Nguyễn-Xuân
Nghĩa - Việt Tribune Ngày 140109
Giáp Tết Giáp Ngọ, Ai Cũng Nói Chuyện Ngựa...
* Năm con ngựa lồng của năm con ngựa gỗ... *
Thời sự quốc tế cũng sẽ
nói chuyện ngựa năm Ngọ, nhưng từ một giác độ khác. Về năm con ngựa lồng trong
vùng Đông Á.
Ngựa Trung Quốc
Trung Quốc đã hết phép lạ kinh tế và trong những năm tới không thể đạt mức tăng trưởng 8% mà chỉ mấp mé 7%. Chuyện kinh tế ấy có nhắc lại cũng không nhàm.
Từ bảy năm trước, Thủ
tướng Ôn Gia Bảo đã nói thật về phép lạ: không ổn định, không quân bình, không
phối hợp và không bền vững. Dù biết vậy và muốn sửa, thế hệ Hồ-Ôn không cải cách
nổi và nhường việc đó cho thế hệ thứ năm, là Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng
Lý Khắc Cường. Thế hệ Tập-Lý đang loay hoay với việc chuyển hướng này.
Nếu thật sự muốn sửa thì
họ phải hãm đà tăng trưởng, như chiếc xe lăn bánh vào khúc quanh thì phải giảm
tốc độ. Nhưng khi Bắc Kinh vẫn đưa ra chỉ tiêu hơn 7% thì đấy là chỉ dấu cho thấy
cỗ xe vẫn lao vào vùng hiểm nguy trong năm Ngọ.
Chuyện ngựa lồng là Tập
Cận Bình cố tập trung quyền lực gần như Đặng Tiểu Bình mà còn nhanh hơn và bỏ
qua tôn chỉ "thao quang dưỡng hối" của họ Đặng lẫn lý luận "quật
khởi hòa bình" của Hồ Cẩm Đào. Tập Cận Bình không che giấu sức mạnh và xoá
luôn cái ý hòa bình của chữ quật khởi. Khi kinh tế là con ngựa đau mà đối ngoại
lại là con ngựa hung, các nước đều để ý.
Ngựa
Bắc Hàn
Bên cạnh đó, đồng minh
và đồng chí Á Châu duy nhất của Bắc Kinh là Cộng sản Bắc Hàn lại còn hung hơn vậy,
dưới quyền lãnh đạo của Kim Chính Ân. Trong thế giới quyền lực kỳ bí của Bắc Hàn,
thanh trừng nội bộ là chuyện thường tình chẳng làm ai ngạc nhiên. Nhưng khi Kim
con lại vượt mặt Kim cha mà giết luôn người chú đỡ đầu cho mình, theo kiểu ghê
tởm hơn xử lăng trì hay tứ mã phân thây, thì Bắc Kinh cũng thất kinh.
Nhân vật Trương Thành
Trạch không chỉ lấy cô ruột của Chính Ân, và nhận lời ủy thác của Kim Chính Nhật
để củng cố quyền lực cho người cháu còn quá trẻ. Ông là người giao tiếp với Trung
Quốc và phụ trách chia chác quyền lợi giữa đôi bên. Kim Chính Ân có thể muốn lấy
lại công tác đó cho mình. Nhưng cách thanh toán đầu mối khiến Bắc Kinh rợn mình
nên mới cho truyền thông phanh phui sự thật: "đứa cháu cho chó ăn thịt chú
ở trong cũi".
Vì vậy, mâu thuẫn Bắc
Kinh với Bình Nhưỡng là biến cố đáng chú ý. Nếu Tập Cận Bình có "Trung Quốc
mộng", Kim Chính Ân cũng có thể phát huy "Cao Ly mộng" theo lối
bất ngờ để củng cố quyền lực! Bất ngờ và đáng sợ khi Chính Ân lại có hỏa tiễn gắn
bom hạch tâm.
Ngựa
Nhật Bản
Từ khi bị Hoa Kỳ khuất
phục bằng hai quả bom nguyên tử và giải giới bằng bản Hiến pháp Mỹ chế, Nhật Bản
chọn ngả kinh thương để phát triển trong hòa bình của 45 năm Chiến tranh lạnh.
Khi Chiến tranh lạnh kết thúc năm 1991, Nhật Bản bị hoạn nạn về kinh tế suốt
hai chục năm liền và lãnh thêm trận động đất kèm theo sóng thần năm 2011 khiến
hệ thống năng lượng nguyên tử bị tê liệt. Mà Nhật không có tài nguyên thiên nhiên
và phải giao thương với thế giới để tồn tại.
Hai chục năm lụn bại đã
qua không thể kéo dài nên Nhật Bản phải cải cách từ kinh tế tài chánh đến luật
lệ và chính trị để phá vỡ sự trì trệ trong cơ chế. Việc cải cách có nhiều rủi
ro lớn, nhưng kéo dài sự đình trệ lại còn rủi ro hơn nữa trước sự lớn mạnh và
hung hăng của Trung Quốc.
