Vũ Hoàng & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA Ngày 140122
Chúng ta đang ở giữa một cuộc cách mạng thứ ba
Trong một chủ đề cuối năm của mục Diễn đàn Kinh tế, chuyên gia
Nguyễn-Xuân Nghĩa nói về vai trò của tự do thông tin như một động lực
quan trọng của phát triển. Xin mời quý thính giả theo dõi cuộc thảo luận
do Vũ Hoàng thực hiện sau đây.
Vốn cần thiết nhất để phát triển
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, cho một chương
trình cuối năm trước khi qua năm Giáp Ngọ, xin đề nghị ông tổng hợp các
động lực có thể đóng góp cho công cuộc phát triển nếu ta nhìn trong một
viễn cảnh trường kỳ. Theo ông thì đâu là động lực quan trọng nhất?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thuần về kinh tế mà nói thì ai cũng có thể đồng ý rằng con người, chứ không phải đất đai hay tài nguyên, mới là cái vốn quý nhất. Nhưng thật ra, con người nô lệ chỉ là cái vốn quý nhất cho người chủ nô hay cho các chính thể độc tài. Thành thử con người tự do mới thật sự là cái vốn quý nhất. Và trong viễn ảnh dài thì quyền tự do thông tin mới đem lại cái vốn cần thiết nhất cho phát triển. Chúng ta có thể nghiệm ra điều ấy qua những phát minh lớn nhất của lịch sử nhân loại trong thời hiện đại cho đến ngày nay, khi mọi người đều nói đến nền kinh tế tri thức. Để thấy ra điều ấy, ta cần đi lại từng bước của những phát minh này.
Con người tự do mới thật sự là cái vốn quý nhất. Và trong viễn ảnh dài thì quyền tự do thông tin mới đem lại cái vốn cần thiết nhất cho phát triển. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Vũ Hoàng: Vì ông nhắc đến con người nô lệ và chính thể độc
tài, xin đề nghị ông trình bày cho rõ hơn cái phản đề hay lực cản của
công cuộc phát triển.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta dễ thấy ra sự thật là trong cả ngàn năm trước khi có hai cuộc cách mạng về công nghiệp tại nước Anh rồi tại Hoa Kỳ, sinh hoạt kinh tế của nhân loại nói chung không có gì thay đổi, trong tinh thần là đời trước làm gì thì đời sau làm vậy. Từ đời này qua đời khác, đa số người dân sống trong sự khan hiếm, dưới các chế độ chuyên chính.
- Vào thời đó, tuổi thọ của con người không dài và gần phân nửa đời
sống là thu thập kiến thức để thực hành trong phần còn lại của cuộc đời.
Đấy là một hạn chế tự nhiên. Trường hợp triết gia hay bác học thiên tài
chỉ là ngoại lệ, một thế kỷ mới được vài người có kiến thức vượt trội
khả dĩ thay đổi cuộc sống của cả xã hội. Nhưng ta không quên là qua một
giai đoạn dài đến bốn thế kỷ, hệ thống kiến thức ấy tại một trung tâm
của thế giới là Âu Châu vẫn bị chính quyền của các quân vương và nhất là
Giáo hội Công giáo kiểm duyệt.
- Tôi muốn nói đến một ví dụ là danh mục "Sách Cấm" của hơn 100 tác giả
gồm nhà khoa học, triết gia, văn nghệ sĩ bị cấm không được đọc, từ 1556
đến mãi 1966 mới được Toà thánh bãi bỏ. Hãy tưởng tượng là trong 400
năm, nhân loại ở phương Tây có hơn trăm người đã khám phá hay trứ tác
nhiều điều mới lạ cho con người nhưng lại bị hạn chế. Ta khỏi nhắc đến
hai bác học nổi tiếng là Copernicus người Ba Lan hay Galileo người Ý
với lý luận bị coi là không phải đạo, theo đó trái đất xoay quanh mặt
trời chứ không là trung tâm bất di dịch của vũ trụ, mà còn nên nhớ tới
nhiều triết gia hay văn sĩ khác như Pascal, Descartes hay cả Victor
Hugo. Trong hoàn cảnh thiếu tự do thông tin như vậy, nhiều nhà khoa học
hay tư tưởng thật ra là người cô đơn và phát minh của họ ít được người
khác áp dụng để làm thay đổi cuộc sống của nhân loại.
Vũ Hoàng: Ông vừa nhắc đến một thí dụ về nạn kiểm duyệt tại Âu Châu. Còn Á Châu thì sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tại Á Châu thì một trung tâm của thế giới
thời xưa là Trung Quốc lại có chế độ kiểm duyệt còn hà khắc hơn nữa của
hệ thống Khổng Nho. Nó giữ vị trí độc tôn và bóp nghẹt tư tưởng của cả
xã hội. Trung Quốc cũng là nơi xuất phát các chuyến hải hành viễn duyên
đầu tiên của nhân loại vào đầu thế kỷ 15 nhờ một Đô đốc Hồi giáo là Tam
bảo Thái giám Trịnh Hoà. Nhưng rồi họ vẫn bị lệnh "Hải Cấm" vào đời
Minh, đời Thanh, là khi triều đình cấm đóng tầu ra biển. Thậm chí còn có
cả lệnh "Thiên Hải" là bắt dân lui khỏi bờ biển 50 dậm để tránh tiếp
xúc với bên ngoài hay khỏi bị bên ngoài tấn công từ Đài Loan. Trong hoàn
cảnh tự thu hẹp tầm nhìn như vậy thì xứ sở lạc hậu và lụn bại dần.
- Người ta cứ nói đến một nguyên nhân của sự nghèo hèn tại Trung Quốc
là bị liệt cường sâu xé và bóc lột chứ không nêu câu hỏi là vì sao một
cường quốc Á Châu như Trung Quốc lại bị các nước tấn công và khuất phục
quá nhiều lần trong cả ngàn năm, kể từ đời Tống vào Thế kỷ thứ 10 cho
đến Thế kỷ 20 vừa qua? Sự lụn bại của họ có nguyên nhân nội tại bên
trong, chứ không phải là họ không có tham vọng bành trướng và áp đảo
thiên hạ.
Vũ Hoàng: Chúng ta trở lại Âu Châu với hai cuộc cách mạng công nghiệp như ông vừa nói tới. Sự thể khởi đầu ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin lấy hai thời điểm cho dễ nhớ về
cuộc cách mạng công nghiệp đã làm thế giới đổi thay khác hẳn khoảng thời
gian ngàn năm đằng đẵng trước đó. Thứ nhất là năm 1750 khi nhà phát
minh và kỹ sư James Watt của xứ Scotland tại phía Bắc của nước Anh chế
tạo máy hơi nước đầu tiên để thay cho sức người, từ đó ta mới có các
loại dụng cụ, cơ giới và tầu bè với công xuất cao gấp bội. Thứ hai là
năm 1870 là khi Hoa Kỳ nối tiếp bằng cuộc cách mạng điện khí, từ đó về
sau ta mới có nhà máy điện, các loại điện thoại và điện thị như truyền
hình, phim ảnh, các loại khí xa là xe hơi, xe hỏa, phi cơ, rồi xa lộ,
đường xe lửa, và nhà cửa, v.v...
- Trước sau 120 năm, hai cuộc cách mạng kỹ nghệ cùng xuất hiện vào một
năm Canh Ngọ đã đảo lộn thế giới và tạo ra bước phát triển của các nước
Tây phương. Chỉ sau đó người ta mới có lý luận và tư tưởng về kinh tế để
ít nhiều giải thích sự thịnh suy của xã hội. Nhưng khởi đầu cho mọi sự,
yếu tố then chốt vẫn là thông tin. Nói cách khác, thông tin là sức mạnh
dời núi lấp sông.
