụ kiện, nhiều thanh niên trai trẻ đã đi Air Jordan như ông Táo đi hia ngày Tết. 

Thứ Bảy, tháng 1 25, 2014

"Take the 'A' Train" Đến Bình Thạnh


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Xuân Giáp Ngọ 2014

Nghe lại một khúc Jazz bất hủ tại Bình Thạnh

Hình bìa nhạc khúc của Billy Strayhorn. Lấy chuyến xe A vào Harlem



Ngày xưa, dễ chừng đã hơn hai chục năm, hãng yêu cầu tôi về Việt Nam cho một dự án họ đánh giá là quan trọng. Vì quan trọng nên chính ông Tổng giám đốc dẫn đầu phái đoàn cùng hai ngưởi Mỹ làm tư vấn của một doanh nghiệp về thiết kế có nhiều công trình nổi tiếng mà người Việt nào cũng biết nếu đi vào khu giải trí Disneyland hay thăm Universal Studios. 

Ông Tổng giám đốc Paul Gibson là tay kỳ cựu về Á Châu, biết Sàigòn từ bốn chục năm trước và thuộc chuyện Đông Á như lòng bàn tay. Hai người kia thì trẻ hơn và chưa từng đến Việt Nam. Dự án họ trù tính thực hiện là một khu giải trí tương tự như Disneyland, sẽ lớn nhất Đông Nam Á.

Là Phụ tá về phát triển dự án, tôi gợi ý về cách trình bày truyện tích của Việt Nam để thu hút loại khách du lịch văn hóa thay vì du lịch tình dục, nhân đó quảng bá lịch sử nước nhà cho quốc tế. 

Tôi nói về truyện Sơn Tinh Thủy Tinh, Phù Đổng Thiên Vương hay Thạch Sanh Chém Chằn Tinh. Tôi kể tại các trận Bạch Đằng Giang hay Thất Kỳ Giang khi khách giật mình thấy cọc nhọn xuyên thủng đáy thuyền họ ngồi, hoặc khi lửa cháy vào khoang trong tiếng nổ lập lòe chung quanh. Đã xem cảnh "Back to the Future", "Jurassic Park" hoặc "Pirates of the Carribean" trong các khu giải trí của Mỹ, chúng ta đều có thể mơ ước chuyện ấy....

Du khách sẽ hồi hộp theo dõi tích cổ trong tiếng nhạc của dân Việt. Ra về còn đem theo nhiều vật kỷ niệm sẽ nuôi sống thủ công nghệ Việt Nam. Cái trống đồng nho nhỏ có thể là bát nhang, vật chặn giấy, hay cái gạt tàn thuốc lá.

Trong những ngày họp hành và thăm thú nhiều nơi, kể cả trung tâm Bàu Sen với tượng Nguyễn Trãi bằng đá buồn bã nhìn khách thuê áo cưới nhễ nhại chụp ảnh, mấy người Mỹ hỏi tôi xem có nơi nào giải trí không. Họ có vẻ chán cảnh phụ diễn văn nghệ trong khách sạn mà muốn tìm đến chỗ nào quốc tế hơn. Tôi hỏi quanh thì được biết đến một nơi khá xa, có thể nghe nhạc Mỹ.

Từ khách sạn, chúng tôi lấy xe thuê qua Bình Thạnh và tìm đến một ngõ tối hun hút.

Bước vào ngõ, tôi nhớ đến Phố Buồn của Phạm Duy hay Xóm Đêm của Phạm Đình Chương thì vẳng thấy tiếng nhạc ngoại quốc. "Phòng trà" là vài tấm bạt che ba bốn cái bàn gỗ ở góc ngõ. Khách có thể ngồi uống trà hay cà phê, nghe nhạc từ một dàn "tứ tấu", có dương cầm, vĩ cầm và hai cây guitar, có tiếng basse rất ngọt. Nhạc trình bày là mấy bản "pop" thịnh hành vài chục năm trước.

Nghe nhạc ngoại quốc tôi nhớ lại thời trước 75.

Đi dự hội nghị quốc tế và vào phòng trà Đông Á thì mình không chỉ nghe "Nắng Chiều" của Lê Trọng Nguyễn mà rất nhiều ca khúc khác của Sàigòn. Thời ấy, giới thanh lịch Đông Nam Á nghe nhạc Nguyễn Ánh 9 hay Văn Phụng là thường. Nghệ thuật Sàigòn toả sáng vào các hộp đêm Á Châu mà chẳng vì lính Mỹ.

Bây giờ, ngồi ở Bình Thạnh, thấy có khách Mỹ, ban nhạc gồm mấy người còn trẻ bỗng hứng khởi nên chơi nhạc Rock, và còn hỏi khách có yêu cầu bản nào không.

Tôi viết lên giấy "Take the 'A' Train". Đấy là tác phẩm của Bill Strayhorn được ban nhạc Duke Ellington đưa lên hạng nổi tiếng nhất của nhạc Jazz. 

Mấy nhạc sĩ trẻ nhìn nhau ra dấu. 

Ngõ tối Bình Thạnh bỗng sáng trưng. Tôi chưa từng nghe một bản A Train nào hay như vậy! Hình như mấy người khách Mỹ cũng thấy thế. Họ ngồi chăm chú, đôi chân nhịp nhịp theo nhạc và cuối bài thì vỗ tay tán thưởng.

Nhạc trưởng Duke Ellington và "Take the A Train"


Họ thì thầm với nhau trong khi ban nhạc cúi chào và bắt qua một bài khác, hay không kém.

Đấy là lúc một người Mỹ hỏi thầm ông Tổng giám đốc. "Tại sao mấy người này giỏi và dễ thương như vậy mà mình lại đánh họ?" Một người khác nói tiếp, kiểu rất Mỹ. "Cộng sản mà chơi Jazz như thế này hay quá! Nhạc của chúng ta đã cảm hóa họ rồi..."

Ông Tổng giảm đốc thuộc loại lõi đời nháy mắt nhìn tôi.

Ngồi im cho đến khi ban nhạc nghỉ giải lao thì tôi lân la hỏi chuyện mấy nhạc sĩ. "Em học piano với bà Cung hay thầy Xuân mà đánh hay như vậy? Ban nhạc của mấy em hoạt động từ thời nào?..."

Hai người tôi nhắc đến tên là danh thủ dương cầm về loại nhạc tân kỳ từ trước 1975. Còn mấy nhạc sĩ này thuộc lớp trẻ nhất của dòng nhạc đó, hơn hai chục năm trước. Họ đã tốt nghiệp trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ tại Sàigòn trước khi cả nước dứt đường tơ. Nay thì vừa gom góp vốn liếng chơi lại nhạc cũ. Vốn liếng không nhiều, họ chỉ có một ngõ tối ở ngoại ô tù mù...

Được khách ngợi khen, mà lại là người Mỹ thứ thiệt, họ cao hứng trình tấu rất hay và kể lại chuyện cũ, thời "cải tạo", rồi thời "đổi mới".

Trên xe trở về khách sạn, tôi trả lời mấy người bạn Mỹ:

Xong chiến tranh rồi, quý vị vẫn chẳng hiểu gì cả! Các nhạc sĩ này là sản phẩm của miền Nam. Họ không chơi nhạc trong club Mỹ ngày xưa. Họ bị nạn hai lần khi miền Nam sụp đổ và lãnh tội bồi Mỹ với loại nhạc đồi trụy. Bây giờ quý vị khen là Cộng sản cũng văn minh mà chơi nhạc Jazz như Mỹ!...

Cũng từ đó, mỗi lần nghe "Take the 'A' Train", tôi ngậm ngùi nhớ về Bình Thạnh! Mà không chỉ Bình Thạnh hay nhạc Jazz. Miền Nam chúng ta đi quá sớm.

Còn dự án kia? Ý tưởng cũng quá sớm với chế độ hiện tại. Người Mỹ ra về và nói rằng nên đợi trăm năm, hoặc tìm qua xứ khác....

Thương biết bao, 50 năm Việt Rock.

__________________________

Bài viết trên Việt Báo Xuân Giáp Ngọ (trang 92) để dẫn vào bài ký sự về một ban nhạc Rock đầu tiên của Việt Nam, ban CBC Band, 50 năm vẫn còn hát, sau khi đi tìm tự do từ 1974, và trôi dạt vào một ngôi chùa Tây Tạng....