Qua hai cuộc bầu cử tại
Hạ viện vào Tháng 12 năm 2012 rồi Thượng viện vào Tháng Bảy năm 2013, cử tri ủy thác cho Thủ tướng Shinzo Abe việc cải cách,
được trình bày như một kế hoạch phục hưng Nhật Bản. Ông mở chiến dịch vận động
tinh thần ái quốc, đánh bung vòng kiềm toả của truyền thông thiên tả, phản chiến,
đẩy lùi thế lực của hiệp hội thanh niên và nghiệp đoàn giáo chức trong tay đảng
Cộng sản, vượt rào cản của hệ thống độc quyền về điện lực và bảo hộ nông sản bên
cánh hữu. Sau một năm hành động với một số kết quả ban đầu, ông Abe được hậu thuẫn
rất mạnh của dân chúnbg
Nhưng trận động đất đáng
kể nhất là ông Abe muốn tìm lại cho Nhật Bản uy tín và ảnh hưởng quốc tế tương
xứng với sức nặng của nền kinh tế đứng hạng thứ ba trên thế giới. Ảnh hưởng đó đòi
hỏi khả năng quân sự hiện đại hơn và nước Nhật đang lặng lẽ tái võ trang. Với
kinh nghiệm hàng hải từ hơn trăm năm, khả năng kỹ thuật của một nước thuộc loại
tiên tiến nhất, và ngân sách quốc phòng thật sự đứng hạng thứ ba thế giới, Nhật
Bản sẽ tự tái võ trang rất nhanh.
Chính là thái độ hung hăng
của Bắc Kinh từ năm 2010 đã tạo ra sự chuyển biến khiến Thủ tướng Shinzo Abe mới
mạnh tay về quốc phòng. Vụ tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Senkaku được Nhật
quản trị mà Trung Quốc nhận là của mình đã bùng nổ từ năm 2010 và lên tới cao độ
trong hai năm qua. Năm Giáp Ngọ sẽ là năm ngựa
đá sang sông.
Sinh năm Giáp Ngọ, con ngựa Shinzo Abe không chỉ là chiến mã mà
còn đem theo hòm tiền rải khắp vùng, theo sau là các tổ hợp kinh doanh với nhiều
dự án đầu tư chuyển từ Trung Quốc qua Đông Nam Á....
Ngựa
Thái Lan
Ngày xưa, người ta cứ
thường nói "Mèo Xiêm Cọp Thái",
chứ mấy ai nghĩ đến con ngựa?
Tại Đông Nam Á, nhiều
quốc gia đang gặp khó khăn kinh tế như Nam Dương hay Mã Lai Á vì nạn nguyên nhiên
vật liệu bị mất giá vì sự sa sút của Trung Quốc. Nhưng rủi ro ngựa lồng trong năm
Ngọ nằm tại Thái Lan. Xứ này chưa hết nội loạn và có thể còn loạn to trong năm
tới.
Mâu thuẫn bùng nổ không
phải là giữa đảng cầm quyền Pheu Thai Party (Vi Thái) của Thủ tướng Yingluck Shinawatra và
đảng Dân Chủ. Mâu thuẫn sâu xa là về hình thái xã hội giữa thành phần trung lưu
ở thành phố, đa số là gốc Hoa từ nhiều đời, với thành phần bình dân ở nông thôn.
Được hậu thuẫn của nhiều
người trong Hoàng gia, đám thị dân tập trung ở thủ đô Bangkok không chấp nhận
quyền lãnh đạo của Thủ tướng Yingluck và đảng "Vi Thái", một đảng có
chủ trương đại chúng và mị dân, nhưng được giới bình dân ủng hộ. Trong mấy tháng
qua, sau khi nhượng bộ dân biểu tình đến cùng, đảng cầm quyền đã hết đất lùi.
Thật ra, mâu thuẫn chính
trị tại Thái Lan đã có từ lâu. Xưa kia, Quốc vương Bhumibol Adulyadej có thể dẹp
êm tất cả. Lần này, ông vua trị vì lâu đời nhất trên thế giới (từ năm 1946) và được
dân Thái kính trọng, lại lâm trọng bệnh và mặc cho đám thân tín chung quanh
thao túng chính trị. Bây giờ vua Bhumibol chờ ngày ra đi khi mà xung đột giữa
hai thành phần dân chúng bùng nổ từ năm 2006 và kéo dài đến ngày nay.
Ngoài thế lực của Hoàng
gia, Thái Lan còn có một lực lượng khác, là quân đội. Từ những năm 1932 trở về
sau, việc Quân đội đảo chính lẫn nhau cũng là sự thường của xứ Thái. Nhưng ngần
ấy ông tướng đều phủ phục trước Quốc vương. Bây giờ ông Bhumibol đã 86 tuổi. Nếu
nội loạn cứ kéo dài, trong năm Ngọ, Quân đội có thể lên ngựa ra khỏi trại lính.
Sau đó, ai sẽ đưa ngựa
về chuồng?
Ngựa
Cao Miên
Trong các nước Đông Nam
Á, Thủ tướng Hun Sen của đảng Nhân Dân Cambốt là người có bản lãnh đáng kể. Ông
cầm quyền từ năm 1985 dưới cái nhãn dân chủ sau khi lần lượt loại bỏ mọi đối thủ.
Do Hà Nội dựng lên từ thời nội chiến, Hun Sen cũng khéo phò một thế lực còn mạnh
hơn Hà Nội, là Bắc Kinh.
Nhưng khi cầm quyền đã
quá lâu, chính quyền có thể coi thường người dân và coi trọng quyền lợi của tay
chân, nghĩa là đẻ ra tham nhũng.
Biến động Cambốt đã bùng
nổ từ đầu Tháng Tám sau một cuộc bầu cử quốc hội có kết quả đáng ngờ. Đảng Cứu
Quốc của lãnh tụ kỳ cựu là Sam Rainsy bèn nổi lên với phong trào phản đối vụ
gian lận bầu cử và những vụ xung đột kéo dài gây tốn thất lớn cho nền kinh tế.
Từ những năm 1990, chuyện
gian lận bầu cử tại Cambốt không là sự lạ, và sự phản đối của đảng Sam Rainsy cũng
vậy. Theo chủ nghĩa quốc gia có màu sắc chống Việt Nam không hề che giấu, ông
Sam Rainsy quy tụ nhiều khuôn mặt đối lập sáng giá ở cõi lưu vong, bên ngoài
Cambốt. Nhưng cứ ở bên ngoài nên thiếu kinh nghiệm cầm quyền. Vì vậy, những hoạt động đối lập của ông
không gây tiếng vang, hoặc đúng hơn, chỉ có tiếng vang mà chẳng có kết quả.
Nhưng tình hình đã khác
nhờ... gần ba chục năm cai trị của Hun Sen.
Việc tham nhũng được định
chế hóa đã gây bất mãn trong quần chúng. Kinh tế sa sút càng dễ đưa bất mãn tới
nổi loạn. Chính quyền Hun Sen rơi vào cảnh ngộ khó xử là hòa giải không xong nên
phải đàn áp. Mà càng đàn áp lại càng bị chống đối. Quy luật vật lý là sức ép gây
sức bật đang vận hành. Chế độ Hun Sen lộ nguyên hình là chế độ độc tài tham nhũng
mà đảng đối lập vẫn chưa có khả năng cầm quyền. Cambốt trôi vào vòng xoáy nguy
hiểm.
Như nhiều quốc gia lâm
nạn, chính quyền có thể chỉ ra giặc ngoài để dẹp thù trong, nghĩa là lại huy động
chủ nghĩa ái quốc để kêu gọi đại đoàn kết. Nhưng leo lên ngựa chiến rồi nhắm vào
ai? Vào Thái Lan vì tranh chấp đền đài hay vào Việt Nam vì chuyện buôn lậu tại
biên giới? Lý do rất phù phiếm nực cười nhưng có thể là lý cớ chính đáng!
_____________
Theo ngũ hành, Giáp Ngọ là năm của ngựa gỗ. Nhưng
hình như lại có năm con ngựa đá, mà đá là động từ! Bỗng dưng lại nhớ Trạng Trình,
với câu sấm đã ám ảnh chúng ta từ gần năm thế kỷ... "mã đề dương cước..."
Lời kết của bài viết có lẽ làm nhiều độc giả phân vân. Quả thực, hầu như không có năm Ngọ nào yên bình cả từ năm 1906. Ta thử nhớ lại quá khứ :
Trả lờiXóa- 1918 : Đệ nhất thế chiến.
- 1930 : Great Depression. Cộng sản quốc tế bành trướng. Đảng CSVN ra đời.
- 1942 : Đệ nhị thế chiến, Nhật tấn công Đông Á.
- 1954 : Hiệp định Geneve.
- 1966 : Mỹ thật sự tham chiến và chiến tranh Viet Nam lan rộng.
- 1978 : Tàu xâm lăng Viet Nam. Chiến tranh Kampuchea.
- 1990 : Oil Shock.
- 2002 : Mỹ ráo riết chuẫn bị tấn công Iraq.
- 2014 ?
Theo em thấy, năm Ngọ không phải là bắt đầu hay chấm dứt, mà cái gì đến, phải đến, phải không giáo sư?
Kính.
Thưa bác Nguyễn Xuân Nghĩa,
Trả lờiXóaTheo ý thiển cận của cháu thì bác cũng nên viết về ngựa Việt Nam năm 2014cho đủ loại.
Cám ơn bác.
Chuyện Việt Nam thì thuộc diện "lục súc tranh công", xin để kỳ khác! NXN
Xóa