Kiểm duyệt là sự lạc hậu
Vũ Hoàng: Vì sao ông chú trọng đến yếu tố thông tin hơn cả?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, vì sao người ta cần phát minh ra
một điều cơ xảo trước đấy chưa có? Lý do là để giải quyết một nhu cầu
nào đó theo một cách tiện lợi hơn so với công sức phải bỏ ra. Nhưng
người phát minh, thí dụ như ông James Watt hay Thomas Edison, không nhất
thiết là người đầu tiên khám phá ra các quy luật vận hành về vật lý,
hóa học hay toán học. Họ có thể áp dụng một khám phá của người khác, mà
sở dĩ áp dụng được là nhờ thông tin.
- Vào thời đại của các nhà phát minh nổi tiếng nói trên, thông tin về
học thuật của Âu Châu hay của Hoa Kỳ đã được phổ biến tương đối sâu rộng
hơn trước. Cho nên khi họ mày mò tìm kiếm thì cũng có cả trăm người Âu
Mỹ khác đang nghiên cứu về các bài toán tương tự để tìm giải đáp. Hệ
thống thông tin càng rộng mở thì càng nhiều người có cơ hội góp công hay
góp tiền để giải quyết bằng một phát minh có giá trị thương mại hay
kinh tế. Ta có thể mường tượng là cùng lúc đó, Á Châu cũng có vài nhà
bác học đã lờ mờ hiểu ra quy luật, nhưng có thể là những thiên tài cô
đơn vì chung quanh ít ai hiểu ra những vấn đề mà họ muốn giải quyết.
- Thành thử, sức phát triển mạnh hay yếu của một xã hội hay quốc gia có
thể tùy thuộc vào lượng thông tin khả dụng và càng có tự do thì con
người càng có hy vọng đưa kiến thức lên trình độ tinh tế hơn để tìm ra
giải pháp có giá trị hơn. Xã hội càng khép kín thì ta càng có nhiều bác
học hay nhà tư tưởng lủi thủi sống một mình, có khi ở trong tù, hay bị
đưa lên dàn hỏa.
Sức phát triển mạnh hay yếu của một xã hội
hay quốc gia có thể tùy thuộc vào lượng thông tin khả dụng và càng có
tự do thì con người càng có hy vọng đưa kiến thức lên trình độ tinh tế
hơn. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Vũ Hoàng: Hồi nãy, ông có nói đến hai cuộc cách mạng bùng
nổ cách nhau 120 năm ở bên Anh rồi bên Mỹ đã làm thay đổi cả thế giới.
Liệu 120 năm sau cuộc cách mạng thứ nhì vào năm 1870 thì nhân loại có
một cuộc cách mạng khác hay chăng? Hỏi cách khác, năm 1990 có là thời
điểm của cuộc cách mạng về công nghệ tin học hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi không nghĩ thế giới có một quy luật bất
di bất dịch là cứ 120 năm lại có một cuộc cách mạng! Nhưng quả thật là
năm Canh Ngọ 1990 có nhiều biến cố đáng ghi nhớ như việc Liên Xô tan rã,
nước Đức thống nhất, thế giới nói đến toàn cầu hóa và sự xuất hiện của
nền kinh tế tri thức cùng những tiến bộ vượt bậc về tin học. Về chuyện
này thì sau khi đã thấy những tiến bộ đến chóng mặt trong hơn hai thế
kỷ, nhiều người không tin là nhân loại ngày nay lại có bước nhảy vọt thứ
ba với cường độ tương tự, nhờ mạng lưới Internet chẳng hạn. Tôi lại
nghĩ khác và cho rằng chúng ta chưa thể thấy được tầm xa của bước nhảy
vọt này.
Vũ Hoàng: Tức là không nhất thiết cứ đúng 120 năm là nhân
loại lại có một cuộc cách mạng về khoa học hay công nghệ, nhưng ông cho
rằng chúng ta đang đứng trước những đổi thay lớn lao mà mình chưa thể
thấy được tầm xa và tầm cao là lên tới đâu?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin lấy vài ví dụ kinh tế sau đây để ta
mường tượng ra sự thể. So với thời của James Watt vào năm 1750 thì phí
tổn của một đơn vị phát quang như một bóng đèn loại LED ngày nay chỉ bằng một
phần triệu. So với thời của ông Alexander Graham Bell là người phát minh
ra điện thoại vào năm 1867 thì máy điện thoại ngày nay đã rẻ hơn và
tiện dụng gấp triệu lần.
- Nhưng các giải pháp hiện đại không chỉ là cơ khí hay điện tử tối tân
và rẻ hơn xưa gấp bội mà cách mạng về công nghệ tin học còn thúc đẩy
tiến bộ trên nhiều lĩnh vực khác. Chúng ta đều đã thấy người máy tự động
trong hãng xưởng và văn phòng, thấy máy bay rồi xe hơi tự động tức là
không người ngồi sau tay lái. Ngoài ra còn có lĩnh vực "nano" hay siêu
vi, tức là cực nhỏ vì chỉ bằng một phần triệu của một ly, hay công nghệ
sinh học với các phôi bào và cả việc phác thảo bộ gen của cơ thể con
người, ngẫu nhiên cũng khởi sự vào năm Canh Ngọ 1990. Những tiến bộ đó
sẽ cải thiện mọi sinh hoạt của con người, từ nhà ở ra tới nhà trường,
vào nhà máy, nhà thương, v.v. Chúng không chỉ kéo dài tuổi thọ mà còn
kéo dài thời gian sinh động của con người với một lượng thông tin rất
lớn được trao đổi qua vận tốc gọi là tức thời, nhanh như ánh sáng. Nhưng
bước nhảy vọt chúng ta đang chứng kiến lại không nằm ở đó.
Vũ Hoàng: Ông vừa nhắc đến hàng loạt tiến bộ đầy hứa hẹn
của cuộc cách mạng đời thứ ba mà lại nói rằng bước nhảy vọt này không
nằm ở đó. Thưa ông, thế thì đâu mới là bước ngoặt?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin lấy một ẩn dụ của một cuộn chỉ cho
dễ hiểu. Trước khi có máy chạy bằng hơi nước của ông Watt thì ta chỉ có
cái lõi chỉ. Mỗi tiến bộ sau đó là từng vòng chỉ cuốn chung quanh mà
mình dễ nhận ra. Bây giờ, ta có cuộn chỉ lớn gấp bội với cả trăm vòng
chỉ dài hơn, được cuốn thêm hàng ngày hàng giờ mà mình khó thấy ra sự
khác biệt của tiến bộ.
- Thời của ông Watt, cả xã hội Âu Châu chỉ có chừng 100 bộ óc cùng suy
tư về giải pháp và có thể góp sức cho những nhà phát minh đầu tiên. Thời
nay, nhờ có thông tin và giáo dục, thế giới có cả triệu kỹ sư hay
chuyên gia có thể góp phần đẩy mạnh những phát minh tương tự. Đã vậy,
thế giới cũng có cả chục triệu doanh nghiệp lớn nhỏ đang tìm sáng kiến
về sản phẩm hay dịch vụ có thể giảm phí tổn hay tăng lợi nhuận, nhiều
khi chỉ nhờ những phát minh rất tầm thường chẳng đáng đưa lên mặt báo.
Nghĩa là người ta có cả triệu bước tiến bộ nhỏ nhoi không đáng kể và
chẳng so sánh được với những phát minh của hai cuộc cách mạng trước.
Nhưng về lượng thì đấy là những bước tiến đồng bộ. Giữa những bước tiến
ấy vẫn có những phát minh có tính chất đột phá và còn dễ có hơn trước vì
sức tổng hợp của tập thể toàn cầu. Vì vậy, tôi mới nghĩ rằng tự do
thông tin là sức mạnh của phát triển, và kiểm duyệt là sự lạc hậu.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi rất lý thú trước khi ta bước qua năm Ngọ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét