Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 140116
Từ tội phạm chiến tranh đến anh hùng liệt sĩ Nhật Bản....
Ngày 26 Tháng 12 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lại gây tranh luận khi chính thức thăm viếng ngôi đền Tĩnh Quốc Thần Xã Yasukuni với tư cách Thủ tướng. Trong năm 2013, ông đã viếng ngôi đền khi chưa nhậm chức Thủ tướng nên chỉ gây chú ý mà thôi. Lần này thì khác.
Ngay
lập tức, các chính quyền Trung Quốc và Nam Hàn đã phản đối hành động này. Sau đó
tới lượt Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, rằng đó là một việc đáng tiếc. Phản ứng của Hoa Kỳ mới là việc đáng
khen, về tài tráo trở.
Cách tường thuật và bình luận của truyền thông quốc tế là
điều đáng cười khác, về sự ngớ ngẩn....
Theo tín ngưỡng Thần Đạo, người Nhật đã dựng
lên cả chục vạn ngôi đền lớn nhỏ để thờ phụng thần linh và anh hùng liệt sĩ của
họ. Nổi tiếng nhất, đền Yasukuni là do Thiên hoàng Minh Trị lập ra từ năm 1869 để
ghi ơn liệt sĩ, đầu tiên là từ cuộc Nội chiến Mậu Thìn năm 1868-1869 khi Thiên
hoàng mở ra thời tập quyền để canh tân xứ sở (chuyện Minh Trị Duy Tân) sau nhiều
thế kỷ phân tranh giữa các Tướng quân hay Lãnh chúa.
Dân tộc nào cũng có nơi ghi nhận công
lao những người đã xả thân bảo vệ Tổ quốc. Chính đáng hay không là ở định nghĩa
của chữ "bảo vệ", theo thế thủ hay thế công, giữ nước, dựng nước, hay
thậm chí cướp nước của người khác!
Định nghĩa cho chính đáng thì có chính
nghĩa. Đó là cái thuật của chính trị hay cái tài của sử gia.
Trải qua 110 năm sau đó, chẳng mấy ai dị
nghị về ngôi đền Tĩnh Quốc dù Nhật Bản nhiều lần ra quân tấn công các nước, nào
Trung Quốc, Triều Tiên, Đại Nga, và Hoa Kỳ trong các cuộc chiến 1894, 1904,
1910, 1937, 1941.... Nhưng sự việc chỉ trở thành vấn đề từ năm 1978, khi đến Thần Xã được
phép đón nhận linh vị của 14 nhân vật quân chính từng bị Toà án Tội ác Chiến
tranh tại Đông Kinh truy tố và xử tử về trách nhiệm trong Đệ nhị Thế chiến.
Toà án này là cho Hoa Kỳ lập ra ngay sau
khi đánh bại nước Nhật và có 126 "chánh phạm" (Class-A) bị ra toà về
Tội ác chống Hoà bình. Sau đó chỉ vài tháng, cũng vì lý do chính trị trong Bộ Tư
lệnh của Tướng Douglas MacArthur (giữa các nhân vật thiên tả ngả theo xã hội chủ
nghĩa và cánh hữu chống cộng trước mối nguy cộng sản sau Thế chiến II), số chánh
phạm được giảm xuống còn 14 người.
Tức là có 112 nhân vật cao cấp có thế lực
của Thiên hoàng bại trận được Hoa Kỳ mặc nhiên ân xá. Trước tiên là Thiên hoàng Hirohito (Chiêu Hoà), tiếp tục làm vua cho đến khi tạ thế năm 1919. Khét tiếng trong số những chánh phạn khác thì có
Kodama Yoshio, ông trùm của tổ chức tội ác nhưng có biệt tài truy lùng cộng sản.
Hay Shoriki Matsutaro, tài phiệt ngành truyền thông và thể thao, chủ nhân nhật báo số
một của Nhật là Yomiuri Shimbun và sáng lập viên hệ thống Nippon Television
Network. Hay Sasakawa Ryoichi, một tài phiệt và lãnh tụ cực hữu có thể làm các đại
gia Trung Quốc bị mặc cảm về tài nghệ đầu tư và ảnh hưởng chính trị tại các nước
Á Phi sau này...
Nhưng lẫy lừng nhất trong số người thoát
nạn, có Nobusuke Kishi, về sau là kiến trúc sư của chiến lược hợp tác Nhật-Mỹ để
bảo vệ Đông Á trước đà bành trướng của Liên Xô và Trung Cộng. Sau hai lần làm
Thủ tướng Nhật từ 1957 đến 1960 với ảnh hưởng toả rộng tại Đông Nam Á, ông Kishi
là người nghiên cứu dự án đưa linh vị 14 "chánh phạm" vào ngôi đền
Yasukuni từ năm 1978, được hợp thức hoá vào năm 1979. Ngoài ra, Kishi còn là
anh ruột của Thủ tướng Eisaku Sato, người đã đoạt Giải Nobel Hoà Bình năm 1974,
và là ông ngoại của đương kim Thủ tướng Shinzo Abe.
***
Thật ra, sự co giãn của nền công lý hậu
chiến hay Tòa án về Tội ác Chiến tranh của Nhật là một công trình hỗn hợp Mỹ-Nhật.
Về phía Hoa Kỳ, vì nhu cầu của nước Mỹ, đây là một nỗ lực lưỡng đảng, của cả Tổng
thống lẫn Quốc hội Dân Chủ và Cộng Hoà.
Nhưng quan trọng hơn vậy, về phía Nhật Bản,
vì nhu cầu hòa giải thì ngay từ năm 1952, với đa số áp đảo, kể cả từ đảng Xã Hội
- trừ đảng Cộng Sản, dĩ nhiên - Quốc hội Nhật đã biểu quyết nhiều đạo luật ân xá
tội phạm thời chiến. Qua năm 1958, và với sự đồng ý của các đồng minh, tức là của
Hoa Kỳ, mọi tội phạm kể cả loại B (Tội ác trong Chiến tranh), hay C (Tội ác chống
Nhân loại) đều được các Tòa án địa phương giảm án.
Chẳng những vậy, từ năm 1959, tên tuổi của
họ cũng được đưa vào đền thần xã ở mọi nơi mà không ai thấy phiền hà.
Suy ngẫm theo dòng thời gian và từ dưới
lên thì sáu năm sau khi bại trận bằng hai quả bom nguyên tử và bị một nước chiến
trắng cai trị bằng Hiến pháp và luật pháp, từ năm 1952, dân Nhật đã tự hoà giải.
Họ lặng lẽ giảm án các tội phạm loại thấp (B và C) do toà án của họ lập ra theo
chỉ thị của nước chiến thắng. Trong số này, có những kẻ thừa hành, có người bị
tố oan, tố lầm mà cũng có loại gian ác đã ngược đãi tù binh, v.v....
Nhưng qua thể thức dân chủ, mọi người đều
đánh chữ đại xá để xây dựng lại tương lai.
Câu chuyện chỉ đáng bàn là ở cấp trọng
phạm, loại A, do ảnh hưởng của quốc tế trong Toà án Trung ương tại thủ đô
Tokyo. Quốc tế khi đó là Hoa Kỳ.
Trước đà bành trướng của Cộng sản, Hoa Kỳ
đã sớm nghĩ đến chuyện đại xá ngay từ năm 1948. Sau đó 30 năm, người Nhật mới nói
đến việc ghi ơn các liệt sĩ khi đưa linh vị 14 chánh phạm vào đền Tĩnh Quốc. Nhưng
ngôi đền không chỉ có 14 tội phạm đã bị xử tử mà còn có linh vị của hai triệu rưởi người đã hy sinh cho
Tổ quốc của họ.
***
Thiên hoàng Hirohito của Nhật đã từng thăm
viếng đền Tĩnh Quốc nhưng sau 1978 thì thôi. Tới nay thì bốn Thủ tướng Nhật đã
cúi lạy trước đền là Yasuhoro Nakasone (Thủ tướng từ 1982 đến 1987), Ryutaro
Hashimoto (từ 1996 đến 1998), Junichiro Koizumi (từ 2001 đến 2006) và Shinzo
Abe (Thủ tướng trẻ nhất vào năm 2006 và tái đắc cử từ năm 2013). Mỗi người có
thể vì một lý do tâm linh hay chính trị của riêng họ.
Nhưng khi các nhà bình luận Mỹ nói tới
khuynh hướng ngày càng cực hữu của Thủ tướng Shinzo Abe, họ không hiểu gì về
vai trò ngày xưa của Hoa Kỳ. Hay cố tình lờ đi phần đóng góp đáng kể của Trung
Quốc ngày nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét