Thứ Ba, tháng 1 14, 2014

Chuyện Trường Đua



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 140113
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Chưa qua năm Ngọ, bầy ngựa đã xổng chuồng.... 

* Ngoại trưởng John Kerry của Hoa Kỳ: "còn tí xíu nữa là xong!" *


Ba ngày sau khi Bộ Quốc Phòng Bắc Kinh đơn phương thông báo việc thành lập Vùng phòng không ADIZ (Air Defense Identification Zone) ngoài Đông hải của Trung Quốc thì tỉnh Hải Nam tặng các nước Đông Nam Á một món quà khó nuốt: kể từ đầu năm dương lịch 2014 mọi ngư thuyền ra vào Trung Nam Hải sẽ bị kiểm soát. Khu vực mơ hồ này bao trùm lên vùng độc quyền kinh tế EEZ của tỉnh, mà còn phủ lên hai triệu cây số vuông ngoài biển là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang tranh chấp về chủ quyền với các nước Đông Nam Á. Chưa biết tỉnh Hải Nam có khả năng kiểm soát thực tế hay chăng, biện pháp công bố cũng đã là một sự cưỡng từ đoạt lý. Nói cho gọn là cưỡng đoạt trắng trợn.

Trận đánh về ngoại giao và pháp lý đã bắt đầu.

Hoa Kỳ lập tức lên tiếng phản đối, qua lời phát biểu của phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao. Khốn nỗi, ưu tiên của Hoa Kỳ không nằm tại Đông Hải mà ở Trung Đông.

Kể từ ngày 20 này, Hoa Kỳ cùng năm quốc gia Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Liên bang Nga có sáu tháng thử nghiệm một tạm ước với Iran để nhất thời đông lạnh dự án hạch tâm của Tehran. Đổi lại thì các nước Tây phương sẽ giải tỏa dần lệnh cấm vận kinh tế. Tức là trận đánh về ngoại giao và pháp lý cũng bắt đầu giữa Hoa Kỳ và Iran và có thể kéo dài suốt năm Ngọ.

Nhưng lồng trong hồ sơ ưu tiên của Chính quyền Barack Obama lại còn nhiều trận đánh khác.

Quốc hội Mỹ không yên tâm về thỏa thuận của Ngoại trưởng John Kerry với Iran. Nhiều dân biểu nghị sĩ của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà đang trù tính biểu quyết đạo luật tăng cường phong tỏa kinh tế Iran dù ông Obama đã hăm sẽ dùng quyền phủ quyết để vượt rào Quốc hội.

Trận đánh thứ hai là giữa Hoa Kỳ với các đồng minh truyền thống trong khu vực Trung Đông.

Chẳng những Israel nghi ngờ thiện chí và lời cam kết của Tehran, các nước Á Rập Hồi giáo thuộc hệ phái Sunni không yêm tâm với việc Mỹ lặng lẽ hòa giải với Iran, một nước Hồi giáo của dân Ba Tư theo hệ phái Shia. Theo phép đảo điên cố hữu, vì nhu cầu của mình, Hoa Kỳ sẵn sàng bắt tay đối thủ cũ – khi là phe Sunni như tại Iraq, khi là phe Shia như với Iran ngày nay – và gây khó chịu cho các đồng minh.

Lần này là Saudi Arabia, một nước Á Rập theo hệ phái Sunni và đang ngầm cạnh tranh với Iran. Đằng sau Saudi Arabia là nhiều nước Á Rập Hồi giáo trong vùng Vịnh Ba Tư. Với các quốc gia này, Iran là thủ phạm của tình trạng bất ổn tại Lebanon với lực lượng Hezbollah, của vụ khủng hoảng tại Syria khi yểm trợ chế độ độc tài ở Damascus để lãnh tụ Bashar al-Assad thẳng tay đàn áp các lực lượng võ trang Sunni.

Ngoài chuyện Lebanon hay Syria, lực lượng al Qaeda nguyên thủy cùng các nhóm khủng bố nội hóa, tự xưng danh al Qaeda hoặc dùng phiêu hiệu al Qaeda để mở ra cuộc Thánh Chiến Hồi giáo vẫn tiếp tục tung hoành. Mục tiêu của các lực lượng này có thể là tôn giáo hay dân tộc, nhưng về phương pháp thì vẫn là khủng bố và bạo động.

Tuần qua, thành tích của nhóm al Qaeda tại Ramadi và Fallujah trong lãnh thổ Iraq khiến mọi người lo ngại. Sau khi hao tốn cả người và của tại Iraq trong cả chục năm, nước Mỹ đang "mất" Iraq khi thả nổi xứ này cho lực lượng Shia thân Iran, hay cho khủng bố al Qaeda, lực lượng Thánh Chiến xuất phát từ một nhánh cực đoan nhất của hệ phái Sunni.

Tổng kết lại chuyện rắc rối này, bước vào năm Giáp Ngọ, Chính quyền Obama nhất quyết rút khỏi Afghanistan theo đúng kỳ hạn là cuối năm 2014, không can dự vào Iraq, bước vào vòng hòa đàm với Iran và coi như mối nguy từ al Qaeda đã kết thúc.

Nhìn từ bên ngoài, ta cần thấy ra sự hợp lý của chiến lược quái quỷ này.

Hoa Kỳ muốn rút chân ra khỏi vũng lầy Hồi giáo bằng cách lập ra một trật tự bất ổn giữa các cường quốc trong khu vực rộng lớn này để các quốc gia, hệ phái tôn giáo hay sắc tộc chĩa súng hờm nhau. Nếu trật tự đó của nước Mỹ là sự bất ổn cho các nước khác thì đấy là vấn đề của họ!

Nhìn cách khác, nếu ngần ấy con ngựa có dại dột lao ra trường đua thì Hoa Kỳ cũng đánh cả trên ngần ấy cửa. Cho tới khi sự bất ổn này dội ngược về nước Mỹ....

Mà không chỉ có trường đua tại Trung Đông.

Obama đã đặt tiền ở cửa Vladimir Putin để giải quyết hai hồ sơ Syria và Iran của mình và tránh đụng Liên bang Nga trên các trường đua Âu Châu. Chuyện Georgia hay Ukraine là vấn đề của hai xứ này, của Ba Lan hay Thụy Điển, của Liên hiệp Âu châu và nhất là của Đức. Các nước Âu Châu sẽ phải xử lý hồ sơ Đông Âu và Trung Âu của họ với Liên bang Nga, chứ không thể trông đợi vào nước Mỹ vì Obama đang cần con ngựa Putin cho chuyện khác.

Khi nào mà xứ Iran lại là đồng minh hay đối tác của Mỹ thì đấy mới là mối nguy ở tại cửa ngõ của Liên bang Nga.

Chúng ta quay trở lại Đông Á, với nhiều trận đua ngựa khác trong năm Ngọ.

Lãnh đạo Trung Quốc đang có cuộc đua ở bên trong để cố chuyển hướng khi kinh tế đình trệ mà không gây ra động loạn. Đấy là chuyện nội bộ của nước Tầu mà cũng có thể là cơ hội làm giàu cho nước Mỹ khi Bắc Kinh phải mở cửa. Cuộc đua thứ hai là giữa thế lực quân sự của Trung Quốc với phản ứng quật khởi của Nhật Bản. Nước Nhật sẽ lặng lẽ tái võ trang để bảo vệ quyền lợi của mình trước sự bành trướng của Trung Quốc. Trong cuộc đua này, Hoa Kỳ hâm nóng chuyện chuyển trục về Đông Á, mà không dại gì giành lấy tuyến đầu của Nhật Bản. Cuộc đua thứ ba là giữa các nước Đông Nam Á với nhau để tranh lấy mối lợi kinh tế từ cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản, mà không bị mối nguy về an ninh từ Trung Quốc. Xứ nào cũng muốn làm ăn với Trung Quốc, nhưng sẽ yên tâm hơn nếu họ được Hoa Kỳ bảo vệ.

Y như tại trường đua Trung Đông, cuộc đua tại Đông Á có bao hàm trò chơi quân sự và rủi ro nháng lửa trong năm Ngọ là chuyện tất yếu.

Trong cuộc đua quái đản này, con ngựa yếu nhất không là Phi Luật Tân hay Mã Lai Á mà là Việt Nam. Khi tưởng niệm trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974, người Việt không nên quên lập trường của Hoa Kỳ vào thời điểm tháo chạy đó. Hoa Kỳ đứng ngoài giám trận chẳng phải vì đạo luật War Power Act năm 1973 không cho phép Hành pháp dụng binh, mà vì nước Mỹ đã lập ra một trật tự bất ổn khác trong khu vực, để dùng Trung Quốc chặn đường Nam tiến của Liên Xô.

Những tan hoang hay tử vong thời đó nằm trong trương mục lời lỗ khi nước Mỹ nhất quyết xoá sổ và bày ra cuộc đua khác. Trong năm Ngọ này, cuộc đua lại tái diễn với một đối thủ cần chặn đường là Trung Quốc. Và đối tác sẽ giữ tuyến đầu là Nhật Bản. Xứ nào dại dột chen chân vào đó thì hãy ráng chịu.

Hèn gì mà dân Mỹ cứu giúp rất nhiều người trên thế giới, nhưng nước Mỹ vẫn là siêu cường không đáng tin.


_______________________

Chuyện chỉ có tại nước Mỹ


Trong khi thiên hạ đang tự hỏi là Mỹ tính sao khi thế giới có quá nhiều rủi ro xung đột thì dân Mỹ lại nói đến một vụ "apocalypse" khác. Đó là nạn khan hiếm một sản phẩm nhu yếu trong mùa Super Bowl: loại phó mát Velveeta béo ngậy và vàng ệnh để cử tri Mỹ lai rai chấm bánh khi theo dõi trận đấu banh bầu dục trên truyền hình. Họ gọi đó là "cheesepocalypse". Một tay sành điệu đã báo động trên Tweeter: "Nếu quả là thiếu thì tôi chết mất!"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét